Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 24: [THƯ 24]: Thư gởi cư sĩ Lâm Chi Phần ở Thái Thuận (thư thứ nhất)

Lý Cương[17] là một tác gia thông đạt, ông ta đem kinh Dịch đối chiếu với Hoa Nghiêm để bàn luận, bảo chúng hoàn toàn phù hợp nhau. Ông ta là bậc thiện tri thức không cự tuyệt người đến học, dẫn người vào chỗ thù thắng, mở rộng tầm hiểu biết. Như Mạnh Tử do thấy vua Tề bất nhẫn trước cái chết của một con trâu; suy lòng trắc ẩn ấy, biết vua có thể bảo bọc dân, làm vua thiên hạ, chứ không phải là do yêu thương xuông một con trâu mà hòng làm vua thiên hạ. Đấy là dẫn dụ, chứ không phải là luận khít khao; phàm đọc văn tự của cổ nhân quý ở chỗ lãnh hội được ý. Nếu không chỉ là nhai bã hèm mà thôi!

Ôi! Hoa Nghiêm là pháp tự chứng của Như Lai; tất cả các độ, các địa vị đều là sự thật, đều có thể biểu thị pháp. Tứ Quả Thanh Văn tuy dự pháp hội, còn như câm điếc, nhân thiên thuộc địa vị phàm phu há thấy biết được ư? Dẫu có thiên long bát bộ [tham dự pháp hội] nhưng đều là những bậc đã đích thân chứng được Pháp Thân, nhằm thượng cầu hạ hóa lợi ích hữu tình, nên đặc biệt hiện thân tám bộ đó thôi, chứ không phải là phàm phu nghiệp báo thật sự vậy! Còn kinh Dịch lập ra những hình tượng hư giả để đoán định cát hung, thuận thiên lý để hướng dẫn tình cảm con người, là thường pháp để trị thế, không phải là đại đạo xuất thế, là nghi tắc, tiêu chuẩn luân thường, chứ không phải là chuẩn mực của Phật đạo. Nhưng với người thông đạt Phật pháp, không pháp gì, chuyện gì chẳng phải là đạo. Nói dọc, nói ngang, nào có dấu vết? Nếu chẳng thể hiểu rõ triệt để tự tâm, cũng bắt chước nói theo như gã thầy thuốc dốt chưa biết chẩn mạch đã bắt chước róc xương. Lông vũ yếu ớt, đậu trên cành còn khó đã toan bay cao, chẳng khiến cho cả mình lẫn người cùng mất mạng là chuyện hiếm lắm!

Nay tôi dùng thí dụ để nói rõ: Kinh Dịch gọi cha mẹ là “nghiêm quân”, cổ nhân cũng gọi ấp lệnh[18] là Quân, há có phải cha mẹ, ấp lệnh bằng vai phải lứa với thánh thiên tử, chẳng có cao - thấp hay chăng? Lại như gọi một bọt nước là biển, nêu một hạt bụi là cõi đất; biết bọt nước và hạt bụi là chút phần của biển và đất thì được, chứ nói bọt nước và biển cùng sâu rộng như biển cả, cùng rộng dầy như cõi đất thì chẳng được. Một tia nắng qua kẽ hở chính là mặt trời chiếu trời, soi đất; mảnh trời nhìn qua ống hẹp cũng là cõi trời không ngằn, không mé; nhưng phải ra khỏi cửa ngắm mặt trời, bỏ ống hẹp để ngửa trông bầu trời. Há có nên nói ngoài kẽ hở không có mặt trời, ngoài ống chẳng có bầu trời hay chăng?

Cổ nhân gọi Nho là Đạo, đa phần nói như thế. Nếu bảo nói như thế là thật, ắt có lẽ thánh thiên tử và ấp lệnh cùng tôn quý như nhau, biển cả, cõi đất cùng bọt nước, hạt bụi sâu rộng, rộng dầy như nhau hay sao? Mặt trời nơi kẽ hở và bầu trời trong ống cùng mặt trời, bầu trời rộng lớn không ngằn mé cùng trọn khắp như nhau hay sao? Ấy là lời luận bàn tệ hại của những kẻ nhà quê vùng Tề Đông[19], chẳng phải là pháp ngôn của bậc minh tâm kiến tánh. Các hạ nên tự trì giới niệm Phật, lấy sự tu trì của Nho gia làm thường pháp, lấy sự tu trì của Phật giáo làm gia hạnh. Bàn sâu vào lý ắt mất mấy năm, muốn học Phật, Tổ, trước hết phải noi theo thánh hiền. Nếu chính mình thực hiện còn có tỳ vết, trái nghịch luân thường thì đáng gọi là tội nhân danh giáo, sao xứng là đệ tử Phật?

Phật giáo tuy là pháp xuất thế, nhưng gặp vua nói đến Nhân, gặp bầy tôi nói Trung, gặp cha nói Từ, gặp con nói Hiếu, do cạn mà vào sâu, học cái thấp thỏi nhưng đạt được điều cao cả. Hãy đọc kỹ An Sĩ Toàn Thư, ắt biết được đại khái. Phàm phu sửa lỗi hướng thiện và tu Tịnh nghiệp chỉ quý nơi chân thành, kỵ nhất hư giả, chẳng được phô trương cái danh hành thiện tu hành bề ngoài, bên trong ôm lòng bất trung, không khoan dung. Cừ Bá Ngọc lúc năm mươi tuổi biết bốn mươi chín năm trước là sai. Có như thế mới mong thành thánh, thành hiền, học Phật, học Tổ là công thần danh giáo, làm con đích thật của Như Lai. Vì thế, chẳng phải do kẻ Tăng, người tục cùng quẫn hay thông đạt mà luận vậy.

Điều Bất Huệ mong mỏi nơi các hạ cũng chính là điều mong mỏi nơi hết thảy những người thân quen, có vậy mới khỏi bõ công một phen đến Phổ Đà triều bái Đại Sĩ, gặp gỡ Bất Huệ, như thế chính là nghe Phật thừa vậy.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây