Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 72: [THƯ 72]: Trả lời thư cư sĩ Lục Giá Hiên

Chiều hôm qua, cư sĩ Hạc Niên đem đến bản kinh Pháp Hoa do Trang cư sĩ chép, thấy bút pháp của ông ta cứng cáp, tinh xảo, đẹp đẽ, khôn ngăn khâm phục. Nhưng cách viết của ông ta vẫn còn tập khí của kẻ văn nhân, đối với chuyện lưu thông pháp đạo tợ hồ chưa thích hợp. Như Tục Thể, Thiếp Thể, Biến Thể[13] v.v… là thuận theo thói tệ thế tục, lại còn chấp nệ vào Cổ Thể, như chữ Ma 魔 viết thành Ma 磨, chữ Huyền 懸 viết thành Huyền 縣, Mã Não Xa Cừ 瑪 瑙 硨 磲 viết thành Mã Não Xa Cừ 馬 腦 車 渠, Trận 陣 viết thành Trần 陳 v.v… mắc lỗi trái thời[14]. Nếu nói phải y theo Cổ Văn thì lúc này phải theo Chánh Thể, những chữ viết như vậy đều chẳng thích hợp, mỗi chữ đều phải sửa đổi, không dùng được một chữ [viết theo lối cổ] nào! Ông Dương Nhân Sơn đả phá những người nệ cổ như sau: “Chữ viết phải theo thời, việc gì cứ phải nệ cổ! Nếu như cứ muốn theo lối cổ thì xin trước hết hãy từ hai chữ Nhân 人 (người) và Nhập 入 (vào) mà sửa đổi! Chữ Nhân viết theo lối cổ là 入, chữ Nhập 入 viết là Nhân 人. Nếu Nhân và Nhập không sửa được thì cần gì phải riêng thay đổi những chữ khác! Vả lại Cổ Thể cũng chẳng phải là những chữ được chế ra thời Thương Hiệt[15], không biết biến đổiđến thế nào mới thành ra dạng như vậy!”

Ông đã chuộng cổ hãy nên lấy “trùng văn điểu thư”[16] làm Chánh Thể thì tôi không còn cách nào chõ miệng vào được nữa! Nếu không, rốt cuộc là vô sự bèn sanh sự, nhọc nhằn vô ích, sống thời bây giờ lại quay về thời cổ, bậc thánh đã có lời minh huấn. Nếu Trang cư sĩ có chí lưu thông, hãy nên quét sạch tập khí văn nhân, chữ nào cũng tuân theo thời bây giờ. Phàm những lối Phá Thể[17], Tục Thể v.v… đều nhất loạt không dùng, ngõ hầu mỗi nét bút, mỗi vạch đều có thể làm khuôn mẫu để khắc in, lưu truyền, khiến cho người khác trông thấy, đọc đến, phát khởi tín tâm. Dù Quang hèn tệ cũng sẽ làm bài tựa khen ngợi. Bản chép kinh này nên giữ trong nhà hòng làm di niệm cho con cháu đời sau.

Thêm nữa, phàm chép kinh, những chỗ giấy xếp[18] giữa hai trang sách nên đề tên kinh, số quyển, số trang để người đọc vừa nhìn vào liền biết ngay. Dẫu có sắp lộn trang cũng xếp lại không khó, sao không theo cách này khiến cho người đời sau xem đến nếu không thông Phật pháp sẽ chẳng bị mắc cái vạ điên đảo, lầm lẫn! Mong hãy viết bổ túc vào chỗ giáp trang tên sách, số trang thì công đức chép kinh mới là viên mãn! Quang mục lực không đủ lại thêm không rảnh rỗi, chưa thể xem trọn, chỉ tùy tiện nêu ba bốn chữ trong bản chép ấy, những chỗ khác chưa coi, không thể biết được!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây