Ý NGHĨA ẤY THẬT DIỆU KỲ
Nguyễn Minh Hiển|
Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 17
Đức Phật của tôi là những điều thuộc về con người. Nói thế sẽ không ít người cho rằng, tôi đang kéo Đức Phật ở đâu đó xuống cuộc sống trần gian này. Nhưng nếu ai đó có thể gán cho Đức Phật một định nghĩa thì những mâu thuẩn từ các cuộc tranh luận về Ngài sẽ hoán vị cho nhau. Tôi nghĩ, trí tuệ và phương tiện truyền giảng của Đức Phật không phải là một cái cớ để các tư tưởng trái nghịch nhau lấy đó làm bức bình phong cho riêng mình: về kinh điển, về lý luận và giới luật. Tôi không hề lấy Đức Phật để bào chữa cho những hành vi, thái độ mang tính con người của mình, bởi làm sao có thể lấy một người khác để bào chữa cho mình. Tôi không cố tình tư duy theo chiều hướng phức tạp, vì tôi biết, tất cả những ai muốn cố thuyết phục người khác phải theo chân lý của mình thì đó mới chính là người đang bỏ quên hai từ “con người”, đang biến chân lý đó trở thành giáo điều, trở thành sự bao cấp tư tưởng, đàn áp tinh thần…Tôi biết Đức Phật là người không giáo điều, vì Ngài đã luôn khuyên người khác đừng vội tin những điều Ngài nói. Tôi biết Đức Phật muốn tránh xa sự tranh cãi về chân lý nên Ngài cho rằng mình chưa từng nói một điều gì cả…
Đức Phật của tôi là một con người. Chính vì thế tôi nói về Đức Phật của mình không phải để bàn luận về sự toàn thiện hay không, bởi tôi không đủ tư cách để làm điều đó. Tôi chỉ biết Đức Phật của tôi đã từng là một con người yêu thương chúng sinh hơn cả chính mình, một con người chưa bao giờ nói lên một câu làm tổn hại người khác, một con người luôn mong mõi chúng sinh phá tan được vòng vô minh, si ám…Và như vậy, tôi không sợ trở thành kẻ ngoại đạo trong con mắt của những người muốn đặt một nền móng chính trị, đạo đức, nghệ thuật, tư tưởng, cách mạng, khoa học..hay bất cứ điều gì khác cho Đức Phật.
Như tôi đã nói ở trên: Đức Phật của tôi thuộc về con người , và tất cả những điều Ngài nói ra đều nâng đỡ con người, khẳng định vị trí trung tâm của con người. Khi chưa đến với đạo Phật , tôi cũng đã từng lập ra cho chính mình, cho người thân yêu chung quanh mình, cho học trò của mình một trật tự phân cách: nhà khoa học và kẻ ngu si, người đạo đức và tên đốn mạt…và làm người thì chỉ được phép yêu thương cái tốt, dĩ nhiên “cái tốt” ấy cũng phải theo tiêu chuẩn riêng của tôi. Tôi không còn chỗ trống nào khác trong tinh thần để nghĩ về cuộc sống của những sự nhàm chán và đau khổ, của những dằn vặt tội lỗi, của những kiểu cách giả tạo, của sự phục tùng một tinh thần phiến diện, của sự thao túng chân lý…mà cứ để những vinh quang quyền lực, vật chất cuốn trôi đi. Tôi có thể hùng hồn thuyết giảng về chủ nghĩa duy này ,duy kia… nhưng tôi lại lơ là với trái tim và hơi thở của chính mình. Và mặc dù tôi vẫn biết, mọi khám phá khoa học, chỉ có ý nghĩa khi nó gắn với hai từ “con người”, nhưng có lúc tôi lại “khủng bố” danh xưng ấy bằng lòng đố kỵ, thói ích kỷ, độc đoán, hờn ghen và sự trả thù…
Đức Phật của tôi đã nói lên những điều mà khoa học chưa biết đến, nhưng đừng ai biến Đức Phật của tôi trở thành nhà khoa học, bởi Đức Phật của tôi không phải là người có tham vọng lập nên một trật tự chân lý. Phật pháp không tách rời cuộc sống con người mà có, Phật pháp chỉ có ý nghĩa khi gần với hai từ “con người”, mà con người thì phải có nội hàm lớn hơn con người giai cấp, lớn hơn vật chất, khoa học, Thượng đế…vì tất cả những thứ có vẻ như cao siêu ấy đều chỉ là sản phẩm còn nhiều vụng về của con người. Không thể đàn áp tinh thần con người để lập nên một thiên đường hay một nền chính trị xã hội được cho là tối ưu nào đó.
Đức Phật của tôi là một con người. Ý nghĩa ấy thật diệu kỳ. Và tôi đã được nghe ý nghĩa ấy từ tâm từ của một vị Bồ tát: nói lỗi người không có lỗi, tội ấy còn nhẹ; nói lỗi người có lỗi, tội ấy nặng hơn. Bởi người không làm việc tội lỗi thường có bản lĩnh, có sức đề kháng đối với những điều không mong muốn, những điều bị người khác cố tình đổ cho. Còn người làm việc tội lỗi sẽ dễ dàng bị tội lỗi làm lún sâu hơn nếu người khác luôn nói lỗi của họ, cô lập và vùi dập họ. Tôi không lấy ví dụ trên để cổ vũ cho những người luôn gièm pha người khác, bởi gièm pha đã là một cái tội không nhỏ, nhưng tôi tự biết phải học lại cách yêu thương của mình, bởi trong quá khứ, tôi đã từng nói những lời chia rẽ và hận thù. Tôi phải ngừng phân chia con người thành tuyến, thành hệ thống, bởi nếu phân chia như thế, làm sao tôi có thể nhớ mẹ thật nhiều trong những đêm không ngủ. Mẹ tôi không có chung quan điểm khoa học, chính trị, cách mạng như tôi, nhưng mẹ tôi vẫn là mẹ tôi , và tôi không có lý do gì để tự biến mình thành một đứa con phân tuyến ngay cả với cha mẹ mình…Và tôi biết rằng, tôi cần phải nỗ lực để có thể gần gũi và thương yêu được những người mình ghét và cả những người ghét mình. Và tôi cũng hiểu, mình phải biết cảm thông, tha thứ với những người đang phải đấu tranh với cái xấu và bị cái xấu hấp dẫn , lôi cuốn.
Qua Đức Phật của tôi, tôi thấy trong ánh mắt của những người tôi thương và tôi ghét có những điều long lanh chưa được viết ra. Nhưng có điều giản dị mà ý nghĩa hơn cả những điều chưa được viết ra ấy, đó chính là hình hài của một con người. Chỉ một hình hài hiện hữu thôi cũng đủ để cho tôi thêm yêu Đức Phật của tôi. Và cũng chỉ một Đức Phật hiện hữu thôi cũng đủ cho tôi niềm tin: tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành.
Đức Phật của tôi đang từng giây phút tái sinh trong mọi hình hài…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn