Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Báo Cáo Tâm Đắc Học Tập Nữ Đức

Báo Cáo Tâm Đắc Học Tập Nữ Đức

Chương 2: Báo cáo tâm đắc về việc học tập Nữ Đức (Tập 1) - Phần - 2

Lúc ấy tôi có hỏi thầy Hy Hải: “Sao thầy lại làm được như vậy?” thầy nói: “Chỉ cần một cái tâm. Ví dụ như chồng của cô, tâm của anh ấy nghĩ gì cô đều biết rõ, cô đều có thể đoán được. Tâm tư của cha mẹ là gì cô đều hiểu được. Sau đó, cô có thể từng giây từng phút làm theo những gì mà tâm họ muốn, đương nhiên họ sẽ rất hoan hỷ”. Tôi nói: “Nếu như họ làm trái với luân lý, không phù hợp với ngũ luân đại đạo, không phù hợp với ngũ thường thì sao?”. Thầy Hy Hải nói: “Vậy thì vấn đề vẫn là ở cô! Bởi vì cô phải nghĩ ra phương pháp có thể khiến họ hoan hỷ vui vẻ làm theo những gì cô cho rằng là đúng. Chính là phương pháp của cô có vấn đề, không phải họ có vấn đề”. Tôi nói: “Thế thì, nói qua nói lại cũng là vấn đề ở tôi sao?”. Thầy nói: “Đúng rồi! Quan trọng nhất chính là cô hãy buông xuống cái tôi của mình, không nên nghĩ đến bản thân mình nữa”. Thầy nói khi thầy hầu hạ cha mình thì thầy không còn cái tôi nữa, hoàn toàn có thể trở thành một thể với cha của mình. Cha của thầy không thể nói chuyện, nhưng thầy biết cha của mình ngứa chỗ nào, khi nào phải trở lưng, khi nào cần uống nước. Chưa bao giờ cha của thầy phải dùng ống thông đàm. Mỗi lần thầy dùng ống thông đàm hút đàm ra cho cha mình, thầy canh lúc cha mình thở một hơi thì thầy hút đàm ra, hút vào trong miệng mình. Mỗi lần cha thầy đi đại tiện, thầy cũng rất hạnh phúc mà đưa lên ngửi, “phân hôm nay rất tốt, không khô, cũng không loãng”. Thân thể của cha thầy rất khỏe mạnh.

Ở Đại Liên có một bệnh viện rất nổi tiếng. Thầy dẫn cha mình đi tái khám, khi đó bác sĩ điều trị chính ở bệnh viện đã nói: “Anh Hy Hải! Với khả năng của anh bây giờ (anh Hy Hải không có văn hóa) trình độ hộ lý của anh có thể đến Đại học Y khoa giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành hộ lý được rồi đó”. Cho nên, sau khi phát tâm chân thành hiếu thảo, không có điều gì là không thông. Câu nói trong “Hiếu Kinh” thật sự rất đúng: “Thông ư thần minh, quang ư tứ hải”.

Tôi đặc biệt cảm ân, cảm thấy mình rất may mắn có cơ hội được tiếp xúc với những vị thiện tri thức. Chính là câu nói trong “Đệ Tử Quy”: “Yêu bình đẳng, gần người nhân”. Tại sao “yêu bình đẳng” ở phía trước, còn “gần người nhân” ở phía sau. “Đệ Tử Quy” đều có thứ tự. Quý vị xem “Nhập Tắc Hiếu” là chương đầu tiên. Tôi đã suy nghĩ về điều này rất lâu, xin chia sẻ tâm đắc này cho quý vị. Đó là vì, khi bạn đem tâm yêu thương cha mẹ mở rộng ra thành tâm yêu thương mọi người xung quanh, thì bạn mới có thể thực sự có được tâm cung kính. Bạn đem tâm cung kính này thân cận người hiền thì bạn mới được thọ dụng, ngược lại thì làm sao thọ dụng được đây? Người hiền ở ngay bên cạnh bạn, bạn cũng không xem ra gì, cuối cùng nghe không lọt tai, bạn không học được thứ gì cả. Tôi chia sẻ với mọi người là bản thân tôi có tập khí phiền não rất nặng, thật đấy! Tôi cứ ngưỡng mộ những vị đại đức lão sư, như giáo sư Chung tôi rất ngưỡng mộ. Bản thân tôi rất muốn thay đổi, cho nên tôi suy nghĩ rất nhiều phương pháp, kiên định thực hiện nó. Đã rất nhiều năm rồi, gia đình tôi không có xem báo chí, từ trước đến giờ không xem tivi, nếu như xem thì chỉ xem phim về văn hóa truyền thống .

Khi học tập đức tính cung kính khiêm nhường, tôi nghĩ làm sao mình có thể vừa hiểu về mặt lý, mà đối với mặt sự cũng có thể làm được. Làm sao từ trong tâm tôi có thể hiểu được một cách triệt để. Khi mới bắt đầu thì tôi lạy Phật. Lần trước, tôi đã chia sẻ qua với quý vị rồi.

Qua quá trình hai tháng tu học, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi hạ quyết tâm dẫn theo con tôi đi ra ngoài làm công quả. Tôi chưa làm qua công việc này. Những thầy cô giáo thuyết giảng về văn hóa truyền thống nói chính là làm công quả. Kỳ thực, khi đi ra ngoài thì được rất nhiều người tôn sùng, tâm ngã mạn tự cao của mình càng ngày càng nặng. Cho nên, ngày chủ nhật tôi dắt theo con của mình đi đến một ngôi chùa ở Đại Liên để cọ rửa nhà vệ sinh. Quý vị thử nghĩ xem, lúc trước ngay cả nhà vệ sinh trong nhà tôi còn chưa cọ rửa qua. Nói thật lòng, tôi hạ quyết tâm rất lớn. Sau đó, tôi lái xe và nói với cha mẹ. Cha mẹ tôi cũng rất hoan hỷ, họ nói rất tốt. Ba tôi còn đặc biệt mua cho tôi một cây kẹp rác rất dài. Ba nói: “Con dẫn đứa lớn vào trong nhà vệ sinh cọ rửa, ba với mẹ con dẫn theo đứa nhỏ đi nhặt rác ở bên ngoài chùa. Đến giờ thì chúng ta cùng nhau đi ăn, ăn xong rồi về nhà. Làm nguyên một buổi sáng, rất tốt!”. Kết quả là lần đầu tiên khi cọ rửa nhà vệ sinh, lúc đó thật sự tôi có cảm xúc rất lớn. Nói thật lòng là khi tay đeo găng tay, vừa cầm cây cọ lên thì ngửi được cái mùi rất nồng. Tôi cứ tưởng là chỉ có một cái nhà vệ sinh, đến đây rồi mới biết là tự viện rất lớn, có hai khu vệ sinh công cộng. Bên nữ tổng cộng có đến tám phòng. Ngoài tám phòng ra, con tôi còn phải cọ rửa bồn vệ sinh. Trước tiên tôi dạy con cách cọ rửa, sau đó chúng tôi chia nhau ra làm việc. Kết quả, tôi vừa cọ được một lúc thì có người đi vào nói: “Đừng có làm nữa, toàn nước không à, qua bên kia làm đi, tôi phải đi vệ sinh”. Khi đó tôi mới nghĩ: “Tại sao tôi lại đến đây làm gì, ở nhà tôi có thể nhàn nhạ rất sung sướng. Thật là!. Tôi nghĩ dù gì cũng đã đến đây, nên thôi không lên tiếng, sau đó nhường cho cô ấy”. Một lúc sau lại có một người vào, nhìn tôi rồi nói: “cô làm việc ở đây à?”. Tôi nói: “ không phải ạ!, cô ấy nói: “không phải à?”. Lúc đó tôi mới nghĩ: “Mình có nên tiếp tục hay không?”. Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng tôi cũng kiên định tiếp tục, vì phải thay đổi bản thân, hãy làm thôi. Dù gì cũng phải luyện tập từ đây, mặc người ta muốn nói gì tôi vẫn cọ rửa từng phòng vệ sinh. Sau đó tôi tịnh tâm trở lại, cầm cây cọ bắt đầu cọ rửa phòng vệ sinh. Thật sự có cảm giác như đang cọ rửa bản thân mình, bao lâu nay tâm mình đã tích lũy những thứ ô uế, rất khó cọ sạch. Khi cọ đến cuối cùng thì trong tâm tôi cảm thấy phiền não tập khí của con người mình thật sự rất khó thay đổi. Nếu như không có tâm kiên định vững vàng như trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” đã nói, nếu không có cái tâm dũng mãnh, tâm kính sợ, tâm hổ thẹn, thì rất khó quay đầu thay đổi. Tôi suy đi nghĩ lại nhiều lần, tại sao cần có tâm kính sợ? Bởi vì tôi biết khi tôi học Phật nhiều năm, hiểu được nhân quả, với nghiệp mà tôi đã tạo thì tương lai tôi nhất định sẽ phải đọa vào ác đạo. Thật sự là tôi thấy sợ hãi, mỗi lần đọc “Kinh Địa Tạng” tôi đều rất sợ. Tôi không muốn đến nơi đó. Bởi vì tôi biết, khi tôi học Đại học tôi rất thích học Triết học. Tôi cứ liên tục nghĩ, tại sao con người lại đến thế gian này? Thân thể của con người có thật sự tồn tại? Rốt cục có linh hồn không? Cái gì là tôi? Đây là những vấn đề thường gặp phải trong Triết học, chính là bản thể, là mối quan hệ giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần.

Lần đó tôi đã đọc một lượng lớn sách Triết học. Như sách của Niết-chê (Nietzsche), Socrates, triết học của cổ Hy Lạp tôi đều đọc qua hết, tu học rất nhiều môn, nhưng không đạt được kết quả gì. Tôi thích Phật học, đích thực là ban đầu tôi đã đem Phật học ra nghiên cứu. Bởi vì tôi cảm thấy nó so với Triết học nói thấu triệt hơn. Tôi còn có tâm lý là xem Phật học như một thứ tiêu khiển cho qua thời gian, tôi cảm thấy như vậy. Sau này khi nghe giảng đi giảng lại thì tôi thấy rất sợ, bởi vì con người thật sự không có chết, người chết thì chưa có hết. “Mọi thứ không thể mang theo được, chỉ có nghiệp theo thân”. Thiện nghiệp thì tôi không có, ác nghiệp thì rất nhiều. Tôi sợ hãi, làm sao để sửa đổi đây? Tôi phải kiên trì.

Làm đến giữa chừng con tôi mệt quá không làm nổi, nó nói: “Mẹ ơi! Chúng ta có thể đi nhặt rác được không, cũng làm công quả mà!”. Tôi nói: “Con à! Không được!”. Con tôi hỏi là vì sao vậy? Tôi nói: “Mẹ rất ngạo mạn, con nhất định phải cùng với mẹ dùng phương pháp này đối trị tính ngạo mạn của mẹ”. Chúng tôi đến chùa làm hết ba lần, lần thứ hai đi thì đỡ hơn nhiều rồi.

Sau này thầy Hy Hải có nói với tôi: “Cọ rửa nhà vệ sinh thì phải kiên trì. Đây là việc rất tốt!”. Cho nên tâm dũng mãnh này phải kiên định. Nguyên nhân có thể làm được việc này chính là bạn có tâm hổ thẹn và tâm kính sợ, nó sẽ thành tựu tâm dũng mãnh của bạn. Lần này tôi đến, đem về cuốn “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu”. Hôm qua, tôi đứng đấy xem được vài đoạn. Tôi quyết định khi đi về có thời gian nên xem nhiều hơn. Tôi biết được có nhân quả nhưng không tin sâu. Bởi vì bạn tưởng tượng không ra bạn trồng ác nhân này sẽ gặt được quả báo gì. Không thấy được quả báo, nên bạn rất dễ khinh thường, xem nhẹ, không xem ra gì cả.

Hôm đó, nghe thầy Hà thuyết giảng tôi rất cảm động. Vì sao vậy? Hồi trước tôi rất sợ sét đánh. Khi tôi lên Đại học, sợ đến mức độ nào? Đến nỗi nếu như có tiếng sét, tôi liền chui vào trong chăn của người khác. Người ta hỏi tôi làm sao vậy? Tôi mới nói là hễ nghe được tiếng sét thì lông tóc dựng đứng. Tôi rất sợ tiếng sét đánh. Thậm chí ngay trong giấc mơ, tôi đã mơ thấy thần thiên lôi trách mắng tôi. Tôi không biết tại sao, nhưng mấy năm nay tôi không còn sợ nữa, đặc biệt là năm nay tôi không còn sợ sét đánh. Như ngày hôm đó ở Đại Liên có sét đánh, tôi mới cảm thấy kỳ lạ. Tôi hỏi: “Tại vì sao lần này tôi không sợ vậy?”. Kết quả là nghe bài giảng của thầy Hà tôi đã hiểu ra. Thầy giảng rất rõ: Lãng phí ngũ cốc chiêu cảm tiếng sét, người đó sẽ sợ hãi. Khi tôi học Đại học, nếu như tôi không thích ăn món nào, tôi chỉ thử một miếng rồi sẽ vứt cả một tô cơm và đồ ăn vào thùng rác, không có cảm giác gì. Hơn nữa, khi tôi ăn cơm thường chỉ ăn một nửa, ăn phần ở giữa, bởi vì tôi nghĩ cơm bên rìa không ngon. Phần rìa còn lại tôi đem đi đổ. Lúc trước, đi ăn ở tiệm tôi không bao giờ mang về, bởi vì tôi cảm thấy đồ ăn thừa rất bẩn, không thể ăn đồ thừa, lãng phí ngũ cốc không kể xiết. Thật sự tôi cảm thấy, vì việc đó mà tôi vẫn còn một chút kiên định tín tâm để sửa đổi. Bởi vì, tôi sợ mình sẽ chiêu cảm lấy ác báo, rất sợ hãi. Thì ra hôm qua thầy Hà nói, bởi vì hai năm trở lại đây tôi đã làm được từng chút một. Lúc mới bắt đầu tôi cho rằng mình tiết kiệm, nhưng những lúc cơm bị thiu thì tôi cũng sẽ đem đổ. Đích thực là đồ ăn dư của con ăn không hết tôi sẽ đổ bỏ.

Nhưng sau khi tôi tu tập “Nữ Đức”, khi cha mẹ tôi đến ở cùng, ba tôi đặc biệt làm một sọt rác nhỏ, gọt xong vỏ táo, vỏ dưa, kể cả những hạt cơm rơi dưới đất đều nhặt bỏ vào sọt rác đó. Tôi mới hỏi ba: “Ba à! Ba muốn làm gì vậy?”. Ba nói: “Ba đem những thứ này đưa ra ngoài, ủ một thời gian thì sẽ thành phân bón”. Bởi vì phía trước nhà chúng tôi lúc trước trồng hoa, có một vườn hoa. Hai tháng sau khi ba tôi đến, ở những khu đất trống ba tôi đều trồng rau xanh, bắp cải, bí đỏ. Ba tôi đem phân vừa ủ xong, bao gồm sữa của đứa con út của tôi vừa uống hết, ba tôi lấy nước tráng qua, sau đó đều đem tưới cho hoa, cho rau. Ba tôi còn hay nói những câu cảm ân như: “Các bạn hãy phát triển cho tốt, những loại phân bón này không biết có hợp khẩu vị hay không”. Hoa nở rất đẹp, rau cũng phát triển rất tốt. Đến mùa hè, hầu như chúng tôi đều ăn rau cải ở nhà trồng. Cho nên, bây giờ tôi thật sự không còn sợ sét đánh nữa, ngày trước thì rất sợ.

Tôi cùng cô giáo Mỹ Huệ cũng thỉnh cuốn “Cảm Ứng Thiên Vựng Biên”, quyết định đem về nhà tu học, xem từng câu chuyện, từng câu chuyện một. Người ta không biết nên mới dám tạo ác, mới không biết sợ. Sau khi biết rõ rồi thì huân tập nhiều lần. Nghe giảng một lần không được thì nghe hai lần, hai lần không xong thì nghe giảng mười lần. Không được nữa thì bạn sẽ giảng lại cho người khác mười lần. Cuối cùng thì cũng hiểu rõ, hóa ra là như thế này. Đích thân tôi đã trải nghiệm rồi.

Cho nên chúng ta học văn hóa truyền thống cũng tốt, học “Đệ Tử Quy” cũng tốt, quan trọng nhất là phải hiểu được nhân quả. Nếu như không tin nhân quả, hoặc không hiểu rõ về nhân quả, thì thực sự mỗi ngày bạn luôn tạo ra ác nghiệp nhiều hơn thiện nghiệp. 

Hiện nay, cũng có lúc ba tôi nói với tôi: “Con hiện tại cũng đang phạm lỗi, cũng may là so với lúc trước con có ưu điểm là con biết quay đầu ngay lập tức, con biết con đã sai”. Chúng ta thường hay làm những việc sai trái nhưng không biết đó là sai trái, còn cho rằng là rất đúng, như việc dạy con trẻ. Tôi luôn nghĩ rằng trẻ con là trẻ con, tôi là tôi, tôi phải phê bình nó, tôi phải nói nó, tôi phải dạy dỗ nó. Tôi tu học ở nhà hai tháng nay có một trải nghiệm rất lớn, không phải dạy trẻ kiểu như vậy. Bạn thay đổi rồi, thì nó sẽ thay đổi.

Bạn với con trẻ cũng giống như thân thể của bạn và hình bóng của bạn vậy. Khi bạn đứng thẳng, thì mặt trời rọi xuống bóng của bạn mới đứng. Nếu thân của bạn nghiêng, thì mặt trời rọi xuống bóng cũng nghiêng. Cho nên, khi nói về việc giáo dục đức hạnh của phụ nữ, Tổ sư Ấn Quang đã từng nói qua một câu rất Kinh điển. Ngài nói, mẹ và con cũng giống như vàng được nung chảy thành khuôn vậy. Đem vàng nung chảy ra, rồi đổ vào trong khuôn, khuôn đó hình thù như thế nào thì hình dạng của vàng cũng như thế đó. Ví dụ như khuôn là hình cột, thì nhất định sẽ tạo ra vàng cây. Khuôn là hình đĩnh vàng, thì nhất định sẽ tạo ra đĩnh vàng. Ngài nói cái khuôn này chính là người mẹ, người con chính là vàng.

Tại sao tôi nói tôi đặc biệt xúc động? Bởi vì sau ba ngày kể từ khi tôi dập đầu xin lỗi với mẹ, vào một buổi tối, đứa con út của tôi chủ động cầm một cái khăn đứng bên cạnh ba của tôi. Ba tôi lúc đó đang rửa chân, cũng không để ý. Ba tôi mới nói: “Con muốn làm gì đó?”. Nó mới nói: “Ông à! Khi nào ông rửa chân xong con muốn lau chân cho ông”. Nó chỉ hai tuổi rưỡi, chưa đến ba tuổi. Ba tôi rửa xong rồi thì nó đã rất chăm chú lau từng bàn chân, từng ngón chân cho ba tôi. Sau khi lau sạch sẽ rồi thì nó đem dép mang vào cho ông. Sau đó nó nói với anh nó: “Anh đem đổ nước đi, em bưng không nổi”. Anh nó liền đem nước đổ đi. Sau đó ba tôi rất là vui, niềm hoan hỷ đó không gì so sánh nổi. Ngày hôm sau, khi gặp chồng tôi, ba liền nói với anh là: “Đứa con này của con đúng thật là ...”. Bởi vì ba tôi cũng có hai đứa cháu nữa. Tôi có hai đứa em trai, là song sinh. Ba tôi mới nói: “Con xem hai đứa cháu nội của ba, chúng cũng ba bốn tuổi rồi, lúc trước ở bên cạnh ba không có đứa nào rửa chân giúp ba hết”. Ba tôi rất vui.

Đứa con lớn của tôi có vẻ tủi thân, bởi vì chúng tôi đang khen đứa em nên nó đứng đó không lên tiếng. Sau đó, tôi hiểu được tâm ý của nó, tôi nhẹ nhàng gọi nói qua một bên, tôi nói: “Con à! Mẹ nói cho con nghe một bí mật. Thật ra bà ngoại của con vẫn chưa từng được ai rửa chân. Em của con không phải là người đầu tiên rửa chân cho ông hay sao? Tối hôm nay con có thể là người đầu tiên rửa chân cho bà. Con còn có thể chủ động bưng nước đến rửa chân cho bà. Con làm còn tốt hơn so với em con. Đừng nói với bà là mẹ nói chuyện này với con nhe. Con cứ nói với bà là con nghĩ ra như vậy”. Kết quả là đến tối, nó cứ hỏi, “bà mấy giờ mới ngủ, bà mấy giờ mới rửa chân?”. Mẹ tôi mới nói: “Con muốn làm gì vậy?”“Con chỉ hỏi thôi ạ”. Cuối cùng mẹ tôi cũng nói: “Bà muốn rửa chân rồi, con có chuyện gì không?”. Con nó nói: “Bà cứ ngồi ở đó, con đi lấy thau nước”. Sau đó đích thực là nó đã làm theo lời của tôi. Mẹ tôi rất vui. Mẹ tôi nói nó làm còn tốt hơn so với em nó, còn làm cả mấy việc từ rửa chân đến cọ chân, mẹ rất vui.

Cho nên, bản thân tôi suy nghĩ rất lâu, chúng ta là người làm mẹ mà cứ luôn trách móc con mình không tốt, cứ luôn cảm thấy trẻ con rất khó dạy bảo, trẻ con không hiếu thuận. Thật sự là tôi chưa bao giờ phản tỉnh lại chính mình. Bởi vì khi nhìn thấy những khuyết điểm của con mình, cũng chính như là nhìn thấy khuyết điểm của chính bản thân mình vậy, chỉ là chính mình ngại không dám thừa nhận, không dám đối mặt.

Lần này trước khi tôi đến Hồng Kông, con tôi đã viết cho tôi một bức thư. Đứa con lớn của tôi, bởi vì nó đã vào tiểu học lớp một, trong hai ngày này nó đang thi cuối kỳ, hôm qua đã bắt đầu thi. Nó biết tôi có chút lo lắng, nên nó đã viết cho tôi một tờ ghi chú vuông vức ngay ngắn. Nó nói: “Mẹ thân yêu! Mẹ đi Hồng Kông chăm chú nghe giảng nhé, con ở nhà sẽ thi thật tốt để mẹ yên tâm”. Tôi rất cảm động. Bởi vì nói thật lòng, chúng ta có thể cảm ân cha mẹ, nhưng có biết cảm ân con của mình hay không? Lúc trước, tôi cảm thấy hai đứa con của mình rất phiền toái, tôi thấy nếu tôi không có chúng nó tôi sẽ sống tốt hơn nhiều, sẽ vô lo vô ưu, tự do tự tại. Hiện tại, chính ngày hôm đó đã khiến tôi suy ngẫm, tại sao tôi có hai đứa con này? Bởi vì tôi thiếu rất nhiều bài học, kiếp này ông trời ban cho tôi hai vị thầy. Trẻ con cũng là thầy, ông trời phái xuống bên cạnh để thành tựu cho tôi.

Lần trước khi tôi giảng bài, tôi còn nhắc đến, tôi phải nhẫn nhịn, đối với tất cả mọi người đều phải nhẫn nhịn. Sau khi quay về, đối với cha mẹ thì tôi dần dần có thể làm được. Khi bạn làm không được trọn vẹn thì luôn sẽ có thử thách. Tôi cứ nghĩ mình làm rất tốt, kết quả là đứa con út liên tục mấy đêm liền không hiểu lý do gì cứ khóc suốt. Ngày đầu tiên tôi có thể chịu được, ngày thứ hai thì tôi cảm thấy rất phiền. Tôi mới hỏi con: “Không bị bệnh cũng không có chuyện gì, con khóc làm gì chứ?”. Ngày hôm sau mẹ tôi thức dậy thì nói với tôi, bởi vì chúng tôi ở sát vách, ngay lầu một. Mẹ tôi nói: “Cháu út đêm hôm qua ngủ không được ngon giấc”. Tôi nói: “Dạ đúng rồi mẹ, mẹ cũng nghe thấy à?”. Mẹ tôi nói: “Quan trọng nhất là mẹ xem biểu hiện của con. Đêm đầu tiên con còn tốt, ngày thứ hai đã nhịn không nổi, vậy làm sao được?”. Sau đó tôi mới nói chuyện với đứa con út. Tôi nói: “Con có thể không khóc được không? Con muốn làm gì đây?”. Đứa con út của tôi rất thông minh, không hiểu tại sao nó nói với tôi một câu khiến tôi rất kinh ngạc. Nó nói: “Dạ con đến để thành tựu mẹ”. Tôi mới nói: “Vậy được rồi, vậy mẹ sẽ bình thản mà chịu đựng”. Khi ý niệm của tôi vừa chuyển đổi, thì con nó không khóc nữa, đều trở lại bình thường. Cho nên, trải nghiệm mà tôi muốn báo cáo cho quý vị là gì? Chúng ta thường nói đến phiền não và trí tuệ chính là bồ đề, cũng giống như mặt úp và mặt ngửa của bàn tay vậy, khi quý vị vừa chuyển ý niệm trở lại thì thử thách sẽ không còn nữa. Bởi vì khi quý vị nghĩ nó là như vậy, nó đến để thành tựu tôi đấy, thì ý niệm này của bạn là ý niệm của trí tuệ, không phải ý niệm của phiền não. Nếu quý vị không còn nghĩ đến những phiền toái đang liên tục xảy ra, thì thử thách sẽ không còn, sẽ vượt qua thử thách. Nếu như quý vị muốn nâng cao cảnh giới, thì sẽ còn những thử thách khó khăn hơn nữa tiếp tục xuất hiện, quý vị sẽ ở trong đây mà luyện tập. Mỗi lần một chuyển đổi, chuyển đến cuối cùng thật sự là như lời sư phụ đã nói: “Đối với thuận cảnh không có một tơ hào ý niệm tham luyến”.

Thuận cảnh là gì vậy? Thuận cảnh là cái mà chúng ta thường ngày hay nói, những người mình gặp đều là những người mà mình ưa thích, những lời nói xung quanh đều là những lời mà mình thích nghe, không lo lắng về chuyện ăn uống, quý vị không có tham luyến. Đây cũng là khảo nghiệm. Nghịch cảnh là gì? Không phải là đại họa đại nạn gì, mà chính là đối với những chuyện vặt vãnh thường hay xảy ra trong gia đình bạn xem thấy việc gì cũng đều vừa mắt, không phải nhìn việc nào cũng không vừa ý. Thấy người này tại sao đi vệ sinh không giội nước, thấy người này tại sao mới ra ngoài mà lớn tiếng thế, thấy người kia tại sao mặc đồ không có thẩm mỹ gì, lại thấy người nào đó đầu tóc sao rối bù, lại còn ngửi được mùi của người khác…. Thật sự ý niệm chuyển rồi thì cảnh giới sẽ thay đổi.

Bởi vì ban đầu tôi đã từng gặp qua tình cảnh như vậy, tự cho mình rất sạch sẽ. Có một vị thầy dạy văn hóa truyền thống, tôi cứ cảm thấy người thầy đó có mùi, mỗi lần tôi đều tránh rất xa. Kết quả có một ngày tôi đã làm thử nghiệm, thử xem thầy là Phật Bồ Tát, tìm những ưu điểm của thầy. Dù gì thầy cũng có duyên với tôi, chúng tôi luôn ở cùng một nơi, nhất định là thầy đến để chỉ dạy tôi bài học gì đây. Tôi tìm kiếm. Khi tôi tìm ra được những thứ tốt đẹp ở thầy, tôi thật sự rất kinh ngạc. Tôi nói, quả thật là thầy đến để đối trị tật xấu của tôi, để tôi phát hiện ra những khuyết điểm và vấn đề của bản thân mình. Thầy có đức hạnh rất tốt. Đột nhiên có một ngày, tôi mới ý thức được sao tôi lại không ngửi được mùi cơ thể của thầy nữa. Thật là tôi muốn ngửi cũng ngửi không ra, vẫn là như vậy. Cho nên mùi ở đâu ra? Ở trong tâm của mình phát ra, không phải bên ngoài.

Quý vị cảm thấy bên ngoài dơ bẩn, quý vị cảm thấy người bên ngoài đều không phải là người tốt, quý vị cảm thấy con mình không tốt, quý vị cảm thấy cha mẹ chồng của mình không tốt, chính là tâm của bản thân quý vị không tốt. Khi tâm quý vị không còn ý niệm xấu này, nhất định mọi thứ sẽ khác. Thay đổi khá là khó. Tôi cảm thấy tôi có được lợi ích gì? Hai tháng nay tôi rất ít đến công ty, mỗi buổi sáng đều nghe Kinh, buổi chiều có lúc cũng nghe Kinh, có lúc thì soạn bài, cả buổi chiều nghiên cứu “Nữ Giới”, buổi tối lại nghe Kinh.

Tôi đã hiểu được câu nói, chính là câu nói thường gặp trong bài giảng của Sư phụ. Chính miệng Ngài nói: “Tôi ngày nào cũng ở cùng Phật Bồ Tát, nên tôi lúc nào cũng vui vẻ”. Trong phút chốc tôi chưa cảm nhận được sự hoan hỷ đó, nhưng tôi có cảm giác phiền não đang giảm bớt từng chút một. Sau đó có vẻ như mình đã hiểu ra một chút một đạo lý nhỏ. Con người ta khi hiểu được đạo lý, lợi ích lớn nhất chính là biết bản thân mình sai rồi, thật sự đã sai. Không phải nói trên miệng là tôi sai rồi, tôi sẽ sửa đổi, không phải như vậy. Ngày trước của tôi là như thế. Chồng của tôi mới nói: “Em sai ở đâu?”. Tôi nói: “Chỗ nào em cũng sai cả”. Anh ta nói: “Em nói cụ thể xem”. Tôi mới nói: “Không có gì để nói cả”. Anh nói: “Vậy thì em vẫn chưa nhận thức được”. Tôi quay người bỏ đi. Đó chỉ là ngoài mặt, chỉ là hình thức. Cho nên, hiểu lý rất quan trọng. Sau khi hiểu rõ lý rồi, bản thân phải chân thật đi thực hiện. Sau khi phản tỉnh lại, thì đó mới gọi là thật sự học tập.

Bởi vì khi tôi học “Nữ Giới”, tôi thường xuyên phải tra “Thuyết Văn Giải Tự” để xem tổ tiên chúng ta khi sáng tạo ra mỗi chữ cái thì họ có hàm ý gì bên trong. Kết quả là sau khi tôi tra xong từ “học”, tôi rất ngạc nhiên. Trong cuốn “Thuyết Văn Giải Tự” có nói: “Học có nghĩa là ngộ”. Từ “ngộ” trong từ giác ngộ. Thì ra từ trước đến giờ tôi đều không có học, bởi vì tôi chưa có giác ngộ, chỉ như là một cái máy ghi nhớ đơn giản vậy, lưu trữ một đống kiến thức, một đống từ ngữ. Tôi tra rất nhiều từ, bao gồm từ “giáo” và “dục”. Từ “giáo” trong “Thuyết Văn Giải Tự” có ghi là: “Trên làm, dưới noi theo”. Còn chữ “dục” là nghĩa gì? “Con cái sẽ theo đó mà trở nên thiện”. Lúc đó tra xong hai từ này, có thể rất nhiều thầy cô đều biết, chỉ có tôi lần đầu mới biết. Tôi rất phấn khích, tôi liền chia sẻ với ba. Ba tôi nói: “Đúng rồi! Con làm như thế nào thì con của con sẽ làm thế đó. Con như thế nào thì con của con sẽ như thế đó. Con tốt rồi thì con con cũng sẽ tốt”. Ba còn nói: “Con xem chữ “giáo”, một bên là chữ hiếu, bên còn lại là chữ “văn” đảo ngược, giống như một cây roi vậy. Bạn không có hiếu thì sẽ đánh bạn, như vậy gọi là “giáo””. Lúc đấy tôi mới suy ngẫm, mình đã sắp bốn mươi tuổi rồi mà đến giờ mới hiểu đạo lý này.

Quý vị xem Khổng Lão Phu Tử, đến bốn mươi tuổi Ngài đã không còn nghi hoặc. Tôi hy vọng trong vòng mười năm có thể nỗ lực cố gắng, có thể đạt đến cảnh giới của Khổng Lão Phu Tử, không mê hoặc, sẽ rất vui vẻ. Bởi vì khi quý vị không có nghi hoặc nữa, thì quý vị sẽ bớt tạo nghiệp rất nhiều.

Trong quá trình chúng tôi học tập, thường xuất hiện những nghi vấn gì? Kể cả việc tôi dẫn dắt nhân viên cùng nhau học tập “Nữ Đức”, học “Nữ Giới”, đã gặp những nghi vấn gì? Những thứ lỗi thời này bây giờ còn học để làm gì, có tác dụng gì? Tôi nói với họ: “Mặt trời có lỗi thời không? Vậy thì chúng ta cần nó chiếu sáng để làm gì?”. Cổ ngữ Trung Hoa chúng ta có câu: “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Còn có câu: “Nghe người khuyên, ăn cơm no”. Người xưa là ai? Cha mẹ, người lớn trong nhà là người xưa. Thánh Hiền thời xưa để lại những điển tích này cho chúng ta, nó cũng là người xưa. Cho nên Khổng Lão Phu Tử thường nhắc đến câu là: “Tín nhi hiếu cổ”. Tin tưởng lời nói của cổ nhân, nguyện học tập theo người xưa.

Mỗi ngày ở nhà, tôi đem “Câu Chuyện Đức Dục” gồm bốn quyển ra xem. Ba tôi rất hoan hỷ, ba nói sách này rất tốt, đều nói về đức hạnh của cổ nhân, đều dựa trên “Bát Đức”: “Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” để biên soạn, và còn phân chia ra phần của người nữ và phần của người nam. Tôi xem người nữ thời xưa họ như thế nào để làm người phụ nữ, làm người vợ, làm người mẹ, làm người con dâu. Chúng ta thật sự có lỗi với tổ tiên, chúng ta bỏ đi rất nhiều thứ. Trong “Bát Đức”, tôi cảm thấy tôi học đi học lại cũng chỉ có một đức, đặc biệt là xã hội ngày nay cần đến, chính là chữ “hiếu”. Vì sao mỗi lần tôi phản tỉnh từ chữ “hiếu” này, thì tôi cảm thấy hiếu chính là gốc. Cha mẹ của mình, họ chính là cái gốc sinh mệnh của mình, quý vị chính là từ đây mà ra. Nếu như các vị niệm niệm đều quay về tâm hiếu thảo đối với cha mẹ, thì nhất định có thể thành tựu, ít nhất là trên thế gian có thể ít tạo nghiệp hơn. 

Chúng tôi trong lúc học tập văn hóa truyền thống, có rất nhiều thầy cô cũng đang chia sẻ cho mọi người, tôi cảm thấy chính mình không biết thuộc loại người nào? Tôi cảm thấy mình thật sự không phải là một tấm gương tốt, tôi chính là đến để phản tỉnh, để sám hối. Bởi vì chúng ta thường quan niệm là đi học vài năm để có được những tấm bằng, những học vị, rồi thì không cần đến giáo huấn của người xưa nữa. Không nghe lời dạy của cha mẹ, cũng không chịu cúi đầu nghe thầy cô giảng dạy, cả một đời này không chỉ là tự hủy đi bản thân mình. Thật vậy, giống như chương đầu tiên “Ti Nhược” trong “Nữ Đức” có nói đến ba cái “thường đạo” của người phụ nữ. Chữ “thường” trong từ luân thường, “đạo” trong từ đạo đức. Thường đạo này siêu việt cả thời gian và không gian. Nói trắng ra, chính là căn bản của sự tu thân dưỡng đức của người phụ nữ, là căn bản của việc thành gia lập nghiệp, căn bản của việc gia hòa vạn sự hưng, căn bản của tất cả mọi thứ mà chúng ta lại không biết nó, không có nó, cho nên học đến cuối cùng thì nhà không ra nhà, người cũng không giống người.

Quý vị xem chương thứ nhất về “Ti Nhược” nói đến ba thứ “thường đạo” của người phụ nữ, là ba thứ “thường đạo” nào?

Thứ nhất, tôi xin báo cáo cho quý vị, “ti nhược” chính là tánh đức khiêm tốn nhu hòa, cung kính khiêm nhường, người trước mình sau, giữ lòng nhẫn nhục. Nói thật ra, chính là chịu thương chịu khó. Ở nhà không để gia đình trở thành nơi chứa đựng đầy oán khí, tất cả những điều không vừa ý đều phải nhẫn nhịn. Giống như đức tính của nước vậy, đổ nó vào cái bình vuông thì nó hình vuông, vào bình tròn thì nó hình tròn, vậy thì gia đình này nhất định có phước.

Thứ hai là nói đến người phụ nữ phải cần cù, cần mẫn. Người phụ nữ nếu không biết cần kiệm thì nhất định là tướng bại gia. Lúc trước tôi là như vậy, rất xa xỉ, rất lãng phí. Trong hai tháng tu học này, tôi đem quyền quản lý tài chính trong gia đình giao cho ba tôi, bởi vì cha mẹ tôi rất tiết kiệm. Tháng đầu tiên, tôi đưa ba 2.000 tệ. Trong nhà có hai đứa trẻ, cha mẹ, cộng thêm tôi nữa. Bởi vì ông xã làm kinh doanh nên thường xuyên ăn cơm bên ngoài, chủ yếu là những chi phí trong nhà. Kết quả sau một tháng, cha tôi rất cẩn thận lấy sổ ghi chép chi tiêu. Các khoản chi tiêu chỉ dùng hết 1.600 tệ. Tôi cảm thấy như thế là rất tiết kiệm rồi. Ngày trước, một tháng tôi chi tiêu rất nhiều. Ba tôi ở đó xem xét những khoản nào cần nên cắt giảm, khoản nào không cần thiết, khoản này có thể tiết kiệm hơn. Trong khu vườn nhỏ này có thể làm thêm vài luống đất, tiền rau có thể cắt giảm đi. Lúc đó, tôi cảm thấy thật sự đời này của chúng ta kém rất xa so với đời trước, không biết tiếc phước, không biết cảm ân. Cho nên, có một vị thầy nói với tôi những lời khiến tôi kinh ngạc. Thầy nói hưởng phước, quý vị hưởng thụ phước báo chính là đang tiêu hao phước báo, hưởng thụ nhiều một phần thì tiêu hao nhiều một phần. Khi không còn để tiêu hao nữa thì phước tận nhân vong, khắp người mang theo ác nghiệp thì bạn phải đi thọ ác báo. Thầy ấy nói, chịu khổ chính là hết khổ. Quý vị chịu khổ nhiều một chút thì nghiệp nợ của quý vị sẽ giảm đi một phần, tích thêm một phần phước. Cho nên, tôi bắt đầu từ bản thân mình, sau đó đến con của tôi.

Trong thời gian đó có ngày quốc tế thiếu nhi. Mọi người đều biết, hồi xưa đến ngày quốc tế thiếu nhi tôi nhất định dắt con ra ngoài, phải ăn, phải chơi, một ngày cũng tiêu đến một ngàn tám trăm tệ. Dịp lễ này chúng tôi không đi đâu cả, ở nhà dọn dẹp nhà cửa.

Chúng ta học được rồi thì chúng ta hãy áp dụng, tuy là có lúc không làm nổi. Đôi khi tôi cũng không thể khống chế bản thân mình được, nhưng vẫn cảm nhận được bản thân đang tiến về phía trước. Mặc dù tiến ba bước, lùi hai bước, nhưng vẫn còn một bước chưa lùi lại chỗ ban đầu, liền mong chóng tiến lên phía trước hai bước nữa. Nếu như không học thì hoàn toàn lùi về sau rồi.

Thứ ba là gì vậy? Trong chương “Ti Nhược” có nói, gọi là “kế tế tự”. Cái gọi là “kế tế tự”, ý nói trọng trách của người phụ nữ trong việc kế thừa gia đạo và truyền thừa lại cho đời sau.

“Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Câu nói này tôi cũng cẩn thận tra cứu trên mạng. “Hậu” ở đây là chỉ cho thế hệ sau có đức, có thể thật sự gánh vác được gia nghiệp, gia đạo. Quý vị sanh nhiều con, không chỉ là hai đứa, quý vị sanh ba đứa, chúng đều không được giáo dục về đức hạnh, không biết hiếu dưỡng phụ mẫu, tôn trọng sư trưởng, thì không khác gì so với cầm thú.

Tôi nghe được một câu chuyện về một doanh nhân rất giàu ở Đại Liên, luôn bận rộn trong công việc. Con của ông ấy bởi vì thiếu sự giáo dục về văn hóa truyền thống, đã tiêu hơn một triệu tệ để mua xe. Mới mua không lâu lại không thích, đòi cha mình phải mua thêm một chiếc xe khác hơn một triệu tệ. Người cha không đồng ý. Anh ta cố ý lái chiếc xe đó ra ngoài đâm vào lề đường, đâm liên tục nhiều lần làm cho chiếc xe bị tông đến vỡ nát, sau đó đem bỏ đi, không cần nữa. Người cha không còn cách nào khác, phải làm theo ý muốn của nó, lại cho nó mua kiểu xe mà nó thích.

Tôi thật sự rất cảm ân, may mắn khi con mình chưa trưởng thành, con vẫn còn nhỏ tôi vẫn kịp quay đầu, tôi có thể giảng cho con mình như thế nào mới thật sự là đạo làm người. Bởi vì ban đầu con tôi cũng như vậy, nó cứ hỏi: “Công ty của ba kiếm tiền nhiều hay là công ty của mẹ kiếm nhiều hơn?”“Mẹ à! Con muốn cái công ty kiếm nhiều tiền của ba, cái ít hơn mẹ để dành cho em con đi”. Bởi vì tôi kinh doanh vàng, có một lần con tôi đến tiệm vàng của tôi nói: “Mẹ ơi! Cây vàng lớn nhất là của con, nhất định sau này phải để lại cho con”. Hiện giờ tôi nghĩ lại rất sợ. Sau này con mình lớn lên trong mắt chúng chỉ có tiền, tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn được chúng. Dục vọng của con người không bao giờ có điểm dừng. Ba - bốn tuổi nó đã trở nên như thế này, sau này ra ngoài xã hội sẽ như thế nào đây? Cho nên, năm ngoái thông qua việc cùng con tôi học tập văn hóa truyền thống, chồng tôi đã nói một câu, câu chuyện này tôi không nhớ là có chia sẻ qua với mọi người chưa. Năm ngoái, chồng tôi có một lần lái xe chở con đi ra ngoài chơi. Lúc đó chồng tôi cũng muốn đổi một chiếc xe mới, nên đã đem những hình ảnh của chiếc xe mới đưa cho con tôi xem. Con tôi xem qua một lần, bởi vì lúc trước con tôi cũng rất thích xe, nhưng lúc đó con tôi xem xong thì không nói gì. Đúng thật là nó rất hờ hững đặt tờ quảng cáo xe ra trước mặt. Sau đó chồng tôi mới hỏi: “Con cảm thấy kiểu xe này như thế nào?”. Con tôi mới trả lời: “Ba ơi! Có phải xe này đắt lắm không?”. Chồng tôi mới nói: “Đúng rồi! Rất đắt đó!”. Con tôi mới nói: “Ba ơi! Nhà mình đã có rất nhiều xe rồi, không cần phải mua thêm xe mới. Ba có thể đem số tiền đó giúp đỡ được nhiều người nghèo khó”. Chồng tôi rất ngạc nhiên. Con tôi quay về có nói với tôi, tôi cũng cảm thấy rất cảm ân. Tôi cảm thấy con nó đã có một chút thay đổi và tiến bộ, nó cũng như đang động viên và nhắc nhở tôi, nói với tôi, làm mẹ như tôi nên biết phải làm như thế nào. “Mẹ dạy như thế nào thì con sẽ như thế đấy, mẹ thay đổi rồi thì tụi con cũng thay đổi”. Nên có những lúc tôi suy nghĩ, một người phụ nữ không nên oán trách bất cứ những chuyện không vừa ý xung quanh mình, như là cha mẹ chồng không tốt, hay chồng mình không tốt, hoặc con mình không tốt. Thật sự không phải như vậy, đều là bản thân mình làm chưa được tốt. Quý vị thay đổi rồi, chồng của quý vị sẽ rất yêu thương quý vị, con của quý vị cũng biết hiếu thuận nghe lời, cha mẹ chồng cũng sẽ rất tôn trọng quý vị. Bản thân tôi tu học rất tệ, rất may mắn tôi có cơ hội được chia sẻ với mọi người. Nếu như có chỗ nào không đúng, khẩn thỉnh các vị lão sư, đại đức ra sức chỉ giáo, Giúp chúng tôi trở thành một người phụ nữ có đức hạnh, thành tựu một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Xin cảm ân mọi người!

Báo cáo tâm đắc về việc học tập Nữ Đức

Chủ giảng: Cô Trần Tịnh Du

Giảng ngày 8/7/2010

Tại hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông

Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ

Biên Tập: Ban Biên Tập Tịnh Không Pháp Ngữ

/8
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây