Nhận thức Phật Giáo (Phần 3)

Thứ ba - 01/04/2014 00:57 - Đã xem: 4366

Nhận thức Phật Giáo (Phần 3)

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO (Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn) (Phần 3) Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không Địa điểm: Boston Úc Châu Giáo dục của thời xưa đều là dạy căn bản trí trước. Căn bản trí gọi là Vô tri. Không như trường học hiện tại, giáo học của hiện tại chỉ có thể đào tạo nhân tài, không thể đào tạora thánh hiền, giáo dục của thời xưa có thể đào tạo nhân tài, cũng có thể đào tạo ra thánh hiền, vì trên phương thức giáo dục, trên tư tưởng, trên giáo dục không giống nhau.Bạn xem, Trung Quốc thời xưa, nếu như các vị đọc qua Lễ ký, thì bạn sẽ thấy tiểu học của Trung Quốc, trẻ em 7 tuổi đi học, khi đi học thì liền theo thầy, không theo cha mẹ nữa. Ở vào thời đại đó, đại khái mỗi một tháng thì mùng một, mười lăm nghỉ học có thể về nhà thăm cha mẹ. Hiện tại chúng ta dùng ngày tháng của phương tây, lấy ngày chủ nhật làm ngày nghỉ, ngày nghỉ của thời xưa Trung Quốc đại khái là ngày mùng một, mười lăm, năm mới nghỉ học có thể về nhà thăm cha mẹ, bình thường học sinh phải theo thầy giáo. Thầy giáo dạy cái gì? Dạy giáo dục đời sống, dạy học trò tưới nước quét nhà, đối đáp, giáo dục những thứ này, dạy học trò làm việc, dạy học trò làm thế nào hiếu dưỡng cha mẹ, làm thế nào cùng sống hòa thuận với anh em chị em, cho nên đó là thuộc về giáo dục đời sống. Từ nhỏ đã bồi dưỡng nên biết được hiếu đễ.
Còn về mặt học thuật thì dạy những gì? Chính là dạy Vô tri, dạy đọc sách. Đọc sách thì chỉ dạy đọc tụng, không giảng giải ý nghĩa, như Tứ Thư Ngũ Kinh, loại sách này thầy giáo dạy bạn đọc, mỗi ngày dạy bạn đọc một đoạn, dạy bạn học thuộc, học thuộc rồi còn phải học thuộc 100 biến, thuộc 200 biến. Vì sao phải thuộc số biến nhiều đến như vậy? Học thuộc như vậy thì cả đời của bạn không thể quên được, đây là ý nghĩa thứ nhất. Bên trong còn một ý nghĩa rất quan trọng, đó là nếu những đứa trẻ không dạy nó làm việc gì thì nó sẽ nghĩ tưởng lung tung, nghĩ tưởng lung tung là phiền não, là bệnh, không phải là việc tốt, không có trí tuệ. Cho nên thầy giáo dùng phương pháp như vậy bảo học trò học thuộc sách, học thuộc sách thì sẽ không khởi vọng tưởng, dùng phương pháp này làm cho vọng tưởng phân biệt chấp trước của nó bị đánh tiêu, làm cho tâm được thanh tịnh. Phương pháp này chính là tu Căn bản trí “Bát Nhã Vô Tri”, dùng phương pháp như vậy bồi dưỡng nó từ 7 tuổi đến khoảng 12 tuổi. Đây là giáo dục của thời xưa. Cho nên những loại sách cần phải đọc thì thảy đều đã đọc qua, nhưng ý nghĩa thế nào thì học trò không hiểu, không có vọng tưởng.

Giáo dục của thời xưa là từ tiểu học đến đại học, không có trung học, thế nên 13 tuổi thì có thể học Thái học. Thời trước gọi là Thái học, không có những danh từ Trung học, Đại học. Thái học thời đó giống như đại học hiện tại của chúng ta, đến trường học đó học tập chính là cầu trí tuệ, cầu hậu đắc trí là Vô sở bất tri. Bạn xem phía trước, giáo dục trong khoảng thời gian này là dạy bạn Vô tri, giáo dục ở đoạn sau là Vô sở bất tri. Cho nên lên Thái học rồi, thầy giáo trong Thái học giảng giải những sách vở mà từ trước bạn đã đọc qua, các bạn đồng học cùng nhau nghiên cứu thảo luận, nỗ lực học tập. Cho nên người xưa đi học rất vui, rất an lạc, khi lên đến Thái học thì đi học không cần mang theo sách, không như hiện tại đi học phải mang theo một đống sách, học sinh phải mang vác rất nặng nề, nhìn thấy rất là tội nghiệp. Thời xưa lên Thái học rồi thì không cần mang sách, thầy giáo cũng đã thuộc lòng từ nhỏ, học trò mỗi người đều đã thuộc lòng. Giảng một bộ sách nào tờ thứ mấy, hàng thứ mấy, chữ thứ mấy, mỗi một người đều biết, đều thông thuộc, họ còn cần đến sách làm gì? Do đó, bạn nói xem, loại nghiên cứu thảo luận đó có thoải mái không? Dẫn kinh, căn cứ điển tích, tùy tiện nhắc đến chỗ nào thì mọi người đều thuộc làu làu, đều biết hết, không phải như hiện tại tra tìm tham khảo tài liệu, tìm đến nửa ngày mà vẫn chưa tìm ra. Giáo dục, căn cơ thời đó có đặc sắc riêng.

Thế nên nói đến một bộ sách nào, tờ thứ mấy, hàng thứ mấy, chữ thứ mấy, thì bạn không thể không bội phục. Người Trung Quốc chúng ta có đầu óc khoa học, không luận là sao chép, không luận là khắc bản để in sách, sách vở của Trung Quốc không có tiêu điểm phù hiệu, mỗi một tờ mười hàng, mỗi một hàng 20 chữ, đó là tiêu chuẩn. Bạn chép sách cũng tốt, bạn in sách cũng tốt, đều là một trang mười hàng, mỗi hàng 20 chữ, cho nên nói tờ thứ mấy, hàng thứ mấy bạn đều biết, không luận bạn là nhà xuất bản nào, toàn quốc thảy đều giống như nhau. Không như in sách hiện tại, sách hiện tại in một hàng nào bao nhiêu chữ, một tờ bao nhiêu hàng không hề nhất định, nếu như bạn không tìm ra bản in đó, xuất bản năm nào, xuất bản nơi nào, thì bạn tra không được. Ngày trước cách in sách là thống nhất, vì vậy sách xưa của Trung Quốc là sách kết chỉ, đều thống nhất như nhau, chỉ cần là cách kết chỉ, cho dù là nhà khắc bản nào đều như nhau, đó là đầu óc khoa học.

Cho nên thầy giáo dạy ở bậc Thái học không nhất định là ở trong phòng học, phần nhiều là du sơn ngoạn thủy. Một thầy giáo có khoảng mười mấy học trò, học trò hầu hạ thầy, có việc gì thì do học trò phục dịch, chuẩn bị một số rượu thức ăn, có một chiếc xe nhỏ kéo thầy đi du sơn ngoạn thủy, đi đến nơi đâu thì giảng bài đến đó, đi du ngoạn hết ba tháng bốn tháng gì đó thì khi quay về đã xong được khóa trình. Đọc vạn quyển sách đi vạn dăm đường, đi du ngoạn đó không nhất định là đi chơi, trong đó có tham quan khảo sát, giảng đến một thực địa nào đó thì dẫn bạn đi xem, chân thật là tăng học vấn, thêm lớn trí tuệ. Phương thức giáo dục của thời xưa, chúng ta xem thấy từ trong sách cổ thật là rất ngưỡng mộ, đích thực là giáo dục của thời hiện đại không thể nào so sánh được. Giáo dục thời xưa thật là đẹp, thật là an vui, thành tựu Vô sở bất tri cho bạn. Cho nên ở bậc Thái học, học được vài năm thì tham gia khảo thí của quốc gia, vào lúc đó là khảo thí cao đẳng, cao nhất là khảo thí của quốc gia. Khi thi đậu được cao khảo của quốc gia thì học vị này gọi là Tiến sĩ. Vậy thì người thông thường phần nhiều lấy được học vị Cử nhân. Cử nhân là thấp hơn Tiến sĩ một bậc.

Cấp thứ hai là thi tỉnh, như hiện tại thì phòng giáo dục tỉnh chủ trì khảo thí, khi thi đậu khảo thí cấp tỉnh thì gọi là cử nhân, khi thi đậu được khảo thí do quốc gia tổ chức thì gọi là Tiến sĩ. Vào thời đó gọi là công danh, hiện tại chúng ta gọi là đạt chuẩn, dự thi đạt chuẩn thì chính phủ liền có thể phẩn bổ bạn đến địa phương để làm trưởng huyện thị. Cho nên chúng ta xem thấy trong sách cổ, có rất nhiều người chưa được 20 tuổi đã thi đậu, họ cũng làm được trưởng huyện thị, cũng làm được rất tốt. Hiện tại chưa đủ 20 tuổi là trẻ nhỏ, vào lúc đó thì họ có thể làm quan phụ mẫu, không những quản hành chánh hay là quản tư pháp ở một địa phương đó mà họ còn là pháp quan thẩm phán xử án cao nhất, vì người ta có Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí, không nên xem họ là trẻ tuổi, họ đích thực có trí tuệ có năng lực.

Cách giáo dục của thời xưa Trung Quốc cũng giống như cách giáo dục của Phật pháp, không luận xuất gia hay tại gia học Phật cần phải năm năm học giới. Hiện tại thì không còn, năm năm học giới đó không phải là học giới luật, năm năm theo một vị thầy, chuyên môn tiếp nhận giáo huấn của một vị thầy, đó gọi là năm năm học giới. Trong vòng năm năm theo một vị thầy thì bạn đi một con đường, một phương hướng, bạn dễ dàng thành tựu.

Hôm qua đã nói với các vị về thành tựu của Phật pháp rồi, thành tựu của Phật pháp là tâm thanh tịnh. Cùng theo một vị thầy thì tâm dễ dàng thanh tịnh, hai vị thầy thì hai cách nói khác nhau, sau khi nghe rồi bạn sẽ hoài nghi là rốt cuộc rồi ai giảng được đúng? Ba vị thầy thì ba cách nói khác nhau, bạn càng nhiều thầy thì bạn sẽ càng rối ren, sẽ càng phiền não. Cho nên Trung Quốc thời xưa khi cầu học chỉ với một vị thầy, nhất định không thể đồng thời cùng học với hai vị thầy, con đường bạn đi là một. Thầy giáo phải có trách nhiệm tuyệt đối với học trò, học trò học không thành công là thầy giáo dạy học thất bại, điều này nhất định không thể được, cho nên thầy giáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với học trò.

Còn học trò đối với thầy giáo thì nhất định phải y giáo phụng hành, sự phối hợp mật thiết này mới có thể thành tựu. Học trò không nghe lời thì thầy giáo có tốt hơn cũng không cách gì dạy, cho nên học trò nhất định phải nghe lời. Thầy giáo phải chịu trách nhiệm thành bại cả đời học trò, không như thầy giáo hiện tại. Hiện tại thầy giáo không chịu trách nhiệm đối với học trò, thực tế mà nói không gánh nổi trách nhiệm. Khi thầy giáo nỗ lực dạy, nhưng học trò còn muốn đánh thầy giáo thì hết chỗ nói. Thầy giáo muốn trừng phạt học trò thì phụ huynh viết đơn đi tố cáo, phiền phức này thật không nhỏ. Cho nên hiện tại làm thầy giáo rất khổ, vì không thể dạy học trò. Tôi cũng làm thầy không ít thiếu niên, sâu sắc hiểu rõ hoàn cảnh này, không cách gì dạy bảo. Nếu như chúng ta xem quá khứ xưa nay thì sẽ hiểu được những giáo học này, thì đối với loại phương thức này của Phật pháp tự nhiên chúng ta liền cảm thấy bội phục.

Phía sau của trí tuệ là “Đại Tam Muội Quang Minh Vân”. Tam muội là tiếng Phạn dịch sang tiếng Trung Quốc là Chánh Thọ. Thọ là hưởng thọ, hưởng thọ bình thường. Hưởng thọ bình thường là an vui chân thật, tự tại, hạnh phúc mỹ mãn.Hưởng thọ không bình thường là có khổ, có vui, có lo, có mừng, cho nên trong đó có phiền não. Trong hưởng thọ bình thường chỉ có vui, không có khổ, không có phiền não, thế nên đây là danh từ của nhà Phật gọi là “Tam Muội”, “Đại Tam Muội Quang Minh Vân”. Vậy thì từ đây mà biết, Phật pháp dạy chúng ta cái gì? Dạy chúng ta ở ngay trong cuộc sống đạt được hưởng thọ bình thường.

“Đại Kiết Tường Quang Minh Vân”, cái gọi là Kiết Tường chính là tất cả những việc đã làm đều hợp lý hợp pháp, một tí cũng không sai phạm, không trái với tình- lý- pháp, mọi mặt đều đầy đủ, mọi mặt đều viên mãn.Việc này trong tâm vốn sẵn đầy đủ. “Đại phước đức quang minh vân”, người Trung Quốc chúng ta thường gọi là ngũ phước. Phước thứ nhất là có tiền của, đời sống vật chất của chúng ta không hề khiếm khuyết. Phước thứ hai là có địa vị trong xã hội; phú quý là có địa vị, nhận được tôn kính của mọi người trong xã hội. Sau cùng là thọ khảo, thọ là trường thọ, khảo là dễ chết, khi chết đi được rất thoải mái, khi đi không hề có đau đớn, trong lòng rất rõ ràng, rất minh bạch, không mê hoặc không điên đảo, biết rõ mình sẽ đi đâu, biết rõ chính mình sẽ đi lúc nào, vậy thì quá tốt. Trong ngũ phước thì cái phước này là phước báo lớn nhất, bởi vì bạn đi được rất tốt thì đời sau của bạn sẽ còn tốt hơn so với đời này. Các vị thử nghĩ xem, người thông minh, người đầu óc tỉnh táo nào mà bằng lòng đi làm ngạ quỷ, đi làm súc sanh, đi xuống địa ngục? Không có một người nào chịu làm như vậy.

Phàm hễ khi đến ba đường ác thì đều là mê hoặc điên đảo mà đi, khi đi mê mê hồ hồ bất tỉnh nhân sự, đó thật là đáng sợ. Khi người chết rõ ràng tường tận thông suốt thấu đáo, cho dù là không học Phật họ cũng không đọa vào ba đường ác, việc này ở trên kinh Phật nói cho chúng ta nghe rất rõ ràng. Nếu người muốn đi được tốt thì phải tích đức phải làm thiện, đây là quả báo chân thật. Niệm Phật vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ, thấy Phật A Di Đà đó là thiện trong thiện. Trong hai năm gần đây nhất, chúng ta thấy ở Singapore, Malaysia, người vãng sanh chí ít có đến bảy người, những người đến trợ niệm đều nhìn thấy tướng lành vãng sanh, họ ra đi được rất là an lành, đó là có phước báo chân thật. Họ biết trước giờ chết, chính họ biết được lúc nào thì họ đi, họ nói với mọi người là Phật đến tiếp dẫn, việc này là thật, tuyệt đối không phải là giả. Thọ mạng của người ở thế gian này rất ngắn ngủi, việc này nhất định phải giác ngộ. Chúng ta ở thế gian này có thể ở được bao nhiêu năm? Vậy mà bạn còn vọng tưởng. “Hoàng tuyền lộ thượng vô lão thiếu”, bạn biết được bạn có thể sống tiếp được bao nhiêu ngày?

Người thông minh người có tính cảnh giác cao, trong lòng đều có chuẩn bị. Chúng ta ở thế gian này như là ở nhà trọ mà thôi, không phải là quê hương, chỉ ở được vài ngày mà thôi. Vừa thấy một người thân thể rất khỏe mạnh, bổng nhiên đi rồi. Tôi nghe nói trụ trì của chùa Ngọc Phật ở Thượng Hải là chân thiền pháp sư, hai năm trước đã đến chỗ này của các vị. Chân Thiền sư sức khỏe rất tốt, pháp sư Minh Dương sức khỏe trái lại không tốt, bệnh đủ thứ, tôi cảm thấy lo ngại là ông không sống được bao nhiêu ngày. Nhưng thật không thể nào ngờ được, người qua đời lại là chân thiền sư, còn Minh Dương thì vẫn khỏe, không thể ngờ được. Mạng người vô thường, xem thấy thân thể rất khỏe mạnh nhưng nói không chừng chỉ hai ngày nữa thì đi, không thể không đề cao cảnh giác, nỗ lực niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Cầu sanh Tịnh Độ thì bạn được Vô Lượng Thọ. Tôi nói cho các vị nghe, người sanh Tịnh Độ không hề chết, họ đi khi nhìn thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, họ nói với mọi người là Phật đến tiếp dẫn tôi rồi, tôi đi với Phật, như vậy thì họ không phải chết mà đi, mà là đang sống mà ra đi. Đi là gì? Bị da thối này không cần nữa thì vứt bỏ lại, đang sống mà đi.

Cho nên pháp môn này gọi là pháp môn ngay một đời thành tựu. Không phải chết rồi mới đi, chết rồi thì không thể đi, là còn sống mà đi. Phước báo này rất lớn, chính là sức khỏe rất tốt, công phu không tệ, họ nói với mọi người rất rõ ràng là Phật đến tiếp dẫn tôi, tôi đi với Phật, họ giao phó mọi việc rõ ràng tường tận thông suốt thấu đáo. Người phước báo kém một chút, nghiệp chướng nặng một chút, thì khi lâm chung thấy Phật đến tiếp dẫn họ, miệng của họ rất muốn nói cho chúng ta nghe nhưng đã không còn thanh âm nữa rồi. Chúng ta thấy môi của họ máy động, chúng ta cho rằng họ đang cùng niệm Phật với chúng ta, kỳ thật không phải vậy, họ nói với chúng ta là Phật đến tiếp dẫn họ, rất muốn nói với chúng ta mà không còn thanh âm nữa, đó cũng là thật đã đi, thật đã vãng sanh. Cho nên vãng sanh là sống mà ra đi, vãng sanh không phải là chết. Tôi thường hay nói, Phật pháp đại thừa không già, không bệnh, không chết là chân thật, việc này không hề giả dối. Chỉ cần bạn hiểu được đạo lý, lý luận, hiểu được phương pháp, việc này chúng ta nhất định sẽ cầu được.Bạn trái với lý luận, trái với phương pháp này, vậy thì bạn sai rồi.

Phương pháp này từ xưa đến nay, các vị Bồ Tát, các vị đại đức đều nói là “hy hữu khó gặp được”. Ngày nay chúng ta có thể gặp được là vô cùng may mắn, đích thực là hy hữu khó được gặp. Sau khi gặp được rồi thì phải trân trọng, phải chăm chỉ nỗ lực, nhất định không thể có sai lầm. Đây là nói đại phước đức, niệm Phật chính là đại phước đức, “Đại công đức quang minh vân”. Công đức và phước đức không giống nhau. Công là công phu, Đức là thành tựu. Thí dụ nói “ trì giới có công được định”, định là đức, giới là công, tu định có công, khai trí tuệ rồi thì trí tuệ là đức; Nếu như trì giới không thể được định, thì trì giới đó không được xem là công, trì giới không có công thì chỉ tính là phước, đó chính là phước đức. Trong công đức nhất định có phước đức, trong phước đức chưa hẳn là có công đức, việc này đồng tu học Phật chúng ta không thể không biết.

Trong nhà Phật thường hay khuyên các vị phải tu công đức. Cái gì là công đức? Đi ra bên ngoài quyên một ít tiền thì cho rằng đó là công đức, như vậy là đã sai rồi. Việc này không có công đức, đó là phước. Bạn ở trong tự viện am đường, làm một ít việc từ thiện, đó là phước báo, phước đức. Tu phước không phải là công. Công là công phu, chúng ta niệm Phật, phải niệm đến tâm của chính mình được thanh tịnh, phải làm cho vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, phiền não của chính mình thảy đều dứt sạch, niệm Phật như vậy mới có công. Vì sao vậy? Phiền não của chúng ta nhẹ, trí tuệ được lớn thì đây là đức, thì bạn mới có đức. Có niệm Phật được nhiều hơn, nhưng từ sớm đến tối vẫn là nghĩ tưởng lung tung, vẫn là phiền não trùng trùng, niệm Phật như vậy thì không có công đức. Không có công đức thì tính là gì? Là phước, là họ đã tu phước. Cho nên công đức và phước đức phải phân biệt rõ ràng. Công đức thì nhất định chú trọng đến tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Cho nên công đức là hướng nội mà cầu, phước phải hướng ra ngoài mà cầu. Trong quan niệm của người thông thường thì việc bố thí cúng dường là phước đức, không phải là công đức, nhưng trong kinh điển Đại Thừa Liễu Nghĩa đã nói: “Bố thí cúng dường là công đức”, trong công đức có phước đức.

Thí dụ như gần đây chúng ta giảng Kinh Kim Cang, trên Kinh Kim Cang nói về bố thí, việc bố thí này không phải bảo bạn đem một ít tiền của vào tự viện để bố thí, không phải cái ý như vậy. Việc bố thí đó là giảng toàn bộ đời sống của bạn, hay nói cách khác, chư Phật Bồ Tát hết thảy đời sống của các Ngài chính là vì tất cả chúng sanh làm ra một tấm gương tốt nhất, mô phạm tốt nhất, đó chính là Bố thí. Ngài làm ra một biểu mẫu tốt để cho chúng ta xem, dạy ta học tập với Ngài. Bạn xem phạm vi của sự bố thí đó rộng bao lớn, đó chính là công đức. Phát khởi của Kinh Kim Cang không giống như các kinh thông thường khác, không giống như Kinh Địa Tạng. Khi vừa mở đầu Kinh Địa Tạng là mười loại đại quang minh vân, nhưng khởi đầu của Kinh Kim Cang là Thích Ca Mâu Ni Phật đến thành Vương Xá để khất thực, đắp y mang bát, là mặc áo ăn cơm, thị hiện kiểu cách mặc áo ăn cơm cho chúng ta xem. Biểu thị điều gì vậy? Là “Giác mà không mê”. Chúng ta mặc áo ăn cơm là mê mà không giác, chúng ta mặc áo ăn cơm là khổ, Phật Bồ Tát mặc áo ăn cơm là an vui, khi các Ngài đang mặc áo ăn cơm là giác ngộ, các Ngài không mê. Ngài biểu hiện ra kiểu dáng như vậy cho chúng ta xem.

Người đọc Kinh Kim Cang rất đông, nhưng có hiểu ý nghĩa này hay không? Không hề hiểu. Vì sao không hiểu vậy? Tâm quá thô, sơ ý qua loa xem không hiểu được. Tôn Giả Tu Bồ Đề xem thấy được, cảm thán là hy hữu, tán thán Thế Tôn quá hy hữu, đem giáo hóa viên mãn sâu sắc như vậy biểu hiện ngay trong mặc áo ăn cơm, việc này thực tế là hy hữu. Mặc áo ăn cơm thì cái gì gọi là giác? Giữ gìn tâm thanh tịnh là giác, giữ gìn trí tuệ viên mãn là giác. Chúng ta mặc áo ăn cơm là mê hoặc, bởi vì khi ăn cơm luôn chú trọng đến sắc hương vị nên đó là mê, khởi tâm động niệm khởi lên phiền não; mặc quần áo thì lựa chọn kiểu dáng, lựa chọn chất liệu, đó chính là mê hoặc điên đảo nên liền khởi lên phiền não. Trong đời sống chúng ta khởi lên hỉ, nộ, ái, lạc, yêu, ghét, muốn, thất tình ngũ dục sanh phiền não; còn Phật Bồ Tát mặc áo ăn cơm, đời sống tâm địa mãi mãi thanh tịnh, một vọng niệm cũng không sanh khởi, vậy thì cao minh. Cho nên các Ngài trải qua ngày tháng là tùy duyên, mọi thứ đều tốt, mọi thứ đều tự tại. Chúng ta cố chấp, chấp trước nên mọi thứ đều không tự tại. Hôm nay mang một vòng kim cang rất sáng đẹp, ngày mai thì nói không được, cái này quá nhỏ, phải đi tìm cái lớn hơn, cho nên không được tự tại. Bạn nói xem, ngày tháng của bạn như vậy khổ đến dường nào? Sau khi chết rồi còn phải vào luân hồi, vậy càng khổ hơn, đó đều là không hiểu được cách sống.

Phật, Bồ Tát biểu hiện cho chúng ta xem, bạn xem các Ngài làm việc thế nào? Các Ngài làm thế nào để đối nhân xử thế? Các Ngài dạy cho chúng ta, toàn bộ đều là giáo dục đời sống, mỗi câu mỗi chữ đều có liên quan mật thiết với cuộc sống thường ngày của chúng ta, không có chữ nào vượt ngoài đời sống chúng ta. Vậy vì sao mà bạn không học Phật pháp chứ? Không thể không học. Cho nên đây gọi là công đức, đây gọi là bố thí. Phật nói bố thí trong Kinh Kim Cang là cái ý như vậy. Phật Bồ Tát làm mô phạm cho chúng ta, làm kiểu mẫu, làm điển hình. Chúng ta làm học trò của Phật, chúng ta phải nên làm một tấm gương cho người chưa học Phật xem, chúng ta phải làm tấm gương tốt cho họ, như vậy mới là đệ tử Phật. Chúng ta làm thế nào để học với Phật vậy? Trong kinh Phật dạy cho chúng ta những giáo huấn này, chúng ta phải tỉ mỉ mà đọc. Trước tiên phải lý giải nó một cách tường tận, sau đó chúng ta phải áp dụng ngay trong cuộc sống, khi đã áp dụng được trong cuộc sống rồi, chân thật được tự tại, chân thật được hạnh phúc, chân thật an vui không gì bằng.

Vừa rồi tôi đã nói qua việc nhân sanh rất ngắn, cho nên hà tất phải làm cho mình phải khó chịu, hà tất làm cho chính mình phải khổ đến như vậy. Tại sao không chịu an vui tự tại mà trải qua tháng ngày? Khổ vui đều ở ngay cái tâm của chính bạn, không phải người khác mang đến cho bạn, không phải hoàn cảnh làm cho bạn khổ vui, hoàn cảnh không thể ảnh hưởng được bạn, chính bạn phải ở ngay trong hoàn cảnh làm một chủ tể, làm một người quyết định. Trong đại kinh thường nói: “nếu có thể chuyển cảnh thì đồng với Như Lai”. Phàm phu thật đáng thương, luôn bị hoàn cảnh xoay chuyển, bị ảnh hưởng của hoàn cảnh thật là rất khổ, đó là mê hoặc điên đảo. Người giác ngộ thì hoàn cảnh không thể ảnh hưởng được họ, chính họ có thể ảnh hưởng hoàn cảnh, hay nói cách khác, chính họ tạo vận mệnh, chính họ làm chủ vận mệnh, không phải vận mệnh làm chủ họ. Những việc này đều là sự thật, đều là chính chúng ta có thể làm đến được, đều ở ngay trong kinh luận của Phật pháp. Kinh điển chân thật phải giảng tỉ mỉ, phải chú tâm lắng nghe, phải học tập chăm chỉ, không thể giảng sai. Thế nhưng hiện tại người giảng sai rất nhiều, đó thật gọi là làm càn nói bậy, mê hoặc chúng sanh, lừa gạt đại chúng. Những việc này hiện tại rất nhiều, chúng ta phải có huệ nhãn để có thể phân biệt.

Phía sau là “Đại quy y quang minh vân, đại tán thán quang minh vân”, việc này nói đến sau cùng, đây đều là tánh đức. Chúng ta từ nơi tất cả sai lầm quay đầu trở lại, chúng ta phải tìm nơi nương tựa, trước nương vào chư Phật Bồ Tát, sau đó nương vào Tự tánh. Cho nên nương vào chư Phật Bồ Tát là tạm thời, thời gian không dài. Bởi vì hiện tại chúng ta vẫn chưa biết được Tự tánh cho nên trước phải nương vào lão sư, vì chưa biết đường đi nên ta phải nương vào một người biết đường đi để cùng đi với họ. Nhưng khi ta biết đường rồi, thì ta không nương họ nữa, ta tự đi một mình, ta còn có thể dẫn theo người khác, khi chưa quen thuộc đường thì cùng đi với một người quen thuộc đường. Chư Phật Bồ Tát là người tái sanh nên quen thuộc đường, cho nên trước hết ta phải quay đầu lại nương theo các Ngài, nương vào các Ngài; đến khi chính mình chân thật lý giải, thể hội được thọ dụng rồi, bạn tự nhiên liền sẽ tán thán. Tán thán chính là tuyên dương, đem chỗ tốt của Phật pháp đại thừa, đem công đức lợi ích của Phật pháp đại thừa giới thiệu rộng rãi cho tất cả đại chúng, đây gọi là tán thán đại quang minh. Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh nói pháp 49 năm chính là tán thán công đức tự tánh viên mãn của tất cả chúng sanh.

Vào cửa Phật pháp, ở Trung Quốc lấy bốn vị đại Bồ Tát làm đại biểu. bốn vị Đại Bồ Tát này trong Phật giáo Trung Quốc có địa vị rất cao. Bồ Tát Địa Tạng ở núi Cửu Hoa, Bồ Tát Quán Thế Âm ở núi Phổ Đà, Bồ Tát Văn Thù ở núi Ngũ Đài, Bồ Tát Phổ Hiền ở núi Nga Mi. Phần trước đã nói qua với các vị, Phật pháp có thứ lớp, có viên dung, trong thứ lớp bao hàm viên dung, trong viên dung cũng bao hàm thứ lớp. Cho nên Phật giáo đích thực là giáo học rất viên mãn, không luận là ở trên nội dung hay trên phương thức, tất cả đều hiển lộ rất viên mãn. Khi vừa mở đầu Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện dùng mười loại quang minh vân, hiển lộ ra đại ý của bộ kinh, cho nên hỏi trong Kinh Địa Tạng là giảng cái gì, bạn liền có thể đem mười sự việc nói qua. Trong Kinh Địa Tạng này toàn bộ đều nói đến, nói đại viên mãn, chính là “Từ bi, trí tuệ, tam muội kiết tường, phước đức công đức, quy y tán thán”, đây là trong Kinh Địa Tạng nói những thứ này.

Thực tế mà nói, điều này không chỉ là đại biểu cho toàn bộ Kinh Địa Tạng. Nếu như đem Kinh Địa Tạng triển khai ra thì chẳng phải là toàn bộ Phật pháp hay sao? Vậy thì do đây mà biết, năm xưa khi Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời, vì chúng ta giảng kinh hơn 300 hội, nói pháp 49 năm, tổng kết lại chính là đại viên mãn, cũng không rời khỏi ý nghĩa của mười câu biểu pháp trên Kinh Địa Tạng. Vậy thì mười loại này đều là trong tự tánh của chúng ta vốn sẵn đầy đủ, không phải bên ngoài đến, mà là trong chân tâm bổn tánh của chúng ta vốn sẵn đầy đủ. Thế nhưng hiện tại những trí tuệ đức năng này đều không thể hiện tiền, hiện tại chúng ta chân thật là đang mê hoặc điên đảo, năng lực này đã bị mất đi. Tại sao mà mất đi vậy? Phật nói với chúng ta là do chúng ta làm cho bổn tánh của chính mình bị mê mất, sau khi mê mất bổn tánh rồi thì trí tuệ đức năng này không thể khởi lên được tác dụng. Loại mất này gọi là mê mất, tuyệt nhiên không phải thật đã mất đi.

Cho nên tất cả giáo học của Phật pháp, thông thường nói là “phá mê khai ngộ”, chúng ta không còn mê nữa, tất cả đều giác ngộ hết thì trí tuệ đức năng trong tự tánh lại hồi phục được tác dụng. Do đây mà biết, thành quả sau cùng của giáo học của Phật pháp không phải là Phật cho chúng ta, mà là bản năng chính chúng ta hồi phục lại mà thôi. Đây chính là như Phật đã nói trong Kinh Lăng Nghiêm: “viên mãn Bồ Đề quy vô sở đắc”. Ngay khi bạn viên mãn thành Phật rồi thì bạn được cái gì? Cái gì cũng không được. Cái mà bạn có được đều là trong nhà bạn đã có sẵn, trong tự tánh của bạn vốn sẵn đầy đủ, ngoài đức năng ra thì chẳng có thứ gì, chỉ là hồi phục lại trí tuệ đức năng của chính mình mà thôi. Do đó, tuy là Phật hết lời khuyên bảo chúng ta nhưng Phật không tính công, Phật không hề nói đây là do công lao của tôi, Phật không hề có ý niệm này, vì là do chính bạn thành tựu.

Thế nhưng hiện tại chúng ta mê rồi thì phải dùng phương pháp gì để giác ngộ? Đây là một vấn đề lớn,phương pháp chính là giáo dục. Cách nhìn này cùng với cách nhìn của thánh hiền xưa của Trung Quốc chúng ta là hoàn toàn như nhau, phải đem giáo dục làm cho tốt. Xã hội hiện tại này có rất nhiều người làm công tác giáo dục mà không hiểu được vấn đề này. Hiện tại chúng ta muốn phát triển công thương nghiệp, đem phát triển công thương nghiệp đặt lên hàng đầu, cho nên đã xem nhẹ đi giáo dục. Nếu các vị đọc Lễ Ký, đọc Học ký, có thể nói Học Ký là triết học giáo dục của thời xưa Trung Quốc, ở trong đó nói cho chúng ta nghe rất rõ ràng là “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Câu nói này nếu dùng lời hiện tại để nói thì có nghĩa là bạn muốn xây dựng một chánh quyền, muốn thống trị lão bá tánh của một quốc gia thì việc quan trọng nhất là giáo dục. Cũng giống như vậy, Phật dạy chúng ta hồi phục tự tánh, hồi phục bản năng, vậy thì phải dùng phương pháp giáo dục để hồi phục. Do đó, Phật pháp là sư đạo, Phật pháp là giáo dục, không phải là tôn giáo, việc này các vị cần phải nhận biết cho rõ ràng. Hễ là Tôn giáo đều là mê tín, đã mê thì làm sao có thể phá mê, đã mê rồi còn muốn mê tiếp, vậy còn có thể giác ngộ chăng? Cần phải giác ngộ mới có thể phá mê.

Cho nên, Phật pháp đề xướng phá mê khai ngộ, như vậy mới có thể lìa khổ được vui. Vì vậy, Phật pháp là sư đạo.Sư đạo nhất định phải xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo. Nếu người không hiếu thuận với cha mẹ thì họ làm sao có thể tôn kính sư trưởng. Không thể tôn sư trọng đạo thì làm sao có thể được khai ngộ, làm sao có thể phá được mê. Quan niệm lý luận này dường như là nhà Phật cùng thánh hiền xưa của Trung Quốc đều cùng đồng thừa nhận. Ngày nay sư đạo của chúng ta không còn nữa, học trò không biết tôn kính lão sư, con cái không biết được hiếu thuận cha mẹ, vậy thì phá mê khai ngộ là việc không thể bàn đến. Bồ Tát Địa Tạng trong nhà Phật chúng ta là đại biểu cho hiếu đạo, do đó Kinh Địa Tạng là hiếu kinh của nhà Phật, chúng ta phải bắt đầu học từ đây. Học cái gì? Học hiếu thuận. Vì sao phải hiếu thuận cha mẹ? Hiện tại rất nhiều người không hiểu, không biết được đạo lý này, đặc biệt là người phương tây. Người phương tây không có quan niệm về hiếu đạo, cho nên người phương tây học Phật cũng không thể khai ngộ, đây là sự thật. Chúng ta ở nước ngoài đã lâu rồi, gặp được một số bạn nước ngoài, họ đối với việc cúng tế kỷ niệm tổ tiên đều cảm thấy rất kỳ lạ. Họ nói, tổ tiên các bạn nói mấy trăm năm trước, thậm chí đến mấy ngàn năm trước, quá xa vời rồi, căn bản là chưa hề thấy mặt nhau, bạn còn phải kỷ niệm họ để làm gì? Thế nên ở trong cách nghĩ của họ đó là việc rất bình thường, nhưng họ không biết được chân tướng sự thật.

Chữ hiếu này của Trung Quốc rất hay, văn tự của Trung Quốc là tốt nhất trong tất cả dân tộc quốc gia trên thế giới, văn tự này là phù hiệu, trong mỗi một phù hiệu tràn đầy trí tuệ. Văn tự Trung Quốc tạo ra có sáu nguyên tắc, chúng ta gọi là lục thư, tức là sáu nguyên tắc, chữ hiếu này là một trong sáu loại nguyên tắc đó. Nguyên tắc này gọi là Hội ý, bạn vừa nhìn thấy cái phù hiệu này liền thể hội cái ý nghĩa của nó. Bên trên của chữ Hiếu là một chữ lão, bên dưới là một chữ tử, đây là cái ý nghĩa gì? Đời trước cùng đời sau là một thể. Người ngoại quốc nói giữa cha con có khoảng cách, lão cùng tử đã phân ra, vậy thì không có hiếu. Khi thế hệ trước kết hợp với thế hệ sau thành một thể thì gọi là hiếu, cho nên bạn phải hiểu được cái ý nghĩa này. Thế nên thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, quá khứ vô cùng; thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa, vị lai vô tận, vô cùng vô tận là ở chính mình, là một tự thể. Trong văn tự Trung Quốc chúng ta biểu hiện ra hàm nghĩa này. Cái ý nghĩa này thực tế mà nói, chỉ có Phật pháp đại thừa mới giải thích được rõ ràng tường tận.

Phật nói với chúng ta, tận hư không khắp pháp giới là một thể chính mình, cái đạo lý này rất sâu rất rộng. Trên Kinh Kim Cang nói: “các pháp như ý”, chính là nói rõ cái đạo lý này. Trong Tông quán luận nói “Bát Bất” cũng là nói cái đạo lý này. “Bất nhất bất dị, bất sanh bất diệt, bất lai bất khứ” đều là nói cái đạo lý này. Đạo lý này ngoài kinh Phật ra, bạn không thể xem thấy được ở nơi nào. Những nhà khoa học, nhà triết học của phương tây, chúng ta xem thấy họ rất là cừ khôi, hiện tại thăm dò vũ trụ, lớn thì nói đến thái không vô tận, nhỏ thì nói đến lượng tử hạt tử, nhưng trong Phật pháp mà nói thì đó đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Không sai! Họ chỉ phát hiện được một bộ phận của hiện tượng sự thật, còn có một bộ phận khác chưa phát hiện. Có thể nói là trong thế trí biện thông tương đối là khó làm được, nhưng đây không phải là trí tuệ chân thật nên chưa thấy được cái chân tướng sự thật này. Họ không biết được lớn mà không ngoài, nhỏ không ở trong là một thể chính mình. Bạn thấu suốt cái đạo lý này thì bạn mới biết được ta vì sao phải tận hiếu, không những phải chỉ hiếu thuận cha mẹ.

Trong Kinh Bồ Tát Giới giảng nói rất rõ ràng, tôi nghĩ ngay trong đồng tu cũng có người đã thọ Bồ Tát giới. Thọ Bồ Tát giới rồi nhưng bạn có giữ giới hay không? Bạn đã làm được hay chưa? Giới Bồ Tát không đơn giản, phải đem cái tâm hiếu thuận cha mẹ của bạn mở rộng ra hiếu thuận tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh đều là Phật tương lai, đều là cha mẹ quá khứ, có phải bạn đã thật có cái quan niệm này không? Nếu bạn không thật có quan niệm này thì bạn chỉ là Bồ Tát giả, bạn không phải là Bồ Tát thật. Cho nên cần thiết phải biết, tận hư không khắp pháp giới là chính mình. Việc này rất khó giảng giải, rất không dễ gì thể hội được. Trong kinh điển Phật thường hay dùng thí dụ để giảng nói, trong thí dụ giảng nói nhiều nhất là nói về mộng.

Mỗi một người chúng ta đều có kinh nghiệm về giấc mộng, nếu như nằm mộng thì khi tỉnh mộng rồi, cảnh giới đó vẫn còn rất rõ ràng, bạn nghĩ thử xem, mộng từ đâu mà ra? Việc này chúng ta đều biết, mộng là tâm ý thức của chúng ta biến hiện ra. Cái tâm ý thức này bình thường nó ở đâu vậy? Không biết được, tìm không thấy nhưng khi nằm mộng thì rõ ràng. Cả cái tâm biến thành cảnh mộng, mộng là do tâm bạn biến hiện ra. Trong mộng nhất định có chính mình, có ta. Các vị có lần nằm mộng nào mà trong mộng không có mình không? Không có, trong mộng nhất định có ta, ta là chủ tể. Trong mộng bạn còn thấy rất là nhiều người, người quen biết, người không quen biết, người ưa thích, người không ưa thích, những người đó từ đâu mà ra? Đều là do trong tâm chính bạn biến hiện ra. Ngoài mộng thấy người ra, còn mộng thấy có một số động vật thực vật, sơn hà đại địa hư không, tất cả đều là do tâm của bạn biến hiện mà ra. Thuật ngữ trong Phật môn chúng ta nói rằng: “Toàn vọng tức chân, toàn chân tức vọng”, cái tâm chân thật có thể biến ra cảnh mộng, đó là thật, nhưng cảnh giới đã biến ra trong mộng là hư vọng. Ngay khi bạn đang nằm mộng, cái tâm đó của bạn đã biến thành cảnh giới mộng kia, tất cả cảnh giới chính là tâm của bạn, tất cả cái tâm đã biến thành cảnh giới kia, cho nên chân vọng không hai. Thí dụ này chúng ta tương đối dễ dàng thể hội, dễ dàng hiểu được.

Phật nói với chúng ta, vũ trụ lớn trước mắt này của chúng ta, tận hư không khắp pháp giới, mười phương chư Phật vô lượng vô biên thế giới, vô lượng vô biên chúng sanh, đều là do tự tâm của chúng ta biến hiện ra. Trên Kinh Hoa Nghiêm nói: “Duy tâm sở hiện”, cảnh giới là tâm hiện ra. Vì sao có thể hiện ra nhiều đến như vậy, không giống nhau như vậy? Tại vì sao có thể hiện ra Phật Bồ Tát, có thể hiện ra thiên đường, địa ngục? Là do “duy thức sở biến”, biến hóa khác biệt lớn đến như vậy là do thức biến. Thức là cái gì vậy? Ngày nay chúng ta gọi là tác dụng tâm lý, tâm hiện ra cảnh giới. Thế nhưng tác dụng của tâm có thể đem cảnh giới này chuyển đổi, cho nên đã biến đổi phức tạp đến như vậy. Cảnh giới bên ngoài phức tạp nói rõ cho chúng ta biết được tâm rất phức tạp. Trên Kinh Hoa Nghiêm đã nói ba việc là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trong mỗi một thứ mức độ phức tạp đó là vô lượng vô biên nên mới hiển thị ra mười pháp giới. Cho nên tận hư không khắp pháp giới chính là một thể. Ở Trung Quốc chúng ta chính là dùng một chữ Hiếu để biểu thị cái ý này, hư không pháp giới là một thể, Phật Bồ Tát đã chứng được. Chứng được chính là hiểu được tường tận, hiểu được thấu đáo, khẳng định rồi, thừa nhận rồi, một tí cũng không sai.

Cho nên, Phật Bồ Tát thương yêu tất cả chúng sanh không hề có điều kiện, là vô duyên đại từ. Duyên dùng lời hiện tại mà nói chính là điều kiện, cha mẹ thương yêu con cái là có điều kiện, nó là con cái của ta, đó có điều kiện, không phải con cái của ta thì ta không thương yêu. Phật Bồ Tát thương yêu chăm sóc đối với tất cả chúng sanh không có điều kiện, vì sao không có điều kiện? Vì là đồng một thể. Cho nên gọi là đồng thể đại bi, vô duyên đại từ. Trên tay trái này của ta bị một con muỗi cắn, tay phải liền đuổi nó đi, lại hỏi lại tay phải vì sao ta phải giúp đỡ tay trái vậy? có phải tay trái yêu cầu nó giúp đỡ không? Vì sao không yêu cầu nhưng nó thì liền giúp đỡ? Vì đồng một thể mà, vì nó cũng là một thể. Đây gọi là giác ngộ, việc này gọi là không mê. Bạn còn có cái tướng ngã, nhân, chúng sanh khác biệt này thì bạn mê, không phải là giác, không hiểu được chân tướng sự thật. Sau khi hiểu rõ rồi, biết được tận hư không khắp pháp giới là một thể chính mình, thì bạn thật đã giác ngộ.

Cho nên muốn cho tất cả chúng sanh đang bị mê hoặc điên đảo thức tỉnh giác ngộ thì không có phương pháp nào khác hơn là chỉ cần cố gắng mà giáo dục, bền lòng mà hướng dẫn. Cho nên giáo dục của Phật là sư đạo. Phải bắt đầu dạy từ đâu vậy? Dạy từ hiếu thân, từ từ dạy bạn giác ngộ. Hiếu thân là khởi điểm của giác ngộ. Nếu người không hiếu thảo thì Phật Bồ Tát đến dạy họ cũng không ít gì, họ cũng không thể giác ngộ. Cho nên phải bắt đầu từ hiếu thân. Cái chữ Hiếu này phải làm cho được viên mãn tròn đầy, không có khiếm khuyết thì liền thành Phật. Tu học của Phật pháp không gì khác là tận hiếu mà thôi, hiếu làm đến được viên mãn thì liền thành Phật. Hiếu với cha mẹ là lấy cha mẹ làm một tiêu chuẩn, đó ân đức rất lớn ngay trong đời sống này của chúng ta, cha mẹ sanh ra chúng ta, dưỡng dục chúng ta, cái ân đức này rất lớn, không ân nặng nào hơn cha mẹ. Không những chúng ta phải nuôi cha mẹ, đó là việc đương nhiên, nuôi thân thể của cha mẹ gọi là chăm sóc đời sống vật chất, ngoài việc này ra phải dưỡng cái tâm của cha mẹ, không nên để cho cha mẹ lo lắng. Cha mẹ thường hay vì con cái lo lắng, làm con phải nên biết, nếu thường làm cho cha mẹ bận tâm lo lắng, vậy thì bất hiếu. Thí dụ nói, hiện tại bạn đang đi học ở trường, học tập không được tốt thì cha mẹ lo lắng, cho nên học tập không được tốt là bất hiếu. Phẩm chất không tốt cha mẹ lại lo lắng, đây cũng là bất hiếu. Chơi bè bạn không tốt cha mẹ lại lo lắng, không tôn kính thầy giáo, không nghe lời dạy, cha mẹ lại lo lắng, thì cũng là bất hiếu.

Người có thể tận hiếu chính là người hoàn thiện, người hoàn thiện là Phật Bồ Tát, không hề có tí khiếm khuyết. Có thể thấy được việc hiếu không dễ gì làm. Ở trong gia đình bạn, nếu anh em bất hòa thì cha mẹ lo lắng.Tương lai kết hôn rồi, chị em bạn dâu bất hòa thì cha mẹ cũng lo lắng; bạn làm việc ở bên ngoài, bạn đối với công việc không nỗ lực không chăm chỉ, bị cấp trên quở trách thì cha mẹ cũng lo lắng. Điều này cho bạn biết được nội dung của việc hiếu này rộng lớn vô cùng vô tận. Ngoài việc này ra, còn phải dưỡng cái chí của cha mẹ, việc này là khó nhất. Cha mẹ mong muốn con cái không những có sự nghiệp thành công, mà còn mong muốn nó có đức hạnh cao thượng, không những được người trong một thời đại tôn kính, mà trải qua nhiều đời sau, đời đời kiếp kiếp khi nhắc đến người này thì đều tôn kính họ, như vậy thì trên vẻ mặt của cha mẹ luôn rạng rỡ. Vậy thì do đây mà biết, đạt đến cứu cánh, bạn phải chứng được Phật quả thì chữ hiếu mới là được viên mãn. Bồ Tát Đẳng giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn, cho nên họ đối với chữ hiếu này vẫn còn một chút khiếm khuyết, vẫn chưa được viên mãn. Cho nên hiếu đạo nói đến cứu cánh viên mãn là thành Phật. Giáo dục của nhà Phật bắt đầu từ ngay chỗ này, cũng quay về ngay chỗ này mới viên mãn.

Cho nên, chúng ta học Phật phải học từ đâu vậy? Phải từ Kinh Địa Tạng mà học. Thế nên thói quen thông thường của ta, nếu như là xây dựng một đạo tràng mới thì bộ kinh thứ nhất mà tôi nhất định giảng là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh. Giảng bộ kinh này mới làm cho đạo tràng này được khai quang, chân thật được khai quang. Khai quang không hề có tí mê tín nào, cái ý này phần sau tôi còn phải giảng giải cho mọi người, hiện tại khai quang hoàn toàn là hình thức, không có nội dung thật chất. Ý nghĩa là vì đạo tràng này đặt nền móng, cái ý nghĩa này rất quan trọng, sau đó đem cái tâm hiếu thân này mở rộng ra.

  1. (ii) Thứ hai là Bồ Tát Quán Thế Âm

Như vừa rồi đã nói, trong giới kinh đại thừa nói phải hiếu kính tất cả chúng sanh, như vậy thì liền biến thành đại từ đại bi. Vị nào đại biểu cho đại từ đại bi vậy? Là Bồ Tát Quán Thế Âm. Cho nên hiếu đạo của Bồ Tát Địa Tạng hướng lên thêm một cấp nữa chính là Bồ Tát Quán Thế Âm. Người bái Bồ Tát Quán Thế Âm rất nhiều, cầu Bồ Tát Quán Thế Âm bảo hộ, đem Bồ Tát Quán Thế Âm xem thành thần minh để cúng bái, Bồ Tát Quán Thế Âm oan ức thật không chịu nổi. Bạn đã làm nhục Ngài, bạn đã xem thường Ngài đến như vậy, Ngài còn có thể bảo hộ bạn chăng? Không hề có đạo lý này. Chúng ta cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm dụng ý là ở chỗ nào vậy? Ý nghĩa là khi nhìn thấy tôn tượng này, phải nghĩ đến là ta đối với tất cả chúng sanh phải có tâm đại từ đại bi. Bồ Tát Quán Thế Âm ở đâu vậy? Chính mình chính là Bồ Tát Quán Thế Âm. Cái hình tượng này đặt ở nơi đó, bạn chiếu theo hình tượng này mà tu tạo chính mình, thì đây là Phật pháp, đây là giáo học.

Một tôn tượng hoặc là một danh hiệu đặt ở nơi đó mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở bạn đối với tất cả chúng sanh phải đại từ đại bi, quan tâm yêu thương không điều kiện, giúp đỡ, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh không điều kiện, đó là Bồ Tát Quán Thế Âm.Trong kinh điển của Bồ Tát Quán Thế Âm dạy cho chúng ta những thứ này.

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hiền

(Còn tiếp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây