Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 168: [THƯ 168]: Trả lời thư anh em ông Châu Mạnh Do

Mẹ các ông tuổi đã cao, đối với pháp Tịnh Độ còn chưa thể nỗ lực tu trì, hãy nên thường kể cùng bà cụ nỗi khổ luân hồi sáu nẻo, sự vui trong thế giới Cực Lạc. Con người sống trong thế gian, siêu thăng rất khó, đọa lạc thật dễ. Nếu không vãng sanh Tây Phương, đừng nói chi nhân đạo chẳng đáng tin tưởng, dù sanh lên trời phước thọ thật dài lâu, hễ phước lực hết vẫn bị đọa lạc trong nhân gian y như cũ, cũng như phải chịu khổ trong Tam Đồ ác đạo! Nếu không biết Phật pháp thì chẳng biết làm sao, nay đã hiểu đại khái Phật pháp, há nhường một mối đại lợi ích này cho người khác, còn chính mình đành lòng luân hồi trong sáu nẻo, thoạt chìm thoạt nổi, vĩnh viễn không có ngày thoát khỏi ư? Nói như vậy sẽ có thể làm cho thiện căn đời trước của cụ được phát khởi bèn tin nhận phụng hành! Bồ Tát độ sanh tùy thuận cơ nghi, trước hết dùng Dục để lôi kéo, sau mới dạy cho nhập Phật trí. Ông tận lực tu tập hiếu hữu[29] và đem pháp môn Tịnh Độ khuyên dạy quyến thuộc của chính mình cùng hết thảy kẻ hữu duyên đồng làm người trong hội Liên Trì thì công đức lớn lắm!

Người đời có bệnh và có những chuyện tai nạn, nguy hiểm v.v… nhưng chẳng biết niệm Phật, tu thiện, cứ lầm lạc muốn cầu đảo quỷ thần, bèn giết hại sanh mạng, nghiệp chồng thêm nghiệp, thật là đáng thương! Con người sống trong thế gian phàm có cảnh duyên đa phần do túc nghiệp. Đã mắc bệnh khổ thì phải niệm Phật tu thiện, sám hối nghiệp cũ, hễ nghiệp tiêu, bệnh liền lành! Những quỷ thần kia còn đang ở trong biển nghiệp, làm sao có thể tiêu nghiệp cho người khác được? Dẫu là vị chánh thần có đại oai lực thì oai lực của vị ấy sánh với oai lực của Phật, Bồ Tát khác nào lửa đom đóm sánh với ánh sáng mặt trời! Đệ tử Phật chẳng hướng về Phật, Bồ Tát cầu đảo lại hướng về quỷ thần cầu đảo. Đấy chính là tà kiến, chính là trái nghịch lời Phật dạy, không thể không biết!

Lại nữa, hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ, là vị lai chư Phật, lẽ ra phải nên kiêng giết, cứu mạng, yêu tiếc sanh mạng loài vật, chớ thuận theo tri kiến thế tục, cho là phải cung phụng miếng ngon vật lạ cho cha mẹ mới là hiếu. Những kẻ chưa nghe được Phật pháp đó chẳng biết sự lý luân hồi lục đạo, lầm tưởng như vậy là hiếu, còn tha thứ được. Chớ nếu là người đã nghe biết Phật pháp, lại giết cha mẹ, thân thuộc quá khứ để phụng dưỡng cha mẹ hiện tại cũng như để ma chay, cúng giỗ v.v… thì chẳng những không phải là hiếu đạo mà còn trở thành ngỗ nghịch nữa! Vì vậy, những bậc thông đạt do nghe được chân thật nghĩa đế của Phật pháp bèn chẳng chịu hành theo những pháp quyền biến của thế gian, bởi những pháp quyền biến ấy đều là thuận theo tình kiến mê muội của thế tục mà lập, chứ không phải là đạo thấy thông suốt nhân quả ba đời của đức Như Lai. Nếu muốn hiểu sâu hơn, hãy đọc những bài văn khuyên kiêng giết trong bộ Văn Sao và bài Phổ Khuyến Giới Sát Vãn Kiếp Văn (văn khuyên khắp mọi người kiêng giết để vãn hồi kiếp vận) trong bộ Quán Âm Tụng ắt sẽ tự biết.

Người niệm Phật nếu mắc bệnh hãy nên một dạ đợi chết. Nếu tuổi thọ chưa hết sẽ chóng lành bệnh, vì toàn thân buông xuống niệm Phật có thể tiêu được nghiệp chướng mạnh nhất. Nghiệp tiêu, bệnh sẽ lành. Nếu không buông xuống được, cứ muốn cầu lành bệnh thì vẫn chưa thể lành bệnh được, mà cũng chắc chắn không cách gì vãng sanh được vì chẳng nguyện vãng sanh! Nếu không hiểu rõ những đạo lý này, há còn có thể cậy vào Phật từ lực được ư? Đối với bệnh của mẹ ông, hãy khuyên bà cụ nên buông xuống, cầu vãng sanh. Nếu tuổi thọ chưa hết, đâm ra sẽ ra mau lành bệnh, vì tâm chí thành nên được Phật từ gia bị. Mong ông hãy uyển chuyển khuyên mẹ, đừng bắt chước kẻ si nói lời ngây ngô!

Hôm qua nhận được thư Thủ Lương, biết mẹ ông chưa thật sự phát tâm cầu sanh. Mẹ đang bệnh đừng nhắc đến chuyện đó, chỉ khuyên mẹ chí tâm niệm Phật sẽ được Phật gia bị khiến cho thân tâm an lạc. Đợi khi nào cụ khỏe hẳn, hãy khéo léo khuyên chỉ, khiến cho cụ cầu sanh thì lợi ích lớn lắm. Cũng mong ông đối trước cụ, thay tôi hỏi thăm sức khỏe, cũng như bảo cụ rằng Quang khuyên cụ nên buông xuống hết thảy, nhất tâm niệm Phật, lấy đó làm chuyện trọng yếu cho chính mình, mọi chuyện khác đều phó cho con cháu lo lắng để khỏi gây trở ngại cho lợi ích niệm Phật của chính mình.

Quần Tranh hãy nên biết rõ: Mẹ ông hiện đang có bệnh, mẹ chưa lành bệnh trọn chẳng thể bỏ đi. Nhưng Quang xem ra mẹ ông e rằng khó sống lâu, hãy nên cùng Mạnh Do và Trí Chiêu v.v… hằng ngày thay phiên nhau niệm Phật bên mẹ, khiến cụ niệm theo. Chẳng niệm được thì lặng lẽ nghe. Nếu tuổi thọ đã hết, hành như thế, sẽ quyết định vãng sanh. Nếu tuổi thọ chưa hết, cũng sẽ tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng thiện căn. Nếu ông nhất quyết muốn lên núi, chỉ đành bàn bạc như thế này cùng ông, ngõ hầu hai đằng đều không trở ngại: Hiện nay mẹ ông bệnh chưa khỏi, quyết chẳng thể phát cái tâm ấy. Nếu phát thì cả thế gian lẫn xuất thế gian hai đằng đều trái nghịch. Con người lâm chung được trợ niệm quyết có thể vãng sanh. Không được trợ niệm, hoặc lại vì khóc lóc, chuyển dời, khiến tình yêu mến hay lòng sân hận dấy động thì sẽ khó tránh khỏi bị đọa lạc, nguy hiểm lắm thay! Ông thành tựu được sự vãng sanh cho mẹ thì cũng chính là chánh nhân Tịnh nghiệp của tam thế chư Phật, ấy là “hành Phật sự ngay trong trần lao”,công đức thù thắng vạn phần hơn những chuyện tầm thường khác! Xin hãy bảo cùng Mạnh Do cách trợ niệm này và khuyên mẹ hãy nghe theo lời Quang. Vì mẹ diễn bày Phật pháp cố nhiên là đại thiện, nhưng chuyện thăm hỏi vỗ về cũng càng phải đặc biệt lưu ý thì may mắn lắm!

Mẹ ông phát nguyện gởi tiền cho Quang để tùy ý làm công đức và giúp in bộ Văn Sao hủ bại. Theo cái nhìn hèn tệ của Quang, hễ làm công đức thì phải coi việc khai phát trí thức cho con người là trọng yếu nhất. Quang tính dùng khoản tiền này in Quán Âm Tụng để thí khắp gần xa khiến cho hết thảy mọi người cùng biết Quán Âm Đại Sĩ là bậc nương cậy cho chúng sanh trong pháp giới, tùy loại hiện thân, tầm thanh cứu khổ, lại còn phù tá Phật Di Đà tiếp dẫn chúng sanh. Huống chi thế nhân hiện thời hằng ngày ở trong hoạn nạn, không cách chi ngăn ngừa, gìn giữ được. Nếu ai nấy thấy được sách này, biết ân đức Đại Sĩ, không ai chẳng muốn cậy vào oai lực Ngài để tránh khỏi tai họa.

Đã phát tâm quy y, tin tưởng, nương tựa Đại Sĩ thì tự nhiên sẽ giữ lòng từ thiện, tu sửa lỗi cũ hòng chẳng trái nghịch Đại Sĩ để được che chở, gìn giữ, ban phước. Cõi đời loạn lạc là vì lòng người hiểm ác. Nếu ai nấy đều ngưỡng mộ lòng từ bi của Đại Sĩ, ắt có ngày tự đến được chốn lành. Do vậy, lưu thông sách này lợi lạc vô cùng, so với in những thứ lợi ích tạm thời khác quả thật cách xa một trời một vực! Do chuyện này mẹ ông sẽ tăng phước huệ, tiêu trừ tội khiên, ắt sống được an lạc, mất về Liên Bang. Còn như bộ Văn Sao hủ bại, người trông thấy phát tâm tu thiện niệm Phật rất nhiều, ở đây không viết tường tận.

Vì sao mẹ ông bệnh chẳng thấy lành? Ấy là do túc nghiệp mà ra! Là do báo nặng đời sau chuyển thành báo nhẹ trong hiện tại để giải quyết cho xong ngay lúc này đó vậy! Huyền Trang pháp sư lúc lâm chung cũng có chút bệnh khổ, tâm nghi ngờ những kinh mình dịch có bị sai lầm gì chăng, có một vị Bồ Tát an ủi Ngài: “Do sự khổ nhỏ này, tội báo của Sư trong những kiếp trước đều tiêu cả, chớ hoài nghi!”Hãy nên đem ý này an ủi mẹ ông, khuyên cụ sanh lòng hoan hỷ, đừng sanh lòng oán hận thì quyết định được Phật gia bị. Thọ mạng chưa hết sẽ chóng lành, đã hết sẽ vãng sanh. Phàm nhân trong lúc bệnh khổ nếu nghĩ thoái lui một bước thì an lạc vô lượng.

Gần đây, binh lửa liên miên, may sao chúng ta chưa mắc phải nạn ấy. Tuy có bệnh khổ, nhưng vẫn còn có thể dùng đó làm lời cảnh tỉnh, răn nhắc thoát khổ, phải nên cảm kích, tinh chuyên tu tập thì sẽ tự được lợi ích. Nếu không, oán trời hận người, chẳng những không tiêu được túc nghiệp, lại còn đèo thêm cái nghiệp oán trời trách người! Hãy bảo cùng mẹ ông như thế. Nếu có thể chẳng oán trời trách người, tịnh tâm niệm Phật thì tiêu được nghiệp như nước sôi tan tuyết. Từ khi Quang trở về núi, lúc hồi hướng trong khóa tụng hằng ngày đều hồi hướng cho mẹ ông, cầu Tam Bảo gia bị mạng chưa tận sẽ chóng lành, tuổi thọ đã hết sẽ mau được vãng sanh Tây Phương.

Nhận được thư biết mẹ ông đã niệm Phật vãng sanh bữa mồng Hai, khôn ngăn thương cảm, than thở! Tuy nhiên, các ông đã biết Phật pháp, nên y theo Phật pháp, chăm chú tạo lợi ích cho thần thức của cụ bà, chớ đừng buồn thương vô ích, khiến cho kẻ còn lẫn người mất chẳng được lợi ích gì. Trong lúc ma chay, toàn dùng đồ chay, đừng bị thế tục xoay chuyển. Dẫu bị kẻ chẳng hiểu thời thế chê là không đúng, cũng cứ mặc cho họ cười chê. Tang ma, chôn cất, chớ nên bày vẽ phô trương quá mức. Làm Phật sự chỉ nên niệm Phật, đừng làm Phật sự gì khác, cũng như bảo cả nhà đều khẩn thiết niệm Phật thì đối với mẹ ông, đối với quyến thuộc các ông và thân thích, bằng hữu đều có lợi ích thật sự. Có tài lực thì làm nhiều công đức. Nếu tiền chi tiêu cho tang sự không dư dả thì chuyên lo tang sự là được rồi, đừng gắng gượng bày vẽ, đến nỗi thiếu hụt, để rồi sau này túng quẫn, không nên!

Nhận được thư, biết mẹ ông qua đời rất an lành. Ấy là do mẹ ông xưa kia tích chứa thiện căn cũng như do thiện nguyện trong hiện tại, mà cũng là kết quả của việc các ông giúp cho mẹ được thành tựu. Con người suốt cả một đời chuyện gì cũng có thể giả vờ được, chỉ có lúc sắp chết là không thể giả dối được! Huống chi cụ không có tình ái luyến, vẻ mặt vui tươi, ngồi yên qua đời. Nếu không phải là Tịnh nghiệp thành thục, làm sao được như thế? Chỉ cần nhìn vào anh em ông và gia đình quyến thuộc tích cực vì mẹ niệm Phật, chẳng những bà cụ được lợi ích, mà thật ra so với công đức niệm Phật cho chính mình lại càng lớn hơn. Do vậy, đức Phật dạy con người phàm tụng kinh, trì chú, niệm Phật, làm các công đức đều hồi hướng cho pháp giới chúng sanh. Bình thời còn hồi hướng cho chúng sanh không liên hệ gì với mình, huống gì lúc mẹ mất lại chẳng chí tâm vì mẹ niệm Phật hay sao? Do hồi hướng cho hết thảy chúng sanh chính là phù hợp với thệ nguyện Bồ Đề của Phật, như một giọt nước gieo vào biển cả cũng trở thành sâu rộng như biển cả. Nếu chưa đến được biển, đừng nói chi là một giọt nước, dẫu trường giang, sông lớn hiển nhiên vẫn thua xa biển cả như trời với đất. Do vậy, biết rằng phàm thí cho mẹ và hết thảy mọi người đều chính là tự vun bồi phước cho mình!

Biết được nghĩa này thì người có lòng hiếu sẽ càng tăng trưởng lòng hiếu; kẻ không có lòng hiếu cũng sẽ phát khởi tâm hiếu. Thỉnh Tăng niệm Phật suốt bốn mươi chín ngày rất tốt. Lúc niệm thì anh em ông phải có người hiện diện niệm theo, phụ nữ bất tất phải ngồi sau Tăng. Bởi lẽ, niệm nhiều ngày, ắt quen biết nhau, dễ khiến người ta khởi hiềm nghi! Nên lập riêng một chỗ cho phụ nữ, hoặc cho họ ngồi sau màn, ra vào theo cửa riêng, hai bên chẳng thấy nhau để làm gương cho làng ấp, mở đầu khuôn phép nghi thức tốt đẹp. Nếu tràn lan không giới hạn thì rất có thể người khác bắt chước theo, lâu ngày nẩy sanh thói tệ. Người xưa lập pháp dẫu là thượng thượng nhân cũng phải tuân thủ khuôn phép dành cho kẻ hạ hạ, cho nên không thể có tệ hại.

Anh em ông vì mẹ có thể niệm Phật như thế lại còn vì mẹ in tặng Quán Âm Tụng, Văn Sao v.v… có thiện tâm, tư lương thanh tịnh, và chuyện công đức lợi người như thế há chẳng riêng gì mẹ ông phẩm sen được tăng cao, chắc rằng tổ phụ, tổ mẫu, phụ thân ông và tổ tiên nhiều đời cùng được thấm nhuần pháp lợi, cùng được vãng sanh. Những gì Quang nói vốn có lý có tình, chứ không phải là nói lan man để làm đẹp lòng vui dạ các ông. Con em nhà phú quý đa phần chẳng thành trò trống gì, vốn là do chẳng biết cách thương yêu, hoặc là thiên về cho con tiền tài, hoặc là thiên về cho con ăn mặc sang trọng, mặc sức dùng tiền, ắt đến nỗi ăn bậy thành bệnh. Nếu cho một đứa nào giữ tiền của để kiếm lời, những đứa khác không được sẽ sanh tâm oán cha mẹ, sanh lòng đố kỵ với những anh em, chị em được giữ tiền. Đấy đều chẳng phải là cách dạy con hiếu đễ.

Nếu con gái có tiền, khi lấy chồng sẽ cậy tiền tự kiêu, hoặc khinh thường chồng, hoặc không hiểu việc, đem tiền giúp chồng làm chuyện trái pháp. Muốn con cái thành hiền nhân thì hãy nên vun bồi phước, chẳng nên tích cóp tiền tài. Tài là gốc họa, các ông thấy bao kẻ tay trắng làm nên đều là do không tiền nhưng siêng năng mà được, còn những nhà giàu to không ít kẻ chẳng bao lâu gia sản trống rỗng. Cổ nhân nói: “Để cho con một rương đầy vàng, không bằng dạy con một bộ kinh”. Học được thì học, không học được thì hoặc làm ruộng, làm thợ, buôn bán, mỗi đứa một nghề để làm cái vốn lập thân nuôi gia đình. Nếu con gái có tiền, hiểu biết đạo lý thì tiền sẽ thành cái gốc để giúp cho đạo. Nếu không hiểu đạo lý thì sẽ hại cả con lẫn rể, hại lây đến cháu trai, cháu gái.

Mẹ ông khéo kinh doanh, may là tổ đức nhà ông sâu dầy nên anh em trai, chị em gái đều hiền lành, hòa thuận. Dù mẹ có thương yêu một đứa con nào hơn những đứa khác, cũng chẳng đến nỗi so bì lẫn nhau. Nhưng chẳng thể coi đó là cách hay, phải làm sao cho con cái vĩnh viễn không so đo, nẩy sanh hiềm khích, cũng như không sanh trưởng ý niệm ỷ lại, kiêu căng, ngõ hầu gia đạo hưng thịnh, con cháu đều tuân thủ quy củ. Quang thường hay có cái tánh dài dòng; do anh em ông coi Quang là thầy, chỉ sợ rằng sau này con cái các ông bị mắc hại nên mới lắm lời. Nếu không coi những gì tôi đã nói là không có nguyên nhân, không xem là lời thừa thì may mắn thay! Chỉ mong anh em ông tích cực niệm Phật, đấy chính là báo ân mẹ mà cũng là báo ân Phật vậy.

Cách hỏa táng khi Phật pháp hưng thạnh vào thời Đường - Tống, người tại gia thường dùng. Nhưng hãy nên thuận theo thói đời chôn cất, vì sợ kẻ chấp trước câu nệ sẽ lầm lạc nói ra nói vào, chứ thật ra thiêu sẽ dễ dàng gọn gàng hơn. Qua bốn mươi chín ngày hãy thiêu là ổn thỏa. Chôn lâu ngày rất có thể xương cốt bị phơi bày. Chuyện để tang ba năm không dùng đến lễ nhạc, cố nhiên nên tuân thủ. Đời Thanh trước kia, hễ là quan văn thì phải xin nghỉ cư tang, quan võ không cần phải cư tang do việc quân chẳng thể thiếu sót được, nên chẳng lấy đó làm lệ. Nay thì những thói “phế bỏ luân thường, bất hiếu” nhao nhao khởi lên, chuyện vâng giữ tang chế theo kỳ hạn há còn đáng để nhắc tới hay chăng? Chúng ta nên dựa theo cổ lễ, châm chước mà hành, chớ nên biến đổi hết, nhưng cũng bất tất phải câu nệ!

Những thuyết “đảnh thánh nhãn thiên”[30]quả thật có chứng cứ, nhưng Quang sợ kẻ vô tri chỉ chăm chú thăm dò chỗ nóng - lạnh, ý tôi cho rằng: “Hễ có tín nguyện và lúc lâm chung chánh niệm phân minh bèn được vãng sanh, chẳng cần phải chuyên thăm dò nóng - lạnh để làm chứng cứ”,nên mới nói cũng đừng theo lệ ấy vì sợ rằng thăm dò quá nhiều lần đến nỗi hỏng việc. Không thể không biết [điều này]!

Trong pháp hội Vô Lượng Thọ Như Lai của kinh Đại Bảo Tích[31] có nói những kẻ nghi ngờ hối hận thì gọi là Thai Sanh, cũng có chỗ gọi là Nghi Thành; tức là ước theo chướng ngại, che lấp, ngăn cách, trở ngại cho nên gọi là Thai Sanh, là Nghi Thành. Đó là vì ở trong hoa sen năm trăm năm chẳng thấy Phật, nghe pháp. Sao lại hiểu nghĩa theo kiểu chấp chết cứng vào văn tự, không kể những người ấy vào loại chín phẩm vãng sanh? Phải biết: Tây Phương không có Thai Sanh, cũng không có thành quách. Nói Thai Sanh hay Nghi Thành là ước trên ý nghĩa “chẳng vượt ra khỏi hoa sen và bị ngăn cách với Phật”, nên ví như thai, như thành! Ông chấp chặt vào từ ngữ, cho rằng những người ấy không thuộc vào phẩm sen.

Hạ Phẩm Trung Sanh là sáu kiếp [hoa mới nở], Hạ Phẩm Hạ Sanh là mười hai kiếp; như vậy thành ấy, thai ấy lại càng dày, càng xa. Mười hai kiếp còn gộp trong chín phẩm, sao chỉ năm trăm năm lại lọt ra ngoài? Sao lại không thấy tám chữ “ở trong hoa sen chẳng thể xuất hiện”,hoa sen ấy chẳng phải là sen trong chín phẩm hay sao? Phật pháp vốn chẳng thể nói được, hễ chấp chết vào điều gì thì là vô sự bèn sanh sự, phí hết bút mực vậy! Nói chung, do mình nghi nên bèn [ví như] ở trong thai, ở trong thành, dày còn hơn Thiết Vi. Nếu ngay đó bèn hiểu rõ thì đại địa phẳng phiu, Thiết Vi trọn chẳng còn có nữa. Mạnh Tử nói: “Do ý nghịch chí, cho nên bèn có”[32]. Chỉ một chữ Nghịch ấy cũng là nghi thành. Nếu biết là nghịch sẽ phù hợp cùng ý, Nghi Thành hóa ra không còn nữa! Do vậy, những gã chấp chết cứng suốt ngày giảng nói nhưng suốt ngày nghi ngờ, trái nghịch, đều là vì cái gốc bệnh chấp chết cứng này chưa tiêu được cho nên khó thể đạt được lợi ích thật sự!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ ba

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây