Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký

Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký
發起菩薩殊勝志樂經講記
Chủ giảng: Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Không
Chỉnh lý: Cư sĩ Truyền Tịnh
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Chương 11: IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN - B. CHÁNH TÔNG PHẦN - Khéo phát thệ nguyện rộng lớn như thế

Chánh kinh:
Thiện phát như thị quảng đại thệ nguyện.
善發如是。廣大誓願。
(Khéo phát thệ nguyện rộng lớn như thế).
Câu này chỉ mười ba thệ nguyện ở phần trước. Phát mười ba thệ nguyện là vì họ đã thật sự hồi đầu, sửa lỗi đổi mới.
Chánh kinh:
Năng dĩ như thị quyết định chi tâm an trụ kỳ trung, nhất thiết nghiệp chướng giai tất tiêu diệt, vô lượng thiện căn diệc đương tăng trưởng.
能以如是。決定之心。安住其中。一切業障。皆悉消滅。無量善根。亦當增長。
(Có thể dùng tâm quyết định như thế an trụ trong những thệ nguyện ấy thì hết thảy nghiệp chướng thảy đều tiêu diệt, vô lượng thiện căn cũng sẽ tăng trưởng).
Hai câu cuối này chúng ta rất thích nghe. Chúng ta biết nghiệp chướng của mình rất nặng, làm sao tiêu nghiệp chướng? Nay quý vị có thể “tiêu nghiệp chướng” được hay chăng? Quý vị phải học theo sáu mươi vị Bồ Tát này, chẳng cần phải bươi móc thói tật của người khác, chỉ tìm tòi lỗi lầm của chính mình, tìm được lỗi rồi phải sửa đổi thì nghiệp chướng của quý vị bèn tiêu diệt, thiện căn của quý vị cũng tăng trưởng. Đó gọi là công phu.
Chánh kinh:
Phật phục cáo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát ngôn:
- Di Lặc! Nhược hữu Bồ Tát vị dục thanh tịnh chư nghiệp chướng giả, đương phát như thị quảng đại thệ nguyện.
佛復告彌勒菩薩摩訶薩言。彌勒。若有菩薩。為欲清淨。諸業障者。當發如是。廣大誓願。
(Phật lại bảo Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát rằng:
- Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát nào muốn thanh tịnh các nghiệp chướng thì hãy nên phát thệ nguyện rộng lớn như thế)
Phật bảo Di Lặc Bồ Tát, nhưng ngụ ý bảo cùng mọi người chúng ta. Trong pháp hội ấy, Di Lặc Bồ Tát thay mặt cho đại chúng, thay mặt chúng ta thỉnh pháp, Ngài cũng thay cho đức Như Lai tuyên nói, chỉ bày chúng ta những lời dạy răn ấy.
Chúng ta muốn thanh tịnh thân tâm, tiêu diệt nghiệp chướng thì phải làm giống như các Bồ Tát đó, phải phát thệ nguyện rộng lớn. Do đấy, có thể biết rằng: Chúng ta đọc xong mười ba thệ nguyện này, chẳng được nghĩ mười ba thệ nguyện ấy là của riêng sáu mươi vị Bồ Tát kia, chẳng dính dáng gì đến mình, mà phải nghĩ đấy chính là những điều mình suy niệm. Chúng ta phải chú tâm lãnh hội mười ba thệ nguyện ấy, biến các nguyện ấy thành nguyện của chính mình thì chúng ta bèn thọ dụng được. Xem thấy những lỗi lầm họ đã phạm, bèn nghĩ chính mình cũng phạm những lỗi lầm giống hệt như thế. Họ giác ngộ, cớ sao ta chẳng giác ngộ? Họ sửa lỗi, sao ta chẳng thể sửa lỗi? Phải đọc kinh như vậy thì mới được lợi ích chân thật!
Chánh kinh:
Nhĩ thời Di Lặc Bồ Tát bạch Phật ngôn:
- Thế Tôn! Phả hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, hộ trì thử nguyện, đương đắc viên mãn, bất thoái chuyển da?
爾時。彌勒菩薩白佛言。世尊。頗有善男子。善女人等。護持此願。當得圓滿。不退轉耶。
(Lúc bấy giờ, Di Lặc Bồ Tát bạch cùng Phật rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có kẻ thiện nam tử, thiện nữ nhân nào hộ trì những nguyện này, họ có sẽ được viên mãn, chẳng thoái chuyển chăng?)
Thật ra, Di Lặc Bồ Tát hỏi thay cho chúng ta. “Thiện nam tử, thiện nữ nhân” chỉ đại chúng hiện tiền chúng ta. Nếu như chúng ta cũng phát những thệ nguyện ấy, cũng làm theo những phương pháp ấy, chúng ta sẽ có được viên mãn hay chăng? Có được bất thoái chuyển hay chăng? Đấy là điều chúng ta rất quan tâm.
Chánh kinh:
Phật cáo Di Lặc Bồ Tát ngôn:
- Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, hành Bồ Tát đạo, hộ trì thử nguyện, ninh xả thân mạng, chung bất khuyết giảm, linh kỳ thoái chuyển.
佛告彌勒菩薩言。若有善男子。善女人等。行菩薩道。護持此願。寧舍身命。終不缺減。令其退轉。
(Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:
- Nếu có những kẻ thiện nam tử, thiện nữ nhân hành Bồ Tát đạo, hộ trì nguyện này, thà bỏ thân mạng, trọn chẳng khuyết giảm, khiến cho [chính mình] bị thoái chuyển [nơi những nguyện ấy])
Trong đoạn này, đức Phật khẳng định rõ hành Bồ Tát đạo là “tự hành, dạy người”. Chính mình hành theo đúng lời Phật dạy dỗ. Chữ “hành” ấy phải nói cho rõ ràng cho minh bạch: Theo đúng lời Phật dạy dỗ mà sống, theo đúng lời Phật dạy mà sống hằng ngày, đó gọi là “hành Bồ Tát đạo”. Phật pháp gắn liền với cuộc sống, tuyệt đối chẳng phải Phật pháp là Phật pháp, cuộc sống là cuộc sống, hai việc chẳng liên quan chi với nhau. Nếu thế thì chúng ta học Phật làm chi? Sai lầm rồi!
Bởi lẽ, Bồ Tát đạo thuộc về cuộc sống thường nhật, lìa khỏi cuộc sống thì còn chỗ nào để tu hành nữa đây? Phải tu hành ngay trong cuộc sống thường nhật! Cuộc sống thường nhật gom lại chẳng ngoài ba phương diện đối xử với người, xử sự, đối đãi với muôn vật. Phàm trên ba phương diện ấy, do chính mình mê hoặc, không có trí huệ, tri kiến chẳng chánh, nên cách nghĩ, cách thấy, cách nói, cách làm đều sai lầm. Phật răn dạy chính là để chúng ta sửa đổi những lầm lạc ấy, đó gọi là “tu hành”. Bởi vậy, quý vị phải hiểu rằng: Tự mình sửa đổi cho đúng quan niệm sai lầm đối với vật, đối với sự, sửa cho đúng cách nghĩ, cách thấy thì cuộc sống của quý vị sẽ đạt đến hạnh phúc mỹ mãn.
Học Phật hết sức thực tế: Hễ công phu đắc lực thì lập tức đạt được lợi ích thù thắng nơi Phật pháp. Có nhiều đồng tu học Phật, tôi trông thấy họ rất đau lòng. Mỗi phen gặp mặt, thấy tướng mạo người ấy mỗi năm một suy. Có người một năm không gặp, gặp lại thấy họ hom hem hơn năm ngoái. Những người như vậy đều là công phu học Phật chẳng đắc lực. Nếu quý vị học Phật công phu đắc lực thì quý vị phải thực sự thọ dụng được. Mỗi năm quý vị càng phải khỏe hơn, tướng mạo quý vị phải tươi tốt, vẻ mặt rạng rỡ, thân thể khỏe mạnh, đó là đạo lý nhất định!
Nói thật ra, đạo lý này chẳng khó hiểu chi! Trong kinh Phật thường dạy “tướng tùy tâm chuyển”. Tướng mạo chẳng tốt đẹp tức là quý vị dụng tâm chẳng khéo. Tâm quý vị phải chân thành, thanh tịnh, từ bi, thì nhất định tướng mạo quý vị ngày càng giống Phật, chẳng khác với Phật cho mấy (quý vị thấy tướng mạo Phật, Bồ Tát rất viên mãn!) Thể chất quý vị nhất định mỗi ngày phải khỏe mạnh hơn, mỗi ngày một hoàn thiện hơn, đấy là quý vị học Phật công phu đắc lực, quý vị thật sự thọ dụng được.
Tâm thanh tịnh chuyển được nghiệp. Chuyển nghiệp biểu hiện cụ thể nơi thân thể, thân thể mình có chuyển biến hay không? Hiện thời, ta thường nói là “biến đổi thể chất”; thể chất có thể chuyển biến. Thể chất ấy biến đổi theo tâm.
Hết Phần 1    

---o0o---
/14
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây