Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Kinh Bản Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Kinh Bản Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Chương 5: Phẩm thứ Tư - Nói Về Nghiệp Cảm Của Chúng Sinh Ở Trong Cõi Nam Diêm Phù Đề

KINH BẢN NGUYỆN CỦA
BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

PHẨM THỨ TƯ
Nói Về Nghiệp Cảm Của Chúng Sinh Ở Trong Cõi Nam Diêm Phù Đề
 
   Lúc bấy giờ, Bồ Tát Địa Tạng liền bạch với Đức Phật rằng: “Kính Bạch Đức Thế Tôn! Con vì nhờ vào sức uy thần của Phật, nên mới phân thân ra, đi khắp mười phương cõi, trăm nghìn vạn ức na do tha các thế giới, cứu vớt những chúng sinh, đang chịu nghiệp báo ác. Nếu không có sức lực, của Đức Phật Thế Tôn, nếu không có quang minh, công đức trí tuệ Phật, thì con sẽ chẳng thể phân thân được như thế. Con nay thật may mắn, được Phật phó chúc cho, ở lại đời sau này, đợi cho đến khi nào, Đại Bồ Tát Di Lặc, tu hành được thành Phật, thì con phải độ thoát, hết thảy người có duyên, ở khắp trong ba đường, sáu nẻo của chúng sinh, con nay xin kính nguyện, vâng lời Đức Như Lai, cúi xin Đức Như Lai, đừng lo lắng bận tâm”.
Bấy giờ Đức Phật, liền bảo với Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Hết thảy các chúng sinh, khi chưa được giải thoát, tính tình không an định, thường làm các việc ác, kết thành các cấu nghiệp, rồi chịu quả báo khổ; hoặc cũng có những người, biết làm các việc thiện, cứu giúp cho chúng sinh, thì được quả báo tốt. Làm thiện hay làm ác, tùy theo cảnh nghiệp khởi, luân chuyển trong sáu đường, không lúc nào dừng nghỉ, trải qua nhiều kiếp số, giống như hạt bụi trần, thường mê hoặc chướng nạn, như cá kia trong lưới, cứ theo dòng nước chảy, thoạt vào lại thoát ra. Vì những chúng sinh ấy, vậy nên Đức Như Lai, thương xót mà tế độ, cùng phó chúc cho ông, ông đã từ bao đời, thường phát ra đại nguyện, cứu giúp khắp chúng sinh, độ thoát cho hết thảy, thì nay Đức Như Lai, còn gì lo lắng nữa”.
   Vừa nói đến đây, ở giữa trong pháp hội, ngay tại lúc bấy giờ, có một Đại Bồ Tát, tên Định Tự Tại Vương, liền khởi thân đứng dậy, mà bạch Đức Phật rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát Địa Tạng, từ bao nhiêu kiếp trước, phát ra đại nguyện gì, chứa nhóm các công đức, tu tập hạnh nghiệp gì? Mà trong ngày hôm nay, được Đức Phật Thế Tôn, ân cần và ngợi khen, phó chúc cho như thế? Kính xin đức Thế Tôn, vì chúng hội nơi đây, mà nói sơ lược qua, cho chúng đều được biết”.
   Khi ấy Đức Phật, liền bảo với Bồ Tát Định Tự Tại Vương rằng: “Ông nay hãy lắng nghe, và suy nghĩ cho khéo, Ta nay sẽ vì ông, mà phân biệt giảng nói. Nguyên về ở đời trước, cách đây đã rất lâu, không thể nào tính đếm, là bao nhiêu kiếp số. Khi ấy có Đức Phật, xuất thế trụ trên đời, Đức Phật ấy hiệu là: Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Công đức Ngài viên mãn, có đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật-Thế Tôn. Thọ mạng Đức Phật ấy, trải qua sáu vạn kiếp. Khi Ngài chưa xuất gia, Ngài là một vị Vua, cai trị trong một nước, rất an lạc vui vẻ. Bấy giờ nước lân bang, cách đó không bao xa, cũng có một vị Vua, tài đức đều vẹn toàn, hai Vua liền kết bạn, nguyện tu mười điều lành, đem các việc lành đó, khuyên dạy cho chúng sinh. Bấy giờ ở bên cạnh, cũng có một nước nhỏ, ông vua trong nước ấy, thường làm các việc ác, khiến cho cả dân chúng, sống điêu đứng lầm than. Hai vị Vua hiền kia, bèn dùng các phương tiện, khiến cho cả vua tôi, ở trong đất nước đó, biết bỏ ác làm lành, biết lánh dữ hành thiện. Nên hai vị Vua kia, mới phát thành đại nguyện: Một vị phát đại nguyện, cầu mong sớm thành Phật, để độ cho chúng đó, đều sẽ được giải thoát; Một vị thì phát nguyện, ở lại đời sau này, trụ thế thật lâu dài, để giáo hóa chúng sinh, khiến hết thảy chúng đó, không còn sót một ai, tất cả được giải thoát, mới chứng quả Bồ Đề”.
   Đức Phật liền bảo, Bồ Tát Định Tự Tại Vương và chúng hội rằng: “Ông Vua phát nguyện trước, cầu mong sớm thành Phật, chính là Đức Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai. Còn ông phát nguyện sau,  nguyện trụ thế lâu dài, để độ thoát chúng sinh, không sót lại một ai, nay ở tại nơi đây, chính là Bồ Tát Địa Tạng Ma Ha Tát”.
Lại về một đời xưa, cách đây vô lượng vô biên A tăng kì kiếp, có một Đức Như Lai, khi xuất hiện ở đời, cứu độ khắp chúng sinh, pháp hiệu của Ngài là: Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Thọ mệnh của Phật đó, lâu tới bốn mươi kiếp. Trong thời kì tượng pháp, có một vị A La Hán, được công đức trí tuệ, siêu thắng hơn tất cả, và phát ra đại nguyện, cứu độ các chúng sinh. Nhân chuyến đi giáo hóa, gặp một người con gái, dòng dõi Bà La Môn, có tên là Quang Mục. Quang Mục gặp La Hán, liền cung kính cúng dàng. La Hán kia hỏi rằng: “Con muốn cầu nguyện gì?” 
   Quang Mục liền thưa rằng: “Hôm nay nhân là ngày, húy kị của mẹ con, con muốn nhờ phúc Ngài, cứu giúp cho mẹ con, không biết hiện bây giờ, mẹ con thác chỗ nào?”. Đại A La Hán kia, chạnh lòng và thương cảm, liền nhập vào chính định, quán thấy mẹ Quang Mục, đang đọa trong đường ác, chịu cực khổ vô cùng. Đại A La Hán kia, hỏi lại Quang Mục rằng: “Lúc mẹ con còn sống, thường làm các nghiệp gì, mà nay đang chịu khổ, ở trong đường ác kia?”
   Quang Mục liền thưa rằng: “Mẹ của con xưa kia, khi còn sống ở đời, thường thích ăn thịt cá, ba ba, chim, thú rừng... không chỉ là như thế, mà còn thích ăn trứng, của các loài chúng sinh, con vừa kể ở trên. Hoặc rán, nấu, chiên, xào, khởi tâm thích mà ăn, mạng những chúng sinh ấy, kể ra nhiều vô số. Xin Tôn Giả thương xót, từ mẫn chỉ bảo cho, con biết cách cứu mẹ, sớm thoát khỏi đường ác”.
   Đại A La Hán kia, thương xót mở phương tiện, khuyên bảo Quang Mục rằng: “Con nên trang nghiêm thân, giữ tâm cho thanh tịnh, dốc một lòng chí thành, mà cung kính trì niệm, danh hiệu của Đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai. Lại tô vẽ tượng Ngài, và cúng dàng chùa tháp, thì được công đức lớn, chẳng thể nghĩ bàn được, kẻ còn và người mất, cả hai đều lợi lạc, con đem công đức ấy, để hồi hướng cho mẹ, thì khiến mẹ của con, mau thoát địa ngục khổ”.
   Quang Mục vừa nghe xong, liền xả bỏ tài vật, sở thích của bản thân, đem bán đổi lấy tiền, để sưu tầm đắp vẽ, hình tượng Đức Phật kia, mà cung kính cúng dàng. Lại dùng một lòng thành, trì niệm danh hiệu Phật, đem hồi hướng cho mẹ, mong sớm được giải thoát. Giữa khoảng đêm hôm ấy, bỗng nhiên trong định thấy, Đức Phật sắc vàng ròng, như Núi Đại Tu Di, phóng quang minh chiếu khắp, bảo với Quang Mục rằng: “Chẳng bao lâu sau nữa, mẹ con được đầu thai, ở ngay trong nhà con, làm con người hầu gái, khi vừa mới sinh ra, đã liền biết nói ngay”.
   Quả nhiên chẳng bao lâu, đứa hầu gái trong nhà, sinh ra một em bé, chưa đầy ba ngày tuổi, đã biết nói rõ ràng; cúi đầu thương khóc bảo, con gái Quang Mục rằng: “Nghiệp báo ta gây nên, thật rõ ràng chẳng sai, ai làm thời nấy chịu, như bóng đi theo hình. Ta xưa là mẹ con, nhưng không biết làm lành, chết đi đọa địa ngục, chịu khổ báo vô cùng, ở trong chỗ tối tăm, ăn năn mong thoát khỏi. Nay nhờ phúc của con, mẹ mới được đầu thai, nhưng thọ mạng không lâu, sinh làm người hèn hạ. Đến năm mười ba tuổi, thì liền bị chết non, khi thân ấy chết đi, liền đọa vào đường ác. Con có biết cách gì, cứu giúp mẹ được chăng?”
Quang Mục vừa nghe xong, biết chính là mẹ mình, không một chút nghi lầm, nghẹn ngào mà khóc thương, liền thưa với đứa trẻ kia rằng: “Nếu quả là mẹ tôi, chắc biết rõ tội căn, xưa kia tạo nghiệp gì, mà bị đọa đường ác?”
   Con của người ở kia, liền thưa với Quang Mục và mọi người xung quanh: “Vì hai nghiệp giết hại, cùng chửi rủa mọi người, bởi thế nên hôm nay, phải chịu mọi đau khổ. Nếu chẳng nhờ vào con, tu phúc giải trừ cho, thì hai nghiệp xưa kia, bao giờ mới thoát được”.
Quang Mục lại hỏi rằng: “Sự thể của tội báo, trong địa ngục thế nào?” 
   Con của người ở kia, bảo với Quang Mục rằng: “Những nỗi khổ tội nhân, ở nơi địa ngục đó, thật nhiều đến vô lượng, dù cho có nói ra, trăm nghìn muôn ức kiếp, cũng chẳng thể kể hết, khổ đau thật vô cùng”.
Quang Mục vừa nghe xong, lòng bi thương ảo não, hai ngấn lệ tuôn trào, khóc nấc hướng trên không, chắp tay mà bạch rằng: “Xin nguyện cho mẹ con, thoát khỏi địa ngục khổ, được hưởng vui nhân thiên, và hưởng vui Niết Bàn. Hết kì mười ba tuổi, không còn đọa đường ác. Xin mười phương chư Phật, từ bi thương chứng cho, con vì mẹ phát nguyện, thề độ hết chúng sinh. Nguyện mẹ con sau này, vĩnh viễn xa đường ác, mãi mãi chẳng bao giờ, phải thụ thân nữ nữa. Xin Đức Phật Thế Tôn Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, chứng biết cho tâm con, con phát đại thệ nguyện: Nguyện từ nay trở đi, đến muôn nghìn ức kiếp, hễ có thế giới nào, còn chúng sinh chịu khổ, ở trong ba đường ác và các chỗ tối tăm, thì con còn ở đời, để cứu độ hết thảy, khiến cho các chúng đó, đều được lên bờ giác, bấy giờ con mới chứng, đạo Vô Thượng Bồ Đề”.
   Lời nguyện vừa dứt xong, liền nghe trên hư không Đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, lớn tiếng mà bảo rằng: 
     Này con! Quang Mục ơi!
     Con thật có lòng từ.
     Lòng bi mẫn của con,
     Duy Như Lai biết được.
     Con vì mẹ thiết tha,
     Mà phát đại thệ nguyện.
     Độ cho khắp chúng sinh,
     Đồng thành ngôi Chính Giác.
     Vì đại nguyện của con,
     Mà mẹ con thoát khổ.
     Hết mười ba năm nữa,
     Mẹ con bỏ báo thân.
     Được sinh dòng Phạm Chí,
     Thọ lâu cả trăm tuổi.
     Hết báo thân đó rồi,
     Được  sinh cõi Vô Ưu.
     Thọ mệnh vô cùng tận,
     Trải hằng hà sa kiếp.
     Rồi tu đến thành Phật,
     Độ hết thảy chúng sinh.
   Bấy giờ Đức Phật, liền bảo với Bồ Tát Định Tự Tại Vương rằng: “Vị Đại A La Hán xưa, lấy phúc độ cho Quang Mục, nay trong chúng hội đây, là Bồ Tát Vô Tận Ý, mẹ Quang Mục xưa kia, nay là Bồ Tát Giải Thoát, còn Quang Mục xưa kia, nay là Bồ Tát Địa Tạng. Biết bao nhiêu kiếp trước, Bồ Tát Địa Tạng đây, đã tu tập công đức, chứa nhóm lòng từ bi, phát đại thệ nguyện sâu, trải muôn nghìn ức lần, như cát của sông Hằng, khắp đại thiên thế giới, rộng độ các chúng sinh, dần dần cho thoát khổ. Vậy nên đời sau này, có thiện nam, tín nữ, chẳng chịu làm việc thiện, chỉ ham làm việc ác, chẳng tin có nhân quả, hay báng phá Tam Bảo, giết các loài sinh linh, biếng lười thường trộm cắp, sống hoang dâm vô độ, thường nói lời vọng ngữ, thích say sưa rượu chè, si mê qua tháng ngày. Những chúng sinh như thế, khi sống mọi người khinh, tới khi nghiệp báo đến, chết đọa vào đường ác.
   Nếu gặp thiện tri thức, bảo cho biết quy y, với Bồ Tát Địa Tạng, dù chỉ trong phút giây, được công đức vô lượng, nhờ những công đức đó, liền thoát ba đường khổ. Nếu dốc lòng quy y, cung kính và lễ lạy, dùng những lời từ hòa, xưng dương cùng tán thán; đem hương hoa, y phục, trân châu các thứ báu, cùng đồ ăn thức uống, mà cúng dàng Bồ Tát, thì trăm nghìn vạn kiếp, thường được sinh cõi Trời, hưởng sự vui vô thượng, thật chẳng thể nghĩ bàn. Khi phúc Trời hưởng hết, được sinh xuống nhân gian, trải muôn nghìn ức kiếp, thường sinh làm vua chúa, và nhớ được nhân duyên, quả báo của đời trước”.
   Lúc bấy giờ, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền bảo với Bồ Tát Định Tự Tại Vương rằng: “Ông và chúng hội đây, nay phải nên biết rõ, Bồ Tát Địa Tạng đây, có sức đại uy thần, thật chẳng thể suy lường, cũng chẳng thể nghĩ bàn, thường giáo hóa chúng sinh, độ thoát cho hết thảy. Các ông Đại Bồ Tát, chúng Thiên, Long, Quỷ, Thần, phải hộ trì Kinh này, truyền bá cho rộng khắp”.
   Ngay khi ấy, Bồ Tát Định Tự Tại Vương liền bạch với Đức Phật rằng: “Kính lạy Đức Thế Tôn, xin đừng quá bận tâm, chúng con trong hội đây, có trăm nghìn vạn ức, Bồ Tát Ma Ha Tát, thường vâng theo lời Phật, mà biên chép diễn giảng, Kinh của Phật phó chúc, rộng ra khắp các nơi, cõi Nam Diêm Phù Đề, khiến cho các chúng sinh, thảy đều được lợi ích”.
   Tác bạch vừa xong rồi, Bồ Tát Định Tự Tại Vương cung kính và chắp tay, đối trước Đức Thế Tôn đỉnh lễ mà thoái lui.
   Lúc bấy giờ, có bốn vị Thiên Vương, rời tòa ngồi đứng dậy, cung kính và chắp tay, bạch với Đức Phật rằng: “Kính lạy Đức Thế Tôn! Bồ Tát Địa Tạng đây, từ bao kiếp đến nay, phát nhiều đại nguyện lực, vì sao đến hôm nay, chưa độ hết chúng sinh? Cúi xin Đức Thế Tôn, thương xót chỉ bảo cho”.
   Ngay khi ấy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền bảo với bốn vị Thiên Vương ấy rằng: “Hay thay! Hay thay! Này chư vị Thiên Vương, Như Lai ngày hôm nay, sẽ vì Ông mà nói. Lại vì chúng Trời Người, đời này và đời sau, rộng mở nhiều lợi ích, nói ra các phương tiện; bản nguyện của Địa Tạng, vì thương xót chúng sinh, đắm chìm trong biển khổ, nơi cõi Diêm Phù Đề, nên thực hành đại nguyện, tế độ cho hết thảy”.
Lúc bấy giờ, bốn vị Thiên Vương liền bạch với Đức Phật rằng: “Kính xin Đức Thế Tôn, chúng con muốn được nghe”.
   Ngay bấy giờ, Đức Phật liền bảo với bốn vị Thiên Vương kia rằng: “Bồ Tát Địa Tạng đây, từ bao kiếp đến nay, độ thoát nhiều chúng sinh, nhưng vẫn chưa thỏa nguyện. Vì lòng đại từ bi, thương xót các chúng sinh, nên mới thường phát ra, đại nguyện sâu như thế. Bồ Tát Địa Tạng đây, trụ Nam Diêm Phù Đề, trong thế giới Sa Bà, dùng trăm nghìn vạn ức, pháp phương tiện thiện xảo, để giáo hóa chúng sinh. Này bốn ông Thiên Vương, Đại Bồ Tát Địa Tạng, nếu gặp kẻ sát sinh, thì dạy cho quả báo, còn sống thời bệnh tật, và thường bị chết yểu; nếu gặp kẻ trộm cắp, thì dạy cho quả báo, sống bần cùng khốn khổ, chết đi đọa nẻo ác; nếu gặp kẻ tà dâm, thì dạy cho quả báo, sống nhiều bệnh, không vui, chết đọa làm súc sinh; nếu gặp kẻ ác khẩu, dùng lời lẽ cay độc, thường mắng nhiếc người khác, thì dạy cho quả báo, họ hàng chẳng an vui, thường mắng nhiếc đánh nhau; nếu gặp kẻ khinh chê, hay coi thường người khác, tự  cao cho mình hơn, thì dạy cho quả báo, sống không người yêu thương, ngọng câm miệng lở loét; nếu gặp kẻ nóng giận, thì dạy cho quả báo, thân hình thời xấu xí, thường ốm đau tật bệnh; nếu gặp kẻ bỏn xẻn, thì dạy cho quả báo, cầu chi cũng chẳng được, sống bần cùng khổ sở; nếu gặp kẻ buông lung, thích săn bắn giết hại, các loại chim-muông-thú, thì dạy cho quả báo, thường điên cuồng loạn tâm, và mất mạng chết yểu; nếu gặp kẻ trái nghịch, bất hiếu với cha mẹ, ông bà cùng tổ tiên, thì dạy cho quả báo, sống không ai gần gũi, bị trời tru đất diệt; nếu gặp kẻ đốt núi, chặt phá các cây rừng, làm tổn hại sinh linh, thì dạy cho quả báo, sống thì nhiều bệnh tật, điên cuồng cho đến chết; nếu gặp kẻ làm mẹ, cha, dượng, hay dì ghẻ, ác độc chẳng thương con, thì dạy cho quả báo, chết đi đầu thai lại, chịu roi vọt như thế; nếu gặp kẻ ác tâm, dùng lưới đánh bắt chim, khiến chúng kia tan tác, thì dạy cho quả báo, gia đình không yên vui, bị cốt nhục chia lìa; nếu gặp kẻ khinh chê, và hủy báng Tam Bảo, tự cống cao ngã mạn, thì dạy cho quả báo, sống đui, điếc, ngọng, câm, chết đọa ba đường ác; nếu gặp kẻ khinh chê, giáo pháp của Đức Phật, ác tâm đốt xé Kinh, thì dạy cho quả báo, luân chuyển trong ba đường, không biết ngày nào ra; nếu gặp kẻ ác tâm, phá hoại của thường trụ, hoặc lợi dụng thường trụ, để làm nghề mưu sinh, sống buông lung hưởng thụ, thì dạy cho quả báo, tới khi chết thân này, ức kiếp đọa địa ngục; nếu gặp kẻ tà ác, phá phạm hạnh Tăng Ni, hoặc vu oan phỉ báng, đánh đập cùng chửi bới, nhẫn đến cho giết hại, thì dạy cho quả báo, sống chẳng được ai ưa, chết mãi làm súc sinh; nếu gặp kẻ sát sinh, thui-nấu-rán-chặt-băm... ăn uống cho ngon miệng, thì dạy cho quả báo, sống thời phải thường mạng, chết đọa trong đường ác; nếu gặp kẻ phạm trai, và phá giới của Phật, phóng túng chẳng ăn năn, thì dạy cho quả báo, đời sau làm cầm thú, đói khát nhiều tật bệnh; nếu gặp kẻ phung phí, tài vật của thế gian, thích ăn chơi trác táng, thì dạy cho quả báo, tới khi phúc báo hết, sống thiếu hụt khốn khổ; nếu gặp kẻ kiêu căng, cống cao và ngã mạn, luôn nịnh trên khinh dưới, thì dạy cho quả báo, đời này và đời sau, luôn bị người sai khiến; nếu gặp kẻ hai lưỡi, hay chọc phá người khác, khiến cho họ ghét nhau, thì dạy cho quả báo, ngọng câm không có lưỡi, hoặc nhiều lưỡi khổ đau; nếu gặp kẻ tà kiến, phá trí tuệ của người, coi khinh bậc tri thức, thì dạy cho quả báo, tới khi mất thân này, đời sau sinh biên địa”.
   Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo với bốn vị Thiên Vương và đại chúng trong pháp hội rằng: “Tập khí ác chúng sinh, cõi Nam Diêm Phù Đề, do ba nghiệp tạo ra, nhiều chẳng thể kể xiết, bởi thế mà báo ứng, theo nhau mãi chẳng thôi, nếu Như Lai nói ra, muôn ức kiếp chưa hết. Nghiệp cảm của chúng sinh, cõi Nam Diêm Phù Đề, sai biệt chẳng giống nhau, nhân nào thời quả đó, nên Bồ Tát Địa Tạng, dùng trăm nghìn phương tiện, dẫn dắt cho dần dần, khiến đều được giải thoát. Lại có các chúng sinh, thường làm các việc ác, bởi vì thế cho nên, phải đọa vào ngục khổ, nhiều kiếp ở trong đó, biết bao giờ thoát ra, bởi thế các Ông nay, phải hộ trì dạy khuyên, nhân dân trong các nước, cõi Nam Diêm Phù Đề, khiến cho họ bỏ ác, làm lành và hành thiện, chớ để cho nghiệp cảm, mãi mê hoặc chúng sinh”.
   Ngay khi ấy, bốn vị Thiên Vương vừa được nghe Đức Phật nói xong, lòng tràn đầy bi thương, nước mắt chảy giàn giụa, rồi nghiêng mình kính cẩn, chắp tay mà đỉnh lễ, nhiễu quanh Phật ba vòng, từ từ mà thoái lui”.
KINH BẢN NGUYỆN CỦA
BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

HẾT QUYỂN THƯỢNG
      Trên cung Trời Đao Lợi,
      Phật phóng đại quang minh.
      Thị hiện thần thông lớn,
      Tuyên thuyết Kinh Địa Tạng.
      Giữa cõi đời ngũ trược,
      Ác thế khó tin theo.
      Nên phó chúc Địa Tạng,
      Dùng đại thệ nguyện sâu.
      Cứu độ cho hết thảy,
      Lũ chúng sinh ương ngạnh.
      Khiến tất cả chúng đó,
      Đều lìa khổ được vui.
- Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Phật.        ( 3 lần ) o
- Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.                                                        ( 3 lần ) o
/15
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây