Lịch sử cây Bồ đề tại Bồ đề đạo tràng

Thứ sáu - 26/04/2013 03:40 - Đã xem: 4569

Lịch sử cây Bồ đề tại Bồ đề đạo tràng

Phật giáo là một trong những tôn giáo có lịch sử lâu đời trên thế giới. Thiên chúa giáo xuất hiện sau Phật giáo 600 năm. Hồi giáo (Mahammad) cũng bắt đầu truyền đạo sau Phật giáo 1200 năm. Vì vậy hai tôn giáo thế giới lớn sau này cũng đã ảnh hưởng Phật giáo rất nhiều. Ở Ấn Độ, Phật giáo đã thấm sâu vào lòng dân Ấn khoảng 1500 năm và đã bắt đầu gặp sự thù địch của những người theo đạo Á-rập, những người đã xâm lăng Ấn Độ hơn 1000 năm trước.

Sau đó 700 năm, Phật giáo đã hoàn tòan bị hủy diệt ở vùng đất phát sinh ra nó, những thánh tích như Bồ-đề Đạo Tràng (Buddha-Gaya), Sarnath (Benares), núi Linh Lhứu (Rajagriha) v.v… đều bị đập phá tan nát. Những đệ tử Phật đã phải bỏ trốn lưu vong qua đất nước núi đồi Tây Tạng mang theo kinh điển của Phật giáo. Vì vậy, sau này khi hồi phục lại, kinh điển Phật giáo ở Ấn Độ đã được tìm thấy rất nhiều ở Tây Tạng.

Bồ-đề Đạo Tràng đã bị lịch sử quên lãng trong vài thế kỷ, không một đòan hành hương Phật giáo nào đến chiêm ngưỡng đảnh lễ. Tuy nhiên, ngày nay Phật giáo tại Ấn Độ đang từng bước khởi sắc lại, Bồ-đề Đạo Tràng nói chung và cây bồ-đề – nơi Đức Phật ngồi thiền và giác ngộ nói riêng cũng đang được khôi phục trở lại. Nhân ngày lễ kỷ niệm Phật Thành Đạo - Phật lịch 2545 đặc biệt được tổ chức tại Bồ-đề Đạo Tràng này, tôi xin được giới thiệu Vài nét về qúa trình tiến triển của cây bồ-đề từ thời Đức Phật cho đến nay.

Cây bồ-đề (Bodhi tree) được gọi là "asvatthi," hoặc là cây Đa (Pipal, pippali). Theo định nghĩa thực vật học, cây bồ-đề là "ficus religiosa" nghĩa là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên gọi là "cây giác ngộ," hoặc thường được gọi là "cây bồ-đề."[1]

Theo các nhà khảo cổ học cây này được coi là thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus. Trong bộ Rig Vê đa, bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ đã cho biết rằng cây bồ-đề này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ thời đó.[2]

Thật ra, trước khi Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ thì cây này cũng được trồng rất nhiều tại đất nước này. Con người ngày xưa rất kính trọng và kiêng sợ những vật to lớn như cây cổ thụ, những hang đá khổng lồ, các dãy núi đồ sộ … vì họ nghĩ rằng đó là nơi trú ngụ của các thần linh, các linh hồn và thậm chí của những ma quỷ xấu ác. Trong thời gian Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ, lòng tin về những cây này là nơi cư ngụ cho chư thiên và ma quỷ càng thấm sâu hơn nữa. Và trong kinh điển Phật giáo như: Vimanavatthu và Petavatthu cũng đã kể nhiều câu chuyện liên quan đến chổ cư ngụ của chư thần và ma quỷ trên cây.

Khái niệm thờ cây đạt đến đỉnh cao trong việc thờ cây bồ-đề. Sự quan trọng của nó không chỉ nằm ở bản chất hùng vĩ của cây mà còn là sự kết hợp của sự chứng đạt vĩ đại nhất của Đức Phật, đó là giác ngộ. Vì vậy, cây bồ-đề từ một cây thông thường đã được coi như biểu tượng của chính sự hiện diện của Đức Phật và sự chứng ngộ Phật quả. Có một sự kiện về cây bồ-đề đã xảy ra ngay khi Đức Phật đạt giác ngộ. Đức Phật đã trải qua trọn một tuần lễ bảy ngày nhìn vào cây bồ-đề với ánh mắt biết ơn cây đã che chở cho Ngài những đêm mưa gío bão bùng, những ngày nắng đốt như lửa trong suốt thời gian qua cho đến khi Ngài đạt giác ngộ. Tất cả những sự kết hợp này đã tạo nên những đặc tính của cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng – cây giác ngộ.

Sớ luận của Anguttara Nikaya cho biết rằng cây bồ-đề phải được kính thờ, chỉ trừ trường hợp nếu nhánh cây bồ-đề làm chướng ngại mái nhà, bàn thờ, hoặc nó bị mục, hoặc chim đậu dựa trên cây làm dơ bẩn chốn tôn nghiêm chùa chiền thì chúng ta được phép cắt bỏ đi. Theo luật của người Tích Lan trình cho chính phủ Hà Lan vào hậu thế kỷ 18 là nếu ai phá hủy chùa, cây bồ-đề cùng những tài sản thuộc tôn giáo thì sẽ bị chính phủ Tích Lan (Sinhala) quy tội chết.[3]

Tại Ấn Độ ở mỗi chổ di tích tôn giáo là di sản văn hóa chung chẳng những của Ấn Độ mà cho cả tòan nhân loại cho nên được bảo vệ rất cẩn thận và mỗi nơi thánh địa đều có bản thông báo chung là nếu ai đập phá làm hư hoại di sản này sẽ bị phạt tội rất nặng. Có luật của chính phủ Ấn xét xử nghiêm minh.

Bình luận về việc thờ phượng cây bồ-đề hiện nay, nhà đại học giả Phật giáo Rhys Davids đã thận trọng nhắc chúng ta rằng việc thờ phượng đối với những vật thể bên ngoài như cây cối là việc không thật sự ích lợi, nhưng vì cây bồ-đề này có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời Đức Phật và sự giác ngộ tối thượng của Ngài. Ngày nay, những hình thức nghi lễ xung quanh cội gốc bồ-đề ngày một phát triển và không chút suy giảm nào dù đã trải qua nhiều thế kỷ.

Những người nào thực hiện những nghi lễ thờ phượng cây bồ-đề được gọi là "Bodhi Puja." Bodhi Puja trong ý nghĩa tinh thần là "giác" (bodhi), nghĩa là sự giác ngộ của Đức Phật nhưng trong thực tiển "bodhi" chỉ có nghĩa là một cây bồ-đề, là một trong những loại cây cổ thụ thế thôi. Vì vậy, ý nghĩa chính của việc thờ phượng tu tập dường như bị mất đi mà chuyển thành hình thức của việc thờ cây đang thịnh hành tại Ấn Độ và khắp nơi suốt trong thời tiền Phật giáo. Ngày nay Bodhi Puja đang thịnh hành ở những nơi tôn nghiêm thiêng liêng và đã hình thành thành một nghi lễ trang trọng chính thức. Những tràng hoa tươi đẹp, những ánh nến lung linh, khói hương trầm thơm ngát, cờ phướng nhiều màu bay phất phới khắp cây bồ-đề, dưới cội bồ-đề và ở xung quanh … đã làm cho cây bồ-đề thiêng liêng mang đầy tính tôn giáo.

Trong kinh Đại Niết-bàn (Maha-Parinibbana) thuộc Trường Bộ Kinh, [4] Đức Phật tuyên bố với ngài Anan rằng Bồ-đề Đạo Tràng nơi có cây bồ-đề là một trong bốn thánh địa mà người con Phật với lòng kính tin nên đến để chiêm ngưỡng lễ lạy và ngài thêm rằng "Người nào thác sanh với lòng tin tưởng khi đi chiêm bái này sẽ được tái sanh vào cõi an vui."[5] Sự thiêng liêng của cây bồ-đề như là một biểu tượng của sự giác ngộ và như là hiện thân của chính Đức Phật. Một lần khi chúng đệ tử đến viếng thăm đảnh lễ Đức Phật ở tu viện Jetavana (Ở Sravasti) lúc đó đại phú Cấp Cô Độc (Anathapindaka) thưa với trưởng lão A-nan trình với Phật nên thiết lập một nơi tôn nghiêm để dâng hương hoa trà quả … trong lúc Đức Phật đi vắng khỏi tu viện Jetavana. Từ việc này, Đức Phật kêu chiết một nhánh bồ-đề từ cây bồ-đề ở Bồ-đề Đạo Tràng để trồng ở cổng tu viện Jetavana. Sau đó để khiến cho cây thiêng liêng hơn, Đức Phật đã ngồi thiền dưới gốc cây bồ-đề này trọn một đêm. Và cây bồ-đề đó cũng trở thành một đối tượng để thờ phượng.

Trong ý nghĩa đó, cây bồ-đề này được nhận thức không chỉ là đối tượng cho giới Phật giáo kính lễ mà còn là một sự biểu hiện tượng trưng cho chính đời sống của Ngài và sự chứng đạt vĩ đại của Ngài. Việc trồng cây bồ-đề như là một đối thể thiêng liêng, đặc biệt khi mà hình ảnh, tượng Phật chưa được phổ biến ở Ấn Độ. Trong kinh Bổn sanh Kalinga-Bodhi[6] và Kosiya[7] đã kể rằng trong suốt thời gian Phật còn tại thế cây bồ-đề rất được kính trọng và thờ phượng như Đức Phật. Cây bồ-đề được xem là một trong ba đối tượng thiêng liêng, cùng với chùa (cetiya) và điện tháp (patimaghara) cần được thờ phượng. Cả ba đối tượng này được coi trọng như nhau. Tuy nhiên giữa những vật này, thì xá-lợi của Phật được coi trọng và tôn quý hơn cả.

Sau khi Phật nhập diệt, Hoàng đế A-dục đã hết lòng bày tỏ tâm cung kính của mình và lòng tôn trọng bảo vệ cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng. Vị Hoàng đế Phật tử này đã sai con gái mình là công chúa mà sau này trở thành Tỳ-kheo-ni Sanghamitta chiết một nhánh phía nam của cây bồ-đề mang qua Tích Lan trồng tại thành phố cổ Anuradhapura suốt trong thời vua Devanampiyatissa trị vì. Nhánh cây bồ-đề này vẫn còn xanh tốt cho đến ngày nay. Trong khi cây bồ-đề gốc tại Bồ-đề Đạo Tràng đã bị hủy nhiều lần bởi nhiều thời đại sau đó. Vì vậy, cây bồ-đề được tuyên bố trong lịch sử cây cổ nhất trên thế giới là cây được trồng tại thành phố Anuradhapura này.[8]

Theo biên niên sử của Tích Lan, Dipavamsa (thuộc thế kỷ IV), Mahavamsa (thuộc thế kỷ V) và Samanta-Pasadika (thế kỷ V) được viết bằng hai ngôn ngữ Pali và Tích Lan cho biết rằng trong lúc vua Devanamapyatissa trị vì vào thế kỷ III trước Tây lịch, thì con trai của Đại đế A-dục là Tỳ kheo Mahinda đã đi truyền đạo tại Tích Lan và đã cảm hóa được vua chúa cũng như những người dân ở hòn đảo bình yên này. Và Ngài đã thành lập Tăng già Phật giáo đầu tiên tại đây.

Trong thời gian Ngài Mahinda ở Tích Lan, Ngài đã khuyên vua Devanamapyatissa kiến nghị vua A-dục biếu một nhánh cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng để trồng ở thủ đô Anuradhapura, Tích Lan.

 

Bức tranh diễn tả Tỳ kheo ni Sanghamitta mang một cây Bồ đề được chiếc từ cây Bồ đề tại đất Phật sang trồng ở Srilanka

Con gái của vua A-dục là Tỳ-kheo-ni Sanghamitta đã qua thăm Tích Lan với mục đích thành lập ni đòan Phật giáo cho giới nữ tu và đã mang nhánh bồ-đề này qua Tích Lan.Sau này người dân Tích Lan đã gọi cây bồ-đề tại Tích Lan này là "Sri- Maha-Bodhi," nghĩa là cây bồ-đề thiêng liêng (hình bên).

Nói về dữ kiện của cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng và tại Tích Lan, báo The Maha Bodhi, Buddha Gaya, tháng 7, 1903 nói rằng:

"Cây bồ-đề mà Đức Phật Bhagawan ngồi thiền trước kia bây giờ không còn nữa. Cây đã bị hủy diệt năm 1874 (Pl. 2418). Một nhánh của cây bồ-đề này đã được Tỳ-kheo-ni Sanghamitta, con gái vua A-dục mang đến trồng tại thủ đô Anuradhapura, Tích Lan. Khi cây gốc bị hủy diệt năm 1874, một nhánh cây con mới mọc lên và đó là cây bồ-đề sum suê tại Bồ-đề Đạo Tràng hiện nay. Cây mọc rất tươi tốt và rậm đầy lá xanh."

Khi Hòa thượng Anagarika Dhammapala (người thành lập Hội Maha Bodhi tại Ấn Độ và trên thế giới) đã viếng thăm Bồ-đề Đạo Tràng vào ngày 22-1891 lần đầu tiên người đã quá sung sướng và xúc động trước những thánh tính thiêng liêng liên quan đến cuộc đời và sự giác ngộ của Đức Phật nhưng ngài đã quá đau lòng khi thấy sự suy tàn hư hoại của thánh địa này. Ngài đã ngồi bên cạnh tòa Kim cang (Vajrasana) dưới cội bồ-đề và phát nguyện sẽ hồi phục lại những di tích nơi sanh ra Đạo Phật này. Hòa thượng là một trong những người có công lớn đầu tiên trong việc khôi phục Phật giáo tại Bồ-đề Đạo Tràng nói riêng và Phật giáo Ấn Độ nói chung trong thời điểm của thế kỷ XIX-XX. Và cũng từ nền tảng xây dựng của Hòa Thượng, Hội Maha Bodhi ngày nay đã phát triển và có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

 

Cây Bồ đề lịch sử tại Srilanka

Ngày 11/11/1931 ngôi chùa Mulagandhakuti ở Sarnath do Hòa thượng xây dựng được khánh thành. Ngài Thống Đốc Ấn Độ Willingdon và Giám đốc Viện Khảo Cổ Học đã đồng ý mang Xá-lợi của Phật để thờ tại chùa này.[9] Và ba nhánh cây bồ-đề được chiết từ cây bồ-đề ở thủ đô Anuradhapura, Tích Lan cũng được mang về trồng tại chùa Mulagandhi ở Sarnath. Ba nhánh bồ-đề này như ba đứa trẻ của cùng một bà mẹ bồ-đề ở Tích Lan mà có gốc gác quê quán tại Bồ-đề Đạo Tràng đã cùng phát triển tươi tốt trong một bức tường bao quanh giữ gìn. Đã hơn 50 năm rồi, hiện nay ba cây bồ-đề chung một tòa xi-măng đã phát triển giống như ba nhánh của một cây, trở thành một nơi thiêng liêng để thờ phượng chiêm ngưỡng cho giới Phật giáo.

 

Tổng thống Srilanka cúng dường vật báu lên cây Bồ đề vào ngày 24 tháng 5 năm 2009

Như vậy, từ cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng trong thời Đức Phật đã được chiết tới trồng tại cổng tu viện Jetavana ở Shravasti. Rồi khoảng thế kỷ thứ III trước tây lịch, một nhánh phía nam của cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng được chiết trồng tại Tích Lan. Sau đó vào thế kỷ XX, ba nhánh bồ-đề tại Tích Lan lại được mang về Ấn Độ và trồng tại Sarnath, Vườn Nai- Nơi Đức Phật chuyển pháp luân trao gởi bức thông điệp cứu khổ lần đầu tiên cho năm anh em Kiều-trần-như và tất cả loài người chúng ta.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy những ghi nhận quý giá đầu tiên về cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng này sau khi Đức Phật nhập diệt qua các ký sự hành hương của các nhà chiêm bái Trung Quốc.

Ngài Pháp Hiền đã viếng Bồ-đề Đạo Tràng vào năm 400 và trong ký sự hành hương của mình, Ngài đã mô tả về Bồ-đề Đạo Tràng như sau:

"Sa-môn Cồ-đàm đi tới phía trước, đến dưới gốc cây pei-to, trải cỏ cát tường, mặt hướng về phía đông. Ngài bắt đầu an tĩnh tâm và suốt bảy ngày Ngài an hưởng trạng thái an lạc giải thoát đó. Cũng tại nơi này, người ta đã xây một cái tháp đánh dấu nơi Ngài đã đi kinh hành trong bảy ngày từ phía đông qua tây trong khi các chư thiên đã xuất hiện với bảy báu cúng dường tán thán Đức Phật. Cũng có một cái tháp đánh dấu nơi con rùa mù Mucchalinda đã bao quanh Phật và lấy đầu làm phướng che đầu Ngài khỏi cơn bảo táp. Cũng có tháp nơi Đức Phật ngồi trên hòn đá vuông dưới bóng cây Nyagrodha, mặt hướng về phía đông đang nhận sự lễ bái cúng dường của một vị Bà-la-môn; cũng có một cái tháp đánh dấu bốn vị Thiên vương cung kính cúng dường Ngài bình bát quý. Cũng có tháp đánh dấu 500 vị thương buôn dâng cúng Ngài bánh bắp và mật … "[10]

Hoặc như Ngài Huyền Trang đã đến Ấn Độ vào năm 629 và đã trải qua 16 năm chiêm bái cũng như tu học ở đây. Trong ký sự của mình, ngài đã kể về Bồ-đề Đạo Tràng như sau:

"Đi về phía tây nam từ đỉnh núi Pragbudhi khoảng 14, 15 dặm, chúng ta sẽ đến cây bồ-đề. Cây này được bao quanh bởi một bức tường gạch cao lớn và vững chắc. Bức tường này hình chữ nhật dài từ đông sang tây, ngắn từ bắc tới nam. Chu vi của nó khoảng 500 bước. Những loại cây hiếm với những đóa hoa xinh đẹp kết tàng lại với nhau. Những cây biển bá với những cây khác mọc đầy cả nền tạo thành một tấm thảm trên đất. Cánh cổng chính mở ở phía đông, đối diện với sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana) rộng lớn. Bên trong bức tường bao quanh nơi thánh địa này có nhiều lối đi ngang chéo lẫn nhau ở các hướng. Ở đây có nhiều tháp và đền. Nhiều vị Vua, Hoàng tử và những người nổi tiếng ở Nam thiệm bội châu (Jambudvipa) có lòng tin với đạo đã xây nhiều chùa tháp ở đây để kỷ niệm.

Chính giữa khu tường là tòa Kim cang (Vajrasana) nơi Đức Phật ngồi thiền. Trong thời xa xưa khi đời Hiền kiếp đã đến lúc viên mãn, khi quả đất được tạo ra thì tòa Kim cang (Vajrasana) này cũng đã xuất hiện. Nó nằm ngay giữa trung tâm của vũ trụ và đi sâu vào Kim luân rồi ăn sâu xuống lòng đất. Nó được tạo thành bởi kim cương. Chu vi khoảng chừng 100 bước, trên tòa này có 1000 vị Phật đời Hiền kiếp đã ngồi và nhập kim cang định vì vậy mà tòa này được gọi là tòa Kim cang (Vajrasana). Đây là nơi Đức Phật đã đạt thánh đạo, vì vậy nó cũng được gọi là Bồ-đề Đạo Tràng.

Cây bồ-đề bên tòa Kim cang (Vajrasana) chính là cây Tatpala, giống như cây đa (pippali). Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế cây cao vài trăm feet [11] vì bị chặt đốn nhiều lần. Vì bị chặt đốt nhiều lần nhưng nó vẫn còn cao khoảng 40, 50 feet. Đức Phật đã ngồi đạt đạo dưới đây nên cây được gọi là cây Tam miệu tam bồ-đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma). Thân cây màu vàng trắng. Lá và nhánh cây màu xanh đậm. Lá không bị úa ngay cả trong mùa đông hay mùa hạ, mà chúng vẫn sáng bóng và xanh mát suốt năm không thay đổi. Nhưng vào ngày Đức Phật nhập niết bàn lá ở đây úa và rơi xuống, nhưng thật kỳ diệu thay ! Sau đó không bao lâu lại tươi tốt như trước đó. Vào những ngày lễ, nhiều đòan hành hương từ nhiều nước đã tập trung tại đây số đông đến hàng ngàn người. Họ thi nhau tưới nước trầm, sữa tươi thơm vào cội bồ-đề, rãi hoa tươi và dầu thơm để cúng dường. Những cờ, phướng, đèn, nến luôn luôn chiếu sáng lung linh tại cây bồ-đề và xung quanh đó.

Cây bồ-đề bị chặt đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt là do vua A-dục. Vua A-dục trong những ngày đầu trị vì là một vị ngoại đạo và muốn tiêu diệt những dấu vết của Đức Phật nên đã triệu tập một quân đội, ông đã thân hành dẫn đòan quân đến đây để tiêu diệt cây bồ-đề. Ông đã đốn cây tận rễ, chẻ thân, cành và nhánh cây thành những miếng gỗ nhỏ vụn và đổ về phía tây nơi đó. Sau đó ông đã ra lịnh cho một người Bà-la-môn làm lễ thiêu đống gỗ để cúng dường Phạm thiên. Không lâu sau khi những đợt khói tan biến thì lạ kìa, một cây bồ-đề được mọc lên từ đống tro tàn với những cành lá lung linh như lông vũ, cây này được gọi là "cây bồ-đề từ đống tro tàn." Vua A-dục thấy sự nhiệm màu này liền sanh tâm hối hận. Ông đã dùng sữa thơm tưới vào gốc cây cũ để bón nó và kìa! Sáng hôm sau cây bồ-đề đã lớn mạnh như cũ. Nhà vua mục kích sự mầu nhiệm này nên tăng trưởng lòng tin mạnh mẽ nên đã phát tâm cúng dường cây, ông cảm thấy an lạc đến độ quên mất việc quay về cung. Hoàng hậu, một tín đồ của Bà-la-môn đã cho một người lén đốn cây vào đầu đêm. Sáng hôm sau khi nhà vua đến để lễ cây thì chỉ còn thấy cái gốc bị chặt nên vô cùng đau lòng. Với tất cả lòng thành Ngài đã cầu nguyện và tưới gốc cây bằng sữa thơm. Không đầy một ngày, cây bồ-đề đã mọc lại như cũ. Nhà vua cảm động trước phép mầu này đã cho xây một bức tường cao 10 feet chung quanh cây. Bức tường này ngày nay vẫn còn thấy. Về sau vua Sasanka theo ngoại đạo và hủy báng Phật giáo đã đến để đốn cây bồ-đề, chặt bỏ tất cả những cành nào lú khỏi mặt đất, nhưng ông không làm sao đốn được gốc cây. Ông bèn cho đốt cây và đổ nước mía để mong tiêu hủy tận gốc rễ của cây.

Sau đó vài tháng, Vua Purnavarama (Phú Lâu Na Bạt Ma)[12] của Ma-kiệt-đà, người nối dõi cuối cùng dòng vua A-dục nghe tin đó đã than: "mặt trời của trí tuệ đã lặn, không còn gì để lại ngoài cội bồ-đề và ngay cả nó ngày nay cũng đã bị hủy diệt, nơi nào sẽ cung cấp cho nguồn sống tâm linh." Ông đã vật mình xuống đất vì đau buồn, sau đó dùng sữa của ngàn con bò để tưới cho cây, qua đêm cây đã một lần nữa sống lại và mọc cao hơn mười feet. Vì sợ cây sẽ bị hại một lần nữa, nên nhà vua cho xây một bức tường cao 24 feet bao bọc cây. Khi Ngài Huyền Trang đến đây thì bức tường vẫn còn cao 20 feet.

Có một người Phạm chí không tin vào Phật pháp và chỉ tôn thờ thần Ma Hê Thủ La (Shiva). Ông nghe đồn thần Ma Hê Thủ La sẽ hiện ra trên núi tuyết sơn nên đã cùng với người em đến đó để cầu nguyện. Vua Đế thích hiện ra nói: "những người cầu nguyện cần phải có một công đức lớn. Nếu ngươi cầu nguyện mà không có công đức làm căn bản thì ta không thể nào thỏa mãn lời cầu nguyện của ngươi."

Người Phạm chí hỏi: "việc công đức nào con phải thành tựu để Ngài thỏa mãn lời cầu nguyện cho con?"

Vua Đế thích đáp: "nếu ngươi muốn làm việc công đức lớn, phải tìm một môi trường thật tốt. Cây bồ-đề chính là chỗ thành đạt Phật quả. Ngươi hãy lập tức quay về đó và xây một tịnh xá lớn cạnh cội bồ-đề, làm một hồ nước lớn và cúng dường tất cả mọi vật. Khi đó ngươi chắc chắn sẽ thành đạt những mong cầu."

Sau khi nghe những lời trên, người Phạm chí và em mình liền quay về cội bồ-đề. Người anh đã xây một tịnh xá, người em đào hồ, sau đó họ chuẩn bị những đồ cúng dường thịnh sọan và bằng tất cả trí lực họ phát lên những lời tâm nguyện, lời nguyện của họ khi đó lập tức thành tựu. Người Phạm chí được phong làm một vị quan lớn. Ông ta từ đó đem tất cả của cải để làm việc từ thiện.

… Không xa cây bồ-đề về phía nam là một ngôi tháp cao độ 100 feet do vua A-dục dựng lên. Sau khi Bồ tát đã tắm trong dòng sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana), Ngài đi về phía cội bồ-đề. Khi đó Ngài nghĩ rằng: "ta phải làm một chổ ngồi bằng nguyên liệu gì? Ta phải tìm một thứ gì thật tinh khiết khi trời sáng." Khi đó trời Phạm thiên biến thành một người cắt cỏ đi dọc theo bờ đường với một bó cỏ trên lưng. Bồ tát hướng về ông ta nói: "ngươi có thể cho ta bó cỏ đang mang trên lưng không?."

Người cắt cỏ liền dâng bó cỏ với tất cả sự thành kính. Bồ-tát sau khi nhận của cúng dường liền đi về phía cội bồ-đề "[13]

Như vậy, qua những dẫn chứng cứ liệu như trên, ta có thể biết rằng trong hành trình lịch sử tìm cầu chân lý, chính dưới cội bồ-đề bên dòng sông Ni-liên-thuyền, thuộc làng Ưu-lâu-tần-loa, thái tử Tất-đạt-đa đã giác ngộ và chỉ bày ánh sáng giác ngộ đó cho tất cả chúng ta . Đây là một sự kiện hiện hữu có thật và được lịch sử chứng minh xác nhận.

Nhà sử học Phật giáo nổi tiếng Taranath cũng đã ghi nhận rằng cuộc xâm lăng đất nước Ma-kiệt-đà của vị vua phía tây, Hunimanta vào thế kỷ I đã tàn phá đại tháp, Canopied Walk đã bị lật đổ và dĩ nhiên cây bồ-đề thiêng liêng nằm trong khói lửa cũng không thoát khỏi số phận hẩm hiu đó. Đến cuối thế kỷ thứ VII, sau sự băng hà của vua Harsha Vardhana, triều đình lọt vào tay của Bà-la-môn Adittya Sena và những cận thần của ông. Suốt trong thời gian này, các nhà chiêm bái Trung Quốc đã viếng thăm thánh địa Bồ-đề Đạo Tràng nhiều lần và đều nói rằng cây bồ-đề vẫn yên lặng bền bỉ sống trước sóng gió của con người và thiên tai. Và cho đến thế kỷ tiếp vào năm 700-800 thuộc triều đại của dòng họ vua Phật tử Pala, vua Purna Vermma đã trồng cây bồ-đề lại bắt đầu năm trị vì của mình khoảng năm 813. Sau đó cây yên ổn sống cho tới cuộc xâm lăng của đội quân hùng hậu Hồi giáo Muhammad Bakhtiyar Khalji vào năm 1201 thì cây bồ-đề đã bị gãy đổ đốt phá cùng với ngôi đại tháp thiêng liêng.

Cùng chung với số phận thăng trầm của lịch sử Phật giáo, cây bồ-đề cũng đã biết bao nhiêu lần bị chặt đốt thiêu hủy do ngọn gió thiên tai vô thường xói mòn và do lòng người tàn ác đã biết bao lần muốn xóa tan vết tích của nó. Thế nhưng, kỳ diệu thay! Hạt giống bồ-đề vẫn tìm cách đâm chồi nảy lộc. Sự hồi sanh bắt đầu thay cho mầm hủy diệt và trở lại xanh tốt. Điều này được chứng minh qua sự kiện Dr. Buchanan năm 1811 ông đã viếng thăm Bồ-đề Đạo Tràng và mô tả trong cuốn sách[14] của mình như sau: "cây bồ-đề thì đang tràn trề nhựa sống và không thể quá hơn 100 tuổi được. Nhưng có một cây tương tự như vậy đã tồn tại cùng chung chỗ này khi đại tháp vừa hoàn tất công trình xây dựng."

Thế nhưng vào tháng 12/1862, Sir Alexander Cunningham, nhà khảo cổ học nổi tiếng của nước Anh là người có đóng góp rất to lớn nếu không nói là chủ yếu trong việc khai quật di tích Phật giáo chẳng những ở Bồ-đề Đạo Tràng mà còn ở các thánh địa Phật giáo khác khắp Ấn Độ nữa đã nhận xét như sau: "cây bồ-đề đã bị tàn úa rất nhiều, thân cây hơi ngả về phía tây với ba nhánh lớn vẫn còn màu xanh nhưng những nhánh khác thì đã bị vàng vọt mục nát."[15]

Lần thứ hai trong năm 1871 và lần thứ ba trong năm 1875 ông nhìn cây lại thì lúc này hoàn tòan bị héo hon mục nát và chỉ trong thời gian ngắn 1876 trong một cơn bão, cây bồ-đề cũ đã bị cuốn phăng (có hình ảnh minh chứng giai đọan này của cây bồ-đề do ông Pappe chụp)[16], chỉ còn lại thân cây ngã về phía tây của bức tường. Nhưng may mắn thay có nhiều hạt giống đã rơi rớt lại để rồi những mầm chồi con của cây cha mẹ chúng đã nhú mầm sinh sống lại tại nơi đó.

Sau đó năm 1880, Sir Alexander Cunningham thấy nền của tòa Kim cang (Vajrasana) lộ ra trên sân sau của bức tường đại tháp. Điều này đã khiến cho ông nghĩ rằng có thể có vài dấu vết gì đó về cây bồ-đề cũ tức là cây bồ-đề gốc thời Đức Phật đã sống. Vì vậy, Cunningham đã đào một đọan ngắn đến phía tây của tòa Kim cang (Vajrasana). Dưới lớp đất màu hung đỏ, đá hoa cương của tòa Kim cang (Vajrasana) lộ ra, chân tòa cao 3 feet và rộng 30 feet dưới chổ cây bồ-đề hiện đang sống. Ông cũng khám phá ra được hai ngọn rễ dài lớn của cây bồ-đề cũ. Một ngọn dài 6,5 inches,[17] và ngọn còn lại dài 4 inches. Có một cột trụ lớn dài 32 feet, cao 30 feet, dày 14 feet đã đứng phía sau chùa hơn 12 thế kỷ nay. Dường như không chắc là có hai phần của thân cây bồ-đề đã bị vua Sansangka chặt vào năm 600-620.

Theo Ashoka Avadana tường thuật thì câu chuyện Tishya Rakshita, hoàng hậu của triều đại vua A-dục chặt cây có khác đi, nhưng kết quả cây bị chặt thì giống nhau.[18]

Cũng theo ông Cunningham cho rằng vì cây bồ-đề là loại cây phát triển nhanh và có đời sống ngắn, vì vậy hẳn phải có sự kế tục tiếp nối từ các hạt giống nảy mầm, từ thời gian của vua A-dục để xuống cho tới ngày nay, có lẽ trải qua khoảng 12, 15 ngay cả cho đến 20 lần cho sự tiếp nối luân chuyển sống chết … và cây bồ-đề hiện nay thì có lẽ thuộc đời chít chắt thứ 20 rồi. Thế nhưng, theo cuốn Information at a Glance:[19] "cây bồ-đề hiện tại có thể là đời thứ 5 của cây gốc mà trước đó bị hủy diệt nhiều lần do thiên tai hoặc do con người tạo ra."

Trong biên niên sử của người Miến ghi nhận rằng vua Pasenadhi (Prasenajit) đã xây xung quanh cây bồ-đề một bức tường kép và Dhamma-Ashoka đã xây bức tường thứ ba tại đây.[20] Nếu chúng ta chấp nhận lời tường thuật này thì Cunningham đề nghị rằng bức tường kép của vua Pasenadhi phải bằng gỗ cọc nhọn thì có thể sẽ bị mục nát suốt trong hai thế kỷ rưỡi giữa hai triều đại. Cunningham kết luận rằng có thể nó đã bị dẹp đi khi vua A-dục xây dựng đại tháp liền ngay phía đông của cội bồ-đề.

Trước mắt chúng ta hôm nay, cây bồ-đề thật là tươi tốt và đầy lá xanh mởn mơ suốt bốn mùa. Cây mới vừa hơn trăm tuổi. Phía dưới có xây một thành xi măng hình vuông để giữ đất ụ gốc cây và có một tấm vải vàng lớn quấn gần dưới gốc cây để tôn vẻ trang nghiêm cho cây. Rộng ra khoảng hai mét lại có một bức tường vuông nữa bao bọc cây bồ-đề và tòa Kim Cang. Khách hành hương có thể vào bên trong để chiêm ngưỡng cây bồ-đề và tòa kim cang này. Cây bồ-đề được kính thờ và chăm sóc rất cẩn thận. Lúc nào cũng có một vị sư người Ấn ở chùa Phật giáo Ấn Độ (The MahaBodhi Mahavihar) hay Ban Qủan Trị Đại Tháp Bồ-đề (Buddha Gaya Temple Management Committee) túc trực hướng dẫn, sắp xếp khách chiêm bái vào lễ cây, tụng kinh, ngồi thiền…Đặc biệt vào những ngày lễ thì nơi đây rất đông và tấp nập. Những bông hoa tươi nhiều màu tươi đẹp, những ly nước trong vắt, tinh khiết…được kính cẩn sắp đầy trên tòa kim cang và dưới gốc bồ-đề để cúng dường lên Đấng Thế Tôn, với tâm tha thiết đảnh lễ cây bồ-đề như sau:

"Chính dưới cội bồ-đề này Đức Như Lai đã vượt qua tất cả ma vương, để đạt được nhất thiết chủng trí. Hướng về cội bồ-đề, con xin thành tâm đảnh lễ. Đức Thế tôn – Bậc đạo sư của trời người đã tôn trọng kính thờ cây bồ-đề này, con cũng xin hướng về cội bồ-đề vô thượng này, xin thành tâm đảnh lễ!"[21]

Ngày nay, Phật giáo đã đang được khởi sắc sinh động tại Ấn Độ, đặc biệt tại Bồ-đề Đạo Tràng nơi đã trở thành trung tâm chính của Phật giáo thế giới. Trong tình hình phát triển tốt đẹp đó, cây bồ-đề cũng đang từng bước chuyển mình tỏa ra sức sống thiêng thiêng. Đó phải chăng là một giai đọan, một chặng đường lịch sử khả quan, đáng ghi nhớ về cội bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng nhất là trong thời điểm kỷ nguyên XXI này phải không?

 

SÁCH THAM KHẢO

Buddha Gaya Temple: Its History, Dipak K. Barua, Buddha Gaya Temple Managerment Committee, Buddha Gaya, 1981.

Informations at a Glance, Buddha Gaya Temple Managerment Committee, Buddha Gaya, 1998.

Sambodhi, Maha Bodhi Society of India, Buddha Gaya, 1998

The Maha Bodhi 1891-1991, Centenary volumn, The Maha Boddhi Society of India.

The Maha Bodhi Journal, The Maha Boddhi Society of India, Calcata, 9/1992.

Dharmadoot, The Maha Boddhi Society of India, Sarnath, 2000.

Xứ Phật Tình quê, tập I, Thích Hạnh Nguyện và Vô Thức, Đại Thừa, 1996.

CHÚ THÍCH

[1] Ven. Pategama Gnanagama, Bhikkhuni Sanghamitta, p. 45; Dharmadoot, Maha Bodhi Society of India, Sarnath-2000.

[2] Gnamarama P.Ven., Aspects of Early Buddhist Sociologist Thought, p. 163.

[3] Ven. Pategama Gnanagama, Bhikkhuni Sanghamitta, p. 48; Dharmadoot, Maha Bodhi Society of India, Sarnath-2000.

[4] Digha Nikaya, vol. II, Pali Text Society, 1886, p. 141

[5] Mahathera Narada, The Buddha and His Teaching, Colombo, 1973, p. 257-258.

[6] Jataka, vol. IV, p. 228.

[7] Jataka, vol. II, p. 321

[8] Symbol and Ritual in Religion with special Reference to Buddhism in Srilanka, U.D. Jayasekara; The Maha Bodhi Journal, Calcata, 9/1992, p.54

[9] The Maha Bodhi 1891-1991, Centenary volumn, The Maha Bođhi Society of India, p. 30

[10] Records of the Western World, trans. Samuel Beal, vol. 1, p. 11.

[11] 3 feet=1yard (yd)=0.914met (Tự Điển Anh-Việt, TTKHXH và NVQG, TPHCM, 1993, tr 2064).

[12] Cháu nội Vua A Dục

[13] Samuel beal, Buddhist Records of the Western World, Delhi, 1994, pp. 119-135; Xứ Phật Tình quê, tập I, Thích Hạnh Nguyện và Vô Thức, 1996, trang 105-111.

[14] 14Eastern India, Vol. 1, p. 76; Sambodhi, Maha Bodhi Society of India, Buddha Gaya, 1998, p. 1-3.

[15] Archaeological Survey, vol. 1; Sambodhi, Maha Bodhi Society of India, Buddha Gaya, 1998, p. 1-3.

[16] Như trên.

[17] 1 inch = 2,54 cm

[18] Sree Babu Rajendra Lal's Budha Gaya, p. 97; Sambodhi, Maha Bodhi Society of India, Buddha Gaya, 1998, p. 1-3.

[19] The Maha Bodhi Mahavihar, Buddha Gaya Temple Managerment Committee, 1998, p. 6.

[20] Bigandet, Life of Gotama, Sambodhi, Maha Bodhi Society of India, Buddha Gaya, 1998, p. 1-3.

[21] Dipak K. Barua, Buddha Gaya Temple Its History, Buddha Gaya Temple Management Committee, Buddha Gaya, 1981, p. 6-7

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây