Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 25: [THƯ 25]: Thư gởi cư sĩ Lâm Chi Phần ở Thái Thuận (thư thứ hai)

Phật pháp đến nay suy tàn quá đỗi. Chúng sanh mờ mịt như kẻ mù không ai dẫn đường. Dẫu có một hai thiện tri thức khai thị, nhưng do nghiệp sâu chướng nặng, chánh trí chẳng khai, tuy nghe chánh pháp, chẳng sanh tin tưởng. Dẫu sanh tin tưởng cũng vẫn là phù phiếm, như say, như mộng, trọn chẳng có định kiến. Vừa gặp tà ma, ngoại đạo bèn như nhặng bu theo mùi thối, như thiêu thân đâm đầu vào lửa. Kiến bu, chim tụ, xúm xít muôn ngàn. Vì thế năm đầu niên hiệu Quang Tự (1875), ở Quan Đông[20] có tà phái gọi là Hỗn Nguyên[21], mỗi năm người quy y hơn mười vạn người, đến năm Quang Tự mười một, mười hai, do thói tệ đã bộc lộ, người ta thường ghét thấy. Trong vòng một năm, [kẻ theo tà phái ấy vẫn] còn được mấy vạn.

Gần đây có kẻ xuất gia là con cái ma, toan muốn được đại danh lợi; ba mươi năm trước gã đã cắt xén ngữ lục của cổ nhân hòng lập ngôn, thay đầu đổi mặt, bảo là ngữ lục của chính mình. Nhưng gã ma con ấy một là không thông Tông, hai là chẳng thông Giáo, ba là không học vấn, sợ người khác nói mình không học vấn, làm sao có thể nói được như thế, bèn đặc biệt dùng rất nhiều chữ sai cho giống thật[22], khiến người khác bảo hắn đúng là đại triệt đại ngộ, thuận miệng nói ra, từ ngữ lẫn lý lẽ cao siêu, mầu nhiệm! Chuyện không thích đáng nhất là do gã chưa từng đọc sách, chẳng thông hiểu nghĩa chữ nên bợ nguyên xi Vạn Pháp Quy Tâm Lục, Lục Tổ Đàn Kinh, thi kệ của Hàn Sơn chỉ đổi dăm ba chữ mà thôi. Tất cả câu chữ đều như thế, bèn lưu truyền gần xa, nhưng cũng không quyến dụ được nhiều!

Gần đây, gã lại khoe đắc “diệu pháp” khiến cho thiện nam, tín nữ bắt chước nhau quy y, lại bảo muốn đắc diệu pháp nào ắt sẽ được như thế. Do gã ma con ấy thoạt đầu vờ xưng ngộ đạo, người ta chưa quy phục. Gần đây, hắn bèn dối xưng đắc đạo, nên xa gần tranh nhau theo về, tự nói: “Pháp của ta nói khiến người dễ đắc đạo!” Vì thế cả một vùng như cuồng, cùng nhau sùng phụng. Dối xưng đắc đạo thì phải có sự thật người ta mới chịu tin; vì thế, hắn phóng túng không e dè, thuận miệng nói càn, thường bảo cùng người: “Ta có thể nhập định siêu độ cho vong hồn được sanh lên trời, hoặc sanh về Tịnh Độ! Có thể biết hết thảy người đã mất sanh lên trên trời hoặc sanh trong nhân gian và ba ác đạo. Lại biết người này thượng phẩm vãng sanh Tây Phương, người kia trung phẩm vãng sanh, người nọ sanh vào hạ phẩm”. Do vậy, chẳng những ngu phu, ngu phụ cố nhiên ngả theo chiều gió, ngay cả những bậc sĩ đại phu không thông Phật lý cũng tưởng hắn thật sự đắc đạo, bèn quy y tin thờ.

Chuyện như vậy nay thấy nhiều lắm. Dẫu có người trí chê là cuồng vọng, nhưng vì tà thuyết đó đã ăn sâu vào lòng người nên chẳng ai tin [lời bậc trí giả]. Từ xưa, cao tăng hoặc Phật tái lai hoặc Bồ Tát thị hiện đều giữ phận phàm phu, trọn chẳng nói ta là Phật, ta là Bồ Tát. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Sau khi ta diệt độ, truyền cho các Bồ Tát và A La Hán ứng thân sanh trong thời Mạt Pháp, hiện đủ mọi hình, độ những kẻ đang luân chuyển, trọn chẳng được tự nói mình thật là Bồ Tát, thật là A La Hán, tiết lộ mật nhân của Phật, dễ dãi nói cùng kẻ chưa học. Chỉ trừ khi mạng chung, ngầm để lại dặn dò”.

Như Trí Giả đại sư thật sự là hóa thân của Phật Thích Ca, đến lúc lâm chung, có người hỏi đến địa vị chứng nhập, bèn đáp: “Nếu ta không lãnh chúng, ắt tịnh sáu căn. Do tổn mình lợi người nên chỉ dự vào Ngũ Phẩm”,tức là vẫn còn thuộc địa vị phàm phu. Ngũ Phẩm chính là địa vị Quán Hạnh trong Viên Giáo, sở ngộ ngang với Phật, đã khuất phục trọn vẹn Ngũ Trụ Phiền Não, nhưng chưa thể đoạn Kiến Hoặc. Ngài Trí Giả lúc lâm chung còn chẳng hiển Bổn, ý muốn cho hàng hậu học dốc chí tu hành tinh ròng, chẳng đến nỗi được chút ít đã cho là đủ, cũng như chẳng lấy phàm lạm thánh vậy! Nay lũ ma kia bịp xằng đắc đạo chính là hoại loạn Phật pháp, là kẻ đại vọng ngữ lầm lạc chúng sanh. Cái tội đại vọng ngữ ấy thậm chí còn nặng gấp trăm ngàn lần tội Ngũ Nghịch, Thập Ác! Thầy đó, trò đó sẽ vĩnh viễn đọa trong địa ngục A Tỳ trải Phật sát vi trần kiếp số[23] luôn chịu cực khổ còn chưa được xuất ly. Sao lại khổ vì danh lợi hư phù một lúc, cam chịu hình phạt thảm khốc bao kiếp? Danh lợi mê hoặc người đến nỗi như thế ấy!

Gã ma con kia bảo pháp hắn đã nói khiến người dễ đắc đạo tức là hiểu cái tâm sanh diệt là thường trụ, tưởng “không làm thiện, không đoạn ác”là bất sanh bất diệt, bác không nhân quả, sụp hầm tà kiến. Đấy chính thực tế của chuyện gã ma con chèo kéo đồ chúng, khiến họ [lầm tưởng] đều đã đắc đạo. Vì thế, có kẻ thường ngày trì trai niệm Phật, vừa thân cận bọn chúng liền không trì trai, không niệm Phật nữa! Kỳ dư, hết thảy những chuyện cải ác hướng thiện, biết nhân hiểu quả, vun đức trồng phước v.v… thảy đều bỏ hết.

Chúng chỉ dạy người ta khán một câu thoại đầu, nhưng thật ra chẳng biết khán như thế nào, thế nào là thoại đầu? Bèn đem những lời đối ứng căn cơ của cổ nhân bảo người khác y văn giải nghĩa, suy lường, dò đoán. Như những câu “con chó không có Phật tánh, cây bách trước sân, que cứt khô, ba cân gai, cái áo vải nặng bảy cân” v.v… thảy đều bóc trần từng chữ để giảng nghĩa, cho là tu tham Thiền, là thấu triệt công án. Vừa mới ngồi yên được một chút và có thể giải nghĩa dựa theo văn tự, bèn ấn chứng: “Người này túc căn sâu dầy, người kia hiện đang tu hành tinh thuần, nên dụng công chưa lâu đã thấu triệt”. Chuyện tham Thiền nói dễ dàng sao? Cổ nhân như ngài Triệu Châu Thẩm thiền sư, xuất gia từ nhỏ, đến lúc ngoài tám mươi vẫn còn hành cước[24]. Vì thế có bài tụng rằng:

Triệu Châu bát thập do hành cước,

Chỉ vị tâm đầu vị tiêu nhiên.

(Triệu Châu tám chục còn hành cước,

Do bởi trong tâm chửa rỗng rang)

Ngài Trường Khánh ngồi rách bảy cái bồ đoàn rồi mới khai ngộ; ngài Dũng Tuyền đến năm bốn mươi vẫn còn nhọc nhằn, Tuyết Phong ba lần lên gặp ngài Đầu Tử, chín lượt lên Động Sơn. Những vị đại tổ sư đại triệt đại ngộ còn khó khăn như thế. Bọn ma con kia vừa mới nghe ma thuyết đều khai ngộ ngay, những vị tổ sư vừa nói ấy có xách giày cho chúng cũng chẳng đáng hay sao?

Phải biết tổ sư ngộ là từ mê đến ngộ, hễ ngộ rồi sẽ ngộ vĩnh viễn, còn cái “ngộ” của bọn ma là do mê bèn lầm, hễ lầm rồi bèn vĩnh viễn lầm. Tuy đồng âm với Ngộ[25], nhưng sự thật trái nghịch với Ngộ. Do bọn ma kia từ lúc mới phát tâm, một là không giới hạnh, hai là không có chánh trí, ba là chẳng biết thoại đầu là phương tiện để đánh động, tham thấu tự tâm, cứ tưởng dựa theo văn nghĩa suy đoán chính là tham [thoại đầu]. “Tham Thiền” kiểu đó thì người thông minh trong thế gian sẽ đều là bậc đại triệt đại ngộ hết.

Như kẻ chẳng biết ma-ni bảo châu thấy mắt cá, quý trọng cất đi, khoe khoang cùng người: “Tôi đã có được châu ấy”. Mọi người cũng chẳng biết thế nào là châu, thế nào là mắt cá, bèn xúm xít tìm cầu, ai nấy đều được châu ấy. Từ đó, phát đại thệ nguyện khiến cho khắp đồng bào nghèo khổ đều được châu ấy. Một mai gặp được khách thương người Hồ[26], muốn đổi châu lấy nhiều vàng. Khách thương người Hồ ném đi, mắng rằng: “Sao lại đem mắt cá làm bẩn mắt ta?” mới biết mình đã phí sạch tâm cơ, chỉ đành hổ thẹn muốn chết mà thôi!

Nhưng thói thường con người buông lung thì dễ, câu thúc thì khó. Dạy trì trai niệm Phật bèn cảm thấy miệng ăn mất ngon, thân tâm thường khổ sở, nhọc nhằn. Gã ma kia bảo chỉ cần giữ cái tâm tốt, cần gì phải ăn chay? Ngươi vốn là Phật, cần gì phải niệm Phật? Do vậy, thật là hợp với cái tánh lười nhác, biếng trễ của mình, chẳng muốn bó buộc, mặc tình phóng túng như tù được lệnh tha, vui mừng khôn xiết! Nếu hỏi đến duyên do, bèn nói:

- Đạt Ma từ trời Tây sang đây, không lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật. Ngươi chỉ khán một câu thoại đầu ắt thấy được tánh. Thấy được tánh rồi liền gọi là thành Phật. Đã thành Phật rồi, hết thảy đều không: không nhân, không quả, không tu, không chứng, một pháp chẳng lập, gọi là chân giải thoát. Ai dạy người trì trai niệm Phật, cải ác tu thiện, sợ nhân quả, vun bồi phước đức, đều là chẳng biết trong Tự Tánh không pháp nào chẳng đủ, cũng như không thể lập được một pháp nào. Ngươi chấp trước pháp tướng, chẳng chịu lìa bỏ. Bỏ gốc đuổi theo ngọn, không dây mà tự buộc. Người như thế gọi là Tiểu Thừa. Sao có thể coi là thiện tri thức để thân cận được ư? Phải biết những pháp Như Lai nói về nhân quả, tu chứng v.v… đều là lấy lá vàng giả làm vàng để dỗ trẻ nín khóc; bọn họ lại chấp là thật, vậy là trí bọn họ có khác gì trẻ nít đâu! Nếu là đại trượng phu, Phật còn chẳng thể được, há còn có những pháp nhân quả, tu chứng v.v… Nếu lập một mảy trần, sẽ chẳng phải là Phật pháp. Ông chỉ tự biết mình đã là Phật thì dù cho ăn thịt, uống rượu, trộm cắp, hành dâm, không pháp nào chẳng phải là Phật pháp! Trên thiên đường, dưới địa ngục, áo trời, thức ăn trời, vạc dầu, lò than, có cảnh nào chẳng phải là Phật cảnh? Tự ta chính là Di Đà, ngay nơi đây chính là Cực Lạc; há nên khuấy động cái tâm vọng tưởng nghiệp thức, quang quác cái miệng do cha mẹ sanh ra để cả đời niệm Phật suốt ngày, chịu nhiều oan uổng ư? Cầu đến lúc lâm chung vãng sanh Tây Phương, bỏ mình cầu nơi người, bỏ nhà lang thang, há chẳng phải là tri kiến điên đảo, tu tập lầm loạn hay sao?

Các thứ ma thuyết đại để là như thế. Nay thử luận xem:

- Nếu “chỉ cần tâm tốt cần gì phải trì trai” thì giết thân mạng chúng sanh để sướng cái miệng là hảo tâm hay không hảo tâm? Vả nữa, khi binh kiếp, giặc đến giết người cũng nên coi đó là hảo tâm. Ví như lúc ngươi bị nó giết bèn sẽ cảm ơn hay oán hận vậy? Ngươi vốn là Phật, chẳng chịu niệm đức Phật nào khác, sao lại chịu giết chúng sanh để ăn? Những chúng sanh ấy chẳng phải đều là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai hay sao? Như vậy, tâm tánh của ngươi vốn đã là Phật, nhưng hành vi của ngươi vốn là chúng sanh, sao chưa đắc bảo là đắc, đem phàm xen lộn thánh, coi niệm đức Phật khác là nhục, coi sát sanh là vinh hiển như vậy?

Đạt Ma từ trời Tây qua, không lập văn tự là vì muốn cho con người chứng ngộ triệt để bản thể, chẳng chú trọng đọc tụng ngôn ngữ xuông. Nếu khế nhập bổn thể thì văn tự chính là bản thể, chính là tướng giải thoát. Suốt ngày đọc tụng, y giáo tu hành, rốt ráo chẳng có được tướng văn tự. Như các bậc đại lão Vĩnh Minh Diên Thọ, Thủ Sơn Niệm, Thê Hiền Thực, Dục Vương Vi v.v… đều suốt đời đọc tụng, há các Ngài đều không biết ý chỉ “chẳng lập văn tự”hay sao? Chỉ do ngươi hiểu lầm ý nghĩa “bất lập” là phế bỏ, bèn nói hết thảy kinh điển Tiểu, Đại Thừa, vô lượng pháp môn do Như Lai đã nói đều là dùng lá vàng giả làm vàng để phỉnh phờ trẻ nhỏ. Nếu như vậy, Ca Diếp, A Nan, Mã Minh, Long Thọ, Vĩnh Minh, Thủ Sơn v.v… đều là những gã chơi với lá vàng. Ngươi đã cho là họ đều sai sao còn truyền thừa pháp của họ, bảo mình là Thiền Tông. Nếu họ đúng thì “Thiền Tông” của nhà ngươi chẳng phải là Thiền Tông của họ! Ngươi chỉ mạo danh họ, là ác tặc phá hoại pháp của họ mà thôi!

Hơn nữa, ngươi chấp trước vứt bỏ văn tự mới là “không lập văn tự” thì Lục Tổ nói: “Chỉ một câu ‘chẳng lập’ ấy đã là văn tự, huống gì còn có tám chữ chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật!”Mười sáu chữ ấy của tổ Đạt Ma từ trời Tây qua là văn tự hay không phải là văn tự? Lại nữa, hết thảy đều không, không nhân, không quả, không tu, không chứng, một pháp chẳng lập gọi là chân giải thoát, thế sao lại lập phá trai, báng Phật? Sao chẳng chịu để cho các pháp nương vào ác, phế thiện, mê muội nhân quả, chiết phước tổn đức v.v… đều không? Thượng trí biết Không càng tăng tấn đức, hạ ngu biết Không bèn bỏ thiện. Ngàn trăm năm trước, Phật, Tổ sớm đã vì ngươi phán định, ngăn ngừa.

Ngươi gièm báng người khác chấp vào thiện pháp là “bỏ gốc theo ngọn, là không dây tự trói, là Tiểu Thừa”, còn ngươi chấp vào ác pháp, chẳng chịu vứt bỏ, đời này sẽ chịu phép nước, chết đi đọa mãi trong A Tỳ, ấy có phải là bỏ ngọn theo gốc, ấy có phải là trói mà không trói, ấy có phải là Đại Thừa hay chăng? Ngươi nói: “Đại trượng phu Phật còn chẳng thể được, huống hồ có nhân quả tu chứng. Nếu lập một mảy trần thì không phải là Phật pháp; cho nên Phật, nhân quả, tu chứng đều là mảy trần, đều chẳng được lập”, nhưng ăn thịt, uống rượu, trộm cắp, hành dâm, há chẳng phải là mảy trần đều lập được hay sao?

Lại hỏi: Cái tâm ăn thịt, uống rượu, trộm cắp, hành dâm là tâm Phật hay tâm chúng sanh? Nếu bảo là tâm Phật, há Phật giữ cái tâm ấy ư? Làm những chuyện ấy ư? Nếu bảo là tâm chúng sanh thì há có còn là vượt ngoài nhân quả, có còn chẳng phải là trần, có còn là Phật pháp nữa hay chăng? Địa ngục vẫn là cảnh Phật, ngay nơi đây chính là Tây Phương thì khổ cũng chẳng chán, vui cũng chẳng cầu, không lấy, không bỏ, quên ghét, quên yêu, sao lại tham cầu danh lợi đời này, hư vọng mong chết đi để lại tiếng tốt? Xén trộm lời cổ nhân, thay đầu đổi mặt, cho là ngữ lục của chính mình, chưa đắc bảo là đắc, chưa chứng bảo đã chứng, đem phàm xen lộn thánh, dối xưng tri thức, dạy nhiều nam nữ thiện tâm đọa hầm tà kiến, chôn mất huệ mạng, từ đây đọa mãi trong ác đạo, muốn thoát ra không có cách nào! Xét đến bổn nhân của gã ma con ấy chẳng qua là muốn được danh lợi hư phù, mong người khác gọi mình là bậc đại thiện tri thức mà thôi. Biết rõ hậu báo thì tình trạng đau đớn thê thảm dẫu hết sạch trúc[27] khó chép hết được nổi, chẳng đáng buồn sao?

Ông đã phát tâm niệm Phật, nên dựa theo những gì đã nói trong kinh luận Tịnh Độ mà tu. Những lời gã ma con nói chỉ là ăn cắp từ lời lẽ của các tổ sư Tông Môn, do bản thân gã hiểu lầm ý nhà Thiền, nên gã nói gì cũng đều dường như là đúng nhưng thật ra là sai, thật sự trái nghịch đạo lý nhà Thiền, thật sự là kẻ oán của Phật pháp. Nếu bị hắn dụ, theo bè đảng hắn sẽ khó tránh khỏi vì hảo tâm mà chuốc lấy quả ác, trọn chẳng thể thân cận gã ma con ấy! Nên khăng khăng giữ lấy quy củ của liệt tổ Tịnh tông đã thành lập, trì trai niệm Phật, cải ác hướng thiện, biết nhân hiểu quả, vun phước trồng đức, để mong đời này tiêu trừ nghiệp chướng, lâm chung chánh niệm vãng sanh mới hòng khỏi uổng một đời này, đích thân làm đệ tử Như Lai! Phải biết một pháp Thiền Tông gọi là “giáo ngoại biệt truyền”“ý tại ngôn ngoại”, ngàn lời vạn lẽ đều nhằm chỉ về Pháp Thân Lý Thể chẳng dính dáng gì đến nhân quả, tu chứng, phàm, thánh, chúng sanh, Phật, để con người trước hết ngộ được Thể này, rồi mới bắt đầu tu nhân, chứng quả, siêu phàm nhập thánh, tức là chúng sanh thành Phật đạo về mặt Sự. (truyền riêng ngoài giáo), phàm những gì đề xướng đều là

Thế nhưng những lời ứng với căn cơ gọi là “cơ phong”, hoặc gọi là “chuyển ngữ” ấy đều là muốn cho người ta tham thấu tự hiểu, nên không có nghĩa lý gì. Nếu hiểu được thì là may mắn lớn. Nếu không hiểu thì lấy câu nói ấy làm bổn mạng nguyên thần, quên ăn bỏ ngủ, suốt ngày thâu đêm như một người chống lại vạn người, chẳng dám có chút gián đoạn, phóng túng. Một năm chẳng ngộ bèn tham hai năm, mười năm chẳng ngộ bèn tham hai mươi năm. Một đời chẳng ngộ bèn đời đời tham. Nếu quả thật dốc trọn thâm tâm này mà tham cứu câu ấy, quyết chẳng có lẽ nào không ngộ! Ngộ rồi, bèn gọi là “ngộ đạo”, vẫn phải trải qua các cảnh duyên để rèn giũa tập khí, ngõ hầu phiền hoặc hết sạch mới gọi là chứng đạo. Gã ma con kia tưởng lầm là ngộ, ngộ của hắn xét về toàn thể là ngộ nhận, nói chi đến chứng, nhưng chẳng biết hổ thẹn, chẳng sợ nhân quả, đến nỗi vô lượng nam nữ hảo tâm bị gã dụ dỗ cùng đoạn thiện căn. Ông dốc lòng tin vào lời này sẽ chẳng bị gã đó hãm hại. Hãy nhớ lấy, nhớ lấy!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây