Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 17: [THƯ 17]: Trả lời thư cư sĩ Cao Thiệu Lân (thư thứ ba)

Mỗi lời trong thư đều chân thật, muốn được lợi ích nơi Phật pháp, chỉ vì chưa biết duyên do Tịnh Độ, tâm nguyện bèn thành trái nghịch Phật nguyện. Trong thế gian, người tu trì cầu liễu sanh tử thì nhiều, nhưng thường là dùng ngu kiến của chính mình để suy lường đại pháp chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, đến nỗi xoay xe sai hướng[60], không thể liễu thoát. Đời này còn chưa chánh kiến, huống chi đời mai sau! Vạn nhất lại được thân người, lại bị si phước đã tu trong đời này làm mê, mong chi lại càng tinh tấn cầu xuất ly nữa ư?

Phật nói hết thảy pháp môn Đại, Tiểu, Quyền, Thật đều phải cậy vào công lực của chính mình để đoạn Hoặc chứng chân mới thoát được sanh tử. Nếu còn sót mảy may Hoặc nghiệp, sanh tử quyết định khó ra. Do vậy, từ đời này sang đời khác, từ kiếp này qua kiếp khác, xoay vần tu trì, nếu có sức lực đầy đủ, tiến thẳng chẳng lùi, ắt được liễu thoát. Đa phần là đang giác chợt mê, tiến ít lùi nhiều trải kiếp số như bụi trần, chẳng thể xuất ly. Do vậy, ông lẫn tôi đến nay vẫn là phàm phu, đều là vì không biết đến pháp môn Tịnh Độ độ khắp ba căn, chí cực viên đốn của Như Lai vậy. Dẫu ông chưa thân cận tri thức nhưng đã từng tụng kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, Thập Lục Quán kinh, và các bài Tịnh Độ Phát Nguyện Văn, Long Thư Tịnh Độ Văn, Quy Nguyên Trực Chỉ, những sách ấy thảy đều dạy vãng sanh ngay trong đời này, riêng ông lại muốn chuyển sang đời sau.

Phật thương chúng sanh không sức đoạn Hoặc, khó liễu sanh tử; vì thế riêng mở pháp môn hoành siêu[61] cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Bất luận đoạn Hoặc hay không, nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha trì danh hiệu Phật (đây là Chánh Hạnh) và tu trì các điều thiện, hồi hướng vãng sanh (đây là Trợ Hạnh), không một ai chẳng được vãng sanh. Dẫu kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu tâm thức không mê, nghe thiện tri thức dạy niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nếu niệm được mười tiếng, hoặc chỉ một tiếng, ngay khi đó mạng chung cũng được vãng sanh (điều này chép trong Thập Lục Quán Kinh, Hạ Phẩm Hạ Sanh Chương là lời chân thành từ kim khẩu). Đã vãng sanh liền được cao dự hải hội, vĩnh viễn thoát luân hồi; dần dần tấn tu viên thành Phật Quả. Tội nhân nghịch ác như thế nếu chẳng được nghe pháp chẳng thể nghĩ bàn này, trải kiếp số nhiều như vi trần, khó thoát khỏi địa ngục. Ngạ quỷ, súc sanh còn khó được sanh vào, huống gì lại được làm thân người để tu hành liễu sanh tử?

Hãy nên phát tâm quyết định, lâm chung nhất định muốn sanh về Tây Phương. Đừng nói chi thân người tầm thường kém cỏi chẳng muốn thọ nữa, ngay cả làm vua trời - người và xuất gia làm Tăng, nghe một hiểu ngàn, đắc Đại Tổng Trì, làm thân cao tăng đại hoằng pháp hóa, lợi khắp chúng sanh cũng xem như cỏ độc, rừng tội, quyết định chẳng sanh một niệm tâm muốn hưởng. Quyết định như thế thì Tín - Nguyện - Hạnh của chính mình mới có thể cảm được Phật; thệ nguyện của Phật mới nhiếp thọ được mình, cảm ứng đạo giao được Phật tiếp dẫn, lên thẳng chín phẩm, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Tam Quy, Ngũ Giới là cửa ban đầu để vào Phật pháp, tu các pháp môn khác đều nương vào đây để nhập, huống chi pháp môn Tịnh Độ giản dị, dễ dàng nhất, chí viên, chí đốn chẳng thể nghĩ bàn? Chẳng soi xét tam nghiệp, chẳng trì Ngũ Giới sẽ không có phần được thân người lần nữa, huống gì muốn được thân liên hoa hóa sanh, đầy đủ quang minh tướng hảo ư?

Ông nói chiều tà đường xa, nên theo đường thẳng tắt thì hãy chuyên đọc tụng ba kinh Tịnh Độ và Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, nghiên cứu chú sớ của các kinh Tịnh Độ, còn các Ngữ Lục, Kim Cang, Pháp Hoa hãy nên để ra ngoài, vì việc nào cần gấp thì phải làm trước, không chia tâm làm hai vậy.

Còn như chuyện giảm bớt lỗi, quả thật là công phu thiết yếu của cả Nho lẫn Phật. Cừ Bá Ngọc lúc năm mươi tuổi biết bốn mươi chín năm trước sai trái, bảo với người khác: “Muốn giảm bớt lỗi nhưng chưa thể”. Chuyện này quả thật là dụng công nơi ý, chứ không phải là thân - miệng có lỗi! Tại gia cư sĩ hằng ngày cùng người đời thù tạc, phải nên khăng khắng đề phòng. Nếu không, chẳng những ý nghiệp không tịnh, mà thân - miệng cũng có thể ô uế không tịnh. Muốn cho cả mình lẫn người cùng được lợi, không gì bằng biết nhiều về những lời lẽ hành vi [của cổ nhân] để làm khuôn phép. An Sĩ Toàn Thư quả là kỳ thư bậc nhất xưa nay dung thông tâm pháp cả Phật lẫn Nho, trình bày rõ nhân quả báo ứng và phương pháp tu trì cho cả đạo lẫn tục, nên thường mở ra xem, ngõ hầu không mối nghi nào chẳng được gỡ, không hạnh nào chẳng cẩn thận. Pháp Uyển Châu Lâm lại càng rộng lớn, tuy không phải là kinh điển thậm thâm, nhưng [sách ấy giúp] kẻ sơ tâm từ cạn vào sâu, không bị phạm lỗi hiểu lầm. Nếu trước hết chẳng hiểu tội phước nhân quả, lại toan dò ngay vào diệu lý Đệ Nhất Nghĩa Đế Thật Tướng, chỉ e kiến giải không rõ ràng, hiểu nhầm ý nghĩa, coi mê là ngộ, cầu thăng lên trái lại bị đọa!

Ông đã chuyên tu Tịnh nghiệp, nên lấy bài Tân Định Tịnh Độ Phát Nguyện Văn của đại sư Liên Trì làm chánh (Tỉnh Am Ngữ Lục quyển Hạ có chú giải bài phát nguyện này, tự đọc sẽ biết được chỗ hay khéo của nó). Ông tự lập bốn nguyện, hoặc dùng kèm hoặc không dùng đều được. Bài nguyện văn ấy Sự lẫn Lý chu đáo, trọn không sót một pháp, một nghĩa nào. Ngài nói bao quát pháp giới không sót; ông nói là đại thiên, đem so với lượng của pháp giới khác gì đem một hạt bụi sánh với đại địa, đem một giọt nước sánh với biển cả.

Xem khắp thư ông, tợ hồ chân thật dụng công nơi tâm địa, nhưng kẻ học ngày nay thường hay chuyên nói lời giả, chẳng tu thật hạnh. Ý muốn mua danh chuốc dự để cầu thể diện, trọn chẳng phải là chân thật tự xét, giảm lỗi mà nói lời ấy. Đấy gọi là tự hại, là tự vứt bỏ, là đại vọng ngữ, là không biết hổ thẹn. Nếu không phải vậy thì là bậc thánh hiền. Nếu mang cái thói ấy thì là phường hạ lưu, là tội nhân nơi pháp, là nghịch tử của Phật. Có thì hãy sửa, không thì càng cố gắng, trực tâm trực hạnh mới hợp với Phật. Lại tự mình đã tu trì Tịnh nghiệp (tức là sửa lỗi hướng thiện và niệm Phật, ngay trong đời này liền nguyện vãng sanh Tây Phương) thì cũng nên dạy hết thảy những người quen biết cũng tu Tịnh nghiệp. Hãy nên dựa theo phần Phổ Khuyến trong Long Thư Tịnh Độ Văn khiến họ tùy phận tùy lực gieo thiện căn chẳng thể nghĩ bàn này.

Nay đã muốn dạy người thì phải từ thân đến sơ, nỡ để thê thiếp con cái chẳng được lợi ích này ư? Văn Vương nêu gương cho vợ mình, [gương ấy] lan đến anh em, rồi lan ra khắp đất nước khiến nước nhà yên ổn[62]. Tự hành, hóa tha trong thế gian hay xuất thế gian không ai chẳng vậy. Ông chuyên cầu vãng sanh, sáng sớm ngoài mười niệm ra, phàm đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, trong hết thảy lúc, hết thảy chỗ, đều nên lấy sáu chữ hồng danh đặt nơi tâm - miệng. Nhưng ở chỗ đúng pháp, đúng thời thì niệm ra tiếng hay niệm thầm đều tùy nghi. Nếu nhằm lúc đại tiểu tiện, ngủ nghỉ, chỉ nên niệm thầm, chớ niệm ra tiếng. Niệm thầm công đức vẫn bằng như niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng thì không cung kính, nếu nằm niệm lại còn bị tổn khí, không thể không biết!

Phải biết Tây Phương Cực Lạc thế giới đừng nói là phàm phu không hiểu, ngay cả thánh nhân Tiểu Thừa cũng không thể hiểu nổi, bởi pháp này thuộc về cảnh giới Đại Thừa chẳng thể nghĩ bàn vậy. Tiểu thánh hồi tâm hướng Đại mới hòng đạt tới. Phàm phu nếu không dùng tín - nguyện để cảm Phật, dẫu có tu hết thảy các hạnh thù thắng khác cùng với hạnh trì danh thù thắng vẫn chẳng thể vãng sanh. Do vậy, tín - nguyện là khẩn yếu nhất. Ngài Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không? Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”, đấy chính là lời phán định đanh thép dẫu ngàn đức Phật xuất thế cũng không thay đổi được. Tin cho tới nơi, đảm bảo ông sẽ có phần nơi Tây Phương (A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh – còn gọi là Thập Lục Quán Kinh, gọi là Tịnh Độ Tam Kinh. Thêm vào Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm gọi là Tịnh Độ Tứ Kinh, hình như chỉ có một bản Tịnh Độ Tứ Kinh. Còn như bản Vô Lượng Thọ Kinh do ông Ngụy Thừa Quán khắc in thì lại y theo những kinh khác để tăng bổ thêm. Về lý tuy là hữu ích, nhưng sự thật lại sai lầm nhiều, không thể noi theo đó được)

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây