Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 128: [THƯ 128]: Trả lời thư cư sĩ Trương Bá Nham

Thư ngừng chiến đọc qua một lượt, có thể nói Giang Thần Đồng quả là người phi thường, ôm chí hướng phi thường, tính làm chuyện phi thường, làm cho khắp thiên hạ nhân dân đạt được “đạo thường hằng” phi thường, thật là thiên cổ hy hữu!Nếu chẳng phải là thánh hiền tái thế thì cũng là Bồ Tát thị hiện thọ sanh, cuộc đời này chẳng uổng phí vậy! Muôn nước trong khắp thiên hạ trong đêm dài sẽ đều được lay tỉnh bởi tiếng ngân của quả chuông to này. Do muốn mình được thành tựu bèn giúp người thành tựu, mình muốn thành đạt bèn khiến cho người thành đạt, tự lợi, lợi tha, coi người khác như chính mình, cùng về trong cảnh giới vô ngã, cùng hưởng ngọn gió đại đồng. Quang đã già rồi, chỉ e không kịp thấy, chẳng ngại gì không chúc mừng trước muôn nước.

Tuy nhiên, phương cách đã lập ấy vẫn có chỗ không hợp thời, cơ, xứ. Quang vô tri, vô thức, sao dám bình luận trước thuật của ông Giang; nhưng trước mặt người tri kỷ, chẳng ngại gì một phen bàn bạc, mong chẳng bắt tội. Thế đạo nhân tâm hiện thời hư hoại đến cực điểm, muốn cứu vãn mà chỉ dùng đạo đức của ngũ giáo[76] thánh hiền để uốn nắn thì cách ấy chỉ có thể chuyển biến được người có bẩm tánh cao sâu, còn đối với hàng trung hạ căn mặc sức ông nói nát môi, cháy lưỡi, dù họ có lãnh hội cũng chẳng thấy ăn nhằm gì đến tâm họ, huống gì kẻ không lãnh hội được lại chiếm hơn quá nửa, thành ra đổ sức nhiều mà hiệu quả ít ỏi. Muốn cho vạn quốc cùng sốt sắng thực hiện đề nghị này trừ phi người trong vạn quốc đều là hạng thiên tư thượng đẳng, muốn tận lực cầu lấy đạo thánh hiền nhưng chưa rõ đường lối thì mới có lợi ích thật sự. Nếu không, dẫu ông có giảng ra rả, người ta nghe lời ông nói bèn xem thường. Vệ Võ Công[77] đã sớm nói như vậy từ hai ngàn năm trước rồi! Giang Thần Đồng[78] có thể nói là “biết Thể” nhưng chưa “biết Dụng”, đắc Căn Bản Trí nhưng chưa khai Sai Biệt Trí. Cách tổ chức hội nghị của ông ta lại quá lớn, chỉ sợ không có món chi phí lớn lao như thế, không thành chuyện bàn xuông thì cũng hóa ra có đầu không đuôi.

Hơn nữa, loại đại hội như vậy há có nên lập riêng một đại hội cho nữ giới? Lập ra đại hội nữ giới sẽ khiến cho nữ nhân toàn quốc lầm lạc ra sức tranh quyền, chuyện gì cũng đều phải nghĩ nam nữ cùng một bản thể. Nếu được như hai bà phi của đời Ngu, ba bà Thái của nhà Châu, mới thật là may mắn lớn lao. Nếu không, sẽ tệ hại không thể nào diễn tả được! Trời sanh bậc kỳ nhân phi thường, nhưng mở ra mối tệ này, quả thật Bất Huệ tôi rất đau lòng, tiếc nuối. Tôi nói “quyền trị quốc bình thiên hạ, nữ nhân nắm giữ quá nửa!”Do giúp chồng dạy con trong gia đình sẽ khiến cho đứa con nào có thiên tư liền mong thành thánh, thành hiền, gây dựng đức nghiệp lớn lao; đứa không có thiên tư cũng có thể thuận theo quy củ, làm một kẻ lương dân. Nếu bỏ điều này không xét đến, cứ muốn cho nữ nhân nắm quyền giống như nam giới thì chính là đại họa gây loạn thiên hạ bậc nhất vậy. Sao ông Thần Đồng không nghĩ đến điều này?

Bài văn ấy luận về Phật giáo cũng có chỗ sai sót lớn. Nếu bậc thượng đẳng nghe đến ắt sẽ gấp gáp cầu nơi Giới - Định - Huệ - Không. Nếu kẻ hạ đẳng nghe đến ắt sẽ rất có thể khiến cho cái thói muốn lấy người ép người, đốt sách của người ta liên tiếp khởi lên. Ngay trong lúc sát kiếp lừng lẫy này, chẳng lấy lòng Từ trọn khắp, vô hình, tâm bi cứu bạt ba đời của Phật làm nghĩa trọng yếu cứu nước cứu dân bậc nhất để răn dạy, lại đề xướng ý kiến cho Phật giáo là tà ngụy, nêu chứng cớ là Phật giáo vứt bỏ luân thường, bàn chuyện họa phước! Phàm nhân quả báo ứng chính là đại phương tiện để bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh của thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian. Ngay trong lúc tâm con người đắm chìm này, đúng là lúc nên đề xướng nhân quả, báo ứng. Dẫu là kẻ trung hạ căn, tuy muốn làm ác nhưng không dám, dẫu không muốn làm thiện nhưng chẳng thể.

Thế mà ông ta lại bài xích, đả phá họa - phước là tà ngụy, là đáng đau hận, há có phải thật sự hiểu biết Phật giáo hay chăng? Nhưng bỏ qua luân thường, bàn về họa - phước có bao giờ không ngụy, cũng như có bao giờ chẳng là chân? Nếu đã nhất loạt coi là ngụy thì Thích Ca bèn thành kẻ tội lỗi đứng đầu, những người thấp hơn Phật còn đáng bàn nữa hay chăng? Nếu bảo các hiền nhân chê trách [Phật giáo] chính là bằng cớ thì là chưa biết sự thật, tôi không bàn tới. Nếu bảo “chư hiền chê trách là ngụy là do lỗi nơi Phật giáo, chứ chẳng phải lỗi của chư hiền”, cho rằng câu nói “Phật giáo là ngụy” không phải là diệt trừ Phật giáo, chỉ giữ lại Giới - Định - Huệ - Không, thì chẳng thể được! Phàm Giới, Định, Huệ, Không lúc Phật chưa xuất thế, pháp chưa truyền sang Đông, nhưng đã ngập tràn vũ trụ, không khiếm khuyết chút nào, nhưng các vị thánh như Nghiêu, Thuấn, Châu Công, Khổng Tử cũng chưa giảng rõ được, đến khi Phật giáo truyền sang Đông mới biết chúng ta đang sống trong Giới - Định - Huệ - Không, từ sống đến chết, chẳng thể ra ngoài những điều này được! Nhưng kẻ bỗng dưng đâm sợ cái đầu chạy cuồng lên[79] thật là đáng thương.

Thầy thuốc trị bệnh, gấp thì trị đằng ngọn, thong thả bèn trị nơi gốc. Ví như có người cổ họng ủng thũng, ăn uống khó trôi, hít thở khó khăn, ắt phải làm tiêu chứng thũng trước, rồi mới có thể dựa theo nguồn bệnh, điều hòa tạng phủ. Nếu chẳng tiêu trừ chứng thũng trước, người ta đã chết mất, dù có bài thuốc hay khéo trị tận gốc cũng không sao thi thố được! Nhân quả chính là diệu pháp để tiêu trừ chứng thũng hiện thời; nhưng một pháp nhân quả trị chung cả đằng ngọn lẫn đằng gốc! Kẻ sơ cơ nương theo đó sẽ có thể cải ác tu thiện; người thông hiểu nương vào đó sẽ có thể đoạn Hoặc chứng Chân. Chính là pháp thông trên thấu dưới, từ phàm phu sát đất cho đến viên mãn Phật quả đều chẳng thể lìa pháp này được, há nào phải chỉ để trị chứng bịnh đằng ngọn mà thôi!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây