Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Pháp Uyển Châu Lâm

Giới thiệu bộ "Pháp uyển châu lâm"

Pháp uyển châu lâm một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc, Thị lang Lí Nghiễm viết tựa. Sách đã được ban Dịch thuật Pháp Âm chuyển sang tiếng Việt và xuất bản vào năm 2011, gồm bảy tập. Trải qua bảy năm lưu thông, năm nay theo nhu cầu của người đọc, ban Dịch thuật đã cho tái bản có sửa chữa và gom lại thành 5 tập với khổ lớn hơn.

 

Chương 53: Quyển 18 - Thiên thứ 7: Kính Pháp - Nhân Duyên Cảm Ứng - Phần 1

PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

QUYỂN 18

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Trích dẫn sơ lược 1 truyện linh ứng:

1. Linh ứng chép trong Hán-pháp-bản-nội-truyện. 2. Cư sĩ Đinh Đức Chân đời Tấn. 3. Cư sĩ Châu Mẫn đời Tấn. 4. Cư sĩ Đổng Cát đời Tấn. 5. Cư sĩ Châu Đang đời Tấn. 6. Cư sĩ Tạ Phu đời Tấn. 7. Sa-môn Thích Đạo An đời Tấn. 8. Sa-môn Thích Tăng Tịnh đời Tấn. 9. Sa-môn Châu Sĩ Hành đời Ngụy. 10.Sa-môn Thích Chí Trạm đời Ngụy. 11. Samôn ở chùa Ngũ Hầu đời Ngụy. 12. Quan nôi giám giữa niên hiệu Thái Hoà đời Ngụy. 13. Sa-môn Thích Tuệ Nghiêm đời Tống. 14. Tỳ-kheo ni Thích Trí Thông đời Tống. 15. Sa-môn Thích Tuệ Khánh đời Tống. 16. Sa-môn Thích Tuệ Bảo đời Tề. 17. Cư sĩ Hà Quy đời Lương. 18. Vua Cao tổ Vũ đế nhà Châu. 19. Nghiêm Cung ở Dương châu đời Trần. 20. Vị Tăng vô danh ở Dương châu đầu đời Tùy. 21. Sa-môn Thích Tuệ Ý đời Tùy. 22. Sa-môn Thích Pháp Tạng đời Tùy. 23. Vị du Tăng vô danh đời Tùy. 24. Sa-môn Thích Trí Uyển đời Đường. 25. Sa-môn Thích Đạo Tích đời Đường. 26. Sa-môn Thích Di Tục đời Đường. 27. Lệnh hồ Nguyên Quỹ ở Long châu đời Đường. 28. Sử Ha Thệ ở Giao Nam đời Đường. 29. Thư sinh họ Tuân ở Ích châu đời Đường. 30. Sa-môn Thích Đàm Vận đời Đường. 31. Đô thủy sứ giả Tô Trường đời Đường. 32. Phu nhân họ Đậu đời Đường. 33.Tư mã Liễu Kiệm ở Hình châu đời Đường. 34. Triệu văn Tín ở Toại châu đời Đường. 35. Huyện thừa Lưu Bật ở Bồng châu đời Đường. 36. Giả Đạo Tiện ở Lạc châu đời Đường. 37. Lục Hoài Tố ở Ngô quận đời Đường. 38. Tư mã Kiều Khanh ở Hà nội đời Đường. 39. Tôn Thọ người Bình châu đời Đường. 40. Lý Kiền Quán ở Trịnh châu đời Đường. 41. Chuyện linh ứng tại huyện Tế âm thuộc Tào châu đời Đường.

1. Sách Hán-pháp-bản-nội-truyện nói: “Vua Hán Minh đế sai phái đoàn Sái Âm, Trương Cảnh gồm 18 người sang nước Thiên Trúc rước các ngài Ma-đằng, Pháp-lang và mang kinh điển chở về. Nhà vua hỏi:

“Đấng Pháp vương ra đời, tại sao không đến giáo hóa nơi đây?” Ngài Ma-đằng đáp: “Nước Ca-tỳ-la-vệ bên Thiên trúc ở giữa hằng trăm ức mặt Trời mặt trăng và 3 nghìn đại thiên thế giới. Thậm chí các bậc Trời, rồng, người, quỷ đủ lực hạnh nguyện đều sinh vào đấy, thọ trì Chánh pháp của đức Phật và cùng ngộ Đạo. Chúng sinh các nước khác không có nhân duyên ấy. Vì thế, đức Phật không sang tới đây. Tuy nhiên, hào quang của ngài vẫn chiếu diệu tận nơi. Hoặc năm trăm năm, hoặc một ngàn năm, hoặc hơn một ngàn năm đều có các bậc Thánh Tăng sang đây truyền bá Phật pháp.” Nhà vua nghe nói, rất vui lòng.” Sách ấy còn chép: “Ngày mồng một tháng giêng năm Vĩnh Bình thứ mười bốn, đoàn đạo sĩ khắp năm non gồm sáu trăm chín mươi người đến triều kiến xong, dâng biểu xin đấu phép ăn thua với chư Tăng Tây Vức. Nhà vua truyền thượng thư lịnh Tống Tường dẫn vào, ban rằng: “Vào ngày rằm tháng giêng này, triệu tập đông đủ ở cửa Nam chùa Bạch mã, ta sẽ cho dựng ba đàn.” Đến ngày, các đạo sĩ năm non tám núi mang ba trăm sáu mươi chín quyển kinh tôn trí ở đàn phía Tây. Chư tử khắp hai mươi bảy môn phái mang hai trăm ba mươi lăm quyển kinh tôn trí ở đàn trung ương. Phẩm vật thờ cúng chư thần tôn trí ở đàn phía Đông. Nhà vua sai lập hành điện bên đường thuộc phía Tây cổng chùa, tôn trí xá-lợi và kinh Phật. Bấy giờ, các đạo sĩ ôm củi, lau khô, mồi lửa đi vòng quanh đàn, đến trước kinh kêu khóc rằng: “Nhà vua mê tín tà thuyết, bỏ mất Đạo huyền. Xin rước kinh điển lên đàn, nổi lửa để thử linh nghiệm, phân biệt giả chân.” Rồi châm lửa đốt kinh. Tất cả đều cháy thành tro bụi. Đám đạo sĩ thấy thế, nhìn nhau thất sắc, có kẻ muốn độn thổ, thăng thiên. Mọi phép thần chú đều không linh nghiệm. Thật vô cùng xấu hổ! Thái phó Trương Diễn bảo rằng: “Hôm nay các ngài không có phép thuật nào linh ứng, nên cắt tóc quy y theo Phật pháp với chư Tăng Tây Vức!” Bấy giờ, bọn đạo sĩ Chữ Thiện Tín lặng thinh không trả lời. Bọn Phí Thúc Tài bên Nam nhạc phát tức đến chết! Xá-lợi của đức Phật phóng hào quang ngũ sắc lên Trời, toả thành tán quý che kín mặt nhật, chiếu diệu đại chúng. Pháp sư Ma-đằng vút mình bay lên, tự do biến hóa. Rồi Trời đổ mưa hoa quý báu xưa nay chưa từng thấy. Pháp sư Pháp-lan giảng giải những điều mới lạ chưa từng nghe. Tư không Lưu Tuấn, các quan ở kinh thành, các phu nhân tại hậu cung và đám đạo sĩ Lữ Huệ Thông ở bốn núi hơn một ngàn người xin xuất gia, được nhà vua chấp thuận, cho lập mười ngôi chùa. Bảy ngôi ở ngoài kinh thành dành cho chư Tăng, ba ngôi ở trong thành dành riêng cho các vị ni. Sau đó, Phật pháp hưng thịnh, chùa cất càng nhiều cho đến hiện nay. (Chuyện 7 trên rút từ sách Hán-pháp-bản-nội-truyện)

2. Đinh Thừa ở Tế âm đời Tấn, tự là Đức Chân, làm huyện lệnh tại Ngưng âm giữa niên hiệu Kiến an. Bấy giờ, có người đàn bà cư ngụ ở mạn Bắc, ra giếng phía ngoài múc nước, gặp người Hồ mắt sâu mũi dài đến xin uống rồi biến mất. Người ấy chợt nổi cơn đau bụng, càng lúc càng nhiều, đến nỗi phải khóc la. Một lát, bỗng dưng ngồi bệt xuống, múa tay nói tiếng Hồ. Mấy chục hộ trong ấp cùng kéo ra xem. Người ấy kêu đưa giấy bút để viết sách. Được bút, liền viết chữ Hồ thành hàng ngang, kiểu giống chữ ất chữ tỵ. Đầy trang giấy xong, liệng bút xuống đất, bảo mọi người đọc thử. Cả ấp không ai đọc nổi.. Thấy em bé hơn mười tuổi, người ấy chỉ vào, bảo em có thể đọc được! Em bé cầm sách, đọc ra tiếng Hồ. Mọi người kinh ngạc, chẳng nói nên lời. Người ấy lại dạy em bé nhảy múa. Em bé bèn nhón chân, vỗ tay họa theo, một lát thì ngừng lại. Mọi người đem bẩm lên huyện lịnh. Đức Chân triệu người ấy cùng em bé đến hỏi. Cả hai đều mập mờ không nhớ rõ lại. Đức Chân muốn xác minh sự thật, sai thuộc hạ mang sách đến hỏi vị Tăng kỳ cựu người Hồ ở chùa Hứa hạ. Vị Tăng giật mình, bảo rằng: “Lâu nay, trong kinh Phật mất chữ, ngại nỗi đường sá xa xôi, không thể đi tìm kiếm bổ sung. Dẫu đọc tụng, nhưng không đầy đủ. Đây chính là bản gốc.” Bèn xin giữ lại để sao chép.

3. Châu Mẫn, người Nhữ nam đời Tấn, làm tướng quân hộ quân. Gia đình mấy đời thờ Phật. Gặp loạn Tô Tuấn, sĩ phu trong nước chạy trốn tứ tung. Nhà ông có bộ kinh Đại-phẩm-niết-bàn chép lên hai mặt nửa vuông lụa dài tám trượng. Ngoài ra, còn có mấy túi kinh khác. Bộ Đại-phẩm cũng đựng trong đó. Khi chạy giặc, không thể mang theo tất cả, ông rất tiếc bộ Đại-phẩm ấy, nhưng quá hoảng hốt, không nhớ cất ở túi nào. Vội vàng sắp đi, không kịp mở ra tìm kiếm, ông đành than thở ngậm ngùi. Bỗng nhiên bộ kinh ấy ló ra ngoài, ông giật mình mừng rỡ ôm theo. Từ đó, họ Châu đời đời tôn kính, xem là gia bảo, đến nay hãy còn.” Một thuyết khác nói: “Vợ của Châu Tung là bà Hồ thị có bộ Đại-phẩm viết trọn lên mảnh lụa lớn năm tấc và một hạt xá-lợi đựng trong bình bằng bạc. Tất cả được cất kỹ trong tráp. Gặp cơn hoạn lạc dưới niên hiệu Vĩnh gia, bà chạy sang vùng Giang nam. Kinh và xá-lợi chợt ló ra ngoài, bà giấu vào người mang đi. Có lần gặp hoả tai, không kịp lấy kinh, khi tàn ngọn lửa, lại tìm thấy dưới lớp tro than, y nguyên như cũ. Vương Đạo Tử ở Cối kê có đến nhà Châu Tung xin thỉnh về phụng thờ. Sau đó, kinh ấy cũng nằm ở chùa Tân chữ. Lưu Kính Thúc bảo rằng: “Ta từng thấy được kinh ấy. Chữ lớn bằng hạt mè, nét bút san sát khéo léo.” Chùa Tân Chữ là chùa Thiên an hiện nay. Kinh ấy do cao Tăng đắc đạo Thích Tuệ Tắc viết nên. Cũng có người nói kinh ấy ở chùa Giản Tịnh, được ni trưởng ở đấy đem ra đọc tụng.

4. Đổng Cát đời Tấn, vốn người ở đất Ô tiềm, gia đình thờ Phật đã ba đời. Đến ông, càng thêm tinh tiến, thường trai giới tụng kinh Thủ-lăng-nghiêm. Trong làng có người bệnh hoạn, mời ông đến tụng kinh, phần đông đều bình phục. Hà Hoảng, người cùng huyện, cũng là kẻ sĩ mộ Đạo. Giữa niên hiệu Hàm Hoà, bỗng bị chứng độc trên núi hành hạ khổ sở. Người anh lo sợ, vội chạy sang mời ông. Hai nhà xa nhau khoảng sáu bảy chục dặm, lại cách một dòng khe lớn, giữa tháng năm đang mưa to. Khi người anh qua khe, nước chưa dâng lên. Ông hẹn đúng trưa sẽ sang, nhưng nước đã dâng cao, không thể qua được. Ngồi trên bờ rất lâu, ông chần chờ than thở. Muốn bước xuống, song không dám lội qua. Là người thủ tín, cần phải đúng hẹn, ông liền phát nguyện rằng: “Đệ tử cứu người khốn khổ, không tiếc sinh mạng. Xin đức Như Lai chứng giám cho tấm lòng thành.” Lập tức cởi áo bọc kinh đội trên đầu rồi lội thẳng xuống. Độ chừng sẽ ngập đến cổ, ngờ đâu, nước chỉ lên đến gối. Qua được bờ kia, lại mất bọc kinh! Ông rất ân hận, xăm xăm cất bước đến nhà Hà Hoảng. Đảnh lễ sám hối, ông rơi lệ xót xa. Bỗng thấy bọc kinh đặt trên hương án. Ông mừng mừng tủi tủi cầm lên, như còn phảng phất hơi nước. Thử mở ra xem, kinh vẫn ráo khô! Thấy thế, người trong làng đều xin thờ Phật. Phía Tây bắc đất Ô tiềm có ngọn núi cao hiểm trở, chứa nhiều ma quái chuyên hại dân lành. Ông muốn dùng thần lực của kinh luật thu phục bọn chúng, liền ra tay chặt cây trên khoảng đất chừng bốn năm mẫu bên cạnh núi, cất lên căn nhà nhỏ rồi đặt hương án tụng kinh Thủ-lăng-nghiêm. Hơn một trăm ngày,, chẳng nghe động tịnh, dân chúng tạm yên. Sau đó, có mấy người kép đến nói chuyện rất lâu. Ông nghĩ, bọn khách này không phải người Ô tiềm. Chổ này xa xôi hẻo lánh, đến để làm gì. Chắc là bọn ma quái. Liền hỏi: “Phải chăng quý vị là ma quỷ nơi đây?” Đám người ấy đáp: “Đúng thế! Bọn tôi nghe tiếng ngài đạo hạnh cao siêu, nên đến xem thử, đồng thời cũng yêu cầu một việc, mong ngài nhận lời. Bọn tôi chiếm giữ ngọn núi này đã lâu đời, làm nơi sinh sống rong chơi. Ngài đã đến đây, sợ sẽ đụng chạm, nên không an lòng. Nay muốn phân chia lại địa phận, diệt cây làm ranh giới.” Ông bảo: “Tôi thích nơi đây thanh tịnh để tụng niệm kinh điển, không có ý hại nhau. Là chổ láng giềng, xin quý vị giúp đỡ!” Bọn ấy đáp rằng: “Bọn tôi cũng nhờ cậy ngài đừng xâm lấn.” Nói xong, liền kéo nhau đi. Qua hôm sau, tất cả cây cối khắp bốn phía ở ngoài chổ đất do ông khai khẩn đều héo úa chết khô, giống như bị đốt cháy. Ông sống đến tám mươi bảy tuổi mới mất.

5. Châu Đang đời Tấn, người đất Diễm thuộc Cối ke, gia đình đời đời thờ phụng Chánh pháp. Năm lên mười sáu tuổi, rau dưa trai giới, tụng niệm kinh điển đã quen. Tháng giêng ăn chay xong, nhờ chư Tăng lập phép Bát quan trai rồi đến chùa tại thị trấn cung thỉnh các đại sư Trúc Phật-mật và Chi Pháp Giai. Ngài Phật-mật khiến ông tụng bộ Tiểu-phẩm-Bát-nhã để cùng tụng lướt qua hôm cử hành trai lễ. Đúng ngày, ba đại sư đến, nhưng quên mang kinh theo. Thọ trai xong, chuẩn bị tụng kinh mới nhớ ra, trong lòng rất buồn bực. Nhà ông ở làng Bản di, cách chùa ba mươi dặm, không biết sai ai đi lấy kinh. Khi nhập định thắp nhang xong, cả nhà ấm ức không có bộ kinh, càng thêm thắc thỏm. Bỗng có người gọi cửa, bảo mang kinh đến. Ông vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ chạy ra mở cửa, thấy một thiếu niên mặc áo vải mũ vải, chưa từng quen biết, lại không phải người đời nay. Nghi là thần nhân, ông quỳ xuống nhận kinh và mời vào. Thiếu niên từ chối, hẹn tối sẽ đến nghe kinh. Khi các đại sư ra xem thì đã biến mất, chỉ còn lại mùi hương thoang thoảng khắp nhà. Nhìn lại, chính là bộ Tiểu-phẩm-bát-nhã-bala-mật. Mọi người đều xôn xao mừng sợ. Kinh ấy trước đây được cất kỹ vào hòm, đóng khóa cẩn thận. Về xem, khóa vẫn y nguyên như cũ. Do đó, hơn mười nhà trong làng đều xin quy y Chánh pháp và càng yêu kính ông hơn. Ông bèn xuất gia, lấy đạo hiệu là Đàm Nghi, tụng niệm kinh điển Đại tạng đến hai mươi vạn lời.

6. Tạ Phu đời Tấn, tự Khánh Tự, người huyện Sơn âm thuộc Cối kê, là con người anh của tướng quân Di Chi. Từ nhỏ, nuôi chí cao thượng, ẩn cư tại Đông sơn, tin tưởng Chánh pháp, tinh cần không biết mỏi mệt. Ông tự tay chép kinh Thủ-lăng-nghiêm và từng ở chùa Bạch mã tại kinh thành. Gặp cơn hoả hoạn lan đến, mọi vật cùng kinh điển trong chùa đều cháy rụi. Kinh bnày chỉ bị sém phần giấy bên ngoài, chữ nghiã vẫn còn đủ. Khi ông mệnh chung, thân hữu nghi ông đã dắc Đạo, nghe kể chuyện kinh này, họ càng thêm lạ lùng. Năm Nguyên Gia thứ tám, khắp thành Bồ bản ở Hà đông bị hoả hoạn lớn. Lửa từ dưới sông bay lên, không sao cứu chữa. Đồn giặc, nhà dân đều bị thiêu rụi, riêng Tinh xá, chùa tháp hoàn toàn không bắt lửa. Phần đông nhà có kinh tượng trong làng cũng không hề hấn. Dẫu có nhà bị cháy, nhưng bới dưới đóng tro tàn, vẫn gặp kinh sách còn y nguyên chữ nghiã. Cả thành đều lấy làm lạ, càng thêm kính tin. ( chuyện trên đây rút từ sách Minh-tường-ký)

7. Chuyện về Sa-môn Thích Đạo An này đã dịch ở quyển 16.

8. Sa-môn Tịnh Tăng ở Thục quận đời Tây Tấn, xuất gia từ thuở nhỏ, chuyên tu khổ hạnh. Ngài làm toạ chủ chùa tam hiền trong quận, thường tụng kinh Pháp-hoa. Mỗi lần tụng trong núi, ban đêm có cọp đến ngồi nghe, hết kinh mới bỏ đi, hoặ thấy người lạ đứng hầu. Tuổi càng cao, ngài càng tinh tiến hành trì đến cuối đời.

9. Năm Cam lộ thứ năm đời vua Phế đế nhà Tiền Ngụy, Sa-môn Châu Sĩ Hành giảng kinh Tiểu-phẩm-bát-nhã, thấy văn từ chưa hết nghiã, bèn sang Tây Vức tìm tòi được trọn vẹn. Nước ấy giữ lại không cho về, ngài cầm kinh đứng trước sân chầu nói lớn: “Nếu Chánh pháp không được lưu truyền, xin cho kinh cháy tan theo lửa!” Dứt lời, ngài ném quyển kinh lá bối vào lửa đỏ. Lạ thay, chẳng hề hấn chút gì! Cả nước đều kinh dị, phải để ngài về. Đấy chính là kinh Phóng-quang vậy. Ngài viên tịch năm 80 tuổi, theo lệ đem hoả thiêu, nhưng di thân không tiêu hủy. Đạo đời rất kinh ngạc, khấn rằng: “Nếu ngài thật sự đắc Đạo, nên cho tan rã.” Di thân lập tức vỡ vụn. Đại chúng thu thập lại và xây tháp phụng thờ.

10. Cuối đời Hậu Ngụy, Sa-môn Thích Chí Trạm, người Tề châu, tu hành ở chùA hàm thảo trong hang sâu tại núi Nhân đầu thuộc phía Bắc Thái sơn. Tính ngài đơn giản ít nói, chuyên tụng kinh Pháp-hoa. Chẳng ai biết rõ hành tung, Đạo tục cùng chim chóc không đến quây nhiễu. Khi ngài sắp viên tịch, thần Tăng Bảo Chí tâu vua Lương Vũ đế: “Hôm nay, vị Thánh Tăng chứng quả Tu-đà-hoàn ở chùA hàm thảo tại phương Bắc sẽ nhập diệt.” Quả nhiên, ngài viên tịch thanh thản, không bệnh tật, mỗi bàn tay duỗi ra một ngón. Có vị Tăng An độ bảo rằng: “Đây là điềm lành của bậc chứng Sơ quả.” Đại chúng cung nghinh di thân an táng trong núi. Về sau, khai ra xem lại, chỉ còn lưỡi vẫn y nguyên như lúc sinh thời, bèn lập tháp phụng thờ, đến nay hãy còn. Chim muông không bén mảng gây ra ô uế.

11. Đời Hậu Ngụy, vị Sa-môn ở chùa Ngũ hầu thuộc Phạm dương, thất lạc pháp hiệu, chuyện tụng kinh Pháp-hoa. Khi ngài mới viên tịch, được an táng tạm thời dưới chân đê. Về sau cải táng, di thân khô ráo không hư hao, lưỡi vẫn còn y nguyên. Tại Ung châu cũng có vị Sa-môn tụng kinh Pháp-hoa, ẩn tu trong núi Bạch lộc được một Đồng tử hiện ra hầu cận. Khi ngài viên tịch, di thân được đặt trong hang. Xương cốt đều khô, chỉ có lưỡi vẫn còn y nguyên không hư hoại. Vũ Lăng Thế và Đông Khán sơn nhân đời Tề đào đất, thấy có màu vàng trắng và một vật giống hai môi, bên trong có lưỡi màu đỏ tươi, bèn đem tâu lên. Nhà vua hỏi khắp trong Đạo ngoài đời. Sa-môn Pháp Thượng bảo rằng: “Ấy là do người tụng kinh Pháp-hoa nên lục căn không bị hủy hoại. Tụng kinh ấy đủ nghìn biến sẽ được linh nghiệm như thế.” Nhà vua cho tụ tập những người chuyên tụng kinh Pháp-hoa lại chung quanh để tụng niệm. Vừa cất tiếng, môi và lưỡi linh thiêng ấy lập tức mấp máy động đậy. Đại chúng kinh hãi đến nỗi dựng đứng lông tóc, phải đem tâu lên, nhà vua sai cất vào hòm đá khóa lại. (% chuyện trên đây rút từ Lương-cao-Tăng-truyện và Tạp-lục-ký)

12. Giữa niên hiệu Thái Hoà đời vua Cao tổ nhà Hậu Ngụy, có hoạn quan trong Đại kinh bức xúc vì thân thể tàn phế, xin phép lên núi tu hành. Nhà vua ban ơn chấp thuận, liền mang kinh Hoa-nghiêm đọc tụng suốt đêm ngày và làm lễ sám hối không dứt. Chưa đầy một Hạ, đến cuối tháng sáu, râu ria mọc ra, trở nên tướng trượng phu rất oai nghi, bèn đem tâu lên. Nhà vua hết sức tôn trọng. Từ đó, trong nước đều sùng mộ kinh Hoa-nghiêm hơn hẳn trước đây. (Truyện trên đây rút từ Tinh-dị-ký của Hầu Quân Tố)

13. Ngài Thích Tuệ Nghiêm là vị Sa-môn ở chùa Đông An tại kinh đô đời Tống. Tư duy phù hợp cùng chân lý, kiến giải được Đạo đời khâm phục. Thường ngao ngán chữ nghiã kinh Đại-niết-bàn quá phức tạp, ngài bỏ công san định gọn lại còn mây quyển, chép thành vài bản gửi cho các pháp hữu cùng xem. Sau đó, đang mơ màng ngủ trưa, chợt thấy một người cao hơn 2 trượng, tướng tá uy nghi, đến bảo rằng: “Kinh Niết-bàn là tông chỉ của các kinh. Cớ sao ông dám ngạo mạn đem ý kiến nhỏ nhoi ra thêm bớt?” Ngài bực dọc không vui, cho là lời kiếm chuyện càn quấy. Đem sau sắp ngủ, lại thấy người ấy giận dữ nói rằng: “Hôm qua, ta đã cảnh cáo, ông vẫn chưa chấm dứt hay sao? Kinh Niếtbàn này không thể san định. Tai họa sắp ập đến với ông!” Ngài hoảng hồn thức dậy. Trời chưa sáng, đã cấp tốc gửi thư đòi các bản kinh ấy về đốt sạch. Sa-môn Thích Đạo Nghiễm ở Tinh xá Trần ngoại nghe rõ chuyện này rồi thuật lại.

14. Ni cô Thích Trí Thông ở chùa Giản Tịnh tại kinh đô đời Tống, tuổi hạ và uy nghi đều thiếu, đạo tâm cũng chẳng nhiều. Năm Nguyên gia thứ 9, bổn sư viên tịch, ni cô hoàn tục, làm thiếp của lương Tê Phủ, sinh được một bé trai. Năm chú bé lên bảy, gia đình túng quẫn, không có áo mặc. Khi còn ở chùa, ni cô có mấy bộ kinh Vô-lượng-thọ và Pháp-hoa bằng lụa, bèn đem giặc sạch để may áo cho con. Được một năm thì phát bệnh, tinh thần hoảng loạn sợ sệt, khắp mình da lột nát tan như bị phỏng lửa, hằng ngày bắt ra một bát giòi li ti trắng hếu. Đớn đau khổ sở, đêm ngày rên la. Thường nghe giữa Trời có tiếng nói rằng: “Tội phá kinh làm áo phải chịu quả báo ác liệt này!” (hai chuyện trên đây rút từ Minh-tường-ký)

15. Đời Tống, có Sa-môn Thích Tuệ Khánh, vốn người Quảng lăng, xuất gia tu hành ở chùa Lo sơn. Ngài thông thạo kinh luật, giữ gìn giới hạnh thanh tịnh, thường tụng các kinh Pháp-hoa, Thập-địa, Tư-ích và Duy-ma. Hằng đêm tụng kinh, trong bóng tối nổi lên tiếng búng tay ca tụng. Có lần đi trên sông, gặp trận sấm nhỏ, sóng gió vụt dậy. Thuyền nhỏ trồng trành sắp chìm, nhưng ngài vẫn thản nhiên tụng kinh không dứt. Nghe như có người dẫn thuyền lướt qua sóng gió, giây lát đã vào bờ một cách bình an. Do đó, ngài càng tinh tiến hành trì, đến cuối niên hiệu Nguyên gia mới viên tịch, thọ được sáu mươi hai tuổi.

16. Sa-môn Thích Tuệ Bảo ở Thái nguyên đời Tề, chưa rõ họ tên, tụng được hai trăm bộ kinh. Đức độ siêu việt, nổi tiếng đương thời. Năm Vĩnh bình thứ ba, ngài từ Tinh châu sang Nghiệp châu, đến ngang Ngãi châu bị lạc đường, phải theo lối tắt vào nghĩ đêm trong hang núi. Nhìn phòng ốc như có dấu người ở, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng ai. Ngài ngồi yên phía trước, nhìn lên nhánh tùng mọc ngay thân, bắt gặp cái khánh treo lủng lẳng cách mặt đất hơn một trượng. Đến canh hai, chợt thấy người mặc áo cỏ, từ ngoài bước vào, nói: “Cớ sao trong nhà có mùi tục?” Ngài đứng lên hành lễ, bộc bạch sự tình. Dị nhân hỏi: “Hiện nay họ nào thống lãnh đất nước?” Ngài đáp: “Họ Cao làm vua, quốc hiệu là Tề.” Ngài hỏi lại: “Tôn sư lên núi đã bao lâu?” Đáp: “Ta lên đây từ thời Hậu Hán.” Dị nhân hỏi lại: “trưởng lão chuyên trì kinh nào?” Ngài ỷ mình tụng nhiều kinh, nên trả lời có vẻ kiêu ngạo. Dị nhân nói: “Người tu hành chớ nên như thế. Trưởng lão muốn nghe kinh nào, ta sẽ tụng giúp cho.” Ngài đáp: “Thích nghe kinh Hoa-nghiêm.” Chỉ một lát, dị nhân đã tụng xong. Am điệu hài hoà, khác giọng thế gian. Nhờ tụng các kinh khác, cũng y như thế, ngài kinh hãi than rằng: “Vì sao một thoáng đã tụng xong các bộ kinh lớn?” Dị nhân đáp: “Nhà ngươi cố tâm tụng, còn ta tụng vô tâm. Này, nếu biết quên tâm đối với vật thì ta và vật đều tự tại.” Ngài biết đây là vị thần Tăng, liền xin ở lại thọ giáo. Dị nhân bảo: “Trong nước hay được, đem lợi ra nhử, ân cần mời mọc, liệu nhà ngươi chịu ngồi yên? Vả lại, nhà ngươi chưa diệt sạch trần lụy, dẫu ở lại cũng chẳng ích gì!” Đến sáng, dị nhân bỏ đi. Lần theo dấu vết, chẳng biết đi đâu, ngài chỉ biết tự trách mình còn kém. Sau khi sang tới Nghiệp châu, ngài đem kể lại mọi chuyện. (2 chuyện trên đây rút từ Lương-cao-Tăng-truyện)

17. Ngày hai mươi ba tháng mười một trọng Đông, đúng luật Hoàng chung, năm Ất mùi dưới niên hiệu Thiên giám thứ mười bốn đời Lương, Hà Quy ở quận Nam hải thuộc Quảng châu, lên hái thuốc trên núi Hồ dực tại huyện Dự chương. Chẳng phải quan lại bị đi đày, đúng là ẩn sĩ tìm tiên thuật. Leo chừng mười dặm, thoăn thoắt như quen, sắp sửa qua đoạn đường quanh, trước mặt dòng khe chắn bước. Nước nhìn như lặng, lại chảy trong veo. Vừa mới xắn áo, rồi lại vén quần, chưa kịp lội xuống, bỗng sửng sốt thấy bên kia có vị trưởng lão bảo đừng lội sang. Ông liền dừng lại. Trưởng lão sắc mặt màu xanh, chân không mang dép, tuổi khoảng tám chín mươi. Da mặt nhăn nheo, râu dài năm sáu tấc, ria dài bằng nử râu. Tai cao hơn mày, lông mày rủ xuống, dài chừng hai ba tấc, theo gió phất phơ. Sắc môi tươi thắm, tiếng nói trong trẻo ngân vang. Móng tay vàng óng, lông tay cũng dài hai ba tấc. Trưởng lão choàng ấp vai bằng vải, mặc áo nê-hoàn bằng vải màu đất đỏ, tay cầm quyển kinh ném sang cho ông. Ông kính cẩn chụp lấy, lễ tạ ba lạy. Trưởng lão nhờ trao kinh ấy cho Kiến An vương, nói rõ họ tên, dặn vương khi nhận kinh phải trai giới đủ hai mươi mốt ngày. Nếu không rành nghi thức, nên hỏi Phó Công ở chùa Hạ lâm, là bậc giới hạnh tinh chuyên, hư vô điềm đạm, thoát ngoài danh lợi, dưa muối qua ngày, hành Thiền cần mẫn. Nói xong, tưởng lão bỏ đi chừng mười bước, rồi biến mất. Ông mở kinh ra xem, thấy đề kinh Tuệ-ấn-Tam-muội. Kinh lấy pháp thân vô tướng tuyệt đối làm bản thể, lý lẽ vượt ngoài ngôn từ phán đoán, ý nghiã siêu việt hình sắc giả danh. Thanh tịnh ngang hàng pháp tướng, huyền diệu giống với chân như, nên gọi là Tuệ chiếu. Chân lý hoàn toàn phù hợp với tâm địa nhiệm mầu ngưng tịch, nên gọi là Tam-muội. (Chuyện này chép trong Hoằng-minh-tập của luật sư Tăng Hựu đời Lương)

18. Vua Cao tổ nhà Châu tiêu diệt Phật pháp, kinh điển đều bị thiêu hủy thành tro. Nửa năm sau, bỗng thấy giữa không trung có năm sáu vật giống như tai nấm bay cao ngoài tầm mắt. họp thành một dãy, theo gió chập chờn lên xuống. Trăm quan đứng nhìn, chẳng biết là gì. Một hồi lâu liền rơi xuống trên mặt tường. Nhìn kỹ lại, đúng là mười ba quyển kinh Đại phẩm.

19. Nghiêm Cung ở Dương châu đời Trần Nguyên là người Tuyền châu. Nhà giàu, không có anh em, nên cha mẹ rất yêu quý, nói gì cũng chìu theo. Đầu niên hiệu Thái Kiến, dù còn nhỏ tuổi, ông xin cha mẹ cho năm vạn tiền đem đến Dương châu mua bán. Cha mẹ nghe lời, ông sắm mọi thứ lên đường. Cách Dương châu vài chục dặm, gặp một chiếc thuyền chở rùa đi bán. Ong nghĩ chắc chắn bầy rùa sẽ chết hết, liền ngỏ ý xin chuộc lại: “tôi có đủ năm vạn tiền, xin đưa ra chuộc bầy rùa.” Người chủ mừng rỡ nhận tiền, giao rùa rồi đi. Ông thả hết xuống sông, chạy thuyền không đến Dương châu. Chủ thuyền đi hơn mười dặm, bị đắm thuyền chết mất. Đêm hôm ấy, có năm mươi người khách mặc áo đen vào nhà ông xin ở lại và đưa năm vạn tiền giao cho cha mẹ ông, nói ông ở Dương châu, nhờ đưa về. Hai cụ kinh hãi, sợ ông chết, nên hỏi rất kỹ. Bọn khách bảo ông vẫn bình an, sở dĩ gởi tiền lại vì không cần nữa. Xem đúng là tiền cũ, chỉ hơi thấm ướt, hai cụ làm cơm đãi đằng. Sáng mai, bọn khách cáo từ. Hơn tháng sau, ông trở về. Hai cụ hết sức vui mừng. Hỏi lý do gởi tiền về, ông trả lời không có. Hai cụ thuật chuyện bọn khách, hình dáng, ngày tháng, đều đúng với hôm ông chuộc bầy rùa. Bọn họ chính là bầy rùa được chuộc mạng. Cả nhà cùng kinh sợ tán thán, liền đến Dương châu dựng nhà Tinh xá chuyên lo sao chép kinh Pháp-hoa rồi định cư hẳn tại đây. Gia đình trở nên giàu có, xây thêm phòng chép kinh thật trang nghiêm thanh tịnh, đầy đủ mọi tiện nghi. Số người chép đông đến mấy chục. Đạo đời ở Dương châu rất kính mến, gọi là ông Nghiêm Pháp-hoa. Có người quen đến vay trước tiền chép kinh một vạn. Ông ứng tiền xong, người ấy chở về. Giữa đường thuyền lật, tiền rơi xuống sông, người ấy may mắn thoát chết. Hôm đó, khi nhập tiền vào kho, thấy một vạn ướt sũng như mới vớt lên, ông vô cùng kinh ngạc. Sau gặp lại người vay, mới biết một vạn hôm ấy là số tiền bị chìm. Có thương khách đến cúng tế, dâng lễ vật tại miếu linh thần ở hồ Cung đình. Đêm mơ thấy vị thần đem lễ vật trả lại và bảo rằng: “Nhờ nhà ngươi mang giúp ta khoảng tiền này cúng dường cho ông Nghiêm Pháp-hoa chi dụng vào việc chép kinh.” Sáng mai, mọi thứ bày đủ trước mắt. Vì thế, thương khách ngơ ngẩn, đem giao lại cho ông và cúng dường thêm rất nhiều. Dạokhác, ông ra chợ mua giấy, thiếu tiền. Bỗng có người cầm 3 nghìn trao cho ông, nói rằng: “Giúp ông mua giấy.” Nói xong, liền biến mất, chỉ còn lại tiền. Những chuyện linh dị như thế rất nhiều. Ông mất cuối niên hiệu Khai Hoàng, con cháu vẫn tiếp tục nối nghiệp chép kinh. Cuối đời Tùy, bọn giặc đến cướp phá vùng Giang đô, cùng dặn nhau: “Đừng vào làng ông Nghiêm Pháp-hoa.” Nhờ thế, cả làng được thoát nạn, đến nay vẫn còn chép kinh. Những chuyện này, khắp châu huyện đều biết, nhân sĩ ở kinh đô cũng rõ ngọn ngành. (Chuyện trên đây rút từ Minh-báo-ký)

20. Đầu niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy, ở Dương châu có vị Tăng, quên mất pháp hiệu, tụng thông kinh Niết-bàn, tự phụ tài giỏi. Trong làng dưới chân núi Đông sơn tại Kỳ châu có vị Sa-di tụng kinh Quán Thế Âm. Cả hai đều chết đột ngột, nhưng vùng ngực còn ấm. Cùng xuống âm ty, đến trước điện Diêm la. Diêm vương cung kính mời vị Sadi ngồi lên ghế vàng cao, mời vị Tăng ngồi lên ghế bạc cao, không cung kính bằng. Xong xuôi, tra xét lại, thấy cả hai đều còn tuổi thọ, bèn thả về. Vị Tăng tụng kinh Niết-bàn ỷ mình tụng nhiều hơn, nổi giận hầm hầm, hỏi chổ ở của vị Sa-di rồi cả hai cùng chia tay. Ai nấy đều sống lại tại chùa của mình. Vị Tăng từ phương Nam đến Kỳ châu, tìm được vị Sa-di, hỏi cách tụng kinh. Vị Sa-di đáp: “Trước khi tụng kinh Quán Thế Âm, thay áo, thay nhang, đọc chú cầu nguyện rồi mới tụng. Không dám lười biếng bỏ bê phép này. Ngoài ra, chẳng có gì khác.” Vị Tăng nghe xong, tạ lổi rằng: “Tội của ta rất nặng. Tụng kinh Niết-bàn không nghiêm chỉnh uy nghi, thân khẩu không thanh tịnh. Như thế, gọi là đủ chữ mà thôi! Người xưa nói, nhiều mà xấu chẳng bằng ít mà tốt. Nay mới nghiệm ra.” Nói xong, ăn năn sám hối rồi ra về.

21. Sa-môn Thích Tuệ Ý ở chùa Cảnh Không tại Tương châu đời Tùy, vốn họ Lý, người Lâm nguyên, lên núi trên thành Hưng Tiên tìm huynh đệ đồng sư là Tuệ Mệnh hỏi tâm yếu tu tập Thiền định. Sau đó, ngài trở về, quyết chí tịnh tu trong Thiền phòng cũ của đại sư Thông tại chùa Cảnh Không. Thường không thắp đèn đuốc, nhưng đêm ngày vẫn sáng. Có người không tin, mời ngài sang chổ khác hành Đạo một trăm ngày. Đến đêm lén nhìn xem, thấy Thiền thất sáng trưng. Mọi người cảm phục, cùng xin quy y. Đầu niên hiệu Khai Hoàng, biết mình sắp ra đi, ngài chắp tay ngồi yên rồi viên tịch. Lại nữa, dưới niên hiệu Khai Hoàng, Thiền sư Pháp Vĩnh ở Tương dương sắp sửa viên tịch. Vào đêm mồng 7 tháng bảy, bỗng nghe có tiếng âm nhạc và hương thơm tỏa khắp chùa, ngài bèn chấp tay ngồi yên mà hóa. Đồ chúng đưa lên đặt lộ thiên trên đỉnh núi Tản cái. Luật sư Toàn trong chùa đến bên di thân khấn rằng: “Xin ngài nán thêm bảy ngày nữa.” Đúng hẹn, luật sư viên tịch, đồ chúng cũng đưa lên bên cạnh ngài. Lạ thay! Di thân của ngài lập tức rã xuống. Lại nữa, Xà-lê Sầm, vốn họ Dương, người Lâm nguyên, dựng Tinh xá tụng kinh bên dòng suối ở phía Tây chùa tản cái. Mỗi lần tụng kinh Kim-quang-minh, có bốn vị Thiên vương hộ pháp hiện xuống nghe. Sau đó, đọc Đại tạng đều nhớ hết. Ngài tụng hơn ba ngàn quyển. Thường mặc áo vải đi khất thực, đồ ăn còn dư, đem chia cho bầy chuột trong phòng. Hơn một trăm con chạy loanh quanh, giành nhau đến bên ngài. Con nào bị bệnh, ngài đưa tay vuốt ve, đều khỏi cả. Ngài cùng Sa-môn Trí Hiểu trong chùa giao du, tập họp đồ chúng tu Thiền và giáo hóa mọi người. Biết mình sắp sửa ra đi, Sa-môn Trí Hiểu cấp tốc gọi Thiền sư Thải dặc dò hậu sự rồi lên đại điện lễ Phật. Môn đồ khắp chùa cùng cầu nguyện cho ngài được an lạc. Hôm sửa soạn giải tán trai nhật ở chùa Thiền cư, Sa-môn bảo ngài rằng: “Ta sắp lên Thiên cung Đâu-suất nghe kinh Bát-nhã.” Ngài đáp rằng: “Sư đệ cứ lên trước, bảy hôm sau, ta sẽ lên theo.” Canh ba đêm ấy, Sa-môn lặng lẽ ngồi viên tịch. Sang canh tư, thần thức của Sa-môn hiển hiện khắp giảng đường. Hai chùa cách nhau mười dặm. Sa-môn lại đến trước Thiền phòng của Thiền sư Thải, khiến nơi đây bỗng sáng rực như ban ngày, bảo rằng: “Trí Hiểu tôi phải đi xa, nên đến Từ biệt trong giây lát, không thể ở lâu.” Thiền sư tiễn Sa-môn ra cổng, qua ba lớp cửa dày rồi về lại, ngồi trên Thiền sàng. Phòng trở lại tối om như cu. Thiền sư lên tiếng, gọi đệ tử. Đệ tử thưa rằng: “Vừa rồi có nghe Thiền sư nói chuyện với khách.” Đệ tử đốt đuốc xem lại, ba lớp cửa dày vẫn đóng chặt, mới hay thần lực của Sa-môn thật tự tại vô ngại. Thiền sư phái đệ tử sang hỏi thăm. Quả nhiên Sa-môn đã viện tịch. Bảy hôm sau, ngài thanh thản nhắm mắt nhập diệt. Hư thân không hề hư hoại. Cho hay, xưa nay Thánh phàm cùng chung đụng, mắt trần không thể phân biệt nổi. (2 chuyện trên đây rút từ Đường-cao-Tăng-truyện)

22. Sa-môn Thích Pháp Tạng ở chùa Bảo thất tại Phu châu đời Tùy, giới luật tinh thuần, tính tình thành thật. Năm Khai Hoàng thứ mười ba, ngài dựng một ngôi chùa trong thành Vị Xuyên thuộc huyện Lạc Giao. Điện Phật trang nghiêm, phòng Tăng đẹp đẽ. Linh tượng và tràng phan đều đầy đủ. Năm Đại Ngiệp thứ năm (609), ngài vâng sắc mệnh sát nhập vào vhùa lớn ở Phu châu. Những pháp khí hư hỏng đều được ngài tu bổ và xây cất thêm điện đường để tôn trí và thành lập Đại tạng. Đã sao chép xong tám trăm quyển. Ngài sợ trong châu không đủ giấy bút và người viết chữ tốt, nên phải viết ở cổ tự Ai nguyệt trên kinh thành. Tháng hai nhuận năm Vũ Đức thứ hai đời Đường (619), ngài lâm bệnh hơn hai mươi ngày. Chợt thấy một người mặc áo xanh lộng lẫy đứng trên gác cao, tay cầm quyển kinh, bảo ngài rằng: “Từ khi nhà ngươi hành Đạo đến nay, tuy đã tạo nhiều công đức rất tốt đẹp, nhưng có lợi dụng đôi phần của Tam bảo, mang tội nhiều vô số. Quyển kinh ta cầm đây, chính là Kim-cương-bát-nhã. Nhà ngươi phải tự chép thành một bản thì mọi tội lổi ấy sẽ được tiêu trừ.” Ngài lên tiếng đáp rằng: “Đệ tử vâng mệnh thành lập Đại tạng, đã chép các kinh, nhưng chưa kịp chép kinh Kim-cương-bát-nhã. Chỉ cầu bớt bệnh, không dám trái lời. Đã được giác ngộ, đệ tử chẳng còn của cải gì ngoài ba pháp y, bình bát và nội y kỳ-chi, sẽ xin đem trao lại cho các vị đại đức và đệ tử.” Chưa đầy mấy hôm sau, đã chép xong một trăm quyển kinh Kim-cương-bát-nhã. Khi sắp viên tịch, ngài thấy rõ đức Phật Di-đà đến nghinh đón. Nhờ uy lực của kinh ấy, ngài được vãng sinh về Tây phương, không bị đoạ vào ba Đường ác.

/72
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây