ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT
Vừa nhận được thư, biết Nho - Phật tâm pháp nơi quý địa do một vai ông gánh vác, mừng rỡ, vui sướng không chi bằng. Chuyện ông khen ngợi Bất Huệ gần như rớt vào kiểu cách khách sáo thế tục, khoe mắt cá quý hơn bảo châu, đúng là coi tấc gỗ trội hơn lầu cao khiến người thẹn thùng không chỗ lánh. Quang chỉ là một ông Tăng tầm thường, không có pháp gì để tự dùng, thường ăn xin nơi cửa bậc trưởng giả đại phú, thấy những cơm thừa canh cặn bị vứt bỏ bèn nhặt lấy để tự nuôi thân. Ai không hiềm hôi chua thì cũng đem những thứ ấy trao lại. Từ Úy Như nghĩ những thứ ấy có ích cho người đói nên nhiều lần lưu truyền; tuy ý nghĩa có thể chấp nhận được, nhưng văn từ chẳng đáng xem, chẳng ngờ rốt cuộc làm bẩn mắt xanh của các hạ, cảm thấy hổ thẹn khôn xiết!
Bộ Văn Sao hèn tệ được in hai lần là vì mùa Hè, Úy Như về cưu tang mẹ, rời Bắc Kinh, nhờ người bạn giảo chánh, đối chiếu. Do người hiểu biết ấy không chú tâm, nên đến nỗi sai ngoa mấy mươi chỗ. Mùa Xuân năm ngoái, Úy Như lại yêu cầu Thượng Hải Thương Vụ Ấn Thư Quán in soạn riêng và giữ lại bản lưu (lần này giảo chánh, đối chiếu khá kỹ càng), đến tháng Giêng mùa Xuân năm nay in xong. In được hai ngàn bộ, chưa hết tháng Giêng đã bán sạch. Nhà in bận bịu nên chưa rảnh để in lần nữa. Về sau, do những người muốn thỉnh sách nhiều lần thôi thúc, nhà in bèn thừa dịp rảnh rỗi in trước một ngàn cuốn để cung ứng. Đợi sau này rảnh rỗi sẽ in nhiều hơn, nay kính dâng lên ông hai bộ, mong ông hãy xét duyệt. So với hai lần in ở Bắc Kinh, bản in lần này nhiều hơn ba mươi thiên. Trong bộ sách này, những ý chỉ “chánh tâm thành ý, dốc lòng thành, cạn lòng kính”cũng được phát huy đại lược hòng đối trị thói hướng ngoại mong cầu cũng như cái bệnh phóng túng không kiêng dè của người hiện thời, cũng có ích đôi chút cho người sơ học. Nếu bậc thông Tông, thông Giáo trông thấy không khỏi phát ói. Nhưng nếu quả thật họ ói sạch những thứ thức ăn nặng nề chẳng tiêu của Tông, của Giáo, thì những thứ cơm thừa canh cặn này cũng có thể bồi bổ nguyên khí, đợi khi nào sức lực sung túc sẽ lại dùng tiệc vua thì mới được lợi ích thật sự.
Ở Tứ Xuyên, nếu có những người chẳng hiềm hôi chua thì hãy nên thay cho chi nhánh Thương Vụ Ấn Thư Quán đại diện phát hành ở đó cũng được. Các pháp môn Luật, Giáo, Thiền, Tịnh, pháp nào hợp căn cơ ư? Hãy nên lắng lòng đọc kỹ Tịnh Độ Quyết Nghi Luận[10] sẽ tự biết đại khái; nay tôi chẳng viết kỹ. Còn như bảo dùng Phật pháp hỗ trợ đạo Nho, cùng hành hai pháp ngõ hầu hết thảy mọi người đối với pháp thế gian là chân Nho, đối với pháp xuất thế là chân Thích. Nếu là bậc đại thông gia thì Thiền Tịnh song tu, nhưng phải lấy Tịnh Độ làm chánh. Nếu là hạng người bình thường, cũng bất tất phải nghiên cứu rộng rãi các kinh luận sâu xa, uyên áo, chỉ nên đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương là được rồi! Những người này chẳng bỏ nghiệp tại gia nhưng kiêm tu pháp xuất thế. Tuy dường như là bình thường không kỳ lạ gì, nhưng lợi ích chẳng thể nghĩ bàn! Ấy là vì ngu phu, ngu phụ cắm cúi niệm Phật liền sẽ ngầm thông Phật trí, thầm hợp đạo mầu, so với những bậc đại thông gia dò đoán, suy lường, suốt ngày thần thức miệt mài trong vòng phân biệt, thì lợi ích càng nhiều hơn. Vì thế, ngu phu, ngu phụ niệm Phật dễ được lợi ích. Bậc đại thông gia nếu có thể buông xuống toàn thân, cũng dễ được lợi ích. Nếu chỉ suy lường nghĩa lý sẽ chẳng được lợi ích, trái lại còn thành bệnh, và có kẻ còn chưa được nói đã được, nhập vào bọn cuồng nữa kia!
Một pháp tham Thiền chẳng phải là pháp con người hiện thời nên học. Dù có học cũng chỉ thành tri kiến văn tự, quyết chẳng thể nhanh chóng sáng tỏ tự tâm, đích thân thấy tự tánh. Vì sao vậy? Một là không có thiện tri thức đề trì[11], quyết trạch[12] cho, hai là kẻ học chẳng biết căn cội của Thiền. Tuy gọi là tham Thiền, nhưng thật ra là hiểu lầm. Trong những bài Tông Giáo Bất Nghi Hỗn Lạm Luận (Luận về sự chẳng nên lẫn lộn giữa Tông và Giáo) và Tịnh Độ Quyết Nghi Luận, Quang đã chỉ bày đại khái. Con người hiện thời bất luận thượng, trung, hạ căn đều phải chuyên chú tận lực giữ vẹn luân thường, đề cao lòng kính, giữ lòng thành, tin sâu nhân quả, rộng hành các điều thiện, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Một pháp nhân quả chính là lò luyện lớn lao để nung phàm luyện thánh của thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian. Nếu thoạt đầu chẳng xét thấu nhân quả thì sau khi thông Tông, thông Giáo, vẫn còn có chuyện hiểu lầm nhân quả. Hễ hiểu lầm nhân quả thì đọa lạc ắt có phần, không do đâu siêu thăng được! Đừng cho lý này là thiển cận rồi coi thường. Như Lai thành Chánh Giác, chúng sanh đọa tam đồ đều chẳng ra ngoài nhân quả.
Nhưng phàm phu tâm lượng nhỏ nhoi rất có thể sẽ chẳng lãnh hội được những chuyện đại nhân quả nói trong kinh, nên lấy chuyện nhân quả thế gian làm phương tiện để nhập vào sự thù thắng; như Văn Xương Âm Chất Văn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên v.v… (ở Trung Hoa Thư Cục có Cảm Ứng Thiên Vựng Biên là tác phẩm chú giải bậc nhất về Cảm Ứng Thiên từ xưa đến nay, văn và lý đều hay, có hai bản), hãy đọc nhuần, nghĩ kỹ rồi hành theo thì ai nấy đều có thể thành lương dân, ai nấy đều được liễu sanh thoát tử. Năm ngoái, Quang từng khắc An Sĩ Toàn Thư (trong Văn Sao có hai bài tựa, có thể biết được đại khái), tồn bản ở Dương Châu, các chỗ phát hành kinh đều có lưu thông, quả thật là một bộ sách quan trọng khiến cho đời yên dân lành vậy.
Niệm Phật chú trọng tại vãng sanh, niệm đến cùng cực cũng có thể minh tâm kiến tánh, chứ không phải Niệm Phật hoàn toàn chẳng ích gì cho đời hiện tại. Xưa kia, Minh Giáo Tung thiền sư[13] công khóa mỗi ngày niệm mười vạn thánh hiệu Quán Âm; về sau, đối với mọi kinh sách thế gian không cần đọc đều biết. Nên xem Tịnh Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục mới biết được sự hay khéo của việc niệm Phật, trong bộ Văn Sao dở tệ của Quang từng nhắc đến nhiều lần. Cư sĩ bảo [niệm Phật] là vô ích cho đời hiện tại tức là không những ông chưa thấu hiểu sâu xa các kinh luận Tịnh tông mà đối với bộ Văn Sao của Quang cũng chỉ cưỡi ngựa xem đèn, chưa bỏ công đọc kỹ.
Luật không phải chỉ là những sự việc thuộc về mặt thô mà thôi; nếu chẳng chú trọng lòng kính, giữ lòng thành thì cũng là phạm luật, nhưng nhân quả là cốt lõi của Luật. Nếu ai không biết nhân quả và lầm lẫn nhân quả thì đều là phạm Luật. Người niệm Phật khởi tâm động niệm thường hợp với Phật thì Luật, Giáo, Thiền, Tịnh cùng hành cả. Phải biết: Hết thảy các pháp môn đức Như Lai đã dạy đều phải đoạn Hoặc chứng Chân mới hòng liễu sanh tử, trọn chẳng có chuyện Hoặc nghiệp chưa đoạn mà được liễu thoát.
Riêng trong pháp môn Niệm Phật, người đoạn Hoặc vãng sanh sẽ mau chứng Pháp Thân; người còn đủ Hoặc nghiệp vãng sanh cũng đã siêu lên địa vị thánh. Một đằng cậy vào Tự Lực, một đằng là nương theo Phật Lực, lại kiêm Tự Lực. Hai đằng khó - dễ, khác nào trời với vực. Thường có kẻ thông minh xem tràn lan sách Thiền, biết được mùi vị ấy bèn muốn lấy Thiền làm tánh mạng, muốn làm bậc cao nhân thông suốt. Đấy đều là hạng chẳng biết căn cội của Thiền và Tịnh, lầm lạc tự cho mình là cao quý. Tri kiến như thế trọn chẳng thể nương theo! Nếu nương theo tri kiến ấy, sợ rằng dù trải qua số kiếp nhiều như bụi trần vẫn không có hy vọng gì được liễu sanh thoát tử! Mong hãy xem kỹ bộ Văn Sao của Quang ắt sẽ biết.
Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ hai
Ý kiến bạn đọc