Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Sự Tích Đức Phật Thích Ca

(Phiên bản 2017, tu chính toàn bộ)

 

Đọc quyển Sự Tích Đức Phật Thích Ca này quý vị sẽ biết rõ về :

1 - Cuộc đời đức Phật,

2 - Giáo lý giác ngộ và giải thoát,

3 - Các pháp môn tu để đi đến giác ngộ và giải thoát.

Chương 1: Lời mở đầu

Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pāli, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh[1] không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.

Qua các tài liệu nghiên cứu đáng tin cậy như quyển Đường Xưa Mây Trắng của Hòa Thượng Nhất Hạnh, quyển The Life of Buddha as Legend and History của Edward J. Thomas, quyển The Life of The Buddha According to The Ancient Texts and Monuments of India của A.Foucher, bộ Buddhist Legends 3 quyển của Eugene Watson Burlingame, quyển Geography of Early Buddhism của Bimala Churn Law, vân vân ... chúng tôi cố gắng chọn lựa, sắp xếp thành quyển Sự Tích Đức Phật Thích Ca này để giúp người học Phật thấy rõ diễn tiến cuộc đời gương mẫu và giáo lý cao thượng của Ngài, vừa thực tế vừa siêu phàm. Giáo lý cao thượng của đức Thế Tôn được đặt trở lại trong khung cảnh đời sống hằng ngày của Ngài bằng những lời lẽ đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành.

Tuy nhiên để tránh mọi kiến chấp đúng/sai, có/không, thật/giả ... chúng tôi xin mạn phép nhắc lại lời Phật dạy về Pháp Tứ Y như sau : Muốn học hỏi giáo lý có kết quả tốt đẹp chúng ta nên y theo bốn điều này :

1- Y pháp bất y nhân : Nên nương theo sách vở hay lời chỉ dạy, không nên chấp nơi tác giả hay người nói.

2- Y nghĩa bất y ngữ : Nên nương theo nghĩa lý, không nên chấp vào lời nói hay văn tự.

3- Y trí bất y thức : Nên nương theo trí tuệ sáng suốt để tìm hiểu, không nên chấp trước vào kiến thức cá nhân của mình.

4- Y kinh liễu nghĩa, bất y kinh bất liễu nghĩa : Nên nương theo lời nói hay kinh sách chỉ thẳng Chân lý rốt ráo, không nên chấp vào các lời nói hay kinh sách dùng phương tiện để chỉ dạy theo trình độ người nghe.

Vậy, qua các câu chuyện có tính cách huyền bí, thần thoại, khó tin, quý vị không nên tin, cũng không nên chấp là có thật hay không có thật, quý vị nên tìm hiểu ý nghĩa hay đạo lý mà câu chuyện đó đề ra. Vì hầu hết những mẩu chuyện có tính cách huyền bí, thần thoại, khó tin về sự tích đức Phật đều do chính đức Phật, chư Tổ, chư Hòa Thượng hoặc các học giả đặt ra vì lợi ích của người hậu học như chúng ta. Thật là ngây thơ khờ dại nếu chúng ta nêu ra câu hỏi : Chuyện Ông Già Noel, chuyện Con Quạ và Con Chồn của La Fontaine, chuyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sanh ra 100 trứng... là có thật hay không có thật ?

Ngoài ra, chúng ta cũng nên căn cứ vào Ba Pháp Ấn của đức Thế Tôn để biết giáo lý nào đúng là do ngài chỉ dạy hay không phải do ngài chỉ dạy. Ba Pháp Ấn đó là Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn theo Phật giáo Nguyên thủy, hay Không, Vô Tướng, Vô Tác (Vô Nguyện) theo Phật giáo Đại thừa.

Chúng tôi mong rằng quyển Sự Tích Đức Phật Thích Ca này có thể mang đến cho quý vị độc giả một cái nhìn đầy đủ, đúng đắn về cuộc đời đức Phật và Giáo lý giác ngộ và giải thoát của ngài chỉ dạy.

Trong khi soạn thảo quyển Sự Tích Đức Phật Thích Ca này dĩ nhiên chúng tôi phải tra cứu các tài liệu hiện hành, nhiều khi phải trích dẫn nguyên văn, không dám sửa đổi, theo đúng tinh thần "Văn dĩ tải đạo, thuật nhi bất tác". Vì lợi ích chung của người học Phật, chúng tôi chân thành cầu xin quý vị tác giả các tài liệu tham cứu vui lòng thông cảm và tha thứ. Dù với sự cố gắng của chúng tôi, các tài liệu hiện nay về sự tích Đức Phật vẫn còn rất nhiều thiếu sót và sai lầm, chúng tôi rất mong các vị thức giả vui lòng chỉ bảo thêm để chúng tôi có thể đính chánh và bổ túc thêm vào kỳ tái bản tới.        Nam mô Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật.

Viết tại Antony, Pháp quốc, mùa thu năm 2004. 

Minh-Thiện  Trần-Hữu-Danh

 

T.B.: Trong kỳ tái bản năm 2009 sự tích và giáo lý của Đức Phật đã được kiểm chứng lại toàn bộ với Tạng Kinh và Tạng Luật của Phật Giáo Nguyên Thủy, và có ghi chú đầy đủ xuất xứ của mỗi câu chuyện. Từ cuối năm 2015 chúng tôi lại tu chính sách STĐPTC một lần nữa để tăng phần chính xác  bằng cách tra cứu thêm các kinh điển Phật giáo, nhất là các nhân danh với các tiểu sử liên hệ theo “The Buddhist Dictionary of  Pāli Proper Names” của “Pāli Text Society”; để tăng phần dễ hiểu bằng cách thêm phần chú thích, dùng từ ngữ đơn giản hơn, cấu trúc câu văn sáng sủa hơn; để tiện việc ghi nhớ và tra cứu khi cần  bằng cách tóm lược ý chính mỗi kinh cho 34 kinh Trường Bộ và 152 kinh Trung Bộ là những kinh vô cùng quan trọng về sử liệu và giáo lý, bằng cách thêm “Bảng tra nhân danh tiếng Pāli”, và “Bảng tra từ ngữ Phật học thông dụng”. Công việc hoàn tất vào tháng 5 năm 2017. Minh-Thiện đã 80 tuổi, hy vọng quyển “Sự Tích Đức Phật Thích-Ca” hoàn chỉnh này có thể giúp người hậu học có được một tài liệu Phật học đầy đủ, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu và dễ thực hành.

 

Minh-Thiện, 21/05/2017.

Tải file PDF
 

/18
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây