Lịch sử Phật giáo và dân tộc Việt Nam (P.1)

Thứ tư - 23/04/2014 10:24 - Đã xem: 4591

Lịch sử Phật giáo và dân tộc Việt Nam (P.1)

Thời tiền Lê biết trọng dụng các danh Tăng để làm quốc sư và đối ngoại với Đại Hán như Thiền sư Khuông Việt và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận; chứng tỏ, Phật giáo lúc bấy giờ có một tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội.
Lời giới thiệu: Qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc, hơn 2000 năm có mặt trên đất nước, Phật giáo đã đóng góp cho tổ quốc một thời gian dài trên dưới 400 năm an bình, thịnh vượng. Chưa nói đến những thời đại riêng lẻ ngắn ngủi. Những nhân vật lịch sử đó, rải rác trên những trang quốc sử và giáo sử, nhưng chưa được kết tập cho hậu học hình dung tổng quát theo chiều dài lịch sử

Với yêu cầu của một số người có tâm đạo với đạo Phật, có thiện chí với xã hội, có lòng hộ quốc an dân với đất nước, muốn những nhân vật lịch sử vừa có công với đời vừa phát huy truyền thống đạo Phật được liệt kê qua vài trang tổng quát, dĩ nhiên chưa thể đầy đủ, nhưng vẫn nêu lên được hình ảnh những nhân vật kiệt xuất từ xưa đến cận đại. Nay xin giới thiệu tập sách mỏng này như một món quà để người phật tử có điều kiện biết và ghi ân tiền hiền liệt Tổ của chúng ta.
 
LỊCH SỬ 
PHẬT GIÁO VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM
 
LỜI ĐẦU
Huyền sử con Rồng cháu Tiên thoát thai từ trăm trứng, 50 con xuống biển, 50 con lên núi để dân tộc mãi mãi là biểu tượng phân ly, trong tôn giáo và trong bất cứ tổ chức nào một khi đã hình thành.
 
Cũng từ con Rồng cháu Tiên đã phát sanh lắm anh tài, thông minh và thao lược. Hàng ngàn năm bia sử, vô số tài năng xuất chúng đóng góp cho quê hương trong nhiều lãnh vực, nhưng những bậc anh minh vừa có công dựng nước, chống ngoại xâm, vừa chăm lo cuộc sống cho dân chúng về vật chất lẫn tâm linh thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, những bậc xuất chúng như thế, lịch sử Việt Nam ta đã đậm nét ghi công, cho dù thời gian và thể chế khác nhau, cũng không thể xóa mờ hào quang một thời của những bậc anh kiệt như thế.
 
Việt sử cũng như giáo sử, các nhân vật lừng danh, đấu tranh chống ngoại xâm,chấn hưng Phật giáo không thiếu. Nhiều điểm son hàng ngàn năm qua chưa phai nhòa, lưu lại cho con cháu một dấu ấn lịch sử để hãnh diện và tiếp bước cha ông đến hôm nay.
 
Tuy vậy, những danh nhân vừa mang dòng máu Lạc Việt, vừa thấm đượm tinh thần Phật học, hòa quyện Phật học với xã hội, vừa thi triển nhiệm vụ bảo vệ đất nước vừa chấn hưng đạo đức tín ngưỡng trên đôi vai gánh nặng xã tắc và tâm linh, là bậc hy hữu đối với một dân tộc nhỏ bé như đất nước ta vào những thế kỷ xa xưa. Con cháu chúng ta không được phép xao lãng, có bổn phận phải ghi ân, tưởng nhớ những hiền nhân Thánh trí đó, nuôi dưỡng hào khí dân tộc để tự đứng trên đôi chân mà dũng tiến.
 
Rất nhiều những nhân vật có công với tổ quốc nhưng không liên can gì đến đạo Phật, cũng không ít các bậc chân sư hiền tài trong Phật giáo mà không đóng góp mở mang phát triển đất nước, làm rạng danh đôi bề, vì thế, những trang sử sau đây nêu lên những nhân vật lịch sử vừa sáng danh đạo vừa hiển hách với đất nước, hẳn nhiên chưa được đầy đủ, nhưng cũng góp một phần nhỏ cho đàn hậu học sưu tầm.
 
MỐC LỊCH SỬ
Lịch sử khai quốc từ 18 đời vua Hùng, cho dù mang tính huyền thoại nhưng là một hào khí linh kiệt kéo dài suốt thời lập quốc, mở mang bờ cõi đến bảo vệ lãnh thổ, luôn là những vầng hào quang của dân tộc. Một loại hào quang không tự khiên cưỡng cố tạo mà là một thực lực thể hiện bản chất nghị lực và tài năng của một dân tộc: đó là hồn thiêng sông núi thẩm thấu vào máu huyết của một dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường trước bao sức mạnh của kẻ xâm lăng. Mãi gần 5.000 năm qua, vẫn hiên ngang nằm một góc nhỏ trên bản đồ thế giới.
 
TRIỆU ĐÀ VÀ SĨ NHIẾP
Vị thế văn hoá-chính trị như một nhà lãnh đạo Phật giáo của Sĩ Nhiếp đã trở thành vị thế văn hoá-chính trị của những vị minh quân-anh hùng dân tộc đã khai sáng những thời đại độc lập và vinh quang cho đất nước Việt Nam, từ Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đến Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, và các chúa Nguyễn trong buổi đầu lập quốc và dựng nước ở Đàng Trong, như Nguyễn Hoàng (chúa Tiên), Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi), Nguyễn Phúc Lan (chúa Hiền), Nguyễn Phúc Tần (chúa Nghĩa), Nguyễn Phúc Chu (xứng đáng để được tôn vinh là chúa Phật). Nguyễn Phúc Chu là người đã đúc đại hồng chung nặng 3.285 ký ở chùa Linh Mụ và tự tay viết lời chú được khắc trên chuông: ta không muốn gì cho ta, cho triều đại ta, ta chỉ muốn mưa thuận gió hoà, quốc gia thái bình, nhân dân an lạc và tất cả mọi người đều thành Phật: “Quốc Chúa Đại Việt Nguyễn Phước Châu, nối dòng phái Thiền Tào Động chánh tông, đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, đúc đại hồng chung cân nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Linh Mụ, để vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo, chú nguyện mưa hoà gió thuận, quốc thái dân an, chúng sanh trong pháp giới đều thành đại viên chủng trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu, ngày Phật đản tháng tư năm Canh Dần (1710)”. 

Ðây quả thực là lời chú nguyện tuyệt vời của một vị quân vương Phật tử nhiệt thành, gương mẫu, siêu hùng. Tương tự, giáo sư Lê Mạnh Thát cũng khẳng định trong tác phẩm nghiên cứu về Mâu Tử: từ thế kỷ thứ hai, nghĩa là cách đây hơn 1.800 năm, Việt Nam đã có một chính quyền độc lập, và đây cũng là chính quyền mang đậm màu sắc Phật giáo, lấy Phật giáo làm chủ đạo văn hoá-chính trị của thời đại.
 
Nhiều người tưởng Sĩ Nhiếp là người Hoa. Thật ra, ông là người Việt 100%. Tổ tiên lâu đời của ông là người Tàu, gốc ở nước Lỗ, trong thời gian Vương Mãn cướp ngôi nhà Hán, vào đầu thế kỷ thứ nhất, mới sang Giao Chỉ lánh nạn và định cư hẳn ở nước ta, tại đất Quảng Tín, thuộc quận Thương Ngô, như một di dân. Đến đời thân phụ Sĩ Nhiếp là sáu đời, và đến đời Sĩ Nhiếp, vào cuối thế kỷ thứ hai, là đời thứ bảy, tổng cộng gần 200 năm. 
 
Triệu Đà là người Hoa 100%, nhưng chỉ vì ở lâu năm trên đất Việt, lấy vợ Việt, bị thu hút bởi nét quyến rũ của đất phương Nam, nên được Việt hoá và thành Việt 100% về văn hoá, ứng xử. Người Tàu miệt thị gọi dân Việt là Nam di, là người mọi rợ phương Nam, thì Triệu Đà, tức Nam Việt Vũ Đế, hay Nam Việt Vương, một người sống thọ đến 121 tuổi và làm vua hơn 70 năm, đã tự xưng là “Nam di đại trưởng lão” trong thư trả lời Hán Vũ Đế. 

Con cái của những người Hoa di dân này, chỉ một đời, đã thành Việt, nói gì đến đời thứ bảy, vì hầu như tất cả người Hoa kiều đều lấy vợ Việt nên con cái của họ được Việt hoá rất nhanh. Sĩ Nhiếp đã trải qua bảy đời nên dứt khoát ông là người Việt, cũng giống như trường hợp của Lý Bí (tức Lý Nam Đế) hay Hồ Quý Ly và rất nhiều danh nhân người Việt gốc Hoa khác mà tổ tiên đã định cư lâu đời ở Việt Nam. Ðó cũng là lý do mà học giả Taylor đã dùng từ những “đại gia đình Việt-Hán”.
 
Sĩ Nhiếp tự là Uy Ngạn, sinh năm 137, mất năm 226. Cha là Sĩ Tứ thời Hán Hoàn Đế (147-167) từng được cử làm thái thú quận Nhật Nam, ở miền cực Nam của Giao Chỉ. Ông là một sinh viên xuất sắc và được gởi đi học ở Trường An, kinh đô nhà Hán. Ở đó ông đã đỗ bằng hiếu liêm, và được bổ làm thượng thư lang. Sau khi đỗ bằng mậu tài, ông được bổ làm thái thú quận Giao Chỉ. Ở kinh sư Trường An, ông học với thầy Lưu Đào, người đất Dĩnh Xuyên, chuyên nghiên cứu về Tả Thị Xuân Thu. Sau thành tài trở về quê nhà xứ Việt, được bổ nhiệm đứng đầu quận Giao Chỉ, là quận đông dân nhất, quan trọng nhất, ở vị thế trung tâm của toàn cõi Giao Chỉ bộ, mà Thương Ngô, nơi ông sinh ra, và Nhật Nam, nơi cha ông từng làm thái thú, là hai vùng ngoại biên, phụ thuộc và quy hướng về. Không những là một nhà cai trị cao cấp, ông còn là một học giả và tác giả tên tuổi: “Việc quan chút rảnh, liền xem thơ truyện, Xuân Thu Tả Thị truyện lại càng luyện cứu tinh vi... nghe các học giả cổ và kim văn ở kinh đô cãi nhau phải trái quyết liệt, nay muốn liệt kê trường nghĩa của Thượng Thư và Tả Thị để dâng lên...”. Ông xuất hiện như một quân vương-triết gia (philosopher-king), một lý tưởng lâu đời của chính trị Tây phương.
 
Như thế, ta thấy Sĩ Nhiếp được tiếp thu nền học vấn chính quy, tinh hoa từ thủ đô Trung Hoa và đạt đến mức cao cấp của nền giáo dục Nho học này. Không những thế, ông còn nghiên cứu sâu rộng về học thuật, tư tưởng, lịch sử, chính trị Trung Hoa, và viết sách diễn giảng, bình luận những vấn đề triết học, lịch sử, chính trị đương thời. Xem như thế đủ rõ là vào thế kỷ thứ 2, thứ 3, người Việt đã đạt đến trình độ học vấn, bằng cấp, trí tuệ không thua kém gì người Hán, cũng như đã có khả năng và được cử vào những chức vụ cao cấp. Trước Sĩ Nhiếp, đã có Lý Tiến, một người Việt, được cử làm thứ sử Giao Chỉ bộ, Lý Cầm được cử làm quan tư lệ hiệu úy, Trương Trọng làm thái thú Kinh Thành ...
 
Sĩ Nhiếp là nhà lãnh đạo thành công nhất ở nước ta trong thời Bắc thuộc. Theo truyện Sĩ Nhiếp của Ngô Chí thì: “Nhiếp tính khoan hậu… sĩ nhân Trung Hoa đến tị nạn lên đến số trăm”. Theo Mâu Tử, vào cuối thế kỷ thứ hai, sau khi Hán Linh Đế băng hà năm 189: “Thiên hạ nhiễu loạn, chỉ Giao Chỉ tạm yên, người tài phương Bắc đều đến đó ở”. Không những là một nhân tài về học vấn, tư tưởng, Sĩ Nhiếp còn là một người đức độ, tiếng tăm vang dội đến Trung Hoa. Khi Trung Hoa rơi vào cảnh hỗn loạn thì những nhân tài Trung Hoa, mà Mâu Tử gọi là những “Bắc phương dị nhân”, vốn sẵn ngưỡng mộ, có giao du hay chỉ nghe tiếng, đã vượt ngàn dặm xa xôi, đến nước ta để hưởng cảnh thái bình, thịnh trị. Không những thế, Sĩ Nhiếp còn xây dựng Giao Chỉ thành một xứ tự chủ, yên ổn giữa cảnh đại loạn trên toàn đế quốc Trung Hoa.
 
Viên Huy, trong báo cáo gởi cho thượng thư lịnh Tuân Hoặc của thừa tướng Tào Tháo đã ca ngợi: “Sỹ phu quân của Giao Chỉ (tức Sĩ Nhiếp) học vấn đã ưu bác, lại thành công trong tùng chính, ở trong đại loạn, bảo toàn một quận, hơn 20 năm, cương trường vô sự, dân không thất nghiệp, bọn người lệ thuộc đều được nhờ ơn tuy Đậu Dung giữ Hà Tây há hơn được ư?.... Đương thời quí trọng, chấn phục trăm Man, Úy Đà không đủ hơn...” 
 
Đậu Dung là một nhân vật đặc biệt, một trong những lãnh tụ Phật giáo đầu tiên ở Trung Hoa. Ông xây chùa lớn chứa được ba ngàn người, và nhân mùa Phật đản, làm tiệc đãi dân chúng dài trên 10 dặm đường. Còn Triệu Đà là người cha khai sáng nước Nam Việt, bao gồm toàn cõi Lĩnh Nam của Việt tộc, từ hồ Động Đình ở Hồ Nam đến Phù Nam, và đã làm cho đế quốc Trung Hoa phải khiếp sợ cầu hoà. Viên Huy so sánh Sĩ Nhiếp với Triệu Đà. Đây là một nhận định chính trị quan trọng trên hai điểm: 
 
1) Triệu Đà đã xây dựng một nước Nam Việt độc lập, tự chủ đối với đế quốc Trung Hoa; và

2) Triệu Đà đã xây dựng một quốc gia riêng biệt, cường thịnh, uy thế lẫy lừng. Đây cũng là hai đặc tính nổi bật của chính quyền Sĩ Nhiếp và của nước ta trong thời đại Sĩ Nhiếp.
 
Tuy chỉ giữ chức thái thú đứng đầu quận Giao Chỉ, nhưng thật ra Sĩ Nhiếp, qua các người em, đã làm chủ toàn bộ cõi Lĩnh Nam, lãnh thổ truyền thống hình thành từ hàng ngàn năm trước đó của Việt tộc. Theo truyện Sĩ Nhiếp trong Ngô Chí: “... Thứ sử Giao Châu Chu Phù bị giặc mọi giết chết. Châu quận nhiễu loạn, Nhiếp dâng biểu xin cho Nhất (Sĩ Nhất, em Sĩ Nhiếp) giữ chức thái thú Hợp Phố, em kế Từ Văn Lịnh Vỹ giữ thái thú Cửu Chân, và em Vỹ là Vũ giữ thái thú Hải Nam. Đây là toàn bộ lãnh thổ của nước Nam Việt thời Triệu Đà, bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây. Và đây cũng chính là vùng “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” trong thời khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Mãi đến thời Tôn Quyền mới đổi Giao Chỉ thành Giao Châu, tách Quảng Đông, Quảng Tây ra khỏi đất Việt Nam và đặt tên mới là Quảng Châu. Từ đó Quảng Đông, Quảng Tây bị nuốt trọn vào đế quốc Trung Hoa. Tuy nhiên, đến ngày nay, nhiều người ở Lưỡng Quảng vẫn gọi vùng này là Việt Đông, Việt Tây.
 
Điểm đặc biệt là dù đã du học và thành đạt rực rỡ ở kinh đô nhà Hán, và dù giao du, tiếp xúc thân tình với những “Bắc phương dị nhân”, những nhân tài ưu tú nhất của Trung Hoa, nhưng cách sống, cách cai trị của Sĩ Nhiếp, một người Việt đã được Việt hoá đến bảy đời, khác hẳn văn hoá, tập tục nhà Hán, cũng không giống các thứ sử, thái thú trước đó hay sau này; trái lại, rất gần gũi phong thái của Triệu Đà, của các quân vương Việt Nam như Lê Đại Hành. Và có thêm một đặc điểm nữa mà không một vị vua nào ở vùng Đông Á (Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản) có được, vì phong thái của ông phảng phất phong thái của những vị quân vương Phật giáo của các xứ Đông Nam Á đã được Ấn Độ hoá và Phật hoá.
 
Ngô Chí đã ca ngợi, tôn vinh Sĩ Nhiếp tuyệt đỉnh, nhờ đó ngày nay ta mới có một tư liệu rất quý về Phật giáo thời Sĩ Nhiếp: “Anh em Nhiếp đều là người hùng các quận, làm trưởng một châu, riêng ở 10.000 dặm, uy tôn vô thượng (không có ai cao hơn). Ra vào đánh chuông khánh, đầy đủ uy nghi, kèn sáo cổ xuy, xe, ngựa đầy đường. Người Hồ theo sát xe đốt hương, thường có mười mấy người. Thê thiếp đi xe màn, đệ tử theo lính kỵ. Đương thời quý trọng, chấn phục trăm mọi. Úy (Triệu) Đà cũng không đủ hơn” (WIKIPEDIA)
 
Học giả Keith Taylor đã công bình, trung thực khi gọi Sĩ Nhiếp là một nhà lãnh đạo Phật giáo. Ông mở ra một thời đại tự do, khai phóng, đa nguyên và đầy khoan dung. Ông là người tiền phong cho những vị quân vương-Phật tử sau này hình thành chủ đạo văn hoá chính trị Phật giáo, một quốc đạo mới, đưa Việt Nam vượt thắng 1.000 năm Bắc thuộc, và khai sinh thời đại Phật giáo Lý-Trần vinh quang.
 
THỜI TIỀN LÊ
Kể từ nhà Đinh suy thoái, nhà Lê bắt đầu kế vị bởi Lê Đại Hành vốn xuất thân từ Thập Đại Tướng quân thời nhà Đinh vào năm 980; qua năm 981, ông có công đánh tan quân xâm lược nhà Tống, nhưng tại vị chỉ được 24 năm. Sau đó, vì không chỉ định ngôi vị kế thừa nên rối loạn nội đình suốt 8 tháng; cũng vì thế mà anh em đấu đá sát phạt nhau. Lê Trung Tông lên ngôi ba ngày thì bị em là Lê Long Đỉnh sát hại chiếm ngôi. Thay vì lo cho dân cho nước, Long Đỉnh lại ăn chơi sa đọa, làm nhiều điều bạo ngược: róc mía trên đầu sư Quách Ngang, cũng như thiêu sống, trấn nước, róc thịt tội phạm bằng dao cùn, xem thường quan lại, không để tâm đến điều trần, trình tấu của triều thần... làm cho quan dân chán ghét, vì vậy bị triều thần giết chết lúc mới 24 tuổi (1009).
 
Thời tiền Lê biết trọng dụng các danh Tăng để làm quốc sư và đối ngoại với Đại Hán như Thiền sư Khuông Việt và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận; chứng tỏ, Phật giáo lúc bấy giờ có một tầm ảnh hưởng nhất định trong xã hội. Chính vì thế, đã từng có một thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Lý Khánh Vân un đúc nên một Lý Công Uẩn, làm rạng danh Phật giáo và quốc gia lúc bấy giờ. Lê Quý Đôn cũng tán thán ca ngợi hai nhân vật lịch sử nhà Phật trên đây. Nhà tiền Lê có những anh tài kiệt xuất từ Phật giáo như thế đã làm nhà Tống kính nể không ít, nhất là khi Lê Đại Hành vừa nhiếp chính đã đánh cho quân Tống tả tơi, chúng phải cầu hòa. Đương thời, ngoài Bắc Tống, Đại Cồ Việt ta chưa có cuộc giao tiếp thương mãi nào với các quốc gia khác.
 
Nhà tiền Lê tồn tại 29 năm. Sau khi Lê Long Đỉnh bị triều thần sát hại, Lý Công Uẩn được tiến cử kế thế vương vị. Mặc dù Lý Công Uẩn là quan triều nhà Lê, giữ chức Tả Thân vệ Điện Tiền chỉ huy sứ. Sinh thời, Lê Đại Hành mất, con là Lê Long Việt, tước hiệu là Lê Trung Tông lên ngôi, được ba ngày thì bị em là Lê Long Đỉnh sát hại, quần thần hoảng sợ bỏ chạy hết thì Lý Công Uẩn vẫn ôm xác Lê Trung Tông mà khóc; nhờ tính trung khí đó mà Lê Long Đỉnh trọng dụng.
 
Mặc dù Tiền Lê chỉ cai trị vỏn vẹn 29 năm (980-1009), đã đánh dẹp nội loạn, khác với các thời đại trước, Tiền Lê biết phân quyền; mở lộ khai kênh; cải tổ thuế má; khuyến khích giao thương. Về văn hóa thì Tiền Lê chưa có một dấu ấn đặc thù nào, ngoại trừ sự vượt trội của các danh Tăng Phật giáo và lập thành bộ luật gọi là Quốc Triều hình luật còn gọi là luật Hồng Đức vào thời Lê sơ. Sở dĩ Phật giáo xuất chúng qua Pháp sư Đỗ Thuận và Khuông Việt, hai cao Tăng nầy tuy sống trong đương triều nhưng căn gốc đã được ươm mầm trong Phật giáo trước thời thuộc Đường. Do vậy, thời Tiền Lê, Phật giáo luôn ảnh hưởng sâu đậm trong triều cung cũng như trong xã hội; nhờ tài năng xuất chúng của các danh Tăng mà Tiền Lê tạo được sự kính nể của triều Tống. Các danh Tăng thường được tham vấn về quốc sách. Về ngoại giao, mặc dù là nước nhỏ, Lê Đại Hành cũng không chứng tỏ khiếp nhược trước Đại Tống. 
 
Ngược lại với tiền Lê, hậu Lê đã ghi vào sách sử nhiều đặc thù và cũng là triều đại lâu dài nhất; tạo nhiều công trạng cho dân tộc. Cũng triều hậu Lê, Phật giáo với dân tộc như hình với bóng, là nguồn sinh lực dồi dào giúp cho xã hội vững bền và thăng hoa.
 
Thiền Sư PHÁP THUẬN (914 - 990)
(Đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, xuất gia từ thuở bé, thọ giới với Thiền sư Long Thọ Phù Trì. Sau khi đắc pháp, Sư nói lời nào cũng phù hợp sấm ngữ.
 
Nhà Tiền Lê mới dựng nghiệp, thường mời Sư vào triều luận bàn việc chánh trị và ngoại giao. Khi quốc thái dân an, Sư không nhận sự phong thưởng. Vì thế, vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không dám gọi tên, chỉ gọi là Đỗ Pháp Sư.
 
Nhà vua nhờ Sư trông coi việc soạn thảo văn kiện, thư từ ngoại giao.
 
Năm Thiên Phước thứ bảy (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang phong tước hiệu cho vua Đại Hành. Vua nhờ Sư cải trang làm lái đò để đón Sứ. Trên sông, bất chợt Lý Giác thấy hai con ngỗng bơi, cảm hứng liền ngâm:
 
Song song ngỗng một đôi
Ngửa mặt ngó ven trời.
(Nga nga lưỡng nga nga
Ngưỡng diện hướng thiên nha).
 
Sư đang chèo, ứng khẩu ngâm tiếp:
Lông trắng phơi dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi. (T.T.Mật Thể)
(Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba).
 
Lý Giác rất thán phục.
 
Vua Đại Hành hỏi vận nước dài ngắn thế nào, Sư đáp bằng bài kệ:
 
Vận nước như dây quấn
Trời Nam sống thái bình
Rảnh rang trên điện các
Chốn chốn dứt đao binh.
(Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh).
 
Về sau, Sư trụ trì chùa Cổ Sơn làng Thừ, quận Ải.
 
Niên hiệu Hưng Thống thứ hai (990), Sư không bệnh mà tịch, thọ 76 tuổi.
 
Tác phẩm của Sư có:
 
* Bồ Tát Hiệu Sám Hối Văn
* Thơ tiếp Lý Giác
* Một bài kệ.
(Thiền Tông Việt Nam)
 
Đại sư KHUÔNG VIỆT (933 - 1011)
(Đời thứ 4, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư tục danh Ngô Chân Lưu, quê làng Cát Lợi quận Thường Lạc, dòng dõi của Ngô Thuận Đế. Sư dáng mạo khôi ngô, ý chí lỗi lạc và tánh tình bình thản.
 
Thuở nhỏ theo nghiệp Nho, lớn lên trở về Phật. Sư thọ giáo với Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, thấu tột thiền yếu và đọc khắp các kinh điển.
 
Năm 40 tuổi, danh Sư vang khắp tùng lâm, vua Đinh Tiên Hoàng mời vào cung hỏi đạo. Sư ứng đối rành rẽ, vua rất mến phục, phong chức Tăng Thống.
 
Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ hai (971), vua lại phong Khuông Việt Đại Sư.
 
Đến đời vua Lê Đại Hành, Sư càng được kính trọng. Bao nhiêu việc binh, việc nước, vua đều mời Sư vào hỏi.
 
Năm thứ bảy niên hiệu Thiên Phước (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang nước ta, vua Đại Hành sắc Sư ra đón tiếp sứ. Khi Lý Giác về có để lại một bài thơ:
 
May gặp minh quân giúp việc làm
Một mình hai lượt sứ miền Nam.
Mấy phen qua lại lòng thêm nhớ
Muôn dặm non sông mắt chửa nhàm.
Ngựa đạp mây bay qua suối đá
Xe vòng núi chạy tới dòng lam.
Ngoài trời lại có trời soi rạng
Vừng nguyệt trong in ngọn sóng đầm. 
(T.T. Mật Thể)
 
Nhất thân lưỡng độ sứ Giao Châu
Đông đô tái biệt tâm vưu luyến
Nam Việt thiên trùng vọng vị hưu
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu.
 
Vua Đại Hành đưa bài thơ ấy cho Sư xem, và hỏi có ý gì không.
 
Sư tâu:
 
- Câu thứ bảy sứ Tống có ý tôn bệ hạ ngang hàng với vua của họ.
 
Vua Đại Hành nhờ Sư làm một bài tiễn sứ. Sư vâng lệnh làm bài từ theo điệu “Tống vương lang qui”:
 
Gió hòa phấp phới chiếc buồm hoa
Thần tiên trở lại nhà.
Đường muôn nghìn dặm trải phong ba
Cửa trời nhắm đường xa.
Một chén quan hà dạ thiết tha
Thương nhớ biết bao là
Nỗi niềm xin nhớ cõi Nam hà
Bầy tỏ với vua ta. 
(T.T.Mật Thể)
 
(Tường quang phong hảo cẩm phàm trương
Thần tiên phục đế hương.
Thiên lý vạn lý thiệp thương lương
Cửu thiên qui lộ trường.
Nhân tình thảm thiết đối ly thương
Phan luyến sứ tình lang.
Nguyện tương thâm ý vị nam cương.
Phân minh tấu ngã hoàng.)
 
Sau, Sư viện lẽ già yếu xin từ quan, về quê dựng một ngôi chùa hiệu Phật Đà trên núi Du Hý, làng Cát Lợi, quận Thường Lạc, rồi trụ trì ở đó. Học giả bốn phương tụ họp về học vấn rất đông. Thọ 79 tuổi.
 
(Thiền Tông Việt Nam)
 
Tóm lại, Tiền Lê gồm ba triều đại:
 
Lê Đại Hành 980 - 1005
Lê Trung Tông 1005
Lê Ngọa Triều 1005- 1009
 
Thiền Sư SÙNG PHẠM (1004 - 1087)
(Đời thứ 11, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Mâu, dáng vẻ mạnh mẽ to lớn, hai trái tai thòng đến vai. Xuất gia xong, Sư đến tham vấn với ngài Vô Ngại ở Hương Thành. Sau khi được tâm ấn, Sư dạo khắp nước Thiên Trúc để cầu học hỏi sâu rộng. Mãn chín năm Sư trở về nước gồm thông giới định.
 
Về sau, Sư trụ trì chùa Pháp Vân làng Cổ Châu, Long Biên thuyết pháp giáo hóa, học giả các nơi qui hướng rất đông.
 
Hoàng đế Lê Đại Hành nhiều phen thỉnh Sư vào cung để thưa hỏi huyền chỉ. Vua lấy lễ đãi Sư rất trọng hậu.
 
Đến năm Quảng Hựu thứ ba triều Lý (1087) nhằm năm Đinh Mão, Sư viên tịch, thọ 84 tuổi. (Thiền Tông VN)
 
Thiền sư TÔNG DIỄN hiệu CHÂN DUNG
(1640 - 1711)- Đời pháp thứ 37, tông Tào Động.
Thiền sư Tông Diễn không biết tên tục, quê quán có thể ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Khi Sư được 12 tuổi, một hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con giã cua nấu canh. Sư định làm như lời dặn, nhưng nhìn thấy những con cua tuôn những hạt bọt ra, dường như khóc rơi từng giọt nước mắt; Xót thương quá đem thả hết. Bà mẹ lấy roi đánh Sư. Sợ quá, Sư chạy một mạch không dám ngó lại. Từ đây đứa con trai bà mất luôn. 
 
Khoảng hơn ba mươi năm sau, đã thành Hòa thượng trụ trì, Sư nhớ đến mẹ liền về quê cũ tìm kiếm. Sư tìm gặp mẹ bán quán trà. Sư mở lời rước bà về chùa. Sư cho cất một am tranh gần chùa, Sư phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy sức khỏe của bà. Sư luôn luôn nhắc nhở Bà tu hành. 
 
Trong quyển Hồng Phúc Phổ Hệ có những đoạn tán thán công đức của Sư:
 
“Diêu văn Đại Thánh Sư, thần đức nan tuyên giả, chỉ tích mẫu quan phi, niệm kinh Bảo Liên Hoa, đầu đơn đế nhãn minh, tiến ngọc quân vương tạ...”
 
Nghĩa là: “Xa nghe thầy Đại Thánh, thần đức khó nói hết, gậy chỉ quan (tài) mẹ bay, tụng kinh Bảo Liên Hoa, nạp đơn vua mắt sáng, dâng ngọc quân vương tạ (ơn)...”.
 
Sư trụ trì ở Đông Sơn nghe Thiền sư Thông Giác từ Trung Quốc đắc đạo trở về ở chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử, liền tìm đến yết kiến. Thiền sư Thông Giác cho Sư pháp danh Tông Diễn. Ngài nói kệ trao pháp:
 
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Phật Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không sen đầu lưỡi.
(Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không liên đầu thiệt.)
 
Từ đây Sư luôn theo hầu dưới gối. Đến năm 32 tuổi, Sư thọ cụ túc giới, xin phép Thiền sư Thông Giác đi hành cước tham vấn các nơi. 
 
Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678) vua Lê Hy Tông ra lệnh cho các quan khắp nước bất cứ ở đâu tăng, ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về rừng núi. Sư biết được tin này rất đau lòng. Sư bèn quyết tâm rời chốn sơn dã về đất thần kinh, mong cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật pháp trong khi tai nạn. Ngài nhờ quan Đề Lĩnh tâu lên vua là có ngọc quý dâng hiến. Vị quan văn bưng hộp ngọc đến trước triều dâng lên vua, khi mở ra xem chỉ là một tờ biểu, chớ không có hòn ngọc nào. Vua phán vị quan văn đọc tờ biểu cho vua nghe. Vua nghe qua thấy lý lẽ rõ ràng, sự tình đầy đủ, lời văn sáng suốt, ý tứ thâm trầm, bèn ra lệnh quan Đề Lĩnh dẫn vị tăng này vào triều. 
 
Khi vào triều, vua cho Sư ngồi một bên trước mặt vua. Vua hỏi những sách lược trị dân, Sư ứng đối sự lý rất dung thông. Khi ấy, vua phán: “Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng, Tăng Ni hay khuyên người làm thiện, tại sao lại vất bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hóa dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân.” Vua liền mời Sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý. Thượng hoàng nghe tiếng sai Trung sứ đến nói với vua thỉnh Sư vào cung diễn giảng kinh pháp. Vua cũng đến dự nghe thấu hiểu đạo lý, liền ban cho Sư được quyền ra vào nội cung để tuyên dương chính pháp, đồng thời ra lệnh thu hồi lệnh trước, để tăng ni tự ý trở về chùa mình ở đâu tùy duyên giáo hóa.
 
Vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lỗi trước của mình, nên tạc hình vua quì mọp để tượng Phật trên lưng để tỏ lòng thành sám hối. Tượng này hiện còn thờ ở chùa Hồng Phúc. 
 
Đã giải được ách nạn của tăng ni (Phật pháp) và giáo hóa được vua chúa trong triều, Sư nghỉ việc xin vua về núi thăm thầy. Sau Sư trụ trì ở chùa Hồng Phúc, thường tới lui giảng đạo cho vua chúa nghe. Sư thọ 72 tuổi.

Còn nữa...

Nguồn: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây