Kinh Ưu Bà Tắc Giới Tướng
PHẬT THUYẾT KINH NĂM GIỚI TƯỚNG CỦA ƯU BÀ TẮC Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống PHẦN HAI GIỚI TRỘM Đức Phật dạy các thầy Tỳ Kheo, hàng Ưu Bà Tắc dùng ba cách để lấy vật quý của người khác, phạm tội không thể sám hối. Một là dùng tâm. Hai là dùng thân. Ba là lìa khỏi chỗ cũ. Dùng tâm tức là khởi tâm nghĩ tưởng, muốn thực hiện việc trộm cướp. Dùng thân tức là dùng thân phần để lấy vật của người khác. Lìa ở chỗ cũ tức là vật ở chỗ này lại dời qua chỗ khác. Lại có ba cách lấy vật quý của người, phạm tội không thể sám hối. Một là tự lấy. Hai là dạy người khác lấy. Ba là sai khiến người lấy. Tự lấy tức là tự tay nhấc rời khỏi chỗ cũ. Dạy người khác lấy là nếu có Ưu Bà Tắc dạy người lấy trộm vật của kẻ khác, người đó liền lấy khỏi chỗ cũ. Sai khiến là bảo người rằng: Ngươi biết chỗ để vật quý đó không? Đáp rằng: Biết chỗ. Bèn sai đến lấy trộm, người ấy theo lời dạy lấy dời khỏi chỗ cũ. Lại có năm cách lấy vật quý của người, phạm tội không thể sám hối. Cố ý lấy. Xem thường mà lấy. Dối trá xưng danh để tự lấy. Cưỡng đoạt lấy. Nhận người gởi mà lấy. Trọng vật tức là vật trị giá năm tiền trở lên, phạm tội không thể sám hối. Nếu người cư sĩ biết người khác có năm thứ báu, hoặc giống như năm thứ báu, rồi dùng tâm trộm lựa ra mà chưa dời khỏi chỗ cũ thì phạm tội có thể sám hối. Nếu soạn ra xong lấy lìa khỏi chỗ cũ, số lượng vật trị giá năm tiền, phạm tội không thể sám hối. Lìa khỏi chỗ cũ như dệt vải, khi hứa với người thứ chỉ này lại dệt chỉ khác, gọi là đổi chỗ, hoặc da, hoặc áo dùng đúng một màu gọi là đúng chỗ, hễ dùng màu khác thì gọi là đổi chỗ, hoặc mền lông, một lớp lông gọi là đúng chỗ, một màu gọi là đúng chỗ, khác màu gọi là khác chỗ, thế gọi là khác chỗ. Nếu cư sĩ gánh vật mướn cho người, rồi dùng tâm trộm đổi từ vai trái để qua vai phải, tay phải để qua tay trái, những thân phần như thế, gọi là đổi chỗ. Xe thì bánh, trục, đòn ngang xe. Thuyền thì hai bánh lái trước, sau. Nhà thì kèo cột rui mè, đòn tay bốn góc và xung quanh, đều gọi là đổi chỗ. Nếu dùng tâm trộm dời vật để ở chỗ khác, thì đều phạm tội không thể sám hối. Trộm vật trong nước tức là người ta chặt cây rồi thả trôi theo dòng, cư sĩ lấy bằng tâm trộm thì phạm tội không thể sám hối. Nếu có tâm trộm nắm cây khiến cho trụ ở sau dòng, đến trước mé, rồi đem tâm trộm nhận cho chìm xuống đáy sông, hoặc khi vừa lấy rời khỏi nước, đều phạm tội không thể sám hối. Lại như có chủ nuôi chim trong ao, cư sĩ dùng tâm trộm nhận chìm xuống nước, thì phạm tội có thể sám hối. Nếu như đem ra khỏi ao nước, thì phạm tội không thể sám hối. Hoặc nhà người khác nuôi chim bay vào trong ao bị bỏ hoang, cư sĩ dùng tâm trộm bắt đem đi nơi khác, cho đến nhận chìm xuống đáy, đều phạm tội không thể sám hối. Lại có cư sĩ trong ngoài trang nghiêm đầy đủ các thứ, ở trên lầu quan sát, thấy các loài chim có chủ, ngậm báu vật bay đi, cư sĩ dùng tâm trộm đoạt lấy báu vật của chim này, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu thấy chim ngậm báu vật bay đi, dùng tâm trộm từ xa trông đợi, thì phạm tội bậc trung có thể sám hối. Nếu dùng chú lực khiến cho chim kia tùy ý đi đến chỗ theo ý mình mong muốn, thì phạm tội không thể sám hối. Nếu đến các chỗ khác thì phạm tội có thể sám hối. Nếu có chim hoang ngậm của báu bay đi, cư sĩ đem tâm trộm đoạt lấy báu vật của chim hoang ấy, phạm tội có thể sám hối, còn như chờ chim hoang bay đến thì phạm tội nhẹ có thể sám hối. Lại nữa có các loài chim hoang dã, ngậm báu vật bay đi các nơi, chim có chủ đoạt lấy của chim hoang dã, cư sĩ lại đem tâm trộm đoạt lấy báu vật của chim có chủ, phạm tội không thể sám hối. Còn như chờ chim bay đến thì phạm tội bậc trung có thể sám hối, ngoài ra như đã nói ở trên. Lại nữa, như các loài chim có chủ ngậm bảo vật bay đi bị chim hoang đoạt, cư sĩ đem tâm trộm đoạt lấy vật của chim hoang, phạm tội bậc trung có thể sám hối, lúc chờ đợi cũng phạm tội có thể sám hối, ngoài ra cũng giống như trên. Nếu hàng cư sĩ chơi đánh cờ lại dùng tâm trộm chuyển đổi vị trí con cờ để thắng người, khi thắng được năm tiền thì phạm tội không thể sám hối. Nếu hàng cư sĩ dùng tâm trộm lấy Xá Lợi phạm tội bậc trung có thể sám hối, nếu dùng tâm cung kính mà nghĩ rằng Phật cũng là thầy, ta đem tâm thanh tịnh mà đoạt lấy thì không phạm. Nếu hàng cư sĩ đem tâm trộm lấy Kinh, phạm tội không thể sám hối, nhưng phải tính ra giá trị của Kinh mà phân định tội nặng nhẹ. Nói đến trộm ruộng thì có hai nhân duyên đoạt ruộng người khác, một là cáo trạng thắng kiện được, hai là lấn ranh. Nếu hàng cư sĩ muốn chiếm đất, cho nên cố lấn cho được, nếu lấn quá phần, trị giá năm tiền phạm tội không thể hối. Có các cư sĩ đáng lý phải nộp thuế nhưng trốn không nộp, nếu quá năm tiền phạm tội không thể sám hối. Lại có cư sĩ mang vật phải đi ngang qua chỗ quan thuế, bèn nói với các cư sĩ khác rằng: Các vị mang dùm tôi vật này qua cửa ải, tôi sẽ biếu cho các vị nửa tiền thuế, các cư sĩ nhận lời cầm qua, nếu như trốn thuế quá năm tiền, phạm tội không thể sám hối. Cư sĩ nếu chỉ dạy người con đường khác khiến cho trốn thuế, vật mang qua trị giá năm tiền phạm tội bậc trung có thể sám hối. Nếu chỗ thuế có nạn giặc, ác thú hoặc đói khát mà chỉ bày con đường khác, nhằm để khỏi hẳn điều nguy hại này thì không phạm. Lại có cư sĩ hẹn với giặc cướp cùng nhau mưu mô cướp phá các thôn xóm, được tài sản rồi cùng nhau phân chia, cư sĩ được chia trị giá năm tiền phạm tội không thể sám hối. Trộm của chúng sanh không chân, cư sĩ thấy người hớt lăng quăng đổ vào bình của họ, sau đó lén trút qua bình mình, thì phạm tội không thể sám hối, sự chọn lựa giống như trên. Trộm của chúng sanh hai chân, ba chân, người và các loài chim thiên nga, nhạn, anh vũ… các loài chim bị nhốt ở trong lồng, nếu đem tâm trộm cướp mà lấy thì phạm tội không thể sám hối, ngoài ra như trên đã giải thích. Trộm người có hai cách, một là vác đi, hai là cùng hẹn. Nếu cư sĩ đem tâm trộm vác người ở trên vai, hai chân người ấy hỏng đất, phạm tội không thể sám hối. Nếu như cùng hẹn, hễ đi quá hai bước, phạm tội không thể sám hối, ngoài ra đều giống như đã nói ở trên. Trộm loài vật bốn chân như: Voi, ngựa, bò, dê… những loài vật thuộc sở hữu của người, họ lấy dây buộc vào một chỗ cố định, cư sĩ dùng tâm trộm dẫn đi, hễ bốn chân con vật vừa bước, phạm tội không thể sám hối. Nếu con vật nằm ở một nơi, đem tâm trộm đuổi đi, vật đứng dậy, bốn chân vừa bước đi, phạm tội không thể sám hối, loài nhiều chân cũng giống như vậy. Nếu như con vật nằm ở trong chuồng, ngoài có rào, vách ngăn bên trong, đem tâm trộm mà đuổi bắt, vật vừa ra khỏi chuồng, phạm tội không thể sám hối. Còn những trường hợp khác như đã nói ở trên. Nếu loài vật ấy đang thả ở ngoài đồng, cư sĩ đem tâm trộm nghĩ rằng: Phải chi người chăn đi vào trong rừng ta sẽ trộm lấy, vừa khởi ra ý niệm như thế phạm tội bậc trung có thể sám hối. Nếu tự giết con vật đồng với tội sát, giết rồi lấy thịt chừng năm tiền, phạm tội không thể sám hối. Lại có bảy loại: Biết chẳng phải vật của mình. Người chủ không đồng ý. Không phải tạm dùng. Biết có chủ. Mình không điên cuồng. Tâm không bấn loạn. Không bị bệnh làm tâm mê mờ. Đây là bảy loại lấy trọng vật, phạm tội không thể sám hối. Lấy được khinh vật, phạm tội có thể sám hối, lại có bảy loại: Nghĩ là vật của mình. Người ta đồng ý. Tạm dùng. Vật không có chủ. Do điên cuồng. Tâm loạn. Bị bệnh làm tâm mê mờ. Bảy cách lấy vật trên đây thì không phạm. Có một cư sĩ trồng củ cải, lại có một người đến khu vườn nói với cư sĩ rằng: Cho ta ít củ cải. Cư sĩ hỏi rằng: Ngươi có tiền không? Đáp: Ta không tiền. Cư sĩ nói. Nếu cần củ cải thì cầm tiền đến, ta mới cho ngươi. Nếu đem cho không thì ta lấy gì để lo cho hai bữa ăn sớm chiều. Khách hỏi: Ngươi nhất định không cho ta à? Chủ bảo: Ta làm sao cho không ngươi được chứ? Khách liền dùng chú thuật khiến cho củ cải chết khô, khi trở về sanh lòng nghi ngờ, bèn đi đến bạch Phật, Phật dạy: Tính giá trị cọng lá hoa quả với gốc rễ, thì biết là tội nặng nhẹ có thể sám hối được không? Có một người ở trong Kỳ Hoàn, lúc đang cày ruộng cởi áo để trên bờ. Bấy giờ có cư sĩ đi ngang qua thấy áo, nhìn xung quanh không có ai hết, bèn lấy áo mang đi. Khi ấy, người cày ruộng từ xa thấy, nói với cư sĩ rằng: Ơ này đừng lấy áo tôi. cư sĩ không nghe, giống như là không có ai hết, tự cho áo này là vô chủ nên mang đi. Người cày ruồng liền đuổi theo chụp vai cư sĩ, nói rằng: Cách sống của ông là lấy của không cho ư? Cư sĩ đáp: Tôi nghĩ rằng chiếc áo nầy không có chủ nên mới lấy thôi, đâu phải cách sống của tôi như thế. Người cày ruộng nói: Đây là áo của tôi. Cư sĩ bảo: Nếu là áo của ông, thì nên lấy đi. Cư sĩ sanh lòng nghi ngờ, không biết mình có bị tội không? Mình phạm tội không thể sám hối ư? Liền đến chỗ Phật để thưa hỏi việc ấy. Phật biết mà cố hỏi: Vậy chứ ngươi lấy bằng tâm gì? Cư sĩ nói: Con cho là không có chủ. Phật dạy: Nếu như thế thì không phạm, nhưng từ nay về sau lấy vật phải khéo suy xét. Có khi vật tuy không có người giữ nhưng kỳ thật đã có chủ, nếu móng tâm lấy trộm, chưa lấy thì phạm tội bậc hạ có thể sám hối, lấy mà chưa đủ năm tiền thì phạm tội bậc trung có thể sám hối, lấy mà đủ năm tiền phạm tội không thể sám hối. *** Ý kiến bạn đọc