Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chương 14: Phần 2: "Siêng hành hạnh tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa"

Chánh kinh:
          Cần hành Bát Nhã Ba La Mật Đa tương ưng chi hạnh.
          勤行般若波羅蜜多。相應之行。
          (Siêng hành hạnh tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa).
          Trong sanh hoạt thường ngày, đối đãi người, xử sự, đối đãi với mọi vật, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, hành vi đều phải có trí huệ cao độ. Bát Nhã Ba La Mật Đa nói theo ngôn ngữ bây giờ là trí huệ cao độ. Chư Phật, Bồ Tát biểu hiện trí huệ cao độ trong từng sanh hoạt, phàm phu sanh hoạt chẳng có trí huệ, chỉ có phiền não. Ở đây, Phật dạy chúng ta phải tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Bát Nhã Ba La Mật Đa là gì? Phật nói kinh Bát Nhã hai mươi hai năm, bản dịch chữ Hán kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển. Chúng ta phải tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật, nói nghe dễ dàng sao! Nhưng không tương ứng thì không được! Nhất định phải tương ứng. Bởi vậy, chúng ta phải nắm được cương yếu, tổng cương lãnh của Bát Nhã. Điều này, cổ nhân đã làm thay cho chúng ta rồi; dựa theo kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa tiện lắm. Giản tiện, tinh yếu hơn nữa thì có lẽ mỗi vị đồng tu hằng ngày đều niệm Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, hai trăm sáu mươi chữ. Chúng ta lấy đó làm tiêu chuẩn tu hành, sửa đổi cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của mình.
          Về phương diện ứng dụng Bát Nhã, cổ đức bảo rằng chỉ cần quý vị nắm được hai câu cuối trong một bài kệ của kinh Kim Cang, ắt quý vị sẽ tương ứng với Bát Nhã Ba La Mật Đa. Hai câu ấy là: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Chúng tôi giảng sơ lược hai câu này như sau: Ngoài chẳng chấp tướng, trong tâm bất động. Bất luận lúc nào, hoàn cảnh nào, đối với người với sự, đối với vật, dù là pháp thế gian hay Phật pháp đều chẳng có ngoại lệ. Đối với pháp thế gian chúng ta dùng thái độ đó, đối với Phật pháp vẫn dùng đúng thái độ đó: Chẳng chấp tướng, chẳng khởi tâm động niệm. Thật sự làm được “bất thủ ư tướng, như như bất động” thì quý vị chẳng khác gì Phật, Bồ Tát rồi!
Hai câu này chúng tôi thường diễn tả là “buông xuống” (phóng hạ), buông xuống được. Tổng cương lãnh của Giáo Hạ là Chỉ Quán. Ngài Thiên Thai giảng Ma Ha Chỉ Quán, hai câu trên đây chính là Chỉ, mà cũng là nói đến buông xuống. Bài kệ cuối cùng trong kinh Kim Cang là:
          Nhất thiết hữu vi pháp,
          Như mộng huyễn bào ảnh,
          Như lộ, diệc như điển.
          Ưng tác như thị quán.
          (Hết thảy pháp hữu vi,
          Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
          Như ánh chớp, như giọt sương,
          Nên thường quán như vậy)
          Bốn câu kệ này “thấy thấu suốt” (khán phá). Dùng bốn câu kệ này để thấy thấu suốt hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Hết thảy pháp là hữu vi, pháp xuất thế gian cũng vẫn là pháp hữu vi. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp bốn mươi chín năm, thậm chí hết thảy chư Phật vì chúng sanh giảng kinh thuyết pháp, toàn bộ là pháp hữu vi!
Pháp hữu vi là mộng, huyễn, bọt nước, ảnh. Vì thế, đức Phật mới bảo “pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp). “Pháp” là Phật pháp. Phật pháp còn chẳng được chấp trước, vậy thì những gì chẳng phải là Phật pháp đều phải nên bỏ hết! Đấy là lời dạy quý vị phải thấy thấu suốt vậy! Hết thảy pháp là gì? Mộng, huyễn, bọt nước, ảnh chẳng phải thật, là giả đó! Điều này chúng tôi đã giảng rất tường tận, rất thấu đáo trong khi giảng kinh Kim Cang.
          Câu “như lộ, diệc như điển” nói đến huyễn tướng, giả tướng ấy tồn tại trong thời gian rất ngắn. “Lộ” () là giọt sương đọng, tỉ dụ cái tướng tương tục của hiện tượng ấy chỉ tồn tại trong một thời gian, nhưng thời gian ấy chẳng dài lâu. “Như điển” (如電: Như ánh chớp) là nói sanh diệt trong sát-na, nói cách khác là về căn bản nó chẳng hề tồn tại! Trong Phật pháp có nói “bất sanh bất diệt”. Bất sanh bất diệt ngụ ý sanh diệt đồng thời; lúc sanh cũng chính là lúc diệt. Đó chính là chân tướng của hết thảy hiện tượng, rất khó hiểu rõ. Các nhà khoa học hiện đại đã chứng minh cho chúng ta thấy rồi, điều xác thực là tất cả hiện tượng đều tồn tại trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi, gần như chúng ta không có cách nào tưởng tượng được, không cách gì hiểu được nổi. Bài kệ này thuyết minh chân tướng thế gian và xuất thế gian, hễ quý vị thấu hiểu được, quý vị sẽ thấy thấu suốt. Bởi thế, hai câu kệ trước và bài kệ này là nói đến thấy thấu suốt và buông xuống!
          Có thể thấy thấu suốt và buông xuống được thì chẳng cần biết là tu học theo tông phái nào hay pháp môn nào, quý vị đều có “nhập xứ” cả! Nhập xứ là gì? Là quý vị đều có thể chứng quả. Chữ “nhập” này là nhập vào Nhất Chân Pháp Giới, nhập Bất Nhị pháp môn. Nhập được Nhất Chân Pháp Giới, Bất Nhị pháp môn thì chẳng những quý vị vượt khỏi lục đạo, mà còn siêu việt mười pháp giới nữa kia, đấy mới kể là thành tựu viên mãn rốt ráo. Bởi thế, câu này trọng yếu phi thường.
          Trong cuộc sống, chúng ta phải tu những gì? Tu những điều này. Nếu nói như vậy, cần chi phải cầu sanh Tịnh Độ nữa? Nếu chẳng cầu sanh Tịnh Độ, quý vị cứ chiếu theo phương pháp này tu hành vượt thoát lục đạo, vượt thoát mười pháp giới xong; sau khi vượt thoát, quý vị muốn chứng viên mãn Bồ Đề thì lại phải tu trọn ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Thời gian ấy rất dài! Con số ấy là con số dùng trong thiên văn học đấy nhé!
Chúng ta thường nói thành Phật phải mất ba A-tăng-kỳ kiếp, nhưng [thời gian ấy] chẳng phải là tính từ thời gian hiện tại đâu nhé. Lúc quý vị chưa nhập Nhất Chân Pháp Giới sẽ không tính, lúc còn tu hành trong lục đạo không tính, lúc còn trong mười pháp giới, dẫu là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều chẳng tính, phải là vượt thoát mười pháp giới, chứng được Nhất Chân Pháp Giới rồi thì kể từ ngày ấy mới tính, phải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới có thể viên mãn Bồ Đề. Đấy là điều kinh điển Đại Thừa thường nói, nếu quý vị lưu ý một chút sẽ hiểu rõ.
          Trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp, A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất chứng được ba mươi địa vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng; A-tăng-kỳ kiếp thứ hai chứng được bảy địa vị từ Sơ Địa đến Thất Địa; A-tăng-kỳ kiếp thứ ba chứng được Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa. Tu trọn ba A-tăng-kỳ kiếp rồi, quý vị đạt đến địa vị nào? Pháp Vân Địa Bồ Tát, vẫn chưa đạt tới địa vị Đẳng Giác; còn phải đạt tới Đẳng Giác mới là thành Phật. Chúng ta thấy lại phải tốn thêm một A-tăng-kỳ kiếp nữa mới thành công. Đó là nói trong trường hợp quý vị chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ.
          Nếu cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ thì sao?
Ái chà! Quý vị chiếm tiện nghi lớn lắm! Quý vị vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân phận chúng ta là phàm phu nghiệp chướng, hạ hạ phẩm vãng sanh một phẩm phiền não còn chưa đoạn được, đến thế giới Cực Lạc rồi muốn chứng được Phật quả viên mãn rốt ráo thì phải mất bao lâu? Trong quá khứ, khi giảng kinh chúng tôi đã nói bao nhiêu lần rồi, chúng tôi dựa theo kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà tính toán tỉ mỉ thì khoảng ba bốn kiếp là thành công! Ba kiếp, bốn kiếp thôi nhé! Nếu quý vị chẳng cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ thì phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, chẳng thể so sánh được nổi!
Chúng tôi nói rút gọn ý nghĩa này lại cho quý vị nghe: Chẳng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị tu hành chứng quả thì phải cần ba vạn năm mới có thể thành công; đến Tây Phương Cực Lạc thế giới thì cần bao nhiêu thời gian? Ba ngày là thành công! Quý vị cứ tính toán đi. Đó là lý do vì sao chúng ta y chiếu Bát Nhã Ba La Mật Đa tu hành, nhưng vẫn phải vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Quý vị hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật này thì quý vị mới chết lòng sát đất[i] niệm Phật cầu sanh, mà cũng chẳng hoài nghi, chẳng còn do dự. Đây là nói về tự hạnh.    
          Chánh kinh:
          Nhược dục ư bỉ chư chúng sanh đẳng, thâm sanh lân mẫn, đa sở nhiêu ích, ưng dĩ vô hy vọng tâm thanh tịnh thuyết pháp.
          若欲於彼。諸眾生等。深生憐愍。多所饒益。應以無希望心。清淨說法。
          (Nếu đối với những chúng sanh ấy, sanh lòng thương xót sâu xa, muốn làm nhiều điều lợi ích cho họ thì phải dùng tâm không mong cầu mà thanh tịnh thuyết pháp).
Câu này nói về “lợi tha”. Bồ Tát luôn có tâm từ bi, thấy chúng sanh rất khổ, rất đáng thương, nói chung là muốn giúp đỡ họ, nhưng rất đáng tiếc là chính mình không có trí huệ thì rốt cuộc phải giúp đỡ bằng cách nào đây? Càng giúp càng rối thêm, chúng ta thấy rất nhiều [trường hợp như vậy]. Giúp đỡ như thế nào mà càng rối thêm? Giúp họ đọa tam đồ, đẩy họ đọa vào địa ngục, còn bảo là mình tạo công đức rất lớn. Oan uổng quá!
Ở chỗ này, quý vị phải đọc kỹ bộ kinh này, mới hiểu rõ: Chúng ta thường nói mình độ chúng sanh, cứu tế những người khổ nạn, nhưng rốt cuộc là chúng ta đã làm những việc gì? Chúng ta tạo nhân quả như thế nào? Ta cần phải làm những gì thì mới đúng lý, đúng pháp, mới có thể thành tựu chính mình, giúp đỡ người khác? Kinh này dạy “thâm sanh lân mẫn, đa sở nhiêu ích”. “Nhiêu” () là phong phú, phong nhiêu, cũng có nghĩa là lợi ích tối cao, lợi ích thù thắng nhất: giúp cho người khác giác ngộ, chứ chẳng phải nói đến thứ gì khác. Giúp họ nhận biết Phật giáo Đại Thừa, giúp họ nhận hiểu Tịnh Độ, lợi ích ấy vô lượng vô biên.
Nên dùng thái độ như thế nào? Dùng “tâm không mong cầu” để giới thiệu Phật pháp cho họ. Nếu như thuyết pháp cho họ mà có tâm mong mỏi nơi họ thì là trật rồi!
---o0o---
 

5. Lúc dùng tâm không mong cầu để hành pháp thí, sẽ thành hai mươi điều lợi, và lại thêm hai mươi điều lợi nữa

Theo cách đại sư Ngẫu Ích phán định, chia kinh này thành tất cả mười lăm đoạn, đoạn chúng tôi sẽ giảng dưới đây là đoạn thứ tám.
Chánh kinh:
Phục thứ Di Lặc! Nhược Bồ Tát dĩ vô hy vọng tâm, hành pháp thí thời, bất trước danh, văn, lợi, dưỡng, quả, báo, dĩ nhiêu ích sự nhi vi thượng thủ, thường vị chúng sanh, quảng tuyên chánh pháp.
復次彌勒。若菩薩以無希望心。行法施時。不著名。聞。利。養。果。報。以饒益事。而為上首。常為眾生。廣宣正法。
(Lại này nữa Di Lặc! Nếu Bồ Tát dùng tâm không mong cầu, lúc hành pháp thí, chẳng chấp vào danh tiếng, lợi dưỡng, quả báo, lấy sự nhiêu ích làm đầu, thường vì chúng sanh rộng nói chánh pháp).
“Vô hy vọng” nói cụ thể là ta chẳng mong mỏi những điều gì?
Điều thứ nhất là danh, chẳng vì cái danh, mà cũng chẳng vì “văn”. “Văn” () nói theo ngôn ngữ ngày nay là mức độ nổi tiếng. Chúng ta chẳng vì những thứ đó. Hiện thời, có những vị đồng tu in những cuốn sách nhỏ. Có một lần ở phi trường, tôi thấy một vị đồng tu cầm cuốn sách nhỏ để đọc ở đó, đại khái là Vô Lượng Thọ Kinh. Trang đầu cuốn sách ấy in một tấm hình của tôi, tôi thấy là do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội ấn tống, thật là hồ đồ, phiền toái quá. Không nên như vậy! Quý vị làm vậy tưởng chừng như tôn trọng tôi, chứ thật sự ra là gì? Chỉ là đề xướng danh văn, lợi dưỡng, đề xướng bất tịnh thuyết pháp. Đầu cuốn kinh in hình Phật, hình Bồ Tát thì được, chứ quyết định chẳng thể in hình ai, tuyệt đối chẳng được!
Pháp thế gian có chỗ đáng học theo, nhưng có chỗ chẳng nên bắt chước! Minh tinh điện ảnh gây chú ý, họ đăng ảnh quảng cáo rất nhiều. Lúc chúng ta thuyết pháp, quyết định chớ nên làm giống như thế. Lúc phát thiếp thông báo [thuyết giảng], nếu cứ phải in hình pháp sư lên trên ấy thì có khác gì minh tinh quảng cáo đâu! Người thật sự có đức xem thấy, họ không trách quý vị nhưng cũng chẳng đến dự. Trên thiếp thông báo in hình Phật, hình hoa sen thì được, ngàn vạn phần chẳng nên in hình ai. Điều này quý vị phải nhớ lấy, tuyệt đối đừng tạo danh văn!
“Lợi” là lợi ích, “dưỡng” là cúng dường. Chẳng vì những thứ này [mà thuyết pháp]. Nếu chẳng vì những thứ này, lại có người vì những thứ gì? Vì quả báo. Tôi làm như thế tương lai sẽ thành Phật, thành Bồ Tát. Ý niệm thành Phật, thành Bồ Tát cũng phải bỏ sạch đi, cái gì cũng chẳng cầu thì quý vị mới thật sự thành tựu. Quý vị nghĩ “tôi muốn chứng A La Hán, thành Bích Chi Phật, thành Bồ Tát” thì gọi là “khởi vọng tưởng”, là tiêu chuẩn của phàm phu. Họ mong mỏi thì nhất định họ sẽ chẳng đạt được.
Vì sao vậy? Chư Phật, Bồ Tát tâm địa thanh tịnh, một niệm chẳng sanh, làm sao còn có vọng niệm cơ chứ? Thành Phật, thành Bồ Tát là bọn phàm phu chúng ta nói, chứ chính các Ngài chẳng hề nói mình thành Phật, thành Bồ Tát. Kinh nói các Ngài thành Phật, thành Bồ Tát là tùy thuận chúng sanh mà nói. Chúng sanh hiểu như vậy cho nên Phật nói thuận theo chúng sanh, chứ trong tâm các Ngài tuyệt đối chẳng có ý niệm ấy.
Chẳng những chư Phật, Bồ Tát không có ý niệm ấy, chúng ta xem trong kinh Kim Cang, Tu Đà Hoàn cũng chẳng có ý niệm ấy; chúng ta mới nhận thức rõ ràng là Tiểu Thừa Sơ Quả còn chẳng có ý niệm ấy, nên các Ngài mới chứng được Sơ Quả! Nếu có ý niệm ấy, các Ngài chẳng thể chứng Sơ Quả! Vì sao vậy? Còn có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước. Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì là lục đạo phàm phu, chẳng phải là thánh nhân! Bởi thế, những lời Phật răn dạy ở đây gọi là lời răn dạy chân thật, chúng ta chẳng nên có những ý niệm như thế.
Đối với chúng sanh, nhất định phải lấy “nhiêu ích” làm đầu. Nói theo ngôn ngữ hiện thời, “nhiêu ích” là lợi ích lớn nhất, thù thắng nhất, là giúp đỡ hết thảy chúng sanh, lấy đó làm điều ưu tiên. Thù thắng nhất, thù thắng khôn sánh là dạy chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Pháp môn này gọi là pháp khó tin, làm sao khiến cho họ tin tưởng? Điều này rất trọng yếu! Bởi thế, tự mình phải nỗ lực tu hành. Nếu chính mình chẳng tu hành, làm sao khiến người khác tin tưởng? Nhất định phải lấy chính mình làm gương tốt nhất để chúng sanh trông vào, họ không tin cũng không được!
Chính tôi khi học Phật, lúc chúng tôi gặp thầy Lý Bỉnh Nam vào năm ấy, thầy Lý ước chừng bảy mươi mốt tuổi, so với tôi, tuổi tác chênh lệch rất nhiều! Thế mà tôi thấy thầy Lý nhiều lắm là bốn mươi tuổi, mà sao cũng chẳng thấy cụ đã ngoài bảy mươi à nghe! Là vì tinh thần cụ sung mãn, thanh âm vang rõ, mắt nhìn cũng chưa quáng. Chúng tôi thường ở cùng một chỗ đọc sách tra tự điển. Thầy bảo tôi tra, lúc tra xong, thầy nói: “Cầm đến đây tôi đọc cho các anh nghe để coi thị lực của tôi ra sao?” Cụ đọc không sai một chữ! Chữ trong tự điển so với chữ in trong báo còn nhỏ hơn nữa, cụ chẳng cần phải đeo kính lão, vì sao? Là để biểu diễn cho chúng tôi thấy, chúng tôi chẳng thể không tin.
Nếu nói một người tu hành vừa khô héo, vừa còm cõi, vừa chẳng có tinh thần, chúng ta trông thấy người như vậy sẽ chẳng có tín tâm. Quý vị học Phật phải nêu gương tốt cho người khác thấy, người ta mới tin tưởng chứ! Thấy quý vị học Phật mấy năm, khô cằn, héo hon, còm cõi, quý vị nói cách nào, nói nghe hay đến đâu đi nữa, người khác cũng chẳng dễ gì tiếp nhận, mà cũng chẳng tin tưởng. Bởi vậy, quý vị phải triển khai cho người ta thấy, họ thấy xong, nếu họ rất hâm mộ, thì quý vị mới bảo họ: “Các vị làm như vậy đó thì các vị sẽ giống như tôi, so ra còn giỏi hơn tôi nữa đó!”
Tướng tùy tâm chuyển, cảnh tùy tâm chuyển. Cảnh là hoàn cảnh sanh hoạt của chúng ta. Quý vị phải hiểu rõ ý nghĩa này, quý vị có thấy hiện thời không ít người hô hào cải biến thể chất. “Cải biến thể chất” là một khẩu hiệu không ít người bị mắc lừa! Những ai bị lừa? Là do những người ấy có ham muốn như thế, người ta bèn chế ra các món thuốc thang. Ôi! Những món thuốc ấy có ích chi đâu! Những dược vật tưởng là hữu ích, kỳ thật là độc dược. Quý vị dùng những dược vật ấy, có ai biến đổi được thể chất hay chăng? Tôi chẳng thấy có ai đạt hiệu quả cả, đủ thấy là bị lừa, bị gạt gẫm rồi!
Phật dạy chúng ta phương pháp hữu hiệu nhất: Tâm địa thanh tịnh, chân thành, từ bi, thì thể chất quý vị sẽ biến đổi. Tâm thanh tịnh khiến cho những gì tệ hại trên thân thể quý vị biến mất, thân thể quý vị bèn thanh tịnh, chẳng bị ô nhiễm. Hiện thời, ăn bất cứ gì, đồ ăn uống nào cũng đều có chất độc cả. Dùng gì để tiêu trừ chất độc đây? Dùng tâm từ bi để tiêu độc. Do vậy, nếu tâm địa quý vị thanh tịnh, từ bi, lẽ nào chẳng được khỏe mạnh?
Quý vị bảo thân mình đau bệnh thì nói cách khác là quý vị thiếu tâm từ bi, tâm quý vị chẳng thanh tịnh. Quý vị nói mình thanh tịnh, từ bi đều là giả, chẳng phải thật. Phật chẳng dối người, đức Phật chẳng cho ta dược vật nào! Đức Phật dạy ta tự điều chỉnh thân tâm mình, chẳng vì danh, văn, lợi, dưỡng, quả, báo, những thứ ấy phải bỏ sạch hết cả đi.
 
[i] Tử tâm tháp địa: Ý nói tâm chuyên dốc vào một việc niệm Phật, dứt bặt mọi ý niệm vọng cầu khác, giống như cõi lòng đã chết, đã nguội lạnh đối với những gì phù phiếm, viển vông, tâm khiêm hạ, không tự ngông nghênh nghĩ “ta đây bản lãnh phi phàm, không thèm cậy vào Phật lực”!
/14
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây