Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chương 7: IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN - A. TỰ PHẦN - Tác thị niệm dĩ.

Chánh kinh:
          Tác thị niệm dĩ.
          作是念已。
          (Nghĩ như vậy xong)
          Di Lặc Bồ Tát khởi lên ý niệm ấy xong.
          Chánh kinh:
          Tức ư bô thời, tùng thiền định khởi.
          即於晡時。從禪定起。
          (Liền sau giờ Ngọ, từ thiền-định dậy).
          “Bô thời” là sau Ngọ, sau khi dùng Ngọ trai xong, Ngài từ thiền định xuất.
          Chánh kinh:
          Vãng đáo kỳ sở, cộng tương úy vấn, phục dĩ chủng chủng nhu nhuyễn ngôn từ, vị thuyết pháp yếu, linh kỳ hoan hỷ.
          往到其所。共相慰問。復以種種。柔軟言詞。為說法要。令其歡喜。
          (Đến chỗ bọn họ, cùng nhau an ủi, thăm hỏi, lại dùng các lời lẽ mềm mỏng nói pháp yếu khiến cho họ hoan hỷ).
          Đích thực là Di Lặc Bồ Tát rất có trí huệ, nói theo cách chúng ta ngày nay là trí huệ cao độ! Ngài chẳng trách móc bọn họ, mà đến an ủi họ, lời lẽ nhu hòa, dịu dàng an ủi họ, khiến cho họ sanh lòng vui mừng, sanh hảo cảm đối với Bồ Tát. Phải dùng cách khéo như vậy để họ tiếp thọ lời dẫn dụ của Ngài.
          Chánh kinh:
          Nhân cáo chi viết: “Chư nhân giả!”
          因告之曰。諸仁者。
          (Nhân đó bảo rằng:“Này các nhân giả!”)
          “Chư nhân giả” là tiếng tôn xưng bọn họ.
          Chánh kinh:
          Vân hà nhữ đẳng ư vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần nhi đắc tăng trưởng, bất thoái chuyển da?
          云何汝等,於無上菩提。圓滿道分。而得增長。不退轉耶。
          (Các vị làm thế nào để được tăng trưởng, chẳng thoái chuyển nơi vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần?)
          Lời hỏi rất khéo! Chẳng trách móc họ phạm lỗi lầm, chẳng trách họ thoái chuyển, trái lại Ngài hỏi: Đối với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần, các vị có phương pháp nào làm cho nó tăng trưởng, chẳng thoái chuyển hay chăng? Chúng ta phải học tập điểm này: Bình thường đối với người, đối với sự, đối với vật, phải nói năng thế nào để thật sự giúp người ta giác ngộ, giúp người ta sửa lỗi đổi mới, chẳng dùng lời lẽ trách móc, mà phải dùng những lời quan hoài, thương yêu, che chở, dùng phương pháp dẫn dụ, khơi gợi. Ở đây ta mới thấy chỗ cao minh của Di Lặc Bồ Tát. Vì thế, lúc bọn họ nghe Ngài nói đều rất hoan hỷ, vui vẻ trò chuyện với Ngài.
          Các vị xem nhé!
          Chánh kinh:
          Thị chư Bồ Tát đồng thanh bạch ngôn:
          - Tôn giả! Ngã đẳng kim ư vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần vô phục tăng trưởng, duy hữu thoái chuyển.
          是諸菩薩。同聲白言。尊者。我等今於。無上菩提。圓滿道分。無復增長。唯有退轉。
          (Các vị Bồ Tát ấy đồng thanh thưa rằng:
          - Thưa tôn giả! Chúng tôi nay với vô thượng Bồ Đề viên mãn đạo phần chẳng còn tăng trưởng, chỉ có thoái chuyển).
          Những người ấy đều thưa thật: Đối với vô thượng Bồ Đề chúng tôi không tăng trưởng, ngày càng lui sụt!
          Chánh kinh:
          Hà dĩ cố?
          何以故。
          (Vì sao vậy?)
          Vì sao chúng tôi ngày càng lui sụt?
          Chánh kinh:
          Ngã tâm thường vị nghi hoặc sở phú.
          我心常為疑惑所覆。
          (Tâm tôi thường bị nghi hoặc che phủ)
            Tham, sân, si, mạn, nghi. Nghi là phiền não trọng đại đối với Bồ Tát, là chướng ngại nghiêm trọng đối với sự tu học. Bọn họ có nghi, có Hoặc. Hoặc () là mê hoặc.
          Chánh kinh:
          Ư vô thượng Bồ Đề bất năng giải liễu.
          於無上菩提。不能解了。
          (Đối với vô thượng Bồ Đề chẳng thể hiểu rõ).
          Câu này ý nói bọn họ nghiệp chướng sâu nặng, tuy thường nghe đức Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp, nghe xong chẳng hiểu rõ cho lắm, chẳng những không thể liễu giải, mà còn lắm phen nghe lầm lời Phật dạy, hiểu lầm ý nghĩa. Lúc chúng ta khai kinh kệ, niệm “nguyện giải Như Lai chân thực nghĩa”. Bọn họ hiểu lầm ý nghĩa chân thật của Như Lai, hiểu cong quẹo ý nghĩa lý chân thật của đức Như Lai. Ấy là tướng nghiệp chướng sâu nặng, tiếp theo đây các vị nói rất rõ.
          Chánh kinh:
Vân hà ngã đẳng đương tác Phật da? Bất tác Phật da?
云何我等。當作佛耶。不作佛耶。
(Vậy thì chúng tôi sẽ thành Phật ư? Chẳng thành Phật ư?)

Đây là nêu lên một thí dụ cụ thể để minh họa. Bọn họ thường hoài nghi: Học Phật là tốt hay chẳng học Phật là tốt? Thành Phật là tốt hay chẳng thành Phật là tốt? Thường có những câu hỏi như thế, đó là hoài nghi thiện pháp.
Chánh kinh:
Ư đọa lạc pháp diệc bất năng liễu!
於墮落法。亦不能了。
(Với pháp đọa lạc cũng chẳng hiểu rõ).
Tam đồ lục đạo, gieo thiện nhân được thiện quả, tạo ác nghiệp nhất định phải thọ ác báo. Phật cũng đã giảng rất rõ ràng, nhưng đối với điều ấy, họ vẫn nghi hoặc!
Chánh kinh:
Vân hà ngã đẳng đương đọa lạc da? Bất đọa lạc da?
云何我等。當墮落耶。不墮落耶。
(Vậy thì chúng tôi sẽ đọa lạc ư? Chẳng đọa lạc ư?)
Chúng tôi có bị đọa lạc hay chăng? Đọa lạc thật sự hay là chỉ đọa lạc giả? Những nghi vấn ấy thường xuyên hiện hữu.
Chánh kinh:
Dĩ thị nhân duyên, thiện pháp dục sanh thường vị nghi hoặc chi sở triền phú.
以是因緣。善法欲生。常為疑惑之所纏覆。
(Bởi nhân duyên ấy, thiện pháp sắp sanh thường bị nghi hoặc ràng buộc, che phủ)
Lẽ đương nhiên là trong bất cứ thời đại nào, bất cứ cá nhân nào chẳng thể không có lấy một thiện niệm. Hết thảy chúng sanh đều là thiện ác hỗn tạp, có lúc thiện nhiều, ác ít, lại có lúc ác nhiều, thiện ít nên mới hình thành lục đạo và mười pháp giới. Bọn họ sanh thiện niệm, nhưng chỉ vì nghi hoặc nên lúc hoài nghi thì thiện chẳng thể hình thành, lúc đó rất dễ thoái chuyển. Những vị Bồ Tát này đều rất thành thật, rất khó có. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là bọn họ còn tự biết rõ mình, vẫn coi như là chưa lầm lạc! Dù có phạm lầm lỗi, vẫn còn có thể cứu, vì thế Di Lặc Bồ Tát đến cứu bọn họ.
Chánh kinh:
Nhĩ thời, Di Lặc Bồ Tát nhi cáo chi viết:
- Chư nhân giả! Khả cộng vãng nghệ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri sở. Nhi bỉ Như Lai nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả, cụ túc thành tựu vô chướng ngại trí, giải thoát tri kiến, dĩ phương tiện lực thiện tri nhất thiết chúng sanh sở hành, đương vị nhữ đẳng tùy kỳ căn tánh chủng chủng thuyết pháp.
爾時。彌勒菩薩。而告之曰。諸仁者。可共往詣。如來。應供。正遍知所。而彼如來。一切知者。一切見者。具足成就無障礙智。解脫知見。以方便力。善知一切眾生所行。當為汝等。隨其根性。種種說法。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bảo họ rằng:
- Các nhân giả! Nên cùng đến chỗ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri. Đức Như Lai là bậc biết hết thảy, bậc thấy hết thảy, thành tựu đầy đủ trí vô chướng ngại, giải thoát tri kiến, dùng sức phương tiện khéo biết sở hạnh của hết thảy chúng sanh, Ngài sẽ vì các ông thuyết pháp các thứ tùy theo căn tánh).
Đây cũng là điểm cao minh của Di Lặc Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát chẳng thể thuyết kinh giảng pháp cho họ ư? Đương nhiên là Ngài có thể.
Vì sao Di Lặc Bồ Tát chẳng thuyết pháp? Bởi vì Ngài còn ở trong địa vị Bồ Tát, chưa chắc bọn họ đã tin tưởng lời giảng kinh thuyết pháp của Ngài. Vì thế, Di Lặc Bồ Tát giới thiệu: “Chúng ta đi gặp Phật”. Mọi người nghe đến Phật đương nhiên chẳng dị nghị, chúng ta cùng nhau đi đến chỗ Phật.
“Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri” là ba thứ trong mười danh hiệu của đức Như Lai, chúng tôi cũng không giải thích chi tiết. Câu “nhi bỉ Như Lai, nhất thiết tri giả, nhất thiết kiến giả” là lời tán thán trí huệ đức năng của Phật: Không chi chẳng biết, không gì chẳng thể! Ý nói: Quả vị Phật là thành tựu đầy đủ, chẳng có một mảy gì thiếu khuyết. Trí huệ Phật đầy đủ viên mãn, Phật tự tại viên mãn. Hơn nữa, phương pháp của Phật hay khéo phi thường. “Dùng sức phương tiện” dạy dỗ chúng sanh khế cơ, khế lý.
Trước hết nói “thành tựu đầy đủ trí vô chướng ngại, giải thoát tri kiến”, đó là Lý. Phật thuyết pháp khế lý! Lại nói “khéo biết sở hạnh của hết thảy chúng sanh”: Hết thảy chúng sanh đời đời kiếp kiếp đã tạo nhân gì, thọ quả báo gì, Phật đều biết cả, vì thế, thuyết pháp bèn khế cơ. Bọn họ đến gặp Phật, nhất định đức Phật sẽ tùy theo căn tánh của mỗi người mà thuyết pháp các thứ. Ấy là khế cơ, khế lý.
Kinh văn chia làm ba phần: Phần Phát Khởi đến đây là hết. Đó là một đoạn lớn. Dưới đây là phần mở đầu phần Chánh Tông của kinh, lẽ ra [câu kế tiếp phải tách ra thành một hàng riêng]. Bản kinh hiện thời tôi bảo thầy Ngộ Quảng sao từ bản Tần Già Tạng[i] ra, rồi lại dựa theo Đại Chánh Tạng phân thành đoạn. Cách phân đoạn và chấm câu trong Đại Chánh Tạng có rất nhiều vấn đề, quý vị cứ xem kinh văn thì thấy ngay, quý vị xem kỹ thì thấy bốn chữ là một câu, cho nên đọc tụng chẳng khó.
 
 
[i] Tần Già tạng là Đại Tạng kinh được khắc in bởi tinh xá Tần Già ở Thượng Hải vào năm 1911 đời Thanh, mãi đến năm 1920 mới hoàn thành. Bản này lấy bản của Hoằng Giáo Viện ở Nhật Bản làm chính, tham chiếu các bản Kính Sơn, Càn Long Đại Tạng kinh. Tạng này gồm 414 tập, 1.916 bộ, 8.416 quyển.
Đại Chánh Tạng là gọi tắt của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh do hiệp hội Đông Kinh Đại Chánh Nhất Thiết Kinh San Hành Hội biên tập và ấn hành từ năm 1924 đến năm 1934. Tạng này gồm 100 tập, khoảng 3.493 bộ, 13.520 quyển. Bản này đối chiếu các tạng trước đó như Thục Bản, Càn Long Tạng... và các kinh điển bằng nguyên gốc tiếng Phạn và Pali nên được coi là tạng tốt nhất, tiêu chuẩn nhất để tham cứu kinh điển. So với Tần Già Tạng, bản này còn có ưu điểm là đã thâu thập cả những trước tác của chư cổ đức Nhật Bản, Đại Hàn và một số bản nghi quỹ, tán vịnh của Phật giáo Tây Tạng.
/14
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây