Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 33: [THƯ 33]: Thư gởi nữ sĩ Từ Phư

Tôi ăn bám Phổ Đà hơn hai mươi năm, trọn chẳng giao thiệp cùng hai chúng tại gia. Do lão hữu Chí Ngu trụ tích[66] tại Từ Nham nên thường gặp nhau trò chuyện. Gần đây, thầy Phước Nghiêm đến đây chưa đầy một tuần, thường đến chỗ tôi, nhắc đến sự trinh tháo của bà liền khởi lòng thương xót,. Nhân đấy, tôi bèn an ủi rằng: “Tuy bà ta trinh liệt đáng phong tặng, nhưng đáng tiếc là không biết đường tu ra sao? Tôi sẽ trình bày đại lược những điểm cương yếu để bà tùy phận tùy sức, dốc lòng tu tịnh nghiệp”. Thầy Nghiêm bèn lễ thỉnh khẩn thiết, nhân đó, tôi bảo:

- Phật pháp chính là pháp vốn có trong tâm hết thảy chúng sanh. Tam thừa (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát), lục phàm (thiên, nhân, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) đều nên tuân hành. Tại gia hay xuất gia đều có thể thọ trì. Huống chi thân nữ nhiều chướng ngại, chuyện gì cũng không được tự do. Lìa quê sang tỉnh khác, dễ chuốc lấy lời chê trách, gièm xiểm, hủy nhục của người ngoài. Vì lo nghĩ đến điều ấy, [theo tôi] bà chỉ nên ở nhà trì giới niệm Phật, quyết chí cầu sanh Cực Lạc thế giới, trọn chẳng nên xa lìa quê nhà, xuất gia làm ni. Còn như nghiên cứu kinh giáo đến cùng tột, tham phỏng minh sư quyết định là phận sự của nam tử, nữ nhân chẳng nên bắt chước! Nữ nhân chỉ nên dốc lòng tu Tịnh nghiệp, chuyên trì Phật hiệu.

Nếu thật sự có thể nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tự nhiên trong đời này tự chứng Niệm Phật tam-muội, lâm chung vãng sanh Thượng Phẩm. Dẫu chưa thể tự chứng tam-muội cũng được cao dự hải hội, hầu cận Di Đà mãi mãi. Do đấy, tự chứng Vô Sanh, khôi phục tâm tánh vốn có, nên vô biên giáo hải thảy đều hiểu rõ, như gương báu đặt trên đài, muôn hình ảnh đều hiện. Sau đấy, nương vào từ lực Phật và bổn nguyện của mình chẳng lìa An Dưỡng, trở vào Sa Bà, dùng đủ mọi phương tiện độ thoát chúng sanh, mong hết thảy hữu tình cùng lên Liên Bang, đều chứng Vô Sanh, ngõ hầu chẳng phụ một phen tâm quyết liệt tu trì, đáng gọi là hoa sen trong lửa, là bậc trượng phu của nữ giới. Phàm tu Tịnh nghiệp, phải lấy quyết chí cầu sanh Tây Phương làm gốc. Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông.

Nói đến Tín thì phải biết Sa Bà là khổ, khổ không nói nổi! Cực Lạc là vui, vui không thể ví. Cái khổ trong Sa Bà là sanh, lão, bệnh, tử, yêu thương phải chia lìa, chán ghét cứ phải gặp gỡ, cầu không được, Ngũ Ấm (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) hừng hực (Ngũ Ấm hừng hực nghĩa là chúng sanh đối với năm Ấm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức khởi Hoặc tạo nghiệp, như lửa cháy bừng bừng, chẳng thể ngưng dứt. Cái khổ này thuộc về nhân chiêu cảm quả khổ, bảy thứ trước là quả khổ được chiêu cảm. Cái khổ trong Sa Bà tuy nhiều hơn cát sông Hằng, nhưng tám thứ khổ này bao gồm trọn hết không sót. Các nỗi khổ đích thân đã trải qua, nên không cần phải giải thích chi tiết).

Sự vui trong Cực Lạc nếu ước theo căn thân thì hoa sen hóa sanh, trường sanh bất tử, mang thân nam, trọn không có hình dáng nữ, chẳng nghe đến cái tên ác đạo, huống gì thật có! Ước theo khí thế giới thì vàng ròng làm đất, bảy báu làm ao, hàng cây kín trời, lầu gác trụ trên không. Nghĩ đến áo bèn có áo, nghĩ đến ăn được ăn, phàm những thứ gì mình thọ dụng không gì chẳng được như ý, nhưng những gì dùng đến đều là hóa hiện; không như cõi này phải do sức người tạo tác mới thành. Di Đà đạo sư tướng hảo, quang minh vô lượng vô biên, vừa thấy từ dung liền chứng Pháp Nhẫn. Huống hồ còn có Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh hải hội, mỗi vị đều phóng tịnh quang cùng tuyên diệu âm. Vì thế, tuy là phàm phu đầy dẫy phiền não, nghiệp lực đầy thân nhưng nếu như tín nguyện chân thành, khẩn thiết liền được Phật từ nhiếp thọ. Vừa vãng sanh, phiền não, ác nghiệp bèn bị tiêu diệt triệt để, công đức, trí huệ rốt ráo hiện tiền. Tin được như thế thì gọi là chân tín. Muốn biết tường tận nên đọc kỹ kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, những kinh này được gọi chung là Tịnh Độ Tam Kinh, chuyên giảng về duyên khởi, sự lý Tịnh Độ.

Những kinh Đại Thừa khác đều nói kèm Tịnh Độ, nhưng kinh Hoa Nghiêm là lúc Như Lai mới thành Chánh Giác vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ xứng tánh giảng thẳng vào diệu pháp Nhất Thừa. Cuối cùng Thiện Tài đồng tử tham học khắp các thiện tri thức, chứng ngang với chư Phật, bèn được Phổ Hiền Bồ Tát dạy cho mười đại nguyện vương, khiến cho Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, ngõ hầu viên mãn Phật quả. Trong Quán Kinh, Hạ Phẩm Hạ Sanh Ngũ Nghịch Thập Ác đủ mọi chuyện bất thiện, lúc lâm chung, tướng địa ngục hiện, có thiện tri thức dạy niệm Phật. Người ấy liền vâng lời dạy, xưng niệm Phật danh, chưa đủ mười tiếng liền thấy hóa Phật xòe tay, tiếp dẫn vãng sanh.

Kinh Đại Tập chép: “Đời Mạt Pháp ức ức người tu hành, hiếm có một kẻ đắc đạo, chỉ có niệm Phật mới thoát khỏi sanh tử”.Do vậy, biết một pháp Niệm Phật chính là đạo để thượng thánh hạ phàm cùng tu, là hạnh chung để hành của mọi người dù ngu hay trí, hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít, hiệu quả nhanh chóng. Do chuyên cậy vào Phật lực, nên lợi ích thù thắng, là đạo pháp siêu việt đường lối thông thường. Người xưa nói: “Học đạo nơi các môn khác như con kiến bò lên núi cao, niệm Phật vãng sanh như căng buồm xuôi gió, thuận nước”.Có thể gọi là khéo hình dung nhất!

Nếu muốn nghiên cứu kinh A Di Đà thì có bản Yếu Giải do đại sư Ngẫu Ích soạn, lý sự đều đạt đến tột bậc, là bản chú giải bậc nhất kể từ khi Phật đã giảng kinh này. Hay khéo, xác đáng cùng cực, quả thật dẫu cổ Phật tái sanh nơi đời chú giải lại kinh này cũng không thể hay hơn được! Chớ có xem thường, hãy nên tin nhận kỹ càng. Kinh Vô Lượng Thọ có bản sớ giải của pháp sư Huệ Viễn đời Tùy, giải thích ý nghĩa theo kinh văn rất trong sáng, gãy gọn.

Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh có bản Tứ Thiếp Sớ của hòa thượng Thiện Đạo, do muốn độ khắp ba căn nên đa phần Ngài ước theo sự tướng mà phát huy. Cuối chương Thượng Phẩm Thượng Sanh, Ngài lại phát huy sự hơn - kém giữa hai cách Chuyên Tu và Tạp Tu, khiến [người đọc] sanh tín tâm kiên cố, chân thật: Dẫu Thích Ca và chư Phật hiện thân bảo bỏ pháp Tịnh Độ này, tu những pháp môn khác, cũng chẳng đổi dời ý chí đôi chút. Có thể nói lời ấy chính là kim chỉ nam cho hành giả Tịnh Độ vậy. Như Quán Kinh Sớ Diệu Tông Sao của tông Thiên Thai đế lý cực viên dung, nhưng người trung hạ căn chưa thể được lợi ích. Vì thế chẳng bằng Tứ Thiếp Sớ độ khắp ba căn, lợi căn lẫn độn căn cùng được lợi ích.

Đã biết những nghĩa lý như trên vừa nói thì phải nương theo đó mà tin tưởng chắc chắn, tự mình nhận biết, tin tưởng được như thế. Nếu như mình không thấy được như thế thì cũng nên tin tưởng như thế. Ngửa tin lời Phật, trọn chẳng nên vì phàm tình suy lường không được rồi nẩy sanh mảy may nghi niệm thì mới gọi là chân tín. Đã sanh lòng tin rồi, ắt phải phát nguyện: Nguyện lìa Sa Bà như đang bị tù mong thoát khỏi lao ngục; nguyện sanh Cực Lạc như đứa con cùng quẫn mong về lại cố hương.

Nếu trước khi được sanh về Tịnh Độ, dẫu được trao ngôi vua trong cõi trời cõi người cũng nên coi đó là nhân duyên đọa lạc, trọn chẳng có một niệm mong mỏi, hâm mộ. Còn [những chuyện] như đời sau chuyển nữ thành nam, xuất gia từ tấm bé, nghe một hiểu ngàn, đắc Đại Tổng Trì, cũng nên coi như là đường tu đi vào ngõ rẽ, tâm trọn chẳng có một niệm mong mỏi. Chỉ muốn lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh liền liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, ở vào địa vị Bất Thoái, chứng Vô Sanh Nhẫn. Ngoảnh lại nhìn những chuyện làm vua trời người và xuất gia làm Tăng, không biết đến Tịnh Độ, tu các pháp môn khác, trải bao kiếp nhọc nhằn, không do đâu được giải thoát, giống như lửa đóm sánh cùng mặt trời rạng ngời, tổ kiến sánh cùng Thái Sơn, buồn bã khôn ngăn, thương xót khôn cầm! Vì thế người tu Tịnh Độ trọn chẳng thể cầu mong phước lạc nhân thiên trong đời sau và xuất gia làm Tăng v.v…

Nếu tâm có mảy may mong cầu đời sau thì chính là không chân tín, nguyện thiết, bị cách ngăn với thệ nguyện của Phật Di Đà, chẳng thể cảm ứng đạo giao, chẳng được Phật tiếp dẫn, biến diệu hạnh thù thắng chẳng thể nghĩ bàn này thành cái nhân phước báo hữu lậu nhân thiên. Huống chi lúc hưởng thụ ắt tạo ác nghiệp! Đã tạo ác nghiệp, khó tránh khỏi ác báo, như bỏ chất độc trong Đề Hồ có thể giết người. Chẳng khéo dụng tâm còn tệ hơn thế. Phải triệt để chém đứt những ý niệm ấy mới mong được lợi ích hoàn toàn nơi Tịnh Độ, toàn thân thọ dụng. Đã có chân tín, nguyện thiết, ắt phải chí tâm chấp trì sáu chữ thánh hiệu “nam mô A Di Đà Phật”, bất luận đi, đứng, ngồi, nằm, nói năng, im lặng, mặc áo, ăn cơm, và lúc đại tiểu tiện v.v… đều chẳng lìa sáu chữ hồng danh (hoặc trì bốn chữ cũng được), ắt phải dốc toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, tâm - Phật không hai; tâm - Phật như một. Nếu có thể niệm đâu chú tâm đó, niệm đến cùng cực, bao tình kiến mất hết, tâm không, Phật hiện, thì trong đời này tự có thể chứng được tam-muội. Đến lúc lâm chung, sanh vào Thượng Thượng Phẩm, có thể nói là đã tu trì đến cùng cực vậy.

Ngay trong sanh hoạt thường ngày, với tất cả những điều thiện nhỏ nhặt và các thiện căn như tụng kinh, lễ bái… đều đem những công đức ấy hồi hướng vãng sanh. Như thế thì hết thảy hạnh môn đều thành trợ hạnh cho Tịnh Độ, như gom các trần thành đất, tụ các dòng nước thành biển, rộng lớn sâu thẳm, ai cùng tột được! Nhưng phải phát Bồ Đề tâm, thệ nguyện độ sanh, tất cả công đức tu trì hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh bốn ân ba cõi. Giống như đổ dầu vào lửa, như mạ gặp mưa; đã kết pháp duyên sâu xa cùng hết thảy chúng sanh lại còn có thể mau thành tựu hạnh Đại Thừa thù thắng cho chính mình. Nếu không biết nghĩa này thì là kiến giải tự lợi của phàm phu, Nhị Thừa, dẫu tu diệu hạnh này, chỉ cảm được quả hèn kém.

Tuy hết thảy thời, hết thảy lúc niệm Phật đều không trở ngại, nhưng phải thường nên kiêng dè; coi tượng Phật giống như Phật sống, coi kinh Phật, lời Tổ giống như Phật, Tổ đang hướng về mình thuyết pháp, chẳng dám ôm lòng hoài nghi, khinh mạn tí nào. Dẫu hiếu tử đọc di chúc, trung thần vâng sắc chỉ cũng chẳng thể hơn được. Trong lúc bình thời niệm Phật, niệm ra tiếng hay niệm thầm tùy ý, còn lúc ngủ nghỉ hoặc đại tiểu tiện, tắm gội, rửa chân v.v…và đi qua chỗ hôi nhơ, chẳng sạch đều nên niệm thầm, chớ nên niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng là không cung kính, niệm thầm công đức cũng thế.

Tôi thường nói muốn được lợi ích nơi Phật pháp phải hướng về cung kính mà cầu. Có một phần cung kính ắt tiêu một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng được mười phần phước huệ. Nếu trọn chẳng cung kính thì dù có trồng viễn nhân, nhưng cái tội khinh nhờn chẳng thể tưởng tượng được! Nay những kẻ tại gia đọc kinh Phật đều phạm phải những bệnh ấy. Vì thế, đối trước những kẻ hữu duyên phải thường ra rả nói. Niệm Phật cần phải nhiếp tâm, niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng phát ra, đều phải mỗi câu mỗi chữ phân minh rành rẽ. Lại phải lắng tai nghe kỹ, từng câu từng chữ nạp vào trong tâm. Nhĩ căn đã nhiếp thì các căn kia không cách chi rong ruổi bên ngoài, mới hòng mau đạt nhất tâm bất loạn.

Đại Thế Chí Bồ Tát nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam-ma-địa ấy là bậc nhất”chính là chỉ về điều này vậy. Ngài Văn Thù nói: “Quay trở lại nghe nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”cũng nhằm chỉ điều này. Chớ bảo pháp Trì Danh là thiển cận rồi bỏ bê, tu theo những pháp Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng. Phàm trong bốn cách niệm Phật chỉ có Trì Danh là khế cơ nhất. Trì đến nhất tâm bất loạn thì diệu lý Thật Tướng hiển lộ toàn thể, Tây Phương diệu cảnh triệt để phô bày trọn vẹn. Do trì danh chứng được Thật Tướng, chẳng cần quán tưởng vẫn thấy được thấu triệt Tây Phương. Một pháp Trì Danh chính là huyền môn để nhập đạo, là đường tắt để thành Phật. Người đời nay giáo lý quán pháp chẳng hiểu rõ. Nếu tu quán tưởng Thật Tướng rất có thể bị ma dựa, khéo quá hóa vụng, cầu thăng hóa đọa. Nên tu hạnh dễ hành, ắt tự cảm được quả chí diệu.

Sách Tịnh Độ Thập Yếu là do Ngẫu Ích đại sư dùng con mắt Kim Cang, từ các sách xiển dương Tịnh Độ, chọn lấy những quyển khế lý khế cơ cùng tột không còn thêm gì được nữa. Thứ nhất là Di Đà Yếu Giải do chính đại sư tự chú thích, văn uyên thâm nhưng dễ hiểu, lý viên đốn duy tâm, không còn gì tuyệt diệu hơn, hãy nên thường nghiên cứu! Còn chín tác phẩm sau không cuốn nào chẳng lý viên mãn, từ hay khéo, khế hợp thời cơ sâu xa. Tuy chưa chắc có thể hoàn toàn hiểu rõ từng cuốn, nhưng mỗi lần đọc đều giống như uống tiên đơn, lâu ngày chầy tháng xác phàm sẽ thành cốt tiên vậy! (Đây là nói ví von pháp môn mầu nhiệm, chẳng được hiểu lầm là thành tiên!).

Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chép tường tận những hạnh nguyện của Phật Di Đà khi còn tu nhân cũng như công đức khi đã chứng quả, và những chuyện tự hành hóa tha của các vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ. Kế đến chép sự tích vãng sanh của Viễn Công (tổ Huệ Viễn), Trí Giả và các đại tổ sư, thiện tri thức cho đến đầu đời Thanh và những chuyện tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, vua, quan, sĩ thứ, phụ nữ, ác nhân, súc sanh niệm Phật vãng sanh. Lại còn chọn lọc những ngôn luận thiết yếu chép vào từng truyện, ngõ hầu người đọc có căn cứ để bắt chước, không còn gì nghi ngờ, lấy cổ nhân làm thầy, tận lực tu tịnh nghiệp. So với tham phỏng tri thức lại càng chân thành, khẩn thiết hơn!

Long Thư Tịnh Độ Văn đoạn nghi khởi tín, phân môn chia loại, chia chẻ pháp môn tu trì thành từng điều cặn kẽ, là cuốn sách kỳ diệu dẫn dụ sơ cơ bậc nhất. Nếu muốn lợi khắp hết thảy, chẳng thể chẳng khởi đầu từ sách này. Ba thứ trên đây và Vô Lượng Thọ Kinh Sớ, Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, tổng cộng năm loại; trước đây, tôi đã bảo thầy Phước Nghiêm thỉnh rồi gởi qua bưu điện, không biết đã thỉnh được chưa? Nếu không, hãy hồi âm để gởi lại. Có những cuốn sách ấy, ắt biết trọn các nghĩa lý Tịnh Độ, dẫu không đọc khắp các kinh, cũng chẳng bị thiếu khuyết gì! Nếu chẳng biết pháp môn Tịnh Độ, dẫu thâm nhập Kinh Tạng, triệt ngộ tự tâm, muốn liễu sanh tử còn chẳng biết phải mất mấy đại kiếp mới hòng mãn được nguyện ấy! Thuốc A Già Đà (Phạn ngữ A Già Đà, Hán dịch là Phổ Trị (trị khắp tất cả), trị được hết thảy bệnh tật) trị được vạn bệnh. Không biết điều này, đáng đau tiếc thay! Biết nhưng không tu, hoặc tu chẳng chuyên tâm dốc lòng, càng đáng đau tiếc hơn nữa! Nữ nhân ra khỏi cửa bị trở ngại lớn. Huống chi độ dụng (chi phí hằng ngày) gian nan, càng thêm bất tiện!

Đối với việc thọ giới nếu nam tử xuất gia làm tăng thì phải vào chùa tập tành oai nghi mới biết quy củ của chốn tùng lâm, giữ đúng oai nghi của Tăng thì du phương hành cước mới trọn không bị trở ngại. Nếu không, thập phương tùng lâm không cách nào ở được! Nếu là nữ nhân, nhà cửa giàu có, tự mình làm chủ thì đến chùa thọ giới cũng không phải là không được. Còn như gia cảnh khốn cùng, cần gì phải làm như thế? Chỉ nên đối trước Phật khẩn thiết, chí thành, sám hối tội nghiệp bảy ngày, tự thệ thọ giới. Đến ngày thứ bảy, đối trước Phật xướng rằng: “Đệ tử là Phước Hiền, thề giữ năm giới, làm mãn phận Ưu Bà Di (Ưu Bà Di, Hán dịch là Cận Sự Nữ, nghĩa là đã thọ năm giới, kham vâng thờ Phật. Mãn Phận nghĩa là cả năm giới đều trì). Suốt cuộc đời không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục (nếu có vợ chồng thì nói là “không tà dâm”). Suốt cả một đời không vọng ngữ, suốt cả một đời không uống rượu”. Nói ba lần như thế, liền được đắc giới. Nhưng phải tự chí tâm thọ trì, công đức trọn chẳng hơn - kém. Chớ bảo kẻ tự thệ thọ giới chẳng đúng pháp. Điều này chính là thánh huấn của Như Lai trong kinh Phạm Võng.

Phổ Đà mùa Thu không truyền giới. Truyền giới bắt đầu vào thượng tuần tháng Giêng đến ngày Mười Chín tháng Hai là viên mãn. Nhưng tôi mong bà hãy ở yên tu trì tịnh nghiệp, chớ nên bôn ba lặn lội. Nếu vẫn chấp trước không đổi chính là không phân tốt - xấu, trở ngại sự thanh tu của chính mình, phụ lời trung thực của lão tăng. Tôi mong bà đời này thành tựu đạo nghiệp, chứ trọn chẳng ngăn trở pháp duyên của bà. Bà hãy nên suy nghĩ kỹ, tự biết lấy - bỏ ra sao. Còn như chẳng thể xuất gia toan bỏ mạng này, ý niệm ấy tuy trinh liệt, nhưng tâm ấy thật si khờ. Tăng - ni đời nay ai có thể kham làm thầy? Trụ trì am miếu cường bạo thật nhiều. Bà là phận gái, bậc thượng sĩ khó thể dạy dỗ, uốn nắn vì phải tỵ hiềm, kẻ hạ ngu bèn kiệt lực chạy theo duyên do muốn tạo nghiệp.

Bà chỉ biết xuất gia làm ni là giải thoát, không biết xuất gia làm ni là chướng ngại. Vì thế chẳng ngại phiền toái, ân cần bảo ban. Bà tưởng xả mạng là giải thoát ư? Chẳng biết thức bị nghiệp lôi đi, lại phải thọ sanh vào trong bụng ngựa cái, lừa cái cũng không biết chừng! Muốn lại có được thân người nữ, chỉ e không được may mắn lớn lao như thế! Dẫu lại được làm thân người nữ, hoặc làm thân nam, hoặc làm vua trong loài người, vua cõi trời, há dám bảo đảm gặp được Phật pháp bèn tin nhận ư? Há dám chắc còn gặp được pháp môn Tịnh Độ liễu thoát ngay trong đời này ư? Dẫu cho gặp được, sao bằng đời này nhẫn nại cố sống, báo hết liền sanh về Tây Phương chẳng hơn ư?

Từ lúc sanh ra đến nay, có ai vì bà tính toán như vậy hay chăng? Nếu vẫn không tin lời tôi tức là vong ân phụ nghĩa, cái khổ trong tương lai còn vô lượng vô biên gấp bội ngày nay. Nắm tay người ta kéo đi không được, phải là tự người ta có chịu đi thì mới tương ứng. Có nghe lọt tai hay không? Mong bà hãy tự suy xét! Cũng mong bà đem những lời này bảo cho trinh nữ Phước Liên biết.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây