Một Đại Sư “Chê” Pháp Môn Tịnh Độ Sau Cơn Bệnh Thập Tử Nhất Sinh Liền Quy Hướng Cực Lạc

Thứ hai - 24/03/2014 09:50 - Đã xem: 7316

Một Đại Sư “Chê” Pháp Môn Tịnh Độ Sau Cơn Bệnh Thập Tử Nhất Sinh Liền Quy Hướng Cực Lạc

Ngươn Chiếu Đại sư tự Trạm Nhiên, họ Đường, người ở Dư Hàng. Lúc đầu ngài chuyên học luật với Huệ Giám Luật sư, sau theo hầu Thần Chiếu Thiền sư nghe giảng giáo quán Thiên Thai. Khi ngài thọ giới Bồ Tát nơi Quang Từ Pháp sư, giới quang phát hiện chiếu sáng cả giới đàn.
Cảm sự linh ứng ấy, ngài chuyên nghiên cứu Luật tạng, cầm bát khất thực nơi chợ. Về sau ngài trụ chùa Linh Chi ba mươi năm truyền giới độ Tăng hơn sáu mươi hội. Hằng ngày, ngài chuyên chí nơi Tịnh độ. Ngài thường nói : “Lúc sống thời hoằng truyền Giới luật, khi chết thời về Cực Lạc. Đó là chỗ sở đắc của tôi”. Ngài có soạn nghi Tịnh Độ lễ sám và viết lời tựa rằng : “Ngươn Chiếu này từ khi đến giới đàn, bèn biết chuyên lo học luật. Kế gặp Thiên Thai Thần Ngộ Xử Khiêm Pháp sư hết lòng sách tấn, tôi mới nghiên cứu Phật thừa. Và do đó mà tôi phát nguyện : “Thường sanh tại Ta Bà ngũ trược ác thế làm đại đạo sư dìu dắt quần sanh đem về Phật đạo”. Tôi đọc Cao Tăng truyện, thấy Huệ Bố Pháp sư nói Cực Lạc dầu thanh tịnh mà chẳng phải chỗ nguyện của tôi. Giả sử mười hai kiếp hưởng vui trong hoa sen, đâu bằng ở tam đồ cứu khổ chúng sanh! Do đấy tôi càng nắm chặt chí hướng cũ, trải qua nhiều năm trọn không có quan niệm quy hướng nơi môn Tịnh độ, lại thêm khinh chê người tu tịnh nghiệp. Năm nọ tôi mang bệnh nặng, thân gầy yếu, tâm mê loạn, toàn không chủ định, trong lúc đó nếu chết sẽ không biết phải về đâu. Sau khi bệnh lành, tôi liền xét biết quan niệm ngày trước là lỗi: chí nguyện dầu là to rộng, song mình chưa đủ khả năng. Buồn khóc cảm thương, tôi tự quở tự trách.

Tôi giở tập Thập Nghi Luận ra xem, thấy trong ấy nói sơ tâm Bồ Tát chưa chứng Vô sanh nhẫn, không được rời Phật. Trong ấy lại dẫn lời Trí Độ Luận : “Cụ phược phàm phu có tâm đại bi rồi nguyện sanh trong cõi ác trược để cứu khổ chúng sanh, quyết không nên ! Ví như trẻ thơ, chẳng nên xa cha mẹ, chim non chỉ nên chuyền nhành”. Từ ngày đó tôi vất cả sở học ngày trước, chuyên tìm xem các bộ Kinh cùng luận dạy về Tịnh độ, ngót hai mươi năm chưa từng tạm hở. Tôi nghiên cứu tinh tường giáo lý, duyệt khắp cả cổ kim. Những quan niệm nghi ngờ về môn Tịnh độ tiêu rã như sương tan; lòng tin Tịnh độ của tôi ngày càng sâu chắc. Tôi lại thấy lời luận về hai môn “chuyên tu” cùng “tạp tu” của Thiện Đạo Hòa thượng : “Nếu chuyên tu thời trăm người tu, trăm người vãng sanh; còn tạp tu thời nghìn muôn khó được một hai”.

Tôi xét mình tâm trí tán loạn, quán hạnh khó thành, nên chỉ chuyên tâm trì niệm bốn chữ hồng danh. Nhiều đời bỏ cha trốn đi, nay mới tự thấy là biết về nhà. Tôi đem chỗ mình đang tu tập khuyên nhắc mọi người cùng tu. Pháp môn thắng diệu do tín tâm mà được thành. Như đức Đại Thế Chí do tâm niệm Phật mà chứng được viên thông, nhập tam ma địa. Tôi lại gẫm xét, mình năm xưa không tin Tịnh độ, hủy pháp, khinh người, tạo vô lượng tội nghiệp. Trong lòng chẳng xiết hổ thẹn, sớm tối lo sợ, đối trước Phật đài phát lộ tâm can, năm vóc mọp đất tha thiết sám hối.

Rồi tôi lại phát đại nguyện : “Nhiếp tất cả chúng sanh đồng tu môn niệm Phật, đều vãng sanh Cực Lạc”.

Muốn thường tu tập, phải lập nghi thức khóa trình, tôi soạn các văn của tiền bối hiệp thành sám pháp này. Từ đầu tới cuối, trình bày mười môn. Trong đây đều chuẩn theo lời Phật cùng ý Tổ. Người sau đọc đến, sẽ rõ chí hướng của tôi”.

Ngoài ra, ngài có soạn Quán Kinh Nghĩa Sớ, A Di Đà Phật Kinh Nghĩa Sớ. Về phần trứ thuật của ngài, cả thảy hơn hai trăm quyển.

Năm Chánh Hòa thứ sáu, mùa Thu, ngài bảo Tăng chúng tụng Quán Kinh và Phổ Hiền Hạnh Nguyện phẩm. Ngài ngồi kiết già, yên lặng lắng nghe rồi an nhiên mà tịch. Lúc đó mọi người đồng nghe tiếng thiên nhạc khắp hư không.

Trích Lạc Ban Văn Loại, Phật Tổ Thống Ký, Tây Hồ Cao Tăng Sử Lược
Đường Về Cực Lạc – HT Thích Trí Tịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây