Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 238: Tự - Quyển 3 - Phần 2 - 43. Lời tựa sách Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam

Ông Đạo Doãn[51] Hoàng Hàm ở Cối Kê dốc lòng tin tưởng Phật pháp, tu Tịnh nghiệp tinh thuần. Muốn làm cho đồng nhân đều tu Tịnh nghiệp, lìa khổ được vui, do thấy các sách Tịnh Độ văn sâu thẳm, nghĩa uyên áo, chẳng thuận tiện cho kẻ sơ cơ và người không có học thức. Do vậy, ông viết sách bằng văn Bạch Thoại, phân tích tỉ mỉ những nghĩa trọng yếu, đặt tên là Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam. Trong biển sanh tử, được kim chỉ nam này thì bỏ Đông hướng về Tây, bỏ uế lấy tịnh, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, ắt sẽ siêu việt tiến thẳng vào địa vị Như Lai, chẳng còn phải chịu khổ luân hồi sanh tử dài lâu trong thế giới này nữa. Đã là chí đồng đạo hợp, nào ngại giúp khuyên dạy, nên bèn viết tựa rằng:

Kinh A Di Đà dạy: “Từ đây đi về phương Tây qua khỏi mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc. Cõi ấy có Phật hiệu là A Di Đà, nay đang thuyết pháp”. Lại nói: “Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Do chúng sanh cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên tên là Cực Lạc”. Không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui là do được trang nghiêm bởi phước đức, trí huệ, thần thông, đạo lực của đức Phật A Di Đà. Thế giới chúng ta đang sống đây có đủ ba thứ khổ, tám thứ khổ, vô lượng nỗi khổ, trọn chẳng có niềm vui. Cho nên gọi là Sa Bà. Chữ Phạn “Sa Bà”, ở đây (Trung Hoa) dịch là Kham Nhẫn, ý nói: Chúng sanh trong cõi này phải chịu đựng những nỗi khổ ấy. Nhưng trong thế giới này, không phải là không có niềm vui; nhưng tất cả những chuyện vui đa số là khổ, chúng sanh mê muội, ngược ngạo coi đó là vui. Như nghiện rượu, đắm sắc, săn bắn, vây bắt, có gì vui đâu mà những kẻ ngu phu đắm đuối không bỏ được, vui quên cả mệt. Thật đáng thương xót! Dẫu là sự vui thật sự, cũng khó thể trường cửu. Như cha mẹ còn sống đầy đủ, anh em không có chuyện gì, chuyện như vậy làm sao thường hằng cho được! Vì thế, cảnh vui vừa hết, tâm buồn nối tiếp dấy lên. Do vậy, bảo“trọn chẳng có niềm vui!”không phải là nói quá đáng vậy!

Thế giới này khổ nói chẳng thể trọn, dùng tam khổ, bát khổ để tóm lược thì chẳng còn sót gì. Tam khổ thì: 1) Khổ Khổ 2) Hoại Khổ 3) Không khổ không vui tức là Hành Khổ. Khổ Khổ có nghĩa là do thể tánh của thân tâm Ngũ Ấm này bức bách nên gọi là Khổ. Lại còn phải chịu thêm những nỗi khổ sanh, già, bệnh chết v.v… nên gọi là Khổ Khổ. Hoại Khổ là có chuyện gì trong thế gian tồn tại dài lâu? Mặt trời đứng bóng liền chênh, trăng tròn rồi khuyết, đạo trời còn vậy, nữa là chuyện người! Cảnh vui vừa hiện, cảnh khổ đến ngay. Đúng vào lúc cảnh vui bị hoại diệt thì khổ chẳng thể nói được, cho nên gọi Lạc là Hoại Khổ. Hành Khổ là tuy không khổ không vui, tợ hồ thích nghi, nhưng tánh nó dời đổi, há thể thường trụ! Vì vậy, gọi là Hành Khổ. Cả ba sự khổ này, không sự khổ nào chẳng thâu tóm. Về ý nghĩa của Bát Khổ, trong sách [Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam]đã trình bày cặn kẽ. Nếu biết cái khổ trong cõi này, tâm chán lìa Sa Bà sẽ ào ạt phát sanh. Nếu biết sự vui của cõi kia, ý niệm ham cầu Cực Lạc sẽ bừng bừng phát khởi. Do vậy, không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, dùng đấy để vun bồi nền tảng. Lại thêm chí thành khẩn thiết trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương thì thoát được cõi Sa Bà này, sanh về nước Cực Lạc kia, làm con đích thực của Phật Di Đà, làm bầu bạn tốt trong hải hội.

Nếu nói:

- A Di Đà Phật ở yên nơi Cực Lạc, mười phương thế giới vô lượng vô biên, chúng sanh trong một thế giới niệm Phật cũng vô lượng vô biên. A Di Đà Phật sao có thể dùng một thân cùng lúc tiếp dẫn hết thảy chúng sanh niệm Phật trong khắp mười phương vô lượng vô biên thế giới được?

Đáp:

- Sao ông lại dùng tri kiến phàm phu để suy lường Phật cảnh? Xin mượn thí dụ để giải thích hòng trừ sai lầm cho ông. Một vầng trăng vằng vặc giữa trời, hiện bóng trong vạn con sông, trăng có dụng tâm hay không? Trên trời chỉ có một vầng trăng, nhưng biển cả, sông to, rạch lớn, khe nhỏ thảy đều hiện bóng trăng vẹn toàn, dẫu nhỏ như trong một chước, một giọt nước không đâu chẳng đều hiện bóng trăng trọn vẹn! Vả nữa, bóng trăng trên sông rạch một người nhìn vào sẽ thấy một vầng trăng đối trước người ấy. Trăm ngàn vạn ức người ở trăm ngàn vạn ức chỗ nhìn vào, không ai chẳng có một vầng trăng đối trước mặt! Nếu trăm ngàn vạn ức người ai nấy đi về những hướng Đông, Tây, Nam, Bắc thì nơi người ấy đi đến, trăng vẫn thường ở nơi người ấy. Chỗ trăng đi đến, trọn chẳng có xa - gần. Nếu trăm ngàn vạn ức người ở yên chẳng động thì trăng cũng ở yên chẳng động, luôn ở nơi người ấy. Chỉ có nước trong lặng thì trăng hiện, nước đục, xao động thì trăng ẩn. Trăng cố nhiên không lấy - bỏ, không hiện là là vì nước đục ngầu, xao động, không cách gì in bóng được!

Tâm chúng sanh như nước, A Di Đà Phật như trăng. Chúng sanh tín nguyện đầy đủ, chí thành cảm Phật thì Phật bèn ứng, giống như nước trong trăng hiện. Nếu tâm không thanh tịnh, không chí thành, tương ứng với tham - sân - si, giống như nước đục, loạn động thì trăng tuy chẳng bỏ sót không chiếu, nhưng chẳng thể hiện bóng rõ ràng. Mặt trăng là sắc pháp thế gian còn hay khéo như thế, huống chi Phật A Di Đà phiền hoặc đoạn sạch, phước huệ đầy đủ, tâm bao thái hư, lượng trọn pháp giới! Do vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Thân Phật đầy ắp pháp giới, hiện khắp trước hết thảy chúng sanh, tùy duyên cảm ứng không gì chẳng trọn vẹn, nhưng thường ngồi nơi tòa Bồ Đề này. Do vậy, phải biết: Trọn khắp pháp giới cảm sẽ ứng trọn khắp pháp giới”. Quả thật, Phật chưa hề khởi tâm động niệm có tướng đến - đi, nhưng có thể làm cho chúng sanh duyên chín muồi thấy Phật đến đây tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Ôm lòng nghi như thế, cố nhiên chẳng phải một hai người; do vậy bèn trình bày đại ý để sanh chánh tín vậy!
 
***

[1] Đạo Doãn là một chức quan võ, còn gọi là Đạo Đài, đứng đầu việc binh nhiều huyện dưới đời Thanh. Chẳng hạn chức Trường Xuân Đạo Doãn thống lãnh việc binh bị cả 12 huyện như Cát Lâm, Trường Xuân, Y Thông, Nông An v.v…
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây