Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 46: [THƯ 46]: Trả lời thư cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ tư)

Biết ý ông muốn sống ở Thông Châu, tuy có chí muốn thành tựu con em, nhưng không biết con em được thành tựu chỉ là do gia đình dạy dỗ! Đối với con cái, từ nhỏ phải dạy hiếu, đễ, trung, tín, cần (siêng năng), kiệm (tiết kiệm), ôn (ôn hòa), cung (cung kính), thì khi đến lớn đi học đọc sách mới có cơ sở để hưởng được lợi ích. Nếu từ nhỏ dung túng thành quen thói, đừng nói chi những đứa không có thiên tư, không khéo dạy; ngay cả những đứa có thiên tư, được khéo dạy cũng chỉ thành một gã thợ khéo văn chương, thành phường bại hoại trong làng Nho mà thôi! Đời có kẻ tài cao Bắc Đẩu, học khắp năm xe[25], nhưng hành vi đều ỷ vào thông minh, độc hại sanh linh, hủy diệt đạo nghĩa! Nguyên nhân đều bắt đầu do lúc ban đầu thiếu gia giáo vậy! Văn Vương nêu gương cho vợ, gương ấy thấu đến anh em, rồi lan ra khắp nước nhà; điều này cùng một ý vị với điều được nói trong sách Đại Học: “Muốn bình trị thiên hạ, quốc gia thì phải khởi đầu từ cách vật trí tri, thành ý, chánh tâm”.Đây chính là bí quyết vô thượng dạy người mong thành thánh thành hiền của Nho Gia vậy. Bỏ nơi đây cầu nơi khác đều là chạy theo cái ngọn!

Nay tôi bàn tính: Khi con cái đã có thể nói năng, hiểu biết thì trong gia đình trước hết phải dạy cho con biết mặt chữ (con gái tuy không cần phải có học vấn rộng, nhưng trọn chẳng thể chỉ dạy cho con biết mặt chữ, không thông ý nghĩa. Mẹ còn phải nên dạy con từ thuở còn nằm trong thai. Nếu con gái biết chữ, thông văn lý thì con cái do mình sanh ra sẽ càng dễ dạy). Mỗi một tờ giấy chỉ viết một chữ, đừng viết cả hai mặt. Nếu viết hai mặt khác sẽ giống như nhớ khẩu quyết vậy[26]. Mỗi ngày hạn định mấy chữ, mỗi ngày phải nhận rành mặt chữ, lại phải nhận được mặt chữ hai ba lần. Chưa đầy một năm đã biết được nhiều chữ. Về sau lúc đọc sách, hễ đọc đến đều nhận được mặt chữ, chẳng đến nỗi vướng cái tệ chỉ nhớ ca kệ.

Phàm những gì trẻ làm được đều nên dạy nó thường tập quen siêng năng (như quét tước, dọn dẹp v.v...) Phàm thức ăn, y phục chớ nên hoa mỹ. Nếu trẻ phung phí ngũ cốc và làm hư đồ đạc, bất luận là vật sang, hèn, nặng, nhẹ đều nên bảo cho nó biết của ấy chẳng dễ có, và những nghĩa lý chiết phước tổn thọ! Nếu vẫn như thế nhất định phải trách phạt, quyết chẳng bỏ qua. Như thế, trẻ sẽ tự mình kiệm ước, trọn chẳng đến nỗi xa xỉ, phung phí. Khi trẻ đọc được sách nên đem những sách Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên dạy trẻ đọc thuộc, thuận theo mặt chữ mà diễn giảng. Những hành vi thường nhật nếu hợp với điều thiện thì chỉ cho trẻ thấy điều ấy hợp với những điều thiện được nêu trong hai cuốn sách trên mà khen thưởng. Nếu làm điều bất thiện thì chỉ cho trẻ thấy điều ấy phù hợp với chuyện bất thiện được nói trong hai sách ấy để quở trách (nhà cư sĩ Bành Nhị Lâm (Bành Tế Thanh) đỗ đạt đứng đầu tỉnh Giang Tô, đời đời tuân thủ hai sách ấy. Nhà ấy Trạng Nguyên thật nhiều, nhưng suốt đời đều tuân thủ hai sách ấy không thay đổi). Như vàng đổ vào khuôn, như nước có đê ngăn, há lẽ nào chẳng thể thành đồ vật, vẫn cứ chảy ngang y như cũ hay sao? Căn bản để con người làm người là đây! Không giảng điều này mà muốn thành con người hoàn toàn, trừ phi là hạng có thiên tư bằng Mạnh Tử trở lên mới được mà thôi!

Nhưng đến lúc đi học, chẳng nên cho con vào ngay những trường đã lập hiện thời, nên để con ở nhà vài năm, mời một vị thầy văn chương lẫn đức hạnh đều khá, tin sâu nhân quả để dạy trẻ học Tứ Thư và Ngũ Kinh trước. Đến khi trẻ học được vài phần, đối với toàn bộ văn tự đạo lý chẳng bị tà thuyết tục luận mê hoặc thì mới cho con vào trường hòng mở mang tầm mắt, biết so sánh sự việc, chẳng đến nỗi hành xử trái thời, không cách nào tiến lên được! Làm được như vậy thì đứa có thiên tư sẽ tự thành đạt, đứa không thiên tư cũng thành lương thiện, tốt lành cho mình lẫn người, tự lợi, lợi tha, quả thật chẳng ngoài những điều lão tăng thường nói.

Lại nữa, trước kia ở Dương Châu có thỉnh mười ba bộ Cảm Ứng Vựng Biên tặng cho người, Vân Lôi cũng tặng một bộ. Ngày hôm sau Vân Lôi đến chỗ tôi ở, tôi bảo ông ta mang cho ông một bộ, ông ta đem tặng cho người khác, nói ông có thể thỉnh được sách nơi thư cục chánh, không biết đã thỉnh hay chưa? Những văn bút đàm luận trong sách này đều siêu diệu (sách ấy có đôi ba chỗ hơi trở ngại đôi chút, nhưng xét về toàn thể đều tốt nên có thể dùng được), nhưng không quán thông Phật pháp bằng An Sĩ Toàn Thư. Ngoại trừ An Sĩ Toàn Thư ra, nên coi sách này là nhất, nhưng chẳng dễ gì chỉ dạy cho đàn bà, con trẻ. Quang ở Dương Châu nhân thấy sách này phần đầu chưa khắc Cảm Ứng Thiên, bèn cho khắc bổ sung. Do tìm sách bèn gặp được một bản Cảm Ứng Thiên Trực Giảng, sách ấy do một bậc đại thông gia soạn, lời chú giống với lối văn Bạch Thoại, đọc theo mạch văn ý nghĩa càng rõ ràng, rất thích hợp cho con cái đang tuổi thơ ấu. Nay đem sách ấy gởi đi, mong ông sẽ dùng sách ấy để răn dạy con cái, tương lai ắt được lợi ích thật sự mà lại còn thiết thân nữa (Ông Vương Lôi vào mùa Hạ từng khắc Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục của ông Bành Hy Tốc, đều là những chuyện thực trong chánh sử, rất dễ làm cho người khác [đọc đến] phải kiêng dè, chỉ có hai bản).

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây