Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 52: [THƯ 52]: Trả lời thư cư sĩ Châu Quần Tranh ở Vĩnh Gia

Lời ông nói khá có đạo lý, tôi cảm thấy an ủi lắm! Đại sự sanh tử cần phải lo liệu sẵn! Nếu đợi đến lúc ra đi mới tu chỉ sợ bị nghiệp lực đoạt mất! Bế phương tiện quan, cự tuyệt những sự duyên không cấp bách: Rất hữu ích! Ông La Đài Sơn[31] không vãng sanh mà đọa vào chỗ phước báo là vì tập khí văn tự quá nặng! Tập khí ấy đã nặng thì dù bảo là niệm Phật, nhưng thật ra niệm niệm luôn đặt nơi công phu văn tự, công phu niệm Phật chỉ là duy trì bên ngoài mà thôi. Đấy là căn bệnh chung của văn nhân, không riêng gì La Đài Sơn! Phật bảo Thế Trí Biện Thông là một trong tám nạn chính vì lẽ này.

Niệm Phật muốn được nhất tâm, ắt phải phát tâm chân thật vì liễu sanh tử, chẳng vì để được cái danh người đời gọi ta là “kẻ chân thật tu hành”. Lúc niệm phải từng chữ, từng câu từ tâm phát khởi, từ miệng thốt ra, lọt vào tai, một câu như thế, trăm ngàn vạn câu cũng như thế. Làm được như vậy thì vọng niệm không do đâu khởi được, tâm và Phật tự có thể khế hợp! Lại phải khéo dụng tâm, chớ chấp trước quá mức đến nỗi thân tâm chẳng yên, hoặc đến nỗi khởi các ma sự. Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, hành theo đó, quyết chẳng bị lầm lạc đi vào đường rẽ.

Không biết Liễu Phàm Tứ Huấn [ông nhắc đến trong thư] là bản chép từ An Sĩ Toàn Thư hay bản được lưu thông riêng. Quang thấy trong một bản đang được lưu thông, thiên Tích Thiện khuyết mười điều sự tích nhân quả. Nếu muốn in, nên đem so với bản được chép sau cuốn An Sĩ Toàn Thư, hễ thiếu bèn bổ sung, hễ sai bèn sửa. Lời tựa đến hơn một ngàn chữ, ý nghĩa chấp nhận được, nhưng văn từ chẳng thông suốt, Quang vốn muốn phát huy những ý chỉ chưa được thông suốt của Liễu Phàm Tứ Huấn, ý nghĩa bị ngôn từ gây trở ngại nên rốt cuộc chưa được nêu tỏ, nhưng đặt bài tựa ấy nơi đầu sách cũng có cái lợi nhỏ là có thể dùng để tham khảo, làm chứng lẫn nhau.

Lại nữa, cái chí muốn được thấy Phật trong hiện tại có thể nói là chân thiết, nhưng sự này há phải dễ dàng! Nên lấy “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”để cầu nhất tâm bất loạn làm điều chánh yếu quyết định. Trước khi chưa được nhất tâm, trọn chẳng nên manh nha ý niệm thấy Phật. Hễ được nhất tâm thì tâm hợp với đạo, tâm hợp với Phật, muốn thấy liền thấy ngay, không thấy cũng không trở ngại gì! Nếu muốn gấp thấy Phật, tâm niệm lăng xăng, cái ý niệm muốn thấy Phật cố kết trong bụng dạ, trở thành căn bệnh lớn cho việc tu hành. Lâu ngày, oan gia nhiều đời nương theo cái tình tưởng vọng động ấy hiện thành thân Phật hầu báo túc oán. Tự mình tâm không chánh kiến, toàn thể là khí phận ma. Hễ thấy bèn sanh hoan hỷ, từ đấy ma nhập vào tâm tạng, bị ma dựa phát cuồng. Dẫu có Phật sống cũng chẳng biết làm sao được!

Chỉ nên nhất tâm, nào cần phải tính sẵn có thấy Phật hay không? Nhất tâm rồi sẽ tự biết tốt - xấu! Khi không thấy đã tăng tiến công phu, thì khi được thấy, lại càng phải lắng lòng chuyên tu, trọn chẳng mắc lỗi hiểu lầm, chỉ có lợi ích thắng tấn. Người thế gian không hiểu lý, vừa có chút tu trì đã ôm lòng mong mỏi quá phận. Ví như mài gương, nếu hết bụi nhơ quang minh quyết định tỏa lộ chiếu trời soi đất. Nếu chẳng tận lực mài gương, chỉ mong gương tỏa sáng, toàn thể gương là cấu uế thì nếu có quang minh cũng chỉ là ánh sáng quỷ quái, chứ không phải là ánh sáng của gương. Quang sợ ông không khéo dụng tâm đến nỗi tự mình đánh mất lợi lành, lui sụt tín tâm của người khác, nên mới viết thêm. Ngài Vĩnh Minh nói: “Chỉ được thấy Di Đà, lo gì không khai ngộ”. Nay tôi cũng bắt chước nối đuôi rằng: “Chỉ cầu tâm bất loạn, chẳng kể thấy, không thấy!”Biết vậy hãy dốc sức nơi đạo tâm hợp với Phật vậy!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần 3

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây