Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là một quyển sách khuyến thiện đệ nhất trong kho tàng kinh điển của Đạo gia, được Ấn Quang Đại Sư hết sức tán thán. Ấn Quang Đại Sư một đời cung kính ấn tống “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” ước khoảng có hơn ba triệu bản. Hơn nữa Lý Bỉnh Nam cư sĩ, Tịnh Không Lão Pháp Sư cũng đều khích lệ thế nhân “Khuyến đọc, khuyến hành, khuyến in, khuyến giảng”. Quyển sách này cùng với Đệ Tử Quy, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh là ba căn bản của Nho-Thích-Đạo, bất luận là ai cũng phải từ ba căn bản này mà học tập vun bồi cọi rễ, như thế mới có thể đạt được thành tựu chân thật trong một đời.
Năm 1977, tôi đến giảng kinh tại Hồng Kông bốn tháng và ở tại Cửu Long Thư viện Phật giáo Trung Hoa do pháp sư Đàm Hư xây dựng. Ở đây đã cất giữ không ít sách Phật. Sách của Hoằng Hóa Xã tương đối đầy đủ, họ rất tận lực sưu tập. Hoằng Hóa Xã là do pháp sư Ấn Quang lập nên. Tổ Ấn Quang đem tất cả tài vật mà người khác cúng dường cho Ngài dùng vào việc bố thí pháp, cả đời Ngài chỉ làm mỗi một việc như vậy. Sự ảnh hưởng của điều này đối với tôi rất lớn. Chúng ta thấy, lời khai thị trong pháp hội Hộ Quốc Tức Tai Thượng Hải, đây là Lão Hòa Thượng công khai nói lời khai thị với mọi người. Trong một đời Ngài chỉ có một lần như vậy, trước đó không có và về sau cũng không có. Phần mở đầu trước khi khai thị, Ngài kể lại rằng phương Bắc có tai nạn. Mọi người phát động cứu nạn, Ngài trích ra từ trong khoản tiền in kinh 3000 đồng tiền Đại Dương để cứu tế. Từ chỗ này, chúng ta liền thể hội được bản thân Ngài cả đời chỉ làm một việc in kinh hoằng pháp, còn cứu nạn là dùng tiền ấn kinh trích ra. Ngài làm việc này rất chuyên, không xen tạp. Hiện nay, chúng ta thấy có một số đạo tràng chia ra nhiều ban tổ, có tổ in Kinh, cũng có tổ từ tế. Tổ Ấn Quang chỉ có một ban tổ, không có ban thứ hai. Cách làm này là chính xác. Tâm của Ngài chuyên nhất, trí tuệ tăng trưởng. Chúng ta ngày nay nếu muốn giảm bớt phiền não, tăng trưởng trí tuệ, thì hành nghi cả đời của Ấn Tổ rất đáng để chúng ta học tập theo. Sách mà Ngài cả đời đề xướng có ba loại như sau: Thứ nhất là Liễu Phàm Tứ Huấn, đây là quyển sách dạy chúng ta hiểu rõ, thông đạt nhân quả. Thứ hai là Cảm Ứng Thiên Hội Biên, đây là sách của Đạo giáo. Câu nói “tu tập thiện nghiệp” hay “tiêu chuẩn của thiện ác ở đâu” trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói rất hay. Tại sao Ngài không dùng Kinh Phật? Vì Kinh Phật nói phân tán ở trong rất nhiều Kinh luận, mà Cảm Ứng Thiên có thể nói là đem tất cả những thiện ác đã nói trong Kinh Phật tập trung lại, cũng giống như hội tập vậy, điều này hay. Chúng ta dùng Cảm Ứng Thiên Hội Biên làm tiêu chuẩn, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện. Thứ ba là An Sĩ Toàn Thư. Chúng ta dùng quyển này làm tổng kết cho “tu tập thiện nghiệp”. Ở trong An Sĩ Toàn Thư có bốn thiên: – Thiên thứ nhất là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Đây cũng là sách của Đạo giáo, văn tự còn ít hơn so với Cảm Ứng Thiên. Càng ít thì càng dễ dàng thọ trì. Cảm Ứng Thiên có hơn 1.000 chữ, Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn chỉ có hơn 700 chữ, cũng đều là tiêu chuẩn của thiện ác. – Thiên thứ hai là Vạn Thiện Tiên Tập, chuyên nói về giới sát. – Thiên thứ ba là Dục Hải Hồi Cuồng, chuyên nói về giới dâm. Đem “sát” và “dâm” làm trọng điểm quan trọng nhất đặc biệt giới thiệu cặn kẽ. – Thiên cuối cùng là Tây Quy Trực Chỉ, mong mọi người niệm Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc, vậy là cả đời này của bạn đã viên mãn rồi. Ba cuốn sách này đều là do người Trung Quốc làm ra, không phải từ Ấn Độ truyền đến, không phải sách phiên dịch. Chúng ta đọc lên thấy rất thuận miệng, đọc những sách này thấy rất quen, toàn bộ tinh túy của Phật pháp ở trong đó cả. Cho nên ngày nay, tiếp theo Cảm Ứng Thiên chúng tôi lại giới thiệu với quí vị Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, đây là việc làm có ý nghĩa rất sâu. “Liễu đạt nhân quả, tu tập thiện nghiệp”, hai câu nói này chính là sự nghiệp cả đời của Tổ Ấn Quang. Tổ Ấn Quang cả đời đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên Hội Biên, An Sĩ Toàn Thư. Nếu như bạn không có duyên tiếp xúc được Phật pháp, mà bạn có được ba bộ sách này, cả đời này bạn thật sự có thể tin, có thể hiểu rõ, có thể y giáo phụng hành, thì bạn chắc chắn vãng sanh làm Phật. Ba quyển sách này hợp lại, số lượng mà Hoằng Hóa Xã in ra vượt hơn ba triệu bản. Tôi đương thời nhìn thấy điều này thì vô cùng kinh ngạc và tự hỏi, Ấn Quang Đại Sư là Tổ sư một đời, tại sao Ngài không hoằng dương Kinh Phật mà đi hoằng dương những loại sách này? Kinh Phật Ngài cũng in, nhưng số lượng rất ít, tại sao ba bộ sách này lại lưu hành với số lượng lớn như vậy? Ngày nay xem lại, chúng ta mới hiểu được và thật sự thể hội được tâm bi của Tổ Sư. Kinh Phật nói quá sâu, người có thể đọc tụng, có thể hiểu rõ thì không nhiều. Ba bộ sách này dễ lý giải, dễ đọc, dễ hiểu, hoàn toàn khế cơ, khế lý, rộng độ chúng sanh khổ nạn. Ngày nay, chúng ta đọc thấy câu khai thị này của Thế Tôn, thật ra đây chính là sự tổng kết cả đời cứu độ chúng sanh khổ nạn của Tổ Ấn Quang, ngôn ngữ vô cùng đơn giản, nhưng ý nghĩa thật là quá sâu, sâu rộng vô tận. Chúng ta phải thể hội thật kỹ, phải cố gắng nỗ lực học tập thì ở ngay trong đời này chắc chắn có được thành tựu, không cô phụ một đời này, đời này đến nhân gian không hề uổng phí, mục tiêu của chúng ta sẽ đạt được thôi. Trích từ giảng ký Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh Ý kiến bạn đọc
Hiện nay người trên toàn thế giới chúng ta, mặc dù đời sống rất dồi dào, điều kiện vật chất không thiếu, nhưng thân tâm không cảm thấy an toàn. Đây chính là cổ nhân nói, không phải đời sống con người. Thân tâm con người không cảm thấy an toàn thì giống như động vật vậy, động vật đi ra ngoài kiếm ăn, không biết sẽ bị động vật khác ăn thịt vào lúc nào, chúng không có được an toàn, không có bảo vệ. Chúng ta ngày nay sống trong thế gian này, mạng sống sẽ bị tước đoạt bất cứ lúc nào. Những đạo lý chân tướng sự thật này không thể không hiểu rõ, không thể không thông đạt. Cho nên, cả đời Tổ Ấn Quang hoằng dương Liễu Phàm Tứ Huấn là có đạo lý. Tôi chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ bản thân Ngài tuy tôi với Ngài chưa hề gặp nhau, Ngài trên chúng tôi một thế hệ. Tôi học Phật là học với cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thầy Lý là học trò của tổ Ấn Quang, cho nên Tịnh Tông của chúng ta với Linh Nham Sơn Tự Tô Châu là cùng một gốc. Khi thầy Lý còn tại thế, Ngài thường hay khuyên chúng tôi lấy Tổ Ấn Quang làm thầy. Tuy Tổ Ấn Quang đã đi rồi nhưng “Văn Sao” còn lưu lại hậu thế. Đọc “Văn Sao” y giáo phụng hành, vậy chính là học trò của Tổ Ấn Quang.