Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chương 10: IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN - B. CHÁNH TÔNG PHẦN - Ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.

Chánh kinh:
Ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
我等則為。欺誑如來。
(Tức là chúng con lừa dối Như Lai).
          Trong quá khứ thường phạm cái bệnh này, hoặc hữu ý hoặc vô ý. Vô ý làm sao phạm? Vô ý là từ vô thỉ kiếp đến nay, do ác tập khí, tự mình chẳng thể khống chế được, thường phạm những lỗi ấy. Câu thứ ba là:
          Chánh kinh:       
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược kiến tại gia, xuất gia Bồ Tát thừa nhân, dĩ ngũ dục lạc, du hý, hoan ngu, kiến thọ dụng thời, chung bất ư bỉ ty cầu kỳ quá.
          世尊。我從今日。至未來際。若見在家。出家。菩薩乘人,以五欲樂。游戲。歡娛。見受用時。終不於彼。伺求其過。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến tận vị lai, nếu thấy người thuộc Bồ Tát thừa dù là tại gia, hay là xuất gia, lúc thấy họ dùng thú vui ngũ dục để chơi bời, vui sướng thụ hưởng, con trọn chẳng bới tìm lỗi họ).
          Điều này rất khó được. “Ngũ dục” là tài, sắc, danh, ăn uống, ngủ nghỉ, người đời coi là sung sướng. Họ thấy Đại Thừa Bồ Tát xuất gia hay tại gia hưởng thụ ngũ dục thế gian, thú vui lục trần, trong quá khứ, nếu thấy tình hình như vậy ắt gây phiền phức, liền bới móc lỗi họ, liền trách lỗi họ, nắm lấy đó để phỉ báng họ, giày xéo họ. Từ nay trở đi hối cải, chẳng những không tạo tội nghiệp như trong quá khứ, mà trái lại còn....
          Chánh kinh:
          Thường sanh tín kính, khởi giáo sư tưởng.
          常生信敬。起教師想。
          (Thường sanh lòng tin kính, tưởng như thầy dạy).
          Dẫu cho họ có hưởng thọ ngũ dục, thú vui lục trần, chúng con vẫn cứ tin tưởng họ, vẫn tôn kính họ, vẫn thờ họ làm thầy để học theo, đấy là cách sửa lỗi đổi mới cụ thể vậy.
          Chánh kinh:
          Nhược bất nhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          若不爾者。我等則為。欺誑如來。
          (Nếu chẳng như vậy thì chính là chúng con lừa dối Như Lai)
          Trong điều này, đặc biệt nêu ra xuất gia và tại gia. Người tại gia thị hiện hưởng thụ ngũ dục, du hý vui chơi nhiều, người xuất gia so ra ít hơn. Đối với những chỗ hoan lạc trong thế gian, người xuất gia ít đi đến đó, nhưng tại gia Bồ Tát có thể đến được. Vì thế, đặc biệt nêu ra xuất gia và tại gia. Chúng ta học Phật, thường thấy trong các kinh luật nói là hết thảy chúng sanh căn tánh chẳng giống nhau. Chư Phật Bồ Tát độ chúng sanh, tức là tiếp dẫn chúng sanh, cũng phải dùng vô cùng tận những thủ đoạn, phương pháp khác nhau. Ta là phàm phu mắt thịt thiếu trí huệ, nhìn chẳng ra, lắm phen ta thấy dường như có những vị không tuân thủ giới luật, phá hoại thanh quy, chứ thật ra, [họ làm vậy] để độ một loại chúng sanh nào đó.
          Trong lịch sử Trung Quốc, ai nấy đều biết thời cổ xuất hiện vị Tế Công Hoạt Phật. Cận đại, đầu thời Dân Quốc, pháp sư Diệu Thiện ở chùa Kim Sơn tỉnh Giang Tô được mọi người xưng là “Kim Sơn Hoạt Phật”. Hành vi của pháp sư Diệu Thiện chẳng khác Tế Công cho mấy, Ngài cũng thị hiện khùng khùng điên điên. Cảnh giới của các Ngài chẳng thể nghĩ bàn, bọn người bình thường ta trọn chẳng thể tưởng tượng, chẳng thể suy lường được! Những người như vậy chúng ta nhất định phải tôn kính, nhất định phải tin sâu chẳng nghi. Quán sát kỹ ngôn hạnh của họ đều là Chánh Pháp, đều là dạy dỗ người khác liễu sanh thoát tử, thoát tam giới, chẳng hề chống trái với kinh giáo của Phật, chỉ là thủ đoạn của các Ngài chẳng tương đồng. Điều thứ tư là:
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân, xan thân hữu gia, cập chư lợi dưỡng, não bỉ thân tâm, linh kỳ bức bách, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。慳親友家。及諸利養。惱彼身心。令其逼迫。我等則為。欺誑如來。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến tận vị lai, nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà xẻn tiếc kẻ thân hữu và các lợi dưỡng, não loạn thân tâm họ, bức bách họ, tức là chúng con lừa dối Như Lai).
          Đoạn này ý nói: Những vị đại đức hoằng pháp (chữ “Bồ Tát thừa nhân” bao gồm tại gia, xuất gia) nhất định có rất nhiều người tôn kính, cúng dường. “Thân hữu gia” là người thân cận, cúng dường, trong đó có thân thích, bạn bè của quý vị, có rất nhiều người quen biết. Quý vị thấy những người ấy cúng dường, tôn kính vị hoằng pháp, trong tâm rất khó chịu. Sự việc này có thật, chẳng giả đâu, chúng tôi cũng từng thấy qua, rõ rệt nhất là ở những vị làm cha mẹ.
Mỗi khi pháp sư đến nhà tín đồ, con cái họ là tín đồ của pháp sư, thấy pháp sư đến liền quỳ lạy, cung kính, cúng dường, cha mẹ ở bên cạnh thấy vậy rất khó chịu! Con cái chẳng thèm lễ bái mình, cũng chẳng cúng dường mình, hằng ngày còn cộc cằn đối với mình, cái gã người ngoài đó, ổng là cái thá gì mà nó ngày ngày đến quỳ lạy, tiền bạc chẳng dễ kiếm mà lại đem cúng dường cho ổng luôn, trong tâm bất phục! Vì vậy, trong lòng nghĩ cách gây chướng ngại [pháp sư].
          “Não bỉ thân tâm” là khiến cho người đó sanh phiền não, bức bách kẻ đó, chuyện này rất thường thấy! Kinh này được đức Phật giảng vào ba ngàn năm trước đây, vào lúc đó còn có những chuyện như thế, huống hồ bây giờ? Nói thật ra, pháp sư dạy dỗ tín đồ thì trước hết phải dạy họ hiếu dưỡng phụ mẫu. Nếu quý vị đối với cha mẹ chẳng kính hiếu, đối với pháp sư lại kính hiếu, thì lòng hiếu kính ấy là giả, chẳng thật vậy. Lẽ đâu đối với thân nhân của mình chẳng hiếu kính, lại đi hiếu kính người chỉ có quan hệ sơ sài, xa xôi đối với mình ư? Như vậy, xét theo Lý chẳng thông, trái nghịch luân lý. Vì thế, Phật dạy chúng ta điều thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu”, điều thứ hai là “phụng sự sư trưởng”.
Đạo thầy trò kiến lập trên cơ sở hiếu đạo; pháp sư nhất định phải dạy bảo điều này. Nếu quả thật kẻ ấy ở nhà hiếu thuận cha mẹ thì khi pháp sư đến nhà kẻ ấy, cha mẹ kẻ ấy sẽ hoan hỷ. Chuyện đó, đạo lý đó chúng ta đều phải suy nghĩ kỹ, đều phải nỗ lực phản tỉnh, chẳng khiến cho chúng sanh gây tạo tội nghiệp. Điều thứ năm là:
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân dĩ nhất thô ngôn linh kỳ bất duyệt, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。以一粗言。令其不悅。我等則為。欺誑如來。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ nay trở đi cho đến đời vị lai, nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà dùng một câu thô lỗ khiến cho người ấy chẳng vui thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
          “Thô ngôn” tức là lời lẽ thô lỗ, lời nói chẳng dễ nghe, khiến tâm người nghe khó chịu. Khẩu nghiệp này cũng rất dễ phạm. Trong việc thanh tịnh ba nghiệp, kinh Vô Lượng Thọ xác lập điều thứ nhất của cương lãnh tu hành là: “Khéo giữ khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi người khác”. Trong ba điều tương đương với thân - ngữ - ý thì thân nghiệp lẽ ra đứng đầu, vì sao lại đặt ngữ nghiệp làm đầu? Nhằm chỉ rõ khẩu nghiệp dễ phạm nhất, cho nên đặt khẩu nghiệp làm điều thứ nhất.
          Điều thứ sáu [trong mười ba hoằng thệ nguyện] là:
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Bồ Tát thừa nhân, trú dạ lục thời bất cần lễ sự, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          世尊。我從今日。至未來際。若於菩薩乘人。晝夜六時。不勤禮事。我等則為。欺誑如來。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà đêm ngày sáu thời chẳng siêng kính thờ, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
           Năm điều trên là những điều thường vi phạm trong quá khứ và trong đời này. Đối với Đại Thừa Bồ Tát chẳng biết cung kính, chẳng biết thừa sự, lại còn dùng những tâm tư ghen ghét, ngạo mạn để đối xử với những người thuộc Bồ Tát thừa ấy. Từ điều thứ sáu trở đi, kể từ hôm nay chẳng những các tâm tư thái độ xấu xa, hèn kém ấy phải thay đổi, mà còn phải nỗ lực siêng năng cung kính, thừa sự. Bởi thế, họ mới phát nguyện “đêm ngày sáu thời” nghĩa là tâm cung kính ấy chẳng gián đoạn, chẳng lui sụt.
          Siêng năng thừa sự. “Sự” là hầu hạ. Điều thứ bảy là:
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, vị dục hộ trì thử hoằng thệ cố, bất tích thân mạng. Nhược bất nhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
         
世尊。我從今日。至未來際。為欲護持。此弘誓故。不惜身命。若不爾者。我等則為。欺誑如來。

          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, vì muốn hộ trì hoằng thệ này cho nên chẳng tiếc thân mạng. Nếu chẳng như thế, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
           Phần này nói đến “hộ trì hoằng thệ”, nghĩa rộng là [hộ trì] trọn mười ba điều, nghĩa hẹp là sáu điều trước. Phát thệ tôi nhất định phải làm được, chẳng những hiện tại phải làm được mà đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn sẽ làm được. “Chẳng tiếc thân mạng” là nếu gặp phải chướng ngại, dẫu có phải bỏ thân mạng cũng chẳng tiếc, tuyệt đối chẳng trái nghịch thệ nguyện của mình. Tiếp theo đây là một điều nữa:
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư Thanh Văn, cập Bích Chi Phật, dĩ khinh mạn tâm, vị ư bỉ đẳng bất thắng ư ngã, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          世尊。我從今日。至未來際。若於聲聞。及辟支佛。以輕慢心。謂於彼等。不勝於我。我等則為。欺誑如來。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu đối với Thanh Văn và Bích Chi Phật, do tâm khinh mạn nói họ chẳng hơn được mình, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
          Những điều ở phần trên là đối với Bồ Tát Đại Thừa, còn điều này là đối với Tiểu Thừa. Người tu học Đại Thừa hay khinh mạn Tiểu Thừa, thấy các pháp sư Tiểu Thừa đều hạ họ xuống một bực, coi thường họ, khinh dễ họ, như vậy là sai lầm.
Đại Thừa Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta “lễ kính chư Phật”. Phạm vi của chữ “chư Phật” rộng lớn phi thường, trừ ta ra, [ai nấy] đều là chư Phật. Chư Phật bao gồm Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai. Hết thảy chúng sanh đều là Phật tương lai, há lẽ đâu chẳng cung kính! Thanh Văn, Duyên Giác cũng là vị lai Phật, tuy hiện tại tu Tiểu Thừa, tương lai nhất định sẽ hồi tiểu hướng đại. Trong kinh Phật đã dạy: Người tu Tiểu Thừa sau khi chứng được quả A La Hán, sau hai vạn kiếp sẽ hồi tiểu hướng đại, còn Bích Chi Phật thì một vạn kiếp bèn hồi tiểu hướng đại, cho nên họ đều là vị lai Phật, há nên dùng tâm khinh mạn bảo họ chẳng phải là Như Lai ư? Chữ “bỉ đẳng” chỉ những người Tiểu Thừa ấy.
“Bất thắng ư ngã” (chẳng hơn được mình) nghĩa là coi họ chẳng bằng được mình vì mình tu Đại Thừa, họ tu Tiểu Thừa. Chẳng được sanh lòng ngạo nghễ, ngã mạn như thế. Sanh tâm như vậy là sanh phiền não, tâm chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng, đã tạo thành chướng ngại nghiêm trọng cho việc tu hành của chính mình. Lại xem tiếp điều sau đây:
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược bất thiện năng tồi phục kỳ thân, sanh hạ liệt tưởng như Chiên-đà-la, cập ư cẩu khuyển, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          世尊。我從今日。至未來際。若不善能。摧伏其身。生下劣想。如旃陀羅。及於狗犬。我等則為。欺誑如來。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu chẳng thể khéo dẹp yên cái thân, sanh ý tưởng hèn kém giống Chiên-đà-la và như chó má thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
          Điều này rất trọng yếu mà cũng rất khó được. Phật pháp bảo căn bản phiền não, ngoài tham, sân, si là ngạo mạn. Ngạo mạn là phiền não lớn, là căn bản phiền não, thánh nhân thế gian và xuất thế gian đều thừa nhận loại phiền não này có từ lúc ta mới sanh ra. Có chúng sanh nào mà chẳng kiêu ngạo? Quý vị cứ thử xét kỹ trong cả đời mình, quý vị có thể tìm được một ý niệm chẳng kiêu ngạo hay không?
Nho học biết kiêu ngạo là xấu nên Nho gia dạy người “ngạo bất khả trưởng”, tức là chẳng nên tăng trưởng ngạo mạn, nhưng không dạy ta đoạn ngạo mạn. Phật pháp dạy ta siêu việt thế gian, vì thế nhất định phải đoạn phiền não. Phiền não chẳng đoạn sẽ chẳng thể siêu thoát lục đạo luân hồi. Vì vậy, nếu quý vị muốn thoát khỏi luân hồi, cái tâm ngạo mạn này nhất định phải đoạn. Điều phát thệ này chính là phương pháp để đoạn phiền não. Nho gia dạy người ty khiêm - khiêm hư, ty hạ (khiêm tốn, nhún nhường). Ở đây, đức Phật dạy những vị ấy ấy sám hối cũng chính là nhằm dạy dỗ chúng ta.
“Thiện năng tồi phục kỳ thân” tức là dẹp yên phiền não nơi tự thân, phải “sanh hạ liệt tưởng” (sanh ý tưởng hèn kém), “hạ liệt” nghĩa là ta chẳng bằng người khác. Đối với chư Phật, Bồ Tát, đương nhiên ta chẳng bằng được; đối với Thanh Văn, Duyên Giác, ta cũng chẳng bằng. Địa vị thấp nhất trong Tiểu thừa là quả Tu Đà Hoàn (Sơ Quả), đã đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc của tam giới, ta làm sao sánh bằng! Ta một phẩm phiền não còn chưa thể đoạn nổi! Ngay cả với hết thảy những người trong thế gian, mỗi một cá nhân đều có ưu điểm, đều có chỗ vượt trội hơn ta, lẽ nào khinh mạn người khác? Vì thế ta phải thường sanh ý tưởng kém hèn để hàng phục lòng cống cao ngã mạn của ta. Tiếp đó, kinh nêu lên hai tỷ dụ:
“Chiên-đà-la”: Trong xã hội Ấn Độ thời cổ, giai cấp bất bình đẳng, Chiên-đà-la là địa vị thấp hèn nhất trong bốn chủng tánh, thậm chí “giống như chó má” . Dùng phương pháp này để hàng phục tập khí phiền não cống cao, ngã mạn. Điều thứ mười là:
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược tự tán thán, ư tha hủy thư, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          世尊。我從今日。至未來際。若自贊嘆。於他毀呰。我等則為。欺誑如來。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, nếu khen ngợi mình, chê bai người khác, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
          Đây là chứng bệnh chúng ta thường phạm: Tự khen mình, chê người. Học Phật cũng chẳng phải là ngoại lệ. Hiện tại chúng ta học pháp môn Tịnh Độ, biết là pháp môn Tịnh Độ thù thắng bậc nhất, các pháp môn khác chẳng sánh bằng. Nói như vậy là phạm vào lỗi “khen mình, chê người”. Tuy lời lẽ ấy, trong kinh điển ta thấy có lúc Phật cũng nói, tổ sư đại đức cũng thường giảng, nhưng các Ngài có ý riêng: Nhằm khuyến khích, cổ võ những người cùng tu pháp môn này, chứ chẳng phải là lời nói quyết định đối với bên ngoài, đặc biệt là ở những đạo tràng thuộc tông phái hay pháp môn khác biệt, càng chẳng nên nói.
Bởi lẽ, chúng sanh căn tánh bất đồng, bọn họ là căn tánh học Thiền, họ tham Thiền cũng được thành tựu, họ niệm Phật chẳng thành tựu. Giống như bệnh nhân, mỗi người mắc bệnh mỗi khác, cho nên dùng thuốc khác nhau, chỉ cần họ uống thuốc nào bèn lành bệnh, uống vô là hết bệnh thì thuốc ấy có lợi ích chân thật, hiệu quả chân thật. Đấy là kiến thức thông thường người học Phật chúng ta phải hiểu rõ. Chúng ta gặp người học Thiền, nhất định phải khen ngợi tham Thiền, gặp người học Giáo, nhất định phải khen ngợi học Giáo; khuyến khích họ, giúp đỡ họ thì mới là đúng. Trọn chẳng được phỉ báng, phỉ báng là sai lầm. Các vị nói Thiền chẳng tốt thì Thiền là do  Thích Ca Mâu Ni Phật truyền dạy, chẳng phải là quý vị báng Phật hay sao?
Đã báng Phật ắt sẽ báng Pháp, cũng phỉ báng luôn người tham Thiền, vậy là quý vị báng Phật, báng Pháp, báng Tăng! Quý vị phỉ báng Tam Bảo, dù có niệm Phật giỏi đến đâu cũng chẳng được vãng sanh. Điều này chúng ta nhất định phải hiểu cho rõ, cho thật minh bạch, trọn chẳng phạm lỗi khen mình chê người. Điều thứ mười một là:
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược bất bố úy, đấu tránh chi xứ, khứ bách do tuần, như tật phong xuy, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          世尊。我從今日。至未來際。若不怖畏。鬪諍之處。去百由旬。如疾風吹。我等則為。欺誑如來。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay đến đời vị lai, nếu chẳng đi khỏi chỗ đáng sợ, chỗ tranh chấp một trăm do-tuần, như gió thổi nhanh thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
          Đoạn kinh này dạy chúng ta nhất định phải biết tránh khỏi chỗ tranh đấu. Phàm chỗ nào có tranh chấp, chúng ta phải tránh xa. “Trăm do-tuần” là nói tỷ dụ, chứ chẳng phải nhất định phải bỏ đi xa chừng đó, chủ yếu là ta phải tránh xa những nơi chốn ấy. “Như gió thổi nhanh” nghĩa là rất nhanh, xa lìa thật nhanh.
Học Phật tối khẩn yếu là tu tâm thanh tịnh, những chốn ấy nhất định gây trở ngại cho việc tu tâm thanh tịnh. Vì thế, Phật dạy chúng ta phải xa lìa, tránh đi. Cương lãnh tu hành của Phật pháp là Giác, Chánh, Tịnh. Tông môn (Thiền) là từ cửa Giác mà vào, giác nhưng chẳng mê. Giáo là từ cửa Chánh mà vào, chánh tri chánh kiến. Tịnh Độ là từ tâm thanh tịnh mà vào, tịnh nhưng chẳng nhiễm. Tuy nói là Giác, Chánh, Tịnh, nhưng thật ra, tuy một mà ba, tuy ba mà một. Có ai giác ngộ mà tà tri, tà kiến, có ai giác ngộ mà tâm chẳng thanh tịnh; bởi thế hễ đạt một sẽ đạt cả ba. Đấy chính là “pháp môn vô lượng, khác đường nhưng cùng về một chỗ”.
Kinh Kim Cang dạy: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp” là nhằm ý này. Hễ quý vị đạt được một thì sẽ đạt tất cả. Vì thế, chúng ta đối với các pháp môn khác nhau đều phải khen ngợi thì mới đúng đắn, chúng ta phải nhớ kỹ điều này. Trong xã hội hiện tại, có rất nhiều chỗ tranh chấp, hễ gặp những chỗ như vậy chúng ta phải biết tránh né. Người ta thì đến tận đời vị lai, còn chúng ta mong mỏi trong một đời này tự mình thật sự thực hiện“cùng người không tranh, với sự chẳng cầu”, tâm quý vị bèn thanh tịnh, đạo nghiệp mới có thể thành tựu, đạo nghiệp chính là tâm thanh tịnh. Điều thứ mười hai là:
      Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật, chí vị lai tế, nhược ư trì giới, đa văn, đầu-đà, thiểu dục tri túc, nhất thiết công đức thân tự huyễn diệu, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。若於持戒。多聞頭陀。少欲知足。一切功德。身自炫曜。我等則為。欺誑如來。
          (Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay đến đời vị lai, nếu với trì giới, đa văn, đầu đà, ít dục biết đủ, hết thảy công đức mà tự mình vênh váo thì chính là chúng con lừa dối Như Lai).
          Trong điều phát thệ này, nếu tự nói ra sự thành tựu của chính mình, như là trì giới (giữ giới luật rất nghiêm), hoặc là đa văn (học rộng nghe nhiều), hoặc là tu khổ hạnh, Đầu Đà là khổ hạnh, “thiểu dục tri túc, hết thảy công đức” là nói tuy quý vị tu hành thành thục, có thành tựu, dẫu có thành tựu vẫn chẳng được ngạo mạn.
“Thân tự huyễn diệu” nói theo ngôn ngữ hiện thời là “đáng nên kiêu ngạo”. “Đáng nên kiêu ngạo” là xấu, tu dù có giỏi cũng chẳng nên kiêu ngạo. Vì sao chẳng nên? So với Bồ Tát, so với chư Phật Như Lai, quý vị còn thua xa lắm, có gì đáng để kiêu ngạo đâu? Những ai muốn thành Phật đều chẳng nên kiêu ngạo. Quý vị có chút thành tựu liền nghĩ là mình ghê gớm lắm, liền nghĩ mình đáng nên kiêu ngạo, vì thế quý vị chẳng thể tiến thêm nổi. Chẳng những không thể tiến bộ, trái lại ngày càng lui sụt, “chẳng tiến ắt lùi”!
Bởi thế, câu nói “đáng nên kiêu ngạo” phổ biến trong cõi đời là một câu nói tồi tệ, cái quan niệm ấy khiến nhiều người tu hành bị đổ nhào. Bởi lẽ, dù quý vị có thành tựu, hễ khởi kiêu ngạo bèn bị lôi vào trong tam ác đạo. Điều thứ mười ba là:
      Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế, sở tu thiện bổn bất tự căng phạt, sở hành tội nghiệp tàm quý phát lộ. Nhược bất nhĩ giả, ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
世尊。我從今日。至未來際。所修善本。不自矜伐。所行罪業。慚愧發露。若不爾者。我等則為。欺誑如來。
(Bạch đức Thế Tôn! Con từ ngày nay cho đến đời vị lai, gốc lành đã tu chẳng dám khoe khoang, tội nghiệp trót làm hổ thẹn bày tỏ. Nếu chẳng như thế, chính là chúng con lừa dối Như Lai).
         
          Đoạn này là tổng kết, mà cũng là nói tổng quát. Hết thảy điều lành đã tu phải gìn giữ, giữ cho lâu dài, chẳng được tự hủy hoại. Gìn giữ như thế nào? Nhẫn nhục. Nhẫn nhục gìn giữ được hết thảy điều thiện.
Đối với tội nghiệp đã tạo phải hổ thẹn, phải biết phơi bày sám hối. Điều thệ nguyện này được biểu hiện trong sanh hoạt thường ngày qua khóa tụng sớm, tối. Mục đích của khóa sáng là nhắc nhở chính mình: Ngày hôm nay mình chiếu theo đúng lời Phật dạy để sống trọn một ngày, Phật dạy ta làm gì, ta phải nghiêm túc nỗ lực thực hiện, Phật bảo điều gì chẳng được làm, ngày hôm nay ta quyết định chẳng nên làm. Khóa tối là tự phản tỉnh, kiểm điểm, cả ngày hôm nay mình đối với người, đối với sự, đối với vật có điều gì chẳng tuân theo lời Phật dạy. Điều gì làm đúng thì ngày mai mình phải tiếp tục gìn giữ. Nếu có chi lầm lỗi, mình phải nhanh chóng sửa lỗi, đấy gọi là thực hành khóa tối. Thực hiện công khóa sớm tối như vậy thì có công đức, đúng là người học Phật, chân chánh tu hành.
Khóa tối, khóa sáng chẳng phải là cầm quyển kinh đọc cho Phật, Bồ Tát nghe. Phật, Bồ Tát chẳng thích nghe những điều ấy đâu nhé! Kinh do Ngài giảng, cần gì quý vị phải niệm cho Ngài nghe. Rất nhiều người hiểu lầm ý nghĩa công khóa sáng tối, cứ tưởng sáng niệm một lượt cho Phật nghe, tối lại niệm nữa. Ngày ngày đều chẳng thiếu thì ta là học trò ngoan của Phật, Phật nhất định bảo vệ, che chở ta. Thật ra, quý vị đã tạo tội nghiệp mà tự mình chẳng biết. Tội nghiệp gì vậy?
Buổi sáng dối Phật, Bồ Tát một lần, buổi tối lại dối một lần nữa. Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày, mỗi ngày chẳng thiếu sót, tội quý vị lớn lắm đó nghe! Phật, Bồ Tát thật sự chẳng ngồi đó, tượng đất đắp, gỗ khắc mà quý vị còn nhẫn tâm lừa dối, quý vị thử nghĩ coi tội lỗi mình nặng quá chừng! Quý vị chẳng học Phật, chẳng thực hành công khóa sáng tối thì chẳng mắc tội lỗi ấy, nay học Phật, thực hiện công khóa rốt cuộc lại đọa địa ngục A Tỳ mà vẫn chẳng hiểu vì đâu! Học Phật chẳng thể không hiểu rõ lý, chẳng thể cứ hồ đồ mê lý mà học, hồ đồ mê lý mà tu. Đấy là mười ba hoằng thệ.
Trong đoạn kinh văn tiếp theo, đức Phật khen ngợi các vị Bồ Tát ấy, đức Phật thấy bọn họ thực sự có thể sửa lỗi đổi mới, quay đầu là bờ, đáng được khen thưởng.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Thế Tôn tán chư Bồ Tát: - Thiện tai! Thiện tai!
爾時。世尊贊諸菩薩。善哉善哉。
(Khi ấy, đức Thế Tôn khen ngợi các Bồ Tát: - Lành thay! Lành thay!)
Phật khen ngợi sáu mươi vị Bồ Tát đã được nhắc đến trong phần trước.
Chánh kinh:
Thiện nam tử! Thiện thuyết như thị giác ngộ chi pháp.
善男子。善說如是。覺悟之法。
(Thiện nam tử! Ông khéo nói pháp giác ngộ như thế).
Biết lỗi lầm của mình chính là giác ngộ; trong nhà Phật thường gọi là “khai ngộ”. Mọi người nghe nói đến “khai ngộ” thường nghĩ là rất u huyền. Thế nào là khai ngộ? Biết chứng bệnh, biết lỗi lầm của mình (tức là những hành vi sai trái), sửa đổi cho đúng, người như vậy gọi là “tu hành”. Bởi vậy, quý vị phải biết là mỗi ngày ta đọc kinh, niệm Phật, lễ Phật có phải là tu hành hay không?
Không nhất định! Nếu như quý vị đối với mỗi hành vi trong cuộc sống chẳng hề cải biến tí ti nào, vẫn y hệt như cũ, dù mỗi ngày quý vị tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật vẫn chẳng phải là tu hành, chẳng dính dáng gì đến tu hành chi cả! Quan niệm lầm lẫn, lời lẽ, hành vi sai trái của quý vị chẳng được sửa đổi cho đúng thì quý vị chẳng hề tu hành.
Ngàn vạn phần chớ nghĩ rằng mỗi ngày niệm mấy bộ kinh chính là tu hành, còn cảm thấy là mình tu hành khá lắm! Khi chẳng niệm kinh thì tâm không kiêu ngạo, niệm kinh rồi bèn tưởng mình là ghê gớm lắm. Tôi có thể thuộc lòng kinh Vô Lượng Thọ, mấy người còn thua tôi xa lắc! Như vậy là quý vị không niệm kinh thì không có phiền não đó, chẳng tạo tội nghiệp; sau khi quý vị thuộc kinh nhuần nhuyễn rồi, hằng ngày sanh phiền não, tạo tội nghiệp khắp mọi chỗ, đều là do hiểu lầm nghĩa chân thật của Như Lai. Phật dạy quý vị đọc thuộc là để thường nhớ kỹ trong lòng, mỗi khi khởi tâm động niệm bèn nhớ đến lời Phật dạy răn: Ta có nên suy nghĩ như thế hay chăng? Ta có nên nói lời như vậy hay chăng? Ta có nên làm những việc đó hay chăng? Mục đích của niệm kinh là như vậy.
Cho nên biết lỗi lầm của mình đấy chính là thật sự giác ngộ. “Khéo nói pháp giác ngộ như thế”, giác ngộ rồi bèn quay đầu.
 
/14
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây