Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 18: [THƯ 18]: Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân (thư thứ tư)

Nhận được thư, biết gần đây cư sĩ tu trì thân thiết, tự trách, bớt lỗi, mong thành thánh thành hiền, chẳng phải là uổng mang hư danh tu hành mà thôi, mừng vui vô lượng. Phàm muốn học Phật, Tổ liễu sanh tử, phải bắt đầu từ hổ thẹn, sám hối, dứt ác tu thiện (hổ thẹn, sám hối, dứt ác tu thiện chính là tự trách, giảm lỗi, khắc kỷ, giữ lễ. Nếu có thể tự trách sẽ tự nhiên ít lỗi, ít lỗi chính là thực hành chuyện khắc kỷ. Đã khắc kỷ sẽ tự nhiên giữ được lễ). Ăn chay, răn nhắc, ý thật chân thành, thiết tha. Nhưng phải thật sự thực hiện, tận lực mà làm. Nếu không sẽ trở thành vọng ngữ bậc nhất trong các vọng ngữ. Biết không khó, làm được mới khó. Thế gian bao kẻ thông minh, đều chỉ nói chứ không làm, hết cả đời này, uổng công đến núi báu trở về tay không. Đáng đau tiếc thay! Đáng đau tiếc lắm!

Còn như vọng niệm đầy dạ, thấp thoáng qua lại quấn quýt nơi ý tưởng là vì chưa thật sự đề khởi chánh niệm vậy. Nếu như chánh niệm chân thành, khẩn thiết, ắt ý tưởng sẽ xuôi theo chuyên chú chánh niệm một cảnh vậy. Đấy gọi là kiềm chế đúng pháp khiến cho giặc cướp đều thành con đỏ. Kiềm chế sai đường, dẫu chân tay cũng trở thành oán gia. Còn là phàm phu, ai không phiền não? Phải đề phòng trước trong lúc bình thời; tự nhiên gặp cảnh chạm duyên, phiền não chẳng đến nỗi bộc phát. Dẫu có phát cũng sẽ nhanh chóng giác chiếu khiến phiền não bị tiêu diệt.

Cảnh khởi phiền não, nào phải chỉ một, nhưng gây nên phiền não nhiều nhất chỉ có mấy cảnh như tài sắc và thuận - nghịch mà thôi. Nếu biết của cải vô nghĩa, hại quá rắn độc, sẽ chẳng lâm vào cảnh phiền não vì lấy của cẩu thả. [Biết] tạo phương tiện cho người, rốt cuộc vẫn là tạo tiền trình cho chính mình, sẽ không bị phiền não khi gặp kẻ cùng quẫn, cấp bách, hoạn nạn cầu cứu mà do tiếc của chẳng chịu giúp cho. Về sắc thì dẫu đối trước dung mạo như hoa, như ngọc, thường giữ ý tưởng coi như chị, như em. Dẫu nhìn thấy kỹ nữ, vẫn nghĩ như thế, sanh lòng thương xót, sanh tâm độ thoát, sẽ không bị phiền não thấy sắc đẹp động lòng ham muốn. Vợ chồng kính trọng nhau như khách, coi thê thiếp như ân nhân giúp mình có con nối dõi, chẳng dám coi họ như món đồ thỏa dục hành lạc thì không bị phiền não do ham sắc dục đến nỗi diệt thân, vợ không thể sanh, con không thể thành lập. Dạy dỗ, uốn nắn con cái từ nhỏ sẽ không có phiền não con cái ngỗ nghịch cha mẹ, bại hoại môn phong. Còn như gặp cảnh ngang trái phải sanh lòng thương xót, thương nó vô tri, không biết suy xét. Lại nên nghĩ do mình đời trước từng não hại nó nên nay mới gặp cảnh này hòng trả nợ xưa, tâm sanh hoan hỷ sẽ không có phiền não ngang trái báo thù. Nhưng những điều vừa nói trên đây là dành dạy cho kẻ sơ cơ.

Nếu là bậc đại sĩ tu lâu đã rõ Ngã Không thì vô tận phiền não đều hóa thành đại quang minh tạng. Ví như đao do mài mà bén, vàng do luyện được thuần, sen do bùn lầy bón tưới mới được thanh tịnh sáng sạch. Cảnh không tự tánh, tổn hại hay ích lợi là do người. Tam nghiệp, tứ nghi (tứ nghi là đi, đứng, nằm, ngồi) thường giữ như “bốn điều không” của Nhan Uyên. Ngũ Giới, Thập Thiện phải học theo “ba lần phản tỉnh” của Tăng Tử. Dẫu nhà tối không ai thấy, nhưng thiên địa, quỷ thần đều biết. Niệm vừa mới manh nha, ẩn kín, vi tế, tội - phước đã phân định rạch ròi một trời, một vực! Nếu có thể tu tỉnh như vậy, sẽ thấy mọi cử động đều lành, ác chẳng thể sanh từ đâu cho được! Đây chính là quy củ rộng lớn của việc chánh tâm thành ý, chớ cho là đạo Thích vụn vặt, chẳng giản dị, nhanh chóng như đạo Nho.

Nếu luận về pháp môn Niệm Phật thì chỉ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông yếu, đầy đủ ba pháp quyết định vãng sanh. Nếu không tin thật, nguyện thiết, dẫu có chân hạnh cũng chẳng thể vãng sanh, huống gì tu hành hời hợt, hờ hững ư? Ngài Ngẫu Ích đã nói: “Được sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp là do trì danh sâu hay cạn”. Đấy chính là lời bàn luận thường hằng ba đời chẳng đổi được, là đạo mầu độ khắp ba căn vậy, phải dốc toàn thân dựa theo đó mới hòng chứng được ích lợi thật sự. Ba điều Tín - Nguyện - Hạnh đều được giải thích tường tận trong sách Thập Yếu, nhưng trọng yếu nhất là phần thứ ba là phần Minh Tông (minh định tông chỉ của một bản kinh) thuộc đoạn Ngũ Trùng Huyền Nghĩa của sách Yếu Giải đã phát huy ba pháp này đến mức tinh xác, tường tận nhất. Trong những phần sau, đoạn nào, tiết nào cũng đều chỉ bày, hãy nên đọc kỹ, không thể viết đầy đủ hết.

Còn như niệm Phật, tâm khó quy nhất, hãy nên nhiếp tâm khẩn thiết niệm, sẽ tự có thể quy nhất. Pháp nhiếp tâm không pháp nào chẳng trước hết phải chí thành khẩn thiết. Tâm không chí thành mà muốn nhiếp tâm thì không có cách nào cả! Nếu đã chí thành mà vẫn chưa thuần nhất, hãy nên lắng tai nghe kỹ, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều phải niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng lọt ra, âm thanh lọt vào tai (niệm thầm dẫu miệng không động, nhưng trong ý vẫn có tướng miệng niệm), tâm - miệng niệm cho rõ ràng, rành mạch, tai nghe cho rõ ràng, rành mạch. Nhiếp tâm như thế, vọng niệm tự dứt.

Nếu vọng niệm vẫn còn nổi sóng, thì dùng pháp Thập Niệm Ký Số, tức là đem sức lực toàn tâm đặt nơi một tiếng Phật hiệu, dẫu muốn khởi vọng cũng không có sức. Diệu pháp nhiếp tâm niệm Phật rốt ráo này xưa kia các vị hoằng truyền Tịnh Độ chưa đề cập đến là vì căn tánh con người [khi ấy] còn thông lợi, chẳng cần phải làm như thế mới có thể quy nhất được! Ấn Quang do tâm khó chế phục, mới biết cái hay của pháp này. Càng thử càng thấy hay, chẳng phải là nói mò đâu nhé. Nguyện khắp thiên hạ những kẻ độn căn đời sau đều cùng sử dụng khiến cho vạn người tu vạn người về.

Pháp Thập Niệm Ký Số vừa nói đó chính là trong lúc niệm Phật, từ một câu đến mười câu phải niệm cho phân minh, lại phải nhớ phân minh, đến mười câu là thôi. Lại phải niệm từ một câu đến mười câu, chẳng được niệm hai mươi, ba mươi. Niệm đâu nhớ đấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Nếu nhớ thẳng vào mười câu thấy khó thì chia thành hai hơi, tức là từ câu thứ nhất đến câu thứ năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn thấy mệt, nên từ câu một đến câu ba, từ câu bốn đến câu sáu, từ câu bảy đến câu mười, chia làm ba hơi để niệm. Niệm cho rõ ràng, nhớ cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không chỗ chen chân, nhất tâm bất loạn, niệm lâu ngày sẽ tự được.

Phải biết mười niệm này giống như cách nhiếp vọng bằng pháp Thập Niệm buổi sáng, nhưng công dụng khác xa. Buổi sáng mười niệm thì hết một hơi là một niệm, chẳng luận số câu niệm Phật nhiều - ít. Cách này lấy một câu Phật hiệu làm một niệm, còn cách kia chỉ có thể niệm mười hơi vào buổi sáng. Nếu niệm hai mươi, ba mươi hơi sẽ tổn khí thành bệnh. Cách niệm này một niệm là một câu Phật hiệu, tâm biết một câu, niệm mười câu Phật hiệu, tâm biết mười câu. Từ một đến mười, rồi lại từ một đến mười, dẫu cả ngày niệm mấy vạn tiếng cũng đều nhớ như thế. Chẳng những trừ vọng lại còn dưỡng thần tốt nhất. Niệm mau hay chậm trọn không trở ngại, từ sáng đến tối, không gì không thích hợp.

So với cách lần chuỗi nhớ số, lợi ích khác nhau một trời một vực. Cách kia (tức cách niệm bằng lần chuỗi) thân mệt, thần động, cách này thân nhàn tâm an. Nhưng lúc làm việc nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết niệm thẳng. Làm việc xong, lại nhiếp tâm nhớ số như cũ. Dẫu ý niệm loang loáng đến đi, cũng vẫn quẩn quanh chuyên chú nơi một cảnh Phật hiệu. Đại Thế Chí nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Kẻ lợi căn chẳng cần phải nói nữa, nếu là hạng độn căn như bọn ta, bỏ pháp Thập Niệm Ký Số này, muốn nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, thật khó khăn lắm!

Lại phải biết pháp nhiếp tâm niệm Phật này tuy cạn mà sâu, tuy nhỏ mà lớn, là pháp chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ nên thường ngửa tin lời Phật, chớ vì mình thấy không đến nơi đến chốn bèn sanh nghi hoặc, đến nỗi thiện căn nhiều kiếp do đây bị mất, chẳng thể rốt ráo tự đạt được lợi ích thật sự, đáng buồn lắm! Lần chuỗi niệm Phật chỉ nên làm trong hai lúc đi và đứng. Nếu tịnh tọa dưỡng thần, do tay động nên thần chẳng an, lâu ngày thành bệnh. Pháp Thập Niệm Ký Số này đi, đứng, nằm, ngồi, không gì chẳng thích hợp. Lúc nằm chỉ nên niệm thầm, không được niệm ra tiếng. Nếu niệm ra tiếng thì một là bất kính, hai là tổn khí, hãy nhớ kỹ, nhớ kỹ!

Cư sĩ nay đã gần năm mươi, thân bị ràng buộc, chưa tham tầm tri thức, muốn liễu thoát trong đời này hãy chỉ nên chuyên chú một môn Tịnh Độ. Kim Cang, Pháp Hoa hãy gác ra ngoài, đợi đến khi thông suốt Tịnh Độ, đã đắc nhất tâm rồi mới lại nghiên cứu cũng không muộn. Nếu theo đuổi ngay trong lúc này, e trí lực không đủ, được cái kia mất cái này. Một pháp chưa tinh, hai điều lợi đều mất! Sách Giản Ma Biện Dị Lục thuộc Thiền Tông, dẫu bậc thông đạt giáo lý sâu xa còn chưa dễ gì biết được, huống là cư sĩ! Phàm những sách vở của Thiền Tông, nhất loạt chớ nghiên cứu, bởi Thiền Tông “ý tại ngôn ngoại”, nếu dựa theo mặt chữ để hiểu nghĩa sẽ hiểu lầm Phật pháp, do nhân lành chuốc lấy quả ác! Thích Thị Kê Cổ Lược là sách sử truyện, lấy Thiền Tông làm chánh. Phàm những sách như thế hãy gác lại chớ nghiên cứu thì mới nên.

Tôi thường nói: “Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, phải cầu nơi cung kính. Có một phần cung kính thì diệt được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, diệt mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ. Nếu trọn chẳng cung kính, dẫu gieo được viễn nhân, nhưng cái tội khinh nhờn chẳng thể tưởng được nổi!” Phàm thấy hết thảy những người tín tâm, đều đem ý này bảo họ. Đây chính là thật nghĩa quyết định từ sơ tâm cho đến rốt ráo. Nếu coi đó là lời bàn cổ hủ của ông Tăng hủ bại thì chính là tự hại, tự vứt bỏ, nào phải là cô phụ Ấn Quang, mà là cô phụ chính mình đó thôi!

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây