Khoai tây chiên có chứa chất gây ung thư

Thứ tư - 06/05/2015 18:03 - Đã xem: 5568
- Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo rằng chất acrylamide có trong khoai tây chiên giòn có khả năng gây bệnh ung thư.
Khoai tây chiên sản sinh chất acrylamide có khả năng gây bệnh ung thư.
Khoai tây chiên sản sinh chất acrylamide có khả năng gây bệnh ung thư.
Cơ quan này đã đăng tải lời cảnh báo trên trang web của mình, khuyến cáo mọi người hạn chế ăn khoai tây chiên – món ăn phổ biến tại các quán ăn nhanh như KFC, Lotteria, McDonald’s, Burger King... Đồng thời, FDA cũng cảnh báo người dùng không nên chiên khoai tây quá lâu sẽ tạo điều kiện sinh ra loại hóa chất độc hại này.
Các chuyên gia y tế cho rằng việc tiếp xúc nhiều với acrylamide khiến cơ thể đổ mồ hôi, đi tiểu không kiểm soát, buồn nôn, đau mỏi cơ… Hồi tháng 4/2002, các nhà khoa học Thụy Điển từng phát hiện chất acrylamide có trong thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây được chiên nóng ở nhiệt độ khoảng 170-180 độ C. Không chỉ vậy, nhà khoa học Thụy Sĩ, Na Uy, Anh và Mỹ... cũng phát hiện ra hàm lượng acrylamide trong một số thực phẩm khác như ngũ cốc, cà phê, bánh quy giòn, bánh mì và trái cây khô.
Hơn thế, Khoai tây của McDonald’s thường được chiên trong loại dầu với 93% là từ mỡ bò. Điều này có nghĩa là bịch khoai chiên của cửa hàng McDonald’s thậm chí còn béo hơn cả một chiếc hamburger. Dù ngày nay, nhiều cửa hàng tuyên bố họ không dùng mỡ động vật mà dùng “hương liệu tự nhiên”, song McDonald’s thừa nhận vẫn có thành phần động vật trong đó.
 
Theo lời khuyên của chuyên gia, cách tốt nhất để giảm thiểu tác hại của acrylamide khi nấu ăn là tránh quá lửa vì hiện vẫn chưa có phương pháp loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại này ra khỏi thực phẩm. Không nên rán hoặc nướng lại nhiều lần, hạn chế dùng dầu đã qua sử dụng để rán thức ăn.
 

Theo các chuyên gia về công nghệ thực phẩm, chất gây ung thư vừa được tìm ra có tên là acrylamide. Thực tế acrylamide được tạo ra khi đường và một số axít amin thành phần chính của protein có trong các thực phẩm tự nhiên bị nóng lên trong quá trình nướng bánh. Loại hoá chất có hại này thường có trong các loại thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây và các sản phẩm từ khoai tây hoặc các đồ nướng như bánh mì. Hàm lượng acrylamide trong các loại thực phẩm này tăng lên khi nhiệt độ tăng và thời gian nấu nướng kéo dài.

 

Ở các hộ gia đình khi chế biến các loại thực phẩm chỉ cần để ở nhiệt độ cao như chiên trong nhiệt độ 150 độ C thì các protein có trong tự nhiên có thể tự chuyển hóa thành acrymide.

Từ trước đến nay, các chuyên gia thực phẩm đều khuyến cáo sản phẩm thực phẩm chiên làm gia tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là khi chúng chứa các loại dầu hydro hóa - chất béo transfat. Hóa chất acrylamide cũng sản sinh ra khi chúng ta chiên kĩ hoặc chiên đi chiên lại nhiều lần.

Các nhà khoa học gọi acrylamide là một khối u chứa chất độc thần kinh mạnh, có tác dụng phụ không chỉ trên não, mà cả đối với hệ thống sinh sản. Đối với sản phẩm bim bim được chiên giòn từ tinh bột cũng tương tự.

Trước thông tin gây nhiều hoang mang, các chuyên gia cho rằng người dân cần bình tĩnh chờ kết quả kiểm nghiệm cụ thể và có thói quen trong nấu nướng tránh biến thực phẩm thành thuốc độc. Người dân hạn chế sử dụng các đồ ăn chiên hay nướng ở nhiệt độ cao từ 150 đến 250 độ C.

Trước đó, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y Tế vừa gửi đi văn bản đề nghị Viện kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia triển khai gấp một số nội dung liên quan đến việc giám sát mẫu khoai tây chiên, bim bim không đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, Cục yêu cầu Viện lấy ngẫu nhiên 03 mẫu sản phẩm khoai tây chiên tại các cửa hàng thuộc hệ thống của KFC và 03 mẫu sản phẩm bim bim đang lưu thông trên thị trường. Mỗi cơ sở giám sát lấy 1 mẫu. Các mẫu này sẽ được đem đi xét nghiệm các chỉ tiêu về chất acrylamide và chất polycyclic aromatic hydrocarbons (PAH).

Các xét nghiệm phải được hoàn tất nhanh chóng và gửi báo cáo kết quả về Cục An toàn thực phẩm trước ngày 21/7/2014. Theo chỉ đạo của Cục, quá trình kiểm tra này sẽ sử dụng nguồn kinh phí kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông trên thị trường năm 2014. Yêu cầu kiểm tra được lãnh đạo Cục an toàn vệ sinh thực phẩm gửi đi sau khi cơ quan này tiếp nhận thông tin cảnh báo của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), vừa phát hiện một hóa chất có tên là acrylamide gây ung thư được tìm thấy trong bim bim, cà phê, khoai tây chiên, bánh mì nướng bị cháy, khoai tây chiên giòn và một số loại thức ăn nhanh của trẻ em gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. 

Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu EFSA còn đưa ra đề xuất, các chính phủ cần phải thiết lập các khung kiểm soát pháp lý mới đối với ngành công nghiệp thực phẩm, nhằm cố gắng giảm lượng hóa chất dễ gây ung thư trong các sản phẩm bày bán ở nhà hàng và siêu thị.

 Còn theo bác sĩ Bùi Thị Xuân (Bệnh viện K Trung Ương), những người hay ăn thực phẩm chiên qua dầu mỡ có nguy cơ ung thu cao hơn người bình thường, đặc biệt là đối với thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần.
 
Bác sĩ Xuân giải thích, mỗi lần chiên lại, những phần thực phẩm còn dư ở mỡ sẽ tiếp tục bị chiên lại ở nhiệt độ cao, tích tụ nhiều độc tố không tốt cho sức khỏe.
 
Đối với các món ăn tại các hệ thống cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh, bác sỹ Xuân nhận định, các món ăn tại đây tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Bởi, người tiêu dùng khó có thể biết thực phẩm xuất xứ từ đâu, chất bảo quản như thế nào, chế biến từ bao giờ, có dùng dầu chiên nhiều lần không... Ngoài ra, chất bảo quản trong thực phẩm sẽ đọng lại trong dầu mỡ gây nhiều tác hại cho sức khỏe con người.

Bác sỹ Xuân cho rằng, người tiêu dùng nên hạn chế tối đa việc ăn uống ngoài hàng, đặc biệt tại các hàng ăn nhanh để tránh gây hại cho sức khỏe.


Xét nghiệm của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng kết hợp với Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã phát hiện mẫu khoai tây chiên tại thị trường TP HCM chứa độc tố acrylamide có nguy cơ gây ung thư.

Chiên càng lâu, nhiệt càng cao càng độc

Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TPHCM kết hợp với Trường Đại học Bách khoa TPHCM vừa tiến hành thu thập 12 mẫu khoai tây chiên hiện có bán tại các cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng bán lẻ tại TPHCM. Đồng thời, các nhà khoa học còn trực tiếp lựa chọn khoai tây tươi rồi thực hiện rán khoai ở các tiêu chuẩn, sau đó đem xét nghiệm phân tích.

Kết quả, đối với 12 mẫu ngoài thị trường gồm dạng thanh, dạng lát mỏng làm từ khoai tây tươi và từ bột khoai tây kết hợp với các loại bột khác thì hàm lượng acrylamide trung bình là 842µg/kg, cao nhất là 2.957µg/kg, thấp nhất là 334µg/kg. Trong đó, khoai tây chiên dạng lát mỏng được làm từ khoai tây tươi có lượng acrylamide cao nhất. Nhiệt độ và thời gian chiên ảnh hưởng chính đến sự hình thành acrylamide trong quá trình chế biến.

Thực nghiệm tiến hành chiên khoai tây tại ba mức nhiệt độ 150 độC, 170 độ C và 190 độ C. Các nhà khoa học nhận thấy, ở nhiệt độ càng cao, thời gian càng dài thì hàm lượng acrylamide phát sinh càng lớn. Tại 190 độ C, sau 2 giờ 30 phút, lượng acrylamide đã được tạo ra mặc dù độ ẩm vẫn còn khá cao. Sau 4 giờ 30 phút, cũng tại nhiệt độ trên, sản phẩm đạt về độ giòn, màu sắc nhưng hàm lượng acrylamide tăng đến 572µg/kg.

 
Khoai tây chiên là món khoái khẩu của các em nhỏ.
 
 
 
 
 
Nhóm nghiên cứu phân tích, ở cả ba nhiệt độ rán, khi tăng thời gian để đạt độ ẩm mong muốn thì acrylamide bắt đầu tăng nhanh. Nguyên nhân do khi cho khoai tây chiên vào rán, nhiệt độ dầu bắt đầu giảm xuống. Sau khoảng thời gian nhất định được cung cấp nhiệt, nhiệt độ trong chảo dầu bắt đầu tăng cao và đồng thời làm tăng nhiệt độ trong miếng khoai tây, tạo điều kiện thuận lợi cho các phản ứng tạo thành acrylamide. Ngoài ra, nhiệt độ bảo quản khoai tây dưới 100C làm phát sinh acrylamide nhiều hơn so với bảo quản trên 100C.

Trẻ em mê, người lớn thích

Khảo sát thị trường thức ăn nhanh trên địa bàn TPHCM của KH&ĐS cho thấy, món khoai tây chiên chủ yếu có mặt tại các cửa hàng thức ăn nhanh trong siêu thị, khu vui chơi giải trí, trung tâm thành phố, khu ăn uống tại các khách sạn...

Kết quả thăm dò trong phạm vi khu dân cư và một nhóm trường học cho thấy, 95% trẻ em thích món khoai tây chiên, thanh thiếu niên chiếm 70%, còn người lớn tuổi chiếm 50%. Có 65% người cho rằng ăn theo sở thích chứ không biết đến độc hại. 20% phụ huynh quan tâm tới chất lượng dầu mỡ chiên khoai, nhưng họ yên tâm hơn khi cho con em tới nhà hàng thức ăn nhanh của các hãng uy tín. 15% cho rằng có nghe thông tin về độc chất trong khoai tây nhưng cũng chưa rõ ràng và thỉnh thoảng mới ăn nên không lo.

Anh Lê Đức Thịnh, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH MTV Gia Khoa, quận 12, TPHCM chia sẻ: Món khoai tây chiên không chỉ trẻ em thích mà người lớn cũng mê vì độ giòn tan và béo ngậy của chúng. Những dịp đưa bạn gái đi ăn cuối tuần hoặc đi xem phim rạp, món chúng tôi lựa chọn là khoai tây chiên. Trước giờ tôi chỉ biết những món chiên xào thường khiến người ta tăng cân, hoặc mua những loại thực phẩm rán ngoài chợ có thể người bán hàng dùng dầu ăn, mỡ bẩn hoặc dầu mỡ dùng chiên đi chiên lại nhiều lần, gây bệnh. Chứ tôi không biết khoai tây chiên giòn ngon như vậy lại sinh chất độc hại khi ăn.

Theo bà Võ Thị Mỹ Lệ, quản lý một cửa hàng thức ăn nhanh ở Gò Vấp, TPHCM: Có tới 90% khách hàng chọn khoai tây chiên là trẻ em. Nguồn nguyên liệu cửa hàng lấy từ nhà cung cấp là dạng khoai tây sợi đã được cấp đông. Chúng tôi nhập về chiên tại cửa hàng để bán cho khách.

Chiên kiểu gì cũng giòn

Tại Hà Nội, phố Tạ Hiện được giới trẻ tìm đến nhiều với các món như khoai tây chiên bơ, phô mai giòn... Mỗi ngày các cửa hàng ở đây có đến hàng trăm khách hàng đến ăn. Tại một cửa hàng ở giữa phố này, từng rổ to khoai tây đã được tẩm ướp, chiên qua để sẵn chờ có khách đến ăn sẽ chiên lần hai đến mức độ giòn, vàng ươm.

Khi chúng tôi ngỏ ý mua hàng về nhà làm cỗ, chị chủ quán cho hay: Khoai tây đã tẩm ướp, chiên qua một lần có giá 50.000đ/kg. Với khoai này, em rán kiểu gì, dù lửa to hay nhỏ, lâu hay nhanh đều giòn tan. Tuy nhiên, khi hỏi về các chất có trong khi tẩm ướp để khoai được giòn, chị này cho rằng đó là công thức... gia truyền. Ngoài ra, theo mách nước của chị này, khoai tây đã tẩm ướp và chiên sẵn một lần thì về chiên sẽ nhanh giòn hơn.

Ăn thường xuyên sẽ gây ung thư

TS Đặng Chí Hiền, Trưởng phòng Thí nghiệm Công nghệ Hóa Dược phẩm, Viện Công nghệ Hóa học khẳng định, acrylamide là chất độc cho cơ thể người. Chất này được tổng hợp từ acrylic axit. Axit này điều chế được từ acrolein hoặc allyl alcol là hai chất gây ung thư cực cao nếu có trong thức ăn hay hít ngửi phải. Acrolein cũng có nhiều trong mỡ, dầu chiên hay thịt chiên bị cháy.

Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) xếp acrylamide vào loại 2A, là chất có khả năng gây ung thư cho con người. Khi tiếp xúc với liều lượng lớn, acrylamide có thể ảnh hưởng nghiêm trọng cho các tuyến sinh sản nam. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) đều coi acrylamide trong thực phẩm là mối lo ngại nghiêm trọng bởi nó có liên quan tới nguy cơ ung thư vú và ung thư tế bào thận. Cho đến nay chưa có phương pháp nào loại bỏ hoàn toàn acrylamide ra khỏi thực phẩm.

PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học phân tích thêm, chất acrylamide chỉ độc khi bị nấu ở nhiệt độ cao như chiên rán. Còn ở nhiệt độ sôi như luộc chất này không tạo nên gốc độc. Các nghiên cứu đều chứng minh chất acrylamide có khả năng gây ung thư nếu ăn thường xuyên.

Các chuyên gia khuyên, khi chế biến thực phẩm nên hạn chế chiên rán. Trường hợp chiên, rán cần tránh thực phẩm bị cháy. Nên dừng chiên khi thực phẩm có màu vàng nhạt. Riêng khoai tây nên cắt lát, ngâm vào nước từ 15 - 30 phút trước khi chiên. Khi chiên tuyệt đối không để quá lâu, không ăn các phần bị cháy vì những phần này tập trung nhiều acrylamide. Không nên bảo quản khoai tây trong tủ lạnh vì sẽ làm tăng lượng đường trong khoai, dẫn đến tăng acrylamide khi chế biến.

 
"Độ độc của acrylamide phụ thuộc vào nhiệt độ và thời gian của nhiệt độ chiên rán. Điều này được thể hiện qua màu của thực phẩm. Màu càng vàng, càng cháy sẽ hoàn toàn không có lợi cho sức khoẻ.", PGS.TS Đinh Duy Kháng

Tác giả bài viết: Nguyên Thảo

Nguồn tin: (theo Phatgiao.org)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây