Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Sự Tích Đức Phật Thích Ca

(Phiên bản 2017, tu chính toàn bộ)

 

Đọc quyển Sự Tích Đức Phật Thích Ca này quý vị sẽ biết rõ về :

1 - Cuộc đời đức Phật,

2 - Giáo lý giác ngộ và giải thoát,

3 - Các pháp môn tu để đi đến giác ngộ và giải thoát.

Chương 7: 2- Lúc mới sanh (năm -623)

2- Lúc mới sanh[27] (năm -623)

 

Vua Suddhodana GOTAMA và hoàng hậu Mahā Māyā là người giàu lòng nhân ái, kính trọng thánh hiền. Đã gần bốn mươi tuổi mà chưa có con. Vua và hoàng hậu thường lập đàn cúng vái, và mở hội bố thí cho người nghèo khổ để cầu sanh được một hoàng nam hầu sau này nối ngôi vua.

Năm 623[28] trước tây lịch (năm Mậu Tuất), tại khu lâm viên xinh đẹp Lumbinī[29] (Lâm Tỳ Ni), hoàng tử Siddhattha GOTAMA, thuộc dòng dõi bộ tộc Sākya, con vua Suddhodana GOTAMA, 42 tuổi, và hoàng hậu Mahā Māyā, 44 tuổi, sanh  vào ngày trăng tròn tháng Vesākha[30] (còn gọi là Vesak hay Vaisakha, tương ứng với tháng 4 hay tháng 5 dl).

Trước đó mười tháng, trong khi được vua cho phép giữ tám giới thanh tịnh nhân dịp lễ cầu mưa (Asadh Utsav), vào đêm trăng tròn tháng Āsālhā[31] (tháng 6 hay tháng 7 dl), tại thành Kapilavatthu[32] (Ca Tỳ La Vệ), hoàng hậu Māyā nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà[33], trong bụng có một hoa sen lớn màu trắng, từ trên trời bay xuống chun vào hông phải của bà, lúc đó bà cảm thấy thân tâm khoái lạc, nhẹ nhàng, sáng chói như ánh trăng rằm.  Sáng hôm sau, bà thuật lại giấc chiêm bao kỳ diệu ấy cho vua nghe và xin vua ban lệnh ân xá tù nhân, cứu trợ dân chúng nghèo khổ để tạo phước đức cho đứa con sau này. Nhà vua hoan hỉ nhận lời và cho mời 64 nhà tiên tri Bà-la-môn đến giải mộng; các vị nầy đoán là hoàng hậu đã mang thai và hoàng tử sắp được sanh ra sẽ là một đại đế hoặc một thánh nhân tiếng tăm lừng lẫy. Từ lúc thọ thai thân tâm hoàng hậu luôn luôn được an lạc, thanh tịnh,  trí tuệ sáng suốt.

Theo phong tục, gần đến ngày sanh, hoàng hậu Mahā Māyā đi từ thành Kapilavatthu về nhà cha mẹ ruột là quốc vương Añjana Sākya (A Noa Thích Ca) và hoàng hậu Sulakkhanā ở thành Devadaha còn gọi là Rāmagāma thuộc xứ Koliyā (Câu Lợi), hiện nay thuộc lãnh thổ Nepal. Giữa đường phái đoàn tạm nghỉ chân trong khu lâm viên Lumbinī, cách Kapilavatthu khoảng 30 km về hướng đông, và cách Devadaha 38 km về hướng tây. Lumbinī là khu lâm viên xinh đẹp và linh thiêng của cả hai xứ Sākyā và Koliyā.

Hoàng hậu đến hồ nước (puskara) tắm rửa, thay đổi y phục, rồi đi 24 bước về hướng bắc hồ nước, đến cây Asoka (Vô ưu)[34] đang trổ đầy hoa vô cùng xinh đẹp, bà vói tay phải định hái thì chuyển bụng. Bà vội đứng đưa hai tay vịn cành cây. Các thế nữ vội chạy đến đứng chăng màn bốn phía. Bỗng cõi đất rung động, hào quang chiếu khắp nơi, rồi hoàng tử xuất hiện ra đời, thân ngài thanh tịnh không bị nhơ nhớp, vẻ mặt an lành không khóc la. Chư thiên biết đấng cứu thế ra đời liền hiện đến tung hoa, tấu nhạc, ca hát chúc mừng. Hoàng hậu và các cung nữ hân hoan chào đón hoàng tử[35]. Khi mới sanh ra hoàng tử Siddhattha cũng được tắm rửa lần đầu tiên[36] tại hồ nước nói trên. Hồ nước Puskarini này hiện nay được xây lại theo hình vuông mỗi cạnh độ 20m, nổi tiếng là linh thiêng, có khả năng trị bệnh cho người xuống tắm. Bên cạnh hồ hiện còn một cây bồ đề to lớn, cành lá sum sê, đã có từ hồi đức Phật còn tại thế. Bên cạnh phía bắc hồ hiện nay có ngôi đền thờ nữ thần Mahā Māyā, trong đó có chỉ vị trí chính xác nơi đức Phật đản sanh, và có hai bức tranh nổi điêu khắc cảnh đức Phật đản sanh, một bức bằng đá và một bức bằng cẩm thạch . Đến năm 248 trước tây lịch, vua Asoka (trị vì -268/-236) có đến đây chiêm bái theo sự hướng dẫn của đạo sư Moggaliputta Tissa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu). Vua Asoka có cho dựng gần hồ một trụ đá kỷ niệm. Trên trụ đá có khắc năm hàng gồm 93 chữ bằng tiếng Brahmi như sau :

                   << Devanapiyena Piyadasina[37] lajina visativasabhisitena

                   Atana agacha Mahīyite. Hida Budhe jate Sākyamuniti

                   Sìlavigadabhi cha kalapita Sìlathabhe cha usapapite.

                   Hida Bhagavam jateti Lumbinī-game ubalike kate.

                   Atha bhagiye cha.>>

          (Có nghĩa là : Vua Piyadasina, được các vị thiên thần kính mến và ủng hộ, đích thân đến đảnh lễ chỗ này, sau khi lên ngôi được 20 năm. Đây là nơi đức Phật  Sākyamuni đản sanh. Vua hạ lệnh xây dựng một vách thành bằng đá bao quanh nơi nầy và một trụ đá bên trong để đánh dấu chỗ đức Thế Tôn đản sanh. Vua cho phép dân làng Lumbinī từ nay chỉ đóng thuế mễ cốc hằng năm là một phần tám[38].)

Trong ký sự của ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ bảy có nói “Đầu trụ đá có hình con ngựa rất mỹ thuật và trơn láng”. Nhưng hiện nay chưa tìm được di tích tượng con ngựa đặc biệt ấy.

Kinh sách còn nói đến trong lúc đức Phật đản sanh thì đồng thời bảy nhân vật sau đây cũng chào đời[39] : 1- Cây Đại Bồ đề, 2- Yasodharā (Da Du Đà La), 3- Kāludāyi (Ca Lưu Đà Di), 4- Channa (Xa Nặc), 5- Kanthaka (ngựa Kiền Trắc), 6- Con voi báu, và 7- Bốn bình châu báu.

 

 

 

/18
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây