Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền (Kinh Hoa Nghiêm)

Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền (Kinh Hoa Nghiêm)

Chương 3: Hạnh Nguyện Vương Phổ Hiền - Tiếng Việt

HẠNH NGUYỆN VƯƠNG PHỔ HIỀN

(1) Hết thảy chư Phật / trong ba thời gian
tại các thế giới / khắp cả mười phương
tôi vận dụng đủ / ba nghiệp trong sạch
kính lạy khắp cả / không có thiếu sót.

(2) Năng lực uy thần / của hạnh phổ hiền
làm tôi hiện khắp / trước chư Như lai,
một thân lại hiện / thân như cực vi,
lạy khắp chư Phật / cũng như cực vi.

(3) Trong một cực vi / có chư Phật đà / nhiều bằng cực vi,
và đều ở trong / chúng hội Bồ tát;
cực vi tất cả /pháp giới vô tận / cũng là như vậy,
tâm tôi tin Phật / thật sâu và đầy.

(4) Nên biển âm thanh / tôi vận dụng cả,
xuất ra vô tận / lời chữ nhiệm mầu,
cùng tận thời kỳ / của thì vị lai
tán dương biển cả / công đức của Phật.

5) Tôi đem vòng hoa / tốt đẹp hơn hết,
âm nhạc, hương hoa, / tàn lọng, bảo cái,
những đồ trang hoàng, / hơn hết như vậy,
tôi đem hiến cúng / chư vị Như lai.

(6) Y phục hơn hết, / hương liệu hơn hết,
hương bột, hương đốt, / cùng với đèn đuốc,
tất cả đều như / diệu cao núi lớn,
tôi đem hiến cúng / chư vị Như lai.

(7) Tôi đem cái biết / cao rộng hơn hết
tin tưởng sâu xa / tam thế chư Phật,
vận dụng sức mạnh / hạnh nguyện phổ hiền
mà khắp hiến cúng / chư vị Như lai.

(8) Bao nhiêu nghiệp dữ / xưa kia tôi làm,
đều bởi vô thỉ / những tham sân si,
động thân ngữ ý / mà phát sinh ra,
ngày nay tôi nguyện / sám hối tất cả.

(9) Mười phương hết thảy / các loại chúng sinh,
cùng với các vị / Thanh văn, Duyên giác, / tu học tiếp tục,
tu học hoàn tất, / tất cả Như lai, / cùng với Bồ tát,
công đức có gì / tôi tùy hỷ cả.

(10) Mười phương đâu có / ngọn đèn thế giới
khi mới thành tựu / tuệ giác vô thượng,
tôi xin thỉnh cầu / tất cả các Ngài /
chuyển đẩy bánh xe / diệu pháp vô thượng.

(11) Chư vị Như lai / muốn hiện niết bàn,
thì tôi chí thành / thỉnh cầu các Ngài
sống với đời kiếp / nhiều như cực vi,
để làm lợi lạc / hết thảy chúng sinh.

(12) Lạy Phật, khen Phật, / và hiến cúng Phật,
xin Phật ở đời / và chuyển Pháp luân,
tùy hỷ sám hối / bao thiện căn ấy
tôi đem hồi hướng / lợi ích chúng sinh
có nghĩa hồi hướng / nguyện thành trí Phật.

(13) Nguyện mang cúng phẩm / dâng chư Phật đà
trong thời quá khứ / trong thời hiện tại / ở khắp mười phương
và xin nguyện cho / chư Phật sẽ thành
mau chóng phát tâm / sớm thành chánh quả.

(14) Tất cả thế giới / khắp cả mười phương
rộng lớn trong sạch  / nhiệm mầu trang nghiêm,
ở đâu cũng có / đại hội Bồ tát / bao quanh chư Phật,
trong khi chư Phật / cùng ngồi dưới cây / bồ đề đại thọ.

(15) Cầu nguyện chúng sinh / khắp cả mười phương
thoát hết lo sợ / thường hưởng yên vui,
thu hoạch lợi ích / của Pháp sâu xa,
diệt trừ phiền não / không còn thừa sót.

(16) Khi tôi tu tập / vì đại bồ đề /
thì ở loài nào / thọ mạng ra sao
đi qua cảnh chết, / trung hữu, tái sinh
đều nhớ đời trước, / thường được xuất gia.

(17) Noi gót Thế tôn
nghiêm giữ tịnh giới,
không để giới thể / bị dơ bị vỡ
hay bị xuyên thủng / hoặc bị sơ suất.

(18) Tất cả chư thiên / cùng với quỉ thần,
hết thảy nhân loại / và bao loài khác,
bao nhiêu chúng sinh / bao nhiêu tiếng nói,
tôi dùng tiếng ấy / mà thuyết pháp cho.

(19) Siêng tu các pháp / ba la mật đa / cực kỳ trong sáng,
thường xuyên chuyên chú / không để quên mất / tâm đại bồ đề,
diệt trừ dơ bẩn / không cho sót lại,
viên thành tất cả / hạnh nguyện nhiệm mầu.

(20) Đối với mê lầm / cùng với nghiệp dữ, / đối với cảnh ngộ
hiện thân ma vương, / trong cõi đời này / mà được siêu thoát,
tựa như hoa sen / không hề dính nước,
cũng như nhật nguyệt / không vướng không gian.

(21) Tận trừ toàn bộ / nỗi khổ đường dữ,
bình đẳng cho vui / bao loại sinh linh,
trải qua thời kỳ / nhiều như cực vi,
lợi ích mười phương / không có cùng tận.

(22) Tôi hằng tùy thuận / các loại chúng sinh,
cùng tận thời kỳ / của thì vị lai,
thường xuyên tu tập / hạnh nguyện phổ hiền
cực kỳ rộng lớn / viên mãn thành tựu
tuệ giác bồ đề / cực kỳ tối thượng.

(23) Bao nhiêu những người / đồng hành với tôi,
nguyện ở chỗ nào / cũng thường gặp nhau,
thân ngữ và ý / đều như nhau cả,
cùng nhau tu học / hết thảy hạnh nguyện.

(24) Những thiện trí thức / lợi ích cho tôi,
chỉ dẫn cho tôi / hạnh nguyện phổ hiền,
cũng nguyện thường xuyên / được gặp gỡ nhau,
lại nguyện thường xuyên / hoan hỷ cho tôi.

(25) Nguyện thường nhìn thấy / chư vị Như lai,
cùng chư Bồ tát / vây quanh các Ngài,
đối với các Ngài / nguyện hiến cúng lớn,
cùng tận vị lai / không biết chán mệt.

(26) Nguyện được duy trì / pháp mầu của Phật,
làm cho rực rỡ / hạnh nguyện bồ đề,
trong sạch rốt ráo / đường đi Phổ hiền,
cùng tận vị lai / thường xuyên tu tập.

(27) Ở trong tất cả / thế giới ba cõi,
tôi tu phước trí / thường xuyên vô tận,
định tuệ phương tiện / cùng với giải thoát,
được kho công đức / vô tận như vậy.

(28) Mỗi một cực vi / có số thế giới / nhiều bằng cực vi
mỗi một thế giới / có các đức Phật / khó thể nghĩ thấu,
mỗi một đức Phật / đều ở chính giữa / đại hội Bồ tát,
và tôi nhìn thấy / các Ngài thường nói / hạnh nguyện Bồ đề.

(29) Biển cả thế giới / khắp mười phương hướng,
biển cả thì gian / nhiều bằng đầu lông,
biển cả Phật đà, / biển cả quốc độ,
biển cả thời kỳ / mà tôi tu hành.

(30) Chư vị Như lai / lời tiếng trong sáng,
mỗi tiếng đủ hết / biển cả âm thanh,
những lời tiếng ấy / tùy ý chúng sinh,
mỗi tiếng xuất ra / biển cả hùng biện.

(31) Chư vị Như lai / trong ba thì gian, / vận dụng vô tận
biển cả lời tiếng, / thường chuyển pháp luân
lý thú nhiệm mầu, / nhưng trí tuệ lực / sâu xa của tôi
có thể hội nhập / một cách toàn diện.

(32) Tôi thấu hiểu được / toàn thể thời kỳ
của thì vị lai / là một sát na,
tôi cũng thấu hiểu / toàn thể thời kỳ
cả ba thì gian / là một sát na.

(33) Trong một sát na / mà tôi thấy hết
tất cả chư Phật / trong ba thì gian,
tôi thường thấu hiểu / lĩnh vực của Phật
thể chứng các pháp / toàn như ảo thuật,
giải thoát cao sâu, / uy lực hùng mãnh.

(34) Nơi mỗi cực vi / trên đầu sợi lông, / xuất hiện thế giới
quá khứ hiện tại / cùng với vị lai / cực kỳ trang nghiêm.
Thế giới mười phương / nhiều như cực vi / trên đầu sợi lông,
tôi thâm nhập cả / mà làm toàn thể / trang nghiêm trong sạch.

(35) Cùng tận vị lai / có bao Phật đà / thành vô thượng giác
chuyển chánh pháp luân / mở mắt quần sinh
ở trong ba cõi, / việc Phật hoàn tất / thị hiện niết bàn,
tôi đều đi đến / thân gần phụng sự.

(36) Năng lực thần thông / đến mau khắp cả,
năng lực đại thừa / biến thể toàn diện,
năng lực công đức / tu hết trí hạnh,
năng lực đại từ / che hết chúng sinh,

(37) Năng lực thắng phước / trang hoàng khắp nơi,
năng lực thắng trí / không hề vướng mắc,
năng lực uy thần / đủ mọi phương tiện
năng lực bồ đề / qui tụ hết thảy,

(38) Năng lực thiện nghiệp / làm sạch tất cả,
năng lực diệt trừ / tất cả phiền não,
năng lực chiến thắng / tất cả ma quân,
năng lực viên mãn / hạnh nguyện phổ hiền.

(39) Trang hoàng sạch sẽ / biển cả thế giới,
giải thoát hết thảy / biển cả chúng sinh,
khéo léo phân biệt / biển cả các pháp,
nhập vào sâu xa / biển cả trí tuệ,

(40) Làm trong sáng hết / biển cả đại hạnh,
làm đầy đủ cả / biển cả đại nguyện,
thân gần hiến cúng / biển cả Phật đà,
tu không mệt mỏi / biển cả thời kỳ.

(41) Bao nhiêu hạnh nguyện / tuệ giác tối thượng
của chư Như lai / trong ba thì gian, /
tôi tôn thờ cả / và tu đầy đủ:
Vận dụng tất cả / hạnh nguyện phổ hiền
tôi giác ngộ được / vô thượng bồ đề.

(42) Tất cả Như lai / đều có trưởng tử,
cùng một danh hiệu / danh hiệu Phổ hiền ;
nay tôi hồi hướng / bao nhiêu thiện căn,
nguyện bao trí tuệ / đồng đẳng các vị.

(43) Cả thân ngữ ý / thường xuyên trong sáng,
hạnh nguyện, quốc độ, / cũng đều như vậy:
trí tuệ đến thế / nên tên Phổ hiền,
nguyện tôi đồng đẳng / với các vị ấy.

(44) Tôi vì trong sáng / hạnh nguyện phổ hiền,
nên bao hạnh nguyện / của ngài Văn thù,
tôi tu đủ cả / không có thiếu sót,
cùng tận vị lai / không hề mỏi mệt.

(45) Sự tu của tôi / không có hạn lượng,
công đức đạt được / cũng không số lượng;
đứng vững ở trong / vô lượng hạnh nguyện,
tôi thấu triệt hết / bao thần thông lực.

(46) Hư không cho đến / phiền não cùng tận,
đại nguyện của tôi / mới có cùng tận,
nhưng bốn thứ ấy / không có cùng tận,
đại nguyện của tôi / cũng không cùng tận.

(47) Ai đem bảo vật / đầy cả thế giới
khắp mười phương hướng / mà hiến cúng Phật,
lại cho trời người / hạnh phúc tuyệt vời,
và làm như vậy / trải qua thời kỳ
bằng số cực vi / của mọi thế giới.

(48) Và ai đối với / đại nguyện vương này
một lần nghe đến / mà sinh tin tưởng,
với sự khao khát / vô thượng bồ đề,
thì được công đức / quá hơn người trước.

(49) Và rồi xa rời / bạn bè xấu ác,
với lại xa hẳn / các nẻo đường dữ
mau chóng nhìn thấy / đức A di đà,
và đủ hạnh nguyện / phổ hiền tối thượng.

(50) Người ấy khéo được / đời sống đặc thù.
người ấy khéo sinh / ở trong loài người,
người ấy không lâu / sẽ được hoàn thành
hạnh nguyện y như / Phổ hiền đại sĩ.

(51) Nếu mà xưa kia / không có trí tuệ
nên tạo năm tội / địa ngục Vô gián,
nhưng nếu ngày nay / tụng đại nguyện vương
của đức Phổ hiền, / thì một sát na
tiêu diệt tức thì / năm tội như vậy.

(52) Lại còn toàn hảo / dòng họ, thành phần,
sắc tướng, trí tuệ; / quân đội ma vương
và những ngoại đạo / không thể đánh đổ,
kham được ba cõi / cùng nhau hiến cúng.

(53) Và mau đến ngồi / dưới bồ đề thọ,
chiến thắng các đạo / quân đội ma vương,
thành đẳng chánh giác / chuyển diệu pháp luân,
lợi lạc hết thảy / các loại chúng sinh.

(54) Thế nên những ai / đối với hạnh nguyện
của đức Phổ hiền / mà biết tiếp nhận, / ghi nhớ, đọc tụng,
và nói cho người, / thì được kết quả / chỉ Phật mới biết,
quyết định thực hiện / vô thượng bồ đề.

(55) Trí hạnh Văn thù / cực kỳ dũng mãnh,
tuệ hạnh Phổ hiền / cũng là như vậy;
nay tôi hồi hướng / bao nhiêu thiện căn,
để theo các Ngài / thường xuyên tu học.

(56) Các đại nguyện vương / tối thắng như vầy
được sự ca tụng / của chư Như lai,
nay tôi hồi hướng / bao nhiêu thiện căn
để được hạnh nguyện / Phổ hiền tối thượng.

(57) Nguyện tôi trong lúc / sinh mệnh sắp chết,
thì loại được cả / mọi sự trở ngại,
trực tiếp nhìn thấy / đức A di đà,
tức khắc được sinh / thế giới Cực lạc.

(58) Tôi đã sinh ra / thế giới ấy rồi,
trước mắt thành tựu / đại nguyện vương này,
thành tựu đầy đủ / không có thiếu sót,
lợi lạc tất cả / thế giới chúng sinh.

(59) Bồ tát hải hội / của đức Di đà / ai cũng trong sạch,
còn tôi lúc ấy / hóa sinh ở trong / hoa sen tối thắng,
đích thân nhìn thấy / đức A di đà, / và Ngài đối diện
thọ ký cho tôi / thành tựu tuệ giác / vô thượng bồ đề.

(60) Nhờ ơn của Ngài / thọ ký cho rồi,
tôi liền biến thể / vô số thân hình,
với trí tuệ lực / cực kỳ rộng lớn,
tôi làm lợi lạc / tất cả chúng sinh.

(61) Người nào trì tụng / hạnh nguyện phổ hiền,
mà tôi nói về / chút ít thiện căn,
là một sát na / họ đủ tất cả
đại thanh tịnh nguyện / tác thành chúng sinh.

(62) Hạnh nguyện phổ hiền / tối thượng của tôi,
vô biên thắng phước / tôi hồi hướng cả,
nguyện bao chúng sinh / đang còn chìm đắm,
mau chóng được sinh / thế giới Cực lạc
của đức Thế tôn / A di đà Phật.

(63) Hạnh nguyện vương này / tối cao mầu nhiệm
phổ độ chúng sinh / trôi lạc luân hồi.
Nguyện vào năng lực / tu hạnh phổ hiền
mà cõi ác đạo / không còn một ai.

[ Kết thúc Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương]

Ghi Chú bản dịch tiếng Việt

Dựa theo bản dịch trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền, HT Thích Trí Quang dịch từ bản Hoa văn. So lại, hai Tạng/Anh và Việt ý nghĩa khá sát, chỉ khác ở

  • thứ tự các câu kệ từ 46 đến 60 câu (câu 46-60 trong bản tiếng Anh là câu 52-60 và 46-51 trong bản tiếng Việt);
  • câu kệ 13 nói về Tam Thế Phật, tiếng Việt chia thành hai câu kệ, bản tiếng Anh chỉ có một, ý nghĩa không hoàn toàn giống nhau;
  • câu kệ 16 và 17, bản tiếng Anh chia thành hai, tiếng Việt chỉ có một;
  • câu 63 không có trong bản tiếng Việt.

Hồng Như xếp lại thứ tự và chia câu theo bản tiếng Tạng/Anh, dịch câu kệ 13 và 63. Tháng 07/2005. Thêm vào đầu đề mỗi đoạn theo luận giải của Jang Lung Pandita

/5
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây