Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 74: [THƯ 74]: Trả lời thư cư sĩ Châu Trí Mậu

Thưa cư sĩ Châu Mộc! Nhận được thư, biết ông sanh lòng tin trong sạch, muốn quy y Phật pháp. Nhưng quy y Phật pháp thì cần phải đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, tận lực giữ vẹn luân thường, tận hết sức mình, sanh lòng tin, phát nguyện, niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Lại còn phải kiêng giết, cứu giúp sanh mạng, ăn chay. Nếu chẳng thể ăn chay hoàn toàn thì cũng chớ nên tham ăn là được rồi! Lại nên giữ sáu ngày chay[19], hoặc Thập Trai. Nếu không, sẽ trái nghịch với Phật. Nay tôi đặt pháp danh cho ông là Trí Mậu, vì tâm tánh như cây cối: Do phiền não chướng lấp nên tâm tánh chẳng thể hiện, như cây khô kháo. Đã có trí huệ thì phiền não chẳng sanh, cây tâm tánh cố nhiên xum xuê, tươi tốt.

Còn về Ngũ Giới, hãy tự xét tâm mình, nếu có thể thọ được chẳng phạm thì hãy hỏi Hóa Tam về quy củ thọ giới trước đức Phật, ông ta sẽ dạy cho ông, Quang không viết đầy đủ ra. Đã quy y Phật pháp hãy nên đọc kỹ bộ Văn Sao, hành theo đó, sẽ chẳng đến nỗi bị người tầm thường gây lầm lạc. Còn những chuyện cầu phước báo trong đời sau và luyện đan, vận khí của ngoại đạo để cầu thành Tiên v.v… nếu ông thật sự lãnh hội được ý nghĩa của bộ Văn Sao, dù có trăm ngàn ngoại đạo cũng chẳng thể dao động cái tâm ông. Chớ bảo những điều ấy do Quang nói ra chỉ sợ không đủ làm chứng cứ, nên biết rằng Quang chỉ nói dựa theo ý của Phật, Bồ Tát, tổ sư, thiện tri thức, chứ không phải do Quang tự nghĩ ra nói bậy. Mong hãy sáng suốt xét soi thì may mắn lắm thay!

Tâm ông cao như trời, chí hèn như đất, miệng tuy nói “nương theo những gì Quang nói”, nhưng thật ra hoàn toàn dựa theo thiên kiến của chính mình. Pháp môn Tịnh Độ chỉ lấy Tín làm gốc, tin đến cùng cực thì Ngũ Nghịch, Thập Ác đều được vãng sanh. Tin chưa tới thì dù là bậc thông Tông, thông Giáo chưa hề đoạn Hoặc cũng chẳng có phần! Ông đã không thể thông Tông, thông Giáo, đoạn Hoặc chứng chân, cậy vào Tự Lực để liễu sanh tử, lại không tin Phật lực chẳng thể nghĩ bàn, tự tánh công đức chẳng thể nghĩ bàn. Nếu có đủ lòng tin chân thành, nguyện khẩn thiết, niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì không một ai không được sanh. Pháp môn Tịnh Độ chính là pháp môn viên đốn thẳng chóng vô thượng để liễu sanh tử ngay trong đời này. Nếu còn chưa hiểu rõ phương hướng của pháp môn này, tâm cuồng vọng ham cao chuộng xa bèn nghiên cứu Khởi Tín Luận. Khởi Tín Luận quả thật là cương yếu để học Phật, nhưng đối với kẻ căn cơ kém cỏi và sơ cơ cũng khó được lợi ích [nơi luận ấy]. Dù nghiên cứu Khởi Tín Luận thông triệt không nghi ngờ, nhưng dụng công vẫn phải nương vào pháp môn Niệm Phật cầu sanh thì mới ổn thỏa, thích đáng; huống hồ Pháp Tướng, Thiền, Giáo dù tinh vi, áo diệu, cao sâu, vẫn không thể mong bằng được!

Tâm ông cao như thế, chính là không biết phân lượng của cái cao. Chí ông lại cho rằng mình căn tánh kém yếu, mong chi sanh Tây? Chỉ cần chẳng đọa ác đạo đã rất an ủi rồi! Ông không biết chẳng sanh Tây Phương, tương lai ắt đọa ác đạo. Đây chính là trái nghịch lời Phật dạy và những gì đã nói với Quang; sao có thể nói là từ đầu đến cuối phụng hành lời răn dạy, nhất tâm trì niệm Phật Di Đà cho được? Nay đem cái thân của ông hứng lấy thức nghiệp của người, lại không phải là tư cách thượng đẳng, cái chí và tâm ông đã lập ấy thật đáng khiến cho người khác than thở, cười cợt! Ông nên dứt cái lòng cuồng vọng muốn thành bậc đại thông gia, hãy chuyên tâm nghiên cứu những sách thuộc pháp môn Tịnh Độ. Trong Văn Sao, Quang đã nói đầy đủ trong những lá thư gởi cho ông Cao Thiệu Lân hoặc Từ nữ sĩ. Thuận theo những gì đã khai thị, sanh lòng tin, phát nguyện, chẳng vì căn khí của mình hạ liệt bèn đề cao sự vãng sanh là chuyện vượt khỏi sức mình.

Phải thường dù động hay tịnh, lấy một câu Di Đà làm bổn mạng nguyên thần; giữ lòng cư xử phải hợp với tông chỉ “chớ làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”.Nếu còn thừa sức thì tùy ý thọ trì, đọc tụng các kinh Đại Thừa cũng chẳng trở ngại gì. Nên lấy việc chí tâm thọ trì làm gốc, chớ chuyên chú mong gấp được thấu triệt nghĩa lý. Nếu có thể chí thành đến cùng cực sẽ tự thấu triệt giáo lý. Nếu cứ muốn thấu triệt trước, chẳng thuận thọ trì đọc tụng, dẫu thấu triệt cũng không có lợi ích thật sự, huống hồ thật khó thấu triệt ư? Pháp Tướng, Thiền, Giáo nghiên cứu cả đời cũng khó nắm được chỗ chỉ quy. Dẫu được, ai là người có thể chẳng đoạn Hoặc nghiệp mà liễu sanh thoát tử? Muốn đoạn Hoặc nghiệp, liễu sanh thoát tử, chỉ sợ dù có mộng cũng không thể mộng nổi!

Ông còn chưa đọc kỹ bộ Văn Sao, nên mới nói những lời cao thấu trời thẳm, ngõ hầu vào được chốn biển rộng. Bộ Văn Sao đã nhiều lần nói đến những sách nên xem và pháp tắc xem kinh, cũng như chỗ khó được lợi ích nơi Pháp Tướng, Thiền, Giáo. Do pháp môn Tịnh Độ cậy vào Phật từ lực, các pháp môn khác đều phải cậy vào chính mình. Một đằng là giáo lý thông thường, như kẻ sĩ trong đời do tư cách bèn làm quan. Một đằng là giáo lý đặc biệt như vương tử trong đời, dù có té xuống đất vẫn được hết thảy quan tướng cung kính. Hai thứ pháp môn chẳng thể đem ra đối biện được! Kẻ phàm phu có đủ Hoặc nghiệp há nên chẳng cẩn thận chọn lựa ư? Quỹ lưu thông kinh sách nếu muốn tăng thêm nên làm biện pháp quyên mộ như thế nào ư? Nếu ai có tín tâm có tài lực thì hãy thương lượng với họ, ngõ hầu họ giúp đỡ thì cũng được!

Thêm nữa, kinh điển rất nhiều, tâm ông muốn mở rộng môn đình, nhưng ở Trịnh Châu có mấy ai thỉnh! Nên chọn những kinh sách mà người bình thường có thể đọc được, thỉnh về để sẵn. Hãy tính sẵn những sách mà đại đa số người bình thường chưa xem đến, hãy thay họ thỉnh trước thì sẽ giảm được tiền vốn mà cũng chẳng đến nỗi thỉnh về bán không được, tốn tiền nhưng chẳng có lợi ích. Ông tự nói ngày tháng không còn nhiều, thực lực hữu hạn, nên Quang mới nói như thế. Nếu không phải như vậy thì cứ y theo tâm tướng của chính mình mà hành, Quang cũng không miễn cưỡng ông. Làm được một bậc đại thông gia cũng là điều may mắn cho cửa Phật; chỉ sợ ông không thành bậc đại thông gia được, lại tin pháp môn Tịnh Độ chẳng tới nơi, cả hai đầu đều hỏng! Đời này tu chút công đức, đời sau nhất định sanh vào nhà phú quý, ông thử chú tâm nghĩ kỹ xem: Người phú quý có mấy ai chẳng tạo nghiệp? Ngày nay vận nước nguy ngập, dân không sống nổi, đều là do những người tu hành không có trí huệ, đời sau có phước báo bèn khuấy đảo mà ra. Ông khởi vọng tưởng khó thể cùng tận như thế, muốn chẳng đọa ác đạo, chẳng sanh Tây Phương thì một đời không đọa ác đạo còn may ra, chứ hai đời không đọa thì hiếm lắm!

Phật nói kinh chú rất nhiều, ai có thể trì được hết tất cả? Cổ nhân chọn lấy những thứ trọng yếu gộp thành khóa tụng hằng ngày, buổi sáng thì Lăng Nghiêm, Đại Bi, mười chú nhỏ, Tâm Kinh. Niệm xong bèn niệm Phật bao nhiêu tiếng đó, hồi hướng Tịnh Độ. Khóa tối thì kinh Di Đà, Đại Sám Hối, Mông Sơn, niệm Phật hồi hướng. Nay tùng lâm đều muốn giảm bớt công phu, sáng chỉ tụng chú Lăng Nghiêm, Tâm Kinh; khóa tối thì ngày lẻ niệm kinh Di Đà và Mông Sơn, ngày chẵn niệm Đại Sám Hối, Mông Sơn. Ông nói Thiền Môn Nhật Tụng kinh chú quá nhiều, không biết ngoài Khóa Tụng Sáng Tối còn có phần phụ lục. Cư sĩ tại gia công khóa hoặc chiếu theo Thiền Môn Công Khóa mà hành hoặc cũng có thể tùy ý lập ra, như khóa sáng chuyên niệm kinh Di Đà, chú Vãng Sanh, niệm Phật, hoặc khóa sáng chuyên niệm chú Đại Bi, niệm Phật, khóa tối thì niệm kinh Di Đà, chú Vãng Sanh, niệm Phật, hoặc có người trì kinh Kim Cang cũng được. Bất luận tụng kinh nào, trì chú nào, cũng đều phải niệm Phật bao nhiêu tiếng đó rồi hồi hướng thì mới hợp với tông chỉ tu Tịnh nghiệp.

Những điều ông nói chính là thấy khác, nghĩ lệch, dẫu là hảo tâm, nhưng thật ra tâm không có chủ định, bị chuyển theo cảnh. Kinh nào, chú nào chẳng xưng tán công đức thù thắng? Theo cái tri kiến của ông, hễ xem kinh này ắt phải bỏ kinh kia, trì chú này ắt phải bỏ chú kia, do sức chẳng thể xem hết, nên tình thế tất nhiên phải như thế! Như vậy còn được gọi là bậc chân tu hiểu rõ lý hay chăng?

Nói rộng hơn nữa, nếu ông gặp người tham Thiền khen ngợi Thiền, chê trách Tịnh Độ ắt sẽ theo người ấy tham Thiền. Gặp những tông khác như Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân[20], Bí Mật[21], cứ hễ gặp một vị tri thức đề xướng bèn bỏ pháp này tu theo pháp kia, không biết ông thuộc căn tánh nào! Muốn làm bậc đại thông gia pháp nào cũng thông nhưng nghiệp sâu, trí cạn, không làm bậc đại thông gia được, lại gác pháp cậy Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh ra ngoài, đợi đến lúc lâm chung nếu chẳng tiến vào vạc sôi, lò than, thì chắc cũng đi vào thai lừa, bụng ngựa! Dẫu may mắn không mất thân người thì đời này tuy không có chánh trí, nhưng còn có si phước do tu hành. Do hưởng thụ si phước ấy bèn tạo ác nghiệp, một hơi thở ra không hít vào được, bèn vào thẳng Tam Đồ. Muốn được biết danh hiệu thiên địa, cha mẹ còn không thể, huống gì là biết được pháp môn Tịnh Độ nữa ư?

Ông xem bộ Văn Sao của Quang hiểu như thế nào? Phải biết một câu A Di Đà Phật, trì đến cùng cực thì thành Phật vẫn còn dư! Há nên bảo niệm kinh Di Đà, niệm Phật chẳng diệt được định nghiệp ư? Phật pháp như tiền, do người khéo dùng, ông có tiền thì làm gì mà chẳng được? Ông chuyên tu một pháp, cầu gì chẳng được? Há cứ khăng khăng trì chú này, niệm kinh này sẽ được công đức này, chẳng được những công đức khác ư? Hãy khéo hiểu lời Quang, tự có thể hiểu rõ một điều thì trăm điều sẽ rõ. Nếu không, dù nói cho nhiều, tâm ông vẫn không có định kiến, có ích gì đâu?

Phàm phu đang mê, tín tâm bất định, nên lúc tin, lúc ngã lòng, lúc tu, lúc tạo nghiệp, cũng do người dạy ban đầu chẳng hiểu đường lối mà ra. Nếu thoạt đầu, khởi đầu từ những chuyện nhân quả thiển cận sẽ chẳng đến nỗi có những chuyện mê hoặc, điên đảo như thế. Tội dĩ vãng dẫu cực sâu nặng, nhưng nếu dốc chí nơi chí tâm sám hối, sửa đổi tu tập, dùng chánh tri kiến dốc lòng tu tập Tịnh nghiệp, lợi mình, lợi người thì tội chướng như sương tiêu, bầu trời chân tánh rạng ngời. Vì thế, kinh nói: “Thế gian có hai hạng người mạnh mẽ: một là không tạo tội, hai là tạo rồi biết sám hối”.Một chữ Hối phải từ tâm khởi. Tâm không hối thật sự, nói gì cũng vô ích! Ví như đọc đơn thuốc nhưng không uống thuốc, quyết chẳng mong gì lành bệnh! Nếu có thể theo toa uống thuốc, sẽ được bệnh lành, thân yên. Chỉ sợ lập chí chẳng vững, một ngày nóng mười ngày lạnh, chỉ uổng có hư danh, chẳng ích lợi mảy may gì!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây