Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chương 5: IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN - A. TỰ PHẦN

A. TỰ PHẦN

1. Phật tại Lộc Uyển, năm trăm tỳ-kheo, năm trăm Bồ Tát cùng nhóm

Chánh kinh:
Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Ba Ly Nại thành, tiên nhân trụ xứ, thi Lộc Uyển trung.
如是我聞。一時佛在波離奈城。仙人住處。施鹿苑中
(Tôi nghe như thế này, một thời Phật ở tại thành Ba Ly Nại, ngự trong Lộc Uyển là chỗ trụ của tiên nhân).               
          Đây là năm thứ thành tựu đầu trong Lục Chủng Thành Tựu; tôi nghĩ chúng ta có thể tỉnh lược. Ở đây, xứ sở (địa điểm giảng kinh) là Lộc Dã Uyển, một nơi thường được nhắc đến. Tôi nghĩ trong số các vị đồng tu chúng ta, cũng có những vị đã đến thăm Ấn Độ, đến Ấn Độ triều thánh. Nếu vậy, [những người ấy] đã đến thăm các danh thắng cổ tích Phật giáo. Vườn Lộc Dã là một địa điểm trọng yếu, ban sơ Thích Ca Mâu Ni Phật độ năm vị tỳ-kheo ngay tại ấy. Sau này, chỗ ấy tạo dựng tinh xá, Phật cũng giảng khá nhiều kinh điển tại nơi ấy.
          Chánh kinh:
          Dữ đại tỳ kheo chúng, mãn túc thiên nhân. Phục hữu ngũ bách chư Bồ Tát chúng.
          與大比丘眾。滿足千人。復有五百諸菩薩眾。
(Cùng chúng đại tỳ kheo đủ cả một ngàn vị, lại có năm trăm vị Bồ Tát).
         
Đây là Chúng Thành Tựu. Lúc ấy, tham gia pháp hội có một ngàn năm trăm người.
 
---o0o---

2. Có các Bồ Tát nghiệp chướng sâu nặng, đầy đẫy hạnh bất thiện, nghi hoặc, thoái chuyển, Di Lặc Bồ Tát hỏi han, an ủi khiến họ vui mừng

          Đây là đoạn thứ hai, chính là Phát Khởi Tự của kinh này.
          Chánh kinh:
          Thị thời chúng trung, đa hữu Bồ Tát.
          是時眾中。多有菩薩。
(Lúc ấy trong đại chúng có nhiều vị Bồ Tát).
          Câu này nói về đa số trong năm trăm vị Bồ Tát. Do vậy, ta biết rằng, những vị Bồ Tát ấy chẳng phải là Bồ Tát tầm thường, đa số là cổ Phật tái lai, cố ý thị hiện như thế nhằm tạo cơ hội cho Di Lặc Bồ Tát đến thỉnh pháp để Thích Ca Mâu Ni Phật răn dạy chúng ta. Những lỗi các ngài đã phạm chính là những lỗi bọn người hiện tại chúng ta đang phạm, các vị chỉ đến biểu diễn, lòng từ bi đến mức cùng cực! Bọn họ mắc những lầm lỗi gì?
          Chánh kinh:
          Nghiệp chướng thâm trọng, chư căn ám độn.
業障深重。諸根闇鈍。
(Nghiệp chướng sâu nặng, các căn ám độn).
          Câu này là lời tường thuật tổng quát. Nói gọn một câu là nghiệp chướng nặng nề! Nghiệp là gì? Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Nghiệp (kárma) là hoạt động, tạo tác. Hoạt động ấy chướng ngại trí huệ đức năng sẵn có trong tự tánh nên gọi là “nghiệp chướng”. Nghiệp chướng ấy rất sâu, rất nặng, cho nên trí huệ đức năng của chúng ta chẳng hiện ra được.
[Trong câu] “chư căn ám độn”, chữ “chư căn” chỉ sáu căn. Sáu căn chẳng thông minh, mắt tuy vẫn có thể thấy nhưng lắm việc nhìn lầm, tai tuy vẫn có thể nghe nhưng ý nghĩa đúng đắn chẳng nghe ra. Nhóm chữ này chỉ căn tánh chẳng lanh lợi. Tiếp theo đây kinh nói mười hai câu, mười hai câu ấy chính là nội dung của bản kinh này. Ở phần sau, với mỗi một điều Phật sẽ giảng tường tận cho chúng ta. Điều thứ nhất là:
    Chánh kinh:
      Thiện pháp vi thiểu.  
善法微少
(Thiện pháp ít ỏi).           
Thế nào là “thiện căn”? Thiện căn theo pháp thế gian là không tham, không sân, không si. Chúng ta hãy nghĩ xem là mình có hay không có [thiện căn]. Nếu như chúng ta tham - sân - si đều đầy đủ cả thì căn bản là chúng ta không có thiện căn. Bọn họ còn có thiện căn, nhưng thiện căn ít ỏi; chúng ta không có thiện căn; vì sao lại thành ra như thế? Thiện căn của Bồ Tát là tinh tấn, còn chúng ta hằng ngày giải đãi, biếng nhác, tán loạn.
         
Chánh kinh:
      Háo ư hội náo
好於憒鬧
(Ưa nơi náo nhiệt)
Ở đây, “hội” là “hôn hội” (昏憒),chúng ta thường nói là hồ đồ. “Hội náo” nghĩa là ồn náo lộn xộn. Các vị có biết nơi nào là ồn náo lộn xộn chăng? Chính là những chốn ăn chơi có khá nhiều trong xã hội hiện tại: ca xướng, khiêu vũ, đấy là những chỗ ồn náo lộn xộn. Bọn họ ưa thích những chỗ ấy.
 
Chánh kinh:
Đàm thuyết thế sự.
談說世事
(Bàn nói thế sự).
Đây là câu thứ ba. Phạm vi bao quát của “thế sự” rất rộng. Trong thế sự có cả tà lẫn chánh. Thế nào là chánh? Những điều Khổng Tử, Mạnh Tử nói là chánh, đều là thế sự cả! Thế sự bất hảo ư? Thế sự chẳng thể thoát tam giới. Quý vị phải hiểu rằng: Mục tiêu của Phật pháp là dạy chúng ta liễu sanh tử, xuất tam giới. Vì thế, sự giáo dục của Nho gia dẫu tốt, có thể giúp chúng ta đạt được thân người, thậm chí giúp chúng ta sanh lên trời, nhưng chẳng thể giúp chúng ta liễu sanh tử, thoát tam giới.
“Thế sự” là gì? Là mọi việc trong lục đạo, ưa thích bàn nói những chuyện ấy. Ngày nay người ngoại quốc bàn đến khoa học, kỹ thuật, đấy cũng là thế sự. Họ bàn chuyện vượt ra ngoài không gian, nhưng ra ngoài không gian thì vẫn còn trong luân hồi lục đạo, vẫn chưa vượt thoát luân hồi lục đạo. Thế sự có chánh, có tà. Tà là đọa ba ác đạo, Chánh là ba thiện đạo.
Điều thứ tư là ưa thích ngủ nghỉ, ham ngủ đấy! Điều thứ năm là:
 
Chánh kinh:
Đa chư hý luận.
     多諸戲論。
(Lắm điều hý luận)
Phạm vi của “hý luận” cũng hết sức rộng rãi; như thông thường chúng ta nói giỡn chơi, đều gọi là hý luận.
 
/14
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây