Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 19: [THƯ 19]: Thư gởi cư sĩ Trần Tích Châu

Như Lai xuất thế, thuyết pháp độ sanh, vốn muốn cho hết thảy chúng sanh ngay đây được liễu sanh thoát tử, tự chứng vô thượng giác đạo mà thôi. Nhưng do căn cơ không bình đẳng, chẳng thể rốt ráo diễn giảng thông suốt bản hoài của Phật, chỉ đành tùy thuận cơ nghi, khéo dẫn dụ dần dần. Với kẻ đại căn bàn thẳng lẽ xứng tánh, giảng cho Phật thừa khiến họ ngay trong đời này viên chứng Phật quả, như Thiện Tài trong kinh Hoa Nghiêm, như Long Nữ trong kinh Pháp Hoa v.v…

Hạng kém hơn thì giảng Bồ Tát thừa, Thanh Văn thừa khiến họ dần dần tu tập, dần dần chứng quả. Thấp hơn nữa thì giảng Ngũ Giới, Thập Thiện, khiến cho họ chẳng đọa ác đạo, được thân trời, người, dần dần gieo thiện căn, tùy thiện căn đã gieo lớn hay nhỏ, trong tương lai sẽ nơi pháp tam thừa, tùy thiện lực đời trước phát hiện mà hoặc là nương vào Bồ Tát thừa, tu lục độ vạn hạnh, tự chứng được Pháp Thân, hoặc nương theo Duyên Giác - Thanh Văn thừa, ngộ Thập Nhị Nhân Duyên và pháp Tứ Đế để đoạn Hoặc chứng chân hòng có thể siêu xuất luân hồi, liễu sanh thoát tử.

Những pháp môn này tuy lớn - nhỏ bất đồng, tiệm - đốn đều khác, nhưng mỗi một pháp đều phải do sức chính mình tu tập sâu xa mới hòng đoạn Hoặc chứng chân, mới có thể vượt thoát luân hồi, liễu sanh thoát tử. Nếu trong tam giới, hai thứ Kiến Hoặc, Tư Hoặc dẫu còn sót lại mảy may chẳng đoạn thì căn bản sanh tử chưa thể cắt đứt, dẫu có sức Định Huệ sâu, vẫn cứ y như cũ không nhờ đâu được giải thoát. Ngay như Tam Quả thánh nhân còn phải sanh trong Ngũ Bất Hoàn thiên[63], phải qua nhiều kiếp mới chứng Tứ Quả. Nếu chứng Tứ Quả thì căn bản sanh tử đoạn sạch không sót; nhưng chỉ là Tiểu Quả Thanh Văn, vẫn phải đem Tiểu Quả mình đã chứng hướng về đại đạo của Như Lai, thừa nguyện thọ sanh trong mười phương thế giới, rộng hành lục độ vạn hạnh. Trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh, tùy theo công hạnh của chính mình sâu hay cạn, là Tiệm hay Đốn sẽ dần dần dự vào các địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Đẳng Giác. Đến Đẳng Giác lại phá một phẩm vô minh, chứng một phần tam đức[64], liền nhập địa vị Diệu Giác thành Phật.

Trong giáo pháp cả một đời Như Lai, những pháp môn đã nói tuy vô lượng vô biên, nhưng địa vị chứng nhập rốt ráo chẳng thể vượt ngoài những địa vị như vậy. Tuy Thiền Tông chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật, thật là viên đốn thẳng chóng, nhưng kiến tánh thành Phật là ước trên Pháp Thân vốn có, chứ chẳng luận trên nhân quả tu chứng của phàm thánh. Nếu luận theo địa vị tu chứng thì cũng trọn chẳng khác gì đường lối của bên Giáo. Nhưng trong đời mạt, căn tánh con người hèn kém, tri thức hiếm hoi, còn khó tìm được người ngộ, huống hồ bậc thật chứng!

Như Lai biết các chúng sanh chỉ cậy vào tự lực khó thể liễu thoát, nên ngoài hết thảy các pháp môn, riêng mở một môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ: Chỉ cần chân tín, nguyện thiết tha, dẫu kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác tội lỗi cực nặng, lúc mạng sắp dứt, tướng địa ngục hiện, có thiện tri thức dạy cho niệm Phật. Nếu niệm Phật được mười tiếng, hoặc chỉ mấy tiếng, hoặc chỉ một tiếng, cũng được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Huống hồ những ai tu hành sự thiện thế gian, chẳng tạo các điều ác? Nếu là người tinh tu phạm hạnh, sức thiền định sâu thì phẩm vị vãng sanh càng cao, thấy Phật nghe pháp thật chóng. Dẫu là người đại triệt đại ngộ, đoạn Hoặc chứng chân cũng cần hồi hướng vãng sanh để mong viên chứng Pháp Thân, mau thành Phật quả.

Các pháp môn khác pháp nhỏ thì đại căn chẳng cần tu, pháp lớn thì tiểu căn chẳng thể tu nổi! Chỉ có một môn Tịnh Độ này, độ khắp ba căn, lợi - độn gồm thâu. Trên thì như Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền chẳng thể vượt ra ngoài pháp này, dưới thì Ngũ Nghịch, Thập Ác, chủng tánh A Tỳ địa ngục cũng có thể dự vào. Nếu Như Lai chẳng mở ra pháp này thì chúng sanh đời mạt muốn trong đời này liễu sanh thoát tử trọn chẳng có hy vọng gì! Tuy pháp môn này rộng lớn như thế, nhưng cách tu lại cực giản dị. Do vậy, nếu không phải là kẻ đời trước có thiện căn Tịnh Độ sẽ khó thể tin chắc không nghi. Chẳng những phàm phu không tin, Nhị Thừa còn đa nghi. Chẳng những Nhị Thừa không tin, quyền vị Bồ Tát rất có thể còn ngờ. Chỉ có Đại Thừa Bồ Tát thuộc những địa vị sâu xa mới có thể triệt để thỏa đáng tin tưởng không nghi.

Có thể sanh lòng tin sâu xa đối với pháp này, dẫu là phàm phu đầy dẫy triền phược thì chủng tánh ấy đã trội vượt bậc Nhị Thừa. Ví như thái tử rớt xuống đất, vẫn cao quý hơn quần thần. Tuy tài đức chưa lập, nhưng cậy vào sức vua, cảm được báo như thế. Người tu Tịnh Độ cũng giống như vậy. Do dùng tín nguyện trì danh hiệu Phật, bèn có thể đem cái tâm phàm phu gieo vào biển giác của Phật, cho nên ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu. Muốn nói pháp tu Tịnh Độ mà không nêu đại lược sự khó khăn của các pháp cậy vào tự lực để liễu thoát, và sự dễ dàng của pháp cậy vào Phật lực vãng sanh này thì nếu không nghi pháp cũng sẽ nghi chính mình. Nếu có mảy may tâm nghi sẽ do nghi mà thành chướng. Đừng nói gì không tu, dẫu có tu cũng chẳng thể được lợi ích thật sự rốt ráo. Do vậy phải nói: Một pháp Tín phải gấp gáp suy cầu, ngõ hầu tạo lòng tin sâu xa đến cùng cực vậy!

Nói đến Tín thì phải tin Sa Bà quả thật là khổ, Cực Lạc quả thật là vui. Sa Bà khổ vô lượng vô biên, nói tóm lại chẳng ngoài tám khổ, tức là: sanh, già, bệnh, chết, thương yêu phải xa lìa, oán ghét phải gặp gỡ, cầu không được, Ngũ Ấm hừng hực. Tám nỗi khổ này dù sang đến cực phẩm hay hèn như ăn mày, ai nấy đều có. Bảy nỗi khổ đầu là quả do đời quá khứ cảm thành. Suy nghĩ kỹ ắt tự biết, không cần phải viết tường tận, nói nhiều quá tốn bút mực. Cái khổ thứ tám là Ngũ Ấm hừng hực chính là hiện tại khởi tâm động niệm và những hành động, nói năng, chính là nhân của cái khổ trong vị lai. Nhân quả kéo dắt nhau, nối tiếp không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, không thể giải thoát!

Ngũ Ấm chính là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Sắc chính là cái thân do nghiệp báo cảm thành. Thọ, Tưởng, Hành, Thức chính là cái tâm khởi huyễn vọng khi tiếp xúc cảnh. Do những pháp “thân tâm huyễn vọng” này bèn khởi Hoặc tạo nghiệp nơi sáu trần cảnh như lửa cháy hừng hực chẳng thể ngưng tắt nên gọi là “xí thạnh” (cháy hừng hực) vậy. Ngoài ra, Ấm 陰(bộ Phụ) có nghĩa là che kín, đồng nghĩa với chữ Ấm 蔭 (cũng có nghĩa là che lấp, bộ Thảo), do năm pháp này che lấp chân tánh chẳng thể hiển hiện, như mây dầy che khuất mặt trời. Tuy mặt trời tỏa sáng rực rỡ, trọn chẳng bị tổn giảm, nhưng vì mây che, nên chẳng chiếu sáng được. Phàm phu chưa đoạn Hoặc nghiệp, bị năm Ấm này chướng ngăn, mặt trời trí huệ nơi bầu trời chân tánh chẳng thể hiển hiện, cũng giống như thế. Sự khổ thứ tám này là gốc của hết thảy các khổ.

Người tu đạo sức Thiền Định sâu, đối với cảnh giới sáu trần, trọn chẳng chấp trước, chẳng khởi yêu - ghét. Từ đây gia công dụng hạnh, tiến lên chứng Vô Sanh, Hoặc nghiệp sạch hết, cắt đứt gốc rễ sanh tử. Nhưng công phu này thật chẳng dễ dàng, trong đời Mạt đạt được thật khó. Vì thế nên chuyên tu Tịnh nghiệp, cầu sanh Cực Lạc, nương Phật từ lực, vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh thì liên hoa hóa sanh, không có các khổ. Thuần là tướng đồng nam (bé trai), thọ như hư không, thân không tai biến. Những cái tên như già, bệnh, chết v.v… chẳng còn nghe đến, huống gì thật có. Theo chân thánh chúng, thân cận Di Đà, nước, chim, cây cối đều diễn pháp âm, tùy căn tánh mình do nghe pháp bèn chứng. Thân còn trọn chẳng thể được, huống gì có oán! Nghĩ đến áo bèn có áo, nghĩ ăn bèn có ăn; lầu, gác, nhà, viện đều do bảy báu hợp thành, chẳng nhọc sức người, chỉ là hóa ra. Biến bảy sự khổ nơi Sa Bà thành bảy niềm vui. Lại thêm thân có đại thần thông, có đại oai lực, chẳng lìa chỗ mình liền có thể trong một niệm ở khắp trong mười phương thế giới chư Phật làm các Phật sự, thượng cầu hạ hóa. Tâm có đại trí huệ, có đại biện tài, từ một pháp biết Thật Tướng của các pháp. Tùy cơ thuyết pháp không lầm lạc, dẫu nói bằng ngôn ngữ Thế Đế nhưng đều khế hợp diệu lý Thật Tướng, không có nỗi khổ Ngũ Ấm hừng hực, hưởng niềm vui thân tâm tịch diệt. Vì thế kinh nói: “Không có các khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên gọi là Cực Lạc”.

Sa Bà khổ, khổ không nói nổi; Cực Lạc vui, vui chẳng ví tầy. Tin sâu lời Phật, trọn chẳng nghi hoặc mới gọi là chân tín. Chớ nên dùng tri kiến phàm phu ngoại đạo lầm sanh suy lường, bảo các thứ thù thắng trang nghiêm mầu nhiệm trong Tịnh Độ đều là ngụ ngôn, tỷ dụ tâm pháp, chẳng phải là cảnh thật! Nếu có sự thấy biết tà vạy, sai lầm như thế sẽ mất lợi ích thật sự được vãng sanh Tịnh Độ, tai hại quá lớn! Không thể không biết!

Đã biết Sa Bà là khổ, Cực Lạc là vui, hãy nên phát tín nguyện thiết thực, nguyện lìa Sa Bà khổ, nguyện được Cực Lạc vui. Nguyện khẩn thiết như đang té trong hầm xí mong gấp được thoát ra. Lại như đang bị trói buộc trong lao ngục, tha thiết nhớ đến quê nhà. Sức mình chẳng thể tự ra, ắt phải cầu người có đại thế lực kéo ra. Hết thảy chúng sanh trong thế giới Sa Bà đối với cảnh thuận hay nghịch, khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, ô uế diệu giác minh tâm sẵn có, khác nào hầm xí không đáy. Đã tạo ác nghiệp phải chịu ác báo, trải kiếp dài lâu, luân hồi lục đạo, không được tha khỏi lao ngục.

A Di Đà Phật trong kiếp xưa, phát ra bốn mươi tám nguyện độ thoát chúng sanh, có một nguyện là: “Nếu có chúng sanh nghe danh hiệu ta, cầu sanh nước ta, dẫu chỉ mười niệm, nếu như chẳng sanh, chẳng lấy Chánh Giác”. A Di Đà Phật thệ nguyện độ sanh. Nếu chúng sanh chẳng cầu tiếp dẫn, Phật cũng chẳng làm gì được! Nếu chí tâm xưng danh, thệ cầu xuất ly Sa Bà, không ai chẳng được Phật rủ lòng từ nhiếp thọ. A Di Đà Phật có đại thế lực, cứu được người trong hầm xí không đáy, trong lao ngục không tha, ngay đó được xuất ly, đều được đặt yên nơi quê nhà Cực Lạc vốn có, khiến được nhập Phật cảnh giới, thọ dụng giống như Phật.

Muốn sanh Tây Phương, trước hết phải có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha. Nếu không có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, dẫu có tu hành, chẳng thể cảm ứng đạo giao cùng Phật, chỉ được phước báo nhân thiên và thành cái nhân đắc độ trong tương lai mà thôi. Nếu tín nguyện đầy đủ thì vạn người tu vạn người về, không sót một ai. Tổ Vĩnh Minh nói: “Vạn người tu, vạn người về” là chỉ những người có đủ tín nguyện. Đã có đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, nên lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh. Dùng Tín - Nguyện để dẫn đường, Niệm Phật là Chánh Hạnh. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh là tông yếu của pháp môn Niệm Phật. Có Hạnh nhưng không Tín -Nguyện, chẳng thể vãng sanh. Có Tín - Nguyện không Hạnh cũng chẳng thể vãng sanh. Ba thứ Tín - Nguyện - Hạnh đầy đủ không khuyết, quyết định vãng sanh. Được vãng sanh hay không hoàn toàn do Tín - Nguyện có hay không; phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn.

Nói đến Chánh Hạnh Niệm Phật thì tùy theo sức mình mà lập, chẳng được chấp cố định một pháp. Nếu như thân không bận việc, cố nhiên phải từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, giữ cho một câu hồng danh thánh hiệu này chẳng lìa tâm - miệng. Nếu khi tắm táp, súc miệng thanh tịnh xong, mũ áo tề chỉnh, và ở nơi thanh khiết thì niệm ra tiếng hoặc niệm thầm đều được. Nếu lúc ngủ nghỉ, lõa lồ, tắm rửa, đại tiểu tiện và lúc đến những nơi ô uế không sạch, chỉ nên thầm niệm, chớ nên niệm ra tiếng. Công đức niệm thầm cũng giống vậy. Niệm ra tiếng là không cung kính, chứ không phải là ở những nơi, những lúc ấy, không được niệm Phật! Phải biết: Trong những nơi, những lúc ấy, không được niệm ra tiếng. Thêm nữa, lúc nằm nếu niệm ra tiếng, chẳng những không cung kính mà còn đến nỗi bị tổn khí, không thể không biết!

Tuy là trường thời niệm Phật không gián đoạn, nhưng cần phải vào lúc sáng sớm hướng về Phật lễ bái xong, trước hết niệm kinh A Di Đà một biến, niệm chú Vãng Sanh ba biến, liền niệm bài kệ tán Phật: “A Di Đà Phật thân kim sắc...” Niệm xong, niệm Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật, tiếp đó chỉ niệm sáu chữ nam mô A Di Đà Phật, hoặc là một ngàn tiếng, hoặc năm trăm tiếng. Nên vừa đi nhiễu vừa niệm. Nếu không tiện nhiễu thì quỳ hoặc ngồi, hoặc đứng niệm đều được. Lúc niệm sắp xong, trở về chỗ quỳ, niệm Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát mỗi danh hiệu ba lần. Rồi mới niệm bài Tịnh Độ Văn để phát nguyện hồi hướng vãng sanh. Niệm bài Tịnh Độ văn thì phải theo văn nghĩa mà phát tâm. Nếu chẳng y theo văn nghĩa mà phát sẽ trở thành uổng công đọc văn xuông, chẳng được lợi ích thật sự. Đọc Tịnh Độ Văn xong, niệm Tam Quy Y, lễ bái lui ra. Đấy là công khóa buổi sáng; buổi tối cũng giống như vậy.

Nếu muốn lễ bái nhiều hơn thì trong lúc niệm Phật, lúc trở về chỗ thì ngoài việc lễ Phật bao nhiêu đó, lúc xưng danh hiệu Bồ Tát chín lần, bèn lễ chín lạy. Lễ xong bèn phát nguyện hồi hướng, hoặc sau khi niệm xong công khóa bèn lễ bái, miễn sao thuận tiện cho mình đều được. Nhưng phải khẩn thiết chí thành, chẳng được láo nháo qua loa. Bồ đoàn không được quá cao, nếu cao sẽ thành ra không cung kính.

Nếu công việc đa đoan, hầu như không rảnh rỗi, nên vào lúc sáng sớm, súc miệng xong, nếu có tượng Phật bèn lạy ba lạy, đứng ngay ngắn chắp tay, niệm nam mô A Di Đà Phật, hết một hơi là một niệm. Niệm đến mười hơi, bèn niệm bài Tiểu Tịnh Độ Văn, hoặc chỉ niệm bốn câu kệ “nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung…” Niệm xong lễ Phật ba lạy, rồi lui. Nếu không có tượng Phật thì hướng về Tây xá bái, chiếu theo cách trên để niệm. Đây gọi là pháp môn Thập Niệm do ngài Từ Vân Sám Chủ đời Tống vì hàng vua quan quá bận rộn chánh sự không rảnh rỗi tu trì mà lập ra.

Vì sao phải niệm hết một hơi? Do chúng sanh tâm tán, lại không rảnh rỗi để chuyên niệm. Lúc niệm như thế, mượn hơi thở nhiếp tâm, tâm tự chẳng tán. Nhưng phải tùy theo hơi thở dài - ngắn, chẳng được cưỡng niệm cho nhiều, hễ cưỡng niệm sẽ bị tổn khí. Lại chỉ được niệm mười niệm, chẳng được niệm hai mươi, ba mươi hơi. Niệm nhiều cũng tổn khí. Do tán tâm niệm Phật khó được vãng sanh nên pháp này có thể làm cho tâm quy một chỗ, nhất tâm niệm Phật quyết định vãng sanh. Số câu niệm tuy ít, nhưng công đức khá sâu. Kẻ cực nhàn hay cực bận đều có pháp riêng, còn kẻ nửa nhàn nửa bận hãy tự châm chước thời gian để định pháp tắc tu trì.

Lại nữa, người niệm Phật đối với mỗi sự phải giữ lòng trung hậu, khoan thứ, tâm luôn đề phòng lỗi hại. Biết lỗi liền sửa, thấy điều nghĩa ắt làm, mới hợp với Phật. Người như thế quyết định vãng sanh. Nếu không như thế là trái nghịch Phật, quyết khó cảm thông. Lại phàm lễ bái đọc tụng kinh điển Đại Thừa, và làm hết thảy những chuyện có ích cho đời cho người, đều đem chuyện đó hồi hướng Tây Phương, chẳng nên chỉ đem việc niệm Phật hồi hướng Tây Phương, còn những công đức khác hồi hướng cho phước báo thế gian. Làm vậy, niệm chẳng quy nhất sẽ khó vãng sanh. Phải biết người thật sự niệm Phật chẳng cầu phước báo thế gian, mà tự được phước báo thế gian (như trường thọ, không bệnh, gia đình yên vui, con cháu phát đạt, các duyên như ý, vạn sự cát tường v.v…) Nếu cầu phước báo thế gian, chẳng chịu hồi hướng vãng sanh thì phước báo thế gian đạt được lại thành hèn kém, do tâm không chuyên nhất, vãng sanh lại càng khó quyết định! Pháp môn Niệm Phật này kinh điển Đại Thừa trong cả một đời giáo hóa [của đức Phật] thảy đều tán dương. Trong kinh Tiểu Thừa tuyệt chẳng nhắc đến. Có kẻ không thông giáo lý, chê pháp này là Tiểu Thừa, thật là vô tri tà thuyết, chớ nên nghe theo!

Lại những lời nói trong những đàn cầu cơ, đa phần là những linh quỷ dựa theo kiến thức của người cầu cơ mà nói ra. Nếu nói về đạo lý thế gian may ra chúng còn biết nhiều, chứ bàn về Phật pháp thì không phải là điều chúng tự biết, bèn đặt ra lời đồn đãi xằng bậy. Như cuối sách Kim Cang Trực Giải, in kèm bảo hiệu của tiên thiên cổ Phật, chính là diệt huệ mạng, làm mù con mắt chánh pháp của người khác, là lời tồi tệ cực ác khôn sánh. Đem sách ấy thí cho người thì tội lỗi vô lượng!

 

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

Quyển Thứ Nhất

(Phần 1 hết)

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây