Obama là Phật Tử?

Thứ sáu - 17/04/2015 21:48 - Đã xem: 3897
Câu hỏi “Obama là Phật Tử?” đã được nêu ra từ nhiều tháng trước cuộc bầu cử tháng 11-2008, nhưng không mấy người bận tâm vì ứng cử viên Barack Obama lúc đó vẫn đều đặn dẫn vợ con đi nhà thờ thuộc một hệ phái Tin Lành, và vì nhiều kẻ kình địch thì lo bận tâm chứng minh rằng Obama đích thị là tín đồ Hồi Giáo…
Obama là Phật Tử?
Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà hoạt động phe bảo thủ chất vấn về các vết tích liên hệ tới Hồi Giáo trong đời Obama, nhiều người trong làng thiền Hoa Kỳ lại nhìn thấy Obama đúng là Phật Tử thứ thiệt, một Phật Tử tàng hình -- đang đi nhà thờ để hòa đồng tôn giáo với vợ con và hàng xóm, một Phật Tử lúc nào cũng muốn chủ hòa và luôn tự chất vấn về đời sống của mình… Dưới cái nhìn nhà Thiền thì: Tự đời sống mỗi người đã là một công án, và những người biết tự chất vấn thường trực hẳn nhiên là đang tham thiền bằng cách nêu công án để ngờ vực về cái khối thịt da đang đi đứng nằm ngồi này… Thậm chí khả nghi đến mức nhiều nhà Thiền Hoa Kỳ đã cho rằng Obama nhất định phải là Phật Tử. 

Xin nhớ rằng hầu hết cuộc tranh cãi về tôn giáo “Hồi Giáo hay không” của Obama đều xảy ra trước ngày bầu cử, nghĩa là khi Obama chưa đắc cử Tổng Thống, nghĩa là ở giai đoạn tranh cử ráo riết và căng thẳng… Lúc đó có thể hình dung rằng, chỉ cần Osama bin Laden xuất hiện lên video ở mạng Internet nào đó, và ca ngợi “đồng đạo Hồi Giáo Obama” là kể như Obama hỏng việc. Thế nên, chuyện “Obama Phật Tử” lúc đó chỉ bàn luận trong giới nhà Thiền, vì quần chúng Hoa Kỳ lúc đó chỉ bận tâm là Obama có phải Hồi Giáo hay không, còn chuyện ông theo hệ phái Tin Lành nào thì cũng được cả. 

Nhưng thấy rõ là Obama lười đi nhà thờ. Bản tin AP ngày 23-11-2008 cho thấy Obama đã không đi nhà thờ trong cả ba ngày chủ nhật  của ba tuần lễ sau ngày đắc cử, mà để thì giờ rãnh này đi gym tập thể dục. Ông là vị Tổng Thống tân cử đầu tiên không đi nhà thờ sau bầu cử, thậm chí cũng không chịu vào nhà thờ để cảm ơn Thượng Đế… Lý do được giải thích là để tránh gây ra các đám đông phiền toái cho nhà thờ. Dù vậy, Obama có rất nhiều hỗ trợ từ giới nhà thờ, đặc biệt là từ cộng đồng da đen.

Trong khoảng 2 thập niên, Obama và gia đình đi nhà thờ Trinity United Church of Christ tại Chicago. Từ khi báo chí chĩa mũi dùi vào các bài giảng kích động ở đây của Mục Sư Jeremiah Wright, thì Obama và vợ, bà Michelle, từ tháng 6-2008 đã rời nhà thờ này. Thế rồi trong khi vận động, Obama đã trở về Chicago để vào nhà thờ Apostolic Church of God để dự lễ chủ nhật trong dịp Father’s Day, và cũng để thuyết trình trước cộng đồng da đen về ý nghĩa tình phụ tử và gia đình.

Thế nên, khả nghi thấy rõ. Có phải Obama là Phật Tử tàng hình? Nhiều người đã hỏi như thế.

Brenda Doerr viết trên phần diễn đàn của nhật báo Farmington Daily Times ngày 7-11-2008 rằng Obama nhất định phải là Phật Tử.

Bà viết, “Tôi thấy ra rồi. Câu chuyện Hồi Giáo chỉ là bày ra để lừa gạt dân chúng Mỹ thôi. Tay này thực sự là một nhà Thiền Phật Giáo. Các bạn hãy chuẩn bị. Tôi có nghe rằng luật đầu tiên mà tay này dự định cho hiệu lực áp dụng là không lên ngôi Tổng Thống vào tháng 1-2009, sẽ là ngăn cấm dân Mỹ vỗ tay bằng hai bàn tay. Chúng ta đều sẽ phải vỗ tay chỉ bằng một bàn tay kể từ luật này. Tay này cũng dự định ra luật động viên nhiều triệu thường dân vô tội và buộc họ đứng vòng quanh các cánh Rừng Lâm Viên Quốc Gia để lắng nghe tiếng cây đổ. Điều này giải thích tại sao tay này cứ đòi chuyển sự tập trung Cuộc Chiến Chống Khủng Bố từ Iraq sang Afghanistan. Tay này muốn trừng phạt bọn Taliban vì đã nổ bom phá sập các pho tượng Phật khổng lồ nơi đó. Các bạn ơi, chúng ta phải sẵn sàng để mắt ngó mọi chuyện mà tay Phật Tử ẩn hình này làm ngay trong năm đầu tiên.

Cũng cần giải thích một chút nơi đây. Trong Thiền Sử Nhật Bản, có một công án là “Hãy lắng nghe tiếng vỗ của một bàn tay.” Phải dùng tới hai bàn tay, mới vỗ tay cho có tiếng vỗ được. Vậy thì làm sao mà vỗ tay được với một bàn tay? Nơi đây Brenda Doerr tin là luật đầu tiên của Obama ký sẽ buộc mọi người sống như người tập Thiền… Điều này thấy rõ là bất khả, và sẽ không có ai và không nơi nào ép buộc như thế. Theo các nhà phân tích, dự luật đầu tiên mà Obama ký khi vào Bạch Oác sẽ là luật bơm tiền cứu nguy kinh tế.

Còn chuyện bắt người dân đứng quanh các rừng lâm viên lắng nghe tiếng cây đổ chỉ là ước mơ lâu đời của các nhà hoạt động môi sinh. Từ lâu họ đã chống lại các xưởng gỗ khai thác rừng, thậm chí có lúc họ tự xiềng vào gốc cây, không cho cưa đổ. Thấy rõ, luật thứ nhì mà Obama ký chắc chắn cũng không liên hệ gì tới môi sinh hay lá rừng, cây rừng… Trong tháng đầu nhậm chức Tổng Thống, có thể Obama sẽ ký một  luật thứ nhì hoặc cũng về tài chánh, hoặc về tạo ra việc làm, hoặc về cuộc chiến chống khủng bố… Bởi vì truyền thống báo chí Mỹ vẫn ưa cho 100 ngày ân hạn, sau đó là bắt đầu truyền thông nã đạn. Thế nên, các luật đầu tiên ký là phải có tính biểu tượng, và phải đúng quan tâm của đa số người đã bỏ phiếu cho ông. Vậy, thì sau luật cứu nguy kinh tế sẽ không phải chuyện lá rừng. Thậm chí, có thể là chuyện đồng tính luyến ái, hay chuyện quyền phá thai… cũng phải là sau 100 ngày trăng mật… Không lẽ, kiếm chuyện gây lộn với những người bảo thủ ngay trong những ngày mới lên ngôi?

Còn chuyện đưa lính Mỹ từ Iraq sang Afghanistan chỉ để trả thù chuyện Taliban phá sập tượng Phật cổ chỉ là nói chơi thôi. Từ thân mạng người, cho tới lâu đài, điện các, tinh cầu… còn tới lúc hư vỡ… thì nói chi tới tượng Phật. Không có Phật Tử nào hơi đâu mà trả thù. 

Thực tế nữa, trong những lúc lỡ miệng, Obama không hề buộc miệng cho thấy dấu hiệu Phật Tử nào trong đầu ông. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình ABC, Obama có lúc buộc miệng mấy chữ “niềm tin Hồi Giáo của tôi” (my Muslim faith), và đây là cớ để nhiều người vin làm cớ kích động cử tri Kytô-giáo bất kể là ông đã chỉnh lại. Như thế, có phải trong tiềm thức của ông có ảnh hưởng Hồi Giáo? Người ta không tin như thế, cho dù là giáo hội United Church of Christ mà Obama đi lễ trong 2 thập niên rất mực cấp tiến, cởi mở, phóng khoáng… tới nổi không thấy kình địch với Hồi Giáo. 

Nhưng tại sao Obama không buộc miệng “niềm tin Phật Giáo của tôi” trên ABC hay trên bất kỳ làn sóng truyền hình nào? Có lẽ câu trả lời đơn giản là, Phật Giáo mang nhiều câu hỏi, nhưng không đòi hỏi đức tin. Thế nên, Phật Tử ưa chất vấn, mà không hề nói rằng cần phải tin mà không cần thấy… Thế nên, Phật Tử không tin vào sự cứu rỗi ngoài tự tâm mình, mà chỉ tin vào nỗ lực giải thoát tự thân… Vậy thì, Obama có phải là Phật Tử tàng hình hay không? Cũng chưa có câu trả lời, có thể là vì chính Obama cũng không tự trả lời nổi… 

Như thế, hẳn nhiên là huyền thoại “Phật Tử Obama” có thể là do chính ban vận động của Obama phóng ra nhằm chiêu dụ phiếu của cử tri Phật Tử? Cũng không hẳn như thế. Bởi vì cuộc tranh luận về “Phật Tử Obama” chưa bao giờ ra tới quần chúng, mà chỉ lòng vòng trong các nhóm nhỏ nhà Thiền Hoa Kỳ. Thêm nữa, đẩy ra huyền thoại này lại có thể làm mất phiếu cử tri Thiên Chúa Giáo, một khối đa số trước giờ vẫn có thiên hướng cực đoan. Cử tri Phật Tử chỉ là khối thiểu số, không cần chiêu dụ bằng các huyền thoại.

Daniel Burke, dân biểu tiểu bang Illinois, đã viết bài nhan đề “Buddhists get engaged in race for president” (Phật Tử tham dự vào cuộc đua ghế Tổng Thống) đăng trên nhiều báo Mỹ ngày 28-10-2008, nhận định rằng:

Đếm bằng cách nào đi nữa, thì cư dân sống tại thành phố New York vẫn đông hơn số người tu học Phật Giáo khắp Hoa Kỳ. Do vậy, Phật Tử Mỹ nhiều phần sẽ không trở thành một cỗ máy chính trị hay là khối phiếu lệch quan trọng sớm được. Nhưng trong khi tôn gaio1 từ Phương Đông này bén rễ vào Phương Tây, nhiều Phật Tử đang để lại dấu ấn vào chính trị Mỹ, kể cả trong cuộc tranh ghế Tổng Thống năm nay.

“Nhiều di dân Phật Tử trốn chạy các chế độ cộng sản ở Đông Nam Á có khuynh hướng bảo thủ về chính trị, điều này có thể giúp ứng cử viên Cộng Hòa John McCain. Nhưng đa số Phật Tử Mỹ lại là người mới nhập đạo, những người có khuynh hướng cởi mở (liberal = cấp tiến, phóng khoáng) và nhiều người ủng hộ ứng cử viên Dân Chủ Barck Obama.

“Thí dụ, như  Sharon Salzberg.

“Hồi tháng 9-2008, nhà văn nữ này, và là một thiền sư nổi tiếng, đã bay tới Ohio (người dịch ghi chú: vì Ohio là tiểu bang nghiêng ngửa, nên từng lá phiếu đều có tính quyết định quan trọng) và ghi danh vào sổ cử tri lần đầu tiên trong 56 năm trong đời của bà. Salzberg, một cư dân New York City, nói rằng Obama làm cho bà quan tâm. “Thông điệp của Obama rằng chúng ta là người giữ gìn các anh em, các chị em và rằng chúng ta phải hợp tác để thực hiện một viễn kiến tốt đẹp hơn đã làm tôi xúc động thâm sâu,” theo lời bà Salzberg.

“Nữ thiền sư Salzberg là một trong 25 tác giả và vị thầy (về Phật Giáo) cùng ký tên vào một bản văn hồi tháng 9-2008 để kêu gọi Phật Tử quan tâm tới chính trị.

“Các vị thầy Phật Giáo Hoa Kỳ đó viết, “Bất kể các bạn có khuynh hướng chính trị nào, vai trò công dân có nhiều thông tin và tích cực của các bạn là một phần của việc tu học tại nhà khôn ngoan.

“Như thế có thể sẽ thuận lợi  nhiều cho Obama. Phật Tử chỉ chiếm có 1% dân số Mỹ (tương đương số tín đồ Hồi Giáo), thuộc nhóm những người khuynh hướng tôn giáo cởi mở, theo bản thăm dò của Pew Forum on Religion & Public Life. Tới hơn 2/3 nói rằng họ là Dân Chủ, hay nghiêng về Dân Chủ.

“Một tổ chức lấy tên là Buddhists for Obama (Phật Tử Vì Obama) với 500 thành viên đã quyên hơn 230,000 Mỹ Kim, bảo trợ hơn 1,700 buổi vận động và gọi 26,000 cú điện thoại xin phiếu cho Obama, theo bản tin trên web của Obama. Và hoàn toàn không có một tổ chức Phật Giáo nào chính thức bênh ứng viên John McCan…” (hết trích dịch)

Lý do bênh vực Obama được đưa ra là Obama nói phù hợp giáo lý nhà Phật, như tôn trọng bình đẳng, tôn trọng đối thoại, tính liên lập giữa các nước và các nhóm bất kể mọi dị biệt, tính chủ hòa, phóng khoáng… 

Tuy nhiên, cần thấy rằng có rất nhiều Phật Tử đã bầu cho McCain. Bài viết của Burke cũng ghi nhận:

Như thế không phải để nói rằng Phật Giáo trong tự thân đã phóng khoáng. Một thiểu số đông Phật Tử – đặc biệt là dân Mỹ gốc Á – đã bỏ phiếu cho Cộng Hòa, theo lời Jeff Wilson, giáo sư tôn giáo học tại Renison College, University of Waterloo tại Canada.

“Thầy Viên Đức, viện chủ tu viện Auspicious Cloud Monastery tại thành phố Haymarket, Va., nói rằng nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ Cộng Hòa vì lập trường chống cộng cứng rắn thời Chiến Tranh Lạnh.

“Thầy nói về chủ nghĩa cộng sản, “Người dân Việt bình thường, bởi vì họ đã đau khổ với chủ nghĩa CS, không muốn bất cứ thứ gì liên hệ tới CS.”..” (hết trích dịch)

Trong thời gian vận động tranh cử sôi nổi, bạn hẳn đã từng nghe có người gọi Obama là siêu sao (tất nhiên, so sánh với ca sĩ thì không hẳn là kiếm thêm nhiều phiếu, nhưng cũng sẽ hấp dẫn hơn với nhiều cử tri, và cũng sẽ dị ứng với nhiều cử tri), rồi vợ của Obama, bà Michelle, đã đẩy tới mức xa hơn, rằng Obama cũng làm kiểu như một Đấng Cứu Thế, vì “Obama có thể chữa lành những linh hồn tan vỡ của dân Mỹ…” 

Có ông mục sư nào dám ca ngợi Obama như thế không? Cướp cả quyền của các giáo hội Ky Tô Giáo? Thế rồi nhà hoạt động da đen lừng danh Louis Farrakhan, người từng tổ chức những cuộc diễn hành cả triệu người tại thủ đô Washington DC và là lãnh tụ hệ phái Hồi Giáo Hoa Kỳ ‘Nation of Islam’, lại ca ngợi Obama là “Đấng Cứu Thế” và là “hy vọng của toàn thể thế giới.” 

Farrakhan nói ngày 24-2-2008 trước đám đông 20,000 người về Obama: ‘Người trẻ tuổi này là hy vọng của toàn thể thế giới rằng Hoa Kỳ sẽ biến đổi sẽ sẽ trở thành tốt hơn. Người trẻ tuổi này đang thu hút các khán giả từ các chủng tộc da đen, da nâu, da đỏ và da vàng…” Thấy rõ, lãnh tụ này nói vẫn còn thiếu một màu da… Hóa ra Thượng Đế, nếu có, phải là kỳ thị chủng tộc.

Thế rồi Farrakhan lại nói : “Các bạn là khí cụ mà Thượng Đế sử dụng để biến đổi hoàn vũ, và đó là lý do tại sao obama đã thu hút được giới trẻ. Và anh ta đã vận động được giới trẻ trong một tiến  trình chính trị mà họ trước đó đã không  bận tâm gì tới. Đó là một dấu hiệu. Và khi đấng cứu thế nói, tuổi trẻ sẽ nghe, và đấng cứu thế đang nói một cách tuyệt đối. Các anh, các chị. Barack obama đối với tôi là vị tiên tri tiền hô của đấng cứu thế. Obama hệt như tiếng kèn báo hiệu cho các bạn những gì rất là mới, những gì tốt đẹp hơn đang tới…

Không chỉ lập trường chủ hòa của Obama đã làm cho nhiều người cảm thấy nơi Obama có cách suy nghĩ rất gần với Phật giáo. Obama còn có một cô em gái là Phật Tử , cũng là một lý do để cộng đồng Phật giáo thấy ngay “có vẻ như là phe ta.’ Thực ra, nếu dựa trên thân tộc mà xét đoán sẽ dễ dàng sai lạc, bởi vì ông bố của Obama là tín đồ Hồi giáo. Nhưng cách cô em Phật Tử  trả lời phỏng vấn trên tờ New York Times hồi đầu tháng 2-2008 đã cho người đọc cảm giác thân cận hơn với Phật Tử  tàng hình Obama.

Cô em cùng mẹ khác cha với Obama có tên là Maya Soetoro-Ng, đã trả lời phóng viên Deborah Solomon như sau.

Hỏi: Hãy nói về cuộc bầu sơ bộ Dân Chủ ngày 19-2-2008 tại Hawaii, nơi Barack Obama ra đời. Cô sẽ vận động cho ông anh của cô?

- Vâng, dĩ nhiên. Tôi đã xin nghỉ việc giáo viên ở Honolulu một thời gian  và vừa về lại sau 2 tháng vận động. Tôi có dán một tờ bumper sticker nơi tấm gờ cản của xe tôi có dòng chữ “Ngày 20-1-09. Kết thúc một sai lầm.”

H: Thế cái bumper sticker loại nào thế?

- Nó không ghi cụ thể tên ứng viên nào cả. Đó chỉ là một bumper sticker thế thôi. Tôi còn có 3 cái khác trên xe tôi, trong đó một cái viết “Phụ nữ vì Obama.”

H: Tuổi của cô cách biệt với Obama bao nhiêu?

- Tôi nhỏ hơn 9 tuổi. Mẹ tôi, sau khi ly dị cha của anh Brack, đã gặp cha tôi tại cùng chỗ, Trung Tâm East-West Centre trong khuôn viên trường University of Hawaii. 

H: Cha của Obama là người Kenya, và cha cô là người Indonesia. Mẹ cô thường được gọi là người suy nghĩ tự do, một nhà nhân chủng học từ Wichita, Kan., đã dọn tới cư ngụ ở Jakarta sau cuộc hôn nhân thứ nhì. 

- Mẹ tôi là một phụ nữ can đảm. Và mẹ có tấm lòng yêu thương nồng nhiệt với cuộc   đời.  Mẹ yêu thương thế giới tự nhiên. Mẹ tôi có khi đánh thức chúng tôi dậy vào lúc nửa đêm để nhìn vào mặt trăng. Khi tôi còn vị thành niên, việc như thế gây bực bội lớn bởi vì tôi chỉ muốn ngủ. Mẹ tôi chết năm 52 tuổi, vì ung thư buồng trứng. Bây giờ, hơn bất cứ việc gì trên đời, tôi ước mơ tất cả những người nữ trong đời của anh Barack – mẹ tôi, vợ và các con gái anh, con gái tôi, bà ngoại chúng tôi, và người em gái nửa dòng máu Kenya của anh – tôi ước mơ chúng tôi có thể cùng nhau ngồi chung và nhìn ngắm mặt trăng.

H: Mẹ cô được mô tả là vô thần.

- Tôi sẽ không gọi mẹ là vô thần. Bà là người nghi vấn. Một cách căn bản, mẹ đã cho chúng tôi tất cả các sách tốt đẹp – Kinh Thánh Ky-tô, Áo nghĩa thư Ấn Độ giáo, Kinh Phật, Đạo Đức Kinh Lão giáo – và muốn chúng tôi công nhận rằng mọi  người đều có phẩm cách tốt đẹp để đóng góp.

H: Cô không nhắc tới Kinh Koran hồi giáo trong danh sách trên, mặc dù Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới.

- Lý ra tôi nên nhắc tới Koran. Mẹ tôi thực sự không nhấn mạnh vào Kinh Koran, nhưng chúng tôi đã đọc những phần nhỏ trong đó. Chúng tôi đã nghe kinh cầu buổi sáng ở Indonesia. 

H: Cô lo ngại về chuyện nhắc tới Hồi giáo vì cớ này đã bị nhiều người vận động kình chống nêu ra nhằm bôi bác anh của cô?

- Tôi không lo ngại gì. Tôi không muốn bác bỏ Hồi giáo. Tôi nghĩ điều hiển nhiên cực kỳ quan trọng là chúng ta phải hiểu về Hồi giáo, hiểu nhiều hơn. Cùng lúc, sẽ là sai lầm khi gắn chuyện này với anh tôi. Anh tôi là tín đồ Ky-tô giáo từ 20 năm nay rồi.

H: Cô theo đạo nào?

- Một cách triết lý, tôi sẽ nói rằng tôi là một Phật Tử … (hết trích dịch)

Bài phỏng vấn còn thêm một số câu hỏi, nhưng đó lại là chuyện khác. Nơi đây chỉ muốn nói rằng gia đình anh chàng Barack Obama y hệt như một “lẩu thập cẩm,” nếu bạn muốn nói kiểu dân gian, hay là y hệt như một “ngôi làng đa dạng toàn cầu hóa,” nếu bạn muốn nói kiểu ngôn ngữ hậu hiện đại.

Nhưng bản thân Obama cũng cố ý mập mờ nhân ảnh trong thời gian vận động. Khi biết rằng Nhật Bản có một ngôi làng ven biển tên là Obama, nghĩa tiếng Nhật  là ‘bờ biển nhỏ’, và được cư dân nơi đây ủng hộ ngồng nhiệt, ứng cử viên Barack Obama mới viết một lá thư cho thị trưởng ngôi làng đang muốn biến thành trung tâm du lịch mới nhờ trùng tên với người hy vọng trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ tương lai.

Lá thư cảm ơn có đoạn viết: “Chúng ta chia sẻ nhiều hơn mà một tên gọi. Chúng ta chia sẻ một hành tinh chung và một trách nhiệm chung. Tôi nhìn về một tương lai được ghi dấu mốc bởi tình thân hữu tiếp tục giữa 2 đất nước vĩ đại của chúng ta và một quyết tâm được chia sẽ để làm thế giới tốt đẹp hơn, tự do hơn.”

Một nhà phân tích nói rằng như thế có thể suy đoán rằng Obama là một Phật Tử  tàng hình, một chủng loại rất là nhiều trên thế giới này, tuy tin và sống theo giáo lý nhà Phật nhưng nhất định không chịu đi chùa… bởi vì Kinh Phật không ép buộc điều gì, và không hù dọa trừng phạt ai.

Chia sẻ nhiều hơn một tên gọi? Chia sẻ một hành tinh thì tất nhiên rồi, vì có ai đứng nơi đây mà dám tự xưng mình là người từ không gian tới. Cụ thể, làm sao mà chia sẻ khi Obama không biết nói tiếng Nhật, và hẳn nhiên là lớn lên trong một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt? Obama cũng không sống bằng nghề lưới  cá như dân làng Obama, mà cũng không sống ở Nhật, cũng không da vàng… Thế là, chỉ có thể suy đoán rằng Obama là một Phật Tử . Đó mới là điểm chung với cư dân thị xã Obama.

Nhưng hẳn nhiên là Obama phức tạp hơn mọi định nghĩa ngắn gọn. Tạp chí Newsweek số ngày 21-7-2008 có bài viết nhan đề “Finding His Faith” (Đi Tìm Tín Ngưỡng) ghi nhận về các chặng đường tâm linh của Obama.

Tóm lược là, sau nhiều năm khám phá các chặng đường tâm linh, kể cả nhịn đói, kể cả “nhiều ngày im lặng không mở miệng với ai,” đọc đủ thứ sách vở cổ kim đạo học và vô thần,  ít chịu tiết lộ về “những gì ông tin tưởng – về Thượng Đế, về Cầu nguyện. về liên hệ giữa cứu rỗi và trách nhiệm cá nhân,” rồi trở thành Ki-tô hữu, làm phép báp-têm đầu thập niên 1990s tại nhà thờ Trinity United Church of Christ tại Chicago.

Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò của Newsweek, “có tới 12% cử tri tin một cách sai lầm rằng Obama là tín đồ Hồi giáo; hơn ¼ tin rằng Obama được trưởng thành trong một gia đình Hồi giáo.”

Vậy là tàng hình quá hay . Bởi vì cũng rất ít người biết rằng cô em của Obama là Phật Tử . Cũng như ít người biết rằng mẹ của Obama đã từng đưa Obama và cô em Maya Soetoro-Ng tới thămBorobudur, một di tích Phật giáo lớn của thế giới tại Indonesia. Bản thân bà mẹ của Obama khi làm việc tại Ấn Độ cũng đã vào sống trong một tu viện Phật giáo. Và bà mẹ này đã từng đưa cho Obama đọc Kinh Phật. Thử hỏi có bao nhiêu bậc bố mẹ Phật Tử tại Mỹ đi mua kinh sách nhà Phật về đưa cho con đọc? 

Cô em Maya sau này kể với Newsweek về các kinh nghiệm đi chùa với mẹ,“Những kinh nghiệm thế này là một phần thường xuyên trong thời thơ ấu của chúng tôi và trong sự trưởng thành của chúng tôi, và đi chùa như thế lại quan trọng với mẹ chúng tôi vì có tham dự nghi lễ. Mẹ nghĩ rằng nghi lễ nhà chùa rất là đẹp. Cái ý nghĩ rằng nhân loại nỗ lực để tốt đẹp hơn, có những sự tò mò và chất vấn về mọi thứ này, thì thường trực vẫn nằm trong tâm thức mẹ chúng tôi.”

Như thế, chúng ta có thể thấy, bà mẹ của Obama phải gọi được là Phật Tử  tàng hình. Bởi vì rất nhiều bậc bố mẹ Phật Tử  gốc Việt hiện nay cũng không chắc đã dẫn con mình đi chùa thường xuyên.

Khi Franklin Graham hỏi Obama rằng, trong cương vị một Ki-tô hữu, làm sao Obama có thể hòa giải hòa hợp lời của Tân ước rằng sự cứu rỗi chỉ có thể là từ đấng Christ với một cuộc vận động nhấn mạnh vào tính đa dạng và chủ nghĩa đa nguyên, Obama nói với Newsweek rằng Obama đã trả lời: “Tín điều từ đạo Ky-tô của tôi nói rằng cứu rỗi chỉ từ đấng Christ thôi, nhưng tôi cũng tin vào Luật Vàng (Golden Rule: ám chỉ luật Luật Thượng Đế yêu thương nhân loại) mà tôi nghĩ đó không chỉ là phần chủ yếu trong đức tin của tôi nhưng còn là của giá trị của tôi, lý tưởng của tôi và kinh nghiệm của tôi nơi đây, trên địa cầu. Tôi đã nói điều này trước đây, và tôi biết điều này gây nhiều thắc mắc từ một số người rao giảng Tin lành Phúc âm. Tôi không tin rằng mẹ tôi, theo như tôi biết, người chưa bao giờ chính thức vào đạo Ky-tô… Tôi không tin rằng mẹ tôi xuống địa ngục.” 

Có phải Obama muốn nói rằng dẫn con đi chùa như mẹ của Obama rồi sẽ thoát địa ngục Ky-tô giáo? Như thế, thấy rõ là rất nhiều nhà thờ dị ứng với Obama. Thậm chí trong khi nhiều người bực bội vì Obama gọi cuộc chiến Iraq là cuộc chiến ngu ngốc (the dumb war), thì nhiều vị mục sư  vui mừng khi nghe ứng cử viên Phó Tổng thống Cộng Hòa Sarah Palin nói trước nhà thờ Tin Lành Ngũ Tuần (Pentecostal) rằng cuộc chiến Iraq là do Hoa Kỳ thực hiện ý chí của Thượng Đế.

Nhưng Obama, một cách chính thức, vẫn là tín đồ của một hệ phái Tin Lành, dù là có bất đồng với Kinh Tân Ước, hay bất đồng với việc TT Bush đưa quân vào Iraq. Một cách căn bản, Obama ưa nói tới luật nhân quả, luật duyên sinh, vì cái này có cho nên mới có cái kia, ưa nói chữ “bởi vì thế này, bởi vì thế kia…” trong khi TT Bush chỉ ưa nói đơn giản rằng “thế này, thế kia… vì là ý của Thiên chúa.” 

Nghĩa là, trong đầu của Obama không có khái niệm về một cái gì “tự sinh, tự hiện hữu” hay không? Bởi vì, người nào luôn luôn suy nghĩ về chữ “bởi vì” tất nhiên phải là Phật Tử …

Lama Surya Das, một Thiền Sư nổi tiếng của Hoa Kỳ trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, đã lên truyền hình trong chương trình The Colbert Report, nói về “Mười hai lý do vì sao Obama nên trở thành Phật Tử ” (12 Reasons Why Obama Should Become A Buddhist). Sau đây là 12 lý do, xếp theo thứ tự đảo chiều, dịch như sau, các chữ in hoa trong tiếng Anh cũng sẽ viết ra in hoa trong bản dịch này.

“12. Phật Tử  thì vui hơn nhiều lắm.

11. Sẽ rất là tuyệt vời để có một vị Tổng Thống đã từng một lần thực tập chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh kiến và chánh mệnh như lời Phật dạy. 
10. Tôi sẽ gọi ông ta là Lạt ma trưởng Obama.

9. Tất cả những người tốt nhất đều là {Phật Tử }. Tôn giáo của tôi là tuyệt vời nhất và là con đường duy nhất, cũng y hệt như [tôn giáo] của các bạn.

8. Đức Phật đã qua 2500 năm giảng dạy về sự biến đổi {vô thường} và sự chấp nhận đa dạng.

7. Thiền định và pháp quán niệm  tỉnh thức của Phật giáo tốt cho sức khỏe thân xác và tinh thần.

6. Đức Phật là lãnh tụ gìn giữ môi sinh  đầu tiên, và là người bảo vệ thú vật cũng như nhân loại. (Obama có thế đổi tên dinh Bạch Ốc thành “Nhà Xanh [Môi Trường}”.

5. Bất bạo động và phụng sự chúng sinh là phương pháp nhà Phật. Chiến tranh có thể bị loại ra ngoài vòng pháp luật.

4. Pháp tu tỉnh thức của Phật giáo để đối trị sân hận, và cách giải quyết mâu thuẫn bất bạo động có thể làm Obama trở thành một lãnh tụ giác ngộ, như bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện và Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. (Tổng Thống Nga Medvedev thì dùng yoga.)

3. Tôi là một vị Phật, và bạn cũng có thể như thế.

2. Điều này sẽ giúp giải quyết khủng hoảng năng lượng.

VÀ CUỐI CÙNG, TUY CUỐI CÙNG NHƯNG KHÔNG PHẢI KÉM QUAN TRỌNG,

Câu trả lời cha tôi ưa thích cho tất cả mọi câu hỏi lớn của cuộc đời:

1. BỞI VÌ…” (hết dịch) 

Vậy thì, chúng ta nên kết luận thế nào cho câu hỏi “Obama có phải là Phật Tử ?” Cách đơn giản nhất, là bạn nên tới gần Tổng Thống tân cử Obama một dịp nào đó và hỏi như thế. Nếu Obama trả lời, “Vâng, đúng thế…” thì kể như là xong, đúng là Phật Tử . Còn như Obama trả lời, “Không, chỉ bởi vì…” thì cũng kể như là xong. Bởi vì, ai mà ưa sử dụng chữ “bởi vì,” hẳn nhiên phải là tin vào luật “duyên sinh,” vì có cái này nên mới có cái kia. Không phải Phật Tử  thì là gì? Còn như Obama im lặng? Tới đây lại cần đẩy thêm một bậc nữa, người Phật Tử thật chính thống, tất phải là “vô ngôn,” vì sẽ không lời nào để nói được tới cái dòng sống đang trôi chảy… Thế đấy.

Như thế, phải chăng, chúng ta có thể gọi Obama là vị Tổng Thống Phật Tử đầu tiên của Hoa Kỳ?

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây