Sư thường hay bệnh hoạn, một lần Sư đến Phần Châu chợt thấy mây đen tan hết, cửa trời mở rộng, sáu tầng trời cõi Dục xếp chồng lên nhau, Sư chớp mắt nhìn, tự nhiên hết bệnh. Từ đó, Sư chuyên tâm nơi Phật đạo không hề biếng trễ, giảng dạy đạo lí cho người chẳng quản ngại xa gần.
Lúc đầu, Sư ham thích đạo thuật, nghe Giang Nam có Đào Ẩn Cư thông đạt pháp trường sinh của Đạo gia, Sư liền vượt nghìn dặm xa xôi đến đó nương học, được họ Đào trao cho một bộ kinh Tiên mười quyển. Được kinh, Sư ung dung tự đắc, cho đó là pháp thuật thần tiên tuyệt diệu. Sau đó về lại Lạc Dương, gặp ngài Bồ-đề-lưu-chi Sư đắc ý, hỏi rằng:
– Đạo Phật có trường sinh không? Có thể khiến cho không già, không chết chăng?
Ngài cười đáp lại:
– Trường sinh bất tử là pháp của nhà Phật, Đạo gia làm sao có được!
Nói rồi, ngài trao cho Sư bộ kinh Quán Vô Lượng Thọ và dạy:
– Ông tụng kinh này thì không còn sinh vào ba cõi, chẳng ở mãi trong sáu đường, không còn bóng dáng đầy vơi, thịnh suy, họa phúc, thành bại, đó là trường thọ, được thọ lượng lâu dài như kiếp thạch[1], nhiều như số cát ở sông Hằng. Cát sông Hằng còn có số lượng, nhưng tuổi thọ thì vô cùng. Đây là phép trường sinh của đấng Kim Tiên[2] ta vậy!
Nghe xong, Sư chợt khởi lòng tin sâu xa, liền đốt kinh Tiên, chuyên trì kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, hiểu thấu nghĩa kinh, tu tập ba phúc, quán tưởng chín phẩm. Dù cho khí trời lạnh lẽo hay nóng bức, bệnh tật gây khó khăn, Sư vẫn không một mảy may giải đãi. Vua Ngụy mến mộ chí hướng của Sư, khen về sự tu hành và việc hoằng hóa rộng rãi, ban hiệu là Thần Loan, cử sư trụ trì chùa Đại Nghiêm ở Tịnh Châu. Chưa được bao lâu, Sư dời đến trụ trì chùa Huyền Trung ở Bích Cốc, Phần Châu.
Vào một đêm, Sư đang tụng kinh thì thấy một vị Phạm tăng uy nghi vào thất, nói:
– Tôi là Long Thụ ở cõi Cực Lạc! Vì ông có tâm nguyện Tịnh độ nên tôi đến đây gặp ông!
Sư thưa:
– Ngài dạy con điều gì?
Đáp:
Quá khứ thì đã qua
Tương lai thì chưa tới,
Hiện tại thì ở đâu?
Thời gian chẳng quay lại!
Nói xong, ngài biến mất. Thấy được việc thù thắng này, Sư biết mình sắp lâm chung, liền tập hợp vài trăm đệ tử lại, khuyên bảo rằng:
Bốn loài trôi lăn
Bao giờ chấm dứt?
Địa ngục thống khổ
Sao không sợ hãi?
Chín phẩm Tịnh độ
Không thể không tu.
Nhân đó, Sư bảo đệ tử cùng niệm lớn A-di-đà Phật. Sư quay mặt về hướng tây nhắm mắt, cúi đầu lạy rồi viên tịch. Bấy giờ, tăng tục đều nghe có tiếng nhạc từ hướng tây vọng lại, rồi cũng dứt từ phía tây. Vua Ngụy nói:
– Sư quả thật là bậc chân tu, đã vãng sinh về đó rồi!
Vua ra lệnh an táng Sư ở Văn Cốc, phía tây sông Phần, và cho khắc hành trạng của đại Sư vào bia đá.
Ghi chú:
Có đạo sĩ từng nói: “Đạo Phật có chết, thần tiên trường sinh”. Nay Bồ-đề-lưu-chi nói: “Đạo Phật có pháp trường sinh, thần tiên không có”. Sự lập luận này tuy đơn giản nhưng lưu truyền muôn thuở. Pháp sư Thần Loan bỏ tà về chính như cởi đôi giày xấu. Há chẳng phải kiếp trước ngài đã tạo nhân tốt hay sao?
Trích: Bốn Chúng Vãng Sanh
Biên dịch: Chúc Đức và các thành viên
[1] Kiếp thạch 劫石: Tỉ dụ cho sự lâu dài của kiếp. Kiếp thạch được ví như thời gian lấy áo trời quét nhẹ lên núi đá vuông bốn mươi dặm cho đến khi mòn hết.
[2] Kim Tiên 金仙(Cg: Đại Tiên; S: Maharṣi): Tiếng tôn xưng Đức Phật. Vì Phật là bậc chí tôn trong hàng tiên. Từ này còn dùng để chỉ cho người đã đạt được tất cả công đức thiện căn ba-la-mật.
Ý kiến bạn đọc