TỊNH ĐỘ VẤN ĐÁP CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Câu hỏi 66 đến câu hỏi 70
Câu Hỏi 66: Bạch Hòa thượng! Nếu mình làm việc quản lý nhân sự, điều hành công việc nhưng lại dễ sinh phiền não, tâm không thanh tịnh. Vậy nên xử sự như thế nào? Mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Làm việc đã khó, làm người càng khó hơn. Đặc biệt là hiện nay, con người phiền não tập khí rất nặng, chúng ta cần phải có tâm tốt giúp đỡ họ. Khi làm việc, thông thường dễ xảy ra những chuyện hiểu lầm. Nếu như chúng ta không có trí tuệ, phương tiện thiện xảo khi làm việc thì rất dễ xảy ra phiền não. Đây là một điều khó tránh khỏi. Cho nên, cổ nhân nói: "Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng vô sự". Phật tử nên gặp những người lớn tuổi, tâm sự trò chuyện để họ chỉ vẽ thêm những kinh nghiệm của người đi trước. Mình không chỉ biết quản lý nhân sự mà còn phải biết quản lý quan hệ xử sự trong công việc cho có kết quả.
Quản lý con người là một điều rất khó, dễ nảy sinh phiền não. Do đó, cần phải có trí cao, nhà Phật gọi là phương tiện thiện xảo. Điều tối quan trọng trong quản lý nhân sự là bình đẳng, tâm không thiên lệch, nếu không thì khó tránh khỏi việc tạo nghiệp. Người nào đối xử với ta tốt một chút, ta quan tâm nâng đỡ họ; người nào đối với ta không tốt, thấy sai phạm, mình tìm cơ hội gây khó khăn cho họ. Điều này chính là tạo nghiệp, nhất định bị quả báo.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường gặp những tai nạn, vì sao vậy? Vì đời trước chúng ta đã tạo nhiều chướng nghiệp với người khác, hôm nay đủ duyên, họ trở lại cản trở ta. Nhân quả báo ứng không một mảy may lẫn lộn. Sau khi học Phật pháp, chúng ta thay đổi cách nhìn nhận, đối với mọi việc tâm vẫn yên bình, những chuyện thuận, nghịch đến, chúng ta vẫn chấp nhận, đến rồi từ từ hóa giải các vấn đề thì nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ.
Cho nên, người đệ tử Phật khi làm việc phải có trí tuệ, có lòng hoan hỷ thì mới cảm nhận được Phật pháp vô cùng ích lợi đối với chúng sinh. Nhiều người không có duyên với Phật pháp, khi gặp những chuyện rắc rối, họ không hóa giải được, thậm chí phải tìm cách tự tử. Tự tử không giải quyết được vấn đề mà hiện tại phải nhận chịu hậu quả. Người có trí tuệ, khi giải quyết vấn đề là phá mê khai ngộ. Cuộc sống giữa con người với con người có sự tương quan nhau rất mật thiết, điều quan trọng là phải chân thành với nhau. Phật tử hãy cố gắng học hỏi Phật pháp nhiều và khéo léo vận dụng vào trong cuộc sống để đem lại sự lợi lạc cho mình và tất cả mọi người.
Câu Hỏi 67: Kính bạch Hòa thượng! Đại sư Chương Gia nói: "Ngài sinh ra đời là do được chư Phật và Bồ Tát sắp xếp". Vậy xin hỏi Hòa thượng: hàng phàm phu chúng con sinh ra đời có được chư Phật và Bồ Tát sắp xếp không? Mong Hòa thượng giảng nói cho con hiểu!
Đáp: Thời chúng tôi học Phật, cuộc sống vô cùng khó khăn. Phật pháp nói: "Pháp luân chưa chuyển, thì trước phải lo cuộc sống". Điều này có nghĩa là: dù học đạo hay học thế học thì cuộc sống sinh hoạt ổn định là điều kiện trước tiên, cuộc sống không an định thì không cách gì an tâm học được. Do đó, đại sư Chương Gia khuyên chúng ta phải thiết tha cầu học Phật để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, thì được chư Phật, Bồ Tát, Long thiên quỷ thần hộ trì dù gặp cảnh nghịch hay thuận. Muốn được điều này, chúng ta phải xả thân phục vụ vì lợi ích mọi người, không nghĩ đến lợi danh toan tính vì mình thì Phật và Bồ Tát sẽ gia hộ cho. Còn ngược lại, nếu chúng ta có kế hoạch gì riêng cho mình thì các Ngài không lưu tâm đến. Khi làm việc phải buông xả, không nhọc lòng dính mắc, chấp trước thì được các Ngài chiếu cố đến. Ngày trước, tôi cũng thường suy nghĩ nhiều nhưng sau này không nhọc lòng suy nghĩ nữa, để cho Phật và Bồ Tát lo thì trong lòng mình càng thanh thản. Muốn được như vậy thì phải có lòng tin tuyệt đối vào chư Phật và Bồ Tát, nếu không thì không bao giờ có sự cảm ứng. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Dùng thân tâm này, kính lễ khắp cõi Phật thì mới gọi là báo ân Phật". Nói tóm lại, sống và làm việc ở thế gian hoàn toàn vì Phật pháp, vì an vui cho tất cả chúng sinh. Người như thế mới được chư Phật, Bồ Tát hộ trì và được các Ngài an bài sắp xếp. Khi làm việc phải tùy thuận nhân duyên, duyên chưa đến thì không có gượng ép một cách miễn cưỡng.
Nếu một người bình thường muốn được Phật và Bồ Tát an bài sắp xếp cuộc sống của mình, nhất định phải phát tâm. Nếu không phát tâm, hoặc là có nhưng không dũng mãnh, không chân thành thì cuộc đời của mình nghiệp chướng sẽ an bài sắp xếp, hoặc như người đời nói là "vận số an bài sắp xếp". Người chân chính tu Phật, dùng nghiệp lực để chuyển thành nguyện lực. Đó mới thực sự được chư Phật, Bồ Tát chiếu cố, Thiên long, Thiện thần có trách nhiệm, luôn theo hộ trì cho mình.
Câu Hỏi 68: Bạch Hòa thượng! Buổi chiều, khi đi tản bộ dọc bờ biển, đệ tử thấy những người làm ăn phi pháp. Đệ tử muốn báo cho cảnh sát biển, nhưng chợt nghĩ lại thương cho hoàn cảnh cuộc sống của họ nên mới tìm cách mưu sinh như vậy, nghĩ thật thương xót. Vậy xin hỏi Hòa thượng: Phật pháp cùng với pháp luật nhà nước có giống nhau không?
Đáp: Kinh Phạm Võng dạy chúng ta: "Không làm quốc tặc, không dối quốc chủ". Kinh Trân Bảo dạy chúng ta: "Không buôn lậu, không trốn thuế quốc gia". Trên thế giới, quốc gia nào cũng có pháp luật riêng của nước mình. Riêng trong đạo Phật, đức Phật dạy chúng ta làm việc gì cũng phải hợp pháp lợi mình, lợi người. Bạn khởi tâm từ bi thương họ nên không đi trình báo cảnh sát về những việc làm phi pháp của họ. Nhưng các báo chí ở Tân Gia Ba cũng thường đăng tải những chuyện làm không hợp pháp và không ít người đã bị phát hiện và bị bắt. Phật pháp cũng không ngoài tình và lý. Mình là đệ tử Phật phải hiểu thật rõ ràng bổn phận của việc tu hành là vì xã hội, vì hạnh phúc an lạc cho quốc gia. Hạnh phúc không chỉ giới hạn tìm cầu cho riêng mình mà còn cho tất cả mọi người. Khi làm việc gì, ngoại trừ các điều ác, luôn làm các việc lành, phá mê khai ngộ, quên mình vì người. Muốn được như thế, Phật tử phải thường nghe học kinh điển. Khi thấu triệt hiểu thông suốt thì pháp Phật và pháp thế gian chỉ là một, không có gì trái ngược nhau. Chúc bạn từ từ hiểu rõ điều này.
Câu Hỏi 69: Kính bạch Hòa thượng! Làm việc trong một tập thể, không thể không nghe những lời tà tri, tà kiến. Do đó, khó tránh khỏi những ấn tượng không tốt mà sinh ra các phiền não. Vậy xin hỏi Hòa thượng: Những việc như thế thì nên xử lý như thế nào? Mong Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Việc này bạn nên học theo cư sĩ Hứa Triết ở Tân Gia Ba là tốt nhất. Bà ta nói rằng: "Tôi gặp những việc bất như ý, nghe những lời nói không được hay, giống như đi trên đường gặp người lạ nói chuyện. Tôi không để ý, không đem vào tâm mình". Vì thế, mình nên học theo bà: Gặp những chuyện gì, mình coi như khách qua đường, đừng đem vào tâm mình để rồi phiền não. Làm thế nào không để lại ấn tượng? Bạn gặp người qua đường, toàn là những người khách lạ, bạn có thấy không? Có thấy nhưng hoàn toàn không nhớ. Có nghe nhưng họ nói những gì chúng ta hoàn toàn không biết. Đó chính là không có ấn tượng, cũng là phương pháp tốt nhất để mình tập tính buông bỏ.
Câu Hỏi 70: Kính bạch Hòa thượng! Có một số người giả dạng tu hành xuất hiện ở nhiều nơi để khất thực. Vậy kính hỏi Hòa thượng: chúng con nên học theo gương của bậc cao tăng Đạo An, bị người ta lừa gạt vẫn như như bất động, chỉ tặng cho họ một câu A Di Đà Phật để kết duyên với họ. Như thế có đúng không? Xin Hòa thượng chỉ dạy cho con rõ!
Đáp: Cả hai đều tốt. Phật tử bố thí cúng dường cho họ để kết duyên. Phật tử biết họ là giả, như vậy có nghĩa là mình không bị lừa, mà còn niệm mấy câu A Di Đà Phật để tặng cho họ và kết duyên với họ là điều rất tốt.