Kinh Ưu Bà Tắc Giới Tướng
PHẬT THUYẾT KINH NĂM GIỚI TƯỚNG CỦA ƯU BÀ TẮC Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ma, Đời Tống PHẦN NĂM GIỚI UỐNG RƯỢU Phật ở nước Chi Đề, ấp Bạt Dà La Bà Đề, là chỗ có con rồng độc tên là Am Bà La Đề Đà, hung bạo ác hại, không ai có thể đến chỗ ấy, voi ngựa, bò dê, lừa, lạc đà, không loài nào có thể tiếp cận, cho đến các loài chim cũng không dám bay trên hư không. Khi ngũ cốc chín đi thì nó lại phá diệt lúa thóc. Trưởng Lão Sa Ca Đà du hành đến nước Chi Đề, Ngài dần dần đến chỗ Bạt Đà La Ba Đề, ngủ qua đêm hôm ấy xong, sáng sớm Ngài đắp y cầm bát vào xóm khất thực. Khi khất thực, nghe nói ở ấp này có Độc Long tên là Am Bà La Đề Đà hung bạo ác hại, nhân dân chim thú không được ở yên. Khi ngũ cốc chín thì nó lại phá diệt lúa thóc. Tôn Giả nghe xong, sau khi đi khất thực thọ trai rồi, Ngài đến nơi mà Độc Long Am Bà La Đề Đà ở, bèn ngồi dưới gốc cây bên bờ suối, trải tọa cụ đại tòa. Độc Long nghe mùi liền nổi cáu, trong thân tuôn ra khói, Trưởng Lão Sa Ca Đà liền nhập chánh định, vận sức thần thông, trên thân cũng tuôn ra khói, Độc Long càng giận dữ, trên thân bèn tuôn ra lửa, Sa Ca Đà lại nhập vào hỏa quang tam muội. Thân cũng tuôn ra lửa, Độc Long lại tuôn mưa đá, Sa Ca Già Đà liền biến mưa đá đều thành bánh, Câu Bỉnh, Tủy Bỉnh, Ba Ba La Bỉnh, Độc Long lại tuôn ra sấm sét, Sa Già Đà liền biến thành các thứ bánh hoan hỷ, Độc Long lại mưa cung tên, dao mác, Sa Già Đà liền biến thành hoa Ưu Bát La, Ba Đầu Ma, Câu Mâu Đà. Bấy giờ Độc Long lại mưa độc xà, rết, rắn hổ mang, con sên, Sa Già Đà liền biến làm chuỗi anh lạc hoa Ưu Bát La, anh lạc hoa chiêm bặc, anh lạc hoa Bà Sư, anh lạc hoa A Đề Mục Da Già. Những thế lực như thế của Độc Long đều phô bày hết trước Sa Già Đà, hiện ra những đức tính như thế xong, vì không thể thắng Tôn Giả, nên nó liền mất oai lực và ánh sáng. Trưởng Lão Sa Già Đà biết sức rồng đã kiệt, không thể làm gì được nữa, Ngài liền biến thân mình nhỏ lại rồi chui vào lỗ tai Rồng, sau đó đi ra nơi hai con mắt, từ hai mắt ra xong, lại vào hai lỗ mũi rồi ra nơi miệng, trụ ở trên đảnh đầu của Độc Long, kinh hành qua lại nhưng Ngài không làm tổn thương Độc Long. Bấy giờ rồng thấy biết việc này, lòng rất kinh hãi, sợ sệt, lông trên thân dựng đứng, rồng bèn chắp tay đến trước Trưởng Lão Sa Già Đà nói: Con xin quy y Ngài. Sa Già Đà bảo: Ngươi chẳng cần quy y ta mà nên quy y thầy của ta, tức là quy y Phật. Rồng nói: Con từ nay quy y Tam Bảo, chứng biết cho con trọn đời làm đệ tử, Ưu Bà Tắc của Phật. Độc Long ấy thọ tam tự quy y, làm đệ tử Phật xong, lại không dám tạo những việc hung ác như trước nữa, mọi người và chim thú đều đến được chỗ ấy, lúc lúa chín cũng không còn bị phá hoại nữa, do vậy mà tiếng lành của Trưởng Lão truyền khắp trong nước. Trưởng Lão Sa Già Đà hàng phục được Độc Long, khiến cho nó trở nên thuần thiện, mọi người và chim thú đến được nơi ở của rồng, lúc lúa chín cũng không còn bị phá hoại nữa. Nhân thế tiếng lành Trưởng Lão Sa Già Đà truyền khắp, mọi người đều thiết trai để thỉnh Ngài. Trong ấy, có một người nữ nghèo kính thỉnh Trưởng Lão Sa Già Đà, Sa Già Đà im lặng nhận lời. Người nữ ấy sắm sửa thức ăn gọi là cháo sữa, Trưởng Lão thọ nhận ăn xong. Người nữ tư duy rằng: Vị Sa Môn này đã thọ dụng cháo sữa, có thể khiến Ngài sẽ phát lạnh. Thế là cô lấy rượu đem dâng cúng. Sa Già Đà vì không để ý lấy uống xong, thuyết pháp cho cô ta nghe, rồi Ngài xin từ giã ra đi. Khi đi qua khỏi hướng Chùa, thời gian sau liền thấm rượu và bị say, lúc về gần Chùa bèn té xuống đất, chiếc Tăng Già Lê, đãi lọc nước, bát, tích trượng, túi đựng dầu, giày dép, ống đựng kim, v.v… thân ở một nơi, đồ vật ở một ngã, say mê không còn biết gì nữa. Bấy giờ Phật cùng với A Nan du hành đến nơi ấy, Phật thấy Tỳ Kheo này rồi. Ngài biết mà cố hỏi: A Nan! Người này là ai? A Nan đáp: Bạch Thế Tôn, đây là Trưởng Giả Sa Già Đà. Phật liền bảo A Nan: Ông hãy vì ta trải sàng tòa, chuẩn bị nước, vân tập Chúng Tăng. A Nan vâng lời liền trải sàng tòa sắm nước tập Tăng xong, đến bạch Thế Tôn: Con vừa trải sàng tòa, chuẩn bị nước, tập Tăng xong, xin Phật biết thời. Phật bèn rửa chân, rồi an tọa, hỏi các Tỳ Kheo: Các thầy có từng nghe thấy có Độc Long tên là Am Bà La Đề Đà hung bạo ác hại, trước đây không có ai dám đến chỗ này, ngay cả voi ngựa, bò dê, lừa, lạc đà đều không thể đến được. Cho đến các loài chim cũng không dám bay ngang trên hư không, lúc lúa thóc chín thì đều bị Độc Long phá diệt. Thiện Nam Tử Sa Già Đà có thể chiết phục Độc Long khiến cho nó trở nên thuần thiện, nay thì mọi người và chim thú đều an lành đến được bên dòng suối. Bấy giờ trong chúng có người thấy nói là thấy, người nghe nói là nghe… bạch Thế Tôn. Phật bảo các Tỳ Kheo: Ở nơi các thầy nghĩ sao, Thiện Nam tử Sa Già Đà bây giờ có thể chiết phục được con ễnh ương không? Đáp rằng: Không thể, bạch Thế Tôn. Phật dạy: Thánh Nhân uống rượu đều có lỗi như thế, huống chi là kẻ phàm tục ư? Tội lỗi như thế cũng đều do uống rượu. Từ nay về sau nếu miệng nói là đệ tử ta, thì không được uống rượu, cho đến một giọt nhỏ như trên đầu ngọn cỏ cũng không được uống. Phật dùng các thứ quở trách lỗi lầm của việc uống rươu xong, bèn bảo các Tỳ Kheo, Ưu Bà Tắc không được uống rượu. Có hai loại: Rượu nấu bằng ngũ cốc, rượu nấu bằng cây. Rượu nấu bằng cây tức là dùng các thứ gốc, cọng, lá, hoa quả hoặc các thứ hạt, các thứ dược thảo tạp làm rượu, sắc rượu, hương rượu, vị rượu uống vào có thể say người, đó gọi là rượu. Nếu hàng Ưu Bà Tắc nếm qua khỏi cổ thì cũng gọi là uống, phạm tội. Uống rượu ngũ cốc, uống mỗi hớp đều mắc tội, hoặc uống rượu chua, hễ uống mỗi hớp đều phạm, hoặc uống rượu ngọt, hễ uống mỗi hớp đều phạm tội, hoặc uống chất men làm rượu có thể làm say, uống mỗi hớp phạm tội, hoặc uống cặn bã rượu, hễ uống mỗi hớp đều phạm, hoặc uống chất giống rượu, sắc rượu, hương rượu, vị rượu mà khiến cho say người, tùy theo uống mỗi hớp đều phạm. Nếu chỉ làm sắc rượu mà không có hương rượu, không có vị rượu, không có đủ yếu tố để say người, cho đến uống những thứ khác đều không phạm... *** Ý kiến bạn đọc