Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

2500 Năm Phật Giáo

Lời giới thiệu.

Cuốn sách “2500 năm Phật giáo” ra đời từ năm 1956 và đến nay được tái bản sáu lần, lần gần đây nhất vào năm 1997. Tập tư liệu nghiên cứu công phu này, với sự tham gia của gần ba mươi học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, v.v… chắc chắc sẽ giúp cho người đọc có được một cái nhìn toàn diện hơn và chuẩn xác hơn về một tôn giáo lớn đã trải qua một chặng đường dài lịch sử với bao thăng trầm, suy thịnh và cũng đã có một ảnh hưởng sâu đậm về nhiều mặt trên nhiều quốc gia châu Á và cả châu Âu, châu Mỹ…

Cuốn sách này với nhiều tư liệu phong phú, tỉ mỉ nhưng cũng rất độc đáo và đặc sắc, là một tư liệu hữu ích đối với những người muốn tìm hiểu về đạo Phật hoặc muốn có sự hiểu biết sâu hơn về một tôn giáo từ lâu đã quen thuộc với đa số chúng ta. Sách cũng giúp ích không nhỏ cho các công trình biên khảo, nghiên cứu có liên quan. điều đáng nói khác là cuốn sách được viết nên bởi số đông những chuyên gia trí thức không là Phật tử, nhưng tất cả đều bày tỏ sự cảm phục và tôn kính sâu xa đối với Đức Phật cùng tôn giáo của Ngài…
Rất tiếc TVHS không có bản vi tính hay phiên bản PDF. Quý độc giả có thể tìm mua tại các nhà sách.

Chương 2: I - Lời Nói Đầu

I.

Sarvapalli Radhakrishnan (14 May 1962 – 13 May 1967) Ảnh: Wikipedia
Sarvapalli Radhakrishnan
(14 May 1962 – 13 May 1967)
Ảnh: Wikipedia

Thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên là thế kỷ của những xao động về tâm linh vào sôi sục về tri thức tại nhiều quốc gia. Ở Trung Hoa, có Khổng tử, Lão tử, ở Hy Lạp có Parmennidex và Empedoches, ở Iran có Zarathustra, ở Ấn Độ có Mahavira và đức Phật. Vào thời kỳ này, đã có nhiều luận sư danh tiếng tạo được dấu ấn trên các di sản thừa kế và đề ra những quan điểm mới.

Ngày lễ Purnima hay ngày trăng tròn của tháng Vaisakha(1) có liên quan với ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật - Đản sinh, đắc đạo và nhập niết bàn. Đây là ngày thiêng liêng nhất của Phật lịch. Theo Phật lịch Nguyên thủy thì đức Phật nhập diệt vào năm 544 trước Công nguyên(2). Mặc dù các tông phái Phật giáo khác nhau có những hệ thống niên đại khác nhau, nhưng tất cả đều đã nhất trí lấy ngày trăng tròn tháng 5 năm 1956 làm dịp kỷ niệm thứ 2.500 ngày Đại bát niết bàn của đức Phật Cồ-đàm. Cuốn sách này trình bày vắn tắt về lịch sử Phật giáo 2.500 năm qua.

Các sự kiện chính trong cuộc đời đức Phật đã được nhiều người biết. Ngài là con của một tiểu vương ở Ca-tì-la-vệ, lớn lên trong sự xa hoa, kết hôn cùng công chúa Da-du-đà-la có một người con là La-hầu-la và sống trong trướng rũ màn che, không hề biết đến những điều khổ đau của thế giới bên ngoài. Theo truyền thuyết kể lại thì trong bốn lần đi ra khỏi cung điện, Ngài đã gặp một ông lão hom hem yếu đuối và thấy rằng mình cũng có ngày phải chịu cảnh tàn tạ của tuổi già, Ngài gặp một người bệnh và thấy mình cũng sẽ không tránh khỏi cảnh ốm đau, chết chóc(3), và rồi sau đó Ngài gặp một tu sĩ với một phong thái ung dung điềm tĩnh đang trên đường đi tìm chân lý. Đức Phật bèn quyết định theo gương vị tu sĩ nọ để được thoát khỏi tuổi già, bệnh hoạn và chết chóc. Vị tu sĩ bảo với đức Phật: Narapungava janmamrtyu bhitah sramanah pravrajitosmi moksahetoh(4) (Ta là một sramanah, một tu sĩ khổ hạnh, vì muốn tránh cảnh sinh diệt nên mới xuất gia đi tìm sự giải thoát.)

Việc nhìn thấy một đạo sĩ hình dong quắc thước, tính cách tươi vui, chẳng màng đến một chút tiện nghi cuộc sống đã khiến cho đức Phật cảm kích mạnh mẽ và thấy rằng tu hành là mục đích duy nhất xứng đáng của đời người. Tôn giáo làm cho con người không bị lệ thuộc vào những sự sướng khổ phù du của thế gian. Đức Phật quyết định từ bỏ thế tục và dành cả đời mình cho cuộc sống đạo hạnh. Ngài rời khỏi cung điện, xa lìa vợ con, khoác bộ quần áo của một khất sĩ và đi nhanh vào rừng để suy ngẫm về cái khổ của con người, nguyên nhân của cái khổ ấy và những cách để khắc phục cái khổ. Ngài bỏ ra sáu năm trời để nghiên cứu các chủ thuyết tôn giáo bí hiểm nhất, trải qua những sự hành xác khắc nghiệt nhất, đến mình gần như chết đói với hy vọng rừng càng hành hạ thân xác nhiều thì càng mau đạt đến sự tri kiến chân lý. Nhưng đã đến bên bờ cực cái chết mà Ngài chẳng đạt được trí huệ mong muốn. Ngài bèn từ bỏ kiểu tu hành xác, tiếp tục sự sống bình thưòng, tắm mát dưới dòng sông Ni-liên-thiền, chấp nhận món bánh sữa do Tu-gia-da mang cho: nayam atma balahinena labhyah. Sau khi thể xác đã khỏe mạnh và tinh thần đã tỉnh táo, Ngài đến ngồi suốt bảy tuần lễ dưới bóng cây Bồ đề trong một trạng thái thiền định sâu xa. Một đêm kia, vào lúc gần sáng, tri kiến của gnài được khai mở và Ngài đạt dến giác ngộ. Sau khi đắc đạo, Đức Phật tự gọi mình bằng ngôi thứ ba, Như lai, có nghĩa là người đã đến được Chân lý. Ngài mong muốn được thuyết giảng tri kiến mà mình đã đạt được nên Ngài nói: “Ta sẽ đến Ba-la-nại để đốt ngọn lửa soi sáng thế gian. Ta sẽ đến Ba-la-nại để gióng tiếng trống thức tỉnh loài người. Ta sẽ đến Ba-la-nại để thuyết giảng Chánh Pháp”. “Này các Tỳ kheo, hãy lắng nghe đây! Ta đã tìm thấy Cõi Bất tử (amrita). Giờ đây, ta sẽ truyền lại cho các người. Ta sẽ thuyết giảng Chánh Pháp”. Ngài đi hết nơi này đến nơi khác, tiếp xúc với đủ hạng người, từ sang đến hèn, từ vua chúa đến nông dân. Tất cả họ đều bị thu hút bởi nhân cách lớn của Ngài. Ngài đã đi thuyết giảng trong bốn mươi lăm năm về cái đẹp của lòng nhân ái và niềm vui của sự xuất gia, về sự cần thiết của cuộc sống giản dị và bình đẳng.

Đến tuổi tám mươi, Ngài lên đường đi Câu-thi-la và nhập diệt tại thành phố này. Khi cùng với đệ tử thân thiết là A-nan-đà rời khỏi thị trấn Tỳ-xá-lị êm đềm, Ngài dừng chân trên một ngọn đồi gần đấy và nhìn xuống cảnh trí vui mắt vưói những thánh điện và đền đài. Ngài bảo với A-nan-đà: citram jambudvipam, manoramam jivitam manusyanam. “Rực rỡ và phồn vinh thay nước Ấn Độ, đẹp đẽ và đáng yêu thay đời sống con người”. Trên bờ sông Hiranyavati trong một rừng cây sa la, Ngài bảo soạn cho Ngài một chỗ nằm giữa hai cây sa la. Ngài dịu dàng khuyên bảo A-nan-đà lúc ấy đang khóc than thống thiết: “A-nan-đà, chớ có khóc than, chớ có tuyệt vọng. Con người rồi sẽ phải xa lìa những gì mình yêu quý nhất. Cái gì đã có sinh, có hoại thì làm sao không mất? Có thể các ngươi nghĩ rằng, “Ta không còn đạo sư nữa. Này A-nan-đà không phải thế đâu. Giáo lý ta đã giảng cho các ngươi chính là đạo sư của các ngươi đó”. Rồi Ngài nhắc lại nhiều lần: Handa dani bhikkhave amantayami vo: Vayadhamma sankhara, appamadena sampadetha ti. (Hởi các Tỳ kheo, ta khuyên các ngươi: Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tiến lên để giải thoát.)

Đó là những lời cuối cùng của Ngài. Sau đó, Ngài nhập định và cho đến khi tất cả mọi ý tưởng, mọi khái niệm đã không còn nữa, ý thức về tự tính dừng lại thì Ngài nhập niết bàn.

/5
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây