Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 207: Tự - Quyển 3 - Phần 1 - IV. Tự - 12. Lời tựa tái bản bộ An Sĩ Toàn Thư (lời tựa thứ hai)

Hai nghiệp dâm - sát chính là căn bản sanh tử của hết thảy chúng sanh. Khó đoạn nhất chỉ có dâm, dễ phạm nhất chỉ có sát. Trong hai thứ này, đối với dâm thì những ai biết tự ái đôi chút còn có thể tự chế chẳng phạm. Nhưng muốn cho ý địa thanh tịnh, trọn chẳng có mảy may gì thì chỉ bậc A La Hán đoạn Hoặc chứng Chân mới có thể làm được. Còn ngoài ra, tuy tập khí ái nhiễm dày - mỏng khác nhau, nhưng đều đã cố kết triền miên trong tâm thức, từ kiếp này sang kiếp khác, chưa thể giải thoát. Sát thì thế gian đều coi là chuyện đương nhiên, cậy mình mạnh, lấn áp kẻ yếu, dùng thịt chúng nó để no bụng mình. Chỉ cốt sướng miệng một lúc, ai tin phải bao kiếp đền bồi? Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Do người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành dê. Như vậy cho đến mười đời, chết chết, sống sống, ăn nuốt lẫn nhau, do ác nghiệp cùng nhau sanh cho đến cùng tột đời vị lai”.Cổ đức nói: “Muốn cho thiên hạ không binh kiếp, trừ phi chúng sanh không ăn thịt”.Lại nói:“Muốn biết kiếp đao binh trong thế gian, hãy nghe tiếng lò mổ thịt nửa đêm”.

Đã có nhân ấy ắt phải chuốc lấy quả ấy. Chẳng nghĩ đến thì thôi, hễ nghĩ tới bèn rất sợ hãi. An Sĩ tiên sinh kính vâng lời Phật sắc truyền, riêng rủ lòng từ mẫn, do vậy soạn bộ Dục Hải Hồi Cuồng để răn kiêng dâm, soạn bộ Vạn Thiện Tiên Tư để răn kiêng giết. Dẫn chứng sự thật, nêu rõ nhân quả. Thiết tha mong người khắp cõi đời cùng giữ tấm lòng chân thật “cha trời mẹ đất, coi dân như ruột thịt, nghĩ loài vật cũng như mình”, vĩnh viễn dứt bỏ chuyện thương tổn thuần phong, loạn hoại luân lý, dứt ác niệm cậy mạnh hiếp yếu. Lại muốn cho đồng nhân đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện; do vậy, bèn chú thích tường tận bản Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân, để những hành vi thường ngày, khởi tâm xử sự, chuyện lớn như trị quốc an dân, chuyện nhỏ như một lời, một niệm, đều tuân thủ theo lời dạy răn, đều giữ khuôn phép. Do vậy, thuyết “giữ lòng kính, dè dặt, cẩn thận, chánh tâm thành ý” của cổ thánh tiên hiền chẳng đến nỗi thành chuyện bàn xuông mà thôi! Ba bộ sách trên đây văn từ, lý lẽ, không gì chẳng trội tuyệt xưa nay, bổ trợ kinh điển, giúp cho bình trị.

Bởi tiên sinh do kỳ tài diệu ngộ, dùng bút mực phát huy tâm pháp của Phật, Tổ, thánh hiền cho kẻ nhã lẫn người tục cùng xem vậy. Tuy nhiên, người đã có thể kiêng dâm, kiêng sát, không làm các điều ác, vâng làm các điều lành, nhưng nếu chẳng liễu sanh thoát tử, làm sao đảm bảo đời đời kiếp kiếp chẳng quên mất tu trì? Người luôn sanh trong thiện đạo, rộng tu phước huệ, chẳng đọa đường ác để đền trả lẫn nhau, há được mấy ai? Liễu sanh thoát tử, nào có dễ đâu? Chỉ người tận lực tu Định Huệ, đoạn Hoặc chứng Chân thì mới có thể rốt ráo tự do. Ngoài ra, dù có tôn quý như Thiên Đế, tột bậc là Phi Phi Tưởng Thiên, phước thọ tám vạn đại kiếp, vẫn thuộc trong vòng trói buộc của nghiệp lực thiện ác, bị nghiệp lực thiện ác xoay chuyển! Do vậy, riêng nương theo một pháp “cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh” của đức Như Lai, thâu thập rộng rãi những nghĩa trọng yếu trong kinh luận Tịnh Độ, soạn thành một bộ sách, đặt tên là Tây Quy Trực Chỉ. Nếu đọc đến sách này, tin tưởng chắc chắn không nghi, sanh tín, phát nguyện, cầu sanh Tây Phương, bất luận căn cơ lợi hay độn, tội nghiệp nặng hay nhẹ, cũng như công phu cạn hay sâu, cốt sao tín nguyện chân thành, thiết tha, trì danh hiệu Phật, đến lúc lâm chung không ai chẳng được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Đã vãng sanh bèn siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, ngộ tự tâm ngay trong đương niệm, chứng giác đạo trong tương lai. Nghĩa lý, lợi ích ấy chỉ có chứng mới biết được, cố nhiên ngòi bút chẳng thể diễn tả được nổi. Điều này thuộc về chuyện dùng tín nguyện của chính mình để cảm Phật từ bi, cảm ứng đạo giao, đạt được lợi ích lớn lao như thế. So với chuyện cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử thì khó - dễ khác biệt vời vợi như trời với đất.

Hiện nay, các nước bên Tây Phương đại chiến đã mấy năm, nước ta thoạt đầu do ý kiến bất đồng, rốt cuộc thành Nam - Bắc đánh lẫn nhau. Lại thêm mấy năm qua, những tai nạn như nước dâng, gió bão, hạn hán, lụt lội, động đất, thổ phỉ, ôn dịch… liên tiếp xảy ra. Tính ra số người thương vong trong nước, ngoài nước không dưới vạn vạn người, đau lòng buốt óc, thảm chẳng nỡ nghe! Bất Huệ lạm dự vào Tăng chúng, chưa chứng đạo quả, chỉ giữ tấm lòng thương đời, chẳng có sức cứu người mảy may. Có vị đồng hương là tiên sinh Cần Phố Lưu Tại Tiêu, là người thanh cao, đời đời đạo đức, dốc lòng tin tưởng Phật pháp. Mùa Hạ năm nay lên núi gặp gỡ, bàn đến những sự tình trong nước ngoài nước gần đây, buồn bã hỏi: “Có diệu pháp gì để cứu giúp hay chăng?” Tôi nói: “Đây là khổ quả, quả ắt phải có nhân. Nếu muốn cứu khổ thì phải đoạn trừ nhân. Hễ đoạn được nhân thì quả không do đâu sanh được! Vì thế kinh dạy: ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả’”. Bèn đưa bộ An Sĩ Toàn Thư cho ông xem, mong hãy khắc in lưu truyền rộng rãi, khiến ai nấy đều được thấy nghe, cùng lên bờ Giác. Tiên sinh mừng rỡ khôn cùng, liền sai người cháu là Triệu Bộ Vân bỏ ra bảy trăm đồng, xin tôi thay ông ta đảm nhiệm chuyện ấn tống.

Nhớ năm Mậu Thân xưa kia, từng khuyên ông Lý Thiên Quế khắc bản tại đất Thục (Tứ Xuyên), ông ta liền xin tôi viết tựa. Về sau, nhân duyên không đủ, rốt cục việc chẳng thành. Nay được ông Lưu kiên quyết tán thành, quả chẳng phải là duyên nhỏ. Trộm thấy những lời hay cải ác hướng lành trong Liễu Phàm Tứ Huấn, bài ký Du Tịnh Ý[35] là hạnh tốt đẹp chí thành thấu trời, phát huy sự lý công phu tu dưỡng, thật là đẹp đẽ, thuần thành, tinh tường, trọn vẹn. Nhân đó, đem ghép vào sau bộ Âm Chất Văn Quảng Nghĩa gồm ba cuốn. Bài Giới Sát Phóng Sanh Văn của đại sư Liên Trì là bậc chúa soái từ bi diệt sạch ma quân tàn nhẫn, bài tụng Bất Tịnh Quán của ngài Tỉnh Am v.v… là mãnh tướng tịnh hạnh diệt trừ ma quân tham dục, bài Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của ngài Tỉnh Am là thuyền từ phổ độ chúng sanh trầm luân trong biển khổ. Do vậy, xếp những bài này vào sau ba thứ pháp môn[36]. Ví như gấm dệt thêm hoa, đặt đèn cạnh gương, rực rỡ chói ngời, vui mắt đẹp dạ người ta. Nếu như đọc đến, ắt những ý niệm chẳng trung hậu, chẳng khoan thứ sẽ đột nhiên băng tiêu, tâm tự lợi - lợi tha đột nhiên như mây nhóm. Từ đó, từng bước càng thù thắng hơn, càng vào càng sâu hơn, phàm tình trở thành thánh trí mà chẳng biết, chẳng hay, ngõ hầu liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn thoát luân hồi. Tận mặt lễ Phật Di Đà, đích thân được thọ ký. Kính vì những người đọc sách này mà chúc mừng rằng: “Chìm trong biển khổ đã lâu, chợt gặp được thuyền từ, tuân hành trung thứ, quy mạng Giác Hoàng[37], tín chân, nguyện thiết, hết chấp quên tình, cảm ứng đạo giao, hầu Vô Lượng Quang”.Những điều khác đã nói tường tận trong lời tựa viết năm Mậu Thân, ở đây không nhắc lại.
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây