Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 210: Tự - Quyển 3 - Phần 1 - IV. Tự - 15. Lời tựa sách Pháp Hoa Nhập Sớ

Suốt một đời đức Như Lai nói các pháp môn Đại - Tiểu, Quyền - Thật, Thiên - Viên, Đốn - Tiệm, không pháp nào chẳng tùy cơ lập giáo, đối bệnh phát thuốc. Cho đến hội Pháp Hoa, khai Quyền hiển Thật, hội tam quy nhất (quy ba thừa về Nhất Thừa), khai Tích hiển Bổn, nêu thọ lượng nơi Bổn, giơ tay, cúi đầu[45] đều thành Phật đạo. Lời lẽ, xử sự đều thuận chánh pháp. Từ hết thảy pháp hiển thị Thật Tướng, từ ngay nơi cái tâm bị mê chỉ ra bản thể giác đạo. Phàm mọi duyên do của cả một đời giáo pháp đều được hiển lộ, xiển dương, khen ngợi, chỉ dạy triệt để không nghi, khiến cho khắp thượng trung hạ căn đều được khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, rốt ráo tỏ rõ bổn hoài xuất thế của Phật. Hay đẹp thay! Mầu nhiệm thay! Vì thế, nghĩa lý sâu xa, u viễn, chẳng dễ suy lường.

Khi kinh Pháp Hoa được truyền đến Chấn Đán (Trung Hoa), hơn một ngàn năm qua, chú giải tuy nhiều, nhưng chỉ có bản của ngài Thiên Thai Trí Giả là nêu bật được tông chỉ. Do vì Ngài dùng ngũ trùng huyền nghĩa[46] để giải thích tổng quát tên kinh, dùng nhân duyên, ước giáo, bổn tích, quán tâm để giải thích trọn vẹn kinh văn, đặt tên là [Pháp Hoa] Văn Cú. Có thể nói: “Không nghĩa nào chẳng được hiển lộ, không căn cơ nào chẳng được thâu gồm!”Lại dùng Chỉ Quán để phát minh hành tướng, khiến cho ba thứ giáo - hạnh - lý của Pháp Hoa được phơi bày trọn vẹn triệt để, không còn che lấp chút nào. Do vậy, xưa kia những người y theo sách ấy tu tập đắc đạo như rừng. Đến đời Đường, Kinh Khê tôn giả[47] cho rằng ba bộ sách lớn ấy văn nghĩa quá sâu xa, chẳng thuận tiện cho hàng sơ cơ, nên đối với mỗi sách [Pháp Hoa] Huyền Nghĩa, [Pháp Hoa] Văn Cú, [Ma Ha] Chỉ Quán đều soạn chú thích. Bản chú thích sách Văn Cú mang tên là Văn Cú Ký. Xưa kia, Kinh, Sớ, Ký[48] đều lưu hành, người mới học xem đến, khá phí tâm lực. Pháp sư Tứ Minh Đạo Oai đời Tống bèn tóm lược sách Văn Cú và Văn Cú Ký, gom chép vào bên dưới kinh văn, đặt tên là Pháp Hoa Nhập Sớ để người học khỏi mất công tìm đọc liền hiểu ngay, có lợi rất lớn. Do vậy, sách được lưu thông trong nước, ngoài nước, từ thời Nguyên - Minh trở đi, sách bị thất truyền ở Trung Quốc. Cuối đời Quang Tự nhà Thanh, Thức Định đại sư thỉnh Đại Tạng Kinh bản in mới của Hoằng Giáo Thư Viện ở bên Nhật, trong đó có sách này. Do vậy, ngài giao mấy trăm đồng cho pháp sư Diệt Tận ở chùa Tịnh Giới tại Kim Lăng bảo khắc in sách ấy. Thầy Diệt Tận chia thành hai mươi quyển. Bản thảo chép xong, giảo chánh hoàn thành, chỉ mới in được sáu quyển thì thầy Diệt Tận tạ thế. Do vậy, việc ấn loát bị gác lại mấy năm.

Vào năm Dân Quốc thứ tám (1919), Quang do khắc in các sách như An Sĩ Toàn Thư v.v… từ Phổ Đà đến Duy Dương[49], mới biết chuyện này. Ý muốn tiếp tục cho sách được hoàn thành, nhưng khổ vì không tài lực. Có cư sĩ Trương Thụy Tăng xưa đã gieo cội đức, dốc lòng tin tưởng Phật thừa, khá thương cho thế đạo nhân tâm ngày càng xuống dốc, cho rằng nếu không dùng đại pháp của Như Lai làm sao vãn hồi cho được! Vì thế, đối với việc kiêng giết phóng sanh đều tận lực phụng hành. Đối với văn giới sát phóng sanh đều lưu thông nhiều nơi. Cũng như đối với những loại cách ngôn khuyến thiện đều chẳng tiếc tiền của để khắc in truyền bá. Chỉ muốn cho đồng nhân cùng nghĩ đến cái tâm của cha trời mẹ đất, ai nấy ôm ý niệm coi dân như đồng bào, coi loài vật như chính mình, đều mong tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha, cùng lên cõi thọ, đều gội Phật ân mới thôi!

Nghe Quang đến Duy Dương, ông nhiều lần đến thăm. Nhân đó, đem chuyện này thuật lại, mong ông thành tựu cho. Ông vui vẻ bằng lòng, bảo Quang lo giảo chánh đối chiếu. Hiềm vì sách lưu truyền đã lâu, sai ngoa quá nhiều. Thoạt đầu chưa xem kỹ, tưởng thầy Diệt Tận đã giảo chánh rồi, ắt không sai lạc nhiều lắm. Đến khi khắc xong, soát lại, mới biết sót lỗi quá nhiều. Do vậy, bèn dựa theo sách Văn Cú và Văn Cú Ký, sửa lại cho đúng. Trong ấy, có những chữ, những câu không trọn vẹn, thông suốt, tựa hồ bị thiếu sót, hay sai lạc, nhưng không gây trở ngại gì đến đại ý thì cứ để nguyên vì bản in đã khắc xong, không tiện sửa chữa. Mong ai đọc đến sách này, đều trong một niệm tâm của chính mình, liền được khai thị ngộ nhập tri kiến Phật, sẽ chẳng phụ Phật tánh chính mình sẵn có, cũng như chẳng phụ Như Lai nói kinh, Trí Giả tạo sớ, Kinh Khê tạo ký, Đạo Oai hội nhập, cũng như công Thức Định đại sư, cư sĩ Thụy Tăng lưu thông. Khắc đã xong bèn tự thuật duyên khởi.
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây