Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 206: Tự - Quyển 3 - Phần 1 - IV. Tự - 11. Lời tựa tái bản bộ An Sĩ Toàn Thư (lời tựa thứ nhất)

Cái đạo sẵn có trong tâm chúng ta lớn lao thay! Pháp sẵn có trong tâm chúng ta nhiệm mầu thay! Tịch - Chiếu bất nhị, Chân - Tục viên dung. Ly niệm, ly tình, bất sanh bất diệt. Đó gọi là “có mà chẳng có, không có mà có”, hoặc: “Không mà chẳng không, chẳng không lại không”.Chúng sanh và Phật đều do đây mà ra, thánh hay phàm đều chẳng thể diễn tả được. Giống như gương sáng trọn chẳng có một vật nào, nhưng hễ Hồ đến, Hán hiện[30]. Như các tướng xa xôi trong thái hư chẳng trở ngại mặt trời chiếu qua mây đùn. Đấy chính là “nơi Thật Tế lý địa chẳng nhiễm mảy trần, trong tâm Bổn Giác có đủ trọn vẹn các pháp”. Đấy chính là vô thượng giác đạo do đức Như Lai đã chứng, đó cũng là chân tâm thường trụ của chúng sanh đang mê.

Tam giáo thánh nhân nương theo tâm tánh này, đều lưu lại ngôn giáo, rộng hướng dẫn quần manh. Do vậy, Ni Sơn[31] nêu ý chỉ “thành minh” sâu xa để làm đường lối tu - tề - trị - bình; Trụ Sử[32] nói Đạo Đức Kinh, chỉ bày thuật trường sanh. Đại Giác Thế Tôn xứng pháp giới tánh, chỉ bày tâm Chân Như, diễn giảng đạo “nghịch trần hiệp giác”, lập tông “bất sanh bất diệt”. Tuy cạn - sâu, lớn - nhỏ bất đồng, thế gian, xuất thế gian khác biệt, nhưng chủ yếu đều chẳng ngoài việc phát huy, diễn bày thông suốt cái lý sẵn có trong tâm chúng ta khiến cho khắp các hàm thức đều xứng tánh khởi tu, do tu hiển tánh, tiêu tan huyễn vọng vốn dĩ không có, khôi phục thiên chân sẵn có, vĩnh viễn thoát đường mê, chứng ngay lên bờ giác mới thôi.

Văn Xương Đế Quân trong đời xa xưa, tâm giữ vẹn Ngũ Thường, tận lực phụng trì Tam Giáo, tự hành, dạy người, chỉ muốn đạt đến chí thiện, công cao đức cả, nên bèn được cai quản văn học. Chỉ sợ hàng mạt học vô tri, mê muội tánh thường trụ bao kiếp, bèn soạn văn dạy dỗ rộng rãi, thuật chuyện một trăm mười bảy đời về trước. Diệu nghĩa vô tận, ai lường được uyên nguyên. Chú giải dẫu nhiều, chẳng thể phô bày hết lẽ uyên áo mênh mông. Cho nên ngàn đời trước, ngàn đời sau, người dạy dỗ, kẻ được dạy dỗ thảy đều nuối tiếc chưa thỏa ý.

An Sĩ tiên sinh xưa đã trồng cội đức, thừa nguyện tái lai, xem rộng rãi cùng tột các sách, thâm nhập kinh tạng, tự đặt trách nhiệm tỉnh giác cõi đời, khai hóa dân trí, giữ thân tốt đẹp, thay đổi phong tục để nêu khuôn mẫu tốt đẹp. Dùng học thức kỳ tài diệu ngộ, dùng tâm pháp Linh Sơn - Tứ Thủy[33] để soạn bản chú giải cho bài văn tùy cơ thuyết pháp của Đế Quân khiến cho kẻ nhã, người tục cùng được xem. Lý vốn nơi tâm, từ ngữ nêu được chỗ trọng yếu, dẫn chứng sự thật, xé toạc mây mê nơi cõi ý, xiển dương nghĩa lý, ý chỉ, giương cao vầng mặt trời trí huệ trên bầu trời tâm tánh khiến cho người đọc đối với pháp gì, chuyện gì cũng đều có chỗ để phỏng theo, tâm tâm, niệm niệm thường biết kinh sợ, dè dặt. Thật là đã vạch toang tấm lòng đau đáu của Đế Quân, giãi bày hết cả ra, ngõ hầu ngàn đời trước, ngàn đời sau, người dạy dỗ, kẻ được dạy dỗ đều thỏa thích, không còn nuối tiếc mảy may gì nữa!

Nhưng bi tâm chưa hết, từ nguyện chẳng cùng, muốn khiến cho nhân dân đề cao lòng trung hậu, khoan thứ như đối với người ruột thịt, dứt đao binh, hưởng tuổi trời, giữ lễ nghĩa để vẹn luân thường, chuộng đức, xa lìa sắc đẹp. Do vậy, ông bèn soạn bộ sách răn kiêng giết tên là Vạn Thiện Tiên Tư, bộ sách răn kiêng dâm tên là Dục Hải Hồi Cuồng. Ấy là vì người đời sát nghiệp nhiều nhất, dâm nghiệp dễ phạm. Do vậy, chẳng ngại phiền nhọc, ra rả khuyên răn. Lại vì tu tràn lan những chuyện lành thế gian chỉ được phước trời - người, khi hết phước sẽ đọa lạc, khổ độc làm sao dứt cạn cho được? Do vậy, từ những kinh luận Tịnh tông, ông chọn lấy những lời lẽ phù hợp căn cơ, gộp thành một bộ sách, đặt tên là Tây Quy Trực Chỉ, khiến cho khắp những ai giàu sang, nghèo hèn, già, trẻ, trai, gái, dù trí hay ngu, dù Tăng hay tục, đều cùng niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc, thoát khỏi luân hồi, lên thẳng Bất Thoái, từ tạ những nỗi khổ do vọng nghiệp cảm thành, hưởng sự vui tâm ta sẵn có.

Ba bộ sách trước tuy giảng về việc tu hành điều thiện thế gian, nhưng cũng có pháp liễu sanh thoát tử. Bộ sách cuối cùng này tuy nói về pháp liễu sanh tử, nhưng cũng phải tu hành các thiện pháp thế gian. Còn như những chuyện thuận lý dẫn đến điều lành, trái nghịch dẫn đến điều xấu đều phân tích rạch ròi, dứt nghi, giải đáp những vấn nạn, lý trọn, văn khéo. Nỗi niềm lay động kẻ điếc, làm sáng mắt người mù càng thống thiết hơn cứu người bị chết đuối hay đang bị lửa thiêu. Thật có thể nói là dựng thiên địa, lập quỷ thần, bổ trợ sáu kinh, nâng đỡ danh giáo, đáng là bộ kỳ thư tốt lành nhất trong đời, chẳng thể xem giống như những bộ thiện thư tầm thường khác. Nếu bảo tiên sinh chẳng phải là Bồ Tát thừa bổn nguyện luân, hiện thân cư sĩ, thuyết pháp độ sanh thì tôi chẳng tin.

Bất Huệ lúc bé đọc sách Nho, chẳng biết tâm truyền của Khổng Mạnh, lớn lên học Phật thừa, chưa ngộ được tánh thể của Như Lai. Đến nay tuổi sắp tri mạng (năm mươi), kiến giải như nhìn vào vách, chỉ có cái tâm ham thiện, chẳng có mảy may sức lợi người gì, muốn đem sách này in khắc lưu truyền, hiềm rằng nghèo không chỗ cắm dùi, lại lười mộ duyên. Do vậy, nhiều năm chưa thỏa được nguyện. Cư sĩ Lý Thiên Quế ở Tây Thục có linh căn từ xưa, dốc lòng hành thiện mong chứng đắc vô thượng Phật pháp, đến triều bái danh sơn Phổ Đà. Ở Pháp Vũ Thiền Tự, ngẫu nhiên gặp gỡ, nếu không có sẵn túc duyên, sao lại giải cấu[34] như thế? Ông bèn khuất mình hỏi pháp, cầu xin lẽ xuất yếu (đạo lý trọng yếu để giải thoát). Nhân đó, tôi bèn dạy “tận lực giữ luân thường, tinh tu Tịnh nghiệp, tự lợi, lợi tha, chỉ lấy đó làm trọng”.Nếu có thể tận lực thực hành không tỳ vết thì mới cảm hóa được đồng nhân. Nếu hành vi chẳng phù hợp lời nói thì phụng pháp lại trở thành hoại pháp. Những kẻ chẳng tu đức thế gian, chẳng tận lực làm lành, không phải là vì không có tư chất để tu đức, làm lành, mà là vì không có thầy tốt bạn lành để hướng dẫn. Nên bèn tặng cho ông ta cuốn sách này, bảo hãy đọc kỹ, chăm chú sao cho hành vi cử chỉ của mình đều phù hợp với những gì được chỉ bày, dạy dỗ trong sách này, không sai khác chút xíu nào thì mới nên. Ông ta khác nào được vật quý báu nhất, mừng rỡ khôn cùng, phát nguyện khắc in để rộng lưu truyền. Lại xin tôi viết tựa để bảo khắp đồng nhân. Do vậy chẳng nề hà kém cỏi, lược thuật đầu đuôi. Những ai có chí thờ vua giúp dân, tu thân, tề gia, dạy con cháu mong thành thánh thành hiền, ngộ tâm tánh liễu sanh tử thì xin hãy đọc kỹ rồi tận lực thực hành, đừng cho lời tôi là hư vọng, sai quấy vậy!
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây