Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 203: Sớ - Quyển 2 - Phần 5 - 21. Sớ quyên mộ xây dựng Như Ý Liêu chùa Pháp Vũ (viết thay)

Sanh - lão - bệnh - tử ai nấy đều có. Như Lai thuyết pháp, đầu tiên là trình bày những điều này. Ấy là muốn cho chúng sanh ngộ được đạo trọng yếu để thoát khổ, chứng Phật tánh vốn sẵn đủ; do vậy, vĩnh viễn lìa huyễn khổ, thường hưởng chân lạc. Nhưng trong tứ khổ, bệnh - tử là nặng nề nhất. Tại gia thì có quyến thuộc trông nom, săn sóc; xuất gia chỉ trơ trọi một thân, không nơi nương tựa. Vì thế, từ xưa, cổ đức thể hội lòng từ của Phật, lập ra liêu xá, tuyển người chăm sóc, khiến cho ăn uống, thuốc thang, thảy đều như ý, không kém ngoài đời cho mấy. Đấy chính là cội nguồn của Như Ý Liêu vậy.

Phổ Đà là danh sơn bậc nhất trong thiên hạ, bổn tự lại là một trong ba đại tùng lâm của núi này. Vì thế, nạp tăng mười phương qua lại không ngớt, những người ở lại lâu không đi số đến cả trăm. Thế nhưng Như Ý Liêu chật chội, tù túng, lại thêm sản nghiệp thường trụ ít ỏi, chẳng đủ để phù hợp với thân tâm người bệnh. Lại không đủ sức cung ứng thuốc thang cho người bệnh. Liêu tên Như Ý, nhưng nghĩa chưa tròn!

Kể từ khi lão nạp mới tiếp nhận trụ trì, đã coi chuyện này là nhiệm vụ cấp bách, muốn tạo dựng bảy gian tinh xá riêng, gian giữa thờ thánh tượng Như Lai, gian sau thờ bài vị của những vị Tăng đã mất, khiến cho người bệnh có chỗ lễ tụng, quán cảm dễ khởi. Hai bên phân làm mười hai gian, trừ phòng hương đăng ra, đều dùng làm chốn dưỡng bệnh. Ít thì mỗi người một liêu, nhiều thì hai người ở chung một liêu. Hai bên cách biệt để không sợ bị truyền nhiễm, thân tâm vui sướng, dễ được lành bệnh không cần đến thuốc. Hết bệnh thì mặc tình đi hay ở, mất thì sẽ chôn cất, khiến cho người đến thì sống có chỗ y chỉ, mất thì có chỗ quy túc. Lại để riêng một trăm mẫu ruộng để sau này chi dùng vào quan quách, thuốc men, khắc bia thông cáo rõ, khiến cho vị trụ trì nhậm chức trong tương lai chẳng dám phế bỏ, sửa đổi chuyện này. Khẩn cầu các vị đại hộ pháp, vui vẻ chia hạc bổng, bỏ ra phù nang[60] khiến cho chuyện này chóng được viên thành, ngõ hầu phước báo vĩnh viễn không thiếu sót, sẽ thấy Phật trời gia hộ như mây nhóm, cát khánh đua nhau xảy đến, ngũ phước ùn ùn, điều tốt lành lan đến tận hậu duệ.

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

Quyển thứ hai hết

(Phần 5 hết)

[1] Sớ: Theo từ điển Từ Hải, chữ Sớ có hai nghĩa:

1) Trình bày rõ ràng từng điểm một.

2) Chú thích ý nghĩa của sách vở.

Ngoài ra, Sớ còn được dùng để chỉ những công văn hoặc tờ trình lên thượng cấp, lên vua. Do vậy, những bài văn được tuyên đọc trong khi tụng kinh với mục đích cầu đảo, giãi bày ý nghĩa của pháp hội đang làm cũng được gọi là Sớ. Ở đây, chữ Sớ được dùng theo nghĩa thứ nhất. Những bài Sớ trong phần này được viết nhằm trình bày rõ ý nghĩa sự việc để cổ động mọi người tham gia, ủng hộ.

[2] Thị trấn Nam Tầm thuộc thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang.

[3] Dị loại: Khác chủng loại. Do loài vật không thuộc loài người nên thường được gọi là Dị Loại.

[4] Nguyên văn: “Điểu, thú, ngư, miết hàm nhược”.Trong bài tựa cho cuốn Vệ Sinh Tập, Tổ đã giải thích: “Nhược là thuận. Hàm Nhược có nghĩa là đều được thuận theo thiên tánh, chẳng vướng mắc nỗi khổ bị sát hại”. Ở đây, chúng tôi chỉ dịch tóm gọn là “chim, thú, cá, ba ba đều được sống yên vui”.

[5] Tử Sản (không rõ năm sinh -522 trước Công nguyên), tên thật là Công Tôn Kiều, tự Tử Sản, hiệu là Tử Khương, sống vào thời Xuân Thu, người nước Trịnh. Ông chính là dòng dõi của Trịnh Mục Công, nổi tiếng thông minh từ nhỏ, rất giỏi về cai trị, làm chức Khanh đời Trịnh Giản Công, chấp chính suốt hai mươi ba năm, rất nhân từ. Ông tiến hành nhiều cải cách quan trọng, chỉnh đốn quyền tư hữu ruộng đất của quý tộc để nông dân có ruộng làm, định lại sắc thuế cho hợp lý hơn. Ông là người đầu tiên cho biên soạn hình luật và cho khắc tân luật lên một cái đỉnh to đặt trong cung vua để mọi người đều được biết luật. Ông chủ trương thuyết Nhân Bản, và cũng được coi là một trong những Nho Gia điển hình trước thời Khổng Tử. Không rõ chuyện nuôi cá của ông ta được trích từ điển tích nào.

[6] Đời Xuân Thu, Tùy Hầu (vua nước Tùy) đi ra ngoài chơi thấy một con rắn bị người ta đánh gần chết, vứt trên vệ đường, động lòng thương xót, liền sai tùy tùng đem thuốc cứu rắn, rồi đem thả đi. Ít lâu sau, rắn từ sông ngoi lên, nhả tặng vua một viên minh châu để báo ân cứu mạng. Do vậy, viên ngọc ấy thường được gọi là Tùy Hầu Châu, hoặc Linh Xà Châu. Sách Sưu Thần Ký mô tả viên ngọc ấy được như sau: “Kích thước tròn trặn chừng một tấc, trắng muốt, ban đêm tỏa ánh sáng, có thể soi sáng cả gian phòng”.

[7] Có lần Dương Bảo vào Hoa Sơn thấy con chim sẻ bị thương rơi xuống đất, máu me bê bết, cảm thương ông liền đem về băng bó, chăm sóc, khi chim lành bèn thả đi. Chim tha đến bốn cái chén ngọc, lại nói: “Mong con cháu ông sẽ trắng trong, tinh thuần như bạch ngọc”. Đêm ấy, ông mộng thấy một vị trời mặc áo vàng đến bảo: “Tôi là con chim sẻ vàng được ông cứu mạng. Tôi vốn là sứ giả của Tây Vương Mẫu, bị thương giữa đường. May được ông cứu giúp, nay được trở về Nam Hải nên đến đáp tạ”. Về sau, con cháu ông đều nổi tiếng đức hạnh, hiển đạt.

[8] Nhan Chân Khanh (707-784), tự Thanh Thần, thường được gọi là Lỗ Công (vì ông được phong chức Lỗ Quận Khai Quốc Công), là một thư pháp gia nổi tiếng thời Đường. Tuy cũng là thi nhân, thơ ông không nổi tiếng như các nhà thơ khác thời Thịnh Đường. Tài thư pháp của ông được người đương thời bình luận: “Phóng khoáng nhưng không buông tuồng, dễ dãi nhưng không vụng về, đặt bút viết xuống là được ngay”.Lối viết Khải Thư của ông được coi là mẫu mực cho mọi hành giả viết chữ Khải Thư về sau. Ông còn được coi là truyền nhân của Trương Húc về lối chữ Thảo.

[9] Quan quả cô độc: Quan là góa vợ, quả là góa chồng, cô là mất cha mẹ, độc là không con cái.

[10] Sông Tam Xoa nằm phía Nam Kim Lăng, do sông hợp nhánh cùng với sông Tần Hoài ở phía Đông và Thanh Giang tại phía Nam cùng đổ ra biển, có hình dáng giống như cái chĩa ba nên có tên như vậy.

[11] Kim Lăng là tên cũ của Nam Kinh. Nam Kinh còn có tên khác là Giang Ninh. Đây là kinh đô của nhiều triều đại trong lịch sử, thường được biết đến dưới tên gọi Lục Triều Cổ Đô. Theo truyền thuyết, vua Phù Sai nước Ngô đã xây Dã Thành tại đây. Sau khi Câu Tiễn diệt Ngô, phá hủy Dã Thành, và Phạm Lãi đã cho xây thành mới mang tên Việt Thành ở đây. Năm 333 trước Công Nguyên, Sở Oai Vương (Hùng Duệ) diệt nước Việt, tin theo lời thuật sĩ, chôn vàng để trấn áp vương khí nước Việt và lập ấp Kim Lăng ở núi Thạch Đầu (nay là núi Thanh Lương). Tên Kim Lăng bắt đầu có từ đấy. Tần Thủy Hoàng đổi tên ấp này thành huyện Mạt Lăng, trực thuộc quận Cối Kê. Đến năm 211, Tôn Quyền nhà Đông Ngô xây Thạch Đầu Thành tại ấp Kim Lăng. Năm 229, Tôn Quyền dựng kinh đô nơi này, đổi tên là Kiến Nghiệp. Đến khi nhà Đông Ngô bị Tấn diệt, nhằm năm Kiến Hưng nguyên niên (313), vì kỵ húy Tư Mã Nghiệp nên đổi thành Kiến Khang. Thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, nhà Tây Tấn diệt vong, vào năm 317, Tư Mã Duệ lập nhà Đông Tấn, lại chọn Kiến Khang làm kinh đô. Các nhà Hậu Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557), Tùy (557-589) đều chọn Kiến Khang làm kinh đô. Năm 589, nhà Tùy diệt vong, Trần Hậu Chủ phá hủy thành quách nơi này. Đời Đường, vùng này bị đổi thành Giang Ninh Quận, rồi thành Thăng Châu. Cuối cùng, lại đổi thành Kim Lăng Phủ. Nhà Nam Đường (937-975) lại lập ra một phủ trực thuộc Kim Lăng, đặt tên là Giang Ninh phủ. Sau khi bị nhà Kim chiếm cứ Hoa Bắc, nhà Nam Tống cũng đặt kinh đô tại nơi đây. Khi Châu Nguyên Chương đánh thắng quân Mông, lập ra nhà Minh, liền chọn nơi này làm kinh đô, gọi là Ứng Thiên Phủ. Năm Vĩnh Lạc 19, Minh Thành Tổ dời đô lên Bắc Kinh; do vậy, đổi Kim Lăng thành Nam Kinh. Khi Lý Tự Thành diệt nhà Minh, Phước Vương Châu Do Tung chạy về Nam, lại chọn Nam Kinh làm đế đô nhằm mưu đồ khôi phục nhà Minh. Trong loạn Thái Bình Thiên Quốc, Hồng Tú Toàn cũng chọn Nam Kinh làm kinh đô, nhưng đổi tên thành Thiên Kinh. Trong giai đoạn đầu của Trung Hoa Dân Quốc, Tôn Trung Sơn và các đồng chí cũng lấy Nam Kinh làm kinh đô cho nền Cộng Hòa mới được thành lập.

[12] Phật Đà Bạt Đà La (359-429), tiếng Phạn là Buddhabhadra, dịch nghĩa là Giác Hiền hoặc Phật Hiền. Ngài là vị cao tăng, người thành Na Ha Lợi, Bắc Ấn, là hậu duệ của Cam Lộ Phạn Vương thành Ca Tỳ La Vệ. Xuất gia năm mười bảy tuổi, tu hành tinh tấn, đọc rộng các kinh sách, tinh thông Thiền, Luật. Sau Ngài cùng đồng học là Tăng Già Đạt Đa qua Kế Tân học Thiền với ngài Phật Đại Tiên. Rồi ngài nhận lời thỉnh của sư Trí Nghiêm, đến Trường An vào năm Hoằng Thỉ thứ 10 (408) nhà Hậu Tần để hoằng truyền Thiền học. Do không quen tập tục ở Trường An, lại không hợp với ngài Cưu Ma La Thập nên cùng những đệ tử như Huệ Quán v.v… hơn 40 người rời Trường An, sang cư ngụ ở Lô Sơn với ngài Huệ Viễn mấy năm, dịch kinh Đạt Ma Đa La Thiền Kinh. Năm Nghĩa Hy thứ 11 (415), Sư đến Kiến Khang, nay là Nam Kinh, ở lại chùa Đạo Tràng, chuyên chú dịch thuật. Ngài cùng đại sư Pháp Hiển hợp dịch Ma Ha Tăng Kỳ Luật, Đại Bát Nê Hoàn Kinh, lại dịch bộ Hoa Nghiêm sáu mươi quyển một mình. Ngài tịch diệt năm Nguyên Gia thứ sáu nhà Lưu Tống, thọ 71 tuổi. Đời gọi Ngài là Thiên Trúc Thiền Sư.

[13] Đàn-việt (danapati): Thí chủ, người đứng ra bố thí.

[14] Về ngài Đạo An, xin xem chú thích ở phần thứ ba, quyển hai.

Nhất Hạnh (683-727), thường được xưng tụng là Nhất Hạnh A Xà Lê, là một cao tăng bên Mật Tông, đồng thời là một nhà thiên văn lịch số nổi tiếng. Ngài sống vào thời Đường, quê ở Cự Lộc (nay thuộc huyện Cự Lộc, tỉnh Hà Bắc). Xuất thân từ nhà quyền quý, tánh ưa thích kinh sử, xuất gia với ngài Cảnh thiền sư ở Kinh Châu, sau học Thiền với ngài Phổ Tịch thiền sư ở Tung Sơn, rồi lại học Luật với ngài Đương Dương Chân Toản. Ngài gom góp những đoạn kinh văn trọng yếu trong các kinh luận soạn thành bộ Nhiếp Điều Phục Tạng, mười quyển. Sư còn theo học với các vị Thiện Vô Úy, Kim Cang Trí, cùng với ngài Thiện Vô Úy dịch bộ kinh căn bản quan trọng nhất của Mật Tông là kinh Đại Nhật. Sư được ngài Kim Cang Trí truyền thọ Bí Mật Quán Đảnh. Năm Khai Nguyên thứ chín (721), vua xuống chiếu sai Sư hiệu đính lịch pháp. Sư soạn thành bộ Đại Diên Lịch gồm 52 quyển (lịch pháp này đến nay vẫn được người Nhật sử dụng). Ngài còn cùng với ông Lương Lệnh Toản chế ra dụng cụ thiên văn gọi là Hoàng Đạo Du Nghi để trắc định vị trí của hơn 150 hằng tinh, cũng như tính ra kinh độ của các ngôi sao ấy. Tác phẩm quan trọng của Sư là bộ Đại Nhật Kinh Sớ gồm 20 quyển, được coi là tác phẩm kinh điển trọng yếu, có thẩm quyền nhất trong các sớ giải của Mật giáo. Ngài tịch diệt năm Khai Nguyên 15, thọ 45 tuổi, thụy hiệu là Đại Huệ Thiền Sư. Ngài còn soạn những tác phẩm nổi tiếng khác là Tú Diệu Nghi Quỹ, Phạm Thiên Hỏa La Nghi Quỹ, Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp, Dược Sư Lưu Ly Như Lai Tiêu Tai Trừ Nạn Niệm Tụng Nghi Quỹ. Ngoài ra, còn có bộ Hoa Nghiêm Kinh Hải Ấn Đạo Tràng Sám Nghi bốn mươi hai quyển soạn chung với đệ tử là Huệ Giác.

Ngài Diệu Phong sống vào thời Minh, tên là Phước Đăng, người Bình Dương, Sơn Tây, họ Tục, hậu duệ của Tục Cúc Cư thời Xuân Thu. Sanh ra đã có tướng mạo kỳ lạ: Môi trớt, răng vẩu, mũi huếch, cổ lộ hầu. Bảy tuổi mồ côi, phải đi chăn dê cho người ta. Năm 12 tuổi xin vào tu tại một ngôi chùa gần đó, bị Tăng nhân đối xử tàn tệ, phải trốn sang Bồ Bản, xin ăn ở chợ, đêm ngủ nhờ ở Văn Xương Các tại phía Đông quận ấy. Gác ấy do Sơn Âm Vương xây để mời Lương Công chùa Vạn Thọ ở. Một bữa, Sơn Âm Vương trông thấy bèn bảo Lương Công: “Đứa bé này ngũ quan đều lộ, nhưng thần trí ngưng lặng, xương cứng cỏi, ắt ngày sau thành đại khí, nên thâu làm đồ đệ, đối đãi tử tế”. Ít lâu sau, có động đất lớn, những chỗ dân chúng cư ngụ bị sụp đổ hết, Sư bị đè ở dưới nhưng không bị thương. Vương càng lấy làm lạ, bèn cho sửa Lâu Nham Lan Nhã trong Điều Sơn, bảo Sư bế quan chuyên tu Thiền Quán, đêm ngày đứng sừng sững suốt ba năm. Bế quan không lâu đã có chỗ ngộ, Vương bảo: “Đứa bé này kiến giải đã như thế, nếu không chiết phục ắt về sau phát cuồng”. Bèn lấy một miếng đế giầy rách, viết bài kệ rằng: “Đế giày hôi thối này, gói lại gởi cho ngươi, đừng làm chuyện chi khác, hãy chuyên chú ngâm thơ”. Gói lại, gởi cho Sư. Sư nhận được, lễ Phật, lấy vải trùm đầu, từ đấy im lặng không nói năng gì nữa. Ba năm bế quan xong, đến gặp Vương đã thông tỏ bổn phận. Vương rất mừng, bảo đi nghe giảng kinh Lăng Nghiêm, thọ Cụ Túc. Sư tham học với khắp các tri thức. Sư triều bái Phổ Đà, do không quen phong thổ, bị ghẻ khắp người, bèn phát nguyện thếp vàng ba tượng Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm Đại Sĩ, tạo khám thờ bằng đồng gởi đến Ngũ Đài, Nga Mi, Phổ Đà để cúng dường vĩnh viễn. Khi trở về Ninh Ba, Sư mắc bệnh thời khí, gần chết. Đêm đi đường, tìm không ra một giọt nước, bèn lấy tay vốc nước từ trong một cái chậu tắm, uống vào ngọt ngào vô cùng. Sáng ra thấy nước ấy dơ quá, ói mật xanh mật vàng, liền ngộ: “Uống vào thật ngon, trông thấy thật dơ. Dơ sạch do tâm, chẳng liên quan đến vật bên ngoài”, toàn thân đổ mồ hôi bèn lành bệnh, nhưng vẫn còn ghẻ. Đến chùa Đại Báo Ân ở Nam Kinh, nghe Vô Cực pháp sư giảng Hoa Nghiêm Huyền Đàm, ngài Hám Sơn làm phó giảng. Sư xin làm chức Tịnh Đầu (trông coi nhà tiêu) để dưỡng bệnh nghe kinh. Mỗi ngày đại chúng ăn trưa xong, nghỉ ngơi, Sư bèn quét dọn nhà xí cho thật sạch sẽ. Ngài Hám Sơn biết vị Tịnh Đầu ắt là một cao tăng, bèn đến thăm riêng, ước hẹn làm bạn đồng tham. Không lâu sau, nhà xí không sạch nữa, Hám Sơn đoán vị Tịnh Đầu đã bỏ đi, bèn đi tìm. Sư sau khi bỏ đi, tìm chỗ sâu nhất trong núi ở Bồ Châu, kết tranh làm am, không ăn cơm suốt ba năm, được đại ngộ. Sơn Âm Vương dựng chùa ở Nam Sơn, mời Sư về ở, lại nhờ lên Bắc Kinh thỉnh Tạng kinh. Sư gặp Hám Sơn ở giữa chợ tại kinh đô, kinh cũng đã thỉnh xong, bèn cùng nhau về Bồ Châu. Năm sau, cùng đến Ngũ Đài, ở nhờ nơi am Diệu Đức thuộc Long Môn dưới chân ngọn Bắc Đài. Ba năm sau, mỗi vị đều trích máu từ lưỡi hòa vàng chép kinh Hoa Nghiêm. Vàng và giấy do Từ Thánh Thái Hậu ban tặng. Chép kinh xong, Sư tổ chức Vô Già Đại Hội hai mươi ngày. Thái Hậu sai quan đến xin Sư cầu hoàng tự (người nối dòng cho hoàng triều), họ bèn đem công đức ấy hồi hướng cho việc ấy. Mười tháng sau, sanh được hoàng nam, tức Thái Xương. Thấy quá nổi tiếng, không thể ở lâu được, hai vị bèn xuống núi ẩn cư. Sư vào núi Lô Nha, kết am tu. Thái hậu sai người tìm được, bèn cho cất chùa Hoa Nghiêm nơi ấy. Từ đó, suốt hai mươi năm, xây dựng tùng lâm, sửa cầu cống, đắp đường trong núi, phàm những công trình lớn, người khác không hoàn thành được thỉnh Sư trông coi, chẳng lâu sau đều hoàn thành. Việc xong liền đi, không bận tâm đến nữa. Sư ngồi viên tịch, thọ 73 tuổi, tăng lạp 49 năm.

[15] Theo Tiên Thiên Bát Quái của Văn Vương, quẻ Chấn thuộc phương Đông, Trung Hoa ở phương Đông của Ấn Độ nên cũng thường được gọi là Đông Chấn. Có người giải thích: Vì người Trung Hoa nghĩ Ấn Độ ở phía Tây Bắc Trung Hoa (do thời xưa, các vị tổ sư thường theo con đường Tơ Lụa ở phía Tây Bắc Trung Hoa vào Trung Nguyên, người Tàu thường nghĩ Ấn Độ nằm về phía Tây Bắc Trung Hoa) nên gọi là Tây Càn (quẻ Càn ở phía Tây Bắc trong Tiên Thiên Bát Quái đồ). Xin ghi lại lời giải thích này như một vấn đề tồn nghi.

[16] Trụ tích: Vị tăng trụ lại một nơi nào gọi là trụ tích, tích ở đây là tích trượng.

[17] Đàm Hư (1875-1963), cao tăng thời cận đại. Sư họ Vương, tên Phước Đình, pháp tự Long Hàm, pháp hiệu Đàm Hư, người Ninh Hà, tỉnh Hà Bắc. Năm 17 tuổi, vâng lệnh cha lập gia đình, sanh được năm người con. Trước kia, Sư làm nghề nông và buôn bán, sau theo nghề y. Năm 40 tuổi, nhân nghe kinh Pháp Hoa, liền phát chí xuất gia. Năm 1917, Sư xin xuất gia với ngài Ấn Khôi tại chùa Cao Minh. Rồi về Nam, y chỉ với ngài Đế Nhàn chùa Quán Tông ở Ninh Ba học giáo nghĩa Thiên Thai. Năm 1921, đảm nhiệm dạy học tại Phật Học Viện chùa Vạn Thọ tại Thẩm Dương. Năm 1925, được ngài Đế Nhàn phó pháp trở thành người nối pháp đời bốn mươi bốn tông Thiên Thai, được ban tên là Kim Hàm. Từ đó, Sư chuyên giảng kinh hoằng pháp tại các nơi thuộc Đông Bắc Trung Hoa, sáng lập đạo tràng. Các chùa Cực Lạc ở Cáp Nhĩ Tân, chùa Bát Nhã ở Trường Xuân, và chùa Lăng Nghiêm ở Doanh Khẩu là những ngôi phạm-sát lớn nhất. Sau Ngài thường trụ tại chùa Trạm Sơn thuộc Thanh Đảo, tự xưng là Trạm Sơn Lão Nhân. Về cuối đời, Sư sang hoằng pháp tại Hương Cảng, sáng lập Trung Hoa Phật Giáo Đồ Thư Quán, Hoa Nam Phật Học Viện. Ngài mất năm 1963, thọ 89 tuổi. Sư từng kể lại những chuyện trong cuộc đời mình và môn đệ là Đại Quang đã chép lại thành cuốn Ảnh Trần Hồi Ức Lục. Những trước tác quan trọng của Sư là Tâm Kinh Sớ Nghĩa, Tâm Kinh Giảng Nghĩa, Khởi Tín Luận Giảng Nghĩa, Thiên Thai Truyền Phật Tâm Ấn Ký Thích Yếu, Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa.

[18] Mãn nguyệt kim dung: Khuôn mặt đức Phật được ví như vầng trăng đầy viên mãn, thân Phật sắc vàng ròng nên gọi là kim dung.

[19] Y Huấn là một đoạn văn nhỏ trong kinh Thư, ghi lại lời khuyên dạy của Y Doãn, trong đó có câu: “Tác thiện giáng bách tường, tác bất thiện giáng bách ương” (Làm lành trăm điều tốt đẹp giáng xuống, làm điều chẳng lành, trăm tai ương giáng xuống).

[20] Cơ là căn cơ, Nghi là thích đáng. Ý nói chúng sanh có thiện căn, muốn giáo hóa thì phải thuận theo căn cơ lập ra giáo pháp thích nghi. Pháp Hoa Huyền Nghĩa quyển 1, có câu: “Giáo vốn ứng cơ, cơ nghi bất đồng nên bộ loại khác biệt!”

[21] Bi kính song tu: Tu bi điền và kính điền đồng thời. Bi điền là thương xót giúp đỡ chúng sanh, kính điền lễ kính Tam Bảo, chăm tu pháp yếu.

[22] Chùa Phạm Thiên thuộc huyện Đồng An, tỉnh Phước Kiến, nằm vào phía Đông Bắc ngọn núi chính của rặng Đại Luân Sơn. Chùa được dựng vào đời Tùy, thoạt đầu có tên là chùa Hưng Quốc, vốn là chùa thập phương. Đời đời có các thiền sư nổi tiếng trụ trì, Tổ Sư Hoàng Bá cũng từng ngộ đạo tại đây.

[23] Gọi là Thạch Tấn vì triều đại này do Thạch Kính Đường thành lập, chỉ truyền được hai đời (936-946). Sử còn gọi triều đại này là Hậu Tấn để phân biệt với nhà Tiền Tấn do Tư Mã Viêm sáng lập.

[24] Văn Mục Vương tên thật là Tiền Nguyên Quyền, con của Tiền Mục, theo cha chinh chiến, lập nhiều chiến công, từng làm Thanh Hải Quân Tiết Độ Sứ, Trấn Đông Quân Tiết Độ Sứ. Vào thời Ngũ Đại, Trung Hoa bị chia nát thành từng tiểu quốc. Các Tiết Độ Sứ đua nhau chiếm cứ, lập quốc tự xưng vương. Tiền Mục chiếm Chiết Giang, lập nước Ngô Việt. Khi Tiền Mục chết, Tiền Nguyên Quyền lên thay. Về sau Tiền Nguyên Quyền thần phục nhà Nam Đường, dùng niên hiệu Nam Đường. Văn Mục Vương xây dựng quá nhiều cung điện, sưu thuế nặng nề khiến dân chúng oán thán. Năm 914, kinh thành Hàng Châu bị phát hỏa. Vua hoảng sợ, chạy tới đâu, lửa cháy theo tới đó. Đấy là do lòng dân quá phẫn uất, cố ý phóng hỏa trả thù. Do vậy, vua kinh hãi, sanh bệnh, chết vào tháng Chín năm đó.

[25] Hai triều đại Hán, Châu được nói ở đây nhằm thời Ngũ Đại, tức là nhà Hậu Hán do Lưu Trí Viễn sáng lập chỉ tồn tại được năm năm (946-950), nhà Hậu Châu do Quách Oai sáng lập chỉ tồn tại được gần mười năm (951-960).

[26] Ý nói phải thật sự tu hành, chứ không thể nói lý xuông, phô phang ngoài miệng được.

[27] Tam Mật: Thân mật, ngữ mật, ý mật.

[28] Trầm Thiện Đăng, tên thật là Trầm Cốc Thành, pháp hiệu Giác Trần, giữ chức Hàn Lâm Viện Thứ Cát Sĩ cuối đời Thanh. Ông chủ trì việc viết kinh Di Đà để khắc lên vách núi vào năm Quang Tự thứ 4 (1878). Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Báo Ân Luận.

[29] Núi Đặng Úy cách Tô Châu ba mươi dặm, nhìn xuống Thái Hồ, tương truyền, thái úy Đặng Vũ thời Đông Hán ẩn cư tại đây nên có tên như thế. Đây là một thắng cảnh về hoa mai nổi tiếng của vùng Tô - Hàng.

[30] Uế Tích Kim Cang: Uế Tích Kim Cang (Ucchushma), còn phiên là Ô Xu Sa Ma, hoặc Ô Sô Sa Ma Minh Vương, dịch nghĩa là Bất Tịnh Khiết, Trừ Uế Phần Thiêu, Uế Ác, Uế Tích Kim Cang, Thọ Xúc Kim Cang, Hỏa Đầu Kim Cang, Bất Tịnh Kim Cang. Ngài là một vị Phẫn Nộ Tôn được tôn thờ trong Mật Tông và các tự viện Thiền Tông. Ngài là giáo lệnh luân thân của Bắc Phương Yết Ma Bộ. Trong Mật Tông có nhiều cách giải thích về vị này. Có thuyết coi Ngài đồng thể với Kim Cang Dạ Xoa (tức là giáo lệnh thân luân của Bất Không Thành Tựu Như Lai). Theo thuyết này, Ngài là một trong năm vị đại Minh Vương. Có thuyết lại nói Ngài chính là các thân hóa hiện của những vị Thích Ca, Phổ Hiền, Bất Động, Kim Cang Thủ v.v… Nói chung, tánh đức của Ngài là chuyển bất tịnh thành thanh tịnh. Ngài đại bi sâu xa, chẳng nề hà nhơ uế, dùng đại oai quang như ngọn lửa hừng hực, thiêu trừ cái tâm vọng kiến, phân biệt, nhơ sạch, sanh diệt của chúng sanh. Do vậy, Ngài được gọi là Trừ Uế Kim Cang. Ngài thường được tạc với hình dáng phẫn nộ, khắp lỗ chân lông tỏa ra ngọn lửa hừng hực, có bốn tay, tay phải phía trên cầm kiếm, tay phải phía dưới cầm dây quyến sách, tay trái cầm gậy, tay tiếp đó cầm chĩa ba. Mỗi món khí giới đều bốc lửa. Ở đây với mục đích khiết tịnh thân tâm, cõi đất, cư sĩ Trầm Thiện Đăng trì Mật chú của Ngài trước khi viết kinh.

[31] Nguyên văn “thiết hoạch ngân câu”: Ý nói chữ viết sắc sảo, đẹp đẽ, từng nét vạch như khắc bằng sắt, từng nét móc như được chạm bằng bạc.

[32] Lưu Thủy là tiền thân của Phật Thích Ca lúc còn hành đạo Bồ Tát. Theo phẩm thứ tư “Lưu Thủy Trưởng Giả Tử” trong kinh Kim Quang Minh thì vị trưởng giả này cùng hai con là Thủy Không, Thủy Tạng đi chơi đến một thôn xóm, thấy trong vùng đồng lầy có một cái ao, nước ao đã cạn, những con cá trong ấy sắp bị nắng thiêu chết, bị chim thú chầu chực chờ ăn. Trưởng giả thương xót, bèn lấy nhánh cây che đậy, rồi mượn hai con voi lớn chở nước sông đổ đầy ao cho cá được sống. Lại còn thí thức ăn cho cá, nói cho chúng nghe danh hiệu Phật và Phật pháp. Sau đó, khi ông quay về nhà, đang cùng khách khứa ăn uống, chợt thấy đại địa chấn động, mười ngàn con cá cùng mạng chung trong ngày ấy, cùng sanh lên trời Đao Lợi. Khi ấy, trưởng giả say rượu nằm ngủ trên lầu, thấy mười ngàn thiên tử đem vô số trân châu, anh lạc xếp quanh bốn phía, lại rải hoa trời để báo ân. Phật bảo Lưu Thủy khi ấy chính là thân ta, Thủy Không là La Hầu La, Thủy Tạng là A Nan. Mười ngàn con cá khi ấy chính là mười ngàn vị thiên tử đang hiện diện trong pháp hội Kim Quang Minh.

[33] Khi trưởng giả Cấp Cô Độc vừa khởi công xây dựng tinh xá Kỳ Viên, trên thiên giới đã cung điện hóa hiện sẵn chờ khi ông hết tuổi thọ trong nhân gian sẽ sanh về trong ấy.

[34] Ý nói tài vật thế gian là tài sản chung của năm nhà: Vua, giặc cướp, lửa, nước, con cháu ngỗ nghịch. Gọi là “của chung của năm nhà” vì năm loại trên sẽ cướp mất tài sản của ta bất cứ lúc nào.

[35] Bổ Đát Lạc Ca (Potalaka) còn được phiên âm là Phổ Đà Lạc Già, hay gọi tắt là Phổ Đà. Núi Phổ Đà thuộc quần đảo Châu Sơn trong biển Đông, huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang. Núi này trước kia có tên là Mai Sầm Sơn. Tương truyền trong niên hiệu Đại Trung đời Đường (847-860), có một vị tăng Ấn Độ đến đây đốt mười ngón tay, đích thân thấy Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân thuyết pháp, trao cho hòn đá báu bảy màu, nên nơi đây được coi là thánh địa của Quán Âm. Trong năm Trinh Minh thứ hai (916) đời Hậu Lương, sư Huệ Ngạc người Nhật lén đem tượng Quán Thế Âm từ Ngũ Đài Sơn trốn về nước, thuyền đi đến đây không tiến được nữa, bèn dựng chùa Bảo Đà ở nơi này để thờ tượng Ngài. Do trụ xứ của Quán Thế Âm Bồ Tát ở Ấn Độ tên là Bổ Đát Lạc Ca, nên bèn đặt cho hòn đảo này tên là Phổ Đà. Còn núi Bổ Đà Lạc Già ở Ấn Độ (dịch nghĩa là Tiểu Hoa Thụ, Tiểu Bạch Hoa, Tiểu Thụ Man Trang Nghiêm, Hải Đảo, Quang Minh) nằm ngoài biển Nam Ấn Độ, phía Đông núi Malaya. Theo kinh Hoa Nghiêm, núi này do các báu hợp thành, hết sức thanh tịnh, bên trong có cung điện trời bằng đá của Bồ Tát Quán Thế Âm.

[36] An Kỳ Sinh theo truyền thuyết là một tiên nhân sống vào thời Tần Hán, họ Trịnh, tên là An Kỳ, được Đạo Giáo coi là một trong tám vị Chân Tiên thuộc Thượng Thanh. Tương truyền, ông già đánh rớt giày dưới chân cầu bắt Trương Lương ba lần lượm lên, Trương Lương vẫn kiên nhẫn nhặt, nên được truyền cho binh thư, phù chú, chính là An Kỳ Sinh. Tại Trung Hoa có rất nhiều nơi được coi là chỗ tu luyện của An Kỳ Sinh, nhất là các đảo ngoài biển Đông, hai nơi nổi tiếng nhất là Phổ Đà và đảo Đào Hoa (sau gọi là Bạch Vân Sơn) thuộc quần đảo Châu Sơn ở miền Nam Trung Hoa. Người Việt cho rằng núi Yên Tử ở Đông Triều, Việt Nam cũng từng là nơi tu luyện của An Kỳ Sinh.

Theo Hán Thư, Mai Phước Truyện thì Mai Tử Chân tên thật là Mai Phước, người huyện Thọ Xuân, Cửu Giang, thông hiểu sách vở, đặc biệt sùng bái Nho Học. Do chán ghét thời cuộc hỗn loạn sau khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán bèn đem vợ con về ẩn cư tại Hồng Nhai. Sau ông ngao du khắp vùng Mân Việt, tu tiên.

Cát Trĩ Xuyên, tên thật là Cát Hồng, hiệu là Bão Phác Tử, người huyện Cú Dung, Đơn Dương (nay thuộc Giang Tô). Ông sanh ra trong khoảng niên hiệu Thái Khang đời Tấn, mất vào năm Hưng Ninh nguyên niên (363). Về già, ẩn cư tại núi La Phù vùng Quảng Đông. Chuyên nghiên cứu luyện đan, làm thuốc. Tác phẩm quan trọng nhất của ông là bộ Bão Phác Tử, được chia thành Nội Thiên (gồm hai mươi quyển) và Ngoại Thiên (năm mươi quyển). Nội Thiên dạy cách luyện thuốc tiên (kim đan), sự biến hóa của quỷ thần, cách dưỡng sanh kéo dài tuổi thọ. Những chương Kim Đan, Tiên Dược, Hoàng Bạch trong ấy được coi là thánh điển cho những kẻ luyện đan. Ngoại Thiên bàn về lẽ được mất trong nhân gian, thế đạo tốt xấu v.v… Ngoài ra ông ta còn soạn sách y học như Kim Quỹ Dược Phương (100 quyển), Thần Tiên Phục Dược Phương (10 quyển), Phục Dược Phương (4 quyển), Ngọc Hàm Tiễn Phương (năm quyển). Những bài kim đan của ông ta thường chứa những chất độc như thủy ngân, chì v.v… Rất nhiều đạo sĩ, vua chúa luyện kim đan xong, uống vào hộc máu chết tươi!

[37] Châu Lương là nhà Lương thuộc đời Ngũ Đại do Châu Ôn sáng lập, lập ra năm 907. Gọi là Châu Lương hay Hậu Lương để phân biệt với nhà Lương của Tiêu Diễn (Lương Võ Đế). Ngài Huệ Ngạc khai sơn Phổ Đà vào thời Châu Lương.

[38] Hải Nhược: Theo truyền thuyết xưa, thần biển có tên là Nhược. Phong Bá là thần gió.

[39] Theo Cao Tăng Truyện, Đàm Du (còn có tên là Pháp Du, Bạch Đạo Du), người xứ Đôn Hoàng, bỏ nhà xuất gia năm 20 tuổi. Sau Ngài xuống miền Giang Đông, trụ tại núi Thạch Thành, khất thực tu hành. Sau Ngài dời đến núi Xích Thành. Ngài vào núi Thiên Thai trong niên hiệu Hưng Ninh (363-365) thời Đông Tấn chuyên tu Thiền Định. Khi Ngài tụng kinh trong hang núi, khoảng mười mấy con hổ vây quanh hang, gầm rú, Sư vẫn an tường tụng kinh. Từng con cọp nằm phục trước hang, Sư cứ tụng kinh mãi không ngừng, mặt trời dần dần xế bóng, cọp ngủ gục trước hang. Sư cầm cây như ý gõ nhẹ vào đầu cọp quở: “Nghiệt chướng! Sao chẳng chịu nghe kinh?” Cọp chồm dậy, Sư lại tụng kinh tiếp. Không lâu sau, từng đàn rắn lớn bò tới quấn quanh cửa hang, ngẩng cổ nhìn. Nghe mãi rắn mệt cũng từ từ bỏ đi. Đến ngày thứ hai, sơn thần hiện thân thưa hỏi:

- Pháp sư oai nghi, phong thái nghiêm túc, đức hạnh khác người, đã đến nơi đây, đệ tử xin dâng nhà cửa! Sư nói:

- Bần tăng ở nhờ núi này, chỉ xin một miếng đất chừng một trượng vuông. Ông đến khiến tôi vui lắm, sao không ở lại?

- Con thì không nói làm gì, nhưng thuộc hạ chưa được đại pháp thuần hóa, rất khó cai quản, Ngài là người từ xa đến, đi ra ngoài khó tránh khỏi bị chúng xâm phạm. Thần và người không cùng một đường, đệ tử không thể thường ở bên thầy được!

- Ông là thần phương nào? Trụ nơi đâu bao lâu rồi? Sẽ dời đi đâu?

- Con vốn là con trai của Hạ Đế, đã sống ở đây hơn hai ngàn năm rồi. Núi Hàn Thạch là chỗ cậu con ở, con sẽ dời sang đó.
Nói xong, thần triệu tập thuộc hạ bay lên mây bỏ đi. Không lâu sau, tiếng tăm Sư lan rộng, người học Thiền tìm đến. Trong núi có cây cầu đá, rêu phủ đầy vừa trơn vừa ướt, vì thế từ không ai dám trèo lên. Sư đến gần khu vực có cầu đá, chợt nghe trên không có tiếng nói: “Biết ngươi lòng tin tưởng kiền thành, chuyên dốc, nhưng hiện thời ngươi chưa qua được, 10 năm nữa hãy lại đến đây!” Lúc đó, trời đã tối, Sư nghỉ lại qua đêm, mơ hồ nghe thấy những âm thanh giống như đang có pháp sự tụng niệm cử hành. Sáng ra, Sư dò dẫm lên đường, đi nửa đường gặp một ông lão tóc lẫn lông mày trắng muốt, hỏi Sư đang đi đâu. Sư thuật đầu đuôi, ông lão nói: “Thầy là người có thân thể hữu sanh hữu tử. Đi tiếp chẳng phải là đón nhận cái chết ư? Ta là sơn thần đến khuyên ngăn thầy!” Đàm Du đành quay về, giữa đường thấy một cái hang đá, bèn vào nghỉ trong ấy, chợt chim ở đâu tụ lại trong hang nhiều vô kể, kêu la ầm ĩ. Sư vẫn thản nhiên, không sợ hãi. Ngày hôm sau, có một người đầu bịt khăn, mặc áo đơn, đến bảo: “Đây là chỗ ở của bỉ nhân, ngày hôm qua vắng nhà khiến thầy bị khuấy nhiễu, thật thẹn hãi sâu xa!” Đàm Du bảo: “Nếu đây là nhà ông, xin hãy dọn đi nơi khác”. Thần nói: “Con đã dọn rồi, xin Sư cứ ở!” Đàm Du ở lại đó mấy ngày. Sư trai giới thanh tịnh mấy ngày, rồi lại đến bên cầu đá, chợt thấy thạch động nứt ra, thấy tinh xá Phương Quảng và các thần tăng, liền tiến đến dâng hương, được họ đãi ăn. Ăn xong, thần tăng bảo: “Mười năm nữa, ông sẽ tự nhiên đến được nơi đây. Bây giờ chưa thể lưu lại được, hãy về đi!” Sư trở ra, nhìn lại đã thành chốn hoang vu như cũ. Năm trăm vị Ứng Chân chính là năm trăm vị La Hán trong ngôi chùa nơi cầu đá.

[40] Nam tham là nhắc đến điển tích Thiện Tài đồng tử từ Phước Thành đi về phía Nam lần lượt tham học với 53 vị thiện tri thức, không rõ Đông Thỉnh muốn nhắc đến điển tích nào, nhưng theo mạch văn đều cùng có nghĩa là đi tham học. Truy là áo có màu thâm, tức là Tăng chúng, Tố là áo trắng, tức người tại gia (xưa kia, cư sĩ tại gia Ấn Độ hay mặc áo trắng).

[41] Vô Giá (còn đọc là Vô Già) Thắng Hội (Pañcavārsika Maha), còn được phiên âm là Bát Giá Vu Sắt Hội. Gọi là Vô Giá (không ngăn trở) với ngụ ý đây là một pháp hội khoan dung, không ngăn ngại, chẳng phân biệt hiền thánh, đạo tục, quý tiện, bình đẳng bố thí tài thí lẫn pháp thí. Thời cổ, các vua chúa thường cứ năm năm cử hành một lần nên còn gọi là Ngũ Niên Đại Hội. Phong tục này có nguồn gốc từ thời vua A Dục. Ngài Huyền Trang từng tham dự một đại hội Vô Giá tại Khúc Nữ Thành do vua Giới Nhật tổ chức vào thế kỷ thứ 7. Lương Võ Đế từng tổ chức hội Vô Giá tại chùa Đồng Thái vào năm Đại Thông thứ năm (529), quy tụ năm vạn Tăng, tục.

[42] Trung dung ở đây là không thiện, không ác, hay thiện ác xen lẫn.

[43] Sách Thích Thị Kê Cổ Lược chỉ nói đại khái Ngài tên Vô Dịch, nhằm thời Đường Võ Đế phá hoại Phật pháp, Sư vào ẩn cư trong sơn cốc, kết am tranh thiền định cả mười mấy năm, dây mây quấn kín am Ngài vẫn nghiễm nhiên Thiền Định nên dân chúng gọi là Đằng La Tôn Giả (tôn giả bị dây mây quấn). Sách Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 3 chép hơi khác: Vào cuối thời Đường, tôn giả cưỡi cây gỗ nổi từ ngoài biển vào Thụy An, Ôn Châu (nay là Chiết Giang), kết am tu Thiền Định cả mấy năm trong núi sâu, dây mây phủ kín bốn bề. Một ngày nọ có người thợ săn dẫn chó đi săn, chó chui vào bụi dây mây mãi không ra, bèn dùng rìu chặt mây, thấy bầy chó đang phủ phục trước Sư, chợt kính ngưỡng, xin xuống tóc. Từ đó, lập thành chùa Bản Tịch. Do tôn giả bị dây mây quấn quanh thảo am, nên gọi là Đằng La Tôn Giả.

[44] Tuần giản: Cơ quan giữ nhiệm vụ kiểm soát đường thủy. Thụy An nay là một thị trấn trọng yếu vùng Đông Nam tỉnh Chiết Giang.

[45] Tức loạn Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864), quân phiến loạn do Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh cầm đầu nên gọi là loạn Hồng Dương. Hồng Tú Toàn (1812-1864) là người cuối đời Thanh, vốn là người huyện Hoa, tỉnh Quảng Đông. Năm Đạo Quang 23 (1843), Hồng Tú Toàn cùng Phùng Vân Sơn lập đạo tại huyện Hoa, Quảng Đông, tự xưng mình được Thượng Đế mặc khải, gọi chúa Jesus là anh cả, vay mượn giáo nghĩa Thiên Chúa Giáo, pha trộn với những mê tín dân gian để truyền đạo với danh xưng Bái Thượng Đế Hội. Năm sau, sang Quảng Tây truyền giáo, tích cực tuyên truyền quyến rũ nông dân. Mùa Xuân năm 1848, Phùng Vân Sơn bị quan nhà Thanh bắt giam. Tháng Bảy năm 1850, Hồng Tú Toàn hô hào dân chúng đứng lên làm loạn, bọn thảo khấu, vô lại tham dự lên đến hai vạn người. Ngày 11 tháng 1 năm 1851, nhân dịp sinh nhật của chính mình, Hồng Tú Toàn tự xưng là Thiên Vương, ra sắc lệnh thiết lập Thái Bình Thiên Quốc, phong cho Dương Tú Thanh làm quân sư, rồi lại phong họ Dương làm Đông Vương. Phùng Vân Sơn tích cực thiết lập quân chế, lễ nghi và tổ chức quân đội cho Thái Bình Thiên Quốc, đặt ra lịch pháp mới. Năm 1852, từ Quảng Đông, quân Thái Bình Thiên Quốc đánh lên Hồ Nam, quân Thanh giữ thành bắn đại pháo chống cự. Phùng Vân Sơn trọng thương, không bao lâu thì chết. Năm 1853, loạn quân chiếm được Nam Kinh, đổi tên thành Thiên Kinh. Không lâu sau các bầy tôi của Hồng Tú Toàn tranh giành quyền lực, hãm hại lẫn nhau. Tháng 9 năm 1856, Bắc Vương Hàn Xương Huy cùng Yên Vương Tần Nhật Võng lén vào thành Nam Kinh, đột kích phủ Đông Vương, giết sạch cả nhà Đông Vương Dương Tú Thanh, thuộc hạ của Đông Vương cũng bị thảm sát trong biến cố này rất nhiều. Do Thạch Đạt Khai phản đối, hai người bèn tấn công luôn Thạch Đạt Khai, giết sạch gia quyến họ Thạch. Họ Thạch phải bỏ thành trốn ra ngoài. Sợ nội loạn sẽ xảy ra vì phe đảng họ Thạch quá đông, Hồng Tú Toàn bèn xử tử Hàn Xương Huy, thâu tóm binh quyền về tay anh em họ Hồng. Tuy nội bộ chia rẽ tàn sát lẫn nhau, thế lực loạn quân vẫn còn rất mạnh, chúng liên tục đốt phá, tấn công đến tận Thượng Hải, mãi đến năm 1864, Tăng Quốc Phiên mới dẹp yên được loạn quân. Do Hồng Tú Toàn chủ trương biến Trung Hoa thành một nước Thiên Chúa Giáo theo kiểu của họ nên ra sức đốt phá chùa chiền, đạo quán, văn miếu cả miền Hoa Nam. Vì họ chống lại quy định cạo nửa đầu, thắt bím đuôi sam của nhà Thanh, cứ để nguyên tóc dài như thời nhà Minh, nên sử thường gọi là Trường Mao Phát Tặc (giặc lông tóc dài).

[46] Nguyên văn “lưỡng ban nội noa” (hai phen được vua ban tiền). “Nội noa” chính là tiền bạc trong kho riêng của nhà vua, chứ không phải tiền lấy từ quốc khố.

[47] Gọi là điện Thiên Vương vì chính giữa thờ tượng Di Lặc Bồ Tát có bốn vị đại thiên vương hộ thế đứng hầu.

[48] Hệ châu: là buộc viên châu. Đây chính là một thí dụ trong kinh Pháp Hoa: Người cùng tử được người bạn buộc viên châu vào trong chéo áo, nhưng người đó không biết, cứ phải làm thuê làm mướn kiếm ăn khổ cực, sau gặp lại người bạn chỉ cho viên châu trong chéo áo mới biết thụ hưởng. Kết duyên hệ châu chính là kết duyên được Phật Di Lặc tiếp độ trong tương lai.

[49] Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử được Bồ Tát Di Lặc dẫn vào trong Tỳ Lô Giá Na Lâu Các của Ngài. Thiện Tài nhờ quan sát những cảnh tượng trong ấy bèn chứng Đẳng Giác.

[50] Gia Hưng là một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang.

[51] Tam hữu: Ba cõi tức Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Hữu có nghĩa là hữu sanh tử, hữu nhân quả báo ứng. Có tam hữu, tứ hữu, thất hữu, cửu hữu, nhị thập ngũ hữu sai khác; nhưng kinh chỉ thường nói đến tam hữu (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới) và cửu hữu. Cửu Hữu tức là từ tam hữu, phân ra thành chín cõi. Hữu có nghĩa là y báo của chúng sanh trong thế giới.

Từ A Tỳ địa ngục lên đến tầng trời Tha Hóa Tự Tại thuộc về Dục Giới, còn gọi là Ngũ Thú Tạp Cư địa; tức là gồm năm đường: trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.

Mười tám tầng trời thuộc Sắc Giới chia làm bốn loại:

a) Ba tầng trời thuộc Sơ Thiền, gọi là Ly Sanh Hoan Hỷ Địa, bởi họ đã khỏi phải tái sanh trong Dục Giới, tâm rất vui mừng, sung sướng.

b) Ba tầng trời thuộc Nhị Thiền, gọi là Định Sanh Hoan Hỷ Địa, bởi họ do Thiền Định mà sanh về cõi này.

c) Ba tầng trời thuộc Tam Thiền, gọi là Ly Hỷ Diệu Lạc Địa, bởi họ đã lìa khỏi những tướng tâm hoan hỷ thô tháp, tâm niệm hoan hỷ rất vi diệu.

d) Chín tầng trời thuộc Tứ Thiền, gọi là Xả Niệm Thanh Tịnh Địa, đã bỏ những tâm niệm vui sướng của ba tầng Thiền Thiên ở dưới, tâm niệm rất thanh tịnh.

Bốn tầng trời thuộc Vô Sắc Giới, chia thành bốn loại:

a) Không Vô Biên Xứ Thiên, còn gọi là Không Biên Xứ Địa

b) Thức Vô Biên Xứ Thiên.

c) Vô Sở Hữu Xứ Thiên.

d) Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

Như vậy Dục Giới có một hữu, Sắc Giới có bốn hữu, Vô Sắc Giới có bốn hữu, tổng cộng là chín hữu.

[52] Gọi đủ là Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện, do ngài Cát Ca Dạ và Đàm Diệu cùng dịch vào thời Nguyên Ngụy. Tác phẩm này còn có tên gọi khác là Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Kinh, Phó Pháp Tạng Truyện hay Phó Pháp Tạng Kinh. Sách ghi chép sự tích phó chúc pháp, truyền pháp của hai mươi ba vị tổ Ấn Độ kể từ ngài Ca Diếp trở đi. Vị Tổ cuối cùng là Sư Tử tôn giả bị vua nước Kế Tân là Di La Quật giết hại, nên việc phó pháp bị đoạn tuyệt. Truyền thống Trung Hoa thường nói đến Tây Thiên Tứ Thất (23 vị tổ Ấn Độ), tức là căn cứ theo sách này. Tổ Trí Khải kể thêm vị tổ thứ 24 là ngài Ma Điền Đề. Ngài Đạo Nguyên trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, kể thêm năm vị Bà Tu Mật, Bà Xá Tư Đa, Bất Như Mật Đa, Bát Nhã Đa La, Bồ Đề Đạt Ma, trở thành 28 vị Tổ Ấn Độ của Thiền Tông. Truyền thống Trung Hoa thường theo thuyết của ngài Đạo Nguyên.

[53] Tức vua Ca Sắc Nị Ca (Kaniska), còn phiên âm là Đàn Kế Nị Tra, hay Cát Ni Thi Cát, Ca Nị Sắt Tra v.v… Ông là vua nước Kiền Đà La (Gandhara), tức đời vua thứ ba của vương triều Quý Sương (Kushana). Niên đại của ông có nhiều thuyết khác nhau, nhưng nay đa phần công nhận ông sống nhằm thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên. Đế quốc của ông rất lớn, chiếm trọn miền Bắc Ấn Độ. Trong sử Phật giáo, ông cùng với vua A Dục được gọi là hai vị đại vương hộ trì Phật pháp. Thoạt đầu, vua tôn thờ Tỏa La A Tư Đức giáo (Bái Hỏa Giáo), không tin tội phước, khinh nhục Phật pháp. Về sau được Mã Minh Bồ Tát cảm hóa bèn quy hướng Phật pháp, cực lực hộ trì Phật pháp, kiến lập tự viện. Vua chiêu tập năm trăm vị thánh giả như các vị Hiếp Tôn Giả, Thế Hữu, Pháp Cứu, Giác Thiên v.v… kết tập Tam Tạng tại thành Ca Thấp Di La (Kashmir). Trước khi quy ngưỡng Phật pháp, vua chinh phạt bốn phương giết người quá nhiều nên mới bị ác báo như vậy.

[54] Hai chữ Duy Na vốn là hợp dịch của tiếng Phạn và tiếng Hán. Duy là giềng mối, quản trị, coi sóc. Na là lược âm từ tiếng Phạn Karma-dàna. Karma-dàna có nghĩa là chấp sự, hàm nghĩa người phân phối mọi việc cho đại chúng. Như vậy, Duy Na là người quản trị tăng chúng trong chùa. Theo Thập Tụng Luật, do xưa kia Phật ở Xá Vệ quốc, muốn cho Tăng chúng lần lượt lo liệu mọi việc trong chùa nên lập ra chức Duy Na. Sách Tứ Phần Luật San Phiền Bổ Khuyết Sao giảng:“Thập Tụng Luật nói trong Tăng phường có người biết thời hạn, đến giờ xướng tụng bèn đánh kiền chùy. Lại do không có người quét tước, dọn dẹp giảng đường, nhà ăn, không ai liên tục trông nom giường tòa, dạy người khác làm sạch trùng kiến khỏi trái cây, thức ăn. Lúc ăn uống không có ai lo nước nôi, lúc đại chúng nói chuyện lung tung không có ai khảy ngón tay [nhắc nhở] v.v… nên Phật lập ra chức Duy Na. Thanh Luận phiên là Thứ Đệ, nghĩa là biết thứ tự các việc, còn gọi là Duyệt Chúng (làm cho chúng vui đẹp)”. Như vậy, Duy Na là chức vụ do Phật chế định để cai quản tạp sự trong Tăng chúng. Xưa nay, các đại tự viện lập ra Tam Cương tức Thượng Tọa, Trụ Trì, Duy Na. Trong nhà Thiền, Duy Na là một trong sáu chức tri sự, là chức vụ trọng yếu quản lý oai nghi tăng chúng. Trong các tông phái khác, Duy Na thường là người hướng dẫn, nhắc nhở đại chúng tu hành pháp yếu, kiêm nhiệm việc dẫn xướng trong khi tụng niệm, hồi hướng. Nay chữ Duy Na thường bị hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là người giữ chuông, xướng giọng dẫn lễ trong các buổi tụng kinh. Tuy Duyệt Chúng là dịch nghĩa của chữ Duy Na, nhưng nay chữ Duyệt Chúng lại thường được hiểu là người giữ mõ trong khi tụng kinh.

[55] Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập là một bộ từ điển Phạn Hán do ngài Pháp Vân soạn vào đời Tống. Từ năm Thiệu Hưng 13 (1143) đời Tống Cao Tông, Sư thâu thập tài liệu suốt 20 năm, qua nhiều phen chỉnh lý mới hoàn thành. Bộ sách này chú giải 2.040 từ ngữ trọng yếu trong kinh Phật, chia làm 64 thiên theo bộ loại. Với mỗi từ ngữ, nêu đại ý và liệt kê những cách dịch khác nhau cũng như xuất xứ của những từ ngữ ấy.

[56] Tiên chúa: vua đã mất. Tự quân: vua nối ngôi.

[57] Báo chung: Chuông nhỏ thường treo trong thiền đường, hay tăng xá dùng để báo giờ ngồi Thiền, tụng kinh, niệm Phật, hoặc triệu tập đại chúng. Hô bản: Theo Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy, Bản có hình dạng gần như một tấm gỗ phẳng, có nhiều thứ, tùy theo công dụng mà làm bằng gỗ hay kim loại. Trong các Đường có loại gọi là Báo Danh Bản (khi hòa thượng trụ trì vào thiền đường, trực nhật tăng sẽ đánh một tiếng cho đại chúng biết. Khi khách viếng thăm, bước vào khách đường đánh hai tiếng. Vị đứng đầu Đường ấy vào Đường thì đánh ba tiếng). Trong mỗi Đường loại có các loại bản khác như bản để đánh khi chạy hương, bản để đánh khi thắp hương v.v… Mộc Dục Bản treo trong nhà tắm, được đánh lên khi nước nóng đã sẵn sàng. Các loại này đều bằng gỗ. Hô Bản được nói ở đây là loại bản đúc bằng đồng hay sắt treo trước cửa nhà bếp, được đánh lên để báo giờ cơm đã bắt đầu. Đại khánh là chuông gia trì, tức chuông để gõ trong khi tụng kinh.

[58] Thập Bát La Hán thật ra chỉ có 16 vị La Hán. Theo Pháp Trụ Ký của tôn giả Khánh Hữu, lúc đức Phật sắp nhập Niết Bàn, đã phó chúc việc hoằng dương Phật pháp lại cho 16 vị La Hán. Từ đời Đường, người Trung Quốc đã thêm vào hai vị tôn giả, thành ra 18 vị. Tạng truyền Phật giáo lại ghép hai vị cư sĩ Đạt Ma Đa La và Bố Đại Hòa Thượng vào số 16 vị La Hán kể trên thành 18 vị. Hiện thời, danh tánh của 18 vị La Hán (theo quy định từ thời Càn Long) như sau: Tân Đầu La Phả La Đọa Xà (Pindola-Bharadvaja), Ca Nặc Ca Phạt Sa (Kanakavatsa), Ca Nặc Ca Bạt La Đọa Xà (Kanaka-bharadvaja ), Tô Tần Đà (Suvinda), Nặc Cự La (Nakula), Bạt Đà La (Bhadra), Ca Lý Ca (Karika), Phạt Xà La Phất Đa La (Vajraputra), Thú Bác Ca (Svaka), Bán Tra Ca (Panthaka), La Hỗ La (Rahula), Na Già Tê Na (Nagasena), Nhân Yết Đà (Ingata), Phạt Ba Bà Tư (Vanavasin), A Thị Đa (Ajita), Chú Đồ Bán Tra Ca (Cuda Panthaka), Ca Diếp tôn giả và Di Lặc tôn giả

[59] Vua hạ chiếu sai người xây dựng, tu bổ thì gọi là “sắc kiến” hay “sắc tạo”. Chùa được vua công nhận là quốc tự thì gọi là Sắc Tứ.

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây