Muốn Dứt Tạp Niệm Phải Dụng Công Khẩn Thiết Chân Thật

Thứ hai - 20/04/2015 11:57 - Đã xem: 3771

Muốn Dứt Tạp Niệm Phải Dụng Công Khẩn Thiết Chân Thật

Liên tông bát tổ Liên Trì Đại Sư dạy: Niệm Phật có mặc trì (niệm thầm), cao thanh trì (niệm lớn tiếng), kim cang trì (se sẽ động môi). Nhưng niệm thầm (mặc trì) thì dễ hôn trầm, niệm lớn tiếng (cao thanh trì), thì mau phí sức, duy dùng pháp kim cang trì, se sẽ động môi lưỡi mà niệm, là có thể bền lâu. Nhưng cũng không nên chắp chặt khư khư một cách, hoặc khi niệm theo lối kim cang trì, nếu thấy mệt thì đổi sang mặc trì, nếu hôn trầm thì lại đổi sang cao thanh trì để xua tan sự buồn ngủ mệt mỏi. Hành nhân tu niệm Phật cần phải biết tùy duyên mà ứng đối khéo diệu dụng. Tâm ta hỗn loạn đã lâu, không thể một lúc mà an định được. Cho nên, người niệm Phật nếu tâm không thanh tịnh cũng đừng quá vội lo, chỉ cần khi niệm mỗi chữ, mỗi câu đều do nơi tâm phát ra, dụng công bền lâu, tự có hiệu quả.
    Tạp niệm là bệnh, niệm Phật là thuốc, niệm Phật chính là để trị tạp niệm, mà không thấy hiệu quả, là do dụng công chưa được khẩn thiết, chân thật. Cho nên, khi tạp niệm nổi lên, phải chuyên lòng gia công niệm hơn nữa, mỗi chữ mỗi câu tinh nhất không xao lãng, thì tạp niệm tự dứt.
Trong lúc muôn niệm rối ren, chính là thời khắc dụng công phu, mỗi khi tán loạn, liền mau thâu nhiếp lại. Cứ như thế mãi, lâu ngày công phu thuần thục, tự nhiên vọng niệm không sanh. Vả lại, người biết được vọng niệm nhiều là do nhờ niệm Phật. Lúc không niệm, vọng tâm như sóng nổi nước trào không giây phút nào dừng nghỉ, khi ấy đâu có tự biết được ư?
Người học Phật, đừng quá theo hình thức bên ngoài, chỉ quý tu hành chân thật. Hàng cư sĩ tại gia không cần phải cạo tóc, mặt đồ dà, tự có thể để tóc, mặc áo tràng mà niệm Phật. Người ưa thích thanh vắng, không cần phải đánh chuông, đánh mõ, tự có thể yên lặng mà niệm Phật. Người sợ công việc phiền phức, không cần kết bè lập hội, tự có thể đóng cửa mà niệm Phật. Người biết chữ không nhất định phải vào chùa nghe kinh, tự có thể xem kinh y theo lời dạy trong ấy mà niệm Phật. Trải qua ngàn dặm đi hành hương ở các danh sơn, không bằng ngồi yên nơi nhà mà niệm Phật. Cúng dường những vị sư không chân chánh, không bằng hiếu thuận cha mẹ mà niệm Phật. Giao du với nhiều bạn bè kém đạo đức, không bằng kẻ dốt nát chuyên niệm Phật. Hạnh thấp mà vọng nói đạo lý cao sâu, không bằng kẻ chất phác giữ giới niệm Phật. Tánh háo kỳ, ưa cầu sự linh thông của ma quỷ, không bằng chánh tín nhân quả mà niệm Phật. Nói tóm lại, người niệm Phật luôn giữ lòng ngay, dứt hạnh ác, gọi là thiện nhân. Người niệm Phật tỏ tâm tánh, dứt hoặc nghiệp, gọi là thánh nhân.
   Xin khuyên những người tương đối thanh nhàn, đã lớn tuổi, việc gia đình con cái đã lo xong, dưới trên rỗi rảnh, nên thu xếp thời gian còn lại cho mình vì chẳng còn bao lâu nữa, đem hết tâm lực mà niệm Phật, mỗi ngày từ số ngàn đến muôn câu Phật hiệu, cầu xin quay vềTịnh Độ.
Cũng xin khuyên những người còn vướng bận duyên đời nhiều ràng buộc, nhọc nhằn vì việc công, bôn ba vì gia sự, tuy ít khi rỗi rảnh, nhưng mỗi buổi sớm mai cố gắng nhín ra một chút thời giờ, niệm Phật chừng mười hơi. Ngoài ra lúc nào rảnh, cần hết lòng hết dạ niệm xen vào trăm câu. Xin sớm giải kết mối lo, gỡ thoát gông cùm ràng buộc, sống được thảnh thơi khang khái. Lành thay! Lành thay!

 
Lời khai thị của Liên Trì Đại Sư
 

Tác giả bài viết: sưu tầm

Nguồn tin: (Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.181-184)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây