Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 12: [THƯ 12]: Trả lời thư cư sĩ Đặng Bá Thành (thư thứ hai)

Nhận được thư, đọc thư thấy tinh thần vui sướng. Cừ Bá Ngọc[56] khi năm mươi tuổi, biết bốn mươi chín năm trước sai trái. Khổng Tử tuổi gần bảy mươi còn muốn trời cho sống thêm vài năm để học xong kinh Dịch ngõ hầu khỏi mắc lỗi lớn. Cái học của thánh nhân chưa bao giờ chẳng đặt rốt ráo nơi khởi tâm động niệm. Vào thời gần đây, Nho gia chỉ học từ chương, chánh tâm thành ý gác lại chẳng giảng. Tuy hằng ngày đọc sách thánh hiền, trọn chẳng hiểu cái ý để lại sách răn đời của thánh hiền. Những gì miệng họ nói, những gì thân họ làm cùng với ngôn ngữ, hành vi của hiền thánh khác nào tối - sáng chẳng hòa, tròn - vuông chẳng khớp vậy. Hiếm hoi thay những ai rảnh rang học hỏi cho thấu suốt những lẽ ẩn vi!

Kinh Phật dạy người thường hành sám hối ngõ hầu đoạn sạch vô minh, viên thành Phật đạo. Tuy địa vị đến bậc Đẳng Giác như Di Lặc Bồ Tát vẫn trong mười hai thời lễ mười phương chư Phật để mong hết sạch vô minh, viên chứng Pháp Thân, huống gì những kẻ thấp hơn! Thế nhưng phàm phu sát đất khắp thân là nghiệp lực, chẳng sanh hổ thẹn, chẳng tu sám hối; tuy nhất niệm tâm tánh bình đẳng với chư Phật, nhưng do phiền não ác nghiệp chướng lấp nguồn tâm, chẳng thể hiển hiện. Ví như tấm gương báu tròn lớn bao kiếp bụi phủ, chẳng những trọn không có ánh sáng mà chất đồng cũng không hiển hiện được. Nếu biết bản thể cái gương bị bụi lấp ấy có đủ ánh sáng soi trời chiếu đất, ra sức chùi mài, ngày lại qua ngày, đổ công chẳng thôi, chất đồng tự lộ, lại càng gia công, quang minh dần dần lộ ra. Quang minh tuy đã phát, chùi mài càng thêm sốt sắng, lực cực công thuần, chất dơ hết, ánh sáng hiện, soi trời chiếu đất, là vật quý nhất trong thế gian. Phải biết quang minh ấy gương vốn sẵn đủ, chẳng phải do mài mà có. Nếu không sẵn có, do mài mà có thì mài gạch mài đá lẽ ra cũng phải tỏa ánh sáng.

Thêm nữa, phải biết: Quang minh ấy gương tuy sẵn có, nhưng không chùi sẽ vĩnh viễn chẳng có ngày tỏa sáng. Tâm tánh chúng sanh cũng giống như thế, dẫu bình đẳng với Phật. Nếu chẳng cải ác tu thiện, trái nghịch trần lao, hiệp theo giác thì tánh có đủ công đức sẽ trọn chẳng thể phát hiện. Dùng tâm thức sẵn đủ Phật tánh để tạo nghiệp khổ trầm luân bao kiếp dài lâu, khác nào chạm phải vật báu trong nhà tối, chẳng những không thể thọ dụng, trái lại còn đến nỗi bị tổn thương, đáng buồn làm sao!

Một pháp Niệm Phật chính là trái nghịch trần lao, hiệp với tánh giác, là diệu pháp bậc nhất để phản bổn quy nguyên; đối với thân phận người tại gia lại càng thân thiết. Do người tại gia thân vướng lưới thế gian, công việc đa đoan, nhiếp tâm tham thiền và tịnh thất tụng kinh v.v…thì hoặc là do tình thế chẳng thể làm, hoặc sức không làm xuể. Chỉ một pháp Niệm Phật là thuận tiện nhất. Sáng tối đối trước Phật tùy phận, tùy lực, lễ bái trì niệm, hồi hướng phát nguyện. Ngoài ra, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, hết thảy thời, hết thảy chỗ đều khéo niệm. Nhưng nếu ở nơi sạch sẽ, lúc cung kính thì hoặc niệm ra tiếng, hoặc niệm thầm đều được. Nếu đến nơi không sạch sẽ (như vào nhà xí v.v…) hoặc lúc không cung kính (như ngủ nghỉ, tắm rửa v.v…) thì nên niệm thầm, đừng niệm ra tiếng. Không đúng thời, không đúng chỗ chớ nên niệm [ra tiếng]. Lúc ngủ niệm ra tiếng thì chẳng những không cung kính mà lại còn tổn khí, lâu ngày thành bệnh. Công đức niệm thầm cũng giống như lúc bình thường. Đó gọi là niệm đâu tâm đó, gấp rút cũng như thế, lúc khốn khổ cũng như thế.

Cư sĩ đã có thể phát lộ sám hối, dễ tương ứng nhất đối với pháp môn Tịnh Độ. Đấy chính là “tâm tịnh cõi nước tịnh”. Nhưng đã biết lỗi, lại chịu phát lộ sám hối, ắt phải cải ác hướng thiện. Nếu chẳng đổi ác hướng thiện thì nói đến sám hối chỉ là bàn xuông, chẳng được lợi ích thật sự. Còn như nói muốn cho tâm chẳng tham sự bên ngoài, chuyên niệm Phật, nhưng không thể chuyên, cứ muốn chuyên chuyện khác, chẳng thể niệm, cứ niệm chuyện khác, chẳng thể nhất tâm, cứ muốn nhất tâm nơi khác v.v…thì cũng không có pháp tắc áo diệu chi khác: Chỉ đem một chữ Chết dán trên trán cho rủ xuống tận mày, tâm thường niệm rằng:

- Tôi tên là… từ vô thỉ mãi cho đến đời này đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên. Nếu như ác nghiệp có thể tướng thì mười phương hư không chẳng thể chứa đựng. Đời trước do may mắn nào nay được thân người, lại nghe Phật pháp. Nếu không nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương, một khi hơi thở ra không hít vào, chắc chắn hướng vào trong địa ngục, vạc sôi, lò than, rừng gươm, núi đao mà thọ khổ chẳng biết bao nhiêu kiếp. Dẫu ra khỏi địa ngục, lại đọa vào ngạ quỷ, bụng to như biển, họng bé như kim, bao kiếp dài lâu đói khát, trong họng lửa cháy, chẳng nghe đến tên nước, nước trái ép, khó được tạm no. Dẫu thoát khỏi ngạ quỷ, lại làm súc sanh để cho người cưỡi, hoặc gieo thân vào nhà bếp của người. Dẫu được thân người, ngu si vô tri, lấy tạo nghiệp làm đức năng, coi tu thiện như gông cùm, không biết mấy mươi năm, rồi lại đọa lạc không biết bao nhiêu trần điểm kiếp luân hồi lục đạo. Tuy muốn xuất ly chẳng có cách nào.

Niệm được như thế thì những sở cầu như trên sẽ được thành tựu ngay. Do vậy, Trương Thiện Hòa, Trương Chung Quỳ lâm chung tướng địa ngục hiện, niệm Phật mấy tiếng liền đích thân thấy Phật đến tiếp dẫn vãng sanh. Trong trăm ngàn vạn ức pháp môn khác của giáo pháp suốt một đời đức Phật không hề thấy có lợi ích như thế. Tôi thường nói: “Chúng sanh trong chín pháp giới lìa pháp này thì trên chẳng thể viên thành đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp này thì dưới chẳng thể lợi khắp quần manh”, là nói về điều này. Nếu tâm sanh tử quả thật khẩn thiết, tin đến nơi, tâm chẳng sanh một niệm nghi hoặc, thì tuy chưa ra khỏi Sa Bà, đã không còn là khách lâu ngày của Sa Bà nữa. Chưa sanh về Cực Lạc, nhưng đã là khách quý chốn Cực Lạc. Thấy người hiền mong được bằng, gặp việc nhân chẳng nhường ai, há chịu lần chần, biếng trễ, coi thường để đến nỗi lầm lỡ một phen trở thành lầm lỡ vĩnh viễn ư! Trượng phu có huyết tánh trọn chẳng chịu sống làm thịt đi thây chạy, chết mục nát cùng cỏ cây. Gắng lên, gắng lên!

Thêm nữa, niệm Phật cố nhiên quý ở chuyên nhất; nhưng cư sĩ trên có cha mẹ, dưới có vợ con, những chuyện lo toan ngoài bổn phận vọng động mong được giàu vui, quả thật không nên. Còn những chuyện thuộc bổn phận phải làm, càng nên gắng sức làm, đừng vứt bỏ hết thảy thì mới là tu hành. Nếu vứt bỏ hết thảy mà chẳng khuyết chuyện nuôi nấng cha mẹ, vợ con thì được. Nếu không, liền thành trái nghịch với hiếu đạo; tuy nói là tu hành, nhưng thật sự trái nghịch lời Phật dạy, điều này lại chẳng thể không biết! Lại phải đem lợi ích của pháp môn Tịnh Độ khuyên cha mẹ, khiến cho họ niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nếu họ tin nhận vâng làm, lúc lâm chung quyết định vãng sanh. Hễ được vãng sanh thì ngay lúc ấy siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, cao dự hải hội, thân cận Di Đà, mãi cho đến khi thành Phật mới thôi. Cái hiếu của thế gian làm sao sánh bằng được! Nếu lại có thể đem chuyện này bảo khắp đồng nhân, khiến cho cha mẹ của họ đều được vãng sanh thì công đức giáo hóa ấy quy về mình, khiến cho phẩm vị của mình và của cha mẹ càng cao hơn. Kinh Thi có câu: “Hiếu tử chẳng nghèo, vĩnh viễn ban cho ngươi”. Muốn hiếu với cha mẹ hãy nên suy nghĩ sâu xa, tận lực thực hành.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây