Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký

Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký
Hán văn: Pháp sư Thích Diễn Bồi
Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh



Phàm Lệ

1. “Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký”: Ðề mục bộ kinh này có chín chữ. Bảy chữ trước ở đây xin gác qua, vì trong phần giải thích đề mục kinh, và đề mục phẩm có nói rõ, nên ở đây chỉ nói qua hai chữ “giảng ký”. Giảng là do Pháp Sư Diễn Bồi y trong Bồ Tát Giới Bổn, tức là năm mươi tám giới (58) gồm có 10 giới trọng (10) và bốn mươi tám giới khinh (48) (Ở đây chỉ nói qua 58 giới, là thuộc về phần giới tướng, còn phần trước và sau, không nói, vì không cần).

Chương 12: A.4.1.4.3. KHUYẾN CHÚNG TÍN THỌ (khuyên đại chúng tin tưởng, thọ trì) 

A.4.1.4.3. KHUYẾN CHÚNG TÍN THỌ (khuyên đại chúng tin tưởng, thọ trì) 

Kinh văn 

Lắng nghe ta đang trì tụng,
Pháp Ba La Ðề Mộc Xoa 
Là giới tạng trong Phật pháp, 
Ðại chúng lòng nên tin chắc, 
Các ngươi là Phật sẽ thành. 
Ta đây là Phật đã thành, 
Thường có lòng tin như vậy. 
Thời giới phẩm đã được trọn vẹn, 
Tất cả những người có tâm,
Ðều nên nhiếp hộ Phật giới. 
Chúng sanh nào thọ Phật giới, 
Chính là vào hàng chư Phật.
Ðã đồng hàng bực Ðại Giác. 
Mới thật là con chư Phật. 
Ðại chúng đều nên cung kính, 
Chí tâm nghe lời ta tụng. 

Lời giảng

“Ðức Bổn Sư Lô Xá Na đã thọ trì, đọc tụng đại giới của chư Phật. Giờ đây, Ta (Bổn Sư Thích Ca) cũng đang tụng giới pháp này mà Bổn Sư của ta đã tụng. Các ông cần phải nhứt tâm lắng nghe đúng như pháp ta đang tụng cho nghiêm túc, không được để tâm nghĩ tưởng Ðông, Tây, mà ngăn ngại cho việc nghe giới của các ông”.

Ðây là một điều khẩn yếu vì nếu người không chuyên tâm nghe kỹ, sẽ không được thâm nhập Tâm Ðịa diệu giới của Phật. Như thế thì dù có nghe cũng như không nghe, đối với bản thân không được một chút lợi ích nào cả. Ðây là giải thích câu kệ: “Ðế thính ngã chánh tụng”.

Pháp Ba La Ðề Mộc Xoa là giới tạng trong Phật pháp, tức là vô thượng Tâm Ðịa giới pháp, là bổn nguyên của tất cả giới pháp như: Ngũ Giới, Bát Giới, Thập Giới, hai trăm năm mươi giới v.v… Không một giới nào chẳng từ nơi căn nguyên Tâm Ðịa diệu giới này mà lưu xuất. Ðồng thời tất cả Ngũ Giới, Bát Giới, hai trăm năm mươi giới… này cũng không một giới nào chẳng nhiếp vào trong căn nguyên này. Cho nên gọi là giới tạng trong Phật pháp.

Trong kinh Thanh Tịnh Tỳ Ni Phương Quảng thuyết minh: “Bồ Tát Tỳ Ni do như đại hải, nhứt thiết Tỳ Ni vô bất nạp thọ” (Tỳ Ni của Bồ Tát như bể cả, tất cả các Tỳ Ni khác không một Tỳ Ni nào chẳng nhiếp thọ) chính là ý này.

* Có một lối giải thích khác:

Giới tạng của Phật giáo thuộc về Ðại Thừa Tỳ Ni. Chẳng những khác hẳn tà giới của ngoại đạo, lại cũng khác biệt với thiên giới của Thanh Văn, Duyên Gác (thiên giới là giới của hàng hành giả Nhị Thừa, chỉ thiên trọng về tự lợi mà tu hành, nên giới pháp của các Ngài bẩm thọ gọi là Thiên Giới).

Giới của ngoại đạo tu hành sao gọi là tà giới?

Nguyên vì các ngoại đạo ấy cho là con người kiếp trước là loài súc sanh như gà, chó v.v… cho nên trong đời hiện tại cần phải giữ giới không ăn thịt gà, chó… Họ tự lập riêng ra những giới khổ hạnh như ăn những đồ phẩn uế… và cho rằng có thực hành những khổ hạnh ấy mới tiêu tội, được phước, để có thể được sanh lên thiên đường, hưởng sự khoái lạc. Sự thật ý nghĩa của hành động này không phải là giới hạnh được sanh lên thiên đường, nhưng họ vọng chấp như vậy, nên gọi là tà giới.

Hai chữ Tỳ Ni trong thuật từ Ðại Thừa Tà Ni là tiếng Ấn Ðộ, Trung Quốc dịch là Thiên Thọ. Ý nghĩa cho rằng Tỳ Ni là thọ mạng của Phật pháp, cho nên Tỳ Ni tồn tại một ngày ở thế gian là Phật pháp cũng tồn tại ở thế gian một ngày. Nếu một mai Tỳ Ni bị tiêu diệt trên thế gian thì Phật pháp cũng không còn!

Cũng có nơi giải thích Tỳ Ni là Thiện Tánh, tức là tự tánh của Tỳ Ni vốn là thuần thiện. Chủ yếu là đúng theo giới pháp thọ trì thì hàng Phật tử tu học Phật pháp có thể tăng tiến thiện hạnh. Có chỗ dịch là Thiên Trụ, từ này cũng đồng nghĩa với Thiên Thọ, ý nói nếu Tỳ Ni cửu trụ thế gian thì chánh pháp của Như Lai cũng cửu trụ ở thế gian.

Giới tạng của Phật pháp quan hệ mật thiết đến sự tồn vong của Phật pháp là như thế. Vì thế, hàng tân học Bồ Tát các ông phải thiết thực dụng tâm lắng nghe cho kỹ, không được khinh suất.

Này đại chúng! Các ông chẳng những phải chí tâm lắng nghe thật nghiêm túc, lại phải thật lòng tin tưởng sâu chắc. Nếu như chỉ nghe mà không có tâm thâm tín, nghĩa là nghe qua rồi cho là xong chuyện, thế là vô dụng. Cho nên tuyệt đối sau khi nghe tụng giới phải xác thực tin chắc giới này là chánh nhân thành Phật. Nếu đúng pháp, y luật, phụng trì không biếng nhác thì tương lai nhất định sẽ thành tựu vô thượng Phật Quả không nghi. Chẳng những phải tin chắc rằng tự mình do nghiêm trì tịnh giới mà được thành Phật, lại càng phải tin tưởng rằng đức Lô Xá Na thành Phật cũng là do Ngài nghiêm trì tịnh giới mà được. Nếu có được tín tâm đầy đủ như vậy, thì niệm niệm hộ trì giới mới không dám sanh tâm hủy phạm giới, dù như mảy lông.

Thế nên chữ Tín ở đây mang ý nghĩa trọng yếu vô cùng. Trên đây là giải thích câu kệ: “Ðại chúng tâm đế thính”.

Vì muốn củng cố tín tâm của đại chúng cho kiên cố hơn, đức Bổn Sư Thích Tôn tiến xa hơn một bước, Ngài đối trước đại chúng trong pháp hội dạy rằng:

– “Này toàn thể đại chúng! Các ông không nên tự xem nhẹ mình, tự cho mình là tâm địa phàm phu, không mong gì đạt đến quả Phật. Các ông nên biết: dù hiện tại các ông là phàm phu, nhưng trong tương lai đều quyết định sẽ được thành Phật. Nhưng điều cần yếu là các ông phải có tín tâm sâu chắc khi thọ trì giới pháp này.

Giờ đây ta vì các ông nói một lời khẳng định: Ta đây là đấng Ðại Thánh Giác đã thành Phật, nhưng nguyên nhân ta được thành Phật chính là do tin chắc vào giới pháp này. Do ta đối với giới pháp này thâm tín thọ trì, cho nên được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Các ông cũng cần phải tự tin chắc nơi mình.

Ðiều tối yếu là phải thọ trì giới pháp này mới quyết định thành tựu được Phật quả. Ta cũng có thể nói với các ông một cách quả quyết rằng: Hiện tại ta truyền trao giới pháp này lại cho các ông, bảo đảm rằng các ông được giải thoát chắc chắn. Ðây là sự kiện nhất định, không có gì đáng nghi!”

Ðây là lời Phật nói với đại chúng đương thời, nhưng cũng bao hàm tất cả đại chúng thọ trì Bồ Tát giới đời vị lai.

Như vậy, muốn thành tựu quả Phật, nhất quyết phải cầu thọ Tâm Ðịa diệu giới này, nhưng muốn cầu thọ Tâm Ðịa diệu giới này, cần phải khởi tín tâm quảng đại. Chỉ có đủ tín tâm này thì Phật chủng mới không bị đoạn tuyệt và đối với tự thân, quyết sẽ được thành Phật.

Nếu như không có tín tâm sâu chắc thì đối với tất cả giới pháp không thể nào giữ gìn một cách nghiêm cẩn được. Trong Ðại Trí Ðộ Luận nói: “Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập” (Bể cả Phật pháp, chỉ có lòng tin mới vào được).

Phần trên dùng giải thích hai câu kệ: 

Nhữ thị đương thành Phật, 
Ngã thị dĩ thành Phật. 

Dịch:

Các ngươi là Phật sẽ thành, 
Ta đây là Phật đã thành. 

Trì giới quyết định sẽ được thành Phật, điều ấy cần phải tin chắc không nên nghi ngại. Nếu như thường được tín tâm như vậy, thì giới phẩm trọn vẹn. Do đây, chúng ta thấy giới phẩm được trọn vẹn không phải là một sự kiện khó khăn. Ðiều quan hệ trọng yếu là hoàn toàn ở sự tin chắc!

Thế nên người có tín tâm chỉ cần phóng hạ đồ đao tức khắc thành tựu một vị Phật trong trăm ngàn vị Phật. Trái lại, nếu không có tín tâm thì dù có gặp được sự kêu gọi phát khởi giác tánh nơi chúng sanh của ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát cũng vẫn mãi trầm mê (Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát kêu gọi chúng sanh phát khởi tín tâm, nhưng chúng sanh thời bấy giờ không tin, lại còn phỉ báng, nên bị đọa lạc trong nghìn kiếp).

Ðã tin Tâm Ðịa đại giới này là chánh nhân thành Phật thì hẳn nhiên cần phải thọ trì giới pháp này. Nếu chỉ tin suông mà không bẩm thọ giới pháp ấy tức không phải chân thật tín tâm.

Bồ Tát đại giới này trừ những loại cây đá vô trí, không phải là pháp khí thì không thể bẩm thọ đại giới này. Ngoài ra, tất cả chúng sanh có tâm thức (chí cho loài hữu tình có sự hoạt động về tinh thần) bất luận cao cấp hay hạ cấp đều nên nhiếp thọ Phật giới.

Chữ Nhiếp ở đây có nghĩa là nạp thọ, thu nhận và giữ mãi trong tâm những gì được nghe giảng từ bên ngoài, không cho mất, ấy gọi là Nhiếp. Tại sao những người có tâm thức đều nên nhiếp thọ Phật giới?

Vấn đề này trong kinh Niết Bàn thuyết minh: “Phàm hữu tâm giả, giai đương tác Phật” (tất cả chúng sanh có tâm thức đều có thể thành Phật). Có tâm thức cũng tức là có sẵn Phật tánh. Sẵn có Phật tánh đương nhiên có thể thành Phật.

Trong Quán kinh cũng nói: “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” (tâm này là Phật, tâm này làm Phật). Vì Phật không phải ở ngoài tâm; ngoài tâm hoàn toàn không có Phật. Cho nên Tâm Ðịa đại giới này chỉ từ tâm mới có được.

Chính vì như vậy, cho nên tất cả những chúng sanh nào có tâm thức, kể cả những hàm linh xuẩn động, bò bay, cựa quậy, không một chúng sanh nào chẳng có thể nhiếp hộ Phật giới này; cũng không một chúng sanh nào chẳng do nhiếp hộ Phật giới này mà thành Phật.  Phần trên dùng để giải thích hai câu kệ:

Nhứt thiết hữu tâm giả, 
Giai ưng nhiếp Phật giới.

Nên tiếp theo hai câu:

Chúng sanh thọ Phật giới, 
Tức nhập chư Phật vị.  

Từ địa vị phàm phu đến địa vị Phật cách nhau rất xa, như vậy tại sao mới vừa thọ giới pháp mà lập tức được vào địa vị của chư Phật?

Nguyên vì Tâm Ðịa giới pháp này do chư Phật truyền trao lẫn nhau, chính chư Phật từ nơi giới pháp này mà được thành Phật. Hiện nay, chúng sanh do Tâm Ðịa giới pháp của chư Phật đây thì đương nhiên đã bước lên giai cấp địa vị của chư Phật.

Nơi đây có một vấn đề cần nên biết: Ðịa vị đã đồng với Phật quả Ðại Giác thì cứ xác thực gọi những người thọ giới là Phật, sao lại còn gọi là “chân thị chư Phật tử?”

Hai chữ “Phật tử” là đệ tử của Phật là điều không còn nghi gì cả. Nhưng sánh với Phật quả đại giác thì có một khoảng cách rất xa. Như vậy sao lại bảo “tức nhập chư Phật vị?”

Chúng ta nên biết rằng “thọ giới vị Phật giới” (giới vị tức là địa vị của giới tử thọ giới pháp của chư Phật), tuy nói là đồng hàng với Ðại Giác nhưng trên thực tế hoàn toàn chưa chứng được quả Ðại Giác tối cao. Vì tu hành nhân hạnh chưa viên thành, về công đức chứng đắc vẫn chưa viên mãn. Cho nên sau khi thọ Phật giới, phải ở trong khoảng thời gian lâu dài là trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp. Trong thời gian ấy, phải rộng tu lục độ vạn hạnh, thừa sự chư Phật trong mười phương, thực hành tất cả đại pháp của chư Phật. Chừng nào đạt đến hạnh nguyện viên mãn, mới chân thực bước vào địa vị của Như Lai. Như vị vương tử làm lễ Quán Ðảnh, trong tương lai chắc chắn thừa kế vương vị, nhưng hiện tại thì vẫn còn ở Ðông Cung nên chỉ được gọi là Vương Tử, chưa được gọi là Quốc Vương.

Danh từ “Phật tử” giải thích theo lối thông thường là đại phàm từ miệng Phật sanh, từ pháp hóa sanh đều gọi là Phật tử. Căn cứ vào phương diện phân biệt thể loại, thì có nơi chia làm ba thể loại như sau:

– Tu hành còn ở trong địa vị phàm phu, chưa ngộ nhập Phật đạo, chưa thể thiệu long Phật chủng thì chỉ gọi là ngoại Phật tử.

– Hành giả nhị thừa, bẩm thọ giới pháp Tiểu thừa của Như Lai, dù có thể sanh trưởng pháp thân, hoàn thành thánh quả, nhưng không từ trong giáp pháp đại thừa xuất sanh, nên gọi là Thứ Phật tử.

– Hành giả Bồ Tát đã bẩm thọ Ðại Thừa giáo pháp của Như Lai, phát Bồ Ðề tâm, thọ Bồ Tát giới, Pháp Thân sanh trưởng, gọi là chân Phật tử.

Câu kệ: “Chơn thị Phật tử” chính là chỉ cho loại Phật tử thứ ba này.

Trong bộ Pháp Tạng Giới Bổn Sớ quyển một, đối với danh từ Phật tử phân biệt rõ ràng như sau:

– Y cứ theo kinh Lăng Già thuyết minh: “Bát địa Bồ Tát, danh tối thắng Phật tử” (Bồ Tát đệ bát địa gọi là tối thắng Phật tử). Vì Bồ Tát ở địa vị thứ tám tu hành đã đạt đến trình độ “vô công dụng hạnh”, nghĩa là tất cả công hạnh nhiệm vận tự nhiên, đồng thời với tác dụng của chư Phật, mới đủ tư cách là Phật tử.

– Y cứ trong Phật Tánh Luận thuyết minh: “Sơ Ðịa danh vi Phật tử” nghĩa là Bồ Tát ở địa vị sơ đẳng, nhưng đã thể ngộ chơn lý của các pháp, bắt đầu chứng được Pháp Thân, được khí phần của Phật, mới đủ tư cách gọi là Phật tử.

– Kinh Anh Lạc thuyết minh: “Thập Trụ tức danh Phật tử”. Bồ Tát Thập Trụ dù mới bắt đầu vào địa vị Tam Hiền, nhưng các Ngài đã tu hành đến bậc bất thối chuyển, nên đầy đủ tư cách gọi là Phật tử.

– Phát Bồ Ðề tâm, thọ Bồ Tát giới, liệt vào hàng Ðại Thừa, mới có tư cách gọi là Phật tử. Hạng Phật tử thứ tư này ứng vào câu kệ: “Chơn thị chư Phật tử” của kinh Phạm Võng vậy.

Như trên đã nói rõ, giai cấp, địa vị của Bồ Tát dù thứ tự cao thấp bất đồng, nhưng tất cả đều phải thọ trì giới pháp này triệt để, cho nên các chúng Phật tử kể trên đều bao hàm trong đây.

Theo bộ Nhiếp Luận của Chơn Ðế tam tạng pháp sư dịch vào triều nhà Lương, Ðại Thừa Bồ Tát chân thật là con Phật phải hội đủ năm điều kiện sau đây:

Dùng Phương Tiện làm cha.
Dùng Bát Nhã làm mẹ.
Dùng Thiền Ðịnh làm thai.
Dùng Từ Bi làm người dưỡng dục.
Dùng lòng tin ưa pháp Ðại Thừa làm chủng tử.
 Ðủ năm điều kiện trên thì mới là chân thật Phật tử, thiếu một trong năm điều kiện trên thì vẫn không thể gọi là chân Phật tử.

Ðức Phật Thích Ca dạy: “Thọ giới Phật rồi là chân Phật tử, tương lai được thành Phật đó là lẽ tự nhiên, không còn vấn đề gì. Thế nên, hiện tại, lúc ta đang tụng giới pháp của Bổn Sư Lô Xá Na, đại chúng các ông đều phải cung kính, chí tâm, nhất ý lắng nghe Ta tụng lại đại giới của chư Phật đây vậy”.

Ba chữ “chí tâm thính” nghĩa là trong lúc nghe giới, không phải nghe một cách tùy tiện mà là nghe một cách nhận chân. Vì chỉ có nghe với tinh thần nhận chân, không lơ đễnh, giới pháp mới có thể thâm nhập vào Tâm Ðịa, để trở lại với bổn nguyên tự tánh thanh tịnh của mình.

Nghe giới chí tâm hay không, vấn đề này hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ cung kính.

Hai chữ “cung kính” trong văn tự thường đi đôi với nhau có ý nghĩa:

Chữ Cung là biểu thị hình tướng, oai nghi, nghiêm chỉnh ở bên ngoài.

Chữ Kính là chỉ về tâm ý kiền thành ở bên trong.

Như vậy, trong cũng như ngoài đều phải tinh thành mới gọi là “chí tâm”. Giới tạng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đang tụng là giới tạng của chư Phật, tất cả đại chúng phải chí tâm lắng nghe. Nếu lúc nghe mà không chí tâm thành khẩn, thì không thể vào được bổn nguyên Tâm Ðịa. Cho nên lời cuối cùng của Ðức Phật ở đây, đặc biệt là kết khuyến, răn nhắc đại chúng phải chí tâm lắng nghe.

Trên đây là giải thích hai câu kệ:

Ðại chúng giai cung kính,           
Chí tâm thính ngã tụng. 

 

Chú thích: 

Thành ngữ “phóng hạ đồ đao” trong kinh điển thường đề cập. Bộ Sơn Ðường Tứ Khảo dẫn giải:

Ngày xưa có một đồ tể ở hội Niết Bàn vừa buông bỏ con dao làm nghề sát hại xuống, lập tức được thành Phật. Ðây ý nói sự bỏ dữ theo lành một cách nhanh chóng, chứ thật sự không phải có thể thành Phật một cách nhanh chóng như thế. Bởi lẽ, tạo ác nghiệp hay thiện nghiệp đều do nơi tâm. Lúc si mê, tùy theo vọng tưởng phiền não tạo ác nghiệp; khi tỉnh ngộ, tùy thuận theo trí huệ mà tạo thiện nghiệp.

Như vậy, Thiện hay Ác nghiệp đồng do tâm tạo nên. Chính trong khi bỏ Ác đấy tức là Thiện. Nên nói: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Hai câu này người thế gian dù chưa tin Phật cũng thường nói đến, nhưng phải hiểu rõ ý nghĩa là như vậy.

Câu này đồng nghĩa với câu: “Phiền não tức Bồ Ðề”. Nghĩa là mê thì phiền não, ngộ thì Bồ Ðề. Nhưng nên biết rằng, từ sự giác ngộ ấy tiến tu phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp, chứ không phải buông bỏ con dao sát hại mà thành Phật lập tức. Nguyên nhân sự thành Phật ở vô lượng kiếp về sau cũng do giờ phút buông bỏ con dao đồ tể này. Cũng vì thế, chư cổ đức gọi là “hồi đầu thị ngạn”. Ý nói khi si mê thì sanh tử luân hồi; một khi đã hồi quang phản chiếu thì tiến đến cảnh giới Niết Bàn.
/12
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây