Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chương 9: IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN - B. CHÁNH TÔNG PHẦN - Ư thị công đức, phục sanh chấp trước.

Chánh kinh:
Ư thị công đức, phục sanh chấp trước.
於是功德。復生執著。
(Với công đức này, lại sanh chấp trước).
Bệnh họ nổi lên rồi: Chấp tướng! Chấp tướng cũng là vướng phải kiêu ngạo: Người khác tu hành đều chẳng bằng họ, bọn họ được những tín đồ tại gia cung kính, cúng dường. Ý nghĩa đoạn này rất sâu, rất rộng, quý vị phải rất lắng lòng, rất chú tâm thấu hiểu, chẳng nên đọc sơ sài lướt qua đoạn kinh này. Đoạn dưới, đức Phật nói cụ thể về sự tướng gây tạo ác nghiệp.
Chánh kinh:
Nhĩ thời hữu nhị thuyết pháp tỳ kheo.
爾時。有二說法比丘。
(Lúc bấy giờ có hai vị tỳ-kheo thuyết pháp).
Có hai vị xuất gia, đại khái là thường giảng kinh thuyết pháp ở bên ngoài. Giảng kinh thuyết pháp đương nhiên thính chúng đông, cúng dường cũng nhiều.
Chánh kinh:
Đa chư thân hữu, danh văn, lợi dưỡng.
多諸親友。名聞利養。
(Có nhiều bè bạn, tiếng tăm, lợi lộc).
Pháp sư thuyết pháp nhất định được như vậy, nhất định có hiện tượng như thế.
Chánh kinh:
Nhữ ư thị nhân dĩ xan tật tâm.
汝於是人。以慳嫉心
(Với hai người ấy, các ông do lòng ghen ghét)
Họ ghen ghét hai vị pháp sư giảng kinh, thuyết pháp.
Chánh kinh:
Vọng ngôn phỉ báng.
妄言誹謗。
(Bịa đặt phỉ báng).
Các ông muốn phá hoại, ghen ghét họ. Để phá hoại họ thì phỉ báng bằng cách nào? Đồn đãi, đặt chuyện, nói hai tỳ kheo ấy là:
 Chánh kinh:
Hành dâm dục sự. Thị thời pháp sư thân hữu quyến thuộc, do nhữ ly gián, thuyết kỳ trọng quá, giai linh nghi hoặc, bất sanh tín thọ. 
行淫欲事。是時法師。親友眷屬。由汝離間。說其重過。皆令疑惑。不生信受。
(Làm chuyện dâm dục. Khi ấy, thân hữu, quyến thuộc của pháp sư do các ông ly gián, nói họ phạm lỗi nặng nên đều ngờ vực, chẳng sanh lòng tin nhận [pháp của hai pháp sư ấy giảng nữa])
          Đấy là phá hoại tín tâm của thính chúng đối với pháp sư giảng kinh thuyết pháp, khiến cho đại chúng chẳng còn tin tưởng vị pháp sư ấy nữa.
          Chánh kinh:
          Bỉ chư chúng sanh, ư thị pháp sư vô tùy thuận tâm, đoạn chư thiện căn.
          彼諸眾生。於是法師。無隨順心。斷諸善根。
          (Các chúng sanh ấy đối với pháp sư đó không có tâm tùy thuận, dứt các thiện căn)
          Cần phải hiểu là đối với hết thảy pháp, công đức nghe pháp không có gì có thể sánh bằng; bởi lẽ, nghe pháp phát sanh trí huệ. Đặc biệt là tâm cung kính. Trong kinh Phật thường dạy, cổ đức cũng thường nói. Ấn Quang đại sư nói rất hay: “Một phần cung kính được một phần lợi ích; mười phần cung kính được mười phần lợi ích”. Nếu lòng cung kính bị phá hoại toàn bộ, bất cứ công đức nào cũng chẳng thể đạt được. Đó gọi là gì? Đoạn pháp thân huệ mạng của hết thảy chúng sanh. Bọn họ tạo tội nghiệp như thế này: Tung tin đồn, đặt chuyện phá hoại đạo tràng. 
          Chánh kinh:
          Thị cố nhữ đẳng do tư ác nghiệp.
          是故汝等。由斯惡業。       
          (Vì thế các ông do ác nghiệp ấy).
          Do tạo ác nghiệp ấy, các ông đã từng...
          Chánh kinh:
          Ư lục thập bách thiên tuế trung, sanh A Tỳ địa ngục.
於六十百千歲中。生阿鼻地獄。
          (Trong sáu mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục A Tỳ).
          “Lục thập bách thiên tuế” là sáu trăm vạn. Tạo tội nghiệp đó, bọn họ đã phải sống trong địa ngục A Tỳ sáu trăm vạn năm. Sáu trăm vạn năm là chỉ thời gian trong loài người, tính theo thời gian của chúng ta. Các vị xem: Tạo tội rất dễ dàng, đã từng sống trong địa ngục A Tỳ sáu trăm vạn năm. Các vị đọc trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện có giải thích tường tận về địa ngục A Tỳ. Trong kinh Lăng Nghiêm cũng nói rất tường tận.
          Chánh kinh:
          Dư nghiệp vị tận.
          余業未盡。
          (Nghiệp thừa chưa hết).

          Vẫn còn thừa tội: Trọng tội đã trả rồi, trả xong vẫn còn dư tội. Lúc đó, chuyển sang một địa ngục nhẹ hơn.
          Chánh kinh:
          Phục ư tứ thập bách thiên tuế trung, sanh Đẳng Hoạt địa ngục.
          復於四十百千歲中。生等活地獄。
          (Lại trong bốn mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Đẳng Hoạt).   
          “Tứ thập bách thiên” là bốn trăm vạn. Lại trải qua bốn trăm vạn năm trong Đẳng Hoạt địa ngục. Đẳng Hoạt là một trong tám đại địa ngục, tức là trong tám địa ngục nóng, địa ngục thứ nhất là Đẳng Hoạt.
          Chánh kinh:
          Dư nghiệp vị tận.
          余業未盡。
          (Nghiệp thừa chưa hết).
          Đến đây nghiệp thừa vẫn còn.
          Chánh kinh:
          Phục ư nhị thập bách thiên tuế trung, sanh Hắc Thằng địa ngục.
          復於二十百千歲中。生黑繩地獄。
          (Lại trong hai mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Hắc Thằng).
          Phía dưới Đẳng Hoạt là Hắc Thằng. Địa ngục này thọ tội so với địa ngục trên nhẹ hơn một chút, nhưng vẫn thuộc trong tám đại địa ngục.
          Chánh kinh:
          Phục ư lục thập bách thiên tuế trung, sanh Thiêu Nhiệt địa ngục.
          復於六十百千歲中。生燒熱地獄
          (Lại trong sáu mươi trăm ngàn năm, sanh trong địa ngục Thiêu Nhiệt).
Địa ngục Thiêu Nhiệt là địa ngục thứ sáu trong tám đại địa ngục. Địa ngục thứ bảy tôi không nói chi tiết, trong Phật Học Đại Từ Điển, kinh Địa Tạng, kinh Lăng Nghiêm, sách Pháp Uyển Châu Lâm đều có nói, tài liệu tham khảo rất nhiều. Thọ báo trong các địa ngục lớn nhỏ kể trên, tính theo thời gian trong nhân gian tổng cộng là một ngàn tám trăm vạn năm. Đấy là tạo tội rất dễ dàng, thọ khổ thật dài lâu, có mấy ai biết hay chăng?
Chánh kinh:
Tùng bỉ một dĩ, hoàn đắc vi nhân.
從彼歿已。還得為人
(Từ đó chết đi, lại được làm người).
Từ địa ngục thoát ra, lại được làm thân người. Được thân người như thế nào?
Chánh kinh:
Ngũ bách thế trung, sanh manh vô mục.
五百世中。生盲無目。
(Trong năm trăm đời, mù từ lúc vừa sanh, không có mắt).
Tức là mới vừa sanh ra mắt đã mù, cả năm trăm đời! Đó là dư báo.
Chánh kinh:
Dĩ tàn nghiệp cố!
以殘業故。
(Do tàn nghiệp vậy)
Đương nhiên người như vậy cuộc sống nhất định rất khốn khổ.
Chánh kinh:
Tại tại sở sanh, thường đa mông độn.
在在所生。常多蒙鈍。
(Sanh ở chỗ nào cũng thường hay tối tăm, chậm lụt).
“Độn” () là căn tánh chẳng lanh lợi. “Mông” () là mờ mờ, mịt mịt, chẳng có trí huệ.
          Chánh kinh:
          Vong thất chánh niệm, chướng phú thiện căn, phước đức vi thiểu, hình dung xú khuyết, nhân bất hỷ kiến, phỉ báng khinh tiện, hý lộng khi hiềm, thường sanh biên địa.
          忘失正念。障覆善根。福德微少。形容醜缺。人不喜見。誹謗輕賤。戲弄欺嫌。常生邊地。
          (Quên mất chánh niệm, che ngăn thiện căn, phước đức ít ỏi, hình dáng xấu xa, thiếu sứt, người khác chẳng ưa trông thấy, phỉ báng, khinh dễ, chọc ghẹo, coi thường, ghét bỏ, thường sanh nơi biên địa).
          Đấy là quả báo họ phải gánh chịu. Trong quá khứ họ từng chọc ghẹo người khác, nay được làm thân người bèn thuộc địa vị hèn hạ, cũng bị người khác phỉ báng, khinh rẻ, chọc ghẹo, khinh thường. “Thường sanh biên địa”: Biên địa là nơi văn hóa hết sức lạc hậu; nói theo ngôn ngữ hiện tại, [biên địa] là nơi không có giáo dục, sống ở những nơi ấy không có cơ hội được hưởng sự giáo dục.
          Chánh kinh:
          Bần cùng hạ liệt, táng thất tài bảo, tư sanh gian nan, bất vị chúng nhân tôn trọng kính ái.
          貧窮下劣。喪失財寶。資生艱難。不為眾人。尊重敬愛。
          (Nghèo túng, kém hèn, của cải tan mất, cuộc sống khốn khó, chẳng được mọi người tôn trọng, yêu kính).
          Trong năm trăm đời tuy được thân người, nhưng chẳng qua chỉ là những năm tháng gian khổ.
          Chánh kinh:
          Tùng thử một dĩ, ư hậu mạt thế, ngũ bách tuế trung, pháp dục diệt thời, hoàn ư biên địa, hạ liệt gia sanh.
          從此歿已。於后末世。五百歲中。法欲滅時。還於邊地。下劣家生。
          (Từ đấy chết đi, vào đời Mạt sau, trong năm trăm năm, lúc pháp sắp diệt, vẫn sanh trong nhà hèn kém ở nơi biên địa).
          Lúc bọn họ lại được làm người nhằm thời kỳ giống như thời Mạt Pháp hiện tại của chúng ta. “Mạt thế ngũ bách niên” là năm trăm năm đầu tiên trong thời kỳ Mạt Pháp. Cũng trong năm trăm năm thường được kinh điển nói tới, trong thời gian ấy, họ vẫn sanh ở nơi biên địa, chẳng có Phật pháp. Do trong quá khứ báng pháp, nên chẳng có cơ hội nghe Phật pháp.
          Chánh kinh:
          Quỹ phạp cơ đống, vị nhân phỉ báng, vong thất chánh niệm, bất tu thiện pháp. Thiết ư tu hành, đa chư lưu nạn. Tuy tạm phát khởi trí huệ quang minh, dĩ nghiệp chướng cố, tầm phục hoàn một.
          匱乏飢凍。為人誹謗。忘失正念。不修善法。設於修行。多諸留難。雖暫發起。智慧光明。以業障故。尋復還沒。
          (Túng thiếu, đói rét, bị người khác phỉ báng, quên mất chánh niệm, chẳng tu pháp lành. Cho dù tu hành, gặp nhiều tai nạn. Dù trí huệ quang minh có tạm phát khởi, nhưng  vì nghiệp chướng, bèn lại mất ngay)
          Đây là nghiệp chướng sâu nặng, dù trí huệ vừa mới xuất hiện một chút, liền lập tức lại mê mờ, quên mất, hoặc là bị người khác gây chướng ngại. Chướng duyên rất nhiều!
          Chánh kinh:
          Nhữ đẳng tùng bỉ ngũ bách tuế hậu, thị chư nghiệp chướng nhĩ nãi tiêu diệt.
          汝等從彼五百歲后。是諸業障。爾乃消滅。
          (Các ông sau năm trăm năm ấy, các nghiệp chướng đó mới bèn tiêu diệt).
Có hiện tượng này là do họ thật sự giữ được sự giác ngộ. Do vì giác mà chẳng mê, chánh chứ không tà, tịnh chẳng còn nhiễm, nghiệp chướng của họ tiêu diệt. Sau khi tiêu diệt, lại y giáo tu hành, thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mới hòng thoát khỏi tam giới, mới hòng liễu sanh tử vĩnh viễn thoát luân hồi!
Chánh kinh:
Ư hậu đắc sanh A Di Đà Phật Cực Lạc thế giới. Thị thời bỉ Phật đương vị nhữ đẳng thọ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề ký.
於后得生。阿彌陀佛。極樂世界。是時彼佛。當為汝等。授阿耨多羅三藐三菩提記。
(Sau đấy được sanh về thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật. Lúc đó, đức Phật ấy sẽ thọ ký quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cho các ông).
Câu này nói về sự thành tựu khi đã sanh về thế giới Cực Lạc.

---o0o---

2. Khi ấy các Bồ Tát liền phát mười ba hoằng thệ, Phật tán thán ấn khả

          Chánh kinh:
          Nhĩ thời, chư Bồ Tát đẳng văn Phật sở thuyết, cử thân mao thụ, thâm sanh ưu hối, tiện tự vấn lệ, tiền bạch Phật ngôn:
          - Thế Tôn! Ngã kim phát lộ, hối kỳ quá cữu. Ngã đẳng thường ư Bồ Tát thừa nhân khinh mạn tật nhuế, cập dư nghiệp chướng. Kim ư Phật tiền, như tội sám hối, ngã đẳng kim nhật, ư Thế Tôn tiền, phát hoằng thệ nguyện.
          爾時。諸菩薩等。聞佛所說。舉身毛豎。深生憂悔。便自抆淚。前白佛言。世尊。我今發露。悔其過咎。我等常於。菩薩乘人。輕慢嫉恚。及余業障。今於佛前。如罪懺悔。我等今日。於世尊前。發弘誓願。
          (Lúc bấy giờ, các vị Bồ Tát nghe lời Phật dạy, lông trên toàn thân dựng cả lên, sanh lòng buồn tủi, hối hận sâu xa, liền lau nước mắt, bạch trước Phật rằng:
          - Bạch đức Thế Tôn! Con nay bày tỏ, hối tội lỗi xưa. Chúng con thường đối với người hành hạnh Bồ Tát khinh mạn, ghét ganh, giận dữ, và [gây tạo] các nghiệp chướng khác. Nay đối trước Phật, đúng như tội mà sám hối, từ ngày hôm nay chúng con đối trước đức Phật phát lời thề rộng lớn)
          Như trong phần trên đã nói: Các vị Bồ Tát ngu si, nghiệp chướng sâu nặng ấy đã hữu ý hay vô ý gây tạo các thứ ác nghiệp. Thời gian họ tạo ác nghiệp tuy không lâu nhưng quả báo thật là kinh khủng quá! Trong kinh điển, ta thấy rất nhiều những lời chỉ dạy giống như ở đây, cớ sao người học Phật vẫn cứ y như cũ chẳng biết kinh sợ, thức tỉnh, vẫn cứ hủy phạm? Trong kinh này, đức Phật đã giảng tường tận sự việc này cho chúng ta, ta phải chú tâm quán sát: Gây tạo ác nghiệp tựa hồ chẳng nghiêm trọng, vì sao quả báo lại nặng nề đến thế? Nếu chẳng thể thấu triệt hiểu rõ sự lý của việc này sẽ chẳng thể khiến chúng ta đoạn nghi sanh tín.
Chúng ta xem trong đoạn kinh văn trên đây, các vị Bồ Tát ấy nghe đức Phật nói xong, “lông trên toàn thân dựng đứng lên”; chúng ta thường nói là nghe xong “lạnh rởn da gà”. Hôm nay chúng ta nghe [lời Phật dạy] xong tình hình có giống như vậy hay không? Không cảm thấy gì hết! Không cảm thấy gì hết thì gọi là chai lì, bất nhân. Chúng ta vẫn gây tạo những tội nghiệp ấy. Vì vậy, ta biết là: Tuy bảo sáu mươi vị Bồ Tát đó nghiệp chướng nặng nề, nhưng so với chúng ta, họ còn nhẹ hơn rất nhiều! Họ nghe xong liền có cảm xúc như thế, chúng ta nghe xong dửng dưng, bọn họ còn có cách cứu, chứ chúng ta hết cách cứu rồi!
          Ở phần trước, đức Phật đã nói việc “kết tội” rất rõ ràng, chẳng phải chỉ kết tội với một người! Vì người gây tạo tội nghiệp do ghen ghét, nóng giận, nên mới ác ý phỉ báng, đồn rao đặt chuyện, phá hoại đạo tràng, phá hoại tín tâm của đại chúng. Nhà Phật thường nói: “Giết mạng người tội còn nhẹ”. Quý vị giết người là giết một người, giết một trăm người, cho đến giết một vạn người, một ngàn vạn người, tội nghiệp ấy vẫn chưa nặng lắm. Chứ cái tội đoạn Pháp Thân Huệ Mạng của một người rất nặng!
          Vì sao vậy? Nếu như người ấy có cơ hội ngay trong đời này được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, một người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, người ấy sẽ làm Phật, làm Bồ Tát. Quý vị phải biết là người ấy làm Phật, làm Bồ Tát sẽ độ không ít chúng sanh trong hư không pháp giới, chẳng phải chỉ ngàn vạn, ức vạn đâu nhé! Vì thế, nếu quý vị chướng ngại Pháp Thân Huệ Mạng của một người, so với cái tội giết một ngàn người, một vạn người chẳng biết là nặng hơn đến mức như thế nào. Điều này rất khó thể lãnh hội! Phải nên quán sát tư duy cẩn thận mới hòng lãnh hội được đôi phần.
Cổ nhân thường nói: “Người không phải là hiền thánh, ai không lầm lỗi?” Dù pháp sư có lầm lỗi thì ông ta là người phàm, chưa phải là thánh nhân, huống hồ là pháp sư thật sự có lỗi lầm hay là ông ta cố ý thị hiện như thế, ta đâu có biết? Phàm phu chúng ta đâu thể hiểu rõ!
          Xưa kia, Thiên Thai Trí Giả đại sư đã nói rất hay, Ngài từng bảo: “Người làm pháp sư, người giảng kinh thuyết pháp, nói được nhưng chưa thể làm được, là quốc sư”. Ông ta nói được, nói rồi thì sao? Chính ông ta làm chưa được; dạy mọi người đoạn tham, sân, si, nhưng ông ta chưa đoạn tham, sân, si. Ta có nên tôn kính ông ta hay chăng? Phải tôn kính! Ông ta là quốc sư, là thầy của mọi người trong một nước. Vì lời dạy của ông ta đích thực là chánh pháp, lời dạy không sai lầm, chẳng phải là tà pháp. Nếu như chúng ta chịu học hỏi lời dạy ấy, chắc chắn được lợi ích. Đấy là: “Thanh xuất ư lam, nhi thắng ư lam” (Màu xanh phát xuất từ màu lam, nhưng trội hơn hẳn màu lam). Học sinh thành tựu vượt hẳn ông thầy, chỉ cần lời ông ta dạy không phải là tà pháp thì ổng là quốc sư vậy.
          “Nói được và làm được thì là quốc bảo”: Quốc bảo ít, quốc sư nhiều. Cho nên [pháp sư nào ta cũng] đều phải tôn trọng, đừng thấy có chút tỳ vết bèn chẳng chấp nhận những lời dạy của ông ta. Ấy là đoạn Pháp Thân huệ mạng của chúng sanh, cho nên mới gặp phải quả báo tàn khốc. Kinh nói hạng người như thế đọa địa ngục, từ địa ngục A Tỳ, Đẳng Hoạt cho đến Thiêu Nhiệt, tính theo thời gian trong cõi người là một ngàn tám trăm vạn năm, nhưng thật ra, bọn họ chịu khổ, cảm thấy đúng là vô lượng kiếp, như ngạn ngữ nói là “sống một ngày dài như cả năm”. Vì thế họ cảm nhận thời gian trong địa ngục so với thời gian thật sự chẳng biết nhiều gấp bao nhiêu lần.
Thời pháp là pháp bất định, mỗi cá nhân cảm nhận khác nhau, có người cảm thấy một năm khác nào vài ngày; trôi qua rất nhanh! Có người đang trong lúc khổ sở, hoạn nạn, thấy một năm dài dằng dặc. Phật dạy Thời chẳng phải là pháp bất định, hoàn toàn phụ thuộc vào nghiệp cảm của từng cá nhân. Tính ra, thiện căn của các Bồ Tát ấy sâu dày, nghe Phật dạy qua nhân quả báo ứng, toàn thân bèn rởn ốc.
“Thâm sanh ưu hối” là sanh tâm hổ thẹn.
          “Tiện tự vấn lệ, tiền bạch Phật ngôn: - Thế Tôn! Ngã kim phát lộ, hối kỳ quá cữu”: “Vấn lệ”: Trước kia, quá nửa người ta dùng tay áo lau nước mắt. Bọn họ đối trước Phật phát lộ sám hối. “Lộ” là những tội nghiệp đã tạo trong quá khứ, hiện tại, chẳng giấu diếm mảy may, đều nói ra hết. Điều khẩn yếu nhất trong sự sám hối là từ nay trở đi, chẳng còn làm những việc lầm lạc như vậy nữa, thật sự triệt để sửa lỗi đổi mới. Sám hối như vậy mới có công dụng. Quyết định chẳng làm điều lầm lỗi, đối trước đức Phật khẩn cầu sám hối. Nếu ngày mai vẫn làm như cũ, rồi lại sám hối thì chẳng có ích gì hết, tội lại càng thêm nặng; khác chi ngày ngày khinh dối Phật, Bồ Tát, đối trước Phật, Bồ Tát vọng ngữ. Vì thế, sám hối tối khẩn yếu là “về sau chẳng làm nữa”. Họ thật sự thực hiện, chúng ta hãy nghe họ nói.
          “Ngã đẳng thường ư Bồ Tát thừa nhân”: “Bồ Tát thừa nhân” là người hoằng pháp lợi sanh, trong đó có Bồ Tát xuất gia và Bồ Tát tại gia. Chẳng cần biết là xuất gia hay tại gia, người hoằng dương chánh pháp đều gọi là “Bồ Tát thừa nhân”, còn gọi là Đại Thừa Bồ Tát.
          “Khinh mạn tật nhuế, cập dư nghiệp chướng”: Khinh () là coi rẻ, xem thường. Mạn () là ngạo mạn. Tật () là ghen ghét. Nhuế () là nóng giận. Tật và Nhuế là giữ trong tâm, Khinh và Mạn là biểu hiện ra ngoài. Trong lòng ganh ghét, giận dữ, biểu hiện ra ngoài thành khinh rẻ, láo xược, và các nghiệp chướng khác.
          “Kim ư Phật tiền, như tội sám hối”: Tội lỗi đã tạo trong quá khứ, nay đối trước Phật phát lộ sám hối. Sám hối như thế nào? Sửa lỗi, đổi mới. Tiếp theo, các vị phát ra mười ba điều đại nguyện, đấy là “sửa lỗi” một cách cụ thể. Xin hãy xem kinh văn, chúng ta phải hiểu đúng để học tập theo những điều này.         
          Chánh kinh:
          Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế.
          世尊。我從今日。至未來際。
          (Bạch Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến đời vị lai).
          Câu “chí vị lai tế” này rất khẩn yếu, bởi lẽ kinh này là kinh Đại Thừa, là pháp Bồ Tát. Pháp Tiểu Thừa chỉ là “tận hình thọ” (đến hết một đời), pháp Đại Thừa chẳng thể nói là “tận hình thọ”, phạm vi của “tận hình thọ” quá nhỏ. “Tận vị lai tế” là đời đời kiếp kiếp ta đều tuân thủ, chứ chẳng phải chỉ một đời này! Đấy mới là chân thật sám hối, triệt để sửa lỗi.
          Chánh kinh:
          Nhược ư Bồ Tát thừa nhân, kiến hữu vi phạm, cử lộ kỳ quá.
          若於菩薩乘人。見有違犯。舉露其過
          (Nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa, thấy họ có vi phạm mà nêu bày lỗi của họ).
            Điều tôi đã làm trước đây là nếu thấy những Bồ Tát hoằng pháp lợi sanh chẳng cần biết là tại gia hay xuất gia, hễ họ phạm giới, làm điều lầm lỗi, tôi bèn “cử lộ kỳ quá” tức là phô bày lỗi lầm của họ, tuyên bố cho đại chúng biết, khiến mọi người xa lánh vị Đại Thừa Bồ Tát ấy, chẳng muốn đến nghe nhận pháp người ấy nói, chẳng muốn học hỏi với người ấy nữa. Việc làm khi trước là do tâm ganh ghét gây chướng ngại, hiện tại từ nay trở đi chẳng dám làm chuyện sai lầm nữa. Nếu vẫn làm như vậy thì....
            Chánh kinh:
          Ngã đẳng tắc vi khi cuống Như Lai.
          我等則為。欺誑如來。
          (Chính là chúng con lừa dối Như Lai)
         
Vẫn làm những chuyện ấy thì chính là chúng con lừa dối đức Thế Tôn. Điều này được nêu đầu tiên vì đây chính là thí dụ về tạo nghiệp mà đức Thế Tôn đã nói trong phần trước. Đây là điều đầu tiên; điều này rất quan trọng. Hãy xem điều thứ hai.
Chánh kinh:
Thế Tôn! Ngã tùng kim nhật chí vị lai tế.
世尊。我從今日。至未來際。
(Bạch Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến đời vị lai).
Mười ba đại nguyện, trước mỗi một điều đều là “tùng kim nhật chí vị lai tế”.
Chánh kinh:
Nhược ư Bồ Tát thừa nhân, hý lộng, cơ hiềm, khủng cụ, khinh tiện.
若於菩薩乘人。戲弄。譏嫌。恐懼。輕賤。
(Nếu đối với người thuộc Bồ Tát thừa mà bỡn cợt, chê ghét, đe đọa, khinh rẻ).
Câu này rất dễ hiểu, chúng tôi chỉ nói đôi chút. “Khủng cụ”: Ta thường nói là uy hiếp, lấn lướt.

        
/14
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây