Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 31: [THƯ 31]: Thư gởi cư sĩ X… ở Vĩnh Gia (thư thứ năm)

Từ tháng Chạp năm ngoái đến hạ tuần tháng Ba đã nhận được bốn lá thư, và Sư Trân đã mang đến lời vấn đáp giữa hai vị và ông Từ[49], cùng với vải vóc, thực phẩm v.v… đủ thấy lòng vì đạo pháp thiết tha, lòng thương mến tôi sâu xa. Thoạt tiên thì mong ngóng ông Từ đến, tiếp đấy lại phải duyệt bản Văn Sao do ông ta đứng in, tợ hồ mắt tôi càng yếu thêm vì thế mới phải phúc đáp thư trễ tràng. Thư tháng Chạp năm ngoái quả thật đã nêu lên cái nghĩa dùng tình bạn hòng hỗ trợ điều nhân, nhưng đề cao tôi quá mức khiến người càng thêm hổ thẹn!

Phàm giềng mối lớn của đời người chỉ có năm, tức là vua - tôi, cha - con, anh - em, chồng - vợ, bè - bạn, nhưng cha sanh, thầy dạy, vua nuôi, ba mối quan hệ này trọng bằng nhau; vì sao trong Ngũ Luân không nhắc đến thầy? Không biết rằng thầy có đức tánh thành tựu cho ta, do vậy thầy giống như cha. Kế đến, khuyên nhủ, khen thưởng, khuyến khích cho mình thành tài nên thầy giống như anh. Vì thế Mạnh Tử nói: “Thầy cũng là cha anh”.Tiếp đến, thầy trò tạo lợi ích tốt đẹp cho nhau giống như hai vầng trăng cùng chiếu, như hai tay giúp đỡ lẫn nhau, nên thầy giống như bạn (Chữ Bằng do hai chữ Nguyệt ghép lại, chữ Hữu do hai chữ Thủ ghép lại). Vì thế, nhà Phật thường nói “tìm thầy hỏi bạn”.Ấn Quang trọn chẳng có thật đức, chẳng dám làm thầy người, chỉ có cái tâm làm bạn để giúp điều nhân. Vì vậy, từ lúc dốc chí theo đuổi việc học cho đến ngày nay chưa từng quên nghĩ tới, nhưng người ta chẳng khoan dung với mình, chẳng những không dùi mài cho mình, có lúc còn vứt bỏ.

Ông mong tôi đích thân chứng tam-muội. Lại sợ phụ mất ý nguyện ban đầu nên gởi thư khuyến tấn chẳng tiếc sức thừa. Tôi từ lúc búi tóc đọc sách đến nay, chưa từng gặp được bạn bè hữu ích như thế, cảm thấy thật xấu hổ! Nhưng bốn chữ tử tội là từ ngữ do kẻ bầy tôi ngay thẳng can vua nói khích để vua phải nghe theo, đem áp dụng vào chỗ thầy - bạn thật không thích hợp! Ấn Quang túc nghiệp sâu nặng, mới sanh ra được nửa năm đã mắc bệnh mắt sáu tháng, gào la khóc lóc, trừ lúc ăn ngủ ra, không ngưng khóc một khắc nào. Nỗi thống khổ ấy không biết ví như thế nào? May nhờ sức thiện căn xưa, được thấy mặt trời, thật là vạn hạnh. Tuổi niên thiếu đọc sách, do túc nghiệp dẫn phát đến nỗi nhiễm phải bả độc báng Phật của họ Hàn, họ Âu[50], sau đấy tỉnh ngộ sâu xa, tự xét, tự biết hổ thẹn, quy mạng Tam Bảo, xuất gia làm Tăng. Nếu không phải là Tam Bảo rủ lòng ngầm gia bị khiến cho tôi tự tỉnh ngộ thì ngay trong lúc ấy đã vào địa ngục A Tỳ từ lâu rồi, chịu các sự khổ dữ dội, há còn có thể cùng các vị quân tử chỉ Đông nói Tây, bàn về Tự Lực và Tha Lực để mong cùng chứng chân thường, sanh lên bờ giác nữa ư? Kết thất đã mãn, tam-muội chưa thành: Một là do túc nghiệp sâu nặng, hai là vì tinh thần suy yếu mà nên nỗi. Nhưng cố nhiên Phật chẳng bỏ kẻ tội nhân, phải nương theo hạnh ấy để được vãng sanh.

Phép Thập Niệm Ký Số không phải là Sổ Tức (đếm hơi thở), do vì đếm từ một đến mười nên giống với Sổ Tức. Lại do sách Liên Tông Bảo Giám chép sai là niệm đến trăm, đến ngàn, đến vạn, e sẽ bị bệnh. Ông dẫn điều ấy để chứng minh, gọi cách ấy là Sổ Tức Trì Danh, hoàn toàn không thể được! Muốn chứng tam-muội thì đã có cách do Phật, Tổ đã dạy, ba đời chẳng đổi, sao lại còn phải hỏi đến sở chứng của tôi rồi mới chịu tu tập? Kinh Di Đà dạy: “Chấp trì danh hiệu hoặc một ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn”(câu “một ngày cho đến bảy ngày” chỉ là nêu thí dụ, không thể chấp chặt. Nếu là bậc căn tánh Đẳng Giác thì chỉ một niệm đã có thể chẳng loạn, cần gì phải mất một ngày! Nếu là căn tánh nghịch ác, suốt đời còn khó được nhất tâm, huống chỉ bảy ngày. Vương Canh Tâm gộp bừa thượng, trung, hạ căn thành một loại, đưa ra lời bàn luận, thật quá kiêu căng, cho là mình đã phát huy được điều người xưa chưa hề phát. Thật ra là trên trái nghịch lời chân thành của Phật, dưới mở đường cho kẻ hậu tiến cuồng vọng, khiến người khôn ngăn đau xót, buồn thương, không gì ngăn dứt được!)

Quán Kinh dạy: “Chư Phật Như Lai là pháp giới thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Vì thế, lúc các ngươi nghĩ đến Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật” (Chữ “làm” chỉ tâm tưởng, chữ “là” chỉ “tâm làm”. Quán tưởng đã là “làm”, trì tụng, lễ bái lẽ nào chẳng phải là “làm”? Nêu một điều, phủ nhận ba điều, nhà Nho mà còn như thế, huống gì phàm phu sát đất? Ngửa trông Phật ý, há có nên không y theo viên đốn diệu giải, cứ tự đem cái nhìn hẹp hòi của mình để suy lường ư?) Trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa, ấy là bậc nhất”. Trong bài kệ chọn lựa pháp Viên Thông, ngài Văn Thù nói: “Phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”(Xoay tánh nghe lại để nghe nơi tự tánh thì tánh trở thành vô thượng đạo). Nay tôi phỏng theo nói: “Xoay cái niệm lại niệm nơi tự tánh thì tánh thành vô thượng đạo”. Kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy: “Hễ tâm đặt nơi một chỗ thì không sự gì chẳng làm được”.Ngài Mộng Đông nói: “Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm. Dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật”. Mười sáu chữ ấy là đại cương tông của pháp môn Niệm Phật. Sao chẳng toàn thân dựa theo những câu, những chữ ấy? Chẳng lấy thánh ngôn làm lượng, sao lại lấy kẻ phàm phu tội nghiệp như tôi làm chuẩn? Há chẳng phải điên đảo quá đáng ư?

Nhưng ông thốt ra lời ấy chắc cũng có nguyên do. Ấy là do sách Trung Luận thuật rõ cảnh được thấy bởi Tỉnh Nhất đại sư và ông Vương Canh Tâm bảo mình được thừa truyền tâm ấn của Sư, hàm ý: Mình có đủ mọi diệu cảnh chẳng thể nghĩ bàn và những bí quyết mầu nhiệm do miệng truyền tâm nhận vậy! Chẳng biết: Tam-muội, tiếng Hán gọi là Chánh Định, hoặc còn dịch là Chánh Thọ. Chánh Định có nghĩa là Tịch và Chiếu cùng dung hội. Chánh Thọ có nghĩa là vọng bị khuất phục, chân hiện ra. Tịch và Chiếu cùng dung hội thì còn có cảnh giới nào để được nữa? Tâm kinh nói: “Soi thấy Ngũ Uẩn đều không, độ hết thảy khổ ách”.Lại nói: “Do không có gì để đắc nên tam thế chư Phật chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.Kinh Lăng Nghiêm nói: “Viên mãn Bồ Đề trở về chỗ không được gì”.

Người tu Thiền Định (chỉ Tứ Thiền, Bát Định) và người tham Thiền chỉ cậy vào tự lực, không cầu Phật gia hộ. Vì thế, lúc công phu đắc lực, chân và vọng chống chọi nhau nên thường thấy các cảnh giới huyễn hoặc hiện ra, mất đi. Ví như lúc mưa dầm sắp tạnh, mây dầy bị xé toạc, chợt thấy ánh nắng, trong khoảng chớp nhoáng biến hiện không lường được. Không phải là người thật sự có đạo nhãn sẽ chẳng thể phân biệt, nhận biết được tất cả cảnh giới! Nếu lầm tưởng là dấu hiệu chứng ngộ, sẽ bị ma dựa phát cuồng, không sao trị được! Người niệm Phật dùng tín nguyện chân thật, khẩn thiết, trì vạn đức hồng danh, ví như vầng mặt trời sáng rỡ giữa không trung, đi trên đường lớn của vua, chẳng những lỵ mỵ võng lượng[51] mất bặt tăm tích, ngay cả những ý niệm ngoắt ngoéo, thị phi cũng không sanh khởi được.

Xét đến cùng cực chẳng qua là: “Niệm đến công thuần, tận sức thì toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm và Phật không hai, tâm - Phật như một”mà thôi! Lý này, hạnh này chỉ sợ người ta không biết, chẳng thể hợp với nguyện phổ độ chúng sanh của Phật, lẽ đâu bí mật không truyền, chỉ truyền riêng cho ông ư? Nếu có những bí quyết mầu nhiệm chỉ truyền miệng, ghi nhớ trong lòng, dạy ở nơi kín đáo thì đấy chính là tà ma, ngoại đạo, không phải là Phật pháp. Nhưng Ấn Quang quả thật có bí quyết người khác không đắc, chỉ mình tôi đắc, do ông cầu thỉnh bèn chẳng ngại gì đem bảo khắp các Phật tử trong thiên hạ. Bí quyết ấy chỉ có gì? Là Thành, là Cung Kính. Những chữ ấy cả thế gian đều biết, nhưng đạo ấy cả thế gian đều lầm. Ấn Quang do tội nghiệp sâu nặng, mong tiêu trừ tội chướng để báo ân Phật nên thường tìm cầu khuôn mẫu tu trì tốt đẹp của cổ đức, do vậy mới biết Thành và Cung Kính quả thật là bí quyết cực diệu để siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Vì thế, tôi thường ra rả bảo cùng những ai hữu duyên. Trì Kinh Lợi Ích Tùy Tâm Luận tuy đã nêu ra đầu mối, nhưng chưa nói rõ nguyên tắc đại lược. Toan muốn dài dòng một hai vạn chữ, dẫn đủ khắp những chuyện thành kính và đạo cảm ứng của cổ đức hòng phụ thêm vào lời nói dở tệ của mình, phát huy bình luận, ngõ hầu ai đọc đến hiểu phân minh pháp và giới, biết lấy và bỏ như thế nào, chẳng đến nỗi do cái nhân to chỉ được quả nhỏ, do thiện nhân lại phải chuốc lấy ác quả! Những lời ấy tôi đã nói với ông Từ. Phải biết Thành và Kính, không riêng gì học Phật mới nên như thế mà hết thảy các pháp thế gian hay xuất thế gian muốn được tinh nhất thì không thể không lấy thành và kính làm cơ bản. Nhìn vào chuyện Mạnh Tử lấy Dịch Thu[52] để dạy về chuyện đánh cờ vây thì biết.

Ông Từ vốn sẵn linh căn từ đời trước, lại đời đời thờ Phật, từ lúc ra đời đến nay đã được dạy dỗ đàng hoàng, lại còn có cái học vấn lịch duyệt hai ba mươi năm, sao lại bỏ cái cao minh để chọn lấy cái hèn tệ, trân trọng đem văn Ấn Quang lưu truyền trong đời như vậy? Phải biết hoằng pháp lợi sanh quý ở chỗ biết thời cơ, pháp người đời nay nên nhận cũng như căn bệnh người đời nay mắc phải, bậc cao minh không chịu nói rõ, những lời họ nói dẫu huyền diệu cùng cực, đa phần không phải là thuốc trị đúng bệnh, e rằng diệu dược ấy lại làm bệnh nặng thêm!

Ấn Quang khác nào gã thầy lang dốt vô tri vô thức, chẳng những không biết gốc bệnh, cũng chẳng biết dược tánh, chỉ biết dùng thuốc A Già Đà Vạn Ứng Hoàn của tiên tổ đã ngầm chế tạo thành, mọi căn bệnh hư, thực, hàn, nhiệt đều cắt thuốc ấy. Nếu chẳng nghi hoặc, lấy thuốc ấy uống vào, lập tức khỏi hẳn, dẫu là chứng bệnh Tần Hoãn, Biển Thước phải chịu bó tay, vừa uống thuốc này lập tức khởi tử hồi sanh. Do vậy, ai có tâm cứu người giúp đời bèn cho phát hành rộng rãi hòng những ai có bệnh cùng được uống thuốc này. Tuy biết tài thần diệu của những người như Tần Hoãn chẳng thể nào lường được, nhưng chẳng thể chỉ dạy rộng rãi, vì căn bệnh này thuộc về túc nghiệp, dẫu thần tiên cũng chẳng trị được, huống gì thần y!

Còn những lời phán định [của ông] về những lời lẽ trong sách Trung Luận, quả thật là đau lòng rát miệng rọi sáng thêm cho Ấn Quang, riêng muốn mở chánh nhãn cho người, không phải là tô vẽ cho Ấn Quang. Những lời bình luận của cụ Nhân (Dương Nhân Sơn) cũng cực thống thiết, nhưng còn chưa chỉ rõ tâm bệnh của chàng Vương (Vương Canh Tâm) cũng như những điều tác tệ của Trung Luận. Những lời Ấn Quang đã nói đa phần chú trọng vào hai điều ấy. Còn những lời đáp khác đều thích đáng trọn vẹn.

Riêng đoạn văn luận về bốn cõi thì về Lý cố nhiên không trở ngại chi lớn, nhưng ước theo Sự còn thiếu tinh tường. Bởi lẽ, hai cõi Phàm Thánh Đồng Cư độ và Phương Tiện Hữu Dư độ là ước theo phàm phu đới nghiệp vãng sanh và bậc tiểu thánh đã đoạn Kiến Tư Hoặc mà lập, chứ không thể ước theo Phật mà luận. Nếu ước theo Phật mà luận thì không riêng gì toàn thể của bốn cõi Tây Phương đều là Tịch Quang; mà ngay cả ngũ trược ác thế, tam đồ ác đạo nơi đây nếu nhìn từ phía Phật thì không gì chẳng phải là Tịch Quang. Vì thế nói: “Tỳ Lô Giá Na trọn hết thảy mọi nơi, chỗ Phật ở được gọi là Thường Tịch Quang”.Khắp mọi nơi đều là cõi Thường Tịch Quang, cứ hễ viên chứng được Pháp Thân Quang Minh Biến Chiếu Tỳ Lô Giá Na bèn tự được thọ dụng. Ngoài ra đều là phần chứng. Nếu xét từ bậc Thập Tín trở xuống phàm phu, về Lý thì có, nhưng về Sự lại không. Muốn hiểu tường tận nên đọc kỹ đoạn luận về bốn cõi trong sách Di Đà Yếu Giải, mà sách Phạm Võng Huyền Nghĩa cũng bàn luận rõ ràng (Tỳ Lô Giá Na, Hán dịch là Quang Minh Biến Chiếu, hoặc Biến Nhất Thiết Xứ, là hiệu chung của Pháp Thân thanh tịnh được chứng bởi hết thảy chư Phật khi đã viên chứng cực quả rốt ráo. Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na cũng thế. Còn Thích Ca, Di Đà, Dược Sư, A Súc v.v… là những danh hiệu khác biệt của mỗi hóa thân Phật. Lô Xá Na, Hán dịch là Tịnh Mãn, do Hoặc nghiệp đã hết sạch, trí huệ viên mãn. Đây là ước trên trí đức và đoạn đức cảm được quả báo mà nói).

Lại phải biết Thật Báo và Tịch Quang vốn cùng là một cõi. Nếu ước theo cái quả do xứng tánh cảm được thì gọi là Thật Báo, nếu ước theo cái lý rốt ráo chứng được thì gọi là Tịch Quang. Bậc Sơ Trụ vừa dự vào Thật Báo, chứng một phần Tịch Quang. Diệu Giác mới là thượng thượng Thật Báo, rốt ráo Tịch Quang. Từ Sơ Trụ đến Đẳng Giác đều chỉ chứng được một phần hai cõi ấy. Đến Diệu Giác cực quả mới được rốt ráo cả hai cõi ấy. Nói đến Thật Báo là chỉ ước trên phần chứng, còn Tịch Quang là ước trên rốt ráo. Tịch Quang không có tướng, Thật Báo có đủ vi trần số những trang nghiêm vi diệu chẳng thể nghĩ bàn của Hoa Tạng thế giới hải. Ví như hư không, thể của nó không có các tướng, nhưng hết thảy các tướng đều do hư không mà phát hiện. Lại như gương báu, trống sáng rỗng rang, trọn chẳng có một vật, nhưng hễ người Hồ đến bèn hiện bóng người Hồ, người Hán đến bèn hiện bóng người Hán. Thật Báo và Tịch Quang là một mà lại hai, tuy hai nhưng một. Muốn cho con người dễ hiểu nên nói là hai cõi.

Những gì được dạy trong Kim Luân chú pháp chính là nhân quả ba đời, làm thợ săn, làm vị tăng đều là nhân quả đời trước. Nay được làm người, phước hết sẽ đọa. Đấy là ước theo người mê không tu bèn dạy nhân trước quả sau. Niệm Phật, đọc kinh, ngộ lý Nhị Không[53], chứng pháp Thật Tướng, là luận theo người tỉnh ngộ tu trì mà chỉ dạy hiện nhân hậu quả. Chớ có buông tuồng mặc ý, cho rằng đời này sẽ lại được như thế. Trong đời này người chứng được Thật Tướng không phải là không có ai; chỉ e hiền khế[54] không có thiện căn ấy. Nếu chẳng trình bày rõ nguyên do, e sẽ hư vọng mong mỏi chứng thánh, chí cao nhưng hạnh không thấu, lâu ngày chầy tháng ắt đến nỗi táng tâm cuồng dại, chưa đắc nói đã đắc, chưa chứng nói đã chứng, cầu thăng lại đọa, hóa khéo thành vụng. Xét đến kết quả, khó tránh khỏi vĩnh viễn chìm đắm trong đường ác. Chẳng những mai một linh tánh của chính mình, mà quả thật còn cô phụ ơn Phật.

Cái lý Nhị Không chỉ nói về ngộ thì phàm phu lợi căn có thể làm được, như những người thuộc vào địa vị Danh Tự trong Viên Giáo, tuy Ngũ Trụ Phiền Não chưa phục đoạn[55] được mảy may, nhưng sở ngộ đã bằng với chư Phật không hai, không khác (Ngũ Trụ: Kiến Hoặc là một trụ, Tư Hoặc gồm ba trụ. Hai loại này thuộc về giới nội. Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc gộp thành một trụ. Hai loại này thuộc về giới ngoại). Nếu nói theo nhà Thiền thì gọi là đại triệt đại ngộ, còn nói theo Giáo thì gọi là đại khai viên giải. Đại triệt đại ngộ và đại khai viên giải không phải là lờ mờ, phảng phất hình như hiểu rõ đâu nhé! Như Bàng cư sĩ[56] nghe Mã Tổ nói: “Đợi khi nào ông một hơi uống cạn nước Tây Giang sẽ bảo cho ông biết”,ngay khi đó, Bàng cư sĩ bèn quên ngay nhân ngã, thấu hiểu lẽ huyền. Ngài Đại Huệ Cảo nghe ngài Viên Ngộ nói: “Gió Nồm từ phương Nam thổi đến, điện gác đều mát mẻ”cũng thế. Trí Giả tụng Pháp Hoa đến câu “là chân tinh tấn, gọi là pháp cúng dường Như Lai chân thật” trong phẩm Dược Vương Bổn Sự bèn hoát nhiên đại ngộ, lặng lẽ nhập định, thấy một hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan. Ngộ được như thế mới gọi là đại triệt đại ngộ, đại khai viên giải.

Nếu nói đến việc chứng pháp Thật Tướng thì không phải là chuyện hạng phàm phu sát đất có thể làm được. Nam Nhạc Tư đại thiền sư, là thầy đắc pháp của ngài Trí Giả, có đại trí huệ, có đại thần thông, lâm chung có người hỏi đến sở chứng, bèn nói: “Thoạt đầu ta mong được Đồng Luân(tức địa vị Thập Trụ, phá vô minh, chứng Thật Tướng, vừa dự vào Thật Báo, phần chứng Tịch Quang. Bậc Sơ Trụ có thể thị hiện làm thân Phật trong tam thiên đại thiên thế giới giáo hóa chúng sanh. Bậc Nhị Trụ có thể hiện trong một ngàn tam thiên đại thiên thế giới, Tam Trụ thì một vạn, địa vị càng cao lên thì con số càng tăng gấp mười, há tiểu căn làm được ư?). Nhưng vì lãnh chúng quá sớm, chỉ chứng được Thiết Luân mà thôi!(Thiết Luân là địa vị Thập Tín. Sơ Tín đoạn Kiến Hoặc, Thất Tín đoạn Tư Hoặc. Bát, Cửu, Thập Tín phá Trần Sa Hoặc, khuất phục vô minh. Ngài Nam Nhạc thị hiện ở vào địa vị Thập Tín, còn chưa chứng được pháp Thật Tướng. Nếu phá một phẩm vô minh, liền dự vào Sơ Trụ, mới có thể nói là viên chứng pháp Thật Tướng).

Trí Giả đại sư là hóa thân của Phật Thích Ca, lâm chung có người hỏi: “Chưa rõ đại sư chứng nhập địa vị nào?” Bèn đáp: “Nếu ta không lãnh chúng ắt tịnh được sáu căn”(tức là thuộc địa vị Thập Tín, sáu căn đều tịnh, như đã thuyết minh trong phẩm Pháp Sư Công Đức kinh Pháp Hoa), do tổn mình lợi người nên chỉ chứng được Ngũ Phẩm (Ngũ Phẩm là Quán Hạnh vị, đã khuất phục hoàn toàn phiền não nhưng chưa đoạn trừ được Kiến Hoặc).

Ngẫu Ích đại sư lúc lâm chung để lại bài kệ:

Danh tự vị trung chân Phật nhãn,

Vị tri tất cánh phó hà nhân?

(Chân Phật nhãn trong địa vị Danh Tự còn chưa biết rốt ráo, giao phó cho ai đây?)

(Người thuộc địa vị Danh Tự đã viên ngộ Tạng tánh, ngang với chư Phật, nhưng Kiến Tư còn chưa khuất phục được, huống chi là đoạn! Những người đại triệt đại ngộ trong đời Mạt đa phần mang thân phận này. Ngũ Tổ Giới làm thân Tô Đông Pha, Thảo Đường Thanh trở thành Lỗ Công, còn là bực thượng. Kế đến là như Hải Ấn Tín làm con gái của Châu Phòng Ngự. Kém hơn nữa là như vị tăng ở Nhạn Đãng trở thành con nhà họ Tần mang tên Cối. Rõ ràng là vì Lý tuy đã đốn ngộ, nhưng Hoặc chưa khuất phục được, trải qua một phen thọ sanh, rất có thể bị mê mất. Tạng tánh chính là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh, tức là tên gọi khác của Thật Tướng).

Ngẫu Ích đại sư thị hiện thuộc địa vị Danh Tự, Trí Giả thị hiện thuộc địa vị Ngũ Phẩm, Nam Nhạc thị hiện chứng địa vị Thập Tín, nhưng bổn địa của ba vị đại sư chẳng thể lường được, nhưng các Ngài thị hiện ba địa vị Danh Tự, Quán Hạnh, Tương Tự cho thấy Thật Tướng không dễ chứng, hàng hậu tấn khó thể vượt lên. Quả thật các Ngài sợ rằng hậu nhân chưa chứng nói đã chứng, nên bèn hiện thân thuyết pháp khiến cho họ tự biết hổ thẹn, chẳng dám làm xằng. Ân thị hiện sau cùng của ba vị đại sư chúng ta dẫu nát xương tan thân cũng không báo đáp được! Ông hãy tự suy nghĩ xem mình có thể trội hơn được ba vị đại sư ấy hay chăng? Nếu nói Niệm Phật, duyệt kinh hòng vun bồi thiện căn; sau khi vãng sanh, thường hầu Di Đà, cao dự hải hội, tùy theo công hạnh sâu hay cạn, ắt sẽ chứng Thật Tướng sớm hay muộn thì đấy là lời quyết định không nghi, hết thảy người vãng sanh cùng được chứng đắc.

Lại như Kim Luân chú pháp chẳng cho hỏi việc gì khác, chỉ cho hỏi về thiện căn, hỏi về pháp môn. Chúng sanh đời Mạt bất luận có thiện căn hay không đều nên quyết định chuyên tu Tịnh Độ, cũng chẳng cần hỏi đến pháp môn nữa, hãy nên nỗ lực! Nếu không có thiện căn hãy cứ tận lực vun bồi, nên cũng không cần phải hỏi về thiện căn nữa! Chỉ nên trì chú để trợ tu Tịnh nghiệp, chớ tự tiện tác pháp làm phiền Phật, thánh. Nếu bộp chộp tác pháp, nhưng thân tâm chẳng cung kính, hoặc chẳng chí thành, rất có thể khiến cho ma sự khởi.

Chỉ có mỗi một việc nên tác pháp nhưng không phải là phận sự của ông. Tức là nếu như có người muốn xuất gia, nhưng tự mình chưa chứng đạo, chẳng thể quán sát căn cơ kẻ ấy, bèn trên cầu Phật từ, ngầm dạy cho mình biết kẻ ấy có thích hợp hay không, ngõ hầu khỏi bị cái nạn những kẻ giặc cướp, bại hoại xen lẫn [vào cửa Phật]. Nhưng nay người ta thâu đồ chúng, chỉ sợ không thâu được nhiều, dẫu biết rõ kẻ đó là phường hạ lưu, vẫn cứ gấp gáp muốn thâu nạp, chỉ sợ hắn vuột thoát! Ai chịu làm pháp này để quyết định! Tham danh lợi, ưa quyến thuộc đến nỗi làm cho Phật pháp bị suy bại sát đất, không sao hưng khởi được!

Còn như ai nghiệp chướng nặng nề, tham sân lừng lẫy, sức yếu tâm khiếp nhược, chỉ nên nhất tâm niệm Phật, lâu ngày các chứng bệnh đều sẽ tự khỏi. Phẩm Phổ Môn nói: “Nếu có chúng sanh nhiều dâm dục, nóng giận, ngu si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền được lìa khỏi”.Niệm Phật cũng thế, nhưng phải tận tâm kiệt lực, không còn ngờ vực thì chẳng cầu gì không được. Quán Âm có nhân duyên lớn với Sa Bà. Ngoài việc niệm Phật ra, trì thêm danh hiệu Quán Âm cũng được, hoặc kiêm trì các chú Lăng Nghiêm, Đại Bi v.v… cũng đều được cả. Còn như duyệt kinh, nếu muốn làm pháp sư để tuyên dương cho đại chúng thì hãy nên đọc kinh văn trước, kế đến là đọc chú sớ. Nếu tinh thần không sung túc, kiến giải không hơn người, chớ nên uổng công lao tâm lao lực, uổng phí năm tháng.

Nếu muốn tùy sức chứng được lợi ích thật sự, phải chí thành khẩn thiết, thanh tịnh ba nghiệp, trước hết đoan tọa một lát để thân tâm ngưng lặng, rồi sau đấy mới lễ Phật tụng ra tiếng, hoặc chỉ thầm đọc, hoặc lễ Phật rồi đoan tọa một chút, sau đấy mới mở kinh ra. Cần phải ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh như đối trước thánh dung, đích thân nghe viên âm, chẳng dám chớm một niệm lười nhác, cũng chẳng dám khởi một niệm phân biệt. Đọc thẳng từ đầu đến cuối, bất luận dù văn hay nghĩa đều nhất loạt chẳng dụng công để hiểu. Đọc kinh như thế, người lợi căn liền có thể ngộ được lý Nhị Không, chứng pháp Thật Tướng. Nếu như căn cơ độn, kém, cũng có thể tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ. Lục Tổ nói: “Chỉ xem kinh Kim Cang liền có thể minh tâm kiến tánh”, tức là nói đến cách xem như vậy đó. Vì thế nói “chỉ”.Có thể xem như thế thì xem kinh Đại Thừa nào cũng có thể minh tâm kiến tánh, há phải riêng gì kinh Kim Cang là như vậy!

Nếu cứ một bề phân biệt, câu nói này nghĩa là gì, đoạn này nghĩa là gì, bèn hoàn toàn thuộc vào phàm tình vọng tưởng, đoán mò, suy lường, há có thể ngầm hợp ý Phật, viên ngộ ý chỉ của kinh, nhân đó nghiệp chướng tiêu trừ, phước huệ tăng cao ư? Nếu biết cung kính, còn trồng được một chút thiện căn. Nếu hoàn toàn như nhà nghiên cứu già dặn đọc sách Nho sẽ thấy cái tội khinh nhờn như núi cao vút, như vực sâu thăm thẳm. Do nhân lành chuốc lấy quả ác, chính là hạng người này đấy! Cổ nhân chuyên trọng nghe kinh vì tâm chẳng thể khởi phân biệt. Như có một người đọc tụng ra tiếng, người khác ở bên cạnh nhiếp tâm lắng nghe kỹ càng từng chữ từng câu sao cho phân minh. Tâm người ấy chuyên chú chẳng dám duyên theo hết thảy thanh sắc bên ngoài. Nếu hơi phóng túng liền bị đoạn tuyệt, văn nghĩa chẳng thể quán thông được. Người tụng có kinh văn để nương vào, tâm chẳng cần chuyên chú lắm vẫn có thể tụng rõ ràng. Người nghe chỉ có thể nhờ vào âm thanh nên nếu phóng túng sẽ bị đứt đoạn. Nếu nghe được như thế sẽ bằng với công đức chí thành cung kính của người tụng. Nếu người tụng hơi kém cung kính thì công đức khó thể sánh bằng người nghe.

Con người hiện thời coi kinh Phật như giấy cũ, để lẫn lộn kinh với những thứ khác trên án kinh, tay chẳng rửa ráy, miệng không súc sạch, thân đung đưa, chân gác lên, thậm chí phóng thí[57], gãi chân, hết thảy phóng túng chẳng e sợ mà muốn đọc kinh để được phước tiêu tội thì chỉ có ma vương muốn tiêu diệt Phật pháp mới chứng minh, tán thán, bảo là hoạt bát viên dung, phù hợp sâu xa với diệu đạo chẳng chấp trước của Đại Thừa! Phật tử chân tu thực sự tu hành, trông thấy chỉ đành ngấm ngầm đau lòng, lặng lẽ ứa lệ, than thở quyến thuộc ma hoành hành, chẳng biết làm sao!

Trí Giả tụng kinh, hoát nhiên đại ngộ, lặng lẽ nhập định, há có phải là do tâm phân biệt mà hòng đạt được ư? Một vị cổ đức chép kinh Pháp Hoa, nhất tâm chuyên chú bèn được niệm cực tình vong, đến khi trời tối mịt vẫn cứ viết mãi. Thị giả vào nói trời đã tối đen rồi sao vẫn viết mãi, liền duỗi tay ra chẳng thấy được bàn tay[58]. Duyệt kinh như thế cùng với tham thiền, khán thoại đầu, trì chú, niệm Phật có cùng sự chuyên tâm chuyên chí. Ra sức như thế, lâu ngày ắt có bữa sẽ được lợi ích hoát nhiên quán thông.

Thời Minh, Tuyết Kiểu Tín thiền sư người phủ thành Ninh Ba, không biết chữ nào, trung niên xuất gia, nhọc nhằm tham cứu tận lực, nhẫn được những điều người khác chẳng thể nhẫn, làm được những điều người khác không thể làm, hành những hạnh khổ người khác quả thật khó thể làm được. Lâu ngày đại triệt đại ngộ, thuận miệng nói ra những điều khéo khế hợp thiền cơ, dẫu không biết chữ, chẳng thể viết được, nhưng lâu ngày bèn biết chữ. Lâu sau ngọn bút vẫy vùng, nghiễm nhiên thành một nhà thư pháp lớn. Các lợi ích này đều cầu từ nơi chẳng phân biệt, chuyên tinh tham cứu. Người duyệt kinh cũng nên lấy cách này làm pháp tắc. Ngữ lục của vị này đã được đưa vào tạng kinh đời Thanh. Đàm Tảo Am mang danh Tiến Sĩ, quy y dưới tòa, soạn bài bia thuật đạo hạnh của Sư hơn một vạn chữ.

Lúc duyệt kinh trọn chẳng được khởi phân biệt, tự nhiên vọng niệm nép phục, thiên chân phát hiện. Nếu muốn nghiên cứu nghĩa lý hoặc đọc chú sớ, nên dành lúc khác chỉ chú trọng nghiên cứu. Trong lúc nghiên cứu, tuy không nghiêm túc như lúc duyệt kinh, cũng chẳng thể hoàn toàn không cung kính, bất quá so với lúc duyệt kinh thư thả hơn một chút. Chưa thể nghiệp tiêu trí rạng thì lấy duyệt kinh làm chánh, nghiên cứu chỉ là phụ kèm theo. Nếu không, quanh năm suốt tháng chỉ lo nghiên cứu, dẫu nghiên cứu đến mức như vẹt mây thấy mặt trăng, mở cửa thấy núi, cũng chỉ là lưu loát ngoài miệng, đối với thân tâm sanh mạng và chuyện sanh tử trọn không can dự mảy may. Ngày Ba Mươi tháng Chạp xảy đến, quyết định chẳng dùng được tí ti nào. Nếu có thể duyệt kinh như vừa mới nói ắt nghiệp sẽ tiêu, trí sẽ rạng, ba thứ tình kiến sẽ quy về chốn làng quê chưa hề có. Nếu không duyệt như thế, chẳng những ba thứ tình kiến chưa chắc không phát sanh, lại e do sức túc nghiệp dẫn khởi tà kiến, bác không nhân quả, và giết - trộm - dâm đủ mọi phiền não nối tiếp nhau dấy lên như lửa cháy hừng hực, nhưng cứ tưởng mình là người tu Đại Thừa, hết thảy vô ngại, bèn vin vào lời Lục Tổ “tâm đã bình cần gì phải nhọc lòng trì giới”, bèn cho các giới đều phá mà không phá mới là chân hành trì, thật là tu hành khó được chân pháp vậy! Do vậy, chư Phật, chư tổ chủ trương Tịnh Độ, nương vào Phật từ lực để chế phục nghiệp lực, chẳng cho nghiệp lực phát hiện.

Nên lấy Niệm Phật làm chủ, duyệt kinh làm phụ. Như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, Kim Cang, Viên Giác, hoặc chuyên chú một kinh, hoặc lần lượt duyệt sáu kinh này cũng được. Nhưng cách duyệt trọn chẳng thể không tuân theo cách tôi đã trình bày. Nếu làm cẩu thả đến nỗi lợi ích chẳng thể nghĩ bàn bị mất vì phóng túng không kiêng dè và phân biệt, vọng tình thì há chẳng đáng buồn ư?

Trước kia, tôi cho rằng ông và Sư Trân đã có thể triệt để tin theo pháp môn Tịnh Độ; đến khi xem những thư từ hỏi đáp giữa ông và ông Từ thấy ông lại muốn trì chú, lại toan nghiên cứu Giới học, cho rằng mật chú có công đức thù thắng chưa hề thấy xưng thuật trong Tịnh Độ, tâm bèn chao đảo, không có mảy may ý kiến nhất định nào! Ông căn cơ như thế nào mà muốn pháp gì cũng đều thông cả vậy? Do bị những chuyện cấp thiết khuấy động lâu ngày rất có thể bị mất trí, tôi bảo ông Từ: “Mong ông hãy cực lực khai thị cho ông ta để trọn tình thầy bạn cùng một pháp môn”. Sư Trân cho rằng Mật Tông [nói đến những chuyện] hơi xông, bụi dính[59] đều được giải thoát, còn Tịnh tông không có những lợi ích ấy, sao chẳng xét Ngũ Nghịch, Thập Ác lúc lâm chung địa ngục hiện, niệm Phật mấy tiếng bèn được vãng sanh? Lại chẳng thấy những vị Đẳng Giác trong hội Hoa Nghiêm chứng ngộ bằng với chư Phật, vẫn dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh để cầu viên mãn Phật quả đó ư? Nếu bảo là có pháp nào thù thắng hơn pháp này, bèn muốn bỏ pháp này để tu pháp kia thì sao chẳng suy xét Phật, Tổ trong ngàn kinh muôn luận đã đinh ninh ân cần dốc cạn ý vậy?

Nói thật ra, các pháp môn Đại Thừa pháp nào cũng đều viên diệu, nhưng do căn cơ có sống - chín, duyên có cạn - sâu, nên lợi ích thành ra có dễ đạt và khó đạt! Thiện Đạo là hóa thân của Phật Di Đà, Ngài dạy Chuyên Tu vì sợ hành nhân tâm chí bất định, bị các pháp môn khác đoạt chí. Dẫu cho khắp tất cả từ Sơ, Nhị, Tam, Tứ Quả thánh nhân và các Bồ Tát Trụ, Hạnh, Hướng, Địa, Đẳng Giác, cuối cùng là mười phương chư Phật tận hư không, trọn pháp giới, hiện thân phóng quang khuyên bỏ Tịnh Độ, giảng cho diệu pháp thù thắng cũng chẳng chịu nhận, bởi thoạt đầu đã phát nguyện chuyên tu Tịnh Độ, chẳng dám trái nghịch nguyện ấy. Hòa thượng Thiện Đạo đã sớm biết người đời sau đứng núi này trông núi nọ, chẳng có tí ti định kiến nào nên mới nói như vậy hòng giết chết cái tâm chụp giựt cuồng vọng cứ luôn mong mỏi, ngưỡng mộ lòng vòng! Ai biết lấy ngài Thiện Đạo làm thầy mà chẳng thuận theo. Người thuận theo [ý tổ Thiện Đạo] chỉ e không thấy nhiều. Há chẳng phải là ác nghiệp đời trước sai khiến đến nỗi pháp khế cơ khế lý nhất ở ngay trước mặt mà bỏ lỡ, thành ra kẻ nghiệp thức mờ mịt không Thiền, không Tịnh Độ, luân hồi không có gốc rễ để nương tựa đó ư? Buồn thay!

Tôi thấy tâm ông tha thiết muốn học hỏi, nhưng nếu thường gởi thư hỏi han, đôi bên đều bị phiền rộn. Do vậy, hỏi Sư Trân có hay không những sách giảng về Giáo Thừa Pháp Số[60] để thỉnh ắt sẽ có cái để tra duyệt. Sách Phiên Dịch Danh Nghĩa thuộc về [loại giải thích] danh nghĩa tiếng Phạn. Thích Thị Kê Cổ Lược là sách chuyên chép sự tích nhiều đời trong nhà Phật. Duyệt Tạng Tri Tân là sách tóm tắt đại ý của các kinh luận, ngữ lục và những trước thuật trong Đại Tạng. Long Tạng Vựng Ký chính là mục lục của Đại Tạng Kinh đời Thanh. Những sách ấy đều thuộc loại không thể không có. Có những cuốn sách ấy như có một vị thầy theo sát bên cạnh, hễ hỏi liền đáp.

Người chưa đoạn Phiền Hoặc cần phải y theo mặt Sự để sám hối, khẩn thiết đến cùng cực thì diệu lý chẳng thể nghĩ bàn sẽ triệt để phô bày trọn vẹn. Nếu bỏ Sự nói Lý sẽ chỉ được lợi ích bánh vẽ; lúc nói thì có, lúc dùng thì không. Lại như trong những tập một, hai, ba, bốn của Cao Tăng Truyện, Cư Sĩ Truyện, Tỳ Kheo Ni Truyện, Thiện Nữ Nhân Truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều ghi chép những lời lẽ, hành vi tốt đẹp của cổ đức. Đọc đến tâm sẽ tự vui sướng ngưỡng mộ, trọn chẳng đến nỗi được chút ít đã cho là đủ, tự cam phận ở nơi hèn kém, mất mát lớn lao. Hoằng Minh Tập, Quảng Hoằng Minh Tập, Đàm Tân Văn Tập, Chiết Nghi Luận, Hộ Pháp Luận, Tam Giáo Bình Tâm Luận, Tục Nguyên Giáo Luận, Nhất Thừa Quyết Nghi Luận đều là những sách hộ trì giáo pháp. Đọc đến chẳng bị ma tà, ngoại đạo mê hoặc, lại còn phá được thành lũy tà kiến của chúng. Những sách này đọc đến có thể làm cho chánh kiến kiên cố, có thể hỗ trợ chứng minh cho kinh giáo. Chớ nói mình nhất tâm duyệt kinh, gác những sách ấy ra ngoài không hỏi tới, kẻo tri kiến sai biệt chẳng mở mang, gặp địch ắt bị đánh bại nhục nhã vậy. Những điều trình bày trong thư có những chỗ chưa nêu ra, nhưng nếu chú tâm suy xét thì những ý nghĩa ấy sẽ tự hiện rõ.

Lại nữa, Nhị Không chính là Ngã Không và Pháp không. Ngã Không có nghĩa là đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, hiểu rõ dù Sắc hay Tâm (Sắc là sắc pháp, bốn thứ sau chính là tâm pháp) đều do nhân duyên hòa hợp sanh ra. Nhân duyên tách rời bèn diệt, trọn không có được cái chủ tể thật ngã. Pháp Không là đối với pháp Ngũ Ấm, hiểu rõ Thể của chúng hoàn toàn là không. Tâm Kinh nói “soi thấy năm Uẩn đều không” chính là nghĩa này. Lý Pháp Không này chính là Thật Tướng. Do phá vô minh, chứng Thật Tướng, nên nói “độ hết thảy khổ ách”. Thật Tướng là Pháp Thân Lý Thể, bỏ lìa trọn vẹn các tướng sanh, diệt, đoạn, thường, không, có v.v…, là gốc của hết thảy các tướng, là chân thật nhất. Vì thế gọi là Thật Tướng. Thật Tướng ấy chúng sanh và Phật cùng có, nhưng phàm phu, Nhị Thừa do mê trái nên chẳng thọ dụng được. Giống như minh châu trong áo, do không biết nên chẳng tránh khỏi bần cùng, chứ không phải là phàm phu đang mê và hàng Nhị Thừa chứng Chân Đế không có Lý Thể ấy.

Hễ ngộ thì rành mạch phân minh như mở cửa thấy núi, vẹt mây thấy mặt trăng. Lại như người mắt sáng đích thân thấy đường về, cũng như kẻ sĩ nghèo lâu ngày chợt mở được kho báu. Người chứng như theo đường về nhà, khỏi phải đi nữa, ngồi yên ổn, cũng như nắm được kho báu này tùy ý thọ dụng. Về ngộ thì đại tâm phàm phu giống như chư Phật, còn chứng thì Sơ Địa chẳng biết được chỗ cất chân, hạ chân của Nhị Địa. Hiểu được nghĩa ngộ và chứng này tự nhiên chẳng khởi Tăng Thượng Mạn, chẳng bị thoái khuất mà cái tâm cầu sanh Tịnh Độ dẫu vạn con trâu cũng khó kéo lại được.

Lại nữa, phàm sao lục văn tự ắt phải xét kỹ càng, tinh tường, chẳng được làm qua loa cho xong việc. Bài tựa sách Di Đà Yếu Giải, lúc soạn xong, đại sư Ngẫu Ích bỏ đi những câu chữ chưa trọn vẹn. Nhưng câu cuối [trong bài tựa], đại sư đã viết: “Chẳng dám đua chen khác với hai vị[61], cũng chẳng bất tất phải ép cho giống với hai vị. Ví như nhìn nghiêng thành chỏm, nhìn ngang thành rặng đều là chân cảnh Lô Sơn bất tận, không cần phải bỏ đi cái nhìn Lô Sơn của riêng mỗi người”.Khi ấy, Sư lược bỏ thí dụ này. Chữ Tất trong “bất tất phải ép cho giống với hai vị”bị sửa sai thành chữ Cảm (dám), bèn thành ngã mạn tự đại, miệt thị hai vị kia, ngụ ý: Trong những lời chú của hai vị có những điều trái nghịch với kinh, chẳng dám nương theo những ý nghĩa ấy, đâm ra tương phản với thí dụ tiếp theo đó. Quả thật là oan uổng cho ngài Ngẫu Ích, khiến hậu học bị lầm lạc, khiến cho người đọc đến phải đau lòng buốt óc!

Nay đang là lúc nào? Nam Bắc đánh lẫn nhau, trong ngoài chống chọi nhau, ba bốn năm nay, người chết bốn năm ngàn vạn, kể từ khi có loài người đến nay, chưa từng nghe thê thảm như thế. Đã thế lại còn gió lốc, nước ngập, động đất, ôn dịch xảy ra liên miên khắp mọi nơi. Lại thêm lũ lụt, hạn hán, không một năm nào chẳng kèm thêm những tai nạn ấy. Vật giá đắt đỏ hơn trước mấy lần, ngay trong lúc như vậy, may sao còn được sống, dám chẳng kiệt lực chuyên tu Tịnh nghiệp để cầu được vãng sanh Tịnh Độ ư? Dám do may được thân người bèn phóng túng tâm chí, chẳng chuyên chú một pháp, phù phiếm, ơ hờ phí sức nơi pháp môn chẳng khế cơ, khế thời ư? Ví như một hơi thở ra không hít vào được, muốn lại được nghe pháp môn thẳng tắt này, chỉ sợ rằng chẳng được may mắn như thế nữa đâu!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây