Ý nghĩa Phật Đản Phật lịch 2560

Thứ bảy - 21/05/2016 13:46 - Đã xem: 2261
Với phương châm lấy trí tuệ làm sự nghiệp, và chính nhờ vào ngọn đuốc trí tuệ của chính pháp mà hàng tứ chúng của Đức Phật luôn lấy đó làm hành trang trên con đường hoằng pháp độ sinh, sống với tinh thần vô ngã và vị tha, tiếp thu văn minh nhân loại theo khuynh hướng hội nhập phát triển có sự chắt lọc.
Ý nghĩa Phật Đản Phật lịch 2560

VÔ NGÃ, HÒA HỢP LÀ NỀN TẢNG XƯƠNG MINH GIÁO HỘI

 

HT. Thích Bảo Nghiêm

Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương

Sự kiện Đức Phật đản sinh, thành tựu đạo quả và trở thành Đấng Giác ngộ  toàn giác là một dấu son lớn trong lịch sử nhân loại. Sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là diễm phúc lớn cho xã hội loài người, Ngài là sự kết tinh của muôn ngàn hương hoa từ bi và trí dũng, Ngài là hiện thân của chân lý giải thoát, là điềm lành cho tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới hay nói cách khác là: "Vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người.” (Trung bộ kinh, bài kinh số 4)

Trong  tập kinh Phật Sử (Buddhavamsa) thuộc Tiểu bộ kinh có ghi: Theo thông lệ của chư Phật, chư Bồ-tát khi đản sinh phải quán sát 5 điều kiện:

1. Thời kỳ (Kàla): Tuổi thọ chúng sinh thời này không kém 100 tuổi. Do đó, Ngài xuất hiện ở thời kỳ này và tồn tại đến 80 tuổi rồi vào Niết-bàn.

2. Quốc độ (Desa): Ngài chọn Trung Ấn Độ, ở đó có nhiều sự bất đồng về giai cấp, nghèo khổ, bệnh hoạn luôn là mối đe dọa con người, nhờ thế loài người dễ hướng thiện.

3. Dòng dõi (Kula): Ngài chọn hoàng tộc Sakya. Vì giáng phàm trong dòng dõi cao quý thì việc hoằng pháp sẽ khế lý khế cơ, do đó sẽ có kết quả tốt.

4. Châu (Padìpa): Loài người đang sống và tồn tại ở bốn châu thiên hạ, Ngài chọn Nam thiệm bộ châu vì nơi này họ dễ dàng lĩnh hội giáo lý, tu hành để thành tựu đạo quả.

5. Cha mẹ (Màtara): Đức Phật là thầy của tam giới nên Ngài phải chọn người có đại duyên, đại nguyện với Ngài trong vô lượng kiếp. Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mahamayadevi), hai vị này đã từng là cha mẹ của Ngài trong nhiều ngàn kiếp nên Ngài chọn hai vị này làm quyến thuộc.

Từ khi Bồ Tát Hộ Minh thị hiện cõi Sa bà đến thành tựu quả vị Phật và nhập Niết bàn trải qua 26 thế kỷ.  Xuyên suốt thời gian ấy, con người đã diễm phúc thọ nhận hồng ân Tam bảo, ba ngôi báu Phật Pháp Tăng không chỉ là niềm tin, chỗ dựa vững chắc, mang những ý nghĩa thiêng liêng thiết thực đối với Tăng Ni, Phật tử mà còn ảnh hưởng tích cực, tác động sâu sắc đến đời sống nhân loại.

Kỷ niệm ngày đản sinh PL. 2560 còn mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi hòa trong niềm hỷ lạc vô biên của ngày khánh đản, đó là niềm hân hoan phấn khởi trước những thành tựu và sự phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt chặng đường 35 năm thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam trên tinh thần đoàn kết hòa hợp.

Sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 là một bước ngoặt lớn trong trang sử vàng của Phật giáo nước nhà, sự thành tựu đầu tiên đó là thống nhất được các hệ phái hình thành nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và trong 35 năm qua Phật giáo đã từng bước ổn định phát triển và hòa nhập cùng khắp năm châu.

Với tinh thần đoàn kết đã hình thành nên một Giáo hội hòa hợp ổn định và phát triển, điều này đã được Đức Phật đề cập trong kinh Đại Bát Niết Bàn: "Này các Tỷ khưu, khi nào các chúng Tỷ khưu tụ tập trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỷ khưu, chúng Tỷ khưu sẽ được cường thịnh không bị suy giảm”. Thời đức Phật tại thế, tư tưởng đoàn kết đã được Ngài đặc biệt quan tâm, Ngài luôn nhắc nhở chư Tăng phải luôn đoàn kết trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong mọi Phật sự. Đoàn kết chính là cơ sở để tinh thần hòa hợp thanh tịnh của chư Tăng ngày càng thăng hoa và lan tỏa.

Từ khi thành tựu đạo quả, để giáo pháp được lưu truyền, Đức Phật đã thành lập nên Tăng đoàn – Chính những vị đệ tử của Ngài đã đem lại một giá trị đạo đức cao quý cho cuộc sống tâm linh nhân loại, ngoài lý tưởng giải thoát chỉ dạy cho hàng đệ tử tu tập, với xã hội Ngài luôn hướng đến một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Bảy pháp bất thoái chuyển không chỉ vì mục đích ngăn ngừa cuộc xâm lăng mà còn vì sự hưng thịnh của một xứ sở trong đó mọi người được sống hạnh phúc và hòa bình. Tất cả mọi quốc gia đều có thể áp dụng bảy phương pháp ấy để được vững mạnh. Trong Trường Bộ kinh Đức Phật đã nêu lên 7 yếu tố đó như sau:

1. Thường hội họp nhau và giải quyết vấn đề chung của quốc gia.

2. Đoàn kết hòa thuận với nhau.

3. Thi hành đúng theo pháp luật chế định.

4. Tôn kính bậc trưởng thượng.

5. Tôn trọng hàng phụ nữ.

6. Bảo tồn các đền thờ trong xứ.

7. Sùng bái các tiền nhân.

Với phương châm lấy trí tuệ làm sự nghiệp, và chính nhờ vào ngọn đuốc trí tuệ của chính pháp mà hàng tứ chúng của Đức Phật luôn lấy đó làm hành trang trên con đường hoằng pháp độ sinh, sống với tinh thần vô ngã và vị tha, tiếp thu văn minh nhân loại theo khuynh hướng hội nhập phát triển có sự chắt lọc. Cốt lõi này thường được các nhà hoằng truyền giáo pháp thể nghiệm gọi là "tùy duyên nhưng bất biến” đã giúp cho Phật giáo tồn tại và phát triển hơn hai ngàn năm qua. Cho đến ngày nay, Phật giáo vẫn tiếp tục là kim chỉ nam hướng loài người sống hòa bình, an vui, hạnh phúc.

Để tưởng nhớ một cách tốt đẹp nhất về Đức Bản sư của chúng ta, nhân ngày Lễ Phật đản năm nay, mỗi người con Phật hãy luôn có ý thức, sống theo nếp sống chan hòa của đạo đức Phật giáo như tinh thần kinh Pháp Cú mà Đức Phật đã dạy:

"Ai dùng các hạnh lành,

Làm xóa mờ nghiệp ác,

Sẽ chói sáng đời này,

Như trăng thoát mây che”.

(Kinh Pháp cú số 173)

Hôm nay, chúng ta đón mừng Đại lễ Phật đản PL.2560 trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều mâu thuẫn, các vụ xung đột sắc tộc và tôn giáo là nguyên nhân dẫn đếnnhững cuộc khủng bố đẫm máu gây chết chóc tang thương cho người dân vô tội. Mặt khác, biến đổi khí hậu từng ngày đang đe dọa tính mạng hàng tỷ người trên hành tinh, trong đó đất nước Việt Nam của chúng ta đang phải gánh chịu một phần hậu quả nghiêm trọng. Xu hướng toàn cầu hóa, tình hình an ninh khu vực trên biển Đông, thực trạng này đã tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và an ninh đất nước. Với truyền thống yêu nước, hộ quốc an dân, đồng hành sắt son với dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc sự thịnh suy của Phật giáo liên quan mật thiết đến sự tồn vong của dân tộc. Do đó là người con Phật, chúng ta phải sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, lấy lý tưởng vô ngã và  tinh thần hòa hợp làm nòng cốt cho mọi hoạt động Phật sự, đồng lòng chung sức góp phần cho sự nghiệp phát triển phồn vinh của đạo pháp và dân tộc.

Đại lễ kỷ niệm Phật Đản PL.2560 là để mọi người con Phật tưởng nhớ về Ngài, Bậc khai đạo, chỉ đạo và hướng đạo. Một bậc Thầy hoàn thiện của Chư thiên và loài người, để mỗi chúng sinh luôn hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, xây dựng một xã hội hòa bình, hạnh phúc, an lạc đúng như hạnh nguyện lúc đản sinh của Ngài: "Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”, để nhân loại trở về với bản thể Phật tính chân như, để khắp nhân gian đều an bình, hòa hợp trong chính pháp. Ý nghĩa cao cả này là đóa hoa tinh khiết dâng lên cúng dường ngày đản sinh của đấng Từ phụ Thích Ca Mâu Ni.

Tác giả bài viết: HT.Thích Bảo Nghiêm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây