Mùa cho con trẻ

Thứ hai - 24/09/2018 02:41 - Đã xem: 3312
Một mùa Trung thu nữa lại về cùng xôn xao trong tiết trời dịu nắng. Trung thu không chỉ là Tết dành cho con trẻ, mà như một khoảnh khắc giao mùa được chờ đợi nhất trong năm. Từ góc nhỏ tận sâu trong ký ức, người lớn cũng đợi chờ Trung thu để được sống lại những kỷ niệm một thời đã qua…
Trung thu đánh dấu một quãng mùa hiện hữu trong từng nỗi nhớ. Mùa của những dịu dàng giọt nắng, cùng những vầng hoa trắng thanh tao, tỏa nồng hương phố nhỏ, của màu cốm xanh non thơm lựng lòng bàn tay… Với những người con xa Thủ đô, sẽ chẳng có ngôn từ nào, thanh âm nào đủ để diễn tả hết bâng khuâng nỗi nhớ mùa thu Hà Nội. Thu đi qua nỗi nhớ trong da diết nắng hanh hao, trong se lạnh của heo may gió đầu mùa, trong những cánh hoa như đốm lửa hững hờ rơi dưới tán lộc vừng thắm đỏ. Mùa thu là cảm hứng trong thi ca, nhạc, họa, là mùa của những rung động tâm hồn. Như chào cái nóng, như đón cái lạnh, thu như mùa của những mệt mỏi có thể tạm rời xa…
 
1399114 837744502948836 2731352837932255784 o
 

Với tuổi búp măng, thời nào cũng vậy, Trung thu về là háo hức với bao chờ đợi có quà. Ai còn nhớ những món đồ chơi truyền thống ngày rằm? Chiếc đèn kéo quân bập bùng sáng, xoay xoay những bức họa dân gian. Chiếc trống bỏi bé xíu mà vang lên những âm thanh rộn rã. Ðám trẻ nối đuôi nhau diễu phố trong ánh sáng lập lòe của chiếc đèn ông sao, hay đơn giản mà dễ thương là chiếc đèn lồng làm từ vỏ bưởi. Ngày ấy, cả mùa phơi phơi, sấy sấy được những chuỗi hạt bưởi khô giòn, chỉ chờ trông trăng là mang ra đốt để rồi thích thú với tiếng lách tách vui tai trong mùi hăng hắc dễ thương. Nhà nào có điều kiện hơn thì mua cho con chiếc tàu thủy làm từ vỏ sắt tây. Ðốt lửa lên nó có thể chạy trong chậu nước, vô cùng hấp dẫn. Cái thuở ánh trăng như một thứ đặc sản ngày rằm, cha mẹ, ông bà nhìn trăng mà kể chuyện chị Hằng, chú Cuội, khiến lũ trẻ con mắt tròn, mắt dẹt ngẩng mặt soi trăng, tưởng tượng ra con trâu ở dưới gốc đa, mà thắc mắc sao không nhìn ra chú Cuội. Ngày ấy, dưới ánh trăng sáng bừng sân khu tập thể, trẻ con say sưa chơi trò rồng rắn lên mây. Ai làm đuôi bị thầy thuốc túm được thì cả đám ré lên cười như nắc nẻ… Những trò chơi dân gian không đơn thuần chỉ mang niềm vui đến mà còn là sự kết nối tình thân bè bạn, xóm giềng gần gũi và thân thiết. Chơi chán chúng lại xúm quanh mâm ngũ quả để được phá cỗ trông trăng…

Trung thu giờ đây, đám trẻ thời "a còng" đã bớt nhiều háo hức. Phần vì cha mẹ bận rộn mà xao nhãng ít nhiều, phần vì không chỉ chờ tới Trung thu chúng mới được tặng những món quà yêu thích. Trên các con phố Lương Văn Can, Hàng Cân, Hàng Mã... ở Hà Nội, đồ chơi hiện đại lấn át những sản phẩm thủ công truyền thống. Chẳng khó để bắt gặp những khách nhỏ tuổi chen chân chọn đồ chơi điện tử. Ngay cả những sản phẩm truyền thống cũng được làm từ nguyên liệu nhập ngoại. Ánh trăng đêm rằm cũng trở nên xa xỉ khi không thể rọi vào giữa những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát. Không gian bị thu hẹp khiến cảnh rước đèn cũng thưa thớt và đến lúc sẽ thành hiếm hoi. Nhưng trong thị trường sôi động ấy, vẫn có những cửa hàng lặng lẽ tới lẻ loi, bày bán những món đồ chơi gợi nhớ về một thời xa cũ. Vẫn có những nghệ nhân âm thầm gìn giữ nghề xưa như cách để lưu truyền một nét văn hóa không thể để mai một. Cất công một chút, bước chậm một chút, sẽ thấy lại tuổi thơ của chính mình trong nhịp xoay của chiếc đèn kéo quân treo trên căn gác nhỏ nhuốm vẻ thâm trầm.

Bỏ sang một bên những bận mọn thường ngày, nay tôi dẫn con mình tìm về mùa thu của mẹ, để mong là đến một ngày nào đó, chúng sẽ nhớ mùa thu của mình sau những năm tháng đã xa…

Nguồn tin: Sưu tầm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây