10 chuyện về thiện ác nghiệp báo và đầu thai kiếp sau

Thứ năm - 19/12/2013 23:14 - Đã xem: 7070

10 chuyện về thiện ác nghiệp báo và đầu thai kiếp sau

Phật dạy: "Phàm làm người ở cõi đời, sinh tử đều do nhân duyên. Do nhiều nhân duyên tạo ra gốc rễ tội lỗi..."
1. Giết lợn bị đọa vào địa ngục A Tỳ

Truyện Pháp Cú kể rằng: Lúc Thế Tôn cùng các Tỳ kheo ở tại tinh xá Trúc Lâm, cách đó không xa, có đồ tể Cunda sống bằng nghề mổ lợn. Mỗi lần giết lợn, ông ta trói thật chặt vào cột và nện nó bằng một cây chày vuông, rồi banh hàm và rót nước sôi vào họng, kế đến đổ nước sôi lên lưng, làm tuột lớp da đen và thui lớp lông cứng bằng một bó đuốc. Cuối cùng ông cắt đầu lợn bằng một thanh kiếm nhọn rồi xẻ thịt, lột da. Và Cunda đã sống bằng nghề mổ và bán thịt như thế gần hai mươi năm. 
 
Dù đức Ðạo Sư ở tinh xá cách đó không xa mà chẳng khi nào Cunda cúng dường Ngài, dù là một cành hoa hay một nắm cơm, cũng không làm một việc công đức nào cả. Một hôm ông mắc bệnh, và dù ông ta vẫn còn sống nhưng lửa của địa ngục A Tỳ đã bốc cháy trước mặt. Khi cực hình địa ngục giáng xuống đồ tể Cunda, ông ta bắt đầu kêu eng éc và bò bằng tay và đầu gối. Người nhà rất kinh khiếp tìm mọi cách bịt miệng ông ta, chặn các cửa và nhốt ông ở trong nhà. Suốt bảy ngày, chịu sự đau khổ, ông luôn mồm rống eng éc như lợn . 
 
Vài tỳ kheo đi ngang qua cửa nhà ông, nghe tiếng lợn kêu eng éc ồn ào, khi về tinh xá, bạch với Đạo Sư: “Bạch Thế Tôn, trong bảy ngày qua cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín và ông ấy vẫn tiếp tục giết lợn. Thế Tôn nghĩ xem, biết bao nhiêu con bị giết. Thật từ trước tới nay chưa thấy ai độc ác và dã man như thế!” 
 
Đức Đạo Sư nói: “Này các Tỳ kheo! Ông ta không giết lợn trong bảy ngày qua đâu. Sự trừng phạt phù hợp với việc làm ác đã xảy đến đối với ông ta. Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của địa ngục A Tỳ đã đến. Vì cực hình này, ông ta bò tới bò lui trong nhà, kêu la eng éc như một con lợn suốt bảy ngày. Hôm nay ông ta đã chết và bị đọa vào địa ngục A Tỳ”.

 
2. Giết trâu đền tội 

Trong quyển Hồi hương bút ký có một đoạn mô tả: Vào đời Thanh Tuyên Tông, năm Đạo Quang ở huyện Đào Khê (Trung Quốc) có một kẻ chuyên môn mổ thịt trâu đem bán mà mọi người ai cũng biết. Đó là Phạm Đăng Sơn. Suốt đời giết hại không biết bao nhiêu con trâu vừa đem bán, vừa để ăn. Một hôm trên không bỗng nhiên mây đen tích tụ lại, trời đất tối sầm, rồi mưa gió nổi lên dữ dội, sấm chớp vang rền. Ngay lúc ấy, sét đánh trúng Phạm Đăng Sơn nhưng không chết, song mặt mày cháy lém, da thịt cuộn lại, đau đớn rên la, kêu rống lên một cách thê thảm, hai mắt đẫm lệ trợn lên như sắp lồi ra ngoài. Do lửa đốt, da thịt nứt nẻ, anh ta dùng tay cạo những chỗ thịt bị rã nát, vò lại rồi bỏ thẳng vào miệng vừa ăn vừa nói: "Thịt trâu ngon quá". Trải qua chừng vài tháng rồi tắt thở. Những người chứng kiến cảnh ấy, ai nấy đều cảm thấy lạnh xương sống. Nên biết rằng sự báo ứng của nghiệp sát sinh hết sức là trầm trọng, mà quả báo của việc giết trâu bò lại càng trầm trọng hơn vì chúng có công với người đời. 

3. Hãy từ bỏ nghề sát sinh 

Câu chuyện này xảy ra ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối thời nhà Thanh. Một người đàn ông sinh sống bằng nghề giết mổ lợn. Ông có bốn con trai và một con gái. Ba người con trai lớn theo nghề của cha kiếm tiền, cuộc sống gia đình rất khá giả. Sau khi ông chết đi ba người con trai lớn vẫn tiếp tục nghề đó. Một ngày nọ, họ mua một con lợn về chuẩn bị mổ thịt, thì họ bị sửng sốt khi nghe con lợn nói “Làm ơn đừng giết tôi, đừng giết tôi.” Họ hỏi: "Ngươi vừa mới nói gì?" Con lợn nói: “Ta là cha của các con. Đừng giết ta. Ta được đầu thai thành lợn, bởi vì ta phạm phải tội rất lớn đó là giết rất nhiều lợn khi còn sống. Hôm nay ta được xếp đặt để gặp các con để truyền đạt một điều quan trọng: “Hãy từ bỏ nghề mổ lợn và tìm nghề khác mà làm.” 

Con lợn chết sau khi nói xong. Mấy anh em buồn khóc thảm thiết và đem chôn con lợn này. Họ chia nhau tài sản của gia đình và mỗi người đi một đường. Người con trai đầu trở thành đại lý bán gạo; người con trai thứ ba mở một cửa tiệm bán quần áo. Người con trai út vẫn còn rất bé. Người con gái thì theo chồng. Người con trai thứ hai vẫn tiếp tục làm nghề giết mổ lợn bất chấp lời cảnh cáo của cha mình.

Một hôm anh ta dùng hết gia tài của mình mua một bầy lợn. Khi anh lùa bầy lợn qua một bờ đê, một cơn gió mạnh đột ngột tới làm thành bão cát bao phủ cả vùng trời. Gió rất mạnh và tràn khắp vùng làm anh ta không cách nào mở mắt ra được. Anh ta không còn chọn lựa nào khác đành phải ngồi xuống bờ đê và đợi hết gió. Cơn gió kéo dài 4 giờ đồng hồ. khi anh ta mở mắt ra, không thấy còn con lợn nào cả. Anh ta đã mất sạch hết tiền. Anh ta cảm thấy hối hận, và ngồi ở đó khóc và khóc đến khi đôi mắt bị mù. 

4. Ăn trộm phải trả nợ  

Xưa có một người tên là Triệu Tam, đi ở cùng với mẹ cho nhà họ Quách. Sau khi mẹ Triệu Tam qua đời hơn một năm, vào một buổi tối nọ, Triệu Tam có một giấc mộng thấy mẹ về nói với ông: “Ngày mai tuyết rơi lớn, bên dưới tường nhà sẽ có một con gà chết cóng vì lạnh, chủ nhân nhất định sẽ thưởng cho con, nhưng con chớ có ăn. Ta đã từng trộm ba trăm đồng tiền của chủ nhân, Diêm vương nay phán ta chuyển thành gà để trả nợ. Ta đã đẻ đủ trứng trong đời này để trả hết số nợ, nên có thể đi được rồi”.

Hôm sau, quả đúng như lời nói trong giấc mộng, có một con gà mái chết cóng dưới bức tường nhà. Chủ nhân thưởng cho Triệu Tam, nhưng Triệu Tam nhất quyết không ăn, mà khóc lóc mang gà mái đi chôn. Chủ nhân cảm thấy rất lạ, mới gặng hỏi. Không còn cách nào khác, Triệu Tam đành đem sự thật kể lại với chủ nhân.

5. Nhờ bố thí giải được tội 

Thủ Huồng tên thật Võ Hữu Hoằng, theo chuyện kể thì ông là người châu Đại Phố (tức Cù lao Phố), huyện Phước Chính, phủ Phước Long, nước Đại Nam (nay là Biên Hòa, Việt Nam).Theo Đại Nam nhất thống chí, ông có tên Võ Hữu Hoằng. Nhưng có nơi gọi là Thủ Huồng, Thủ Hoằng, Võ Thủ Hoằng. 

Khoảng năm 1755, ở châu Đại Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm làm việc trong nha môn, ông đã thu được nhiều tiền của. Sau khi vợ mất sớm lại không con, mà tiền bạc thì quá thừa thãi, Thủ Huồng xin thôi việc về nhà.

Thủ Huồng rất yêu vợ, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ. Gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã nhìn thấy một cái gông to, mà cai ngục cho biết là để dành cho ông vì ông phạm tội ăn cắp.

Khi trở lại cõi dương, Thủ Huồng sợ bị đọa vào địa ngục, liền đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo tránh nước triều dâng ở ngã ba sông.

Sách Gia Định thành thông chí có ghi:

“Thuở ấy, dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có người phú hộ ở tổng Tân Chánh tên là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi, và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30 chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy, đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải dẹp bỏ…Vì kỵ húy tên vua Hoằng Lịch (Càn Long) nhà Đại Thanh nên phải đọc trại đi là Võ Thủ Huồng. Chiếc cầu Thủ Huồng giữa Tân Vạn và chợ Đồn (Biên Hòa) tương truyền do Võ Thủ Huồng xây dựng đến nay vẫn còn.

Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều. Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất. Khá lâu sau, có ông vua nhà Thanh (Trung Hoa) tên là Đạo Quang (1782-1850) lúc mới lên ngôi (1820) có cho sứ sang Việt Nam hỏi lai lịch một người ở Gia Định. Số là khi mới sinh, trong lòng bàn tay vua đã có mấy chữ “Đại Nam, Gia Định, Thủ Hoằng”. Khi rõ chuyện, nhà vua có gửi cúng chùa Chúc Thọ (chùa Thủ Huồng) ở Biên Hòa một bộ tượng Phật Tam Thế bằng gỗ trầm hương. Do việc này, mà có người bảo rằng: Nhờ thành thật hối lỗi, Thủ Huồng chẳng những làm tiêu tan cái gông đang chờ ông ở cõi âm, mà còn được đi đầu thai làm vua ở Trung Hoa.

6. Tà dâm phải đền tội 

Ngày xưa ở Động Đình có một người tên là Trần Sinh, nhà rất nghèo nên ông ta đưa vợ và em trai đến đất Châu Kinh làm ăn sinh sống. Ở đây khách buôn bán lui tới tấp nập. Trần Sinh tính tình cởi mở hay chiều khách, lại khéo mua bán, nên chẳng bao lâu công việc buôn bán làm ăn phát đạt, nhà rất giàu có.

Rồi một ngày kia, ông bị bệnh nằm liệt giường. Được vài hôm, ông bỗng trỗi dậy gọi vợ cùng em đến bảo rằng: “Ba người chúng ta kiếp trước đều là tu sĩ mắc tội chung nhau gian dâm với một thiếu phụ rồi giết người chồng. Kẻ cầm giao giết người chồng chính là tôi. Nay vì tội gian dâm và giết người nên Minh vương cho quỷ đến bắt, oan trái tất phải đền trả. Bây giờ tôi đi trước, còn hai người chắc cũng không thoát khỏi đâu!”. Nói xong, tự nhổ râu tóc, lấy dao cắt lưỡi mình, lại lấy hai ngón tay tự móc mắt mình, ít phút sau tắt thở. Người vợ và em mấy ngày sau cũng chết. 

7. Ngoại tình gánh nghiệp nặng 

Hoàng L. là người Thái Bình. Cha anh ta là một người bạn tốt của một vị Hòa thượng danh tiếng và tu luyện tốt, ông cũng giỏi về thơ văn và xem thuật tướng. Trước đó, vị Hòa thượng này đã xem thuật tướng cho Hòang L. và bảo rằng anh ta có một tướng mạo làm giàu, sau này sẽ rất thành đạt trong đường đời của anh ta.

Vào tuổi 20, Hoàng L. đã cưới một cô vợ xinh đep. Vài năm sau, anh ta đã được bổ nhiệm làm việc như một viên chức chính phủ tại thủ đô nhưng vợ của anh ta thì ở quê nhà. Ít năm sau đó, Hoàng L. gặp lại vị Hòa thượng, ông rất đỗi ngạc nhiên về những gì mà ông ta đã nhìn thấy ở anh ta và ông nói, “Cách đây nhiều năm, tôi đã thấy anh có một diện mạo làm giàu nhưng tại sao điều đó đã lại thay đổi? Trán của anh lúc đó đầy đặn nhưng bây giờ nó dường như đã sụp xuống, cằm của anh đã rất tròn nhưng giờ đây nó lại rất nhọn. Ngoài ra, lại có khí đen xung quanh trung tâm của lòng bàn tay của anh. Điều này có nghĩa có tai họa đang chờ đợi anh, anh cần phải cẩn thận. Thuật tướng của anh đã thay đổi rất nhiều. Tôi thắc mắc anh đã làm điều gì không đúng luân thường đạo lý?”

Hoàng L. đã ngẫm nghĩ lại những hành vi của anh ta trong vài năm qua và chỉ một điều mà anh có thể nghĩ đến là việc ngoại tình của anh ta với nhiều phụ nữ khác trong thời gian anh ta làm việc ở thủ đô. Sau khi nghe điều này, vị hòa thượng đã thở dài và nói, “Ban đầu anh được duyên cơ có một cuộc đời tốt, nhưng anh đã không quí nó và đã có hành vi dâm ô với những phụ nữ khác. Đó là một điều hổ thẹn mà anh đã hủy diệt chính sự may mắn của anh trong hành vi này”. Không lâu sau đó, Hoàng L. quả thật đã gánh tai nghiệp vào mình như vị Hòa thượng đã được tiên đoán. Một hôm, trong khi Hoàng L. đang tắm, người cấp dưới của anh đã hại anh ta. Anh đã bị giết bởi một thanh kiếm. Bụng anh ta bị cắt đi và tất cả các nội tạng lọt ra ngoài. 

8. Nói dối phải đền tội 

Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên có kể câu chuyện như sau: Có năm vị tỳ kheo giả làm người tu hành đắc đạo. Họ đến một vùng đất lạ, cất một cái chòi cao, che phướn, lộng, rồi một người lên ngồi nghiêm trang, mắt lim dim, còn bốn người kia đi vào làng kêu gọi mọi người đến xem có một vị tiên tu hành đắc đạo, nếu ai đến lễ lạy, cúng dường sẽ được nhiều phước báu. Cứ thế mà họ thay phiên nhau đi quảng cáo để được cúng dường.

Kiếp sau đó, vào thời Đức Phật còn tại thế, có bốn người khiêng kiệu và một người bảo vệ kiệu của một vị Hoàng hậu đến nghe Phật thuyết pháp. Khi Hoàng hậu đi nghe pháp thì cởi bỏ vòng vàng, nữ trang để trong kiệu. Năm người phụ trách kiệu xe nằm ngủ, kẻ ăn trộm đến ăn cắp tất cả nữ trang của Hoàng hậu. Quân lính cho tra khảo đánh đập tàn nhẫn. Hoàng hậu đến thỉnh ý Phật về nhân duyên gì mà có chuyện như thế. Đức Phật đáp rằng: Năm ông đó kiếp trước là năm thầy tu giả mạo, còn bà là một tín nữ sùng đạo, hết lòng cung kính cúng dường họ. Bây giờ họ phải làm lính khiêng kiệu cho bà để đền nợ trước. Nghe xong, Hoàng hậu vô cùng kinh hãi, sợ mang tội với thầy nên bảo tha và không cho họ khiêng kiệu nữa. Nhưng họ khóc lóc, quì lạy, năn nỉ: Xin lệnh bà rủ lòng thương xót, cho chúng con tiếp tục hầu hạ lệnh bà. Chúng con hứa từ nay sẽ cẩn thận không bao giờ dám ngủ quên như thế. Hoàng hậu thỉnh ý Phật thì Đức Thế Tôn trả lời: Nghiệp báo, họ trả nợ chưa dứt thì làm sao mà họ ra đi dễ dàng được. 

9. Lở lưỡi vì nói sai sự thật 

Ngày xưa ở Trung Quốc có người tên là Vũ Quý Sang. Hắn thích bẻ cong sự thật, chế nhạo, đùa bỡn những lỗi lầm và trêu chọc người khác.

Khi Vũ Quý Sang gặp người xấu xí, hắn cười anh ta, khi gặp người đẹp trai, hắn nhạo anh ta, khi gặp người trí thức hắn nạt anh ta, khi gặp người tinh ranh hắn cố tìm lỗi lầm và chỉ trích anh ta, khi gặp người nghèo khổ hắn coi thường anh ta, khi gặp người giàu có hắn vu khống anh ta, khi gặp quan chức hắn moi móc đời tư của vị này cho mọi người biết, khi gặp một học giả, hắn loan truyền bí mật của người này, khi gặp người hoang phí tiền bạc, hắn ca tụng anh ta là người rộng rãi; khi gặp kẻ nham hiểm chuyên lừa lọc, dữ tợn, độc ác với mọi người, hắn ca tụng gã này là cao cả. Khi gặp người nào nói về giáo lý của nhà Phật, hắn nhạo báng và gọi vị này là Sư; khi gặp người nào nói về Lão Giáo và tu đức hạnh, hắn cười và gọi anh ta là đạo đức giả. Khi thấy ai nói lời tử tế hắn phê bình “Chỉ được lời nói hay”. Khi gặp người làm việc thiện, hắn chỉ trích: “Thật là kỳ cục, tại sao anh làm việc tốt này mà không làm việc tốt kia?”. Đi tới đâu hắn cũng bình luận và nói trái sự thật.

Về sau Vũ Quý Sang bất ngờ bị lở lưỡi. Hắn luôn phải đâm vào lưỡi, để máu chảy đầy miệng, làm như vậy mới bớt đau đớn. Hằng năm hắn bị đau từ năm đến bảy lần. Hắn quằn quại rên siết cực độ khi muốn nói. Cuối cùng hắn chết vì lưỡi bị teo. Đó là nghiệp báo do nói sai sự thật. 

10. Lời dối trá tạo ra vận mệnh 

Ở phủ Hà Giang có người tên là Phùng Thụ Nam, thông minh và viết văn hay. Nhưng anh ta đã lưu lạc ở kinh thành suốt hơn 10 năm trường mà vẫn không thành công. Mỗi khi gặp được cơ duyên thì cuối cùng luôn luôn bị tan vỡ. Khi anh ta nhờ người khác giúp, thì ngoài mặt họ bằng lòng nhưng thực tế là không hề quan tâm gì đến anh ta cả. Cuộc sống của anh ta rất khó khăn, trong lòng vô cùng thất vọng và buồn rầu. Có một lần, anh ta vào miếu khẩn cầu Thần linh gợi ý và hướng dẫn cho vận mệnh của mình.

Đêm đó, anh ta mơ thấy một vị Thần nói với mình: "Anh chớ oán giận đường đời gian khổ. Thực ra, vận mệnh cả đời anh đều là tự anh tạo thành cả, oán hận có ích gì? Kiếp trước anh thích dùng lời dối trá để giành được tiếng thơm là một vị trưởng lão trung hậu. Thấy người khác gặp việc khó khăn, anh biết rõ việc đó không thể thành công, nhưng lại cực lực xúi bẩy người khác làm, khiến người ta cảm ơn anh đã tán thành và gợi ý cho họ. Thấy kẻ ác phạm pháp, biết rõ hành vi tội lỗi của người đó là không thể tha thứ được, anh lại nhiều lần biện bạch cho họ, làm cho người khác cảm kích anh. Anh làm như thế, khiến bao nhiêu những lời cảm ơn tốt đẹp đều dành cả cho anh, còn bao nhiêu oán thù phẫn hận toàn quy kết hết cho người khác. Tâm anh hiểm ác như thế, còn cần phải chỉ ra hay sao? Bởi vậy có thể thấy, người khác đối với anh có vẻ như thân thiết, thực ra là xa cách, tưởng như quan tâm, thực ra là lạnh nhạt thờ ơ, đó cũng là lẽ tất nhiên. Anh tự ngẫm lại xem, như thế có xứng đáng hay không? Đối với một con người, nếu người đó vô tình phạm vài lỗi lầm nào đó, thì có thể dùng một việc thiện nào khác để bồi thường lại. Nhưng nếu một người rắp tâm làm điều sai trái, đó chính là vi phạm đạo đức, không thể tha thứ được. Nếu anh cố gắng làm việc tốt mới có thể được may mắn mà thôi!"
Phùng Thụ Nam nghe xong vô cùng hối hận, sau đó không lâu thì bệnh chết. 

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây